Xưởng
đúc tiền của Úc ở Canberra
Cách đây khoảng tám tháng, tôi gặp Linh trong một tiệm bán thực
phẩm Việt Nam ở Canberra. Hôm đó tôi ghé tiệm này mua cái phone card để gọi cho
con tôi đang ở Việt Nam. Còn đang phân vân chưa biết chọn loại nào trước vô số
loại trên bảng quảng cáo dán trên tường, tôi bèn nhờ cô bán hàng chọn cho tôi một
cái card nào tốt nhất. Cô bán hàng cười nhìn tôi và chỉ một phụ nữ đứng gần bên
nói : ...
- Chị muốn biết
loại phone card nào gọi về Việt Nam tốt nhất thì chị cứ hỏi chị này.
Tôi liếc nhìn
sang người phụ nữ nhỏ nhắn đứng gần bên mà cô bán hàng vừa giới thiệu. Tôi đoán
chị khoảng hơn bốn chục tuổi. Chị đang cầm trên tay mấy cái phone card hiệu
Good Morning Viet Nam. Như hiểu ý định của tôi, người phụ nữ nhìn, đưa mấy cái
phone card mà chị đang giữ trong tay và mỉm cười nhỏ nhẹ nói:
- Em dùng loại
phone card này để gọi về Việt Nam thấy tốt lắm. Nói chuyện nghe rất rõ. Cũng
nói được khoảng hơn một trăm phút chị ạ.
Tôi cám ơn chị
rồi mua hai chiếc phone card loại đó và gợi chuyện thêm:
- Cám ơn chị
nhiều nghe. Tôi tên Đoan. Xin lỗi chị tên gì ? Chắc chị thường hay gọi về Việt
Nam ?
Người phụ nữ bẽn
lẽn trả lời :
- Dạ em tên
Linh. Em mới qua Úc được hai tháng. Cũng hơi buồn. Em nhớ Việt Nam quá. Nhớ những
người thân ở Việt Nam nên cũng hay gọi điện thoại về. Em ở vùng Florey, còn chị
ở vùng nào ?
Tôi mừng rỡ:
- A, vậy chị
cũng là hàng xóm của tôi rồi! Tôi ở vùng Melba, kế bên Florey đó.
Linh nhỏ nhẹ:
- Em mới qua
Úc nên cũng chưa rành các vùng ở đây. Em mới chỉ biết tên chỗ em ở và Belconnen
thôi!
Chúng tôi trở
nên thân tình hơn. Linh kém tôi sáu tuổi nên gọi tôi bằng chị. Tôi có cảm tình
với Linh và sau đó chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau qua điện thoại. Một
sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi được biết trước đây gia đình tôi và gia đình
Linh cùng sống ở quận Mười Một Sàigòn và tôi tin chắc cũng có lần tôi và Linh
đã gặp nhau trong khu vui chơi Đầm Sen.
***
Linh sang Úc
theo diện hôn nhân. Nhìn Linh - một phụ nữ nhỏ nhắn và thường hay e thẹn mỗi
khi tiếp xúc với người lạ, kể cả người đồng phái. Tôi không thể tin rằng cuộc đời
Linh đã trải qua nhiều đau khổ ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Gần đây nhất là
sóng gió nghiệt ngã của cuộc hôn nhân đầu đời.
Gia đình Linh
chỉ đến tạm cư ở gần chợ Bình Thới, quận Muời Một sau khi miền Nam bị rơi tay Cộng
Sản vài tháng. Quê của Linh ở mãi tận Bến Tre. Linh kể lại với tôi:
- Sự thực em cũng chưa hề đuợc biết đến quê em. Theo lời mẹ em kể thì em sinh năm 1960 ở làng Định Thủy, quận Mỏ Cày, tỉnh Kiến Hòa. Hình như làng em ở cạnh con sông Hàm Luông. Em sinh ra trong thời đất nước bắt đầu loạn lạc và quê em là một trong những nơi phát động phong trào Đồng Khởi. Mẹ em nói vào thời gian đó, ngày nào cũng nhìn thấy sự khủng bố, cũng nhìn thấy những xác người, những đầu người, phần lớn đó là những viên chức làm việc cho chính quyền quốc gia hoặc những người chống lại phong trào Đồng Khởi bị Việt Cộng giết. Mỗi xác chết hoặc đầu lâu người đều có kèm theo một bản án tử hình là một tờ giấy học trò ghi tội ác của những người đó. Nghe nói cậu của em cũng là một trong những nạn nhân đó vì thời gian này cậu đang là một viên chức hộ tịch của xã Định Thủy. Không khí khủng bố bao trùm cả quận Mỏ Cày và dần lan rộng ra cả tỉnh Kiến Hòa. Ba em trước đây theo kháng chiến chống Pháp, lúc đầu cũng có tham gia phong trào Đồng Khởi nhưng sau hai năm, khi nhận thấy sự dã man của những người lãnh đạo phong trào nên đã tìm cách về tỉnh lỵ Bến Tre chiêu hồi. Mẹ em cũng vội vã bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn bồng bế em - khi đó mới chưa đầy hai tuổi - về tỉnh lỵ sinh sống vì sợ bị trả thù. Sinh sống ở tỉnh lỵ chưa được nửa năm thì ba em qua đời trong một tai nạn mà sau này em nghi ngờ đó chỉ là một sự dàn cảnh. Một buổi sáng như mọi ngày, ba em và ba nguời bạn đuợc trung tâm cải huấn Bến Tre thông báo được trả tự do về sinh sống với gia đình. Mọi người vui sướng thu dọn đồ đạc và chờ giờ về sum họp với vợ con sau hơn nửa năm sống trong trại cải huấn. Khi bốn nguời vừa ra khỏi cổng trại được khoảng hơn một trăm thước thì nghe một tiếng súng nổ. Mọi người không hiểu chuyện gì nên bỏ chạy và tiếp theo một loạt đạn liên thanh nổ dòn bắn vào bốn người này. Ba người bị chết trong đó có ba em. Chính quyền giải thích đó là một sự hiểu lầm của lính trong chòi canh gác vì họ lầm tưởng bốn người này trốn trại cải huấn. Chính quyền xin lỗi các nạn nhân, bồi thuờng một số tiền và tổ chức mai táng chu đáo. Nhưng mãi tới thời gian gần đây khi em có dịp đọc một số tài liệu cũng như nghe một số người sinh sống ở Bến Tre thời gian đó kể lại, em mới được biết là vào thời gian đó, tỉnh trưởng Kiến Hòa là thiếu tá Phạm Ngọc Thảo. Ông này là một sĩ quan Việt Cộng trá hàng, vẫn tiếp tục hoạt động cho Việt Cộng nhưng vì khéo léo che đậy và nhất là lại được đức cha Ngô Đình Thục giới thiệu nên tổng thống Ngô Đình Diệm rất tin dùng. Ông này đã lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng để âm thầm giúp đỡ phong trào Đồng Khởi và ngấm ngầm tìm cách tiêu diệt những người bỏ hàng ngũ Việt Cộng để cho những người còn lại sợ không dám về chiêu hồi nữa. Có nhiều người rời bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về vùng an ninh làm ăn sinh sống trong thời gian thiếu tá Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng cũng bị chết một cách mờ ám như vậy. Sau ngày 30/4/1975 em có nghe nói bà Nguyễn Thị Định - người đứng đầu phong trào Đồng Khởi – đã khen ngợi và cám ơn nhờ có Phạm Ngọc Thảo giúp đỡ mà phong trào không bị chính quyền Ngô Đình Diệm tiêu diệt. Hình như ông này sau đó cũng được chính quyền Cộng Sản phong là liệt sĩ nữa.
Sau khi chôn cất
ba em xong, mẹ em cảm thấy có cái gì không yên ổn cũng như thấy lo sợ khi phải
sống ở Bến Tre nên lại đưa em về quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường sống cùng một
người bà con bên ngoại. Ở Bến Tranh, mẹ em sang được một sạp nhỏ bán trái cây sống
qua ngày và em theo học bậc tiểu học tại trường tiểu học Bến Tranh.
Năm 1971, em
thi đậu vào lớp sáu trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Để thuân tiện cho việc học
của em cũng như tình hình an ninh ở Bến Tranh cũng bắt đầu bất ổn, một lần nữa
mẹ em lại dời nhà lên thành phố Mỹ Tho và mua một căn nhà gỗ nhỏ gần trại lính
Nguyễn Văn Muôn và tiếp tục bán trái cây ở một chợ nhỏ gần đó.
Sau 30/4/1975
vài tháng, lúc đó em cũng vừa học xong lớp chín thì mẹ em và em lại di chuyển về
Bình Thới, quận Mười Một theo sự khuyên bảo và giúp đỡ của một người chú họ đi
tập kết mới trở về và đang làm ở công an quận đó. Em bỏ dở một năm học và ở nhà
phụ giúp mẹ em buôn bán ở chợ Bình Thới . Năm sau em vào học lớp mười ở trường
trung học Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Học xong lớp mười một thì em nghỉ học vì khi đó mẹ
em bị bịnh lao phổi, rất yếu không còn tự ra chợ buôn bán một mình được nữa.
Năm 1985 thì mẹ em qua đời vì bịnh này. Khi đó mẹ em mới 45 tuổi. Em thì vừa
tròn 25 tuổi mà đã phải chịu hai cái tang lớn nhất trong đời. Em đã mồ côi cha
và bây giờ lại thêm mồ côi mẹ nữa. Cũng may nhờ có những người hàng xóm tốt bụng. Họ đã đứng ra lo tang ma và sau đó còn giúp đỡ, bảo trợ em rồi đề nghị với anh
công an khu vực xin cho em vào thực tập may rồi trở thành công nhân của công ty
may mặc quận Mười Một. Bốn năm sau em lấy Hoàng, một sĩ quan công an đang tùng
sự tại đội an ninh kinh tế quận - do chú em giới thiệu. Em lấy chồng vì nghe
theo lời khuyên của chú em chứ em cũng chưa yêu Hoàng. Sự thực, sau khi mất mẹ,
em cũng cảm thấy lo sợ vì phải sống một mình. Hoàng cũng đã từng giúp đỡ và
theo đuổi em một thời gian khá lâu nên khi Hoàng ngỏ ý thì em nhận lời.
***
Như vậy, Linh
lấy chồng năm hai mươi chín tuổi. Ba năm sau đứa con trai đầu lòng – Huy – chào
đời. Hai năm sau nữa, vợ chồng Linh lại có thêm một cháu gái – Hương. Gia đình
Linh bây giờ trở nên vui vẻ vì có thêm tiếng khóc, tiếng cười của Huy và Hương.
Linh cũng bận rộn hơn vì ngoài công việc may ở sở, Linh còn phải chăm sóc hai
con. Nhưng … sau mười mấy năm chung sống, Linh và chồng đã ly dị sau nhiều cố gắng
nhẫn nhục chịu đựng của Linh. Chồng Linh – Hoàng – đã công khai ngoại tình với
một nữ đồng nghiệp và sau đó cả hai đã bị sa thải khỏi ngành công an.
Sau khi đứa
con gái thứ hai ra đời được vài năm. Hoàng đã bỏ mặc ba mẹ con Linh và gần như
công khai sống chung với người nữ đồng nghiệp đó. Thỉnh thoảng Hoàng có về nhà
là để tra khảo số tiền mà Linh đã dành dụm cất giữ trước khi sinh con. Nhiều lần
Linh đã bị Hoàng chửi mắng thậm tệ. Có một lần giận quá, Linh có nói vài lời
phê bình nhẹ nhàng về người nữ đồng nghiệp và cũng là nhân tình của Hoàng.
Hoàng đã đánh đập Linh trước mặt hai đứa con. Không chịu đựng nổi sự nhẫn tâm của
Hoàng. Linh đã xin ra tòa ly dị và nhận lãnh trách nhiệm nuôi hai đứa con.
Thoát được cảnh
địa ngục khi phải sống chung với Hoàng thì Linh lại bắt đầu gặp khó khăn với cuộc
sống càng ngày càng đắt đỏ của đất Saigòn. Số tiền bồi thường khi Linh bị tai nạn
trong thời gian làm công nhân may mặc cũng đã cạn dần. Linh quay lại xưởng cũ
xin việc nhưng bị từ chối. Hai đứa con của Linh lớn dần. Huy nay đã mười hai tuổi
và Hương thì đã gần mười tuổi. May mắn, Linh được Lan - một người chị họ của
Linh - ở bên Úc thấy hoàn cảnh của Linh quá tội nghiệp nên có gửi về giúp Linh
một số tiền. Linh dùng số tiền đó mở một quán bán tạp hóa và giải khát cạnh
nhà. Cuộc sống tạm đủ cho ba mẹ con ăn, mặc đơn giản nhưng vẫn không đủ cho những
nhu cầu sinh hoạt khác, nhất là tiền học cho các con. Huy đã có ý định nghỉ học
để đi bỏ mối hàng kiếm thêm tiền phụ cho mẹ nhưng Linh nhất quyết không chịu.
Năm vừa qua,
trong một lần về thăm Việt Nam, chị Lan đã dẫn về một người bạn Úc. Mặc dù đã
được chị Lan cho biết trước cũng như đã có những hình ảnh và một số ít thư từ
qua lại cho có hình thức với người đàn ông Úc này nhưng Linh cũng cảm thấy rất
e thẹn khi lần đầu gặp mặt Andrew, người bạn Úc mà chị Lan muốn giới thiệu cho
Linh.
Andrew là
manager trông coi một bộ phận trong xưởng đúc tiền của Úc ở Canberra. Andrew
hơn Linh mười tuổi, có một người con trai lớn đã lập gia đình và ở riêng. Vợ của
Andrew đã mất cách đây sáu năm trong một tai nạn xe hơi. Trong phân xưởng nơi
Andrew phụ trách có rất nhiều công nhân người Việt làm việc và chị Lan cũng là
một trong những công nhân đó. Khác với những công nhân người Úc, công nhân người
Việt làm việc rất siêng năng, chăm chỉ mà thường rất ít đòi hỏi quyền lợi nên
Andrew rất có thiện cảm với những công nhân người Việt. Hình ảnh người phụ nữ
Việt Nam nhỏ nhắn, chịu đựng, đảm đang chăm lo cho chồng, cho con đã gây một ấn
tượng tốt nơi Andrew. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của Linh, Lan đã có ý giới
thiệu Linh cho Andrew vì thấy Andrew là một người tốt. Vả lại nếu thành công
thì đây cũng là cơ hội tốt cho Linh và hai đứa con của Linh sẽ có một tương lai
tốt đẹp hơn. Mới đầu Linh nhất định không chịu vì không muốn rời xa Việt Nam.
Phần khác, Linh chưa hề nghĩ đến chuyện tái giá sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân
đầu tiên. Có thể Linh sợ. Linh không muốn tình cảm của Linh dành cho hai đứa
con bị chia sẻ cho một người khác và nhất là càng không thể tưởng tượng được việc
mình sẽ lấy một người Tây Phương làm chồng. Lan phải thuyết phục Linh mấy tháng
để rồi sau đó mới đưa Andrew về Việt Nam gặp Linh được.
Khi kể chuyện
này với tôi, Linh vẫn còn có vẻ e thẹn :
- Chị Đoan biết
không, lần đầu tiên gặp Andrew, nhìn thấy Andrew râu ria xồm xoàm và cao lớn
quá, em sợ lắm. Tuy vậy, ít ngày sau thì em cũng đã thấy đỡ hơn. Cũng may mà
trong mấy ngày đầu lúc nào chị Lan cũng cùng đi với ba mẹ con em. Sự thực em
cũng chẳng nghĩ là em sẽ yêu Andrew nhưng em chỉ nghĩ đây là cơ hội tốt cho các
con của em. Chúng được có cơ hội sang Úc học hành, coi như là được đi du học mà
biết bao nhiêu người Việt Nam hằng mong ước, có khi phải tốn rất nhiều tiền mà
cũng không có cơ hội. Em cứ nghĩ đến tương lai các con nên em lại cố gắng.
Sau đó Andrew
lại tiếp tục xin đưa ba mẹ con em đi chơi vài lần nữa và lần nào thì em cũng
đòi có chị Lan và vài người bạn của chi Lan cùng đi. Andrew đều vui vẻ đồng ý.
Em thấy Andrew cũng rất tế nhị trong cách đối xử với ba mẹ con em. Dần dần hai
đứa con của em – Huy và Hương – đã thân mật chuyện trò, đùa giỡn cùng Andrew.
Riêng em thì vẫn giữ một khoảng cách vì như em đã nói, tuy quý mến Andrew nhưng
em chưa thực sự yêu Andrew. Huy và Hoàng nhận xét Andrew giao tiếp rất thật
tình. Andrew luôn tạo một không khí thân mật, pha chút khôi hài để cho mọi người
luôn được vui vẻ trong những lần đi chơi đó.
Khi trở về Úc,
Andrew lo làm thủ tục và khoảng sáu tháng sau thì gia đình em được qua Úc theo
diện hôn nhân và chung sống cùng Andrew.
Con trai của
Andrew cũng đến thăm và chúc mừng chúng em. Thời gian mới sang Úc, em buồn quá.
Tiếng Anh thì không biết nhiều nên rất ngại đi ra ngoài. Thỉnh thoảng Andrew có
chở ba mẹ con em ra vài cửa hàng bán thực phẩm Á Đông để mua thực phẩm hoặc thức
ăn Việt Nam. Vào cuối tuần chúng em thường đi ăn tối tại các nhà hàng Việt Nam.
Cứ mỗi lần gặp
được một người Việt Nam thì em mừng lắm. Em hỏi họ nhiều chuyện. Cũng có người
vui vẻ trả lời và nói chuyện. Cũng có người lạnh nhạt. Trong lúc chờ đợi đi học
một lớp Anh Văn, để giết thì giờ, em nghe băng tiếng Anh và xem một vài video
ca nhạc Việt Nam mà em mua ở shop Việt Nam.
Phải nói
Andrew rất tốt. Biết em buồn nên Andrew luôn cố gắng về sớm để nói chuyện với
em và Huy, Hương. Thời gian đầu khi em mới sang Úc, Andrew đều đưa Huy và Hương
đến trường rồi mới đi làm. Mấy tháng sau, khi đã quen thì các con em có thể tự
đón xe bus tới trường được. Nói chung thì Andrew luôn tìm cách làm cho ba mẹ
con em vui vẻ để sớm thích nghi với cuộc sống mới nhưng sao em vẫn cảm thấy buồn
và nhớ những thân nhân ở Việt Nam quá. Đôi lúc thấy Andrew quá tốt, em có cảm
tưởng như là mình đã mắc Andrew một món nợ lớn vậy.
Dù rất bận
nhưng Andrew đã nghỉ hai tuần để lo các thủ tục giấy tờ cũng như đưa ba mẹ con
em đi thăm các thắng cảnh ở Canberra và Sydney. Chúng em cũng đã tới các chợ Việt
Nam ở Cabramatta và Bansktown. Nhớ lại lần Adrew đưa chúng em đi chơi Aquarium ở
Sydney, Huy va Hương đã reo lớn lên vì ngạc nhiên khi nhìn thấy những con cá mập
bơi lội ngay trên đầu của chúng. Có một lần, Andrew đưa ba mẹ con em vào thăm sở
đúc tiền (Royal Australian Mint). Khi vào tới phân xưởng nơi Adrew phụ trách. Em
thấy có rất nhiều người Việt Nam làm việc ở đây - nhất là phụ nữ. Mọi người ai
cũng tươi cười chào hỏi, chúc mừng Andrew và ba mẹ con em. Em thấy các chị người
Việt làm ở đây đôi lúc nói chuyện nhỏ với nhau bằng tiếng Việt trong khi làm.
Em thích quá và uớc mong có ngày sẽ được vào làm việc tại đây. Đoán được ý nghĩ
đó của em, Andrew cười nói:
- Để em nghỉ
ngơi một thời gian cho quen với cuộc sống ở Úc cũng như học xong một số giờ Anh
Văn rồi anh sẽ xin cho em vào làm việc tại đây.
Linh kể tiếp:
- Em thấy
Andrew lúc nào cũng nói nhẹ nhàng với mẹ con em. Em có cảm tưởng anh ấy thương
Huy và Hương như chính con của anh ấy vậy.
Tôi cười nói:
- Đúng đấy
Linh ạ! Đàn ông Việt Nam thì họ rất ngại lập gia đình với những phụ nữ đã có
con và nếu có thì … nhưng đàn ông Tây Phương hình như họ không quan tâm đến điều
này. Nếu họ thương mình thì họ thương cả các con của mình nữa. Có khi họ còn thấy
vui, thấy hạnh phúc khi có thêm các con nữa đó Linh ạ.
- Thiệt không
chị ? Linh cười.
***
Bẵng đi một thời
gian khá lâu, vì bận đi công tác ở một tiểu bang khác, tôi đã không có dịp gặp
Linh cũng như nói chuyện với Linh qua đìện thoại.
Cách đây một
tháng, khi trở về Canberra, tôi đến thăm gia đình Linh. Hôm đó Andrew đi công
tác ở Sydney chưa về. Tôi rủ ba mẹ con Linh đi shop Việt Nam và sau đó ghé ăn tối
tại nhà hàng Tự Do. Linh và hai cháu Huy, Hương mừng quá ôm chặt lấy tôi. Trong
lúc ăn, tôi đã thăm hỏi về cuộc sống của ba mẹ con Linh bây giờ ra sao. Linh
vui vẻ kể :
- Em đã học
xong một số giờ Anh Văn. Andrew đề nghị em ghi danh học về computer ở trường
TAFE vì thấy có nhiều người Việt học ở đó nhưng em thì thích đi làm hơn. Andrew
cũng chiều ý và đã xin cho em vào làm tập sự ở xưởng đúc tiền cũng gần phân xưởng
của Andrew. Huy và Hương thì đã học xong các lớp Anh Văn ở trường SIEC - trường
dạy Anh Văn dành riêng cho di dân mới đến Úc - và nay hai cháu đã vào học ở một
high school gần nhà. Em cũng đã quen dần với cuộc sống ở Úc. Thỉnh thoảng em
cũng rủ Andrew đi chùa và anh cũng rất happy theo em đến đó.
Andrew cũng rất
thích ăn những món ăn Việt Nam, đặc biệt là chả giò. Em thấy Andrew là một người
đàn ông rất dễ mến. Dần dần chúng em cảm thấy gần gũi và yêu nhau hơn. Giờ đây
em không còn cảm thấy khó khăn về ngôn ngữ giữa mọi người trong gia đình nữa.
Chị ạ! Andrew còn muốn em đưa anh đến trường Việt Ngữ Canberra để học thêm tiếng
Việt nữa đó. Em còn chần chừ không biết có nên đưa Andrew đến đó không vì em
cũng ngại quá! Bây giờ sao em cảm thấy hơi ngại gặp người Việt chị ạ !
Tôi cười:
- Andrew đâu cần
phải đến trường Việt Ngữ. Ở nhà đã có một cô giáo giỏi và dễ thương dạy tiếng
Việt cho anh ta rồi!
Hai đứa con của
Linh cũng lên tiếng:
- Chúng cháu
cũng hay nói chuyện với Andrew bằng tiếng Việt nữa .
Lan mắc cở và
đấm nhẹ vào vai tôi nói:
- Chị Đoan kỳ
quá!!!!
Tôi dò hỏi:
- Từ khi rời
xa quê đến nay, Linh có hay về thăm lại Bến Tre không?
Linh trả lời
ngay:
- Có chứ chị,
hàng năm em vẫn về Bến Tre thăm mộ ba em nhưng em chưa về Định Thủy lần nào.
Không hiểu sao em hơi sờ sợ khi nghĩ về vùng đất đó mặc dù bây giờ chiến tranh
đã chấm dứt rồi.
- Còn ngôi trường
trung học Lê Ngọc Hân, nơi mà Linh đã theo học bốn năm tại đó. Tôi hỏi thêm
Linh rất vui
trả lời:
- Lần nào về Bến
Tre, em cũng dành thời gian đi ngang ngôi trường này và dừng lại mươi phút như
cố gắng tìm lại những bóng hình thầy cô, bè bạn và cả chính em ngày xưa. Ngôi
trường nay đã có cái tên hơi xa lạ: trường trung học cơ sở Lê Ngọc Hân. Em vẫn
thích cái tên “Nữ trung học” ngày xưa hơn chị ạ !
Tôi cười:
- Linh cũng
lãng mạn quá chứ ! Có những hình ảnh nào của quê hương Bến Tre mà Linh còn lưu
giữ không?
Linh ngập ngừng:
- Em xa quê
lúc còn nhỏ quá nên không giữ được những hình ảnh của quê em nhưng em vẫn đọc
qua sách vở và biết rằng quê em là xứ dừa thơ mộng ! Em còn nhớ vài câu thơ nói
về quê hương Bến Tre nhưng không nhớ tác giả. Trước 30/4/1975, mỗi khi theo mẹ
về Bến Tre thăm mộ ba. Khi vừa qua chuyến phà Rạch Miểu từ Mỹ Tho nối với địa
phận tỉnh Bến Tre, em đều thấy một tấm bảng lớn sơn hai câu thơ:
“Kiến Hòa cảnh
đẹp nên thơ,
Trăng thanh
gió mát đón chờ khách du! “
Hai câu thơ mộc
mạc, trữ tình như mời mọc, chào đón và giới thìệu du khách đến thăm Bến Tre quê
hương em. Như chị Đoan biết đó, Bến Tre quê em còn nổi tiếng là xứ dừa. Đã có
không biết bao nhiêu là đặc sản được làm ra từ dừa. Đi đến đâu ở Bến Tre cũng
thấy dừa. Những hàng dừa xanh tươi, mượt mà … Có một thi sĩ đã cảm xúc:
“Dừa ơi dừa,
người bao nhiêu tuổi?
Mà lá tươi
xanh mãi đến giờ! “
- Nghe Linh tả
tôi cũng thấy mê Bến Tre rồi đó. Lần tới về thăm Việt Nam thế nào tôi cũng phải
đi thăm Bến Tre cho biết.
Chợt nhớ ra một
chuyện tôi vội hỏi Linh:
- Linh à, mải
lo nói chuyện mà quên nhắc Linh một chuyện: Linh biết ở Úc có hội ái hữu cựu học
sinh Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân không? Hội sinh hoạt cũng vui lắm! Hay là
Linh tham gia hội để sinh hoạt với các bạn nhé. Mình sẽ giới thiệu và chắc mọi
người sẽ welcome Linh đó. Biết đâu Linh có thể gặp lại một số bạn ngày xưa ở
trường Lê Ngọc Hân và có khi gặp cả một vài cậu ở trường Nguyễn Đình Chiểu năm
xưa nữa không chừng!
Giọng Linh trầm
xuống có vẻ buồn:
- Em cám ơn chị
nhiều lắm! Em có nghe nói về hội này … nhưng em thưa thật với chị: Xin chị để
cho em thư thả vài năm nữa. Bây giờ em cũng còn buồn và nhất là cũng còn mặc cảm
với hoàn cảnh cuộc đời của em. Cuộc đời em đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Tới
nay em nghĩ mới tạm ổn định. Em không có anh chị và em quý mến chị như chị ruột
của em vậy nhưng em xin chị đừng nói với ai về cuộc đời của em nghe chị . Bây
giờ thì em lại cảm thấy rất ngại khi gặp gỡ người Việt. Em muốn được sống cho
riêng mình một thời gian nữa. Thôi tạm thời chị đừng nói với ai và cũng khoan
giới thiệu em với các bạn chị nhé. Em tin chị.
Tôi thầm nghĩ
phải chăng Linh vẫn còn mặc cảm về sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên với
Hoàng – một sĩ quan công an - cũng như một chút ái ngại khi kết hôn với người
Tây Phương. Có phải vì vậy mà bây giờ Linh ngại gặp các đồng hương chăng? Chắc
hẳn Linh cũng đã gặp phải những ánh mắt không thiện cảm, nghe những lời nói
không tế nhị - có thể cố ý hoặc cũng có thể chỉ là vô tình của một số người Việt
– nhưng tôi biết Linh là một người rất nhạy cảm. Tôi hiểu và thông cảm cho hoàn
cảnh của Linh vì tôi cũng đã trải qua nhũng tâm trạng này. Tôi an ủi Linh:
- Linh đừng để
ý nhiều đến những chuyện đó. Ở đâu thì cũng có người tốt, người xấu. Hãy cố gắng
sống hội nhập vào xã hội mới. Hãy quên đi những chuyện đã qua. Hãy sống cho hiện
tại và tương lai. Hãy vun xới hạnh phúc mà gia đình Linh đang có. Tôi sẽ làm
theo lời Linh và chờ đợi khi nào Linh cảm thấy thuận tiện, thoải mái thì sẽ giới
thiệu Linh với các bạn .
Để cắt ngang
những ý nghĩ tiêu cực của Linh, tôi hỏi qua chuyện khác:
- À mà bây giờ
Linh có còn mua nhiều phone card để gọi về Việt Nam nữa không?
Linh nhỏ nhẹ :
- Ít thôi chị ạ
! Bây giờ em thấy vui hơn hồi mới sang Úc rất nhiều. Em muốn dành nhiều thời giờ
cho hạnh phúc mới, gia đình mới của em.
Tôi nhìn Linh
cười:
- Rất đúng đó
Linh ạ. À như vậy là … Rồi … TÌNH YÊU ĐÃ ĐẾN … phải không Linh ?
Mọi người cùng
cười .Chúng tôi chia tay.
Tôi rất mừng
cho ba mẹ con Linh - đăc biệt cho Linh - người đàn bà Việt Nam đã trải qua quá
nhiều đau khổ và nay đã tìm được hạnh phúc cho mình, cho các con của mình trên
vùng đất mới .
Canberra July
07
MAI KHÁNH THƯ
- PHẠM DOANH MÔN
No comments:
Post a Comment