Pages
Friday, May 31, 2024
Trên Chuyến Tàu Cuối Năm - Trần Thế Phong
Cuối năm đó, tôi mua vé tàu lửa về quê thăm mẹ. (Hình minh hoạ: Báo Phụ
Nữ)
Năm 1980 tôi được “xá chế,” nhớ
mẹ quá chừng mà không có tiền về thăm, tôi bán hai quyển sách cho mấy người
buôn sách cũ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê văn Duyệt). Một cuốn là “Chiến
Hữu” của E.M Remarque, một cuốn “Nạn Nhân Buổi Giao Thời” của Pearl Buck được
ba chục đồng. Tôi mượn thằng bạn thân 20 đồng, chị hai gởi 30 đồng là 80 đồng.
Cuối năm đó, tôi mua vé tàu lửa về quê thăm mẹ. Biết là không đủ tiền cho
chuyến đi và về, nhưng cứ về gặp mẹ rồi hãy tính sau.
Bốn giờ sáng vợ chở xuống ga
Bình Triệu mua vé tàu nhanh để về Đà Nẵng. Tàu nhanh chạy ba đoạn: Từ ga Bình
Triệu ra Nha Trang, Nha Trang ra Quy Nhơn và Quy Nhơn ra Đà Nẵng. Nói là tàu
nhanh nhưng chạy chậm như rùa, cũng ngừng những ga nhỏ để đón khách và chở hàng
hóa.
Lấn vào sắp hàng mua được tấm vé
rất trần ai, vì cuối năm bà con trở về quê quán ăn Tết và người đi buôn hàng
chuyến từ Sài Gòn ra miền trung tấp nập… Mua được vé rồi mà lên tàu tìm chỗ
ngồi lại càng khó hơn, vì trên ghế ngồi, lối đi chất đầy hàng hóa. Có lẽ kiểm
soát viên trên tàu và những người đi buôn ăn chia nên những người đi buôn xem
thường hành khách, chỗ nào trống là chất hàng. Tàu chạy khoảng mười phút thì
những hàng hóa để trên ghế được sắp xếp vào dưới ghế nên hành khách có chỗ
ngồi.
Lo lắng cho chuyên đi, và gặp mẹ
sau bao năm xa cách nên cả đêm tôi không ngủ được. Lên tàu vợ dặn cố gắng ngủ
cho lại sức. Có chỗ ngồi, tôi cố dỗ giấc ngủ, mỗi lần thiu thiu là khách bỏ
hàng lên xuống ồn ào như chợ chiều ba mươi Tết.
Tàu chạy đến tám giờ tối mới đến
Nha Trang. Những hành khách đi tiếp về Quy Nhơn hay Đà Nẵng ngủ tại ga để ngày
mai mua vé sớm tiếp tục cuộc hành trình. Tôi tìm một góc vắng dựa vào tường,
xắc tay mang theo ôm trước ngực, hành lý mang theo không có gì quý giá nên
chẳng sợ bị đánh cắp. Tôi ngủ được một giấc thì giựt mình thức dậy vì hành
khách đã sắp hàng mua vé. Tôi cũng sắp hàng và mua được vé. Đúng bảy giờ sáng
tàu khởi hành. Tàu từ Nha Trang chạy ra Quy Nhơn ít người đi buôn nên không ồn
ào như ở ga Bình Triệu. Tôi kéo mũ che mặt và cố ngủ một giấc để lấy lại sức.
Đang lim dim ngủ thì nghe một người hát dạo từ phía cửa trước lên xuống
nói thật lớn:
– Kính thưa bà con cô bác, kính chúc cô bác nhiều sức khỏe, thượng lộ
bình an, mua may bán đắt, gặp nhiều may mắn. Để giúp vui cho bà con đi đường
bớt mệt nhọc, tôi xin trình bày bản nhạc: Tàu Đêm Năm Cũ.
Tôi nhìn lên thì thấy một người
thương phế binh cụt hai chân, tóc dài ngang cổ, mặc áo rằn ri Biệt động quân,
đầu đội mũ đi rừng, ngồi trên một ghế thấp có 4 bánh xe phía dưới. Một thằng bé
khoảng mười tuổi đi trước, tay cầm một ca nhựa để xin tiền. Tôi đoán người nầy
là thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa.
Giọng ca của anh, trầm, buồn,
lưu luyến, tiếng đàn ghita đệm theo điệu bolero rất điêu luyện. Khi anh cất
giọng hát: Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn… Cả
toa tàu đang ồn ào chuyện trò, bỗng dưng im lặng để nghe. Có lẽ từ ngày 30
Tháng tư, 1975, Cộng sản chiếm miền Nam, tất cả những sách vở, báo chí… đều bị
tịch thu và đốt hết, nhạc vàng của miền nam cấm hát, ai hát sẽ bị bắt. Thay vào
là sách của Lenin, Kart Mart, Hồ Chí Minh… và hát nhạc miền Bắc. Bây giờ, nghe
lại một bản nhạc xưa do một người thương binh Miền Nam hát gợi lại nhiều kỷ
niệm, im lặng lắng nghe và nhớ những lần tiễn đưa cha, anh, chồng, em đi vào
chiến trường…
Tôi nhìn những hành khách trên
tàu phần đông là đàn bà. Có nhiều cô gái còn rất trẻ khoảng trên dưới hai lăm,
mặt mày sáng sủa, yểu điệu thục nữ nhưng ăn mặc xuề xòa, mộc mạc, trông có vẽ
khổ cực lam lũ. Những đôi mắt sáng nhưng có long lanh những buồn phiền…
Khi anh chấm dứt bài hát, bà con
bỏ tiền đầy ca nhựa cho thằng bé, anh lết gần đến trước mặt và hỏi tôi:
-Ông thầy mới gỡ lịch ra phải
không?
Tôi biết anh hỏi tôi mới ở tù ra
phải không, nhưng tôi giả vờ không hiểu và trả lời anh:
-Có lịch đâu mà gỡ, tôi về trung
thăm gia đình.
-Em đi trên tàu nầy hằng ngày em
gặp nhiều người mới ra tù, em đoán là trúng chốc ông thầy ơi!
Tôi thấy anh thương phế binh nầy
là người cùng một chiến tuyến không may bị thương tật cụt hai chân, tôi cảm
thấy xót xa thương cảm, tôi hỏi lại anh:
-Trước anh binh chủng Biệt động
quân hả và bị thương ở chiến trường nào?
-Dạ, bị thương năm 1972 mùa hè
đỏ lửa giải tỏa Kontum.
Anh trả lời tôi với giọng buồn
và chân thật:
Em gia nhập vào binh chủng Biệt động quân năm 1968, (Hình: wikipedia)
-Em gia nhập vào binh chủng Biệt
động quân năm 1968, năm 1970 em cưới vợ, vợ em làm thợ may và sinh được đứa con
trai. Năm 1972 em bị thương tàn phế, em được hưởng trọn lương và giải ngũ. Năm
1975 mấy ông nội nầy vào cúp hết nên rất khổ cực, vợ bỏ đi lấy chồng. Cũng may
em có biết đàn và hát nên hai cha con đi hát trên tàu, bến xe kiếm ăn qua ngày.
-Anh học đàn và hát bao giờ mà
đàn hay quá vậy? Tôi hỏi để biết thêm về anh.
-Dạ, em có một thằng bạn cùng
đơn vị, nhà ở Sài Gòn, có đi học đàn, buồn chuyện tình nên tình nguyện đi lính
Biệt Động Quân, hai đứa ở cùng một trung đội. Mỗi khi về hậu cứ dưỡng quân nó
dạy em đàn. Năm 1972 em bị thương cụt hai chân, nó tử trận.
-Con trai anh bây giờ ở đâu?
-Dạ, đi cùng em đó, nó gần mười
tuổi rồi, em cụt hai chân, nó giúp em nhiều việc, hai cha con sống đùm bọc lẫn
nhau cũng đỡ tủi thân.
-Bây giờ gia đình anh ở đâu? Tôi
hỏi để biết thêm hoàn cảnh của anh.
-Dạ, cha mẹ em ở Tuy Hòa, ông bà
mất để lại cho em một căn nhà nhỏ, cũng may có chỗ cha con trú ngụ cũng đỡ khổ.
Tôi thấy xót xa vời hoàn cảnh
của anh, tôi hỏi tiếp.
-Anh không cho thằng bé đi học
sao?
-Đi học làm sao theo em xin tiền
cô bác để cha con sống qua ngày. Thời bây giờ không học cũng làm đại úy ông
thầy ơi…
Anh nói mắt nhìn về đứa con trai
với chiếc áo thun và quần tà lỏn đã bạc màu, nón lưỡi trai đội ngược, đang đưa
ca cho bà con hành khách bỏ tiền vào. Nhìn hai cha con người thương phế binh,
tôi rất buồn và đau khổ. Chiến tranh đã qua rồi, nhưng để lại những đau thương
tan tác cho dân miền Nam, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương
tật tàn phế phải lê lết sống qua ngày.
Anh nhìn tôi với đôi mắt đượm
buồn và nói:
-Ông thầy cũng như em, thỉnh
thoảng nhớ lại những ngày đầu vào lính, em xin hát bài Biệt Kinh Kỳ để tặng ông
thầy, hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai ông thầy ơi.
Nói xong, những ngón tay phải
rảy nhẹ lên những dây đàn đệm nhạc và cất tiếng hát, mắt nhìn xa xăm ngoài cửa
sổ toa tàu: “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã khoác chiến y
rồi, người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên, giã từ trường yêu với bao bạn hiền,
có về là khi nước non vui bình yên…”
Hành khách trên tàu cũng lặng
yên lắng nghe, khuôn mặt người nào cũng đượm buồn… Hát xong bản nhạc anh chào
tôi theo kiểu nhà binh và nhìn tôi nói nhỏ:
-Sau cơn mưa trời lại sáng, chào
ông thầy em đi kiếm cháo.
Ở tù mới ra, chưa có công ăn
việc làm, vợ con còn nheo nhóc, vay mượn được 80 đồng về thăm mẹ già nhưng tôi
cũng bấm bụng bỏ vào ca thằng nhỏ 5 đồng và tôi nói với anh:
-Tôi mới ở tù ra, nhưng tôi còn
lành lặn hơn anh, hai anh em mình cùng chiến tuyến, tôi biếu anh mấy đồng và để
kỷ niệm lần đầu gặp nhau, chúc cha con anh nhiều sức khỏe. Anh cúi đầu cảm ơn
tôi và lếch lần qua toa tàu khác.
***
Cha con người thương binh biệt động đi rồi, tôi nhớ lại bài hát Biệt
Kinh Kỳ mà anh vừa hát tặng tôi.
Năm 1968 tôi đang học ở Sài Gòn
thì thằng bạn ở Đà Nẵng đánh điện vào cho biết tôi đã có lệnh gọi nhập ngũ vì
tôi khai lược giải cá nhân ở nhà Lâm. Nhận được điện tín tôi không buồn cũng
không vui vì những năm chiến tranh ác liệt những người bạn từ giáo chức, hành
chánh, sinh viên đều gọi nhập ngũ.
Tôi đến Air Việt Nam mua vé về
quê thăm cha mẹ và đi trình diện trại nhập ngũ số 1 ở Đà Nẵng cho kịp thời gian
đã ấn định trong giấy gọi. Tôi báo tin cho mấy thằng bạn chơi thân ở đường Hòa
Hưng: Giang, Châu, Định, Hùng và Henry (lai Pháp bạn bè hay gọi hắn là Henret,
vì có hai răng cửa bị sún). Ngày tôi về quê, đêm hôm đó mấy thằng bạn chung
tiền mua một két bia 33 và một con gà (tiền gà thằng Henry mua vì nó con lai
nên có tiền hơn mấy đứa bạn khác), lên căn gác của nhà Châu nhậu suốt đêm. Bia
đổ hết vào một thau lớn, một cái ly uống xây chừng, con gà trộn với rau răm và
củ hành đưa cay.
Vì thằng nào cũng học sinh, sinh viên tửu lượng ít, uống được ba tuần
bia thì ngà ngà say.
Thằng Henry ôm đàn ghita hát bài Biệt Kinh Kỳ tặng tôi, mấy thằng bạn gõ
đũa vào thau bia nhịp theo tiếng đàn và hát theo Henry. Henry xỉn xỉn cứ hát đi
hát lại bản nhạc. Hát một đoạn uống xây chừng một tua.
“Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói ‘khoác chiến y’ rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.”
Thau bia đã cạn, bạn nào cũng
say mềm và lăng ra ngủ khò. Đến sáu giờ sáng tôi giựt mình thức dậy và gọi
Henry chở tôi ra phi trường vì 7 giờ 30 máy bay cất cánh. Khi chia tay Henry
ngậm ngùi nói:
-Mày vào quân trường tau cũng về
Pháp, tau có quốc tịch Pháp bà già sợ chiến tranh lan rộng không yên ổn nên đưa
tau đi. Chúc mày thượng lộ bình an, vào quân trường vui khỏe và gặp nhiều may
mắn. Sẽ gặp lại nhau…
Henry bắt tay tôi và đi nhanh ra
nơi gởi xe, Tôi nhìn theo bạn lưu luyến ngậm ngùi…
*
Mãi nhớ chuyện xưa và nhớ bản nhạc Biệt Kinh Kỳ mà Henry hát trong đêm
chia tay, nhớ những thằng bạn từ thuở ấu thơ, những ngày sống ở Sài Gòn và
những ngày trong quân ngũ, tôi thiếp vào giấc ngủ chập chờn.
Đang lim dim ngủ, một người công
an đứng sát ghế ngồi, nhìn thấy công an tôi sợ quá, kéo mũ che mặt ngủ tỉnh bơ
như không để ý. Người công an lấy mũ che mặt đập vai tôi và hỏi:
-Ông thầy quên em rồi sao?
Bây giờ già rồi đầu óc lú lẫn
nên chẳng nhớ ai.
-Em là Dũng bóng làm trong phòng
siêu tần số với thượng sĩ Bàu.
Thật sự tôi nhìn lên tôi cũng
biết là Dũng bóng làm phòng siêu tần số dưới quyền tôi làm trung tâm trưởng.
Nhưng tôi trả lời:
-Dũng hả anh nhớ rồi, em vào
ngành công an lâu chưa?
-Em vào ngành công an cũng được
bốn năm. Ông thầy vẫn khỏe? Gặp và thấy ông thầy khỏe mạnh em mừng lắm. Em đi
kiểm soát trên tàu hằng ngày mà em chưa gặp một người bạn cùng đơn vị, hôm nay
em găp ông thầy và thấy ông thầy mạnh khỏe em rất vui. Xin phép ông thầy em đi
làm nhiệm vụ, em đợi ông thầy ở ga Quy Nhơn, thầy trò mình nói chuyện nhiều.
Nói xong Dũng đi lần qua toa tàu
khác.
*
Đơn vị tôi là một trung tâm truyền tin diện địa đồn trú trong bộ tư lệnh
quân đoàn 2. Truyền tin là mạch máu của quân đội, chịu trách nhiệm các đường
dây liên lạc, công văn, công điện trong vùng 2 chiến thuật và điện thoại các
phòng ban trong bộ tư lệnh và tiểu khu Pleiku…
Trung tâm gồm có các ban: siêu
tần số, tổng đài, viễn ấn tự, mật mã, điều chỉnh, giai tần đơn, quân xa, máy
điện, đường dây cáp điện thoại. Làm việc theo ca, chia làm 3 ca trực ngày và
đêm.
Nguyễn Anh Dũng cấp bậc hạ sĩ
nhất, độc thân, người hiền lành, nước da trắng trẻo thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ,
làm việc chăm chỉ, tới phép thường niên 15 ngày là xin về thăm gia đình. Bạn bè
thấy Dũng giống con gái nên gọi Dũng bóng.
Binh chủng truyền tin điều chuẩn
an ninh rất kỹ. Sáu tháng là ban an ninh đơn vị gởi giấy điều chuẩn an ninh về
địa phương ký xác nhận gia đình, cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng có theo
Cộng sản hoặc liên hệ với Cộng sản. Nếu có thì cho làm những công việc không
quan trọng hoặc đổi ra tác chiến. Hồ sơ an ninh của Dũng rất trong sạch không
có liên hệ với Cộng sản thế mà sau 1975 lại được vào ngành công an.
Tôi nghĩ Dũng là Việt cộng nằm
vùng khai man lý lịch trà trộn vào lính truyền tin chờ cơ hội đặc chất nổ phá
hoại trung tâm. Nếu trung tâm mà bị đặt chất nổ hư hỏng là tôi sẽ bị ra tòa án
quân sự bị tử hình hoặc ở tù rục xương.
Mãi suy nghĩ tàu đã đến ga Quy
Nhơn, tôi bước xuống và đi vào sân ga thì thấy Dũng đứng chờ tôi. Gặp tôi Dũng
nói:
-Thiệt tình em gặp lại ông thầy
em mừng lắm, bây giờ cũng đã tối rồi, em mời ông thầy đi ăn cơm với em.
Tôi nói với Dũng:
-Bây giờ thầy trò gì nữa, gọi
anh em với nhau cho thân mật.
-Ông thầy cho phép em mới dám
gọi. Mời anh vào tiệm cơm bên kia đường.
Vào tiệm cơm Dũng gọi hai phần
cơm 2 người, hai chai bia. Và Dũng tâm sự:
-Chắc thấy em đi công an anh
ngạc nhiên và không thích phải không?
Tôi nói đãi đưa với Dũng:
-Anh biết ngành công an phải lý
lịch trong sạch, gia đình tham gia cách mạng… mới được tuyển vào. Anh rất mừng
cho em.
Không phải vậy, trường hợp em là
khác. Dũng kể:
Năm 1970 quốc lộ 19 do sư đoàn
mãnh hổ Đại Hàn kiểm soát an ninh, mỗi sáng đi mở đường, nếu có du kích Việt
Cộng nấp những làng hai bên đường bắn sẻ một người lính chết là tràn vào làng
kéo thanh niên, thanh nữ ra bắn hết. Em có một thằng em cũng bị Đại Hàn bắn
chết. Năm 1975 mấy ông nầy về, những gia đình có người bị bắn chết được cấp
giấy gia đình liệt sĩ.
-Nhờ gia đình liệt sĩ em được
vào ngành công an phải không?
-Dạ, đầu năm 1977 ở tỉnh Bình
Định tuyển công an em lấy giấy gia đình liệt sĩ làm đơn xin vào.
-Anh nghe nói ngành công an kiếm
chát cũng khá hả em?
-Dạ, khá lắm, nhưng đối với em
là khác. Dù sao em cũng ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có giáo dục nhân
bản, thương dân mình bây giờ đang đói khổ, nhất là những vợ của lính cùng chiến
tuyến với mình, bị đi ở tù, hoặc đi kinh tế mới, em không dám tìm cách bắt chặt
những người đi buôn phải đóng chịu hằng ngày không biết hàng hóa nhiều hay ít,
như những thằng công an ngoài Bắc ăn tàn nhẫn lắm.
-Em không ăn tiền đâu mà nộp lên
trên.
Tôi hỏi Dũng để biết thêm về
ngành công an mà dân ai cũng ghét.
-Bởi vậy nên em nghèo hơn tụi
Bắc kỳ. Chắc em làm một thời gian nữa em xin đổi qua ngành khác, để lấy đức cho
vợ con.
Nhắc đến vợ con, tôi hỏi để biết
hoàn cảnh Dũng.
-Bây giờ vợ con em đang ở đâu và
làm nghề gì?
-Dạ, nhà em ở thành phố nầy. Em
cưới vợ năm 1978, nhân viên bán vé tàu ở ga Quy Nhơn và sinh một cháu trai được
ba tuổi. Em dành dụm mua được căn nhà nho nhỏ để cho gia đình trú ngụ.
-Như vậy em cũng yên ổn rồi, anh
rất mừng cho em.
-Thú thật với anh em cũng không
muốn vào ngành nầy nhưng đổi đời không biết làm nghề gì nên phải chấp nhận.
Tôi nói với Dũng:
-Em có ý định chuyển ngành thì
rất tốt, giữ phúc đức cho con cháu sau nầy.
Dũng nhìn tôi hơi rụt rè và nói:
-Gặp anh em mừng lắm, nhắc lại
cho em những kỷ niệm thời còn bạn bè, công việc làm, em rất buồn biết bao giờ
tìm lại. Anh mới ra tù còn vất vả lo cho vợ con, em xin biếu anh một ít tiền
làm lộ phí và em đã mua vé cho anh về Đà Nẵng.
Dù sao, với nhân cách của người
sĩ quan quân đội miền nam, tôi từ chối và cảm ơn Dũng. Nhưng Dũng nài nỉ và
nói:
-Anh nhận cho em vui, xin anh cứ nghĩ em là lính của anh như ngày xưa,
không thay đổi gì.
Nghe Dũng nói rất chân thật, hơn nữa tôi mới ở tù ra cũng thiếu tiền cho
chuyến đi. Tôi nói với Dũng:
-Anh nhận số tiền nầy, sau nầy anh khá lên anh sẽ gởi lại cho em. Cảm ơn
em rất nhiều.
Tôi nhìn Dũng rất vui, tôi nói tiếp:
-Thôi em về kẻo vợ con trông. Hy
vọng chuyển vào anh sẻ gặp em, sẻ ghé lại thăm vợ con em. Anh em mình tâm sự
nhiều.
Tôi bắt tay Dũng và chúc Dũng
nhiều sức khỏe và gặp nhiều may mắn.
*
Dũng đi rồi, tôi lang thang vào ga tìm một chỗ ngủ. Mãi suy nghĩ về Dũng
mà tôi cứ thao thức không ngủ được.
Cộng Sản đã xâm chiếm miền Nam, tất cả sĩ quan bị đi ở tù không biết
ngày về, những người có chút học thức tham gia chế độ miền Nam không bị ở tù
thì đày đi kinh tế mới, nhưng cái tình của người miền Nam vẫn còn thương yêu
nhau, đùm bọc lẩn nhau… Nhất là những người lính huynh đệ chi binh.
Khi còn tại chức trước năm 1975, người sĩ quan QLVN phải làm đúng bổn
phận, trách nhiệm của người sĩ quan chỉ huy. Tôi cũng làm đúng bổn phận và
trách nhiệm. Nghiêm khắc, la rầy, phạt trọng cấm, cúp phép… Tôi cứ nghĩ một
người sĩ quan thất cơ lỡ vận bị Cộng Sản tuyên truyền, lính sẽ thù hận nhưng
không ngờ vẫn còn kính nể, thương yêu nhiều hơn xưa.
Lang man suy nghĩ, có vé tàu Dũng đã mua, tôi không lo thức sớm để sắp
hàng mua vé, và có uống một chai bia, tôi thiếp vào giấc ngủ mặc dù nhiều hành
khách đi lại nói chuyện ồn ào. Sáu giờ sáng thức dậy, mua một ổ bánh mì điểm
tâm và lên tàu với tâm hồn nhẹ nhàng, vui tươi.
Có tiền của Dũng đến ga Quảng Ngãi tôi mua một con gà luộc (ga QN bán gà
đa luộc chín rất ngon) và kẹo mạch nha về làm quà cho mẹ.
***
Tôi về ăn Tết với mẹ được một tháng vào lại Sài Gòn tìm việc làm nuôi vợ
con. Khi vào tôi mua mè xửng Huế và bánh đậu xanh để làm quà cho Dũng, người
thương phế binh và vợ con. Buổi tối nghỉ lại ga Quy Nhơn tôi đi lang thang hỏi
thăm Vợ chồng Dũng không ai biết, có lẽ buổi tối nhân viên nghỉ hết. Trên đường
tàu chạy vào Tuy Hòa tôi hỏi mấy anh công an kiểm soát họ trả lời là Dũng đã
chuyển ngành và không biết ngành gì.
Khi nghe tin Dũng đã chuyển
ngành tôi rất vui và mừng cho Dũng đã giữ đúng lời hứa. Ít ra người quân nhân
miền Nam cũng phải có bản lĩnh như vậy.
Trên đường từ Tuy Hòa vào Nha
Trang tôi cũng không thấy cha con người thương phế binh hát dạo, tôi hỏi hành
khách trên tàu đi buôn hằng ngày họ trả lời cũng không thấy hai cha con người
thương phế binh hơn nửa tháng rồi. Tôi rất buồn, không biết có mệnh hệ nào cho
hai cha con… Anh lê lết trên tàu, bến xe hát những bản nhạc vàng của miền Nam
như một cái gai trước mắt bôi bác chế độ họ muốn nhổ đi cho khuất mắt. Tôi
thương và buồn vô cùng cho hai cha con người thương phế binh phải gánh chịu
những tai ương sau chiến tranh điêu tàn…
Chuyện đã xảy ra trên bốn mươi
năm rồi, tôi vui, buồn mỗi khi nhớ lại…
Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi.
Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.
Nhớ lúc lên đường đưa tiễn chân tôi,
Thương lên khoé mắt mẹ nhắn đôi lời,
Diệt thù lập công cho xứng tài trai,
Sắt son ghi lòng chớ phai.
Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai,
Con đi chinh chiến để nước yên vui
Lời mẹ hiền khuyên nguyền khắc trong tim
bao giờ dám quên.
Bạn ơi! khi nào ai hỏi đến tên tôi
Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời.
Ngày nào khi đất nước hết binh đao
giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu,
trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau.
Người đi chiều ấy áo nhuộm bụi đường
Chiều nay về giữa kinh kỳ say hương.
Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.
May 25,
2024
Trần Thế
Phong
https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/tren-chuyen-tau-cuoi-nam/
Bà Năm Đi Mỹ - Phan Đức Minh
(Hình minh họa: Fabian Møller/Unsplash)
Mấy hôm nay, Bà Năm mất cả ăn, cả ngủ vì chỉ còn một ngày nữa thôi, sáng mai
là Bà lên máy bay sang Mỹ đoàn tụ gia đình, sống với đứa con gái lớn đã sang
sinh sống ở Mỹ dễ chừng hơn 20 năm rồi.
Lâu lâu nó vẫn gửi thư cho Bà và gửi tiền nữa. Với số tiền năm, sáu trăm
đôla mỗi lần nó gửi về, đem đổi ra tiền Việt Nam hơn chục triệu lận. Bà ngồi mà
ăn, cúng vô chỗ này, chỗ nọ để lo cho kẻ nghèo khổ, giúp đỡ bà con, chòm xóm, kẻ
nhiều người ít, cũng không cách nào cho hết.
Bà già rồi, sống với đứa con gái út, hàng ngày chỉ có việc ăn hai ba bữa rồi
đi đây, đi đó, thăm bà con, bè bạn. Về nhà thì mở TV, coi băng video cải lương,
phim hài, phim chưởng… đủ thứ trên đời. Cuộc sống của Bà nghĩ thật sung sướng.
Bao nhiêu người già cả ở quanh cái chợ Bà Chiểu, Quận Bình Thạnh nơi đất Sài
Gòn này, ước mơ có được một phần cuộc sống của Bà mà đâu có được. Họ phải đầu tắt,
mặt tối, chạy xuôi chạy ngược, buôn bán tảo tần nơi lề đường, hè phố, bị công
an rượt đuổi chạy có cờ… để kiếm miếng ăn cho no cái bụng thôi mà cũng không nổi.
Bà Năm có đứa con gái vượt biển rồi đi Mỹ mà cuộc đời sướng như thế đó. Người
ta bảo: “Bà Năm ăn ở phúc đức lắm mới được đứa con gái như thế. Chớ biết bao
nhiêu người, sinh con đẻ cái, gái trai cả bầy mà có làm nên cơm cháo gì đâu?”
Cuộc đời của Bà quả là sướng như tiên ở Sài Gòn rồi còn chi nữa. Bảo đứa con
gái út viết thư cho chị nó, Bà cứ bảo nó viết cái tên Sài Gòn, vừa quen, vừa gọn,
vừa dễ nghe, chớ đâu lại có cái tên dài lòng thòng…Thành Phố Hồ Chí Minh, nghe
mệt thấy mồ.
Mỗi khi nhận được thư của đứa con gái từ Mỹ gửi về Sài Gòn cho Bà, có lúc
kèm theo vài tấm ảnh… theo thói quen từ hồi có… “loại thư Việt Kiều gửi về
quê,” Bà lại dúi vào tay người đưa thư mấy ngàn bạc cho người ta vui vẻ,
lương tiền nhà nước làm chỉ đủ sống.
Chu cha! Đất Mỹ đẹp quá trời! Con Nguyệt, con gái Bà, nói nó ở thành phố San
Diego, tiểu bang Ca-li, một thành phố đẹp lắm. Coi những tấm ảnh, Bà thấy thành
phố San Diego quả là đẹp thật. Nhà cửa, đồ đạc, xe cộ của con gái Bà sao mà đẹp
chi lạ! Hai đứa con trai của nó trong ảnh còn đẹp hơn cả mấy đứa trẻ trong những
bức tranh Tầu ôm quả đào tiên.
Con Nguyệt nó bảo làm thủ tục bảo lãnh cho Bà sang Mỹ ở với nó. Nó bảo Bà
già rồi, sang Mỹ khỏi có phải làm ăn chi hết, rồi ít lâu sau thành dân Mỹ, lại
có tiền chính phủ nuôi, chỉ ở nhà chơi với cháu thôi. Bà muốn coi cải lương hả?
– Băng video phim Việt Nam, phim Tàu, phim chưởng Hồng Kông nhiều vô số kể. Chẳng
thiếu thứ gì. Nó mua, nó thuê về nhà cả thùng lận. Bà tha hồ mà coi. Bà muốn đi
Chùa hả? – Nó lái xe Mỹ, xe Nhật êm ru bà rù, chở Bà đi đây, đi đó, chỉ nháy mắt
là tới nơi, chớ đâu có phải đi bộ mỏi cả giò, đổ mồ hôi hột hay đi xích lô chạy
loạng quà loạng quạng, cứ như muốn ủi vào xe lam, xe đạp, xe Honda, ô tô con, ô
tô mẹ, chạy tưới hạt sen, lộn xộn xà ngầu… kinh khủng, muốn chết quá!
Mấy năm trước, khi Ông Cụ còn sống mà ai nói tới chuyện kéo Ông đi Mỹ sống với
con gái, là Ông chửi toáng cả lên: “Không có đi đâu cả! Ở quê nhà với bà
con, chòm xóm bạn bè, mồ mả Tổ Tiên không sướng hơn hay sao? Tiền bạc nó gửi về,
ngồi mà ăn đến chết cũng không hết. Già cả rồi, sang đó làm nên cái giống chi
mà làm?”
Thế nhưng từ ngày Ông mất đi, Bà thấy buồn buồn làm sao ấy. Thiếu người bầu
bạn, đôi khi có cằn nhằn gấu ó với nhau về cái chuyện “đi hay ở ” thật đấy,
nhưng lúc này Bà Năm mới cảm thấy cô đơn, cô đơn thực sự.
Người già có cái tình yêu thương cũng như nỗi cô đơn của người gia. Thế là
càng ngày Bà càng cảm thấy cần phải đi Mỹ để sống với đứa con gái mà Bà từng
mang nặng, đẻ đau, rồi còn gian nan về những phen chạy giặc, chiến tranh nữa chớ.
Bà phải đi Mỹ để sống với hai đứa cháu ngoại trong ảnh thật dễ thương. Lắm lúc
Bà ngồi một mình mà nước mắt rưng rưng, Bà thương đứa con gái hiếu thảo và hai đứa
cháu ngoại quá chừng chừng…
Sáng nay, Bà gọi con Lan, đứa con gái út, dậy thật sớm để kịp ra phi trường
Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh lúc 7 giờ sáng nhưng xe đón từ lúc 5 giờ.
Bà Năm có hai đứa con gái, con Nguyệt là lớn, vượt biển đi Mỹ đã hơn 20 năm.
Con Lan là thứ nhì mà cũng là út, lúc ấy còn bé tí ti. Bây giờ con Lan đã lớn
tướng rồi, đã vào đại học và theo mấy khoá Tiếng Anh. Chị nó bảo: “Sang Mỹ, con
Lan sẽ vào đại học, tha hồ mà học.”
Con Lan đang ở cái tuổi mới lớn, nó còn thích đi Mỹ hơn cả bà Năm nữa, tuy rằng
đi Mỹ thì nó phải xa vô số bạn bè, thân thiết, đã từng gắn bó với nhau trong những
tháng ngày khốn khổ, gian nan, kinh hoàng nữa chớ. Nó nghĩ lại mới ngày nào đó,
vậy mà Chị nó đi Mỹ cũng đã hơn 20 năm, mau dễ sợ! Nó tính trong đầu: sang Mỹ chịu
khó mất vài bốn năm thì cũng lấy xong cái B.S. hay B.A. chi đó, như Chị nó nói.
Học thêm vài năm cũng lấy được cái bằng Master cho nó hách, rồi đi làm. Thế là
sẽ có vô số tiền. Nó sẽ đáp máy bay từ Mỹ về Sài Gòn. Lúc đó là đi thẳng cái một,
khỏi có… quá cảnh xứ này, nước nọ lôi thôi. Bạn bè của nó kéo cả băng, cả đoàn
đi đón. Vui ơi là vui! Nó sẽ cho tiền những đứa bạn nào nghèo khó, chồng con vất
vả đầu hôm sớm mai. Nó sẽ lôi hết bạn bè cũ cùng học lớp 12 với nó ở Sài Gòn,
thuê vài cái xe đi chơi khắp mọi chỗ kêu bằng… danh lam, thắng cảnh, quay
video, chụp ảnh, đi ăn nhà hàng chết bỏ… cho bõ ghét những ngày… con nít chẳng
dám đi đâu hay làm cái gì…
Có tiếng xe pin, pin ở ngoài cổng. Người ta tới đón mẹ con Bà Năm ra phi trường.
Bà con, bạn bè lối xóm bu lại, nước mắt ngắn dài, kẻ ở người đi… Ôí! Cảnh biệt
ly sao mà buồn thế! Mẹ con Bà Năm với mấy cái va-li bự chảng, hai cái xách tay
nho nhỏ đã lên xe. Một số bà con thân thiết cũng leo lên xe để tiễn mẹ con bà
Năm tới tận phi trường. Một số bà con ở lại, vẫy tay từ biệt khi cái xe 12 chỗ
ngồi đã từ từ lăn bánh.
Bà Năm cố nhìn lại cái xóm cũ đã gắn bó, sống chết với Bà từ bao nhiêu năm
nay. Những dãy nhà hai bên đường phố chạy thụt lùi lại phía sau cùng những bóng
cây, cột đèn, thân thương quá đỗi. Vài chiếc xích-lô đưa khách sớm, dăm cái xe
đạp, vài chiếc Honda rồ máy chạy ào ào… Tự nhiên Bà Năm thấy nhớ, thấy thương
Sài Gòn quá đi mất thôi. Vậy mà Bà nỡ bỏ nó để đi xa, chẳng biết bao giờ mới trở
lại nơi này.Bác tài xế bấm còi pim ! pim! khi tới chỗ ngã tư đông người lộn xộn
làm con Lan giật mình khi còn đang ngủ gà, ngủ gật vì sáng nay nó phải dậy sớm.
Xe qua cổng phi trường, vòng qua vòng lại rồi đậu phía trước một ngôi nhà
đông nghẹt những người. Hai mẹ con Bà Năm đã lọt vào trong căn phòng “cách ly”
để lại bên ngoài số bà con, bạn bè thân thiết với bao nhiêu nỗi niềm thương nhớ
đến độ xót xa.
Thoát được cái cảnh lo sợ bị rạch, Bà Năm thấy an tâm đỡ khổ. Bà đã già, lẩm
cẩm, may mà có con Lan đi theo chớ không dám chết quá. Bà có biết trời trăng,
mây nước gì đâu. Hết nạp giấy tờ, kêu tên, rồi nạp tiền đủ thứ linh tinh. Đến
chỗ mấy ông, mấy bà công an áo vàng, cầu vai đỏ choé, bà hơi run khi thấy họ lục
xét, bới tung đồ đạc của mấy người đi trước. Con Lan hích hích cùi chỏ rồi thò tay
bấm Bà: “Má để con!” Con nhỏ này nó học ở đâu mà bữa nay nó lanh như… quạ, dấm
dúi tiền bạc cho đám công an bằng những cái phong bì “có nhân” ở bên trong. Kẹt
quá, nó dúi đại cả mớ tiền Hồ vào tay bọn công an tỉnh bơ, chẳng còn coi ai ra
gì cả.
Công việc đi qua nhanh như gió. Cuối cùng một lão công an, mặt lạnh như tiền,
hất hàm hỏi “Bà và Cô có đem theo đôla không?” – Thưa không ! – Thế còn giữ tiền
Việt Nam không?
Con Lan lại hích hích cái cùi chỏ vào ba sườn Mẹ nó. Bà Năm lôi trong người
ra cái phong bì to bự đựng mớ tiền Hồ còn lại, đưa cho lão công an, miệng líu
ríu: “Còn lại mấy trăm ngàn, xin biếu… đồng chí uống cà phê.” Lão công an phì
cười khi nhét cái phong bì vào ngăn kéo bàn gần đó nhanh như người ta làm xiệc
. Lão ta cười chắc là vì lão ta có đồng chí đồng choé gì với Bà Năm bao giờ
đâu…
Hành khách lên xe, ra chỗ máy bay đậu. Ngồi trong máy bay rồi, con Lan buộc
dây lưng an toàn cho Mẹ. Sau một hồi gầm gừ, lắc lư, chiếc máy bay Hàng Không
Việt Nam từ từ cất cánh. Bà Năm nhăn mặt vì khó chịu, nôn nao trong người. Ngồi
cạnh cửa kính máy bay, Bà thấy phố xá, đồng ruộng quanh vùng Sài Gòn lu mờ, xa dần
rồi mất hẳn. Chung quanh chỉ còn là mây trắng xoá, mịt mờ…
Nỗi buồn xa xứ ở đâu tự nhiên kéo đến. Hai hàng nước mắt chạy quanh. Con Lan
rương tròn đôi mắt nhìn Mẹ nhưng chắc là nó không làm sao hiểu nổi. Máy bay dừng
lại ở Thái Lan để chuyển sang máy bay quốc tế, nghe nói bự lắm. Con Lan lúc này
lanh lẹ, dễ thương vô cùng. Nó thương Mẹ nó. Nó lo cho Bà đủ chuyện trong chuyến
đi nửa vòng trái đất đầu tiên và chắc cũng là cuối cùng của đời Bà. Mới ăn có một
bữa trên máy bay với một bữa ở khách sạn để chờ chuyển máy bay mà Bà Năm đã thấy
nhớ món cá lóc nấu canh chua, cá nục kho khô, nhất là điã giá sống… Con Lan cứ
ăn tỉnh bơ, ào ào hết sạch. Con gái 17 bẻ gãy sừng trâu còn được, huống hồ năm
nay nó đã lớn tướng, dư sức lấy chồng được rồi. Bà lẩm cẩm lo nghĩ vẩn vơ, nếu
cứ ăn uống hoài kiểu này chắc chết quá! Mà không, con gái Bà nó bảo ở bên Mỹ đồ
ăn không thiếu cái chi cả. Chợ Mỹ, Chợ Tàu, chợ Việt Nam có đủ hết. Tha hồ mà
làm… bún bò giò heo, bún cá, phở, mì, bánh canh, bánh xèo, chả giò, bánh cuốn…
Tự nhiên Bà Năm lại thấy … lên tinh thần.
Người ta hướng dẫn Mẹ con Bà Năm lên cái máy bay to chi lạ. Nghe nói nó chở
cả mấy trăm con người và vô số đồ đạc, va-li, thùng, xách, linh tinh. Dễ sợ thật
! Bà thấy hành khách đông vô số kể, ngồi trông từa tựa như cái rạp cải lương ở
gần Chợ Bà Chiểu thân quen của Bà. Mấy cái màn ảnh chiếu phim cả ngày cả đêm,
hoạ hoằn mới cho chúng nó… giải lao nghỉ xả hơi một lúc. Cứ độ 2 tiếng đồng hồ,
mấy cô tiếp viên lại đẩy cái xe đi quanh, dọn ăn, dọn uống cho khách. Bà nghe
nói ở Mỹ cả chục triệu người béo phị, đi không nổi. Chắc tại họ ăn uống lu bù tối
ngày sáng đêm như thế này chăng. Bà ăn đâu có nổi, Chỉ có con Lan là cứ tỉnh bơ
như sáo sậu, hết coi phim lại ăn, lại uống. Bà bảo con Lan: “Con ăn nhiều thế,
mai mốt béo phị ra thì ai nó thèm lấy!” Con Lan phì cười: “Má đừng có lo! Con
biết hết trơn rồi.”
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Mỹ. Con Lan bảo là Phi Trường quốc tế Los
Angeles. Bà Năm mệt mỏi nhừ tử cả người, đứng lên muốn hết nổi. Máy bay
bay miết, bay hoài, dễ chứng cả ngày lẫn đêm chi đó. Bà Năm thấy cái lối sống ở
trên máy bay và chắc cả ở Mỹ nữa nó không đơn giản như ở quê nhà, nơi gần chợ
Bà Chiểu. Cái chi cũng máy với móc, lộn xà lộn xộn, không biết đâu mà rờ cả.
Con gái Bà, con Nguyệt sẽ lái xe từ San Diego lên đón Mẹ con Bà ngay tại nơi
này. Người đâu mà đông thế? Người ta ăn mặc thật là kỳ cục. Cả đời, bây giờ Bà
mới thấy người ta ăn mặc chẳng giống dân Sài Gòn của bà tí nào. Đàn ông, con
trai thì lắm người mặc áo để phanh cả bộ ngực lông lá tùm lum. Có người ăn mặc
đồ lớn như dân Sài Gòn đi ăn cưới, có người chỉ mặc có mỗi chiếc áo “may-ô ba lỗ,”
có người cởi trần trùng trục đi lại tự nhiên, thoải mái. Đàn bà con gái cũng mặc
quần, mặc váy như mấy cô, mấy bà hạng sang ở sài Gòn, nhưng có nhiều người lại
mặc váy, quần cụt, ngắn cũn cỡn trông chẳng giống ai.
Ở chỗ đông người thế này mà đàn bà con gái chi lạ, cứ như ở trần, ở trên thì
vú vê to nung núc, rùng rà rùng rình, để ra cả đống cho người ta coi, ở dưới cứ
như là… để ra ngoài hết trơn, cái quần, cái váy ngắn tí teo, lại còn xẻ rạch
lên một khúc nữa… Trông dễ sợ quá! Bà Năm không biết con gái mình, con Nguyệt
nó có ăn mặc như thế này không? Nếu nó lại bắt Bà phải ăn mặc như thế nữa thì không
biết rồi ra làm sao? Liệu Bà sống nổi hay không. Tự nhiên Bà chặc lưỡi… kệ nó tới
đâu thì tới, đã đến đất Mỹ thì cũng như… leo lên lưng cọp rồi, tụt xuống đâu
còn được nữa. Thôi thì …cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem …đất Mỹ xoay vần tới
đâu.
Sau khi làm thủ tục giấy tờ này nọ, Mẹ con Bà đẩy xe hành lý ra phía ngoài.
Còn đang ngơ ngác thì con gái Bà, con Nguyệt, đã la lên: “Má! Má, con đây nè!”
Con gái Bà lúc này nó cao, nó to con, nó đẹp như “đầm” ấy, Bà nhận ra không nổi.
Nó chỉ người đàn ông đứng bên cạnh: “Đây là chồng con. Đây là hai đứa cháu ngoại
của Má! Và đây là bạn bè của con…” Con Lan đứng sau lưng Bà, bây giờ mới đến phiên
người ta ôm lấy nó cứng ngắc, hỏi thăm rối rít tít mù, làm cho nó đỏ bừng cả mặt,
cả tai…
Mấy cái xe Mỹ, xe Nhật bóng láng đưa Mẹ con Bà Năm về nhà con gái. Bà thấy
cái chi cũng lạ. Nhà to và đẹp quá, nhưng không bày đồ đạc tùm lum tà la như
nhà của Bà ở gần Chợ Bà Chiểu. Con rể và con gái Bà chắc hẳn giàu lắm. Hai đứa
cháu ngoại thì cứ nhìn Bà mà nói với nhau bằng thứ tiếng gì đó. Chắc là tiếng Mỹ!
Vợ chồng con Nguyệt nói với Bà thì bằng tiếng Việt, còn khi chúng nó nói chuyện
với nhau lại bằng tiếng Mỹ chi đó, làm Bà chẳng hiểu chi hết trơn.
Gặp mấy ngày nghỉ cuối tuần, bà con bạn bè người Việt ở gần, nghe tin Bà Năm
sang Mỹ, cũng kéo tới thăm. Bà cũng thấy vui vui một chút. Cơm nước bày ra đầy
cả bàn, nhưng Bà ăn sao nó dở ẹt, không bằng món cá bống kho tiêu, cá lóc nấu
canh chua của Bà ở Sài Gòn. Chúng nó lấy xe chở Mẹ con Bà đi chơi tùm lum đủ chỗ,
đẹp mắt và to lớn, vĩ đại vô cùng. Sạch sẽ nữa chớ, không có tạp nhạp, lộn xộn,
dơ dáy như cái xóm cũ của Bà.
Đường phố San Diego. (Hình minh họa:
Frank Rolando Romero/Unsplash)
Mấy ngày đầu đoàn tụ qua đi. Vợ chồng con Nguyệt đi làm, hai đứa cháu ngoại
được đưa đến trường học con nít. Chỉ còn Bà với con Lan ở nhà, cái nhà rộng
thinh rộng thang, phòng dưới nhà, phòng trên lầu, đủ kiểu. Chẳng bù với cái nhà
của Bà gần Chợ Bà Chiểu, chỉ có một cái phòng để ngủ, một phòng cho khách ngồi
chơi, còn lại là nhà bếp với bộ bàn ghế ăn cơm và linh tinh đủ thứ. Ấy vậy mà mới
ở Mỹ chưa được một tháng, Bà Năm đã lại thấy nhớ nhung luyến tiếc nếp sống của
Bà, một bà già hiền lành, chất phác, ở gần chợ Bà Chiểu. Đến cái ngày con Lan
được chị nó dẫn đi học ở cái trường nào đó xa lắm, phải đi bằng xe hơi, chớ
không có đi bộ hay đi xe đạp được đâu. Thế là chỉ còn có một mình Bà ở lại với
ngôi nhà to lớn rộng thênh thang mà thôi.
Lúc này, Bà thấy quả thiệt là buồn, cái buồn miên man khó tả. Con Lan đã chỉ
cho bà cách bật TV bằng cái… bấm cầm tay. Bật máy lên thì Bà chỉ thấy toàn là…
đánh lộn, la hét um xùm. Bật sang kênh khác thì lại bắn súng đùng đùng, máu me
tùm lum. Chán quá, Bà tắt máy. Hết đi ra lại đi vô, Bà đâm ra cứ muốn ngủ gà,
ngủ vịt. Mà nằm xuống thì đâu có ngủ được…
Bà từng nghe nói thành phố San Diego là nơi ấm áp mà sao mùa lạnh mới sang
Bà đã thấy lạnh chi mà lạnh dữ. Ở Sài Gòn, Bà có thấy lạnh bao giờ đâu. Buổi
sáng sớm và ban đêm, ở Mỹ, Bà cứ phải mặc cả mớ quần áo, trông to bự chác như
hình vẽ Ông già Nô-en vậy. Có bữa con Lan mở TV, Bà thấy cảnh động đất, mưa lụt,
bão bùng, xe cộ tông nhau, người chết, nhà cửa tan tành…
Ở Mỹ cái gì đối với Bà cũng vĩ đại, to lớn, dễ sợ, kinh hoàng, dựng tóc gáy,
nổi da gà. Nó không yên tĩnh, hiền lành như cái vùng đất chợ Bà Chiểu của Bà. Tối
đến vợ chồng con Nguyệt đi làm về. Cả nhà chỉ gặp nhau vào lúc ăn cơm. Ăn xong,
ai về phòng người nấy, hay vợ chồng con Nguyệt lại lấy xe đi đâu đến khuya. Bà Năm
muốn chơi với hai đứa cháu ngoại. Khốn nỗi hai đứa nhỏ lại chỉ biết nói tiếng Mỹ
mà thôi, Bà đâu có hiểu. Còn có con Lan thì nó lo học và làm bài túi bụi. Rảnh
một tí, nó mở cái TV để coi ca nhạc mà kẻ đàn, người hát cứ như đánh vật với
nhau, la hét um xùm. Hình như nó bảo nhạc Rốc, nhạc riếc chi đó, nghe đến chóng
cả mặt, đau cả đầu. Không thế thì nó lại ôm cái điện thoại nói chuyện với bạn với
bè. Nói liên hồi, không biết mệt. Chuyện chi mà nhiều thế?
Bà Năm đau nặng phải vô nằm bệnh viện, lắm lúc mê man rồi lại tỉnh. Vợ chồng
con Nguyệt chỉ biết thương Bà, nhưng vẫn không hiểu được vì sao. Sau nó mới hiểu,
hỏi: “Có phải ở đây Má buồn, Má không chuyện trò được với ai, nhất là với hai đứa
cháu ngoại, Má nhớ quê hương, bạn bè của Má, Má nhớ mồ mả Tổ Tiên, Ông Bà, Cha
Mẹ, Má nhớ Chợ Bà Chiểu… nên má đau, má bệnh phải không?” Bà Năm nắm lấy tay nó
rồi gật đầu. Con Lan bỗng nhiên mím môi lại, nước mắt chảy hai hàng. “Sao Má
không ở lại Việt Nam với chòm xóm, bạn bè, với Chợ Bà Chiểu của Má? Má không chịu
đi Mỹ thì đâu con có đi! Con nhất định ở với Má cho đến khi nào Má… không còn nữa,
Má đi với Ba cơ mà!” Rồi nó ôm mặt khóc rưng rức xót thương cho Mẹ, người đã suốt
đời khổ cực vì chồng vì con, hình như chẳng có lúc nào để nghĩ đến chính
mình…
Bỗng Bà Năm tỉnh táo, vẫy tay cho vợ chồng con Nguyệt cùng tới gần. Bà nắm lấy
tay hai đứa con gái, nói trong hơi thở nghẹn ngào: “Má chấp nhận rời bỏ tất cả
để ra đi vì Má thấy thương con Nguyệt, nó muốn Má được an nhàn, sung sướng lúc
tuổi già, nhất là Má thương con Lan, Má hy sinh vì mong cho nó được ăn học nên người
và có một cuộc sống tốt đẹp như chị nó ở đất nước văn minh, giàu có, vĩ đại như
thế này. Má già rồi nên không quen, nhưng Má chấp nhận… Má chỉ tiếc một điều là
không được chết và nghỉ yên bên cạnh Ba con…”
Nguyệt lúc này mới cảm thấy một nỗi xót xa thật to lớn. Nguyệt đã chịu một
phần trách nhiệm trong cái chết của Bà Năm. Vợ chồng Nguyệt đã không làm được một
việc mà nhiều gia đình Việt Nam khác đã làm được. Đó là vợ chồng Nguyệt không để
ý hay không làm được cái việc: dạy cho hai đứa con những khi ở nhà với Cha Mẹ,
tập nói tiếng Việt. Nếu hai đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt như nhiều đứa
trẻ gốc Việt khác thì Bà Năm đã có nhiều giờ phút khuây khỏa, vui chơi, chuyện
trò với hai đứa cháu ngoại mà Bà thương hết mình. Đằng này, Bà không làm sao gần
gũi được với chúng nó. Khi Bà và hai đứa cháu ngoại gần nhau, thay vì chuyện
trò như nhiều gia đình gốc Việt Nam khác, thì lại chỉ biết nhìn nhau như những
người xa lạ ở đâu đâu ấy.
Nguyệt cũng úp mặt vào hai bàn tay để giấu đi những giọt nước mắt xót thương
người Mẹ già đã từ giã tất cả để đến nơi đây sống với mình. Nguyệt thương Mẹ
nhưng không hiểu được Mẹ. Bây giờ thì mọi sự đã trễ mất rồi, không cách nào làm
lại được nữa dù chỉ một lần… Nếu hai đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt để
Bà cháu hủ hỉ với nhau thì…
Bà Năm không nói được nữa, Bà đã vĩnh viễn ra đi để được sống với chồng Bà
bên kia thế giới, có lẽ gần gũi hơn với Quê Hương Đất Tổ, ở đó có nhiều bạn bè
thân thiết và có cái chợ Bà Chiểu thân thương gắn bó với Bà từ những ngày khốn
khổ xa xưa…
Thursday, May 30, 2024
Người Việt Cứ Liều Mạng Ra Đi, Vì Sao? - Mạc Văn Trang
Càng
đi nhiều càng thấy đất nước mình đẹp quá: Núi rừng, sông, biển, cánh đồng… bị
tàn phá biết bao nhiêu mà vẫn còn đẹp lắm! Dân mình, có người thế này thế nọ,
nhưng sao thật dễ thương, dễ gần, đề hoà đồng cùng nhau. Đất đai, khí hậu nước
mình, quanh năm gieo hạt gì xuống cũng có thể ra hoa trái, sum suê…
Gần
đây ông Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định: Nước ta đã bao giờ có được cơ đồ và vị
thế như ngày nay chưa? Nào là chỉ số Hạnh phúc cao; Tuổi thọ cao; nào GDP liên
tục tăng trưởng cao 5-6%; nào nhà cao tầng san sát; nào xe hơi chật đường; nào ổn
định xã hội chính trị; đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ồ ạt…
Tôi
đã gặp một số người Việt sống bất hợp pháp ở Ba Lan, Pháp. Họ cứ sống trốn lủi,
cảnh sát có bắt, nhốt ít ngày lại thả ra. Họ phải bỏ ra khá nhiều tiền mới sang
được bên đó; sang đó lại đi kiếm tiền. Bất chấp hiểm nguy, khổ ải, mất nhân phẩm,
danh dự! …
Vụ 39 người chết ngạt trong container khi trốn vào nước Anh, năm 2019 là một thảm cảnh bi thương, kinh hoàng. Nhưng rồi vẫn tiếp tục nhiều người trốn theo cách đó một cách tinh vi hơn…
Gần
đây đài RFA có bài tường thuật “Người Việt đánh cược cả cuộc đời khi vượt hàng
rào biên giới vào Mỹ từ Mexico”, của tác giả Cao Nguyên. Trong bài cho thấy, có
phỏng vấn mấy nhân vật, có hình ảnh, clip ghi lại cảnh từng nhóm vài chục người
băng đồng, trèo rào… vào Mỹ.
Bài
báo cho biết: “Gần 6.000 người Việt đã luồn lách qua những cánh rừng, những
hoang mạc đầy bất trắc gần biên giới đường bộ Mexico để leo rào vào Mỹ một cách
bất hợp pháp. Họ đánh cược tài sản, tuổi thanh xuân và cả tính mạng của mình với
hy vọng mơ hồ rằng sẽ định cư tại xứ cờ hoa.”
…“Những
di dân từ Việt Nam cho biết tổng chi phí mà họ phải trả cho đường dây đưa người
đi vào khoảng từ 60 đến 75 ngàn USD tuỳ theo con đường mà mỗi người tới được
Mexico.
Thông
thường, người vượt biên sẽ phải ứng trước khoảng 5 – 10 ngàn USD để nhận được
thẻ thường trú nhân giả của Nhật Bản. Với thẻ này, người Việt có thể nhập cảnh
Mexico mà không cần visa. Qua được hải quan Mexico, họ tiếp tục đóng thêm 30
ngàn USD, và khi đã trả hết số tiền còn lại, tầm khoảng hơn 30 ngàn USD nữa, họ
sẽ được dẫn đường qua Mỹ”… Trích RFA
Tất
nhiên mình không ở vào hoàn cảnh của họ thì không hiểu rõ vì cái gì? Do đâu mà
họ liều mình như vậy?
Nhưng
với tư cách các nhà Lãnh đạo quốc gia, các nhà nghiên cứu Văn hóa, Xã hội liệu
có đặt câu hỏi: Vì cái gì? Do đâu? nhiều người Việt Nam lại có lựa chọn giá trị
sống như vậy?
Có
phải những người Việt này có nét đặc trưng: Liều mạng, không sợ khổ, không sợ
nhục, không sợ chết, miễn là kiếm được nhiều tiền bằng bất cứ cách nào?
Mạc Văn Trang
Đặt Tên Con - Sỏi Ngọc
Chúng tôi lấy nhau vào tháng năm 2023, dự tính sẽ có con đầu lòng vào 2024 vì chúng tôi sấp sỉ ngưỡng 30 tuổi, sợ ngoài tuổi đẹp và mạnh khỏe nhất để sanh con khoảng 24-25; tôi và vợ lên kế hoạch đi chơi xa “lấy hứng” và cũng để sau khi có con sẽ giành nhiều thời gian trông nom dậy dỗ con cái.
Trong chuyến đi chơi ba tuần ở Nhật với những phong cảnh lãng mạn hữu tình, vợ tôi đã thụ thai.
Tin nóng sốt vui mừng này được nhanh chóng truyền khắp trong họ hàng nội ngoại hai bên, tôi là đứa con trai đầu tiên lấy vợ trong họ hàng của hai bên gia đình, giờ đây vợ tôi mang bầu cũng là đứa cháu nội đầu tiên của cả hai gia tộc.
Vợ tôi mang bầu là cả một việc làm tôi vừa hạnh phúc lẫn
mệt tâm trí, lúc thì mẹ vợ dặn dò không được ăn đồ sushi vì là đồ sống dễ gây
đau bụng ảnh hưởng đến thai nhi, lúc thì mẹ đẻ tôi nhắn không được với những đồ
ở xa tầm tay, hay leo trèo lên cao lấy đồ mà phải nhờ chồng làm. Rất nhiều thứ
nên và không nên được hai bà mẹ của cả hai bên bầy đặt ra làm cho vợ chồng tôi
phải nhẹ nhàng vặn nhỏ cái cellphone lại giả vờ không nghe cuộc gọi chứ không
thì cả ngày sẽ phải bận rộn tiếp phone thôi.
Cả một thời gian chín tháng vợ mang bầu đã làm tôi phải
hy sinh không được đi đâu quá xa để nếu vợ cần gì thì phải có mặt ngay! Ngoài
ra tôi vẫn phải bỏ ngủ trễ cuối tuần để đi lấy bánh cuốn hay mua thứ kem lạnh
mà vợ tôi nổi cơn thèm lạ đời đòi ăn bất chợt!
Sở thích của riêng tôi là được đi chơi volleyball cuối tuần với các bạn, tôi không thể bỏ được, mà nếu đem bà bầu đi thì thấy cảnh nàng khệ nệ đi qua đi lại sốt ruột ôm cái bụng bự thì làm sao tôi còn hứng thú chơi nữa chứ! Thành ra tôi đã đem vợ lại nhà ba mẹ vợ chơi, khi nào xong sẽ đón nàng về.
Trong lúc ở nhà nàng, ba mẹ vợ đề nghị:
- Các con đã đặt tên cho thằng cu bé là gì chưa?
- Dạ chưa…. Chúng con suy nghĩ mãi vẫn chưa đi đến quyết định được. Con nghĩ chắc còn hơi sớm quá.
- Cũng phải nghĩ tiếp đi chứ, con đã đến tháng thứ bẩy rồi… Nó ra đời là phải làm ngay giấy khai sinh đấy! ba nghĩ năm nay là con rồng thì đặt tên Long…
- Trong lớp con có một tên Long rất bủn xỉn keo kiệt, con không đặt tên này đâu!
- Hay
là… Lân đi! Phải đấy là Lân đi! … À mà nhà bên nội đã nghĩ tên gì cho cháu
chưa?
- Mọi người cũng nghĩ như con là còn sớm quá nên chưa ai nói gì cả ạ.
- Phải đặt tên nào cho dễ khi đi học nữa, chứ tên Việt Nam của mình dài thòng lòng, cô giáo đọc mãi cũng không hết và còn đọc sai nữa thì chả ai hiểu gì!
Nghe vợ tôi nói những cái tên mà ông bà ngoại bên ấy muốn đặt, tôi đăm chiêu suy nghĩ, mới sực nhớ :
- Ừm nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!
Vợ
tôi bênh vực ý kiến của ba mẹ nàng :
- Ba em nói năm nay là năm con rồng, đặt tên Lân cũng ok đó!
- Nhưng gì Lân chứ? Phạm Lân?... Còn ông Nội muốn đặt nó là Nhật Lâm…
- Nhật Lâm có ý nghĩa gì?
- Tên của anh là Quang Nhật, lấy tên anh làm chữ lót cho con, còn Lâm là rừng, trong phong thủy Lâm là biểu tượng của sự thịnh vượng, phát triển, mang lại sức sống và tài lộc.
- Để em sẽ tìm hiểu thêm giữa Lân và Lâm rồi mình nói tiếp nhe!
****
Tháng năm giao mùa giữa xuân và hạ, khí hậu thật mát mẻ, hoa lá nở rộ, con người cũng vui vẻ. Bố mẹ tôi sửa soạn đi dụ lịch Châu Âu, trước khi từ biệt tại phi trường, mẹ tôi có dặn dò:
- Hai vợ chồng con nhớ giữ gìn sức khỏe cẩn thận nhé,
con so có thể sanh sớm vài tuần như mẹ đã từng sanh con sớm đến ba tuần lễ đấy,
sửa soạn va-li sẵn cho vợ con để có gì thì đi ngay vào nhà thương, bất kỳ việc
gì cũng phải từ tốn, đừng quýnh lên sẽ hỏng chuyện nhe, bố mẹ đi khoảng ba tuần,
có gì nhớ email cho mẹ biết.
- Dạ mẹ không lo, chúng con đã sửa soạn hết rồi, bố mẹ đi chơi về vào cuối tháng 5 thì vợ con mới sanh mà, bây giờ mới là đầu tháng 5 thôi.
- À rốt cuộc tên cháu bé thì con định là gì chưa?
- Con nghĩ sẽ chọn Nhật Lâm đó ạ!
- Gì cũng được tùy các con và bên ông bà ngoại quyết định cho vui vẻ nhé.
****
Bố mẹ tôi vừa lên máy bay rời khỏi, tôi đã nghe tiếng
cellphone reo; tiếng thở hổn hển của vợ tôi:
- Anh à… em … đau bụng quá!
- Thật không? ….sao kỳ vậy?... em có chắc là đau bụng đẻ không?
-… Giờ này mà bảo em… giỡn hả? em …đau bụng lắm!
- Thở đi nhé, hít vào… thở ra… như mình đã học course đi!
- Em đã làm rồi…Anh ở đâu? …Gần về chưa?
- Anh đang đi về đây! … nhưng … em đau thế nào? Người ta bảo đến cuối tháng em mới sanh mà? Có phải lộn không? … gọi mẹ em xem bà nói thế nào?
- Em đau bụng lắm, … anh về nhanh đi nhe!
Nói
rồi nàng cúp phone, tôi rối loạn không biết phải đi nhanh gấp về bằng cách nào
nữa, đường kẹt xe như thế này! Không hiểu sao nàng lại đau sớm như vậy, có đúng
đau đẻ không? nếu sanh sớm ba tuần có hại cho đứa bé không? nó có bị thiếu phần
nào chưa phát triển hết không? Bao nhiêu câu hỏi lo lắng cho đứa con đầu tiên rối
tung trong đầu.
Tôi quẹo phải, rồi quẹo trái, rồi quay lại con đường cũ, lòng vòng mãi vẫn đi lộn đường và không ra khỏi được chỗ kẹt này!
Rốt
cuộc tôi cũng về đến nhà, nàng nằm ngay trên sofa sốt ruột như chờ đợi tôi lâu
lắm rồi, thấy tôi nàng nhăn nhó :
- Sao anh về lâu thế? Em có phone cho bác sĩ rồi, bà nói em cứ từ từ chờ khi nào đau co thắt liên tiếp thì vào nhà thương là vừa, bây giờ bà cũng trên đường đến nhà thương đó. Anh lên lầu lấy giùm em giỏ quần áo nhe.
Tôi quýnh lên :
- Em nhớ hít vào… thở ra nhe!
- Thưa anh, em đang hít đây, không hít, không thở làm sao sống!
****
Khi
vợ tôi lên giường nằm chuẩn bị sanh, tôi cảm thấy rất yêu nàng và mình đang nợ
nàng một mối nợ ân tình to lớn vậy!
Tôi
sắp làm bố! Một trách nhiệm nặng nề nhưng mang tính thuyết phục! tôi không sao
tả được cảm giác yêu thương và hạnh phúc trong tôi, tôi không trực tiếp mang nặng
đẻ đau như người phụ nữ nhưng cả quá trình mang thai của nàng tôi đều hiện diện.
Đứng trước cảnh này tôi mới hiểu thế nào là tình phụ tử thiêng liêng, tình chồng nghĩa vợ. Lúc lấy vợ, tôi vẫn chưa trưởng thành, nhưng đứng ở ngưỡng cửa sắp làm bố tôi thấy mình thật quan trọng, quan trọng hơn cả làm một chức vị thật cao trong xã hội nữa!
Hai cô y tá cùng lúc ra lệnh cho vợ tôi :
- Push! Push!
Vợ
tôi mặt đầy mồ hôi hột, đỏ bừng cố rặn từ nãy giờ, thằng bé vẫn chả thấy xuất đầu
lộ diện! không hiểu nó muốn chơi trò ú tim đến bao giờ nữa!
Nhìn
nàng với những cơn đau rên xiết, chịu đựng, ráng bặm môi rặn mà tôi thấy lòng dạ
quặn thắt; mặt nhễ nhại mồ hôi, đầu tóc rối xù tuy đã được cột gọn trong chiếc
bao xanh của nhà thương, nàng nhăn nhó nhìn tôi :
- Em đã ráng hết sức rồi!
Ngay
lúc ấy, tôi nhớ bố đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khi tôi được sanh ra cùng
nhà thương với con tôi hiện tại, tôi bất chợt phì cười mà không thể nào giữ được,
hai cô y tá thấy tôi bật cười giữa lúc mặt ai cũng đang nghiêm trọng « làm
việc », hai cô mới nhìn tôi và hỏi :
- Chắc ông thấy vui sắp được làm cha?
- Tôi xin phép được kể một câu chuyện vui, cũng có thể nó tiếp sức làm vợ tôi mạnh lên thêm khi đẩy cháu bé ra dễ dàng hơn: mọi người biết không? lúc mẹ tôi sanh tôi trong phòng sanh như thế này, hai cô y tá cũng bảo mẹ tôi push push, bố tôi đã tiếp sức mẹ bằng cách nắm chặt tay mẹ, cùng rặn với mẹ, cố gắng push, bỗng bố đưa tay lên ngăn tất cả mọi người lại nói « hãy khoan rặn! chờ tôi nhé! Tôi phải đi vệ sinh vì từ nãy đến giờ tôi push nhiều quá nên bây giờ phải đi đây, hãy chờ tôi ra rồi mình sẽ tiếp tục!»
Thế
là mọi người đều ôm bụng cười, chờ bố tôi « đi tiện » xong ra mọi người
mới tiếp tục push!
Sau khi tôi kể xong câu chuyện, cả phòng cùng cười, nhờ vậy vợ tôi lên tinh thần, có sức mạnh và tất cả chúng tôi cùng ráng một cú hết sức bình sinh, thằng bé văng ra ngoài một cách tuyệt diệu.
Tiếng
khóc oe oe đầu tiên chào đời của nó vang lên làm nhói trái tim tôi, một cảm
giác khó tả len vào từng thớ thịt mạch máu của trái tim, tôi được hai cô y tá
hân hoan mời cắt rốn, cuộn nó lại để lên cân, vỏn vẹn có 2.65kg thôi, như con
chuột con, tôi và nàng cùng chảy nước mắt hạnh phúc khi ôm cháu vào lòng. Cô y
tá ịn bàn chân bé xíu của nó vào mực đen rồi in lên tờ giấy của nhà thương, cô
cắt nghĩa :
- Đây là dấu in chân của đứa bé đầu tiên ra đời để không lộn với những đứa bé khác! Cũng giống như một loại lấy dấu vân tay mà thôi, nhưng vì còn quá bé không thể lấy dấu tay được nên lấy dấu chân.
Hai
cô y tá chúc mừng tôi đã lên chức CHA!
Tình thương yêu bảo bọc của cha mẹ rộn ràng trong tôi, cảm xúc lúc ấy không bút nào tả xiết. Tôi cảm thấy không gì hơn được tình phụ tử, tôi quyết tâm sẽ là người cha tốt, gương mẫu để cho con noi theo.
Vợ
tôi thì thào bên tai :
- Em sẽ đặt tên nó là Kylan!
- Ủa không phải Nhật Lâm sao?
- Không đâu! Nó sẽ tên là Kỳ Lân…Nhưng đi học thì tên là Kylan…
- Tại sao chứ? … sao em không nói gì với anh?
- Bây giờ em nói cũng không muộn mà!
- Vậy có ý nghĩa là gì? Em đã tra tự điển chưa? Tiếng Việt em không rành thì làm sao đặt cho nó chứ?
- Kỳ Lân là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng, còn trong phong thủy Kỳ Lân được sử dụng để thu hút tài lộc và phúc lành, nó còn là hóa thân của lòng nhân từ và công lý, là tượng trưng cho sự cân bằng giữa sức mạnh và lòng từ bi. Tóm lại Kỳ Lân, sự kết hợp với vẻ ngoài uy nghiêm và tính cách từ bi trở thành một biểu tượng văn hóa sâu sắc, truyền tải nhiều giá trị và niềm tin tốt đẹp trong đời sống của người dân Á Đông. Em đã đọc được điều này trong tự điển nên vội vàng đặt cho con mình; ngoài ra chính con Kỳ Lân này là kỷ niệm của cả hai chúng ta khi mình cùng vào đoàn Phật Tử ở chùa Quan Âm, anh làm đầu con lân, còn em là người đánh trống cho đoàn lân múa lần đầu tiên cả đoàn mình trình diễn ở Garden Grove, Cali ở Mỹ vao dịp Tết anh có nhớ không? lúc ấy chúng mình mỗi người một công việc mà chưa thân nhau, nên em muốn con mình nhắc nhở mãi kỷ niệm của chúng ta.
Tôi xoa đầu nàng :
- Thôi được, em đã chọn, đã thích tên này và tra cứu đến tận nơi rồi thì anh cũng chấp nhận thôi. Em đã sanh cho anh một đứa con thật đẹp, nhiều công sức quá, món quà này là phần thưởng quý báu nhất của em giành cho anh. Thực ra mà nói giá trị thực sự của một con người không nằm ở cái tên mà ở những hành động, phẩm chất và đóng góp của họ cho xã hội.
Một người có thể làm vẻ vang cho xã hội bằng cách sống một cuộc sống có ý nghĩa, có đạo đức và tạo ra những ảnh hưởng tích cực…
Tôi không hiểu sao thường ngày mẹ cứ hay nói tôi còn là đứa trẻ con, nhưng hôm nay trước một sinh linh bé nhỏ mới chào đời, tôi trở thành một « triết gia», tôi nghĩ đủ thứ cao siêu, tôi không còn chỉ nhìn những điều tầm thường nữa, mà biết nhường nhịn, biết kiên nhẫn và bao dung hơn, thật kỳ lạ! Chả lẽ sự ra đời của thằng cu con lại đổi tính cách và sự suy nghĩ của bố nó như thế sao?
Tôi chụp vội vài tấm hình của Kylan khi vừa lọt lòng mẹ, gởi cho bố mẹ tôi đang đi du lịch ở Greece:
- Mẹ thấy nó có giống con không?
Tôi tưởng tượng mẹ đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được những tấm hình của thằng cháu mới sanh, mẹ viết lại cho tôi thật ngắn gọn :
- Cháu bé dễ yêu quá! có phải bị nằm lồng kiếng vì thiếu ba tuần không? quan trọng là sức khỏe thôi, vợ con cũng khỏe chứ? Chúc mừng các con nhé!
Kylan
là món quà yêu thương mà ông Trời giành cho gia đình nhỏ cũng như cho cả gia tộc
hai bên nội ngoại, nó sẽ là chất keo gắn kết hai gia đình thêm chặt. Tôi chỉ
mong ước một điều cho cháu nhiều sức khỏe, ăn no chóng lớn và sẽ là người hữu
ích cho xã hội sau này.
Nhìn
nó say ngủ trong lòng mẹ, tôi nhớ mình cũng đã từng như nó, từng được ấp ủ chở
che, yêu thương và nuôi dậy thật tốt để có được ngày hôm nay.
Có con mới biết được công ơn cha mẹ cao dầy thế nào.
Cha
là chiếc lá che sương,
Mẹ
là bông lúa ngát hương giữa đồng,
Cha
là trời rộng mênh mông,
Mẹ
là đất mẹ, cho con vững vàng,
Nguyện
cầu cha mẹ bình an,
Ơn
sâu nghĩa nặng muôn vàn kính yêu.(khuyết danh)
Sỏi
Ngọc,
May 25- 2024