Pages

Tuesday, May 9, 2023

Người Khách Đi Xe - Thảo Lan

(Hình minh họa)

Trung chạy xích lô cũng hơn ba năm nay. Thời buổi khó khăn, gốc là lính Quốc Gia nên chỉ có chạy xích lô là dễ dàng cho Trung kiếm tiền phụ giúp gia đình nhất. Trung cũng không đủ tiền vốn để mua một chiếc xích lô mà phải mướn xe chạy từng ngày. Thường Trung chạy từ sáng sớm đến tối mịt mới đem trả xe. Hôm nay cuốc xe cuối của Trung là đưa một người khách về một con hẻm ở gần cổng xe lửa số 6. Con hẻm khá hẹp mà một bên là dãy nhà gạch còn một bên là khu nghĩa trang hoang vắng. Khi quay trở ra thì có một người đàn ông đứng ở ven đường vẫy tay gọi xe. Mặc dù đã mệt mỏi vì cả ngày chạy bao nhiêu cuốc xe rồi nhưng sẵn có khách gọi nên Trung cũng ghé lại hỏi:

- Đi về đâu vậy anh?

Người thanh niên cũng cỡ trạc tuổi Trung có gương mặt khắc khổ và hơi xanh xao dưới ánh đèn yếu ớt từ các ngôi nhà gần đó chiếu ra không đủ soi rõ mặt. Người thanh niên cất tiếng.

- Anh chở tôi ra xa cảng miền Tây được không?

Từ đây đến đó khá xa nhưng dù sao cũng tiện hướng đi về nhà Trung nên anh nhận lời. Sau khi hai bên đồng ý giá cả thì người thanh niên lên xe cho Trung chở. Trung ngạc nhiên vì người thanh niên tướng tá cũng cao ráo tuy có hơi gầy nhưng không ngờ lại nhẹ như vậy. Mặc dù đã là cuối ngày nhưng Trung vẫn đạp xe băng băng như không hề chở ai đằng trước. Suốt thời gian lên xe người khách không hề lên tiếng và cứ ngồi yên lặng gần như không cử động. Lúc này Trung cũng mệt nên cảm thấy như thế cũng may khỏi phải bắt chuyện với khách. Thật sự khi chạy những cuốc đường dài gặp khách vui vẻ nói chuyện rôm rả cũng khiến Trung cảm thấy con đường được rút ngắn đi nhiều. Tuy nhiên đôi khi gặp khách nhiều chuyện nói huyên thuyên nhiều quá thì Trung cũng không thích lắm.

Đến nơi người khách xuống xe trả tiền rồi bỏ đi. Đến lúc này Trung tự dưng thấy ớn lạnh trong người. Anh nghĩ có lẽ mình lao lực quá sức nên muốn cảm nên cố gắng đạp xe thật nhanh về trả xe cho chủ rồi về nhà ăn uống qua loa, tắm rửa rồi đi nằm. Ngày hôm sau, sau khi ngủ qua một giấc thì Trung cảm thấy khỏe khoắn như bình thường. Trước khi rời nhà để đi lấy xe, anh sực nhớ nên móc ví đưa gần hết số tiền chạy được ngày hôm qua cho mẹ để làm tiền chợ. Trung chỉ giữ lại một ít để dằn túi cũng như để phòng xa phải thối tiền lại cho khách.

Sáng chạy vài vòng các đường phố trên Sài Gòn Trung mới gặp được người khách mở hàng kêu anh chở vào Phú Nhuận. Khi móc tiền ra để thối lại cho khách Trung mới chợt nhận thấy trong mớ tiền trong ví của mình có một tờ tiền vàng mã. Trung ngạc nhiên lắm. Tối đó khi về nhà anh hỏi mẹ xem trong mớ tiền mình đưa ban sáng có thêm tờ tiền vàng mã nào không. Bao lâu nay tiền Trung đưa về thỉnh thoảng có ngày mẹ anh vẫn cất để dành chứ không đụng đến nếu trong nhà không thiếu hụt. Mỗi ngày mẹ Trung vẫn ngồi lê la vài tiếng ngoài chợ bán quần áo cũ để kiếm thêm chút đỉnh. Hơn nữa em gái Trung làm công nhân dệt nên cũng ít nhiều phụ giúp được gia đình. Tiền Trung chạy xích lô mẹ anh thường hay cất giữ để dành sau này có việc gì trọng đại, như cưới vợ cho anh chẳng hạn, thì còn có món để chi tiêu.

Khi nghe Trung hỏi lúc đó mẹ anh mới mở tủ ra kiểm lại chỗ tiền anh đưa hồi sáng. Bên trong mớ tiền đó cũng có vài tờ tiền vàng mã. Hai mẹ con thẫn thờ chưa hiểu chuyện gì thì Trung đã lên tiếng.

- Vậy là hôm qua có đứa nào nó lừa đưa tiền vàng mã cho con rồi. Thiệt tình cái thời buổi gì mà cứ lừa lọc người ta tùm lum. Riết rồi không ai dám tin ai nữa.

Mấy hôm sau trong một cuốc xe cuối ngày chở khách về xa cảng miền Tây, Trung gặp lại người khách hôm trước. Lúc đó Trung đang trên đường dự tính về trả xe thì có người thanh niên đứng dưới gốc cây sao lớn bên vệ đường vẫy. Trung tắp xe vô lề hỏi:

- Đi về đâu anh Hai?

- Cho tôi về đường Thiệu Trị khúc cổng xe lửa số 6.

Đến lúc này thì Trung mới nhận ra người khách mà anh chở cách đây mấy hôm từ khu cổng xe lửa số 6 về đây. Một phần người thanh niên ban đầu đứng dưới gốc cây lớn nên ánh đèn đường không chiếu tới. Mãi khi người thanh niên lên tiếng anh mới nhận ra cái giọng khàn khàn nhất là cũng vẫn bộ quần áo lính cũ sờn rách mà rất ít người dám mặc nguyên bộ vào thời đó. Như Trung cũng vẫn còn giữ vài bộ đồ lính ngày xưa của mình nhưng thường trong lúc đạp xích lô anh chỉ mặc hoặc quần hoặc áo chứ ít khi mặc nguyên bộ.

Cũng vẫn như lần trước khi lên xe người thanh niên cứ yên lặng không nói năng gì. Và cũng từa tựa lần trước, chở người khách này Trung cảm thấy nhẹ tênh như chở một đứa nhỏ. Đạp được một quãng Trung lên tiếng hỏi:

- Thấy bộ đồ anh mặc tui đoán anh cũng là lính mình ngày xưa. Tui cũng vậy. Dân sư đoàn 18 nè. Còn anh đơn vị nào?

Mãi vài giây sau người thanh niên mới cất giọng khàn khàn:

- Tôi cũng sư đoàn 18 thuộc trung đoàn 43 của đại tá Hiếu.

Trung mừng quá nói huyên thuyên.

- Tui thuộc trung đoàn 52 nè. Trời vậy là gặp chiến hữu mà không hay. À quên xin lỗi không hỏi anh cấp bậc gì để dễ xưng hô. Tui chỉ là hạ sĩ quèn thôi nên nhờ vậy giờ mới đạp xích lô chứ không thôi cũng đang mút mùa ở trại tù nào rồi.

Người thanh niên ậm ừ một lát rồi nói bâng quơ.

- Thôi chuyện qua rồi đừng nhắc nữa anh.

Trung bỗng cụt hứng không muốn hỏi han gì thêm nữa. Vừa đạp xe Trung vừa ngẫm nghĩ, “có khi nào anh chàng này ba xạo nói bừa không ta”, “hay cũng có thể anh ta sợ không tin tưởng mình”. Nghĩ như vậy Trung đỡ cảm thấy bực bội trong lòng như trước đây vài giây. Anh nghĩ thêm, “chắc không phải xạo rồi vì nếu không làm sao anh ta biết được trung đoàn 43 của đại tá Hiếu chứ?”. Mặc dù không nằm dưới đơn vị của đại tá Hiếu nhưng anh cũng biết tên các vị chỉ huy khác của sư đoàn.

Cả hai im lặng cho đến khi xe rẽ vô con hẻm nhỏ mà một bên là nhà và bên kia là nghĩa trang. Người thanh niên dơ tay làm hiệu cho Trung dừng lại. Anh bước xuống và dúi vào tay Trung một nắm tiền giấy. Trung tính trả lại vì anh muốn giúp đỡ cho người chiến hữu sát cánh trong lửa đạn cùng đơn vị với mình ngày xưa nhưng người thanh niên đã đi băng băng vào hướng nghĩa trang. Trung nhét tiền vô túi và hơi ngạc nhiên vì trước giờ cứ ngỡ nhà anh ta phải ở phía bên này thay vì đi sâu vô khu nghĩa trang tăm tối đó.

Về đến nhà, như mọi bữa Trung lấy tiền trong ví ra đưa cho mẹ. Khi mẹ anh chìa tay ra đón thì cả hai bỗng giật mình vì trong mớ tiền đó lại có vài tờ tiền vàng mã. Đến lúc này thì Trung bỗng cảm thấy lạnh xương sống khi nghĩ ngay đến người thanh niên vừa rồi. Hèn gì mà lần nào chở anh ta cũng nhẹ tênh. Trung kể đầu đuôi cho mẹ mình nghe về người khách mà anh đã chở hai lần giữa nghĩa trang và Xa cảng miền Tây. Mẹ anh trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:

- Mẹ nghĩ hồn anh ta còn có điều gì khúc mắc nên chưa siêu thoát. Hơn nữa có thể anh ta và con cũng có một chút duyên nên mới hai lần cho con gặp mặt. Mẹ nghĩ có lẽ mộ anh ta nằm ở nghĩa trang đó. Khi nào rảnh mẹ con mình ghé đó xem sao. Con có nhớ mặt anh ta chứ.

- Hy vọng xem hình trên bia mộ thì con sẽ nhận ra chứ giờ bảo nhớ thì con cũng không dám chắc vì cả hai lần anh ta đều đón xe trong bóng tối và sau đó thì đi rất nhanh.

Ngày hôm sau, sau khi chạy được vài cuốc xe kiếm đủ sở hụi tiền mướn xe Trung quay về nhà chở mẹ đến khu nghĩa trang ở khu cổng xe lửa số 6 để tìm môt cách hú họa. Nghĩa trang tuy nhỏ nhưng đi tìm kiếm ở từng ngôi mộ thì cũng không phải dễ dàng. Hơn nữa có những chỗ chật hẹp xe xích lô không vào được, Trung phải chờ bên ngoài để một mình mẹ anh đi vào tìm kiếm. Sau hơn một tiếng rà soát, hai mẹ con tính bỏ cuộc quay ra thì bỗng dưng ngay trước mặt Trung là một tấm bia không hình ảnh. Đó là lý do tại sao ban đầu hai mẹ con không để ý tới. Trên tấm bia ghi rõ:

Thiếu Úy Nguyễn Văn Ngọc

Mất ngày 30-4-1975

Tấm bia không ghi ngày sinh mà chỉ có ngày mất. Tự dưng Trung có linh tính đây chính là người lính cùng sư đoàn mà anh đã chở hai lần trước đây. Anh đón lấy bó nhang mẹ anh đem theo và đốt lên cắm xuống ngôi mộ và bắt đầu khấn.

- Xin lỗi thiếu úy. Hai lần chạm mặt mà không biết thiếu úy là cấp trên của em. Lòng thành chỉ có nén nhang này thắp cho thiếu úy. Xin thiếu úy cho phép em gọi thiếu úy là ông thầy cho thân mật. Ông thầy có sống khôn thác thiêng xin báo cho thằng em này biết để có điều gì có thể làm được thì thằng em này sẽ làm cho ông thầy.

Trước khi ra về, Trung đốt một điếu thuốc và cắm xuống bát nhang của ngôi mộ rồi đứng nghiêm chào đúng phong cách một người lính chào cấp trên của mình. Mấy hôm sau đó Trung cố tình né không chạy xe về khu cổng xe lửa số 6 cũng như Xa cảng miền Tây vào những khi tối trời vì cứ nghĩ nếu ông thiếu úy đó ra đón xe nữa thì không biết Trung sẽ sử xự ra sao. Một mặt đã khấn trước mộ người ta là có điều gì thì sẵn sàng làm giúp. Một mặt cứ nghĩ đến nếu giáp mặt với hồn ma lần nữa thì Trung cứ thấy lạnh xương sống.

Chả mấy chốc mà Tết đã gần kề. Mặc dù khi ấy ai nấy đều nhem nhuốc khổ sở nhưng vẫn cố gắng tạo nên một cái không khí Tết cho vui vẻ. Chợ búa cũng nhộn nhịp hơn bình thuờng. Nhìn những bó hoa vạn thọ bày bán khắp nơi Trung bỗng nhớ đến ngôi mộ của thiếu úy Ngọc. Anh ghé vào mua một bó cúc vạn thọ và bó nhang rồi đạp xe đến nghĩa trang. Từ xa Trung đã ngạc nhiên khi thấy trên mộ của thiếu úy Ngọc có ba nén hương còn nghi ngút khói và có cả đĩa trái cây. Nhìn quanh gần đó chỉ có một người đàn bà trạc tuổi mẹ Trung đang lom khom cắm nhang vào các ngôi mộ xung quanh. Trung lên tiếng hỏi.

- Thím Hai ơi. Có phải thím là người nhà của thiếu úy Ngọc nằm ở đây không?

Người đàn bà đang chăm chú cắm nhang bỗng giật mình ngẩng lên nhìn Trung rồi trả lời:

- Không phải.

Rồi bà ta đổi qua nét mặt có vẻ mừng rỡ và hỏi lại Trung:

- Vậy cậu là người nhà của người nằm nơi đây hả?

- Dạ không phải.

Đến đây thì cả hai cùng chưng hửng ngượng ngập không biết nói gì thêm. Một lát sau Trung hỏi:

- Vậy có phải đĩa trái cây này của thím Hai không? Thím Hai không quen biết mà sao đem trái cây đến ngôi mộ này cúng vậy?

Người đàn bà nhìn bó cúc vạn thọ và bó nhang trên tay Trung rồi hỏi ngược lại:

- Còn cậu hình như cũng đem hương hoa đến viếng ngôi mộ này đúng không? Cậu quen biết ra sao với người mất mà lại làm vậy?

Đến đây Trung quyết định kể cho người đàn bà nghe về câu chuyện của mình mặc dù không biết người ta sẽ tin hay không. Người đàn bà trầm ngâm một lát rồi nói với Trung.

- Chuyện dài dòng lắm. Nhà tôi cũng gần đây thôi, cậu nếu rảnh ghé qua tôi sẽ kể đầu đuôi cho nghe.

Trung dạ rồi đốt vội ba nén hương, cắm bó vạn thọ xuống ngôi mộ rồi lễ cẩn thận. Trước khi đi anh cũng không quên đốt một điếu thuốc mời người thiếu úy dưới mồ.

Sẵn xe xích lô Trung chở người đàn bà về nhà chỉ cách đó chừng trăm thước. Tại đây anh được người đàn bà đưa cho tấm thẻ bài mang tên Nguyễn Văn Ngọc và kể cho nghe câu chuyện bi tráng của những giây phút cuối đời của người lính này. Theo người đàn bà thì trưa ngày 30 tháng 4 thiếu úy Ngọc theo dòng người chạy loạn đi ngang qua khu nhà bà. Đến đây có lẽ do quá mệt mỏi và thất vọng khi nghe tin đã có lệnh buông súng đầu hàng, thiếu úy Ngọc đã tự sát bằng một phát đạn vào thái dương. Giấy tờ tùy thân trên người không có nên không ai có thể biết để liên lạc với gia đình của người mất. Trong lúc hỗn loạn đó, vợ chồng bà cùng vài người hàng xóm đã đứng ra chôn cất cho anh ta ở ngay khu nghĩa trang gần nhà. Bia mộ thì viết dựa theo tên trên tấm thẻ bài và cấp bậc căn cứ vào bông mai trên cổ áo của bộ quân phục anh mặc lúc đó. Từ đó vợ chồng bà cùng những người hàng xóm năm xưa vẫn thuờng xuyên ghé thăm và chăm sóc cho ngôi mộ này. Sau cùng người đàn bà nói:

- Tôi nghĩ cậu và anh ta có duyên với nhau nên anh ta mới xui khiến để cậu gặp hai lần. Thôi tôi giao cho cậu tấm thẻ bài này. Cậu ráng giúp tìm xem gia đình anh ta ở đâu để báo tin cho người ta biết.

Trung nhận tấm thẻ bài từ tay người đàn bà và tự nhủ trong lòng sẽ cố gắng giúp người thiếu úy quá cố tìm ra người thân của anh ta để báo tin. Dựa vào hai lần đón xe, một đi từ nghĩa trang đến xa cảng miền Tây và một đi theo hướng ngược lại Trung đoán có lẽ anh ta có người thân ở quanh khu đó. Khổ nỗi xa cảng miền Tây thì rộng mênh mông bát ngát biết đâu mà tìm. Suy nghĩ một lát Trung bỗng nhớ ra cả hai lần đưa và đón người khách đi xe luôn đứng ở dưới gốc cây sao lớn trước một ngõ hẻm. Như thế có lẽ nhà người thân anh ta chỉ ở quanh quẩn đâu đó. Trung đạp xe ngay đến đó và bắt đầu gõ cửa từng căn nhà trong con hẻm để hỏi thăm về tung tích người thiếu úy tên Ngọc. Những căn nhà đầu tiên anh hỏi thăm đều là những gia đình mới dọn về sau này nên không ai có thể cho anh thêm thông tin gì. Đến căn nhà ở quãng giữa con hẻm có một người thiếu nữ trạc tuổi Trung đã cho anh một chi tiết quan trọng.

- Anh hỏi thăm thử căn nhà có trồng cây bông giấy trước sân đó xem. Ngày xưa tôi biết gia đình đó có một người con trai cũng cỡ tuổi tôi làm sĩ quan nhưng sau ngày 30 tháng 4 thì không thấy nữa. Hàng xóm đoán là có thể anh ta đã di tản hoặc trốn cải tạo ở đâu đó nên không ai dám hỏi.

Trung cám ơn cô ta rồi đến thẳng căn nhà có cây bông giấy bấm chuông. Một người đàn bà lớn tuổi đi ra. Trung cất tiếng:

- Dạ chào bác. Con kiếm nhà anh Nguyễn Văn Ngọc.

Trung tính nói thêm “ngày xưa là sĩ quan sư đoàn 18” nhưng anh chợt dừng lại vì vào thời điểm đó ai cũng sợ liên lụy, Trung không muốn chủ nhà nghi ngại. Người đàn bà ngần ngừ một lát rồi hỏi lại:

- Cậu quen sao với thằng Ngọc nhà tôi?

Đến đây thì Trung không còn lo ngại nữa nên trả lời người đàn bà.

- Dạ cháu là lính cùng sư đoàn 18 với ảnh.

- Cậu vào nhà chơi uống miếng nước cái đã.

style="background: white; line-height: 21.6pt; margin: 0cm 0cm 21.6pt; text-align: justify;">Trung bước vào nhà và để ý ngay đến cái bàn thờ ở nhà trong mà trên đó có treo bức hình chân dung một người sĩ quan có khuôn mặt khắc khổ. Không thể lẫn vào đâu được, chính là người khách đi xe của anh trước đây. Người đàn bà rót nước trà mời Trung rồi lên tiếng.

- Cậu có tin tức gì của con tôi không? Cậu thấy đó, tôi lập bàn thờ cho nó vì tin rằng nó đã mất. Lần cuối tôi được biết tin tức về nó là khi đơn vị của nó đóng ở Xuân Lộc. Lúc ấy qua tin tức thì trận đánh ở đó khốc liệt lắm. Sau đó không còn tin tức gì. Vợ chồng tôi không biết nó bị bắt, bị tử trận, hay đã trốn thoát được ở nơi nào đó. Đến đêm ngày 30 tháng 4 tôi bỗng nằm mơ thấy nó mặt mũi bê bết máu. Giấc mơ chỉ thoáng qua thật nhanh và tôi chưa kịp hỏi han thì đã giật mình tỉnh dậy. Sau đó không có tin tức gì của nó nữa và tôi cũng không còn mơ thấy nó lần nào. Vợ chồng tôi cũng đi dò hỏi ở nhà những người bạn cũ của nó thì không ai hay biết gì. Bạn thân trong đơn vị của nó thì không ai ở Sài Gòn. Sau một thời gian bặt tin tức và căn cứ theo giấc mơ ngắn ngủi, chúng tôi đã lập bàn thờ cho nó và lấy ngày 30 tháng 4 làm ngày giỗ. Tôi mong là cậu có thể cho chúng tôi biết được tin tức của nó.

Đến đây thì Trung lần lượt kể cho người đàn bà nghe về hai lần có duyên được gặp mặt thiếu úy Ngọc. Anh kể cho bà ta nghe về những người tốt bụng đã chôn cất thiếu úy Ngọc tử tế và vẫn thường xuyên chăm sóc mộ phần anh cho đến tận bây giờ. Cuối cùng anh móc trong túi ra tấm thẻ bài như một kỷ vật để trao lại cho người mẹ đau khổ nhưng hạnh phúc vì cuối cùng cũng biết được con mình bấy lâu nay vẫn được hương khói và mồ yên mả đẹp. Sau đó Trung đạp xe chở mẹ Ngọc đến mộ phần của anh và sau đó ghé thăm nhà của những người ngày xưa đã chôn cất Ngọc. Những cuộc gặp gỡ tràn ngập nước mắt nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc cho một cái kết phần nào có hậu. Trung đã đứng trước mộ phần thiếu úy Ngọc và khấn thầm trong miệng. “Em đã làm được việc tìm ra gia đình của ông thầy. Từ đây mong ông thầy yên nghỉ”.

Khi Trung chở mẹ Ngọc về, người đàn bà đã giữ anh ở lại ăn bữa tối. Hôm đó cũng là ngày tiễn ông Táo về trời. Ở nhà người chị gái của thiếu úy Ngọc đã chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất. Sau bữa cơm Trung cám ơn và cáo từ gia đình Ngọc để ra về. Khi đạp xe ra khỏi cổng con hẻm bên gốc cây sao, Trung bỗng giật mình khi thấy người đón xe xích lô hôm trước, thiếu úy Ngọc, đang đứng giơ tay lên chào mình. Đang đà xe chạy nên Trung không kịp dừng, anh chỉ kịp ngoái đầu lại thì chỉ còn thấy gốc cây sao trống trơn. Lật đật thắng xe lại, Trung đứng vội xuống đất sửa quần áo cho chỉnh tề rồi đứng nghiêm hướng về gốc cây sao chào theo đúng phong cách cấp dưới chào cấp trên trước khi leo lại lên xe để đạp về nhà.

 

Thảo Lan

1 comment: