Pages

Sunday, June 30, 2024

Người Lính Đeo Càng Trực Thăng - Nguyễn Phúc Sông Hương

 

Khoảng ba giờ sáng đêm 20 rạng ngày 21 tháng 4, từ trên căn cứ pháo binh Núi Thị hướng nam thị trấn Xuân Lộc 5 cây số, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn trưởng TĐ 2/43 thấy đèn pha xe sáng rực trên những ngã đường trong thành phố. Chế cảm thấy đây là một sự việc khác thường bởi vì đã mười một giờ đêm, từ khi chiến trận bùng nổ, Xuân Lộc luôn ngập chìm trong bóng tối, thỉnh thoảng loé sáng bởi đạn pháo địch rót xuống mà thôi. Chế vội gọi máy liên lạc với bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Dù đơn vị mà TĐ thuộc quyền tăng phái thì được biết đó là những đoàn xe của quân CS đang vào Thị xã.

Như vậy thì Xuân Lộc đã bị quân Cộng sản chiếm rồi. Nhưng sao chẳng nghe những tiếng súng giao tranh. Không lẽ toàn thể quân trú phòng Xuân Lộc đã đầu hàng, Tư Lệnh Lê Minh Đảo đã đầu hàng ? 

Chế lo âu, giọng run khi cầm máy gọi BCH Lữ Đoàn 1 Dù. Rạch Giá Lê Lai và trở về với người anh cả của anh. Nghe lệnh BCH Lữ Đoàn Dù, Nguyễn Hữu Chế rất tức giận. Nếu mình không gọi, chắc đã bị bỏ quên, và rồi sẽ bị quân CS tiêu diệt. Chế muốn hét lớn phẫn nộ, nhưng anh kềm lại được khi nghĩ đến Tiểu đội Trinh sát nằm tiền đồn bên ngọn Núi Ma. Phải gọi thằng em về càng nhanh càng tốt. Toàn thể TĐ phải rút khỏi Núi Thị trước khi bị quân CS bao vây. Chế cho lệnh phá hủy mấy khẩu pháo 155 ly trong khi chờ mấy đứa em tiền đồn trở về. Đây là những khẩu pháo đã gây nhiều thiệt hại cho quân CS trong mấy ngày chiến trận.

 

Khoảng hơn 4 giờ sáng Tiểu đội Trinh sát đóng ở Núi Ma và các toán tiền đồn mới trở về căn cứ Núi Thị đầy đủ. Toàn thể Tiểu đoàn 2/43 bắt đầu xuống núi, chia làm hai cánh quân, một do Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế và một do Tiểu đoàn phó Đại uý Chi chỉ huy. Hơn 300 chiến sĩ TĐ 2/43 đã chiến đấu oanh liệt đột phá vòng vây khi xuống núi. Phá được vòng vây quanh núi Thị, TĐ nhắm hướng Bà Rịa mà tiến nhưng hầu như đâu đâu trong rừng cao su cũng đều có quân CS. Vì vậy dù cố tránh giao tranh, và lợi dụng bóng đêm để di chuyển, nhưng thật khó mà thoát khỏi vòng vây bủa lưới của quân CS.

Đm, bắt và diệt cho hết tụi ngụy 18 ác ôn còn lại. Tiếng la hét, liên lạc gọi nhau của binh lính CS vang thật rõ trong rừng cao su. Những ánh đèn pin chớp loé tìm kiếm từ lùm bụi này đến lùm bụi khác. Người lính trong thế lui quân bị săn đuổi nép mình sau gốc cây cao su, thấy rõ những bóng ma trước mặt mà không thể nổ súng đốn ngã. Những thương binh đau đớn cắn răng mà chịu. Người lính Sư đoàn 18 chưa bao giờ phải nhịn nhục như thế này. Mới hôm qua đây, ta còn xáp chiến đẩy lui địch ra khỏi thị trấn mà hôm nay lại phải ngậm tăm mà đi. Qua một đêm gần như thiếu định hướng trong rừng, sáng hôm sau Chế bắt được liên lạc vô tuyến với Đại Tá Ngô Kỳ Dũng, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 52. Từ trực thăng bay trên cao, Đại Tá Dũng hướng dẫn cho TĐ tiến về hướng Long Thành. Quân CS chắc chắn đã bắt được tần số liên lạc của ĐT Dũng và Chế nên đã điều quân đuổi theo và chận đánh.

 

Rút lui là thế sau cùng. Người lính tác chiến ít khi nghĩ đến việc rút lui bởi vì rút lui là đưa lưng cho địch bắn. Trong cuộc rút lui này, không những đưa lưng mà còn phải ngẩng đầu để hứng đạn ngay từ trước mặt, tứ bề. Vài lần, Chế đã lệnh cho toàn thể binh sĩ dưới quyền trụ lại, dùng cây cao su che thân, dùng nón sắt và mười ngón tay cào đất để làm nơi chống trả. Những lúc đó, Chế và anh em như những con cọp dữ. Bắn và hò reo, la hét. Để tăng thêm khí thế đánh lui quân địch, và cũng để cho quên đi những đớn đau từ những vết thương ứa máu, để xua tan những ngậm ngùi khi nhìn bạn ngã xuống bên mình.

Không trụ lại lâu được vì địch quá đông, đạn dược không còn đủ. Hai cánh quân của TĐ bắt buộc vừa đánh vừa rút. Địch lại rượt đuổi, đổ quân chận đầu, bao vây quyết tiêu diệt đơn vị QLVNCH còn lại sau cùng này để tàn sát trả thù cho trận quyết đấu mà họ bị thảm bại vừa qua. 

Qua nhiều trận giao tranh với địch ngày và đêm trong rừng cao su gãy đổ vì đạn bom, chiến sĩ TĐ 2/43 đã lần lượt ngã xuống đền nợ nước. Chế cũng cạn khô nước mắt. Mồ hôi hầu như không còn để chảy vì đói và khát. 

Phân tán mỏng từng tiểu đội, bán tiểu đội mà rút. TĐT Nguyễn Hữu Chế sau cùng phải quyết định như vậy. Phân tán mỏng thì lực chống sẽ yếu, nhưng dễ dàng luồn lách thoát khỏi vòng vây. Ba trăm chiến sĩ từng hàng chục lần đánh bật kẻ thù, trụ cứng đĩnh Núi Thị từ khi chiến trận bùng nổ, thế mà giờ đây người hy sinh, kẻ thất lạc, bên Nguyễn Hữu Chế chỉ còn lại 27 người. Tất cả đang đâu lưng chiến đấu tìm đường sống. Với Chế, đây là lần đầu tiên trái tim anh quá nhiều đau đớn trong suốt bao năm chỉ huy Tiểu đoàn. Anh chưa bao giờ để cho một đứa em bị thất lạc, không được băng bó vết thương hay bỏ xác tại trận. Lòng thương mến binh sĩ và danh dự của người chỉ huy như hai ngọn đèn luôn cháy rực trong tâm trí anh.

Hai mươi tám người còn lại mà hầu hết là những tay súng ngắn thuộc BCH Tiểu đoàn và các chiến sĩ pháo binh, công binh. Đối với B40, AK thì súng ngắn chỉ là súng đuổi ruồi.

 

Bảo Định, các anh đã bị bao vây, đã cùng đường, hãy ra hàng để được toàn tánh mạng. Bảo Định, tụi mày đã bị bao vây, cùng đường rồi, chịu chết đi. 

Khi thì anh, khi thì mày. Khi thì dụ, khi thì đe. Hàng trăm lần, tiếng loa gọi đích danh Bảo Định, danh hiệu của Nguyễn Hữu Chế ra hàng. 

Đối với người lính trận ở chiến trường, tiếng loa dụ hàng của địch quá thông thường, nhưng trong tình thế này đã phần nào làm giao động 28 tám người.

Có lúc Chế nghĩ rằng để anh em ra hàng còn mình anh chạy trốn. Hai mươi bảy người còn lại phải sống. Anh không thể tiếp tục nhìn họ lần lượt ngã xuống nữa. Riêng Chế, chỉ có chạy thoát hay là chết mà thôi. Nếu thoát không được thì cho một viên đạn súng colt vào đầu chứ không thể để bị bắt. Làm sao CS có thể tha Bảo Định Nguyễn Hữu Chế là một trong những Tiểu Đoàn Trưởng xuất sắc của Sư Đoàn 18 mà CS liệt vào hàng nợ máu ác ôn. 

- Chúng ta đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, anh em nên ra hàng vì vợ con gia đình của mình. Tôi chỉ yêu cầu anh một việc là đợi khi tôi đã đi khỏi nơi này thì ra hàng. Những gương mặt đầy lo âu bỗng đanh lại khi nghe Chế nói. Một hạ sĩ quan công binh nhìn Chế :

- Thiếu tá ơi, chúng tôi tuy là Công binh chiến đấu, khả năng không bằng người lính Bộ binh nhưng nhất định không làm hổ thẹn hai chữ chiến đấu mà chúng tôi đã tự mang vào mình. 

- Bao giờ Thiếu Tá ngã xuống thì tụi em mới ra hàng. Người lính Truyền tin nói. 

- Thiếu Tá ngã thì em ngã theo. Người lính trinh sát cuối cùng của Tiểu đội Trinh sát nói một cách cuơng quyết.

Ba đêm, bốn ngày, hai mươi tám người sống chết bên nhau. Người còn sức dìu người sức yếu. Tay súng tay bạn, cương quyết không bỏ lại một người nào.. Họ lần mò trong đêm, dò dẫm trong ngày. Có khi vấp phải xác thú bị đạn chết trong rừng nhưng chẳng ai xẻ thịt thú mà ăn dù rất đói và khát. 

Tháng Tư, sương đêm không đủ để làm ướt lá cây cao su thì làm sao có vũng ướt heo rừng nằm cho người lính cúi xuống đưa lưỡi tìm chút nước.


Có lúc trong ngày, một vài lần Chế nghe tiếng trực thăng bay cao trên trời. Lòng mọi người vui lên vì biết mình sắp ra khỏi vùng địch chiếm đóng. Chế ứa nước mắt khi nghe tiếng gọi Bảo Định, Bảo Định, anh nghe tôi không trả lời của Đại tá Lê Xuân Hiếu Trung Đoàn Trưởng 43 gọi tìm đứa em thất lạc, nhưng Chế không dám lên tiếng vì sợ VC theo dõi bắt được tần số, phát hiện. Chế tin sự suy nghĩ và lo sợ của mình là đúng vì chính Chế đã nghe những lời trao đổi của VC lạc vào trong tần số máy PRC25 của Tiểu đoàn. Ngày thứ 4, nhiều anh em dường như không bước được nữa. Chính Chế cũng cảm thấy một cơn sốt đang kéo đến. Anh khô đắng cả họng, bụng thì đau nhói, chân run như sắp khuỵ xuống. Bây giờ thì không thể im lặng được nữa. Anh hai ơi Bảo Định đây. Chế cầm ống liên hợp và cất tiếng gọi lớn.

- Bảo Định ! Bảo Định ! nghe anh trên 5, nghe tôi không trả lời ! Tiếng vị Trung Đoàn Trưởng vui mừng vang lên trong máy PRC25. Dưới sự hướng dẫn của Đại Tá Hiếu, và yểm trợ bằng hỏa tiễn của trực thăng, Chế và anh em tìm ra được khu trãng trống. Ba chiếc trực thăng UH-1B từ hướng Nam bay đến, rà thật sát trên ngọn cây rồi đáp xuống khu rừng chồi. Người còn sức cõng người kiệt sức chạy nhanh ra. Vấp ngã. Đứng dậy. Chạy tiếp. Nhanh lên, nhanh lên. Chế hét, tay quơ cây gậy thúc dục hai người lính đang vấp ngã trước mặt mình. Chế xốc tay một người và kéo chạy. Cánh quạt phi cơ tạo gió như cơn bão khiến cả hai thân thể yếu đuối quay một vòng rồi ngã xuống. Chế cố đứng dậy, kéo rồi đẩy người lính nhào vào cửa Trực thăng. Pháo 82 và đạn B40 nổ ầm ầm. Khói lửa tung lên mù mịt ngay bên cạnh. Chiếc trực thăng bốc lên. Tự nhiên Chế cảm thấy có một sức mạnh mà anh chưa từng có trong thân thể mình, anh nhảy lên, vươn hai tay chụp vội và nắm chặt càng trực thăng vừa lúc chiếc trực thăng bay là là về phía trước. Đạn VC bắn xối xả theo nghe veo veo. Chiếc nón sắt trên đầu Chế rơi xuống. Cả chiếc kính cận trên mắt cũng rơi theo Chế nhắm mắt. Đôi bốt dưới chân quệt mạnh cành lá khiến thân thể anh lại càng chao đảo. Chế nghiến chặt hàm răng, dồn hết sức lực vào đôi bàn tay đã xây xước bao ngày qua, bám cứng vào càng trực thăng. Chế cảm nhận có vị mặn trên môi mình từ khi chiếc kính rơi xuống. Không biết là máu, mồ hôi hay nước mắt. Đeo lơ lững dưới càng trực thăng như vậy cho đến khi trực thăng ra khỏi tầm đạn địch, bốn bàn tay đồng đội trên trực thăng mới kéo được Chế lên lòng phi cơ. 

- Thiếu tá ơi ! Bảy tiếng kêu của bảy người lính cùng bật ra một lúc. Người xạ thủ trực thăng thì khép nhẹ đôi mắt lại như cố khắc ghi hình ảnh hào hùng đầy xúc động trước mặt mình. 

- Chúc mừng Thiếu tá và anh em. Anh ta nói, giọng sung sướng. Hai sĩ quan Phi công ngồi phía trước cũng đưa tay ra dấu chào mừng.


Chế nhấc cánh tay mỏi mệt bắt tay người xạ thủ trực thăng. Cũng nhờ sự can đảm và tận tình của các anh. Chế muốn nói như vậy, nhưng âm thanh không thể thoát ra khỏi cổ họng đang khô đắng của anh. 

Khi Chế vừa bước vào phòng hội của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn tại căn cứ Long Bình vào buổi chiều ngày 24 tháng 4 thì Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ôm chầm lấy Chế. Qua phút xúc động mừng vui, Tư Lệnh bước đến mượn hai hoa mai trắng trên cổ áo một vị Trung Tá rồi gắn vào cổ áo Chế. 

- Anh xứng đáng được vinh thăng Trung Tá. Chế đứng nghiêm, đưa tay chào và nói: 

- Thưa Thiếu Tướng, tôi không xứng đáng nhận sự ân thưởng này. Giọng Chế cương quyết. Vị Tư Lệnh mở tròn đôi mắt nhìn người thuộc cấp Tiểu Đoàn Trưởng của mình. Qua phút ngạc nhiên, ông chợt hiểu. Ông gật đầu nhìn Chế. Chế thấy đôi mắt sáng đó cũng đang mờ dần đi như đôi mắt ứa lệ của mình.

- Anh em Binh sĩ Tiểu đoàn 2/43 bỏ tôi mà đi hết rồi thưa Thiếu Tướng, tôi còn vui vẻ nào mà... 

-Thôi, được rồi, tôi sẽ trình lại với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên sau.

Vị Tư Lệnh nói và đưa mắt nhìn người thuộc cấp đang đặt tấm thân mỏi mệt xuống chiếc ghế trong phòng hội. Chế ngồi bất động, hai tay ôm đầu. Anh cảm thấy hối hận vì câu nói nóng nảy oán trách Chỉ Huy trưởng Lữ Đoàn 1 Dù khi vừa bước chân vào phòng hội. Cấp chỉ huy tối cao của Quân Lực còn bỏ ra đi, quay mặt với thuộc cấp trong khi đang ở ngay tại Sài Gòn, trong bộ Tổng Tham Mưu an toàn thì việc Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù chậm ra lệnh cho TĐ 2/43 rút quân cũng không đến nỗi phải bị oán trách. Toàn thể Lữ đoàn 1 Dù đến chín, mười giờ đêm mới ra đến lộ sau khi đã đụng độ ác liệt với quân CS và bị thiệt hại khá nặng. Họ còn phải bảo vệ dân chúng đang kéo theo. Lữ Đoàn Trưởng có hàng trăm việc phải giải quyết, đối phó. Đêm đầu tiên nghỉ tại BTL Sư Đoàn, lòng Chế không yên. Ý nghĩ về vợ con gia đình chợt đến nhưng chỉ thoáng qua. Đầu óc anh đầy hình ảnh của đồng đội; người đã ngã xuống và người thất lạc. Trái tim anh từng hồi vang lên tiếng gọi của anh em. Gần như suốt đêm, Chế đứng nhìn hỏa châu trên vùng trời Long Thành, mong trời mau sáng với hy vọng sẽ có anh em binh sĩ thất lạc trở về. Quả nhiên, đúng như dự đoán và tin tưởng của Chế, những ngày kế tiếp, hơn một trăm anh em chiến sĩ Tiểu đoàn đã lần lược trở về với vũ khí đầy đủ. Họ là những người thất lạc hoặc tự phân tán thành từng toán nhỏ để dễ dàng thoát khỏi vòng vây của quân CS. Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Hữu Chế hết sức vui mừng. Con gà mẹ tuy còn đau buồn trông ngóng, nhưng lại cất tiếng kêu tục tục, quy tụ đàn con chung quanh mình. TĐ 2/43 lại tiếp tục tham dự những ngày sau cùng của cuộc chiến.Họ, người sống cũng như kẻ đã hy sinh, những hiệp sĩ đoạn hậu cho một cuộc lui quân đã đi vào chiến sử QLVNCH. Và Nguyễn Hữu Chế, người TĐT đã quên mất bản thân khi cố hết sức đẩy người thương binh thuộc cấp của mình lên phi cơ. Nhiều ngày, Chế không thể tin mình là người lính rút lui sau cùng khỏi Xuân Lộc dưới càng trực thăng giữa lằn đạn địch. Chế không tin vì không thể nghĩ là mình còn sống, đủ sức mà xoè đôi bàn tay yếu đuối rã rời để bám vào càng trực thăng khi chiếc phi cơ bốc lên.


Chế không tin, nhưng những người lính TĐ2/43 thì biết đó chính là sức mạnh từ trái tim và trí óc của vị TĐT của họ. Hình ảnh này thật quá bi hùng mà suốt đời, họ không thể nào quên.

 

NGUYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG *

(* là bút hiệu của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/43, SĐ18BB trong trận chiến Xuân Lộc, tháng Tư 1975. Anh và gia đình hiện cư ngụ tại Sacramento, California).

Một Chút Tâm Tình Với Pulau Bidong - Nguyễn Văn Tới

                 Bản đồ trại tỵ nạn Pulau Bidong, Malaysia              

         Cầu Jetty, cây cầu lịch sử của thuyền nhân Việt Nam tại Malaysia


Cái tên Pulau Bidong nghe rất đỗi thân thương và gần gũi với nhiều người vượt biển Việt Nam lánh nạn cộng sản từ sau năm 1975 và cũng là biểu tượng của ngưỡng cửa Tự Do mà nhiều người mơ ước.  Mảnh đất nhỏ bé này là một hải đảo, cách xa tiểu bang Terengganu của Malaysia khoảng một giờ đi thuyền. Nếu có cơ hội, những người thuyền nhân năm xưa nên trở lại, chỉ một lần thôi, thực hiện một cuộc hành hương trở về vùng đất Thánh. Dù không phải là một cựu thuyền nhân tạm dung nơi hải đảo hoang vu này, đôi chân lạ lẫm không quen của tôi đã đặt chân lên Pulau Bidong trong một chuyến du lịch ngẫu hứng, cho ký ức quãng đời tỵ nạn ngày xưa lần lượt trở về trong tôi.


Nhóm bạn 10 người gồm 5 đôi uyên ương từ 2 tiểu bang Arizona và Florida: vợ chồng Bình-Ngôn, Lý-Sinh, Nhờ-Liên, Thái-Quỳnh, và vợ chồng tôi là Tới-Hòa. Chúng tôi đã lên chương trình gần 1 năm trước cho một chuyến du lịch tự do, đi theo cảm hứng, theo túi tiền, và theo sức khỏe sắp về chiều của chúng tôi. Khi đến Singapore, chúng tôi nảy ra ý định sẽ ghé hòn đảo thiêng liêng, vùng đất “muôn đời không quên” trong tâm khảm của những con người Việt Nam ra đi tìm Tự Do vào những thập niên 70, 80, và 90.

Trong nhóm 10 người, chỉ có 3 người đã từng tạm cư trên đảo Pulau Bidong: vợ chồng Quỳnh-Thái, người nữa là bà xã tôi. Những người còn lại đều đã ở các trại tỵ nạn khác nhau trong vùng Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, hoặc Palawan, Philippines, ngoại trừ vợ chồng anh chị Bình-Ngôn đến Mỹ du học từ năm 1972. Khi tất cả chúng tôi vừa đặt chân lên hòn đảo, cái cảm giác một thời tỵ nạn năm xưa tràn về, chiếm ngập hồn chúng tôi, một cảm giác vui mừng xen lẫn một thoáng ngậm ngùi với cảnh vật tuy xa lạ mà dường như thân quen lắm.  

Chúng tôi đứng lặng nhìn rừng xanh lá phủ lên cảnh vật điêu tàn, lòng không khỏi ngậm ngùi, những nấm mộ phủ dầy cỏ dại, giây leo đan gần kín những cái tên họ Việt Nam khắc vụng về trên các bia mộ. Đó là những mảnh đời tan vỡ, những hy vọng chưa kịp nở hoa đã lụi tàn giữa biển cả mênh mông. Quang cảnh vắng lặng tiêu điều, gió biển rì rào len lỏi qua khu rừng xanh lá, cứ ngỡ các linh hồn đang trở về trong gió khiến tâm hồn chúng tôi xôn xao một cảm giác bâng khuâng lạ kỳ.

Ký ức của một thời tỵ nạn ùa về, không ai bảo ai, chúng tôi cúi đầu bồi hồi, để tâm hồn hoang mang đi ngược về quá khứ, từng hình ảnh những tang thương, xơ xác, những mất mát, những xác thân hao gầy, mòn mỏi ngày mới đến. Người xa lạ, kẻ thân quen, tất cả chúng tôi chợt xúc động mãnh liệt như hòa vào với vẻ tiêu điều trước mặt, chúng tôi thật sự cảm nhận được hồn dân tộc Việt Nam như vẫn còn hiện diện quanh đây.


Theo chương trình, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là quốc đảo Singapore. Chúng tôi ghé thăm hòn đảo này 3 ngày và từ đây chúng tôi sẽ bay qua Terengganu đi thăm trại tỵ nạn của người Việt Nam trên đảo Pulau Bidong thuộc Malaysia vì Singapore trước đây là một phần đất tách rời của Malaysia trước khi trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay.

Xin được ghi thêm vài dòng về đảo quốc Singapore đặc biệt này một chút vì giữa “Nó” và tôi có một mối ân oán giang hồ: tôi không ưa Nó, thậm chí còn ghét Nó. Tháng 3, 1989, khi tàu Na-Uy cứu vớt và đưa chúng tôi cặp hải cảng chính của Singapore; cảnh sát biên phòng, súng lăm lăm, canh chừng không cho chúng tôi bước lên đất của họ trong lúc vị thuyền trưởng Na-Uy đang thương thuyết với chính phủ Singapore xin cho chúng tôi được lên bờ.

Cảm giác của những người không còn chốn dung thân, kiệt sức, bơ vơ, hoang mang, không còn tổ quốc như chúng tôi lúc này đau đớn lắm; cái biên giới mong manh giữa Tự Do và Vô Định chỉ vài bước chân mà không thể nào vượt qua. Sau một ngày chờ đợi trong lo âu, khi chiều xuống, chúng tôi đứng trên boong tàu, nhìn xuống bên dưới, dòng người và xe cộ qua lại thản nhiên, không ai biết có một nhóm người Việt Nam không còn tổ quốc để mà về, những người đang khát Tự Do còn hơn đoàn lữ hành trong sa mạc mong được tới ốc đảo có dòng nước mát trong xanh.

Cuộc nói chuyện thất bại. Cuối cùng, vị thuyền trưởng chỉ xin tạm thời gởi chúng lên đất Singapore một thời gian ngắn, sau khi chở bột mì đến Saudi Arabia, ông sẽ quay lại đón chúng tôi và đưa về Na-Uy. Ông trấn an chính phủ Singapore rằng ông chắc chắn thuyết phục được chính phủ nước ông nhận cho chúng tôi vào định cư ở quê hương Bắc Âu của ông. Chính phủ Singapore một mực lắc đầu và ra lệnh con tàu phải rời đất nước họ ngay trong đêm nay.

Ngay đêm hôm đó, con tàu chở hàng khổng lồ phải quay ra hướng biển. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau tuyệt vọng, mọi ánh mắt đều nhìn về phía mênh mông của bóng đêm trước mặt, những con người vô tổ quốc đang lặng chìm trong suy tư không biết ngày mai sẽ ra sao, hay số phận của mình cũng tăm tối như bóng đêm phía trước. Riêng tôi, tôi biết tôi không có đường về.


Sau này khi đến Mỹ, tôi đã nhủ lòng sẽ không bao giờ trở lại Singapore dưới bất cứ hình thức nào. Hôm nay, bạn bè rủ chúng tôi vác ba lô làm một chuyến du hành 30 ngày đi các nước ở Châu Á, bắt đầu bằng Singapore, tôi ngần ngừ, nhưng rồi cũng gật đầu. Sau 35 năm, tôi học được cách cởi bỏ những ràng buộc không cần thiết, và quan trọng nhất tôi học được cách làm hòa với mọi người xung quanh, làm hòa với chính mình và làm hòa với “Nó”, với Singapore. Tình yêu dù mặn nồng đến mấy cũng sẽ phôi pha theo năm tháng, huống chi một chút ân oán này.

Ba ngày trước khi nhập cảnh SGN, chúng tôi phải điền một vài thông tin cá nhân trên mạng trong mẫu đơn SAC, Singapore Arrival Card, để khi qua Hải Quan sẽ được lẹ làng hơn. Chúng tôi ở khách sạn Furuma Riverfront 3 ngày, gần khu trung tâm, tiện cho việc đi metro và đi bộ đến những địa điểm nổi tiếng như: Gardens By The Bay, Flower Dome & Cloud Forest Closures, Super Tree Grove …

Điều khiến tôi có ấn tượng tốt là hệ thống tàu điện Metro rất dễ dàng cho du khách và đường xá sạch sẽ; chỉ có cái nóng và ẩm tháng 5 ở đảo quốc này thật là đáng sợ. Chúng tôi ai nấy lưng áo ướt sũng mồ hôi mà chân vẫn phải rảo bước thật nhanh. Từ phi trường Changi, chúng tôi đổi ít tiền và mua thẻ tàu điện để về khách sạn, vừa rẻ lại vừa nhanh so với đi taxi.

Đảo quốc Singapore nói chung là một nơi rất đáng để đến thăm và quan sát, học hỏi nét văn hóa của họ tuy cuộc sống vật chất rất đắt đỏ. Phòng khách sạn nhỏ xíu, chật chội, tạm được, giá $120/đêm, bù lại đất nước này có nền ẩm thực đa dạng, ngon miệng mà giá cả phải chăng.  

Rồi chúng tôi rời Singapore, bay thẳng đến tiểu bang Terengganu, Malaysia và ở lại trong một HomeStay ngay khu thị tứ đông người. Vì đã hẹn trước, Hisham ra đón chúng tôi ở phi trường, bằng chiếc Van 10 chỗ và chở chúng tôi đến thẳng nơi cư ngụ. Anh hướng dẫn viên du lịch này có cái tên thật dài là Badrol Hisham Bin Zaki, anh xin chúng tôi gọi anh là Hisham.

Sáng hôm sau, anh trở lại đón chúng tôi ra bến tàu. Một chiếc tàu sắt nhỏ với 2 thủy động cơ Yamaha 400 mã lực sẵn sàng đưa chúng tôi và 3 thủy thủ đoàn trực chỉ đảo Pulau Bidong. Con tàu cỡi sóng như bay, tốc độ trên dưới 40 hải lý một giờ, nước biển rẽ nhanh hai bên mạn tàu, tung bọt trắng xóa phía sau; tâm hồn mọi người phơi phới, reo vui theo bọt biển tan trên sóng nước cuồn cuộn phía đằng sau lái. Gió biển mát rượi pha chút vị mặn của biển khiến ai nấy hít căng buồng phổi, tận hưởng không khí trong lành của buổi ban mai trên sóng nước Thái Bình Dương.

Từ xa chúng tôi đã nhận ra cầu Jetty lịch sử, cây cầu đã đi vào tâm khảm của mỗi một thuyền nhân từng đặt chân đến Pulau Bidong. Cây cầu đã chứng kiến biết bao cuộc trùng phùng lẫn biệt ly của nhiều lớp người tỵ nạn đến rồi đi.

  Bảo tàng lịch sử thuyền nhân Việt Nam, VBP, tại tiểu bang Terengganu, Malaysia.


Cầu Jetty giờ được lợp mái ngói đỏ, khác với ngày xưa, tuy không còn nhiều người đến và đi nhưng nhìn chung cũng không đến nỗi điêu tàn. Bảo tàng viện tiểu bang Terengganu là cơ quan được chính phủ Malaysia giao cho nhiệm vụ coi sóc và bảo tồn những di tích còn sót lại như một chứng tích lịch sử của Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam đã từng có mặt và sinh sống ở nơi đây.

Hisham là nhân viên của chính phủ tiểu bang và là Manager của bảo tàng viện tại Terengganu. Nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch. Anh có 6 đứa con mà 5 đứa là con nuôi do anh xin về từ viện mồ côi. Anh đã đưa chúng tôi đến nơi anh làm việc để nhìn tận mắt, rờ tận tay những cổ vật ngày xưa của người Việt tỵ nạn. Vật đầu tiên tôi chú ý là cái hải bàn (compass), giống y chang cái ngày trước chúng tôi đã xài khi vượt biển. Còn có một cái lu sành và hai cái tĩn nước mắm rất đặc trưng của người miền Tây trên ghe đi biển và những vật dụng thường ngày trên ghe, đặc biệt là tấm bản đồ của trại Pulau Bidong.

Chúng tôi nhìn bản đồ cũ của trại tỵ nạn, lần theo dấu tích những tượng đài ngày xưa, mang đậm dấu ấn hoang phế, điêu tàn của thời gian. Đặc biệt những dòng chữ Việt được khắc trên các tấm bia, những tảng đá, những tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Thượng Đế, Trời Phật vẫn còn rõ nét dù thời gian, dù cây lá, giây leo phũ phàng che lối.

Vén cành lá lòa xòa qua một bên, chúng tôi vẫn đọc được những nét chữ tuy phai mờ, và cảm nhận được cái hồn Việt Nam đang còn ở nơi đây. Những dòng chữ Việt trên bia đá, vẫn thi gan cùng mưa nắng, vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử trên hải đảo hoang vu! Những tâm tình từ lâu không còn nhớ, nay trở về, làm rung lên những cung bậc tận đáy lòng chôn kín, làm xôn xao tâm tư của những đứa con lưu lạc chưa về.

Đây là nền cũ của ngôi thánh đường Công Giáo, kia tượng Phật Bà đứng im mang một vẻ kiên nhẫn, chịu đựng giữa trời nắng gió xen lẫn thiếng tiếng xào xạc cây lá. Xa một chút là tấm bia của Cao Đài Giáo. Những bậc xi măng đi lên đồi Tôn Giáo, giờ đây một lớp lá khô và dày phủ lên, ẩm ướt, rong rêu, trơn trợt, thoang thoảng và ngai ngái mùi lá mục.

Bà xã tôi, vốn chẳng biết ăn nói, hôm nay cũng mừng vui quá, luôn tay chỉ trỏ những địa điểm quen thuộc giờ đây những cây rừng đã mọc che kín lối. Người xúc động nhất là cặp vợ chồng Thái-Quỳnh. Họ quen nhau và yêu nhau trên mảnh đất này. Tình yêu nảy mầm nơi mảnh đất tạm dung, để rồi 44 năm sau, họ trở lại và trao nhau một nụ hôn nồng nàn trước sự chứng kiến và chúc mừng của cả nhóm chúng tôi.

Anh Lý dùng những cành cây thay chổi để quét lá khô, vun vén cỏ dại trên nền cũ gian cung thánh của ngôi nhà thờ nhỏ cho dễ coi hơn, anh đang tìm lại hình ảnh những buổi cầu kinh, những thánh lễ đơn sơ đã từng hiện hữu ngay trên nền xi măng nứt nẻ này. Chúng tôi ai nấy thì thầm cầu nguyện riêng, bên cạnh những ngôi mộ nằm rải rác đây đó trên con dốc thoai thoải phủ kín màu xanh. Trên đồi Tôn Giáo nhìn xuống là một bãi cát trắng nhỏ tuyệt đẹp, sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi lần theo triền dốc đi bộ xuống và ngâm mình vào giòng nước mát gột rửa sạch sẽ bụi trần của một ngày mang theo.


Thủy thủ đoàn mời chúng tôi lên ăn trưa do chính họ nấu nướng còn nóng hổi. Một bữa ăn thật ngon miệng với cá chiên dòn rụm và rau tươi họ mang theo. Anh Hisham giải thích cho chúng tôi nghe những cố gắng mà chính phủ Malaysia đã làm để giữ gìn, bảo tồn nơi chốn lịch sử này dù chính phủ cộng sản đương thời ở Việt Nam đã gởi công văn yêu cầu Malaysia xóa bỏ những di tích ở đây vì nó như một cái gai trong mắt họ. Ngày nào di tích này còn đứng vững thì nó vẫn là một minh chứng sống động cho tất cả đất nước trên thế giới thấy rõ sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản như thế nào.

Anh cho hay đã có một nhóm người không biết do ai tổ chức đã lên đảo Pulau Bidong và đập phá các tượng Phật, tượng Đức Mẹ, và phá hủy những tấm bia tưởng niệm hòng xóa hết các dấu tích của người Việt Nam tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tại Úc đã quyên góp và xin phép chính phủ Malaysia cho phép sửa chữa lại nhưng họ chỉ cho phép ở lại trong ngày nên không có đủ thời gian để tu sửa.

Anh Hisham và các cộng sự ở địa phương đã cố tình lờ đi lệnh trên, cho nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại Úc lưu lại lâu hơn để họ có đủ thời gian hoàn thành công trình; họ hiểu rằng Pulau Bidong ở cách xa chính phủ trung ương, nên Kuala Lumpur không thể nào biết được chuyện gì xảy ra nơi đây. Vì vậy, ngày hôm nay chúng tôi đến, các bức tượng mới còn đủ tay chân nguyên vẹn như ngày xưa. Chúng tôi rất biết ơn anh nên giúp anh bằng cách “tip” anh và thủy thủ đoàn hậu hĩ và mua áo T-shirt in hình trại tỵ nạn theo giá ủng hộ để anh có thêm động lực lưu giữ di sản tỵ nạn Việt Nam.

Chiều hôm đó, chúng tôi lên thuyền trở về lại Terengganu. Gió thổi mạnh, biển động, sóng to, tuy trời không mưa nhưng sóng đập dữ dội vào mạn thuyền, nước bắn lên tung tóe như mưa bão. Con thuyền lắc lư và chòng chành mạnh, sàng qua sàng lại trên những đợt sóng bạc đầu. Anh Bình không quen, nên cho … cá ăn chè, tất cả chúng tôi ướt như chuột lột, ba lô sũng nước, ai nấy mệt đừ vì sóng và lạnh run vì nước và gió.

Hisham cho hay gió và sóng thường rất mạnh vào ban chiều, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng tốc độ để về lại Terengganu cho kịp, e rằng bão lớn sẽ ập đến đột ngột. Một ngày mệt nhoài pha lẫn hiểm nguy nhưng thật ý nghĩa khiến chúng tôi không ai thấy hối tiếc khi đặt chân thăm lại vùng đất lịch sử và thần thánh Pulau Bidong.


Sau một đêm nghỉ ngơi, Hisham trở lại đón chúng tôi đi thăm bảo tàng viện Thuyền Nhân Việt Nam gần trung tâm thành phố. Sau đó, anh đưa chúng tôi đến viếng nghĩa trang Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam ở vùng ngoại ô, nơi những ngôi mộ tập thể của hàng trăm thuyền nhân xấu số được chôn cất tại đây: có người cặp bến nhưng bị chết vì ngộ độc khi ăn thịt rắn, có người chưa đặt chân lên miền đất tự do, thuyền bị dắm chìm, cả xác người và xác con tàu trôi dạt vào bờ, dân địa phương vớt được, đem an táng tử tế chung trong một huyệt mộ và khắc tên của họ lên bia đá, tùy theo giấy tờ tùy thân đem theo.

Chiếc xe van dừng lại ở một khu dân cư thưa thớt, nghèo nàn ở vùng ngoại ô Terengganu. Buổi trưa lặng gió, cảnh vật im lìm lắng đọng trong không khí oi nồng mùa hạ. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi lần lượt đi qua các nấm mồ tập thể và dừng lại nơi mỗi một ngôi mộ với một phút thinh lặng tưởng nhớ đến tất cả linh hồn, những số phận hẩm hiu đã bỏ mình trên đường đi tìm ước mơ và hai chữ Tự Do. Cố ngăn dòng nước mắt rưng rưng trên mi đang chực trào ra, chúng tôi đè nén nỗi xúc động sâu xa, góp một lời kinh cầu cho các linh hồn của đồng bào tôi.


Xin ghi lại những hình ảnh và những gì được khắc trên những tấm bia mộ có tên và những tấm bia mộ vô danh để quý vị có thể truy tìm thân nhân của mình đã bỏ mình trên đường vượt biển. Ví dụ: MG1 = Mass Grave 1, mồ tập thể, kèm theo hình những tấm bia mộ sau đây:

-        MG1: 137 Thuyền Nhân vô danh.

-        MG2: 19 TN chết vì ngộ độc vì ăn cháo rắn năm 1977.

-        MG3: 39 TN vô danh chết đuối ngoài khơi gần Batu Rakit + hơn 30 TN không tìm được xác.

-        MG4: 53 TN vô danh gần cửa biển Kuala Terengganu ngày 23/11/1978.

-        MG5: Nhiều TN vô danh (Numerous VBP) + 3 TN có tên ở Rantau Abang ngày 30/4/1979, số tàu MH3012.

-        MG6: 33 TN vô danh ở Seberang Takir, ngày 13/1/1987, số tàu: SS04281A.+ 5 TN có tên.

-        MG7: Nhiều TN vô danh gần Merchang.

Còn hàng trăm ngôi mộ vô danh được quét vôi trắng nằm rải rác trong một khu dành riêng cho các Thuyền Nhân Việt Nam. Đây chỉ là những thân xác Thuyền Nhân người Việt mà ngư dân Malaysia vớt được, còn hằng mấy trăm ngàn thân xác con dân Việt Nam khác nằm lại ngoài khơi sâu thẵm của Thái Bình Dương, theo ước tính của cao ủy tỵ nạn Liên Hợp Quốc. Thật là một bi kịch có một không hai trong lịch sử loài người và lịch sử tỵ nạn thế giới. Cho đến bây giờ, nhân loại vẫn còn nhắc hai chữ Boat People khi nói về những người tỵ nạn Việt Nam.

Sự im lặng của những ngôi mộ vô danh này là tiếng thét đau đớn về một phần lịch sử đầy bi thảm, nơi con người đã dũng cảm đối mặt với biển cả để tìm kiếm Tự Do, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng vĩnh hằng. Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện chưa kể, một nỗi niềm chưa nói, một tiếng lòng bi ai trong trang sử Việt nam.

Mặc cho sự im lặng của biển khơi, dân tôi thời gian đó, từng đoàn người, lũ lượt bỏ nước ra đi tìm kiếm ước mơ được sống như một con người, họ không còn biết sợ, họ đã gởi lại thân xác vào lòng biển sâu, người vĩnh viễn nằm lại giữa đường, người vừa đặt chân lên ngưỡng cửa Tự Do thì lại nằm xuống vì lý do này khác. Đã có lúc, cái đáng sợ hơn nữa là sự im lặng của loài người đã cạn kiệt lòng nhân đạo, để mặc những con tàu gỗ mong manh chìm vào đại dương sâu thẵm; cũng như lúc này, chết chóc, đói khát, bệnh tật đang diễn ra ở Ukraine và ở vùng đất Palestine-Do Thái.

Câu chuyện Pulau Bidong không những cần được nhắc lại cho thế hệ con cháu chúng ta như một trang sử truyền miệng, mà còn là những chứng tích được ghi lại để thế hệ sau còn biết cha mẹ chúng đã bỏ nước ra đi tìm cái sống trong cái chết, để đến được ngưỡng cửa Tự Do, đã sống gian khổ ra sao trước khi đặt chân đến nước Mỹ chỉ với hành trang là một trời hy vọng về viễn ảnh tương lai. Chúng tôi đã sai lầm khi chưa bao giờ nói cho con cái nghe về cuộc hành trình của mình. Thằng con trai khi coi hình chúng tôi gởi đã phải thốt lên

-        Con không hề biết mẹ đã phải sống ở đó 2 năm, trên một hòn đảo rừng rậm hoang vu. Làm cách nào mẹ sống được khi không có việc làm? Cao ủy tỵ nạn lấy tiền đâu mà nuôi cả mấy chục ngàn người như vậy?

Nó đặt ra cả chục câu hỏi với một sự quan tâm đặc biệt. Tôi phải mất thời gian giải thích cho nó hiểu, không quên nhấn mạnh rằng ba má có được cuộc sống ngày hôm nay trên đất Mỹ, ba má vẫn không quên ơn những người đã đưa bàn tay ra giúp mình thông qua Cao Ủy Tỵ Nạn. Vì vậy, đến phiên mình, ba má mỗi năm đều có nghĩa vụ đóng góp để giúp lại những người không may mắn, những nạn nhân chiến tranh, những người liều chết đi tìm tự do như mình ngày xưa. Nếu không được nhắc nhở, những hy sinh của thế hệ đi trước sẽ dần mất đi ý nghĩa của hai chữ Tự Do và nó sẽ chìm vào quên lãng dưới bánh xe lịch sử.

Chúng tôi nhắc nhở câu chuyện Pulau Bidong, không phải để giữ mãi sự thù hằn với những kẻ bên kia chiến tuyến, khác chính kiến với chúng tôi, dù họ là kẻ bị bịt mắt, bị nhồi sọ, gây ra thảm cảnh nồi da nấu thịt, anh em tận diệt lẫn nhau; chúng tôi chỉ muốn lưu giữ những chứng tích lịch sử để con cháu các thế hệ tương lai của chúng ta biết và hiểu được tại sao chúng ta có mặt ở vùng đất Tự Do. Lịch sử luôn luôn lập lại, lịch sử là tấm gương soi để con cháu chúng ta không bao giờ còn dẵm đạp lần nữa lên dấu tích oan khiên của những thế hệ đi trước.


Xin tạm biệt Pulau Bidong, tạm biệt những nấm mồ ở lại, chúng tôi trở về nhà nhưng sẽ không bao giờ quên các bạn. Chúng tôi tin rằng linh hồn các bạn giờ này đã siêu thoát, đang thanh thản trong cõi vĩnh hằng, không còn biết thù hận hay đau thương; nhưng trong tâm khảm những Thuyền Nhân Việt Nam, VBP, cũng như những người chưa biết cuộc đời tỵ nạn, chúng tôi là những người con nước Việt, luôn ghi khắc trong lòng bài học lịch sử Pulau Bidong.

 

NGUYỄN VĂN TỚI. THÁNG 6, 2024. 

 

Phần phụ thêm:

Ai đã một thời tỵ nạn ở Pulau Bidong, có thể gởi email cho Hisham, với tên họ, ngày sinh và ngày đến trại, anh sẽ lục trong thư khố thuyền nhân và anh sẽ gởi tặng 1 tấm thẻ tỵ nạn đúng theo bản gốc ở Pulau Bidong để bạn lưu giữ một kỷ niệm đau thương thời vượt biển và cũng là một căn cước của người tỵ nạn chính trị Việt Nam.

Kèm hình ảnh các ngôi mộ ở Pulau Bidong và các ngôi mộ tập thể chụp tại nghĩa trang Terengganu, Malaysia.

 Nghĩa trang và bia lưu niệm trên đảo Pulau Bidong.

Hằng trăm ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam vô danh ở Terengganu










Số Phận Nào Cho Kẻ Thua Trận...? - Lê Thị Xuân

 

Tối ngày 28.6.1975 tôi bị di chuyển cùng chung với chồng từ Trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng tại Sài Gòn đến Trại Suối Máu; được khoảng 1 tuần lại bị chuyển đến trại Thành Ông Năm, Hóc Môn do đoàn 500 cộng sản Bắc Việt quản lý. Trại chia làm hai khu: Nữ Sĩ Quan (SQ) Quân đội, và Nữ SQ/ CSQG. Chúng tôi bị chia thành từng B và phải chen chúc lẫn nhau trong một diện tích chỉ đủ để nằm nghiêng.

Lúc nầy tôi mang thai cháu đầu lòng gần 7 tháng. Đây là thời gian thai nhi phát triển, nên thai phụ cần được nghỉ ngơi, thoải mái, tránh bị những áp lực và thai phụ cần phải được thực phẩm dinh duỡng vừa tinh khiết vừa đầy đủ. Nhưng với tôi thì hoàn toàn trái ngược. Ngoài môi truờng sống quá thiếu vệ sinh, lại phải ngồi nghe học tập, thảo luận, đấu tố.


Thể chất mệt mỏi, tâm trí lúc nào cũng lo sợ cho bản thân, cho gia đình, và cho chồng. Thai nhi càng lúc càng phát triển nên tôi thèm ăn lắm, nhưng bụng thì lúc nào cũng đói, dinh dưỡng chẳng có, áp lực càng lúc càng nặng và rồi hai chân tôi bị quỵ, chỗ kín bị ra máu, không được chữa trị hoặc thuốc men. Tôi đuối sức! Trước tình trạng sức khỏe tồi tệ và mạng sống của tôi bị đe dọa, ngày 12.8.1975 cộng sản (CS) thả tôi về với lý do: “tạm hoãn quản huấn vì sắp đẻ” (nguyên văn).

Về đến nhà thì ba mẹ và các em nhỏ của tôi đã bị lùa ra khỏi Sài gòn theo chương trình gọi là hồi hương lập nghiệp tại Sa-Đéc. Sức khỏe quá yếu, không đi được tôi đành ở lại căn nhà cũ (bấy giờ thì gia đình thím tôi đang ở). Đến đầu tháng 9.75 đau chuyển bụng, tôi đến bảo sanh viện Từ Dũ . Sau khi sinh cháu bé, tôi mệt lắm, nhưng gắng gượng xem mặt cháu, biết cháu là gái, thấy khuôn mặt con hao hao giống bố, lòng mình dâng nỗi nhớ chồng và dào dạt thương con, tôi ôm con vào lòng và ngất đi vì bị băng huyết. Tỉnh dậy tôi trở về tâm trạng cũ. May mắn cho tôi là CS chưa kịp đưa người của chúng vào nên nhân viên và bác sĩ cũ vẫn còn tấm lòng nhân ái và phong cách Miền Nam và nhờ đó tôi thoát khỏi luỡi hái tử thần. Vì lý lịch, nên tôi bị tống ra khỏi bịnh viện sau 4 ngày mặc dầu tôi còn yếu và cháu bé gầy guộc chỉ được 2kg. Tôi lại phải bế cháu tìm đường về Sa Đéc. 

Khi chiếc tàu đò đậu trước cửa nhà, lòng tôi càng thêm não nề. Đây là khu hoang địa, xưa kia là khu oanh kích tự do và không có dân cư, vì thế vùng nầy có rất nhiều hố bom. Thấy gia đình lam lũ, tôi vô cùng xót xa, vì vậy tôi ráng sức phụ giúp gia đình và tôi lại thêm lần nữa ngã quỵ. Đúng vào thời gian nầy, khi cháu được hơn một tháng thì mẹ con tôi bị bắt trở lại trại giam. 

Sáng hôm ấy, đang cho con bú, tôi nghe tiếng ghe máy và tiếng người, rồi tiếng chân dồn dập nhảy lên bờ, chạy về phía nhà tôi. Sống trong vùng cộng sản kiểm soát tâm trạng tôi luôn luôn hồi hộp lo sợ… 

Đang còn hoang mang thì tôi đã thấy họ bao quanh nhà tôi, những mũi súng chĩa thẳng vào mẹ con tôi. Tôi nghe đạn lên nòng và tiếng ra lịnh của tên chỉ huy:

– Các đồng chí vào vị trí sẵn sàng tác chiến. 

Sau đó tiếng quát ra lịnh: 

– Chị Lê Thị Xuân, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, không được chống đối, chấp hành lệnh quản chế, thì sẽ được cách mạng khoan hồng!

Tiếp theo là hai tên có võ trang tiến sát vào giường mẹ con tôi. Tôi biết là tôi đã bị bắt. Tôi không sợ, nhưng tôi thương con quá, phần không muốn phải xa con, phần sợ con phải chịu cảnh lao tù. Tôi thật sự lúng túng vì cả nhà tôi đang làm ngoài ruộng. Tôi ngỏ ý chờ người nhà tôi về… Nhưng chúng nhất định không cho. Bị thúc hối quá cấp bách; tôi chỉ viết vội là đã bị bắt lại cho gia đình biết, rồi gom nhanh ít tả lót, ít quần áo, vật dụng cho hai mẹ con và theo chúng xuống xuồng máy giữa hai hàng súng “dàn chào bảo vệ” của chúng.


Sau nầy tôi biết tên hung tợn chỉ huy cuộc vây bắt hai mẹ con tôi tên là Hiếu. Tôi đã có lần gặp hắn tại Sài Gòn trong nhà người cùng quê với mẹ tôi. Người nầy được người che chở cho hắn trốn quân dịch, lúc ấy hắn làm phụ thợ hồ. Trước ngày tôi định cư tại Mỹ thì hắn là Phó chủ tịch Nông nghiệp huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp và dĩ nhiên là rất hống hách, ngang tàng và giàu có.

Bọn chúng chở hai mẹ con tôi về trại giam Đám Lát thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Trại giam nằm trên gò đất, chung quanh có nhiều hàng rào dây kẽm gai bao bọc, chúng cẩn thận gài mìn và chất nổ đề phòng sự trốn trại của tù. Trại nầy giam đủ thứ thành phần từ SQ chế độ cũ, tôn giáo, đảng phái chính trị… đến thường phạm. Vì có con nhỏ nên chúng cho mẹ con tôi ở riêng một góc xó nhà bếp. Vách nhà làm bằng đất sình trộn với trấu, nên hôi hám và nhiều bụi dơ; gió mang theo hơi nóng làm rát da. 

Tôi mượn nhà bếp hai tấm bao bố gạo làm chiếu và mền đắp cho con, còn mình thì nằm hẳn trên đất. Mỗi buổi chiều mẹ con tôi được nữ quản giáo dẫn xuống một cái đìa nhỏ để tắm giặt. Vì cái đìa nhỏ nầy khi nước triều cường mới có chút ít nước từ sông cái tràn vào, do vậy mà những chất dơ bẩn không kịp thoát ra, vì thế nước có màu đen của dơ, màu váng của phèn; mùi hôi thối luôn luôn phảng phất, đó cũng là mầm mống bịnh hoạn.

Thức ăn không đủ nuôi cơ thể thì làm sao có sữa để nuôi con! Vì thế, các bạn tù đồng ý cho tôi mỗi ngày được lưng chén nước cơm có lẫn dăm hạt gạo đang sôi để phụ cùng với dòng sữa hiếm hoi nuôi con. Phải sống trong hoàn cảnh tù đày dưới chế độ cộng sản mới hiểu thế nào là đói, mới hiểu giá trị miếng ăn và mới hiểu đó là sự hy sinh, là tấm lòng nhân ái mà Xã hội Quốc Gia đã giáo dục cho họ. Tôi biết ơn các bạn tù, cơn đói không lúc ngưng dày vò, trí óc chỉ ước mơ đến chuyện ăn, như mơ được một chén cơm lưng, thẻ đường, hột muối, giọt mỡ. Ôi miếng ăn sao “vĩ đại” đến thế!

Ngoài cái đói triền miên hành hạ, tôi lại phải đối phó với muỗi. Khi bóng đen tràn tới cũng là lúc từng đàn muỗi xuất hiện. Chiếc mùng cũ lúc mang theo, bây giờ cũng rách mục như số phận làm người trong xã hội “thiên đường” cộng sản.

Tôi ngậm ngùi thương con, tôi lo cho sự an nguy của chồng, tôi lo cuộc sống lao đao vất vả của gia đình, thấy nhớ ba mẹ và các em thơ dại của tôi, tôi tội nghiệp cho bà mẹ chồng hiền lành và nỗi bất hạnh triền miên đè lên số phận bà. Dường như giọt lệ lúc nào cũng lưng lưng trong khóe mắt, thế nhưng miệng tôi thì lúc nào cũng phải nói những điều trái ngược. Tôi cảm thấy danh dự bị xúc phạm.


Do thiếu thốn vật chất, tinh thần hoang mang lo sợ cho tương lai mờ mịt tối tăm, và thương nhớ người thân – tôi mõi mòn và dần dần kiệt sức, con tôi thì còm cõi, yếu ốm và những bệnh do thiếu dinh dưỡng, do môi trường dơ bẩn cùng một lúc “hiệp đồng” tấn công trên cơ thể èo uột của tôi và của cháu. Lúc nầy thì con tôi tóc bết dính và lầy lụa mủ máu vì bị sài lở, toàn thân cháu nổi lên những mụn nhọt nhỏ li ti như muỗi đốt, móng tay như bị long và sứt rớt ra. 

Tôi lo quá, có lần tôi đành gạt nước mắt chịu nhục, hạ mình xin thuốc cho cháu; nhưng bọn người lòng thú ấy dửng dưng, lạnh lùng và dường như trong ánh mắt chúng có đôi chút hả hê của lòng thù hận. Ôi đồng bào tôi đấy, ôi phẩm cách và lòng khoan hồng “cách mạng!” Sự tàn nhẫn kinh khiếp ấy của giống “người” cộng sản làm ý chí tôi bỗng dưng phát triển mãnh liệt. Tôi hối hận về sự cầu cứu ấy và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ cầu xin chúng, tôi dấu nỗi uất hận, không để lộ niềm đau. Dù chưa biết phải làm gì, nhưng tôi thấy tinh thần của lý sinh tồn và lòng tự trọng trong tôi vững vàng lắm!


Sắp đến ngày 2 tháng 9, ngày “quốc khánh” của chúng, một phái đoàn không biết từ đâu và cấp nào đến thanh tra. Một người trong bọn họ thoáng dừng lại trước mẹ con tôi, chúng phải bịt mũi vì mùi hôi từ chúng tôi. Có lẽ nhờ thế mà hôm sau, ngày 30.8.1976 mẹ con tôi được chúng thả ra về với ba năm quản chế. 

Về đến nhà, toàn cả gia đình tôi sống héo hắt, cùng cực vất vả, thiếu thốn, tôi đã hiểu tại sao gần năm qua tôi không có thư từ tin tức gia đình và tôi lại khóc, lòng tự trọng thúc đẩy tôi lao hết sức mình cho gia đình, cho đứa con muôn ngàn yêu dấu. Cậu em trai kế tôi, có gia đình, còn ở Sài Gòn cho tôi hay rằng người mẹ chồng hiền lành của tôi đã chết! Tôi thương và mừng cho bà đã thoát được cái thiên đường man rợ của lũ “vượn người cộng sản”. Tôi nguyện cầu cho bà sớm được về cõi Phật như lòng bà hằng mong ước. Tôi xót xa cho chồng và mẹ chồng trong cuộc chia tay vĩnh viễn không được gặp nhau, không được có mảnh khăn trắng ghi nhớ công ơn của mẹ hiền, không được cầm tay đứa con trai út mà bà nuôi nhiều kỳ vọng. Bỗng dưng tôi thở dài ngao ngán cho kiếp nhân sinh trong chế độ cộng sản.


Gần sáu năm sau kể từ ngày tôi được thả ra lần thứ hai thì chồng tôi mới được thả về. Giây phút đầu tiên gặp lại nhau, tôi quá đỗi bất ngờ và cũng quá xúc động. Toàn thân tôi điếng lặng. Tôi không nhúc nhích, cử động gì được, nhưng giọt lệ cứ trào ra, lăn dài xuống đôi gò má thanh xuân nhưng đã sớm tàn phai vì thống thiết đau buồn, thương nhớ.

Nhìn cảnh nhà sa sút nghèo khổ và cũng vì có lần quá cơ cực tôi có ý định cùng với chồng con quyên sinh, nên ngay hôm sau ngày sum vầy chồng tôi bắt tay ngay vào cuộc sinh tồn. Dù cường quyền địa phuơng ngăn cản, luôn tìm cách tạo bất an, gây phiền nhiễu, khó khăn, anh vẫn quyết chí phấn đấu từ làm thuê, vác mướn, bán dạo… gia đình tôi lần hồi bước dần ra cảnh bần hàn. Nhưng tai họa lại ập đến! Bởi lao nhọc, thiếu thốn và di hại trong lao tù, chồng tôi ngã bịnh nặng. Bác sĩ cho biết một lá phổi anh bị khô nước, màng phổi bị dày dính nên kéo và làm trái tim bị lệch và thòng xuống, có dấu hiệu bị sạn thận, xơ gan. Bao nhiêu tiền bạc do công lao và tiện tặn dành dụm được đành phải bỏ hết ra để giành mạng sống của anh. Khi đồng bạc cuối cùng ra đi thì may thay, tôi gặp được người chị cả của chồng tôi, hai chị em thất lạc từ thuở anh chưa chào đời. Nhờ chị, chúng tôi thoát nạn. Cũng kể từ đó, đời sống tinh thần và vật chất của chúng tôi được an ủi, khuyến khích và nâng đỡ. Chị trở thành người mẹ thứ hai của chồng tôi.


Bây giờ nhớ lại và kinh rợn chuỗi ngày sống dưới ách bạo tàn khắc nghiệt cộng sản, lòng bùi ngùi thương cảm cho những người còn trong nanh vuốt man rợ cộng sản. Xin thành kính nghiêng mình trước những bậc anh hùng đã ngã xuống vì muốn cứu nỗi bất hạnh của quê hương, xin được khóc những dòng lệ cho những oan khuất tội tình của đồng bào tôi bị bàn tay máu của cộng sản áp bức khống chế.


Xin cúi đầu tưởng niệm hằng triệu chiến sĩ Quốc Gia, Con yêu của Tổ Quốc Việt Nam đã không tiếc máu xương vì sự an toàn và phát triển cho quê hương. Xin tưởng niệm 58 ngàn con yêu của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đấu cho công lý và tự do trên quê huơng tôi.


Xin cám ơn lòng hào hiệp của nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ đã cứu vớt và đưa chúng từ nơi tối tăm bi thảm, nơi tầng cuối cùng của địa ngục trần gian đến vùng đất hứa, nơi tuyệt đối tôn trọng nhân phẩm con người.

Xin cám ơn những ân nhân, vì tình nhân ái, vì nghĩa đồng bào mà điển hình là hội Gia Đình Cựu Tù nhân Chính Trị đã không bỏ rơi chúng tôi, đã không quản ngại gian khó tốn kém cả tiền của lẫn thời gian và sức lực, đã ra sức đánh động cho Thế giới và nhất là Hoa Kỳ biết nỗi thống hận ngút ngàn mà cộng sản trả thù bằng cách làm khô máu lên cuộc đời những chiến sĩ Quốc gia từng một thời dũng lược, nay đành thúc thủ.


Học theo Quý vị, chúng tôi nhất định không bỏ quên những người đang cần đến chúng tôi. Chúng tôi giữ gìn đạo lý và văn hóa Việt, chúng tôi nuôi dưỡng giáo dục các thế hệ tiếp nối về lòng nhân bản để trở thành công dân hữu dụng cho xã hội và cho sự tồn vong của Dân tộc. Thiết nghĩ đó là lời cảm ơn chân thành và thiết thực nhất.

Việt Nam là dân tộc biết mang ơn và biết cách đền ơn. Đó là lời cuối cùng của dòng tâm sự hôm nay của chúng tôi.

 

Cựu Thiếu úy CSQG LÊ THỊ XUÂN

60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!


Đi qua những tình tiết bất ngờ, câu chuyện về người tù binh chiến tranh dưới đây đã khiến người đọc thực sự hồi hộp. Mất 60 năm để mọi người biết sự thật, quãng thời gian thật dài!


Roddick là một tù nhân chiến tranh người Anh. Anh bị bắt trong một lần kém may mắn và giống như nhiều tù nhân khác, Roddick bị áp giải đến một trại tập trung ở Đức.


Trong trại tập trung có gần 1000 tù binh, toàn bộ đều là người Anh. Họ bị đối đãi thậm tệ đến mức khó có gì lột tả hết, không khác gì loài vật và phải làm những công việc vô cùng nặng nhọc.

May mắn là, Roddick là một binh sĩ huấn luyện kỹ năng lái xe tải trong quân đội Anh. Trong trại tập trung của Đức, vị trí này lại thiếu rất nhiều nên tại đây, anh được chiêu mộ làm lái xe.

Tất nhiên, trong số những tù binh Anh ở trại tập trung đó, không ít người có kỹ năng lái xe nhưng chẳng ai tình nguyện làm công việc đó, bởi nhiệm vụ của việc lái xe là chuyên vận chuyển những chiến hữu chết đói và bị sát hại mỗi ngày đến nơi chôn cất.


Tuy nhiên, Roddick lại tỏ ra rất nhiệt tình với công việc này. Anh nói mình sẽ vui vẻ làm tốt công việc được giao.

Và như vậy, Roddick cuối cùng đã là một lái xe của Đức quốc xã và cũng kể từ đó, anh trở nên thô bạo và tàn nhẫn với chính đồng bào mình.

 

Không chỉ quát tháo, lớn tiếng với các tù nhân, anh còn dùng bạo lực, nắm đấm hướng về phía họ. Thậm chí, có tù nhân rõ ràng chưa chết, anh vẫn cố tình vứt lên xe.

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những tù binh đều tỏ ra căm hận con người này, đồng thời dùng nhiều cách khác nhau để cảnh cáo Roddick. Nghe xong, anh vẫn bỏ ngoài tai, việc mình mình làm. Các tù binh không tiếc lời mắng nhiếc Roddick là tên cẩu tặc, kẻ bán nước, loài chó săn…


Nhưng cũng chính nhờ đó, quân Đức quốc xã càng lúc càng thích thú và tín nhiệm Roddick. Ban đầu, khi anh lái xe ra khỏi trại tập trung, binh sĩ Đức quốc xã đều chặn xe lại kiểm tra, giám sát từng cử động nhưng về sau, anh có thể ra vào thoải mái mà không hề bị kiểm soát. 

Chiến hữu của Roddick cũng ngầm công kích anh, không ít lần thiếu chút nữa thì bị họ đánh cho mất mạng.


Sau một lần bị đánh thừa chết thiếu sống, Roddick vĩnh viễn mất đi một cánh tay, đồng thời, anh cũng mất đi giá trị lợi dụng. Không còn có thể tiếp tục lái xe, Roddick như chiếc bị rách bị quân Đức quốc xã vứt ra bãi rác.


Không còn được quân Đức bảo hộ, Roddick nhanh chóng rơi vào trận địa báo thù vô tình của các tù nhân chiến tranh Anh. Một ngày mưa, trong một hoàn cảnh cô độc đến thê lương, anh chết cạnh một góc tường ẩm ướt trong trại tập trung của người Đức.


Ảnh minh họa


Người cứu mạng tôi, trở thành người tôi hận nhất

60 năm đã trôi qua, người dân ở quê hương Roddick dường như sớm đã quên mất anh còn những người trong gia tộc cũng cố tình né tránh tất cả những việc làm liên quan đến con em mình.

Cứ như thế, Roddick bị chôn vùi trong cát bụi của thời gian.


Thế nhưng bỗng nhiên có một ngày, một tờ báo có lượng phát hành không nhỏ của nước Anh đã đăng tải một bài viết có tựa đề "Người cứu tôi, là người tôi hận nhất" ở ngay vị trí bắt mắt nhất trang nhất. 


Nội dung bài báo như sau:

Trong tại tập trung của Đức quốc xã có một tên phản đồ tên Roddick, cam tâm bán mạng cho tụi Nazi (ám chỉ Đức quốc xã). Ngày hôm đó, tôi ốm nhưng chưa chết, thế nhưng anh ta vẫn vất tôi lên xe tải và nói với bọn Đức là đem tôi đi chôn.

Tuy nhiên, điều khiến tôi không thể ngờ đến là, khi xe chạy được nửa đường, Roddick dừng xe, nhấc tôi đang thoi thóp ra khỏi xe và đặt tôi xuống dưới gốc một cây cổ thụ, để lại vài mẩu bánh mỳ đen và một bình nước, vội vã nói với tôi: Nếu như anh có thể sống, hãy đến thăm cái cây này rồi cấp tốc lái xe đi mất.


Sau khi câu chuyện ngắn ngủi này được đăng không lâu, tòa soạn báo liên tục nhận được điện thoại gọi đến và không một ai ngoại lệ, tất cả đều là cựu binh chiến tranh Thế giới thứ hai và đều là những chiến binh già không may từng bị bắt làm tù binh.


Một điều nữa càng khiến người ta không tưởng tượng được, là không một ai ngoại lệ, 12 cựu chiến binh gọi điện đến đều từng ở cùng nhau trong một trại tập trung của Đức – đó là trại tập trung mà Roddick đã ở.

Những câu chuyện do chính 12 cựu quân nhân kể ra, dường như đều là bản sao của câu chuyện đã được đăng tải trên mặt báo: Họ đều được Roddick đặt xuống dưới gốc cây và nhờ đó mà thoát chết.


Điều khiến người ta chú ý hơn là, mỗi lần Roddick lái xe ra khỏi trại tập trung, anh đều nói với các chiến hữu rằng: Nếu anh có thể sống, hãy quay lại thăm cái cây này.

Người biên tập và giới thiệu bản thảo của bài viết là một cựu biên tập từng tham gia chiến tranh. Dựa vào trực giác nghề nghiệp, ông phán đoán một cách nhạy cảm, rằng cái cây mà Roddick nhiều lần nhắc đến, nhất định phải chứa đựng nội dung gì đó.


Và ông lập tức tổ chức các cựu binh, hợp thành nhóm 13 người, men theo con đường năm xưa họ trốn chạy để tìm cái cây vốn không thể phán đoán liệu nó tồn tại hay không.

Khi đoàn người đến được điểm đến, rừng núi vẫn như xưa, cái cây cổ thụ vẫn ở đó. Một cựu binh không kiềm chế được cảm xúc, chạy về phía trước ôm thân cây, khóc lớn. Trong một cái hộc ở gốc cây, người này phát hiện một cái hộp sắt đã hoen gỉ từ bao giờ.


Khi mọi người xúm lại lấy và mở chiếc hộp ra, họ phát hiện một cuốn nhật ký nhiều trang đã loang lổ và trong đó là một tấm ảnh đã mốc theo thời gian. Nhẹ nhàng lật giở cuốn nhật ký, cựu biên tập viên bắt đầu đọc


Hôm nay mình lại cứu được một chiến hữu, đây đã là người thứ 28 rồi… cầu mong anh ta có thể sống được…

Hôm nay, 20 chiến hữu của mình đã chết…

Đêm qua, các chiến hữu lại một lần nữa mạnh tay với mình… Nhưng mình phải kiên quyết đến cùng, cho dù thế nào đi nữa mình cũng không được nói ra sự thật, như thế, mình mới có thể cứu được thêm nhiều người khác…

Các chiến hữu thân yêu, tôi chỉ có một hy vọng, nếu các bạn còn sống, xin hãy quay lại thăm cái cây này.


Giọng của vị cựu biên tập ứ nghẹn lại, những cựu binh khác đã rơi nước mắt tự khi nào không hay. Những mái đầu hoa râm đứng dưới tán cây cổ thụ, cho đến lúc đó mới hoàn toàn nhận thức thật rõ ràng, rằng Roddick đã cứu tất cả 36 tù binh của Anh Quốc.

Tù binh bị đồng đội căm hận và báo thù đến chết, 60 năm sau, phát hiện từ một gốc cây gây chấn động nước Anh! - Ảnh 3.


Hôm nay, những người còn sống trên đời, có lẽ không chỉ có 13 người đi tìm lại gốc cây năm xưa.

Cuốn nhật ký và tấm ảnh liên quan đến trại tập trung được lưu lại ở hộc cây, đó là bằng chứng thép vạch trần tội ác của Đức quốc xã với thế giới, nó cũng là bằng chứng thép cho thấy Roddick không tồi tệ như các chiến hữu năm xưa đã đánh giá về anh. 

Roddick đã chấp nhận mọi đau khổ, thậm chí là chấp nhận cả cái chết dù anh biết mình đã bị hiểu lầm.


Chia tay với các cựu binh, vị cựu biên tập nhanh chóng cho đăng tất cả những câu chuyện đủ hay, đủ sức lay động hàng triệu triệu trái tim trên khắp thế giới trên trang bìa của tờ báo mình đang cộng tác.


Vì được báo chí đưa tin mà khung rừng già cùng gốc cây lưu lại dấu tích của Roddick kia bỗng trở nên náo nhiệt. Không ít người đã tự tìm đến đây, cúi đầu trước người chiến binh thực sự vĩ đại, thể hiện sự tôn kính của họ dành cho anh. 

Lẽ đương nhiên, Roddick trở thành anh hùng của nước Anh.

Một nhà văn đến thăm khu rừng này, bó một bó họa rừng không rõ tên đặt trước bia kỷ niệm mộc mạc và ngồi lại dưới gốc cây thật lâu.

Về sau, ông ta lấy bút ra viết một đoạn cảm xúc ra cuốn sổ của mình. Ông cảm giác, mình có trách nhiệm phải nói với mọi người: 


Sự hoàn mỹ luôn cần có cái giá để đánh đổi, không có tinh thần trách nhiệm lớn lao, không có sự hy sinh bất khuất, không có một tinh thần thép, tuyệt đối không thể làm được!


Khát vọng hoàn mỹ là quyền của mỗi con người. Có những lúc, sự hoàn mỹ đó vì bị môi trường thúc ép mà hình thức biểu hiện của nó trở nên khác với nguyện vọng ban đầu, vì thế mà tạo nên sự hiểu lầm, dẫn đến những ánh mắt thù địch.

Điều này nhất định sẽ hình thành nên một loại áp lực xã hội vô cùng lớn. Thế nhưng người có thể vì sứ mệnh cao cả của sự hoàn mỹ, từ đầu đến cuối chấp nhận mọi oan ức, đau đớn, hiểu lầm… tên tuổi của anh ta sẽ trở thành một lá cờ luôn đương giương cao, cao mãi.

Roddick là một người như thế.


Và trên thế giới này, tôi kính phục nhất một kiểu người mà trong hoàn cảnh ác liệt và tồi tệ, họ thà chấp nhận gánh nặng trên vai và bước tiếp thay vì sống vô trách nhiệm, để mặc đời muốn trôi đến đâu thì đến!

Tù binh bị đồng đội căm hận và báo thù đến chết, 60 năm sau, phát hiện từ một gốc cây gây chấn động nước Anh! - Ảnh 4.

Nguồn Sohu