Bây giờ nhắc lại chuyện
“dọn nhà ... dọn cửa” trong những buổi “party” lúc
về hưu thì, chắc theo các anh, cho tôi đang
ngồi nói chuyện đời xưa. Dọn nhà dọn cửa thì có
gì để nói nhỉ?
Ai
mà chẳng biết! Ấy vậy, đối với tôi thì lại khác đấy nhé,
“khối”
chuyện phải nói, phải kể, phải viết ra để than thở, thở than cùng với các anh.
Kể từ ngày tôi về hưu, bạn bè tới nhà ngồi
chơi tán phét, nhậu nhẹt sao cứ triền miên. Mỗi
khi nhà có “party” đông đảo, nhiệm vụ của tôi là cứ phải “dọn nhà dọn cửa”,
mệt “bá thở” chứ chẳng phải chơi đâu. Nếu không có những ngày như thế thì cái chữ hay cái việc “dọn nhà dọn cửa” đúng là xa lạ, nó không hề nằm trong tự
điển ngôn ngữ của tôi, mà nếu có chăng thì nó chỉ nằm trong cái tự điển ngôn
ngữ của “nhà tôi” (vợ tôi).
Tôi nhớ, có một lần, chúng tôi cho mượn
nhà để “Hội Liếm Tem”(1) làm nơi
ra mắt hội viên.
Trước ngày trọng đại diễn ra mấy ngày, nhà tôi cứ lăng xăng và với cái giọng
“sai bảo” ngọt ngào:
- Sáng nay em lo chuyện “đi chợ đi búa”,
anh ở nhà “dọn nhà dọn cửa”, còn chuyện “làm vườn làm tược” thì để đến chiều hay
ngày nào cũng được.
Nàng nói một hơi dài rồi tất tưởi ra đi.
Các anh ơi, cũng kể từ cái ngày về hưu ấy,
tôi cứ tưởng là đã học được nhiều thứ lắm rồi, nào là rửa chén rửa bát, giặt
quần giặt áo, nấu cơm đun nước, vân vân và vân vân, thế mà rút cuộc, hình như vẫn
chưa học được là bao, đúng thật là “bể học mênh mông”.
Tôi cứ ngồi suy nghĩ mãi về những điều
nhà tôi nói. Không biết nàng “đi chợ đi búa” là thế nào nhỉ? Đi chợ thì đã biết
qua, thế còn “đi búa” là đi đâu và làm gì thì tôi
chưa biết. Định mở miệng hỏi thì lại sợ nhà tôi
mắng khéo: “Thế mà cũng đòi làm ...” Nàng thường
ngưng ngang ở đây vì có lẽ nàng cũng còn thương đến cái nghề nghiệp đã nuôi
sống gia đình bao nhiêu năm nay. Phải nói thẳng ra ở đây, mỗi khi tôi làm điều gì hư,
hay hỏng, hay
không đúng ý nàng thì nàng liền
phang ngay cho một câu: “Thế mà
cũng đòi làm ... làm ...” dù rằng có khi câu mắng (yêu!) ấy lại chẳng liên quan gì đến cái nghề nghiệp nào cả. Thôi thì “đi búa”
là đi đâu cũng mặc kệ, lỡ hỏi ra, tiếng “búa” lại dính líu tới cái búa cái kìm thuộc
nghề nghiệp quen thuộc của mình thì quê quá.
Còn cái chuyện “dọn nhà dọn cửa” nhà tôi
sai bảo thì phải làm ra sao đây nhỉ? Dọn
nhà thì tôi cũng đã biết qua, dọn nhà là cái gì không nằm trong gầm giường thì
nhét vào gầm giường, cái gì không ở trong closet thì đút vào closet,
cái gì không vừa gầm giường hay vừa closet
hay cả hai nơi ấy đã đầy thì đem chúng ra ngoài garage. Những cái gì không thể dấu hay cất vào ba nơi ấy được thì lấy chăn phủ lên ngụy
trang. “Dọn nhà” là chỉ có bấy nhiêu việc, dễ mà. Còn cái chuyện “dọn cửa” thì
tôi cứ phân vân mãi, nghĩ nát óc mà vẫn không ra. Hỏi thì không dám hỏi, làm
thì không biết mình phải làm ra sao? Chả nhẽ lại tháo cái bản lề đem cửa đi
cất. Khó thật!
Lại còn cái chuyện “làm vườn làm tược” buổi
chiều! Làm vườn thì tôi biết là trồng cây, tỉa
lá, cắt cỏ, trồng hoa . . . Thế còn “làm tược” là nàng muốn làm gì đây nhỉ? Hay
là nàng muốn chặt hết cây trong vườn đi cho gọn. Nếu như thế thì tôi hoan
nghênh ngay đấy, cũng dễ, nhưng nếu
như không phải chặt đi mà lại là trồng thêm thì thật nguy quá. Cho chắc ăn, tôi
hãy cứ làm những gì mình biết và cứ kéo dài nó ra cho đủ một ngày.
Rồi sang ngày thứ hai, cũng như hôm
trước, sáng sớm, trước khi nhà tôi dời khỏi nhà để “đi chợ đi búa”
nàng
không quên dặn dò mọi thứ phải làm. Nàng dặn nhiều thứ quá đến nỗi tôi phải ghi
xuống giấy. Cứ theo cái danh sách dài dằng dặc này thì kể như một ngày nghỉ ngơi "đi đoong" mất
rồi. Thế cũng còn chưa đủ đâu đấy nhé, ngồi trong xe, trước khi lái ra chợ nhà
tôi còn dặn với theo:
- “Quét tước” nhà cửa cho sạch sẽ đấy
nhé. Ở nhà “làm lụng” cho tốt, em
mua quà về thưởng.
Thôi em đi, tí nữa em về!
Nghe nàng nói một hơi làm tôi chóng mặt,
nhưng như chợt nhớ ra điều gì, tôi hốt hoảng chạy theo hỏi với:
- “Quét tước” là quét cái gì? “Làm lụng”
là làm cái gì nữa mà phải tốt với
xấu?
Nhà
tôi cười cười nói vọng lại:
- Quét tước là quét hết, quét tuốt tuồn tuột!
Chưa giải thích thêm về hai chữ “làm lụng”
là gì thì nàng đã rú ga chạy thẳng để lại phía sau tiếng rít của bánh xe trên
mặt đường với làn khói khét cùng với anh chồng đang ngớ ngẩn nhìn theo.
Cứ theo lời vợ giải thích, quét tước là
quét hết, quét tuốt tuồn tuột, chỗ nào có thể để lọt cái chổi vào là phải quét.
Thế này thì cứ gọi quét đến mai, họp mặt xong rồi vẫn còn phải quét. Tôi biết
đây là cái định nghĩa rất ư "bách
khoa tự điển" của người đàn bà có uy quyền, nhất là uy quyền dành cho ông
chồng đã về hưu, không cho ông có nhiều thì giờ rảnh rỗi để ngồi hàng giờ viết
thư tán nhảm hay lén nhẩy hàng rào sang nhà hàng xóm ngồi nghe các cô ngâm Kiều (với cái giọng nằng nặng):
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
(xin đọc chữ “khi” thành “khỉ”)
Qua giọng ngâm
của các nàng, nếu
ai không biết truyện Kiều thì cứ tưởng là hai câu thơ ấy tả về bốn con khỉ mất
rồi (Xin lỗi, chỉ viết cho vui).
Nghĩ đến thân phận mình, tôi chợt nhớ đến
bốn câu thơ của vị đại trượng phu hảo hán nào đó:
Sung sướng thay phận đàn bà,
Đi đâu cũng được người ta làm chồng.
Đau đớn thay phận đàn ông,
Đi
đâu cũng bị làm chồng người ta.
Cái kiếp “làm chồng” người ta quả thật
không dễ dàng gì. Vợ đã nói thế nào thì nó phải là như thế, nó là một thứ chân
lý bất biến, các ông chồng chỉ biết nghe và nhắm mắt thi hành. Thắc mắc là manh
nha có tư tưởng xét lại, là phản động, phản cách mạng, là đi ngược với trào lưu
tiến hóa của loài người và ... là ... là ... con “bú
dù” (con khỉ) của cụ Nguyễn Du.
Tôi thất thểu bước vào nhà lòng đầy bâng
khuâng, cứ tự trách mình tại sao lại ngớ ngẩn đi hỏi “quét tước” làm gì cho mệt
cái thân. Có gì đâu, cứ cho “quét tước” là quét mặt bàn, bao nhiêu mặt bàn
trong nhà tiện tay khi quét nhà, ta quét cho bằng hết. Nàng có hỏi thì cứ cắt
nghĩa chữ "tước" có nghĩa là "bàn" theo tự điển tiếng Nga thời Nga hoàng là xong.
Con mèo quấn vào chân kêu "meo
meo" vài tiếng thân thiện làm tôi thức tỉnh và cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Tôi khẽ xoa đầu nó rồi xắn áo bắt tay vào việc, làm việc hăng say như cái máy
mới được “rebuilt engine”.
Mọi thứ ngổn ngang trong nhà, kể từ ngày hôm
qua, chúng đã có chỗ yên vị trong gầm giường, trong closet và ngoài garage cả rồi. Đến phần “quét tước” hôm nay thì
cũng dễ thôi, cứ lùa rác vào những nơi nào ta có thể lùa vào được như gầm
giường, gầm tủ chẳng hạn, vừa tiện lợi lại vừa có vẻ khoa học, còn kỳ dư chút
ít thì hốt bỏ vào thùng rác. Chỉ có mỗi một nơi mà tôi cho là đáng ngại hơn cả,
đó là cái nóc nhà. Đã gọi là quét tuốt tuồn tuột thì không thể không kể
đến cái nóc nhà được. Thú thật, khi còn trẻ thì tôi đâu có coi ra gì ba cái
lẻ tẻ này, nhưng kể từ ngày về hưu, cái vườn sao như cứ rộng ra, cái nóc nhà
sao như cứ cao lên và đặc biệt cái thang để trèo lên nóc nhà sao như cứ mỏng
manh đi. Hễ trèo lên được mấy nấc thang là tôi đã thấy cái cảm giác lành lạnh,
tê tê, buồn buồn, bủn rủn như bị ai
cù dưới lòng bàn chân mình vậy. Thôi
vợ đã bảo làm thì ta cứ làm, dù có phải làm Lê Lai thì cũng xin liều mình cứu chúa.
Chỉ có điều tôi sợ nhất là biết đâu cô hàng xóm đứng đâu đây nhìn thấy mình run
rẩy trên cao, mỉm cười hóm hỉnh quay đi.
Thế còn “làm lụng” là làm gì đây? Làm
vườn, làm nhà, làm cửa, ngay cả làm bếp thì nay tôi đã biết rành rọt cả rồi.
Còn nào là biết ngay cả:
- “đi làm đi ăn”
là đi làm rồi đi ăn.
- “đi làm ăn”
là vừa đi, vừa làm, vừa ăn cùng một lúc.
Dễ hiểu quá mà!
Thế còn “làm lụng” là làm cái quái gì mà
khi làm tốt thì lại được vợ thưởng quà. Cả cái cô hàng xóm vô duyên kia nữa,
vừa nghe thấy nhà tôi hứa cho quà, cô ấy cũng đứng trước sân nhà mình cong cớn nói đỏng "Anh làm
lụng tốt cho em, em cũng thưởng". Cứ nhìn nét mặt của cô, tôi cũng đoán
nếu không đứng cách xa mấy cái sân thì cô đã xỉa xói, dí ngón tay vào trán tôi
khi nói câu ấy rồi. Với tấm thân "to lớn đẫy đà làm sao" của cô thì
chỉ cần một cái dí trán nhẹ thôi cũng đủ làm cho tôi bị bẹp dính vào tường, phải
đợi vợ bóc ra đem về. “Làm lụng” là làm cái quái gì
mà ghê thế nhỉ? Thôi, cứ để hạ hồi phân
giải.
Các anh thấy không, tôi thật vất vả với
những ngôn từ rắc rối của cuộc đời. Rắc rối như cô hàng xóm nhà tôi thường hay
bị các bà dự “party” mắng: “Vừa ăn
xong là cắp đít đi về”. Thế là thế
nào nhỉ? Cái gì ở trên đầu thì gọi là đội, ở trên vai thì gọi là khiêng
hay vác, ở trên lưng thì gọi là cõng, ở nách thì gọi là cắp,
ở trên tay thì gọi là xách. Còn tự mình “cắp đít” đi về, cô hàng xóm nhà
tôi làm xiếc à? Cứ như các cụ ta thường
hay nói xách đít, cắp đít, vác đít đi
về, chắc là các cụ muốn nói đến cái nặng nhẹ, cái bề thế của nó chăng?
[Cười.] Khó quá, tôi xin chịu thua, thua
như mấy thằng Tây học tiếng Việt vậy.
Xin trở lại câu chuyện. Tối hôm ấy, không
biết cái đêm hôm ấy đêm gì mà tôi cứ
trằn trọc không sao ngủ được. Tôi nằm chờ đợi mãi mà không thấy nhà tôi hỏi han
gì về kết quả tốt xấu của việc “làm lụng” đó và cũng chẳng thấy nhắc nhở gì về
món quà nàng thưởng. Nửa định hỏi, nửa lại thôi. Mùi thịt bò kho thơm phức đang
sôi trong nồi “slow cooker” trong bếp đưa tôi vào giấc ngủ, chập chờn lúc tỉnh
lúc mơ. Có lúc tôi mơ thấy mình lò mò đi lục nồi thịt bò kho ăn vụng, lén lén
lút lút như có lần giận vợ, dỗi cơm, nửa đêm bị vợ bắt quả tang đang lục nồi
cơm nguội. Có lúc tôi mơ thấy mấy cô hàng xóm cúi xuống nhìn mình cười sằng
sặc, văng cả nước bọt (nước miếng) vào mặt, sợ quá tỉnh dậy,
tỉnh
dậy rồi lại thiếp đi vào những cơn ác mộng.
Rồi chuyện gì mong đến đã đến: ngày ra mắt
của
“Hội Liếm Tem”.
Một buổi sáng đẹp trời, bầu trời xanh
ngắt không một bóng mây. Những bông hoa quỳnh (loại Mỹ) xen lẫn với những bông
hoa hồng đang nở rộ ngoài sân. Tôi tỉnh dậy khi đồng hồ đủng đỉnh điểm 8 tiếng
thảnh thơi. Nhà tôi đã đi đâu và vẫn còn để vương lại trên bếp vài thứ còn đương
nấu dở dang. Tôi tự pha cho mình một cốc nước trà sâm bột uống cho lại sức. Vừa
nhâm nhi cốc trà vừa ngắm nhìn hai con tò vò đang bay lượn quanh cái tổ chúng
xây bên thành cửa sổ. Tôi thả hồn
theo mấy vần thơ lãng mạn và nhớ tới vài câu ca dao của các cụ để lại cho hậu thế,
mỗi khi đọc tới không thể nhịn cười:
Vô duyên, vô phúc!
Múc phải anh chồng già.
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng,
Ấy cái nợ truyền kiếp, có phải chồng em đâu!
Bữa cơm múc nước rửa râu,
Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm.
Đêm đêm dắt cụ đi nằm,
Than thân phận gái ôm lưng lão già.
Ông ơi, ông buông tôi ra,
Kẻo ai trông thấy, người ta chê cười.
Lấy chồng chẳng đáng mặt chồng,
Đêm nằm tơ tưởng ngỡ ông láng giềng.
Đang lâng lâng với những bài ca dao mộc
mạc chân quê thì tôi chợt nghe thấy ngoài cửa:
- "Mu" (move) sang bên phải, "mu" sang bên trái một tí, tí nữa, tí nữa, được rồi, đâm thẳng vào. Lọt rồi!
Rồi những tiếng ì ạch, hổn hển vang lên
lẫn với tiếng vui mừng. Té ra đó là tiếng của các ngài trong Ban tổ chức của “Hội
Liếm Tem” đang khuân chiếc "NGÀ VOI" (ý nói vác việc chùa, việc không
công) vào nhà. Tôi xớ rớ chạy ra thấy hai ngài Hội trưởng và Hội
phó đang chân nam đá chân xiêu, lạng quạng, ngả nghiêng, xiêu vẹo, chậm
chạp tiến từng bước một như người xuống tấn. Thấy
hai ngài vất vả, lòng chợt từ bi bất ngờ (TCS),
tôi muốn thò tay giúp sức, nhưng phân vân không biết phải giúp đầu nào nhẹ hơn,
hình như đầu nào cũng nặng như nhau thì phải. Lại còn sợ mất lòng nhau, giúp
ngài này thì sợ mất lòng ngài kia nên tôi cứ chạy luẩn quẩn vòng ngoài hỗ trợ
tinh thần:
-
Cố lên các anh ơi! Tới đến nơi rồi! Sắp tới rồi! ...
Và một điều không thể quên dặn hai ngài,
nên tôi luôn nhắc nhở:
- Coi chừng trầy! Trầy! Trầy, trầy hết
bây giờ.
Ngài Hội phó điên tiết hỏi:
- Trầy cái gì?
Sợ
ngài Hội phó hiểu nhầm là tôi sợ trầy cái "ngà voi" nên tôi liền vội chỉ xuống chân:
- Sàn! Sàn! Cái sàn gỗ!
Tôi chưa kịp dứt lời thì ngài Hội trưởng
thét lên:
- Mẹ!
Rầm! Thế là ngài ngã lăn đùng, hai vó chổng
lên trời, nhưng hai tay vẫn kịp nâng cái "ngà voi". Tôi cứ phân vân trong lòng, chữ "Mẹ" ngài dùng
là dành cho ai, cho tôi vì sợ trầy
sàn gỗ, hay cho cái "ngà voi" quá nặng
so với tuổi tác của ngài. Cuối cùng, chiếc
"ngà voi" cũng được an vị nơi dành riêng cho nó, giữa nhà.
Hai ngài ngồi thở. Sau khi lấy lại sức,
trên nét mặt hai ngài vẫn thấy có nét buồn buồn. Lại một lần nữa, tiếng
"Mẹ" được phát ra. Hai ngài lầm bầm thều thào, phải lắng nghe lắm mới
rõ:
- Nó chơi như thế thì chơi với ai.
- Chơi như "xê" ấy!
À ra hai ngài đang nói về kết quả trận bóng rổ
của Laker và Detroit đang chiếu trên TV. Nay thì tôi đã biết chữ "Mẹ"
của ngài Hội trưởng đã dành cho ai và cũng hiểu tại sao bỗng nhiên ngài ngã bổ
chổng, bổ nhào: Laker thua!
Câu chuyện rủ rỉ rù rì ấy chẳng được bao lâu,
ngài Hội phó đã bắt đầu "kéo gỗ" (ngủ).
Kỳ này ngài Phó kéo gỗ một mình nên dù ngài có
thua cũng vẫn được ăn cơm vua theo đúng tinh thần:
Kéo cưa lừa xẻ,
Ông thợ nào khỏe
Thì ăn cơm vua.
Ngài
Hội trưởng thảnh thơi ra vuốt
đuôi mấy con mèo con ngoài vườn.
Thời giờ thấm thoắt trôi nhanh. Các hội
viên đã lục tục, kẻ trước người sau, kéo đến họp mặt. Ban tổ chức lo phần ẩm
thực. "Mâm cỗ" đã đầy ăm ắp được mọi người xúm vào bầy biện trang
hoàng. Ôi “mâm cỗ” và cái "ngà voi" rực rỡ làm sao. Trong khi đó, mọi
người quên đi cái nóng nực, ai nấy đều tay bắt mặt mừng hàn huyên trò chuyện
vang cả góc trời, rung cả góc nhà.
Thế rồi cuộc vui nào cũng phải có lúc
tàn. Sau vài giờ họp mặt, các “quý khách” cũng bắt đầu lục tục
ra về.
Những bịch rác lớn ở lại,
mối ưu tư lớn nhất của gia chủ. Thế là hôm nay tôi lại có dịp làm công tác
ngoại giao với những ông, những bà và những cô hàng xóm để cho gửi nhờ đám rác
này vào thùng rác của họ.
Nói đến chuyện gửi rác, tôi chợt sực nhớ vào mấy tháng trước, cũng nhân có buổi
họp mặt bạn bè đông đảo ở nhà tôi. Vì rác nhiều quá nên đành phải đem gửi nhờ sang
những nhà hàng xóm. Và cũng vì
đám rác này, tôi mới khám phá ra một điều, văn hoá đấy
nhé, khiếp chưa: mỗi thùng rác, nó đều chứa đựng bóng dáng của văn hoá, của chủng tộc, của đời sống sinh
hoạt hàng ngày khác nhau trong đó. Nhờ có đi gửi rác sang nhà ông hàng xóm liền
vách, tôi mới biết ông bà ta là người Việt Nam mà trước đây cứ tưởng là Chinese
vì ngoài cái mùi “seafood”, đầu tôm đuôi cá để lâu ngày, lại thêm cái vỏ chai
nước mắm hiệu “ba con cua” hay “con mực” gì đó. Và từ hôm ấy, mỗi khi gặp gia
chủ hàng xóm, tôi chào anh chào chị chứ không chào
“hai” (Hi) hay “ba” theo kiểu Mỹ một cách máy móc vô duyên như trước nữa.
Có vị thiền sư nói: “Trong thùng rác có
bóng dáng của bông hồng, và trong bông hồng có bóng dáng của thùng rác. Rác là
phân bón cho cây hồng trổ bông và trong bông hồng có hình bóng của thùng rác vì
cái tính vô thường của nó. Khi hoa hồng tàn thì nó trở lại thùng rác như lá
rụng về cội vậy” Vị thiền sư nói như thế không sai vì ông nhìn thùng
rác qua tính “nhất nguyên”
của
triết lý Đông phương hay triết lý “bất nhị”
của
nhà Phật. Với tôi, còn hơn thế nữa, thùng rác còn mang cả “văn
hoá, chủng tộc” nữa đấy. Khiếp chưa!
Cũng như những lần trước, lần họp mặt này,
tôi cũng không thể không đem gửi rác sang nhà hàng xóm. Ông bà hàng xóm, kể từ
ngày biết nhau cùng là người Việt cả nên đối xử với nhau thật là thân thiện theo
đúng tinh thần đồng hương, tinh thần làng xóm tối lửa
tắt đèn có nhau. Khi tôi vừa ngỏ ý
muốn gửi mấy bao rác thì ông bà vui vẻ chấp thuận ngay. Ông niềm nở:
- Xin ông cứ tự nhiên, hàng xóm với nhau
cả mà. Nếu thùng đựng rác nhà tôi
đầy rồi thì ông cứ
tự tiện đổ rác vào thùng “recycle”, mà nếu thùng “recycle” có đầy nữa thì đổ
sang thùng "cây xanh", hai thùng ấy lớn đựng được nhiều rác lắm. Ông
hăng hái nói một hơi.
À ra thế, các anh ơi, là ra thế đấy!
Tinh thần thực dụng của ông hàng xóm nhà tôi thật đầy sáng tạo, dám nghĩ dám
làm, dám làm vì không sợ bị phạt. Phải chi ông còn ở Việt Nam, tổ dân phố đã
bình bầu cho ông được bằng "tiên tiến" về sáng kiến này rồi.
Còn các cô hàng xóm thì sao? Thôi thì
cũng đủ loại cả đấy, cô Mộng
béo tròn ở đầu ngõ, cô Đẹt gầy tong gầy teo ở cuối ngõ, còn
ba cô xinh đẹp ở đối diện nhà tôi thon thả làm sao. Như đã nói với các anh ở trên,
tôi đã khám phá ra sự hiện diện của văn hoá lẫn chủng tộc trong
thùng rác, lần này lại tìm được một khám phá mới
trong ấy, đó là chế độ ăn uống. Nhìn
vào thùng rác của cô đẫy đà đầu ngõ thì lúc nào cũng đầy ăm ắp không còn chỗ
nào mà ních; cô cuối ngõ gầy teo thì thùng rác chỉ toàn thấy rau với cỏ,
trống tuếch trống toác tha hồ mà nhồi, mà nhét, mà tống rác vào; còn ba cô thon
thả trước nhà thì thùng rác lúc nào cũng ở bậc trung trung, nó cũng thon thả
như ba cô ấy nên tôi chỉ có thể “nhờ” được một mớ.
Và
các cô lúc nào cũng luôn hớn hở “welcome”.
Nhưng kể cũng
tội, có hôm, các cô hàng xóm cứ đứng ôm thùng rác đợi tôi sang đổ rác nhờ. Tôi không sang, các cô tiu nghỉu, đứng lườm nguýt nhau rồi bỏ vào nhà. [Cười!]
Thôi tôi xin ngừng câu chuyện kể lể lòng
vòng, tào lao thiên địa ở đây với những sự việc đầy hư cấu, viết cho vui theo đúng tinh thần tưởng
tượng của nhà văn Jules Verne và theo đúng tinh thần của cụ Nguyễn Du:
Lời
quê chắp nhặt dông dài
Mua
vui cũng được một vài trống canh. (Câu này thì không bảo đảm)
Khi có thêm kinh nghiệm về “về hưu” nào nữa, tôi sẽ xin kể các anh nghe sau nhé.
. . .
Gia tài của vợ để lại cho ta,
Gia tài của vợ một khối việc nhà
. . .
Dạy cho con biết quý vợ nhà
Dạy cho con biết như người cha
Con biết như người cha, vui việc nhà.
(trên NET - vô danh)
NGUYỄN GIỤ HÙNG
No comments:
Post a Comment