Friday, May 17, 2024

Một Đời Đau Thương - Nguyễn Thị Huế Xưa

Hình minh họa

Chiếc xe lăn bằng điện cồng kềnh to lớn hơn xe lăn khổ thông thường nằm ngay trước cửa phòng 828 làm tôi giật mình để ý.


Khi tôi bước đến gần thì không cần quan sát kỹ tôi đã nhận ra sự quen thuộc của những dụng cụ linh tinh chung quanh chiếc xe lăn rất khác thường này.  Chiếc xe lăn bằng điện to gần gấp hai chiếc xe lăn thường và không có hai cái bánh xe lớn mà lại có bốn cái bánh nhỏ như bánh xe hơi nằm dưới một cái sườn vuông vứt bằng sắt cao chồng ngồng.  Trên cái sườn bằng sắt cao đó là một mặt ghế ngồi có lót bằng một miếng nệm khá dày bằng móp (eggcrate).  Phía bên phải của ghế có gắn một cái đèn chớp màu đỏ giống như đèn báo hiệu trên xe cảnh sát.  Phía bên trái cũng có một cái đèn giống như vậy chỉ khác là màu xanh.  Kế đó là cái tay cầm tròn như tay sang hộp số để điều khiển chiếc xe. Phía sau ghế có một cái khung cũng bằng sắt trong đó có đựng một hộp đổ nghề màu đen và một cái lồng chim bằng gỗ xiên xẹo. Một cái bình đựng nước bằng nylon màu xanh két, một sợi dây xích cũ máng ngay một bên tay ghế, cái áo thun màu đỏ với giòng chữ " Peace not War" bọc sau lưng chiếc ghế.

Mỗi ngày khi ngồi ăn trưa trong văn phòng nhìn qua phía bên kia đường của cái clinic đối diện, tôi thường bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông với đầu tóc dài rối bù như chiếc dẻ xoắn lau nhà ngồi trên chiếc xe lăn đặc biệt này với những thứ  đồ lỉnh kỉnh đó.

Sở dĩ tôi chú ý đến ông ta vì dường như trưa nào đúng mười một gìờ rưỡi người đàn ông này cũng hùng hổ liều mạng lái chiếc xe lăn phăng phăng, bất chấp những dòng xe hơi nhộn nhịp, mạnh dạn băng qua phía bên kia đường để vào một quán café có cái tên là TÈO.  Mỗi lần ông ta rời quán TÈO thì tôi thấy ông ta cầm cái bình nylon màu xanh két dốc lên miệng.  Tôi đoán có lẽ ông ta vào quán đó mua café đổ vào bình.  Tôi không nhìn rõ khuôn mặt ông ta cho lắm vì từ văn phòng tôi nhìn qua khoảng cách khá xa.

Một bữa tôi có hẹn bên văn phòng ông bác sĩ gần đó cũng vào dịp trưa, khi đứng ở cột đèn chờ dấu hiệu đèn xanh bật lên để băng qua đường tôi tình cờ thấy ông ta rõ ràng hơn.  Mái tóc dài màu hung vàng rối bù không biết là dơ vì lâu ngày không gội hay màu hung hung đó là màu tóc nguyên thủy. Bộ râu cùng màu rập rạp che hơn nửa khuôn mặt, chỉ chừa lại cặp mắt dấu sau đôi kính đen to.  Trên người ông ta có lẽ cũng có chừng năm lớp áo mà cái áo ngoài hết là một áo rằn ri nhăn nheo.  Đôi giày bốt nâu bạc màu to như hai chiếc xuồng nằm lửng lơ trên hai miếng để chân mà tôi có cảm tưởng như hai bàn chân của ông ta quá nhỏ so với đôi giày. Ông ta ngồi bất động trên chiếc xe lăn, chỉ có đôi tay di chuyển để điều khiển chiếc xe thôi.  Mỗi khi chiếc xe lăn tới khiến những dụng cụ máng chung quanh tạo ra những tiếng động nhỏ kỳ khôi và cái đèn màu đỏ trên chiếc xe lăn thì cứ chớp liên hồi.

Trong khi tôi kiên nhẫn đứng chờ đèn xanh bật lên để băng qua bên kia đường thì ông ta nhìn tôi thách thức, và qua đôi kiếng màu đen đó tôi đã tưởng tượng được cặp mắt chế giễu trước khi ông ta bạc mạng lái vùn vụt chiếc xe lăn chạy qua phía bên kia lề bất chấp những giòng xe điên cuồng vội vã.

Hai buổi trưa vừa qua tôi nhìn qua cửa sổ không thấy bóng dáng người đàn ông này nên tôi cũng hơi làm lạ, không dè ông ta nhập viện và đang nằm trên lầu thứ tám này. Tôi  bước đến lật hồ sơ của phòng 828 xem, cái tên trên hồ sơ làm tôi khựng lại, Kevin Ngô.

Tôi nhủ thầm như vậy là chiếc xe lăn này để lộn qua phòng người khác rồi vì chủ của chiếc xe lăn có một không hai này không thể là người Việt Nam. Tôi định đẩy chiếc xe lăn qua một bên và đi tìm người chủ của nó thì lúc đó một ông y tá mặt đầy tàn nhang, tóc đỏ hoe đang đi trong hành lang ngừng lại cản tôi:

- Bà đừng đem xe đi vì ông Ngô sẽ giận dữ.

Tôi gặng hỏi:

- Ông Ngô?

Ông y tá tiếp tục nói:

- Đúng rồi, của cải của ông ta chỉ có bao nhiêu đó cho nên tôi phải hứa là "bảo vệ  chiếc xe thì ông ta mới đồng ý để nó ở ngoài này, nếu để trong phòng thì chật chội qúa, mỗi ngày vào chữa trị vết thương cho ông ta không có chổ để máy móc.

Tôi chất vấn:

- Phải ông Ngô nằm trong phòng 828 không?

Nhìn sự thắc mắc trên khuôn mặt của tôi ông y tá lật đật nói:

- Ông Ngô nằm trong phòng đó đã hai ngày.  Bà cần kiểm soát (audit) hồ sơ của ông ta hả?

Tôi không còn kiên nhẫn được nữa nên gật đầu đại cho xong chuyện:

- Ừ! Để tôi coi hồ sơ của ông ta xem sao

Kevin Ngô năm nay 54 tuổi, góa vợ, không nghề nghiệp và vô gia cư.  Ông ta nhập viện cách đây hai hôm với triệu chứng lở loét ở xương chậu (sacral decubitus).  Càng đọc tiểu sử của ông Kevin Ngô tôi càng thấy lạ thêm.

Kevin Ngô là Viet Nam Veteran, theo lý lịch hồ sơ thì ông ta là người Mỹ. Ông ta đã từng bị gãy xương sống, chấn động mạch máu não và sau khi bình phục thì hai chân ông ta rất yếu, đã phải dùng xe lăn từ bao nhiêu năm nay.

Sau khi đọc lướt qua hồ sơ, sự tò mò khiến tôi mạnh dạn gõ cửa phòng của ông để xem có phải đây là chủ nhân của chiếc xe lăn điện không.

Vì cái tên Việt nên mặc dù người đàn ông trước mặt qủa thật là người đàn ông mà tôi đã từng thấy bên lề đường hằng ngày, tôi giới thiệu với ông ta tôi là y tá trưởng và mở lời chào hỏi bằng tiếng Việt Nam:

- Chào anh Kevin, anh có khỏe không?

Đôi mắt không còn giấu sau làn kính đen nữa mà là đôi mắt xanh biếc với cái nhìn rất thờ ơ, ông ta ngạo mạn trả lời:

- Nằm một chỗ như thế này thì làm sao khỏe được.

Tôi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời hằn học bằng tiếng Việt khá rõ ràng của ông ta.

- Xin lỗi anh nghe, đáng lẽ phải hỏi là anh có cần gì không thì mới phải.

Đôi mắt xanh bây giờ không nhìn tôi mà nhìn chăm lên trần nhà:

- Lỗi phải chi bà, mà bà có cần gì không?

Lại  là lời thách thức. Tôi từ tốn trả lời:

- Tôi tưởng anh người Việt Nam nên chỉ muốn vào thăm thôi.

 Ông ta nhìn tôi châm biếm:

- Như vậy là bà chỉ thăm viếng người Việt Nam thôi sao? Tôi người Mỹ nhưng nhờ có tên Việt, may qúa mới được bà vào thăm.

Tôi vẫn điềm đạm:

- Nếu có dịp ai tôi cũng thăm cả nhưng có những người Việt Nam không thông thạo Anh ngữ thì họ là những người được tôi ưu đãi giúp đỡ trước tiên.

Kevin bắt đầu dịu giọng:

- Bà giúp được những gì?

Tôi nói với ông ta là tôi thường thông dịch cho những người Việt Nam nếu cần và vì đây là nhà thương công giáo nên chỉ có mấy bà soeur vào thăm mỗi ngày.  Nếu những người đạo Phật muốn cầu an thì tôi có thể liên lạc với thầy ở chùa đến an ủi, cầu an cho họ.

Đôi mắt xanh của Kevin không dưng sáng lên và tia nhìn của ông trở nên thân thiện:

- Bà hay đi chùa phải không? Tôi cũng đạo Phật.

Tôi ngạc nhiên đến tột cùng.

Cuộc đàm thoại với người đàn ông Mỹ có cái tên Việt này bắt đầu kỳ thú.  Có lẽ bắt gặp cái nhìn nghi ngờ của tôi nên Kevin đưa tay vào cổ áo lôi ra một sợi giây chuyền vàng với cái tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch rồi giọng buồn kể:

- Vợ tôi tặng cho tôi sợi dây chuyền này khi chúng tôi mới lấy nhau...

Rồi bỗng dưng Kevin ngưng kể, đôi mắt nhắm lại và lắc đầu:

- Chuyện tôi buồn lắm, lúc khác nói chuyện nữa nghe bà.

Tôi biết Kevin không muốn tiếp tục và vừa lúc đó người physical therapist đến phòng để chửa trị vết lở cho ông.

Nhìn cái máy Whirlpool kềng càng và cái giường khác biệt dành cho những bệnh nhân với vết thương lở nặng, tôi mới hiểu tại sao ban nãy ông y tá bảo là mỗi lần chữa trị vết thương không có chỗ xoay xở trong căn phòng chật hẹp.

Tôi cáo từ Kevin, cho số điện thoại và bảo nếu cần gì thì cứ gọi thẳng cho tôi.

Khi tôi bước vào Kevin có vẻ mừng rỡ.

Tôi nhìn thân thể yếu đuối của ông nằm bồng bềnh trên chiếc giường nước (pressure released bed), chưa kịp hỏi han thì mặc dầu kẹt ống Oxygen trên mũi, Kevin cũng gắng đùa, lần này bằng tiếng Anh:

- Tôi được...vinh dự lắm mới được nằm trên cái giường nước này đó bà.

Giọng Kevin không có gì mỉa mai cho nên tôi cũng đùa theo:

- Tại vì anh... đặc biệt...

Thật sự thì khi những người bệnh nhân nhập viện với vết lở khá nặng ăn sâu vào da thịt vì không có đủ khả năng di chuyển nên máu không lưu thông đều, tạo nên áp xuất mạnh gây ra sự lở loét (decubitus) thì chúng tôi phải dùng những chiếc giường nước như thế này để giảm bớt sức ép của mặt giường vào cơ thể với làn da vốn đã rất mỏng manh.

Vì hai bàn chân yếu Kevin phải ngồi trên xe lăn cả ngày, mặc dầu chiếc ghế có lót miếng nệm dày bằng móp như đã nói nhưng vì ngồi một chỗ quá lâu, sức ép của cả thân thể dồn vào phần xương chậu, cho nên Kevin mới phải nhập viện với vết lở đó

Kevin cười buồn:

- Bà coi đó, cái... bàn tọa của tôi thì lở loét, bây gìờ thì cái phổi cũng...lều bều đầy nước.

Tôi an ủi:

- Anh ráng tịnh dưỡng, năm ba bữa sẽ mạnh lại rồi về nhà...

Tôi nói chưa xong câu thì đã biết mình lỡ lời.  Ông bệnh nhân này là người vô gia cư. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Kevin mệt mỏi thì thào:

- Nhà đâu mà về bà.  Tôi sống trên chiếc xe lăn bao năm nay, nhà là những con đường, những bờ bụi...

Kevin nói tới đây thì thở dài và có ý như không muốn tâm sự nữa:

- Thôi bà đi làm đi, không dám làm mất thì giờ của bà.

Lần này là lần thứ hai Kevin cố ý tránh kể chuyện riêng tư của chính mình.

Tôi làm việc với bệnh nhân lâu năm và lúc nào cũng tôn trọng sự riêng tư của họ, tôi cũng hiểu là đối với Kevin, sống trang trải một mình ngoài đường, góc xó và va chạm những thực tế hiểm hóc trong đời sống trên lề đường thì ông ta khó có thể tin tưởng ai để tâm sự về cuộc đời mình. Tôi chào Kevin sau khi chúc ông ta nhiều may mắn.

Những ngày kế tiếp tôi không đích thân đến thăm Kevin vì tôi nghĩ sự thăm viếng của tôi chỉ làm phiền ông ta thôi mặc dầu tôi vẫn hoài thắc mắc về cái tên họ Việt Nam của ông.  Tuy nhiên, mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của Kevin qua điện thoại với những người y tá săn sóc cho Kevin. Tôi cũng liên lạc với cô Nancy làm về xã hội nhờ cô lo cho Kevin một nơi chốn cư ngụ khi sau khi xuất viện.

Lúc nói chuyện với cô Nancy thì tôi mới khám phá ra Kevin là " khách hàng thường xuyên" của bệnh viện và cũng là người được cô Nancy dành rất nhiều thì gìờ lo lắng cho mỗi khi ông ta nhập  viện trong những năm qua.

Cô Nancy cho biết là Kevin rất bướng bỉnh vì cô đã từng lo cho Kevin đi đến ở viện dưỡng lão cũng như đến những nhà dành cho những người tàn tật, nhưng Kevin chỉ ở vài hôm sau đó lại bỏ đi ra sống lang thang trên đường phố trên chiếc xe lăn.  Chính cô Nancy là người xin giấy tờ cho Kevin có được chiếc xe lăn bằng điện để tiện việc di chuyển.

Cô Nancy cho tôi hay là Kevin đã và đang trải qua những khủng khoảng tinh thần sau khi rời quân ngũ (post traumatic stress), cho nên tính tình đôi lúc bất bình thường.

Một tuần sau đó thì cô y tá gọi cho tôi hay là Kevin đã đỡ nhiều và đã được đưa trở về lại lầu tám. Kevin có nhắn lại là ông ta muốn gặp tôi.  Tôi trở lên thăm và lần này thấy ông ta gầy guộc hẳn đi.

Sau khi chào hỏi qua loa, Kevin ngập ngừng:

- Có một chuyện làm phiền bà...

Trong khi tôi nhìn Kevin chờ đợi thì ông ta lấy từ dưới cái gối ra sợi giây chuyền có tượng Phật Bà bằng cẩm thạch mà lần trước Kevin đã khoe với tôi.  Lần này Kevin buồn bã nhắc lại:

- Tượng Phật này là của vợ tôi tặng cho tôi khi chúng tôi mới lấy nhau. Sợi dây chuyền bị đứt rồi, nhờ bà giữ giùm vì tôi không có chỗ cất sợ để mất đi.

Tôi cầm sợi giây chuyền vàng, thật sự sợi giây không bị đứt chỉ có cái móc bị gãy thôi. Trong khi tôi còn mân mê sợi giây chuyền trên tay thì dường như Kevin không cầm lòng được nên bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời bi thảm của ông.

Nếu nói theo số mệnh thì Kevin là người khổ hạnh cho nên cuộc đời của ông thật nhiều đớn đau.

Kevin lớn lên mồ côi cha mẹ, sống với một bà dì góa bụa.  Sau khi xong trung học hai năm thì Kevin bị động quân và được gửi qua Việt Nam đóng binh ở Kontum.  Nơi đây Kevin đem lòng thương một một cô gái miền cao nguyên chất phác, hiền lành.  Cha mẹ cô gái sống trong khu gia binh rất nghèo và đông con nên khi Kevin ngõ lời muốn cưới để đưa cô về Mỹ ở thì hai ông bà đồng ý ngay. Chẳng may sau một đêm khu gia binh bị pháo kích thì cô gái bị trúng đạn chết.  Kevin rất đau khổ và chỉ vài tháng sau khi ra chiến trường thì bị thương trên xương sống rồi được đưa trở về Mỹ.

Khi trở về với tấm thân tàn tật và sự ám ảnh tàn khốc của cuộc chiến điêu tàn ở Việt Nam khiến Kevin bị khủng khoảng tinh thần.  Vì phải mổ xương sống mấy lần nên Kevin nằm nhà thương gần cả năm trời. Lúc xuất viện thì bà dì góa bụa của ông ta qua đời.

Một thân một mình, Kevin sống qua ngày trong căn nhà nhỏ của bà dì cho đến khi bị bệnh chấn động mạch máu não thì không thể lo cho chính mình, và sau nhiều lần ra vào nhà thương thường xuyên, Kevin đồng ý vào một viện dưỡng lão ở tạm. Ngày tháng ở trong viện dưỡng lão này là một nỗi đọa đày đối với Kevin. Sống chung đụng với những người già nua nhiều thụ động càng làm cho Kevin qúa chán chường. Nhưng chính nơi chốn buồn tẻ này lại là môi trường mà Kevin đã gặp thêm một phụ nữ Việt Nam khác, người vợ mà ông quí trọng yêu thương nhất.

Cô Lài làm y tá phụ.  Một trong những phận sự của cô là mỗi tối giúp cho Kevin thay áo quần sửa soạn để đi ngủ. Vì hai chân của Kevin qúa yếu nên mỗi lần di chuyển từ cái xe lăn qua tới giường nằm thì cô Lài dường như phải dùng hết sức từ hai cánh tay của mình nâng cả cơ thể của Kevin để đưa qua. Dạo đó Kevin xử dụng chiếc xe lăn thường nên cái ghế không cao như xe lăn điện hiện đang có nên dự di chuyển từ chiếc xe lăn qua giường rất khó khăn.  Kevin thấy cô Lài nhỏ nhắn, mỗi lần cô phụ như vậy thì Kevin thấy rất áy náy.  Cô Lài tiếng Anh thì hạn chế nhưng cô cũng hiểu được sự quan tâm của Kevin đối với cô nên lần nào cô cũng nhắc Kevin là cô tuy nhỏ người nhưng lại mạnh, vả lại đây là nhiệm vụ của cô.

Mỗi ngày cô Lài đi làm vào ca chiều, Kevin ngồi ở ngay cửa nhìn cô thoăn thoắt đi vào và để ý là cô làm việc rất chăm chỉ, ai cô cũng lo lắng rất chu đáo cho nên tất cả mọi người trong viện dưỡng lão đó đều thương mến cô.

Kevin để ý là khoảng sáu giờ chiều sau khi phụ những bệnh nhân ăn uống xong thì cô Lài  ra ngồi một mình trên chiếc ghế đá ở một góc sân  bắt đầu ăn cơm và đọc một cuốn sách nhỏ trong tay. Sau vài tuần để ý thì Kevin mân mê lại làm quen.  Cô Lài lúc đầu còn rụt rè nhưng sau đó với vốn liếng Anh ngữ kém cỏi cô cũng hàn chuyện với Kevin.

Được biết cô Lài lúc trước ở miệt Phan Rang, khi cộng sản chiếm nước được vài năm sau thì  cha mẹ  cô mượn được một số vàng cho cô đi theo chiếc tàu chở mướn  qua được tận đảo bên Mã Lai.

Sau một thời gian đợi chờ mòn mỏi thì cô được bốc qua  Mỹ. Qua đến Texas cô vừa đi học chương trình ESL luyện Anh ngữ và vừa xin đi học ra làm y tá phụ. Với đồng lương có giới hạn của một phụ tá, cô Lài hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về giúp cho cha mẹ nuôi đàn em ở Việt Nam.  Cô vẫn hằng mong muốn có dịp trở về thăm quê và thăm gia đình nhưng mỗi lần nghĩ tới tốn phí di chuyển thì cô lại tiếc, vả lại số vàng mà cha mẹ cô mượn bây giờ cô phải đi làm trả lại cho chủ nợ ở bên Mỹ này.

Kevin thấy cô cầm một cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt Nam và mỗi ngày lại đọc vài trang sau khi ăn cơm. Cô Lài cho biết đó là cuốn phật kinh, cô đọc cho tâm hồn được thư thái. Cô là một phật tử sùng đạo với một niềm tin mãnh liệt là con người phải sống cho chân chính thì mọi việc sẽ tốt lành trong đời sống.

Lúc đầu nghe cô Lài nói thì Kevin chỉ cười ngạo báng, vì mỗi lần nhìn thân thể tàn tật của mình, nhớ tới những cảnh bom đạn, chết chóc trong cuộc chiến mà ông ta từng tham dự ở Việt Nam thì Kevin không khỏi giận dữ.  Kevin đâm ra nghi ngờ sự che chở của đấng linh thiêng.  Cô Lài nghe vậy vẫn không nản chí, cô tiếp tục đọc kinh và nhẫn nại nói về niềm tin của mình.

Sau một thời gian gặp gỡ, trò chuyện với cô Lài, Kevin cảm thấy lòng dịu lại. Nỗi buồn thì còn đó nhưng đã bớt được sự phẫn nộ đối với cuộc đời.  Riêng cô Lài cũng cảm thấy bớt cô đơn. Hai người trở nên tâm đầu hợp ý và môt năm sau thì tất cả mọi người trong viện dưỡng lảo GF hoan hỉ tổ chức một cái đám cưới nhỏ cho cả hai.  Kevin không ngờ đời mình lại may mắn như thế.  Cô Lài nhận lời cầu hôn của Kevin không một chút do dự, đắn đo.  Qùa cưới của Kevin dành cho cô Lài là lời tuyên bố sẽ ra tòa xin đổi họ theo họ của vợ là họ Ngô.

Tôi nghe câu chuyện tới đây thì cảm động rưng rưng nước mắt. Thì ra là như thế nên Kevin mới có họ Việt Nam. Nếu tôi là một nhà văn thì tôi có thể viết nên một câu chuyện tình rất tuyệt vời. Kevin tiếp tục kể:

- Bà biết không, Lài là một người vợ hiền và là một người đàn bà rộng lượng nhất trên đời. Tôi học được cái tính nhẫn nhục, vô vụ lợi của Lài.  Tôi tàn tật không lo được cho Lài, mỗi ngày Lài đi làm thì tôi chỉ biết đợi chờ và trong lúc đó thì tôi tìm hiểu thêm về đạo Phật.  Cuốn sách đầu tịên tôi đọc là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh.  Bà đã đọc "Đường Xưa Mây Trắng" chưa? Tôi không biết Phật giáo có bao nhiêu phái chỉ biết là thiền sư này viết sách qúa hay. Tôi càng đọc càng thấm thía những gì Lài đã cố nhẫn nại khuyên răn tôi sống một đời sống đầy ý nghĩa và rộng lượng bao dung bởi vì mai này ai cũng chết, chỉ có những gì mình để lại cho đời mới đáng kể thôi.

  Ông kể tiếp cho biết là sau khi làm đám cưới ông và cô Lài thuê một căn nhà nhỏ.  Cô Lài vừa đi làm vừa săn sóc cho ông.  Cuộc sống tuy vất vả vì cô Lài phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà nhưng không bao giờ cô than vãn.  Nỗi mong muốn duy nhất của cô Lài là được trở về thăm gia đình.  Vì muốn có một số tiền chi phí cho chuyến đi nên cô Lài đi làm bất chấp gìờ giấc.  Kevin thấy xót xa cho vợ nên trong lúc ở nhà ông ta đóng những cái chuồng nuôi chim nho nhỏ và đứng trước những góc đường bán, hoặc bán cho những người làm trong nhà thương mà ông quen biết.

Nghe Kevin kể, tôi nghĩ tới hộp đồ nghề và cái chuồng chim xéo xẹo của ông trên chiếc xe lăn mà đâm ra tội nghiệp.  Tự nhủ là mai mốt Kevin lành bệnh thì tôi cũng sẽ đặt ông làm cho vài ba cái chuồng nhỏ nuôi chim sau sân nhà.

Kevin còn cho biết là cả hai vợ chồng ông đều ăn chay trường. Cô Lài ăn chay trường vì lời nguyền từ khi biết đưọc tin mẹ cô bị ung thư tử cung.  Cô mãnh liệt tin rằng với sự cầu nguyện hy sinh chân thành của cô thì mẹ cô sẽ tai qua nạn khỏi.  Kevin ăn chay vì trong lòng anh muốn cám ơn bà mẹ vợ đã có công nuôi dưỡng dạy dỗ vợ anh từ thuở nhỏ nên anh mới có được một cô vợ thật thà rộng lượng như vậy.

Tôi nhìn nét mặt khắc khổ của Kevin, không ngờ dưới bộ mặt hung hăng của người cựu chiến binh Việt Nam đó lại chất chứa môt tâm hồn dịu dàng chân thành.  Tôi đang tự hỏi không biết câu chuyện của Kevin kể sẽ đưa đến thêm những chi tiêt bi đát nào nữa thì không dưng Kevin nhìn tôi lạ lùng:

- Như tôi đã nói mai này ai cũng chết nhưng cái chết của vợ tôi thì quá tức tưởi, bất ngờ. Trời Phật không công bằng với tôi cho nên bắt tôi chịu đựng từ những khổ đau này đến tai biến khác.  Có lẽ kiếp trước tôi vụng tu đó bà.

Nói đến đây thì Kevin nghẹn lời, tia mắt quắc lên một tia nhìn giận dữ:

- Quê hương nhỏ bé của bà là mảnh đất oan nghiệt nhất mà tôi thấy trong đời. Chính mảnh đất ấy, bằng cách này hoặc cách khác đã cướp mất những yêu thương trong đời của tôi.  Lài là người đàn bà thứ hai đã bỏ tôi trên cuộc đời đầy cô đơn, buồn tẻ này.

Theo chuyện Kevin kể lại, tôi được biết cách đây ba năm, cô Lài mừng rỡ dành giụm được một số tiền để trở về Việt Nam thăm bà mẹ đang bệnh ung thư.  Kevin khuyến khích vợ nên về ngay để còn có thì gìờ ở bên mẹ trong lúc bà còn tỉnh táo.  Cô Lài hớn hở trở về và tính ở bên nhà cho trọn một tháng.  Hai tuần lễ đầu cô Lài điện thoại về cho chồng kể chuyện về gia đình nghe vui ghê lắm.  Rồi chỉ vài hôm sau đó anh nhận được một tin làm anh bàng hoàng, chới với.  Cô Lài trong lúc băng qua đường phố bị xe tông chết.

Tôi nhớ đến những lần bắt gặp Kevin lái chiếc xe lăn bất chấp hiểm nguy để băng qua đường trong làn sóng xe tấp nập. Phải chăng đây là sự thử thách ngạo mạn của ông với định mệnh? Như định mệnh đã cướp mất người vợ hiền lành cao qúi của ông.

Cô Lài chết trong lúc bà mẹ bệnh hoạn vẫn còn để thầm khóc nhớ thương con.  Kevin cũng thầm khóc thiết tha nhớ vợ. Trên đời này có lẽ không bao giờ anh có thể tìm được một người đàn bà nào khác đầy lòng từ bi như cô Lài.

Từ đó cuộc sống đối với Kevin không còn ý nghĩa, ông đâm ra gàn bướng, cáu kỉnh với mọi ngưòi.  Vài tháng sau Kevin gom góp hết chút tài sản chất lên chiếc xe lăn và ra sống dưới gầm cầu SC.

Tôi lặng người nghĩ đến số phận quá hẩm hiu của Kevin rồi bỗng thấy xót xa. Còn biết bao nhiêu người là nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của cuộc đời đầy rẫy thương đau này?

Tôi đem sợi dây chuyền đưa ra tiệm nữ trang nhờ người làm lại cái móc cho thật chắc.  Khi nhìn kỹ tôi thấy trên lớp vàng mạ phía sau tượng Phật bà, hai chữ LK quấn quít nhau như tên tuổi và cuộc đời của cô Lài và Kevin đã gắn chặt với nhau như một mối duyên được phật trời sắp đặt.

Ngày hôm sau tôi đi làm thật sớm ghé lên thăm Kevin trước khi đến văn phòng. Khi bước vào phòng của Kevin, tôi đụng ngay chiếc xe lăn bằng điện với đầy đủ "gia tài" của Kevin.  Kevin cho tôi biết là chiều nay ông ta phải chuyển qua một nhà thương dành cho cựu chiến binh cách đây một trăm dặm.  Vết thương lở loét của ông qúa sâu nên phải làm ghép da (skin graft) và nhà thương quân đội SW là nơi sẽ chịu tất cả phí tổn về việc mổ xẻ. Kevin chỉ ngay chiếc lồng chim xéo xẹo trên chiếc xe lăn và nói:

- Không có gì tặng bà làm kỷ niệm ngoài món qùa nhỏ này.  Bà tin đi bao giờ tôi khỏe, tôi sẽ trở về kiếm bà và sẽ sửa nó lại cho thẳng thớm.

Tôi cầm sợi giây chuyền bước đến đeo vào cổ cho Kevin:

- Đây là sự thương yêu của anh, hãy ráng giữ lấy niềm tin.

Trên khuôn mặt phong trần của người thương phế binh Mỹ bất ngờ có hai giòng lệ chảy dài và tôi bắt gặp một nỗi an hòa trong đôi mắt xanh biếc của Kevin khi anh bắt đầu thì thầm lời nguyện cầu: Nam Mô A Di Đà!


Nguyễn Thị Huế Xưa 

The Exciting Journey of Water

House - Home - KTS Võ Thành Lân


Học đông học tây, bằng này cấp nọ, vậy mà tôi vẫn giật mình khi đọc bài House & Home của kts Võ Thành Lân.

Té ra, căn nhà nhìn thấy được, sờ mó được, ra vào để trú ngụ được, nó chỉ là house thôi. Còn home, cũng là cái nhà đấy, nhưng nó khác xa lắm.

Home - nhà tôi, là nơi mà tình yêu và nhớ nhung của ta luôn hướng về, nơi gìn giữ bền vững cội nguồn, nơi chứa đựng vô vàn kỷ niệm. 

Thế nhưng, xoay quanh cái home ấy, mỗi thời, cách nhìn nhận về home cũng mỗi khác, mỗi thế hệ, thái độ ứng xử với home, cũng có ít nhiều bi hài xoay quanh.


House & Home, một tản văn thú vị và đáng đọc!

******

Có nhiều từ mà người Việt chúng ta khi nói, khi viết, thường dùng với khái niệm rất chung chung, ví dụ như từ “nhà”.


“Nhà”, hàm nghĩa rất rộng. Theo chức năng thì có: nhà ở, nhà ăn, nhà thương, nhà hát, nhà quốc hội, nhà vệ sinh, nhà thổ. Theo chức danh thì có: nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Theo hình thức thì: nhà biệt thự, nhà cao tầng, nhà tranh, nhà ngói, nhà lá. Theo đánh giá thì: nhà nghèo, nhà giàu. Ôi chao, vô số “nhà”, cơ man “nhà”, và, có một từ, gần như nghĩa của nó bao gồm tất cả: “nhà tôi”.


Trong khuôn khổ tản mạn này, người viết chỉ muốn nói một chút chơi, về khái niệm gần gũi và thiết thân nhất của từ “nhà” theo tiếng Anh “house - home”.  

Người Mỹ có câu rất hay để phân biệt house và home: your house is nice, but I want to go home (nhà anh thì đẹp đấy, nhưng tôi chỉ muốn về nhà mình). 

Đến đây, lại sực nhớ câu mà các lãng tử thường nghêu ngao: giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà (Giang Hồ - Phạm Hữu Quang). 


Nhưng than ôi, thời buổi bây giờ, nấu cơm bằng nồi cơm điện thì làm sao mà nghe được tiếng cơm sôi. Muốn nghe được cái âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ mép của chiếc nồi gang, đặt trên bếp cà ràng ông táo, củi cháy phừng phừng đút phía dưới. 

Muốn nghe được âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ nơi mà bà mụ bắc ấm nước đỡ đẻ cho mẹ ta. Từ nơi mà nước trong ấm ấy, được lấy từ cái giếng sau hè, do ông nội ta đào để uống, để tưới hàng cau của bà nội, trồng hai bên lối vào nhà.

 

Rồi thì cái bộ phản ăn cơm từng là nơi ta nằm ăn đòn, vì ham chơi trốn học, là do công của bố và chú ta xẻ trên rừng kéo về, cả mấy cây cột, cây kèo cũng thế. Cho nên ở đó, ở nơi mà từng tấc vuông sống, đều ngập hơi ấm bàn tay của những người thân thuộc, chắt chiu dựng xây, không chỉ ngôi nhà, mà còn se chỉ để thắt, bện những sợi dây vô hình, nối kết con người và lịch sử, nối kết quá khứ vào hiện tại. Bởi thế, hỏi sao mà, ta chỉ muốn về nhà mình thôi.


****** 

Có một đôi, tuổi đã sồn sồn sắp lấy nhau, cần khẩn cấp một tổ uyên ương đến gặp tôi, nhờ vẽ giúp nhà. Tôi bảo, ông bà cần gì, thích gì, nói hết ra xem. Chàng từ tốn trình ra bảy, tám, ý thích, yêu cầu. Còn nàng, tất nhiên là gấp đôi.  

Trước gần hai mươi cái gạch đầu dòng, tôi phân tích cho họ hiểu là chúng đá nhau loạn xạ, nên, muốn có cái này, phải bỏ qua cái kia. Chưa dứt lời, thì giữa chàng và nàng, đã xảy ra một trận võ mồm chí chóe, ỏm tỏi. Ai cũng cho ý của mình là đúng, dứt khoát phán theo kiểu hạ thủ bất quờn, để rồi tiếp theo, cả hai hầm hầm phủi đít ra về quên cả chào kiến trúc sư. 

Cái hợp đồng góp gạo nấu cơm chung ấy, xem ra vẫn còn vô số điều khoản, mang màu sắc cá nhân, chưa thỏa thuận được. Nghĩa là, còn lâu, kiến trúc sư cứ việc ngồi đó mà hóng tiếp nhé. 

Giới trẻ "hiện đại" bây giờ, nhìn về về cái home tương lai của mình theo tiêu chí 3C: condo - car - credit card. Nơi hẹn hò giờ đây, không phải là cây rơm còn thơm mùi lúa mới, hay bóng tre bên bờ ao, hay giậu mồng tơi xanh rờn như cha thơ sĩ nhà quê nhát cáy nào đó mô tả. Chỉ cần bấm một cái tin nhắn tới một địa chỉ năm chục một giờ, bảy chục hai giờ nhan nhản ngoài phố, cho nó nhanh. Cuộc đời chỉ là những việc cần giải quyết thế thôi, chẳng gì phải lăn tăn.

 

Người Pháp có câu: mỗi ngôi nhà là một ước mơ. Đúng thế, khi vào tuổi trưởng thành, ai cũng từng có một giấc mơ, mơ về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhưng đôi khi lại quên rằng, để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực thì phải tự làm lấy là chính.  

Về những đứa trẻ thì không ai dạy, cũng làm rất hăng. Riêng ngôi nhà thì có khi lại trao giấc mơ của mình vào tay người khác, các kiến trúc sư. Mà các kiến trúc sư, tài giỏi mấy, cũng chỉ thiết kế ra được những cái house để ở chứ làm sao mà vẽ ra được cái home? 


Và các bạn cũng nên biết thêm, rằng có đến 80% các kiến trúc sư đều trở nên bối rối, khi phải tự thiết kế và xây dựng ngôi nhà cho chính mình (20% còn lại thì chưa đủ tiền để xây nhà). Nên, nếu có ai thắc mắc với các kiến trúc sư, vậy chứ khi xây nhà cho mình, chắc các ngài có nhiều ý tưởng hay ho mới lạ lắm, phải không? Thì phần lớn sẽ được nghe trả lời: Ối giời, ý tưởng cái mẹ gì, làm nhanh để có chỗ ở và làm việc, bả thích gì thì cứ theo đó mà làm cho nó yên chuyện. 

Thời nay người ta đi mua căn hộ tái định cư, cao cấp, đẳng cấp gì gì đó, với quan tâm hàng đầu là, nếu có sự cố thì tôi thoát ra bằng đường nào. Nỗi lo này là thực tế, thực tế như là, có dễ bán, có dễ cho thuê không.


Cứ thế, chưa vào đã tính thoát ra, chưa ở đã tính bán đi. Cho thấy, đơn giản, đó chỉ là một cái house hay apartment tạm trú qua ngày. Lên voi người ta xây lâu đài biệt phủ. Xuống chó, thì bị nhét vào cái hốc nhỏ trong căn nhà to, mà nghiền ngẫm cái sự đời. Cái sự đời hướng người ta chúi mũi vào chiếc Lexus mà quên mất cây Ô Liu. Và như thế, kết quả cuối cùng không mấy khó để đoán ra.


Chiếc Lexus và cây Ô Liu, luôn là bài toán và vấn đề khó giải. Khó, nhưng không phải là không thể.


******

Từ xa nhìn thấp thoáng thấy chiếc cổng làng, cảm tưởng dường như mình đã về đến nhà. Dường như đã về đến nhà, vì nơi đó, tôi sẽ gặp những người quen biết, thân thương; vì nơi đó, tôi có thể lang thang đêm ngày mà không e ngại bất cứ điều gì; vì nơi đó, tôi có thể trút bỏ lại sau lưng, tất cả những phiền toái lo toan, đa đoan vướng bận, sách nhiễu nhì nhằng, mệt mỏi ám ảnh. Cái nơi mà, khái niệm về quê hay về nhà là một khái niệm không thể tách rời. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ ecological (sinh thái, chất lượng của môi trường) được xuất phát từ chữ Hy Lạp: oikos (ngôi nhà), cho nên, không chỉ “quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà”, mà còn là, quê tôi, nơi cho tôi một tình yêu để quay về.

Hỏi rằng người ở quê đâu,

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

(Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng)


Alexandre Yersin đến Nha Trang từ cái thời, nơi đây còn là một vùng biển hoang sơ. Ông sống, làm việc rồi một thân một mình chết ở xứ sở xa xôi này. Ông có “gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người” như trong mấy câu vọng cổ ai oán hay ngân nga không nhỉ? Không, ông đã sống và mất đi trong cái home chung thân thiết của cả một miền quê, của cả nhân loại. Cái home ông tự tạo dựng bằng tấm lòng nhân ái cao cả của mình. Một cái home thật sự, không nhất thiết phải có “ngôi nhà và những đứa trẻ”, mà nó là một không gian rộng lớn, một homeland, quê nhà thân thương và quyến luyến.


****** 

Đêm nhớ về Sài Gòn, bóng mẹ hiền mờ mờ bên sông, mắt người tình một trời mênh mông (Đêm Nhớ Về Sài Gòn - Trầm Tử Thiêng). Nhớ về, nhớ về Sài Gòn, giờ đây chính là nhớ về mẹ; giờ đây, chính là nhớ về bạn bè, chính là nhớ ánh mắt người tình. Còn đâu một Sài Gòn - homeland (quê nhà, nơi ta sinh ra và lớn lên)? Nếu có còn chăng, chỉ là một quê nhà như chiếc vỏ rỗng màu mè, chứa những tàn phai, để ai kia, vội vã trở về, rồi lại vội vã ra đi.

 

Nhưng vẫn phải nhớ về, cái nỗi nhớ cứ canh cánh trong lòng, bởi lơ mơ “sẽ không lớn nổi thành người” (bị dọa thế mà).


Ôi, giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa. 

Tội nghiệp thằng bé!


Võ Thành Lân

Tình Si - Nguyễn Duy Phước

Nước Mắt Hư Hao - Đỗ Công Luận

Người Lính Miền Nam Anh Hùng - Nguoiviettudo

Hình minh họa

Bất cứ một quân nhân VNCH nào cũng  xứng với danh hiệu anh hùng ( bất kể Việt Cộng cố gắng bằng mọi cách để nhục mạ họ, goi họ bằng tên này tên khác.

Có quân đội nào trên thế giới khi thua trận lại chọn lấy cái chết cho cá nhân mình , như những người lính VNCH ?, Sĩ quan cao cấp thì còn hiểu được  vì họ đã thụ hưỡng những đặc ân của chế độ, nhưng giải thích làm sao với những người lính  hầu như ở dưới cùng của nấc thang cấp bậc ? Binh Nhì, Trung Sĩ, Hạ Sĩ ? những người lính chịu đựng nhiều nhất trong tập thể. Đơn giản vì họ thà " Chết Đứng Hơn Sống Quỳ" Có chăng chỉ là những người lính thấm nhuần tinh thần Vỏ Sĩ Đạo ( Samurai) Sau khi Nhật thua trận vào Thế Chiến Thứ Hai.

Cái chết của những người lính miền nam  chỉ muốn nói lên một điều là rõ ràng họ Không Sợ Chết Nhất Là CÁi Chết  cho TỔ Quốc ( một cách Đền Ơn Tổ Quốc). Vì không làm tròn bổn phận mà Tổ Quốc và Nhân Dân đã giao phó cho mình . Thực ra họ đã làm tròn việc họ phải làm( và không ai có thể trách họ điều gì , nhưng hình như mỗi người đều tự trách móc bản thân đã buông súng khiến đất nước đồng bào phải chịu đầy ải đau thương như bây giờ.Tôi thấy rõ một điều: nếu DVM , không ra lệnh đầu hàng, còn lâu Việt Cộng mới chiếm được miền Nam như ngày hôm nay, Nếu họ cố gắng cầm cự cho dù họ không còn đầy dủ khí giới như ngày xưa Cho đến khi quốc tế can thiệp theo đúng hoà đàm Paris. Sẽ có chết chóc , nhưng muôn tự do chúng ta phải chịu hy sinh, khi không thể dùng ná cao su đánh nhau với T54, AK 47.... Tuy nhiên, VC cũng mở mắt chúng ta một điều là đừng quá lệ thuộc vào người khác. Chúng ta dã từng học đánh giặc theo kiểu nhà giàu của Mỹ, và khi Mỹ buông tay, chúng ta không có nguồn nào khác. Trong chiến tranh VN  những lảnh đạo của chúng ta phải tiên liệu việc Mỹ rút lui, vì thiệt hại quá nhiều về người và của ( Đáng lẻ người Mỹ nên nghe theo lời Tổng Thống NĐD trước khi đổ quân vào miền Nam, nhưng sự kiêu căng của họ  đã làm họ phải rút quân một cách thảm hại ).


Các đơn vị miền Nam vẫn còn khả năng chiến đấu. Đó là lý do VC muốn đôn DVM lên làm Tổng Thống thật nhanh để có cớ buộc lính miền Nam buông súng càng nhanh càng tốt. VC biết rất rõ khả năng tác chiến của lính miền Nam , cho nên chúng ra sức trả thù họ trong nhựng trai cải tạo lao động khổ sai (chúng rất muốn nhưng không thể tàn sát họ trước thế giới (vì VC còn cần viện trợ, nên giết họ một cách từ từ cay độc- VC biết rõ là những người con miền Nam, Không Thể Bị Tẩy Nảo. Đừng nói gì những người lính  hay viên chức chính quyền, mà cả dân miền Nam( khôngf nghe những trường hợp dân chúng tự sát như quân nhân nhưng ho có cách tự tử bi hùng trước con mắt thế giới (Họ chọn VƯỢT BIÊN và VỰƠT BIỂN)


Tôi ngạc nhiên khi nghe Bò Đỏ và dư luận viên miệt thị những người lính miền Nam ĐU CÀNG . Bọn này không hiểu tại sao họ làm điều đó. Thực ra chuyện dể hiểu đến nổi con nít cũng hiểu được TRỪ BỌN BÒ. Trong cơn tuyệt vọng họ tìm mọi cách để thoát khỏi vùng lửa đạn ĐỂ SỐNG!!!( Mặc dù hành động này cũng nguy hiểm không thua chạm súng với địch trên chiến trường, nhưng dù sao cũng còn có hy vọng sống sót, tránh bi Việt Cộng bắt làm tù binh. Límh VNCH khám phá nhiều hầm hố VC bỏ chạy để lại, và khi phát giác ra thì toàn la cán binh bi thương, được cho viên đạn ân huệ ( Đó là lý do quân đội Cộng Sản không có thương binh). Không thể mang theo thương binh trên đường rút chạy vì dịch truy duổi quá gắt, mà hậu phương thì xa quá, trong trường hợp này thì cho một viên đạn là gọn và dể nhất . VC cũng đã dùng chiêu thức này hồi Mậu Thân khi bắt giữ dân và lính VNCH trong thành nội. Bắt rồi mà thả về thì sẽ bị lộ bí mật quân sựmà bắn thì sẽ thiếu đạn dược trong khi chống trả nên cách tốt nhất là dập bể đầu liệng xuống hố chôn- nhiều trường hợp nạn nhân bị chôn sống. Đó là lý do nhiều nạn nhân khi tìm thấy , tay bị cột, và xương sọ bị bể dằng sau gáy vì bị đập bằng vật cứng. Sau này Khờ Me Đỏ cùng giết dân Nam Vang cùng một cách. Có lẻ nếu VC đưa được toàn bộ tù nhân bị bắt giữ lên núi bình yên , co lẻ họ cũng dem dám này theo , nhưng đang trên dương chạy trốn sự truy đuổi của lính miền Nam và Mỹ- Nhất là Mỹ với B52 trên đầu thì không còn cách nào khác hơn là hy sinh toàn bộ số tù đang bắt giữ. Một trường hợp khác nữa làm phe VNCH không muốn bị bắt làm tù binh là họ dã tìm thấy vài tử thi của lính Biệt kích Mỹ bị xử tử và cắt bộ phận sinh dục nhét vào mồm để hạ nhục .


Người lính miền Nam biết rằng không thể để cho VC bắt sống ( phải trãi qua những hình phạt khủng khiếp mà họ đã thấy , cho nên có diều kiện đi thoát khỏi chiến trường thì họ làm để lo cho mạng sống  , chờ đợt thư hùng một trận khác, có thể thông cảm và  hiểu được ( VC cũng biết điều đó , nhưng có điều kiện để bêu xấu thì khuấy động lên thôi, chứ cái gì người lính miền Nam cũng tốt và hay hết thì  không tuyên truyền, khuấy động được). Giờ đây thì nét hào hùng , tinh thần chiến đấu của lính miền Nam thì ai _ từ Nam ra Bắc - cũng đều biết rõ. Đó là lý do cái gì thuộc về VNCH và người lính miền Nam đều tồn tại và lưu giữ một cách trang trọng trong tâm hồn của những người dân Việt Nam, Từ quân phục, tới những bài hát trước đây dành cho người lính miền nam thì hầu như dân miền Bắc trân quý và trình bày rất cuốn hút.

 

Đơn giản là cái gì thuộc về CHÍNH NGHĨA thi tồn tại và cái gì không CHÍNH NGHĨA thì mai một theo thời gian.


Nguoiviettudo

Thursday, May 16, 2024

Thầm Thì Khúc Ca - Đỗ Công Luận

Anh Tư Ếch - Đoàn Xuân Thu

 
Tranh Bảo Huân

Chiều cuối năm, anh Tư Ếch ghé tệ xá. Em yêu xào cho một dĩa bê thui đậu phộng với bún tàu; vì uống bia, mồi không cần có nước. Mời anh Tư Ếch ra nhà xe vừa nhậu vừa bàn luận chuyện văn chương.

Gắp miếng thịt bê, chấm nước tương có ớt xắt, anh Tư Ếch đưa vô miệng nhai sừn sựt. Nốc gần nửa lon bia nghe cái ót, đài phát thanh của Tư Ếch nóng máy bắt đầu lên sóng: “Tui tên Ếch, thứ Tư, dân Mỹ Tho”.

Tui ngứa miệng chen vô: “Mỹ Tho là thủ phủ, cửa ngõ của Miền Lục tỉnh Nam Kỳ”. Anh Tư Ếch nạt ngang làm tui mất hứng: “Tầm bậy! Mỹ Tho là thủ phủ của tỉnh Ðịnh Tường. Mỹ Tho (Định Tường) cùng với Gia Ðịnh và Biên Hòa hợp thành ba tỉnh Miền Ðông”.

“Còn 3 tỉnh Miền Tây là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.” “Chính vì vậy mới có cái vụ Tây chiếm ba tỉnh Miền Ðông. Ông Phan Thanh Giản lui về Miền Tây giữ thành Vĩnh Long. Giữ không được nên ông mới uống thuốc độc quyên sinh đó”

“Ủa? Vậy mà tui thấy trong Chợ Lớn có đường Lục Tỉnh chạy vô Bến Xe Miền Tây nên tui cứ tưởng Lục tỉnh là 6 tỉnh Miền Tây chớ?”.

Anh Tư Ếch, giọng thầy đời, rầy tui: “Quê mình mà địa lý anh không thông; sử ký anh không biết lại dám vỗ ngực ta đây là người yêu nước?” Bị xài xể quá tay, tui nín khe luôn, để thằng chả mặc sức ba hoa chích chòe.

Anh Tư Ếch giảng rằng: “Thời Việt Nam Cộng Hòa mình gọi Nam Kỳ Lục tỉnh là Nam Phần. Thời CS nó gọi Nam Bộ.

“Viết văn thời nào phải dùng địa danh của thời ấy. Không được viết lung tung. Như nhà biên khảo Sơn Nam từ thời VNCH mà gọi ổng là “Ông già Nam Bộ” là gọi tầm bậy.”

Vì vậy kẻ nào nói Mỹ Tho là miền tây là kẻ đó nói tầm bậy, dốt (không thuộc) lịch sử.

Nhân nhắc tới ông Sơn Nam, tui kể vài cái giai thoại cho anh nghe chơi. Xin lỗi hồi nãy tui hơi quá lời với anh.” Tui trả lời đẩy đưa: “Ôi chuyện nhỏ! Ðừng để bụng. Thùng bia của tui. Dĩa bê thui của vợ tui. Cái miệng của anh. Anh muốn ăn, muốn nhậu, muốn nói gì thì nói. Mình ở xứ tự do mà! Xin anh cứ tự nhiên” Tui xỏ ngọt đau như vậy nhưng thằng cha Tư Ếch lù đù nầy đâu sức hiểu, nên giả tiếp tục lải nhải: “Giai là đẹp, Giai nhân là người đẹp. Thoại là câu chuyện, chuyện thần thoại. Giai thoại văn học là chuyện về các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà văn học có tiếng tăm.

Ðó là về người; còn câu chuyện có thể là có thật; mà cũng có thể là phịa. Cũng có thể là thật một phần; rồi phịa một phần. Do truyền miệng, viết lại tất nhiên sẽ bị tam sao thất bổn.

Phần chúng ta có tập quán quá giang, ăn theo, hưởng xái, thấy sang bắt quàng làm họ. “Ổng là bạn vong niên của tao. Tuần rồi, tao dắt ổng đi uống bia ôm ở ngã ba Chú Ía …bla bla…

Nên giai thoại là: vàng thau lẫn lộn! Thiệt giả bất minh. Vì vậy: Giai thoại: Ai nói? Nói với ai? Nói ở đâu trong hoàn cảnh nào? Nói lúc nào không quan trọng. Quan trọng là cái giai thoại đó muốn nói cái gì?

Anh Tư Ếch bèn kể cho tui nghe một cái giai thoại về cách dùng chữ Miền Tây của nhà biên khảo Sơn Nam.

“Một ông đạo diễn viết: “Ði hái bông súng nấu canh chua”. Ông Sơn Nam gạch chữ hái, thay vào chữ nhổ. “Trời ạ, một thằng Huế như tôi làm sao biết được người ta chỉ nhổ chứ không hái bông súng. Hái chỉ có cái bông thì lấy gì để nấu canh?”

Tui bèn xía vô, xin ‘xạo xạo’ thêm một chút. Chưa nhổ thì gọi là cây bông súng, nó còn cái bông. Nhổ lên ăn để ăn cái cọng không có bông. Theo tui, không phải khác biệt về tiếng địa phương như ông đạo diễn Huế nầy nói đâu. Vì ngoài Trung, ngoài Bắc cũng có động từ nhổ chớ sao không? Bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: “Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không”. Ðơn giản là ông đạo diễn nầy dùng chữ trật lất thế thôi.

Anh Tư Ếch quả là dân cà chớn chống xâm lăng. Ảnh cà khịa ông đạo diễn đã rồi ảnh quay qua cà khịa ông nhà thơ. Ông nhà thơ viết bài: ‘Phải lòng con gái Bến Tre”. Bài thơ nầy được phổ nhạc, hát rùm từ trong nước ra tới hải ngoại.

Là dân Mỹ Tho giáp mí với Bến Tre, anh Tư Ếch không chịu cái chữ ‘phải lòng’ của ông nhà thơ xứ Quảng có vẻ coi thường con ghệ Bến Tre của ảnh quá?! Dân ngoài Trung không hiểu chữ ‘phải lòng’ trong quê Tư Ếch. Nếu một mình thì gọi là khoái em. Phần em khoái mình thì cái đó gọi là chịu đèn.

Theo tự điển, động từ ‘phải lòng’ là phải có hai người, trai và gái khoái lẫn nhau! Bậu có cái lòng của bậu. Qua có cái lòng của qua. Ðem hai cái lòng đó đọ vừa khớp với nhau mới gọi là phải lòng.

Còn chỉ mới rượt theo em Bến Tre xuống Phà Rạch Miễu, tính dê hỗn! Mà em đẹp cỡ Phi Nhung chắc có kép lâu rồi đâu có huỡn mà phải lòng với mấy cha?

Rồi chữ ngoe nguẩy nữa. Anh Tư Ếch cũng hổng chịu luôn.

Khi một người con gái hờn mát chuyện gì đó mới ngoe nguẩy. Ngoe nguẩy không phải là làm điệu, làm duyên như ông nhà thơ đã nghĩ!

Rồi từ Sài Gòn xuống Bến Tre là đúng. Vì bà con Lục tỉnh Nam Kỳ luôn lấy đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ làm điểm đứng

Mỹ Tho cách Bến Tre 11 cây số, bà con mình nói qua Bến Tre; chớ không nói xuống bao giờ. Còn nếu nói điểm xuất phát là Sài Gòn thì không ai xuống Bến Tre hơn 100 cây số mà đi xe thổ mộ tức xe ngựa cả!

Rồi dùng chữ Phà ở đây cũng trật lất. Thời đó, đi xe ngựa làm gì có chiếc Phà mà là chiếc Bắc!

Thế nên làm thơ, đặt lời cho bản nhạc về cái vùng đất mình chưa rành thì nên kiếm Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam mà học. Xin mấy ông đừng phang ẩu nữa được không nè? Chuyện chữ nghĩa không thể giỡn chơi cho được!

Giảng bài xong. Dĩa mồi đã hết. Thùng bia chỉ còn vỏ lon bia. Ðêm đã khuya. Ðài phát thanh vẫn phát. Phát thanh viên Tư Ếch vẫn đía. Thính giả vẫn ngồi đó, mắt nhắm híp, tui đã ngủ tự thuở nào. Ðêm cuối năm, tui mơ về quê cũ.


Đoàn Xuân Thu

Chúc Tuổi Thọ An Lạc - Minh Lương

Sài Gòn Ngồi Nhớ Xa Xăm - Phan Văn Thanh


Mỗi khi nhớ về Sài Gòn người ta hay nhắc đến những cơn mưa chóng vánh, chợt đến chợt đi, hiếm khi nào có những cơn mưa dai dẳng. Thế nhưng, trong mắt nhiều người vẫn thích cái nắng ấm Sài Gòn hơn.

Chẳng biết nhà thơ Nguyên Sa cảm nhận hoặc yêu cái nắng Sài Gòn đến thế nào khi ông viết: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát …”. Riêng tôi, dân Sài Gòn chính hiệu “con nai vàng” thì Sài Gòn giống như những cô tiểu thư đỏng đảnh kiêu kỳ nhưng thật dễ thương.

Sài Gòn nỗi nhớ không tên

Em còn nhớ hay em đã quên

Nhớ Sài Gòn mỗi chiều gặp gỡ

Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm

Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng

Phố em qua gạch ngói quen tên

Sài Gòn ngày xưa còn là thành phố của sự khập khiễng. Một bên là những biệt thự kín cổng cao tường với các cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, một bên là khu ổ chuột, chênh vênh trên dòng kinh nước đen với thằng Chí con Mén, thằng Sớm con Mơi … đen nhẻm, mình trần trùi trụi, suốt ngày rong ruổi phơi nắng gió ngoài đường để nhặt từng đồng bạc lẻ.

Vậy đó, giữa những gì được coi là văn minh, văn hóa là những tiếng chửi thề “như hát”, và bên cạnh một không gian im vắng của “nỗi buồn cư xá” là những ồn ào, bụi bặm của một đường phố vội vã, hối hả xuôi ngược cho cuộc mưu sinh đời thường.

Sài Gòn đáng yêu lắm! Tuy cuộc sống đơn giản, phóng khoáng thế nhưng, người Sài Gòn lúc nào cũng luôn tất bật, vội vã như sợ đánh mất thời gian. Người Sài Gòn không màu mè hoa lá hẹ, cũng chẳng cần triết lý sâu xa. Sài gòn là những buổi trưa hè hiu hiu gió nhẹ, là những cụm mây trời trôi lang thang. Sài Gòn những đêm nằm nghe mưa rơi tí tách bên hiên nhà như từng giọt buồn thánh thót, mênh mang trong đêm dài cô quạnh.


Sài Gòn có tiếng rao đường phố của những gánh hàng rong dưới sương đêm nghe đến nao lòng. Có rất nhiều tiếng rao đường phố mà thoạt nghe ta chẳng hiểu ý nghĩa, nhưng cứ nghe mãi cái giai điệu ấy thì thành quen, và cũng biết được họ bán thứ gì. Cái thói quen ăn khuya còn là nét văn hóa của người Sài Gòn. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)

Vì thế, những gánh hàng ăn khuya cũng được đem đến tận cửa, nóng bốc khói, từ chiếc bánh giò, bánh chưng, chè đậu trắng nước dừa, tàu hũ, mì gõ … bây giờ Sài Gòn không còn thấy ai bán kẹo kéo, bánh bao chỉ, sương sa hạt lựu hay mía ghim, mía hấp nữa.

Em còn nhớ hay em đã quên

Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng

Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân

Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng

Nối xôn xao hàng quán đêm đêm

Sài Gòn tuổi thơ tôi

“Một ngõ vắng xôn xao

Nằm trong lòng phố lớn …”

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ của trại định cư gần ngã ba ông Tạ, nhà cửa san sát, cư dân trong hẻm hầu hết đều biết nhau và chỉ cách vài chục mét là cánh đồng rau muống Sơn Tây. Ban đêm gió từ cánh đồng thổi lồng lộng đến độ muốn cuốn bay mọi thứ.

Ngày ấy, hầu như mọi ngôi nhà còn lợp mái lá. Buổi trưa hè, đặt cái lưng trần xuống nền xi măng mát lạnh, rồi cơn gió từ đâu về cứ hiu hiu thổi ru ta vào giấc ngủ mơ ngoan. Ngoài kia, bầu trời cao xanh ngát, từng chùm mây trắng trôi lãng đãng, phiêu bạt về một phương trời nào đó xa xăm, cho ta cảm giác một cuộc sống thanh bình mà không hề cô đơn, lạc lõng.


Sài Gòn trong nỗi nhớ của tôi là những buổi chiều thả diều, đá bóng ngoài cánh đồng rau, là những trưa hè tụ tập nhau đi bắn chim, hái trộm xoài, trộm ổi. Sài Gòn là những lần bấm chuông nhà người ta cho tới khi nghe chửi và bị rượt chạy vắt giò lên cổ.

Sài Gòn là những lần hùn tiền đi bơi ở hồ tắm Chi Lăng bên Phú Nhuận, là ổ bánh mì xịt tương ớt chia nhau ăn đỡ đói để đạp xe về nhà, là chơi bắn bi mo-răng-co với những giao ước đến khó hiểu như câu thần chú: “lang cang báng dội ăn tiền”. Đôi khi chỉ vì nói sai hay nói thiếu một chữ là có thể lao vào đánh nhau chí chết để rồi ngày mai lại gọi nhau í ới chơi tiếp.

Sài Gòn là những chú dế “hộp quẹt” xách râu lên quay, thổi phù phù đá “bắt xác”. Những ngày hè, ngoài trò chơi cù, chơi khăng với dích-táng-gà, hoặc chơi chọi đáo…bọn trẻ con chúng tôi còn lang thang khắp phố xá, tìm những vỏ bao thuốc lá về chơi, mỗi loại bao thuốc lá mang một mệnh giá riêng, loại thuốc lá càng hiếm thì mệnh giá càng cao như thuốc lá Camel có hình con lạc đà, thuốc Salem, Pallmall, Lucky… những loại có mệnh giá thấp là Ruby, Capstan, Cotab …

Đó là chưa kể đến trò chơi “tạt hình”, hay “bật tường” bằng những chú lính nhựa. Mùa nào trò chơi đấy, bọn nhóc chúng tôi ngày đó có biết bao trò nghịch phá, bao nhiêu thứ để chơi, trò chơi của những đứa trẻ con nhà nghèo.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua dần, chúng tôi giã từ thơ ngây, giã từ dòng sông tuổi nhỏ để bước vào thế giới của tuổi trăng tròn với chút mơ mộng, chút bâng khuâng, ngại ngùng và một chút nhớ nhung mong manh trước cái nhìn của người con gái. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)


Thuở ấy, Sài Gòn là những ngu ngơ nắng lụa, là những lần hái hoa phượng ép vào vở thành cánh bướm tặng nhau, Sài Gòn là những ngày không sách vở cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. Sài Gòn là buổi chiều tan học theo bước chân nhau về … Sài Gòn là:

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương

Tôi pha mực cho vừa màu nhớ thương

Sài Gòn hiền lành và đáng yêu hơn thế nhiều. Người Sài Gòn luôn ngắn gọn nhưng dễ hiểu! Khi Yêu là hết mình. Sài Gòn có góc sáng, góc tối. Có những giọt nước mắt len lén rơi lặng lẽ mà chỉ người Sài Gòn mới cảm nhận được. Sài Gòn đêm về, trong những nhà hàng, tiệm ăn sang trọng rực rỡ ánh đèn màu, nơi khách sạn xa hoa lộng lẫy với những người xài tiền không cần đếm.


Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có một cuộc sống khác, những mảnh đời của người lao động nơi xóm nhỏ khó nghèo, quanh năm vất vả cuộc mưu sinh, vật vã chuyện cơm áo để tồn tại.

Sài Gòn, cái xứ sở rất lạ, lạ như cái nắng cái gió phương Nam vậy. Phóng khoáng, hào sảng nhưng chân tình và sẵn sàng chia sẻ.

Người Sài Gòn có thể nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo tình nghĩa. Không chỉ người giàu có, mà cả những người nghèo lo chạy ăn từng bữa cũng chắt chiu chia sớt, một em bé bán vé số, ông ba gác, bác xich lô, anh xe ôm cũng vui vẻ “nhường cơm xẻ áo” cho những người đói hơn mình. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)

Cả những chị gánh hàng rong cũng chia bớt chút tiền lời còm cõi trong ngày cho đồng bào các vùng thiên tai bão lũ. Làm sao có thể đong đếm hết được nghĩa tình của người Sài Gòn.

Sài Gòn ngoài cuộc sống hối hả, bụi bặm, ồn ào đến chóng mặt thì vẫn còn đó một không gian êm đềm và thơ mộng với cỏ cây, hoa lá, vẫn có những khoảnh khắc lãng mạn cùng âm nhạc với giai điệu ngọt ngào như đang thì thầm những buồn vui, trăn trở …

Sài Gòn không bao giờ thiếu bóng dáng của những quán ăn, quán cà phê vì đó chính là cái hồn của người Sài Gòn, là hương sắc, sự quyến rũ ngọt ngào, là nỗi nhớ tuyệt vời nhất cho những ai đã một lần đến với Sài Gòn.

Sài Gòn có con đường Duy Tân, cây dài bóng mát cho những đôi tình nhân đi bên nhau thả hồn mơ mộng để chợt nghe bâng khuâng. Sài Gòn chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu cho người yêu thương nhớ nhau vơi đầy.

Con đường Tú Xương với những hàng cây cao vút, lặng thinh đã từng một thời in dấu chân người tình, những chiếc lá me vàng vào mùa thay lá bay bay trong gió chiều, thoảng rơi trên làn tóc những thiếu nữ áo dài trắng sau tiếng trống tan trường như còn chất chứa biết bao kỷ niệm êm đềm, ngây thơ của tuổi học trò với tháng ngày xa xưa ấy. Sài Gòn bây giờ tìm đâu thấy con đường tình ta đi … còn đâu nữa chút nắng hanh vàng nơi cuối phố ngả nghiêng … đợi.

Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau

Như trường xưa mất tuổi thiên thần

Hy vọng xa hay mộng ước gần

Đã ngậm sầu ngang môi lắng im …


Thời còn học lớp đệ thất đệ lục, những ngày nghỉ của 3 tháng hè, các bạn tôi lại vác sào bong bóng có in cái thương hiệu Thanh Dung, hoặc ôm xấp báo Xây Dựng của cha cố Nguyễn Quang Lãm rong ruổi khắp đường phố, bệnh viện nhi đồng … để kiếm tiền phụ giúp gia đình, và để dành đóng học phí cho năm học tới. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)

Còn lại ít tiền lẻ dành dụm cả tuần. chúng tôi tụ tập nhau đi bơi, cứ 3 đứa một chiếc xe đạp chở nhau từ ông Tạ qua bên hồ bơi Chi Lăng tít bên Phú Nhuận. Hôm nào rủng rỉnh thì bơi hai xuất (1 xuất là 1 giờ) sau khi vùng vẫy chán chê, cả bọn ra về với cái bụng lép kẹp, con mắt đỏ hoe vì nước sát trùng hồ bơi, giờ đứa nào cũng thấy đói cồn cào, rã rượi.

Gom tiền lại, vào hàng của bà bán bánh mì ngay trước cổng hồ bơi, mua mấy ổ bánh mì không (không có nhân) nhờ bà xẻ cho một đường rồi cứ thế xịt nước tương với tương ớt đỏ lòm, chia nhau mỗi đứa một mẩu, vừa đi vừa ăn, lúc đó sao thấy ngon chi lạ.

Bánh mì không chỉ dành riêng cho người nghèo, mà còn là món ăn khoái khẩu với người giàu. Tiệm bánh mì Như Lan trên đường Hàm Nghi rất nổi tiếng ở Sài Gòn dù giá cả cũng không “mềm” chút nào nếu không muốn nói là quá xa sỉ so với thu nhập của người lao động.

Tiệm bánh mì Như Lan có xuất thân từ một xe bán bánh mì nơi lề đường, vỉa hè, thế nhưng, bây giờ nó đã trở thành một thương hiệu lớn và lừng lẫy với đủ món ăn chơi như đùi gà chiên, bánh bao, xôi lá sen, xôi khúc, xúc xích, giò chả … Nhưng ai cũng gọi cái tiệm to đùng ấy là Bánh Mì Như Lan, theo kiểu “ra bánh mì Như Lan mua cái bánh bao”. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)

Tất cả mọi con đường Sài Gòn từ hang cùng ngõ hẻm cho đến quán hàng sang trọng đều có xe bán bánh mì kẹp thịt chỉ với giá năm, bảy ngàn đồng. Bánh mì với đặc tính xốp, thẩm thấu nước nên ngon khi kẹp thịt, pa tê hay thậm chí kẹp miếng trứng ốpla ở giữa, vài lát dưa leo, mấy cọng đồ chua, thêm chút ớt, chút hành ngò, muối tiêu hay xì dầu … là đã có một bữa ăn “bụi” vẫn ngon đến mê mẩn khi ngồi nhẩn nha gặm trong một quán cà phê vỉa hè, ăn xong thấy khô cổ, nhấp một miếng cà phê đá còn gì thú vị hơn nữa.


Sài Gòn theo dòng chảy thời gian đã trở thành rong rêu, hoang phế. Thế nhưng, Sài Gòn vẫn sống mãi trong tôi, trong nỗi nhớ bạn bè với bao hoài niệm như còn mới nguyên những mơ ước thuở nào. Nhiều đứa giờ đã ngủ yên nơi miền quá khứ, một số khác tha phương nơi xứ người để cứ mãi thắc thỏm mỗi khi nhớ nhau … Sài Gòn giờ chỉ là chiếc bóng bên dòng sông dĩ vãng, để người Sài Gòn mãi khắc khoải ngàn năm thương nhớ.

Em còn nhớ hay em đã quên

Quê nhà đó bao năm có em

Có bóng dừa

Có câu hò

Có con đò chở mưa nắng đi

Con gái Sài Gòn có khuôn mặt thanh thoát, đôi mắt hơi tinh ranh, cái miệng lém lỉnh, khác xa với cô gái Hà Nội sắc sảo mặn mà, và các cô gái Huế với nét trầm buồn…con gái Sài Gòn nước da cũng rất khác, không trắng bóc như con gái Hà Nội, không hồng hào, má đỏ hây hây như con gái Đà Lạt, cũng không mặn mà như em gái miền Tây.

Tính tình các cô gái Sài Gòn giống như cơn mưa rào, đỏng đảnh kiêu kỳ nhưng lại mau quên, giận hờn đấy rồi lại quên đấy (vội vàng nhưng chóng quên, rộn ràng nhưng biến nhanh) không giống các cô gái Hà Nội, âm ỉ và dai dẳng.

Con gái Sài Gòn luôn mang một nét đặc trưng rất riêng biệt, là một biểu tượng của miền Nam. Họ không khác nhiều so với những cô gái vùng lân cận, có chăng là lịch lãm hơn và đương nhiên cái nhìn cũng thoáng hơn.

Ngày nay, dân nhập cư vào Sài Gòn quá nhiều, vì thế, sự pha trộn của nông thôn vào Sài Gòn cũng ít nhiều làm phôi phai cái tính cách của con gái Sài Gòn. Nhưng tinh ý một chút bạn vẫn có thể nhận ra và phân biệt được con gái Sài Gòn với những cô gái nhập cư.

Không như con gái bắc bán buôn tần tảo, khéo ăn khéo nói. Cũng không kín đáo và e ấp như con gái Huế. Con gái Sài Gòn dạn dĩ, tự nhiên trong tính cách, chân thành, cởi mở trong giao tiếp. Có lẽ điều đó đã tạo cho người đối diện một cảm giác dễ chịu, thoải mái nhẹ nhàng khi tiếp xúc.

Bởi chính sự mộc mạc trong lối sống và đơn giản trong cách cư xử của họ là cái cớ làm cho người khác dễ gần, còn giọng nói của người Sài Gòn thì không thể lẫn vào đâu được, cũng trong sáng như chính tâm hồn của họ vậy. (Sài Gòn trong tôi/ Phan Văn Thanh)


Hôm nay, giữa lòng Sài Gòn, với những dòng xe cộ mịt mờ khói bụi, con gái Sài Gòn vẫn đẹp lạ lùng một dáng vẻ thời trang với nhiều kiểu trang sức, áo quần mà chẳng nơi nào có thể sánh kịp. Áo quần xe xua là vậy, thế nhưng, không hiểu vì sao tôi vẫn cứ thích dược ngắm những cô gái Sài Gòn thướt tha, dịu dàng trong chiếc áo dài trắng học trò lúc tan trường.

Cứ nhìn những tà áo trắng bay bay trong gió chiều như những cánh bướm, hỏi ai không thấy lòng bồi hồi, xao xuyến. Cô gái Việt đẹp lung linh đến ngút ngàn chỉ khi mặc áo dài, con gái Sài Gòn cũng vậy thôi …

Chuyện con gái Sài Gòn có đỏng đảnh, kiêu kỳ hay không thì chưa biết, nhưng nếu có điệu đà, õng ẹo một chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Đó còn là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định xưa, mà nếu ai hiểu được sẽ thấy sao mà thương mà nhớ đến vậy.

Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi

Tay cầm tay nói nhỏ câu gì

Những quầy hoa quán nhạc đêm về

Ta hỏi thầm em có nhớ không!


Sài Gòn với tất cả những cái phức tạp của một thành phố lớn nhất Việt Nam, có thể nói ở nơi đây có tất cả mọi thứ nhu cầu cần thiết, bạn thích điều gì cũng có … và không ở đâu dễ kiếm vợ hơn ở Sài Gòn, thích thì chiều, yêu thì gả, nhưng cũng không ở đâu nuôi vợ khó như ở Sài Gòn, vì mảnh đất này cái gì cũng phải trả tiền.

Long An – Bình Dương và Cần Thơ hay thành phố biển Vũng Tàu cũng là nơi sản sinh ra nhiều người đẹp nổi tiếng của miền Nam, họ là những bông hoa đáng yêu và bạn dễ dàng “say nắng” khi gặp họ, thế nhưng, muốn gần gũi và kết thân với họ, điều quan trọng nhất là: Bạn phải mê hát cải lương! Nếu không muốn nghe câu: Ý mèng ơi! Hổng dám đâu!


PHAN VĂN THANH