Pages

Wednesday, August 9, 2023

Anh Vinh Của Tôi - Phạm Doanh Môn


Hôm thứ Tư 7/8/2013, chỉ còn hơn 3 giờ nữa là shuttle bus đến đón gia đình tôi ra phi trường Los Angeles để đáp chuyến bay về Úc lúc 10:30 pm và sẽ về đến phi trường Sydney khoảng 10:30 am thứ Sáu 9/8/2013.

Trong thời gian vài giờ chờ đợi này, chúng tôi ngồi nói chuyện với dì Hương (em nhà tôi). Riêng tôi, cứ mỗi lần cell phone reo là tôi lại hồi hộp. Phone reo nhiều lần! Tôi bắt phone! May quá, phone của những người thân, bạn bè ở Mỹ gọi tới nói lời từ giã và chúc thượng lộ bình an. Tôi không mong nhận được phone từ cháu Vĩnh Duy – con trai lớn của tôi - gọi cho tôi từ Úc, nhưng cuối cùng thì cháu Vĩnh Duy cũng gọi báo tin anh tôi vừa được Chúa gọi về! Lúc đó là khoảng 2:30 pm giờ Cali thứ Tư 7/8/13 tức khoảng 7:30 am thứ Năm 8/8/13 ở Úc.

Tôi thực sự bị shock khi nhận được tin này dù biết anh tôi đã nằm bịnh viện khá lâu, hơn ba tháng rồi! Nước mắt tôi ràn rụa vì thương anh tôi. Chỉ còn một ngày nữa là gia đình tôi về tới Úc và cháu Duy sẽ lái xe lên tận Sydney đón gia đình tôi về ngay để hy vọng còn kịp gặp anh tôi! Chỉ cách đây vài ngày khi gọi phone cho chị tôi, khi đó anh tôi đã yếu nhiều và lúc đó chị tôi đang ở bên cạnh anh, chị đưa phone vào tai anh. Tôi nghẹn ngào thưa: “Thưa anh, vài ngày nữa gia đình em về. Anh đợi chúng em nhé!”. Không biết khi đó anh còn nghe được những lời tôi thưa cùng anh không?

Sau khi nhận được tin buồn này, tôi không còn đủ bình tĩnh để làm chuyện gì nữa. Mọi chuyện còn lại, nhà tôi và hai cháu lo hết. Cũng may, buổi sáng tôi và các cháu đã sắp xếp hành lý tương đối chu đáo rồi.

Sau khi bình tĩnh lại, vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với dì Hương về cuộc đời của anh. Anh tôi sau khi học xong tiểu học, được sự khuyến khích của linh mục Phạm Chí Hùng là cậu của chúng tôi nên đã vào tu taị dòng Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (thường gọi tắt là dòng Đồng Công). Năm 1954, anh tiếp tục theo nhà dòng vào miền Nam và tới nằm 1968 thì anh rời nhà dòng. Anh dạy học, lần lượt tại các trường trung học tự thục ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Sau đó, anh chuyển về dạy tại một số trung học tư thục thuộc tỉnh Biên Hòa như Thánh Gia, Minh Đức, Vinh Sang (trường Vinh Sang bây giờ là trường cao đẳng sư phạm tỉnh Đồng Nai). Cũng trong thời gian này anh làm giám hoc trung học tư thục Vinh Sang, rồi giám học trung học tư thục Thánh Martin ở Saigon. Sau 1975, anh vẫn còn tiếp tục dạy học một thời gian ngắn rồi về quê trồng cà phê ở vùng Gia Kiệm. Gia đình anh vượt biên giữa năm 1982 và định cư ở Úc đầu năm 1983. Phần lớn cuộc đời của anh là những tháng ngày tu trì và dạy học, ngoại trừ khi định cư ở Úc thì anh làm công chức ở sở thuế vụ liên bang.

Chúng tôi nhận ra một điều: anh tôi luôn luôn vui với những gì Chúa ban cho anh. Anh hài lòng với cuộc sống hiện tại. 


Tôi được sống chung với anh vài năm ở Việt Nam, tôi ít thấy anh nổi giận dù trong cuộc sống cũng có nhiều điều không dễ chịu. Tôi chưa thấy anh nói xấu một người nào. Nhà tôi nhận xét: “Khi nói chuyện với anh Vinh về một người nào đó thì cậu kết luận cuối cùng của anh vẫn là: Ông ấy, bà ấy, cô ấy … cũng tốt!”. Đôi khi thấy anh hài lòng với cuộc sống anh hiện có mà chúng tôi đã có ý nghi ngờ tại sao có một người thật sự hạnh phúc với những gì mình đang có như vậy, dù bạn bè và những người chung quanh anh đều cố vươn lên để có những thay đổi khá hơn về nhà cửa, vật chất. Sống ở Úc 30 năm, anh vẫn sống trong căn nhà cũ kỹ với 4 phòng ngủ nhỏ cho tới bây giờ, vẫn chiếc xe Mazda nhỏ, cũ, trong khi bạn bè anh, ai cũng đổi sang những căn nhà mới hơn, to hơn, đi những chiếc xe mới hơn, đẹp hơn!


Thời gian gần đây, sức khỏe anh yếu lắm. Tháng 3/13, trong lúc gia đình tôi về Việt Nam thì anh phải vào bịnh viện chữa trị gần một tháng. Về nhà được ít ngày, anh lại phải trở vào bịnh viện từ 30/4/13 và ở đó cho tới ngay anh mất. Hơn 3 tháng nằm bịnh viện, tinh thần anh vẫn minh mẫn dù sức khỏe của anh có lúc tốt, có lúc xấu tưởng như không qua khỏi … Dù vậy anh vẫn tươi cười mỗi khi có ai đến thăm. 


Trong thời gian anh nằm bịnh viện, tôi cũng thường xuyên ghé thăm anh vài lần mỗi tuần để trước là chăm sóc anh, sau là nói chuyện với anh. Anh từ từ kể cho tôi những chuyện về gia đình anh, về các anh em tôi, về bạn bè … Có rất nhiều người tới thăm anh. Có cả những người ở các tiểu bang xa xôi khác cũng đến thăm anh. Một buổi sáng thứ hai, tôi ghé thăm anh trước khi tới sở làm. Anh rất vui nói với tôi: “Cuối tuần, nhiều người tới thăm quá, anh không ngủ được nên hơi mệt!”. Rồi anh lại nói tiếp: “Sao nhiều người đến thăm và cầu nguyện cho anh quá. Mọi người tốt với anh quá!”. Tôi nói: “Tại anh sống tốt và đối xử tốt với mọi người nên ai cũng quý mến anh!”. Anh cười: “Anh cũng có nhiều điều xấu.”. Tôi thấy anh thật khiêm nhường. Trong ngăn kéo tủ ở đầu giường anh trong bịnh viện, tôi đọc được những dòng chữ anh viết trên một tờ giấy đại ý anh xin mọi người cầu nguyện cho anh vì anh bị bịnh hiểm nghèo đang nằm trong bịnh viện hơn hai tháng rồi, anh cầu chúc đại hội tu sĩ dòng Đồng Công ở VN thành công. Xin moi người bỏ qua những lỗi lầm của anh. Anh sẵn sàng vâng theo Thánh ý Chúa. Chữ viết anh không rõ ràng, hơi nguệch ngoạc vì tay anh bị run. Hình như tờ giấy này đã được chị tôi fax về VN. Tôi nghĩ đây là những dòng chữ viết cuối cùng của anh mà tôi đọc được. Anh cũng hi vọng nếu Chúa cho anh qua khỏi thì đến 25/12/2013 sẽ tổ chức birthday 80 tuổi và mời nhiều người tới dự. Nhà tôi trêu anh: “Gia đình chúng em 11 người. Anh nhớ nhé”. Anh cười.


Cũng trong thời gian anh nằm bịnh viện, cháu Huyền Lynh, con gái lớn của anh đã nói với tôi đại ý: “Ba xin lỗi mọi người nếu có những gì ba làm phiền lòng họ, rất mong được mọi người tha thứ và ba cũng thương yêu và tha thứ những ai làm phiền ba. Bây giờ ba đã sẵn sàng đợi giờ Chúa gọi về”. Ngày 8/8/13, anh đã ra đi nhẹ nhàng đúng vào ngày kính thánh Đa-minh, thánh bổn mạng của anh.


Khác với tôi, phong cách và tính tình anh rất thư thả, trầm tĩnh và điềm đạm. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm về anh. Khoảng năm 1978, khi còn ở Việt Nam, tôi và anh có lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) buôn trà, mỗi lần vài ký, sau vài lần trót lọt, lần thứ tư bị tịch thu hết. Anh và tôi đều buồn vì kể như trắng tay. Tôi đi đi lại lại quanh khu vực trạm kiểm soát và nghe được vài bà cụ nhìn về phía anh thì thầm nho nhỏ: “Rõ khổ, Cha cũng phải đi buôn! Bị tịch thu hết rồi. Thương hại Cha quá!!!”. Tôi cũng không hiểu sao các bà cụ này nghĩ anh là Cha, khi đó anh mặc áo sơ mi trắng ngắn tay và quần tây đen, áo bỏ ngoài quần và anh đã có vợ và bốn con rồi! Hẳn nhiên là do phong cách của anh làm cho các bà nghĩ như vậy. Sao các bà cụ không nghĩ tôi là Cha nhỉ?

Và khi chúng tôi nói những chuyện về anh với dì Hương và hai con tôi thì dì nói: “Anh như Thánh sống vậy!”. Có quá đáng không? Tôi nghĩ cũng gần như vậy. 


Anh ạ! Anh đã được Chúa gọi về đúng vào ngày kinh thánh bổn mạng của anh. Chúng em tin chắc với sự phù trợ của thánh Đa-minh, linh hồn anh đã được hưởng Nhan Thánh Chúa. Tuy vậy chúng em và mọi người vẫn luôn cầu nguyện cho anh và anh cũng nhớ cầu nguyện cho mọi người nhé.


Tất nhiên là gia đình chúng em buồn lắm … nhưng lại nghĩ, dù có buồn bao nhiêu cũng không bằng nỗi buồn của chị và các cháu. Cầu xin Chúa ban cho chị và các cháu khỏe mạnh và nhiều nghị lực để vượt qua sự mất mát lớn lao này. Xin anh luôn cầu nguyện và phù hộ cho chị và các cháu nhé.

Phần chúng em, xin được tham lam một chút: Anh đã bảo lãnh với Chính phủ Úc cho gia đình chúng em sang định cư ở Úc. Anh hãy giúp gia đình em sống tốt để sau này anh bảo lãnh với Chúa cho gia đình em nhé.


Gia đình chúng tôi về đến Canberra chỉ vài giờ trước thánh lễ phát tang tại nhà thờ St John ở Kippax và chúng tôi đã không nén được niềm xúc đông khi đứng trước di ảnh của anh.


Gia đình em Phạm Doanh Môn luôn thương tiếc anh Pham Thế Vinh và luôn cầu nguyện cho linh hồn Đa-minh.


Em PHẠM DOANH MÔN
(Canberra sau hơn 2 tuần mất anh 26/8/13)

3 comments:

  1. Xin được ghi chú thêm:
    Anh tôi tên Phạm Thế Vinh, là anh cả trong gia đình Hôm nay 8/8/2023 là ngày kính thánh Đa Minh và cũng là ngày anh tôi được Chúa gọi về cách nay đúng 10 năm.
    Bài này tôi viết cách đây 10 năm.
    Anh Vinh sinh ngày 25/12/1933 và mất ngày 8/8/2013 đúng ngày kính thánh Đa Minh, thánh bổn mạng của anh.
    Theo lời anh kể, năm 1982 anh cùng gia đình vượt biên, bị gió bão lớn và không biết vì lý do gì anh đã bị rớt xuống biển … nhưng may mắn bơi được vào gần tàu và được cứu sống. Anh nói chắc Chúa đã cứu anh vì thực sự anh bơi rất kém…

    Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

    ReplyDelete
  2. Anh Vinh là một thầy tu xuất nên cái cốt cách nhà tu vẫn còn đó không thay đổi.
    Cám ơn anh Phạm Doanh Môn.
    TK

    ReplyDelete
  3. Vâng chị nói đúng. Cám on chị nhiều.

    ReplyDelete