Khoảng ba giờ sáng đêm 20 rạng ngày 21 tháng 4, từ trên căn cứ pháo binh Núi Thị hướng nam thị trấn Xuân Lộc 5 cây số, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn trưởng TĐ 2/43 thấy đèn pha xe sáng rực trên những ngã đường trong thành phố. Chế cảm thấy đây là một sự việc khác thường bởi vì đã mười một giờ đêm, từ khi chiến trận bùng nổ, Xuân Lộc luôn ngập chìm trong bóng tối, thỉnh thoảng loé sáng bởi đạn pháo địch rót xuống mà thôi. Chế vội gọi máy liên lạc với bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Dù đơn vị mà TĐ thuộc quyền tăng phái thì được biết đó là những đoàn xe của quân CS đang vào Thị xã.
Như vậy thì Xuân Lộc đã bị quân Cộng sản chiếm rồi. Nhưng sao chẳng nghe những tiếng súng giao tranh. Không lẽ toàn thể quân trú phòng Xuân Lộc đã đầu hàng, Tư Lệnh Lê Minh Đảo đã đầu hàng ?
Chế lo âu, giọng run khi cầm máy gọi BCH Lữ Đoàn 1 Dù.
Rạch Giá Lê Lai và trở về với người anh cả của anh. Nghe lệnh BCH Lữ Đoàn Dù,
Nguyễn Hữu Chế rất tức giận. Nếu mình không gọi, chắc đã bị bỏ quên, và rồi sẽ
bị quân CS tiêu diệt. Chế muốn hét lớn phẫn nộ, nhưng anh kềm lại được khi nghĩ
đến Tiểu đội Trinh sát nằm tiền đồn bên ngọn Núi Ma. Phải gọi thằng em về càng
nhanh càng tốt. Toàn thể TĐ phải rút khỏi Núi Thị trước khi bị quân CS bao vây.
Chế cho lệnh phá hủy mấy khẩu pháo 155 ly trong khi chờ mấy đứa em tiền đồn trở
về. Đây là những khẩu pháo đã gây nhiều thiệt hại cho quân CS trong mấy ngày
chiến trận.
Khoảng hơn 4 giờ sáng Tiểu đội Trinh sát đóng ở Núi Ma và các toán tiền đồn mới trở về căn cứ Núi Thị đầy đủ. Toàn thể Tiểu đoàn 2/43 bắt đầu xuống núi, chia làm hai cánh quân, một do Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế và một do Tiểu đoàn phó Đại uý Chi chỉ huy. Hơn 300 chiến sĩ TĐ 2/43 đã chiến đấu oanh liệt đột phá vòng vây khi xuống núi. Phá được vòng vây quanh núi Thị, TĐ nhắm hướng Bà Rịa mà tiến nhưng hầu như đâu đâu trong rừng cao su cũng đều có quân CS. Vì vậy dù cố tránh giao tranh, và lợi dụng bóng đêm để di chuyển, nhưng thật khó mà thoát khỏi vòng vây bủa lưới của quân CS.
Đm, bắt và diệt cho hết tụi ngụy 18 ác ôn còn lại. Tiếng
la hét, liên lạc gọi nhau của binh lính CS vang thật rõ trong rừng cao su.
Những ánh đèn pin chớp loé tìm kiếm từ lùm bụi này đến lùm bụi khác. Người lính
trong thế lui quân bị săn đuổi nép mình sau gốc cây cao su, thấy rõ những bóng
ma trước mặt mà không thể nổ súng đốn ngã. Những thương binh đau đớn cắn răng
mà chịu. Người lính Sư đoàn 18 chưa bao giờ phải nhịn nhục như thế này. Mới hôm
qua đây, ta còn xáp chiến đẩy lui địch ra khỏi thị trấn mà hôm nay lại phải
ngậm tăm mà đi. Qua một đêm gần như thiếu định hướng trong rừng, sáng hôm sau
Chế bắt được liên lạc vô tuyến với Đại Tá Ngô Kỳ Dũng, Trung Đoàn Trưởng Trung
Đoàn 52. Từ trực thăng bay trên cao, Đại Tá Dũng hướng dẫn cho TĐ tiến về hướng
Long Thành. Quân CS chắc chắn đã bắt được tần số liên lạc của ĐT Dũng và Chế
nên đã điều quân đuổi theo và chận đánh.
Rút lui là thế sau cùng. Người lính tác chiến ít khi nghĩ đến việc rút lui bởi vì rút lui là đưa lưng cho địch bắn. Trong cuộc rút lui này, không những đưa lưng mà còn phải ngẩng đầu để hứng đạn ngay từ trước mặt, tứ bề. Vài lần, Chế đã lệnh cho toàn thể binh sĩ dưới quyền trụ lại, dùng cây cao su che thân, dùng nón sắt và mười ngón tay cào đất để làm nơi chống trả. Những lúc đó, Chế và anh em như những con cọp dữ. Bắn và hò reo, la hét. Để tăng thêm khí thế đánh lui quân địch, và cũng để cho quên đi những đớn đau từ những vết thương ứa máu, để xua tan những ngậm ngùi khi nhìn bạn ngã xuống bên mình.
Không trụ lại lâu được vì địch quá đông, đạn dược không còn đủ. Hai cánh quân của TĐ bắt buộc vừa đánh vừa rút. Địch lại rượt đuổi, đổ quân chận đầu, bao vây quyết tiêu diệt đơn vị QLVNCH còn lại sau cùng này để tàn sát trả thù cho trận quyết đấu mà họ bị thảm bại vừa qua.
Qua nhiều trận giao tranh với địch ngày và đêm trong rừng cao su gãy đổ vì đạn bom, chiến sĩ TĐ 2/43 đã lần lượt ngã xuống đền nợ nước. Chế cũng cạn khô nước mắt. Mồ hôi hầu như không còn để chảy vì đói và khát.
Phân tán mỏng từng tiểu đội, bán tiểu đội mà rút. TĐT Nguyễn Hữu Chế sau cùng phải quyết định như vậy. Phân tán mỏng thì lực chống sẽ yếu, nhưng dễ dàng luồn lách thoát khỏi vòng vây. Ba trăm chiến sĩ từng hàng chục lần đánh bật kẻ thù, trụ cứng đĩnh Núi Thị từ khi chiến trận bùng nổ, thế mà giờ đây người hy sinh, kẻ thất lạc, bên Nguyễn Hữu Chế chỉ còn lại 27 người. Tất cả đang đâu lưng chiến đấu tìm đường sống. Với Chế, đây là lần đầu tiên trái tim anh quá nhiều đau đớn trong suốt bao năm chỉ huy Tiểu đoàn. Anh chưa bao giờ để cho một đứa em bị thất lạc, không được băng bó vết thương hay bỏ xác tại trận. Lòng thương mến binh sĩ và danh dự của người chỉ huy như hai ngọn đèn luôn cháy rực trong tâm trí anh.
Hai mươi tám người còn lại mà hầu hết là những tay súng
ngắn thuộc BCH Tiểu đoàn và các chiến sĩ pháo binh, công binh. Đối với B40, AK
thì súng ngắn chỉ là súng đuổi ruồi.
Bảo Định, các anh đã bị bao vây, đã cùng đường, hãy ra hàng để được toàn tánh mạng. Bảo Định, tụi mày đã bị bao vây, cùng đường rồi, chịu chết đi.
Khi thì anh, khi thì mày. Khi thì dụ, khi thì đe. Hàng trăm lần, tiếng loa gọi đích danh Bảo Định, danh hiệu của Nguyễn Hữu Chế ra hàng.
Đối với người lính trận ở chiến trường, tiếng loa dụ hàng của địch quá thông thường, nhưng trong tình thế này đã phần nào làm giao động 28 tám người.
Có lúc Chế nghĩ rằng để anh em ra hàng còn mình anh chạy trốn. Hai mươi bảy người còn lại phải sống. Anh không thể tiếp tục nhìn họ lần lượt ngã xuống nữa. Riêng Chế, chỉ có chạy thoát hay là chết mà thôi. Nếu thoát không được thì cho một viên đạn súng colt vào đầu chứ không thể để bị bắt. Làm sao CS có thể tha Bảo Định Nguyễn Hữu Chế là một trong những Tiểu Đoàn Trưởng xuất sắc của Sư Đoàn 18 mà CS liệt vào hàng nợ máu ác ôn.
- Chúng ta đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, anh em nên ra hàng vì vợ con gia đình của mình. Tôi chỉ yêu cầu anh một việc là đợi khi tôi đã đi khỏi nơi này thì ra hàng. Những gương mặt đầy lo âu bỗng đanh lại khi nghe Chế nói. Một hạ sĩ quan công binh nhìn Chế :
- Thiếu tá ơi, chúng tôi tuy là Công binh chiến đấu, khả năng không bằng người lính Bộ binh nhưng nhất định không làm hổ thẹn hai chữ chiến đấu mà chúng tôi đã tự mang vào mình.
- Bao giờ Thiếu Tá ngã xuống thì tụi em mới ra hàng. Người lính Truyền tin nói.
- Thiếu Tá ngã thì em ngã theo. Người lính trinh sát cuối cùng của Tiểu đội Trinh sát nói một cách cuơng quyết.
Ba đêm, bốn ngày, hai mươi tám người sống chết bên nhau. Người còn sức dìu người sức yếu. Tay súng tay bạn, cương quyết không bỏ lại một người nào.. Họ lần mò trong đêm, dò dẫm trong ngày. Có khi vấp phải xác thú bị đạn chết trong rừng nhưng chẳng ai xẻ thịt thú mà ăn dù rất đói và khát.
Tháng Tư, sương đêm không đủ để làm ướt lá cây cao su thì làm sao có vũng ướt heo rừng nằm cho người lính cúi xuống đưa lưỡi tìm chút nước.
Có lúc trong ngày, một vài lần Chế nghe tiếng trực thăng bay cao trên trời. Lòng mọi người vui lên vì biết mình sắp ra khỏi vùng địch chiếm đóng. Chế ứa nước mắt khi nghe tiếng gọi Bảo Định, Bảo Định, anh nghe tôi không trả lời của Đại tá Lê Xuân Hiếu Trung Đoàn Trưởng 43 gọi tìm đứa em thất lạc, nhưng Chế không dám lên tiếng vì sợ VC theo dõi bắt được tần số, phát hiện. Chế tin sự suy nghĩ và lo sợ của mình là đúng vì chính Chế đã nghe những lời trao đổi của VC lạc vào trong tần số máy PRC25 của Tiểu đoàn. Ngày thứ 4, nhiều anh em dường như không bước được nữa. Chính Chế cũng cảm thấy một cơn sốt đang kéo đến. Anh khô đắng cả họng, bụng thì đau nhói, chân run như sắp khuỵ xuống. Bây giờ thì không thể im lặng được nữa. Anh hai ơi Bảo Định đây. Chế cầm ống liên hợp và cất tiếng gọi lớn.
- Bảo Định ! Bảo Định ! nghe anh trên 5, nghe tôi không trả lời ! Tiếng vị Trung Đoàn Trưởng vui mừng vang lên trong máy PRC25. Dưới sự hướng dẫn của Đại Tá Hiếu, và yểm trợ bằng hỏa tiễn của trực thăng, Chế và anh em tìm ra được khu trãng trống. Ba chiếc trực thăng UH-1B từ hướng Nam bay đến, rà thật sát trên ngọn cây rồi đáp xuống khu rừng chồi. Người còn sức cõng người kiệt sức chạy nhanh ra. Vấp ngã. Đứng dậy. Chạy tiếp. Nhanh lên, nhanh lên. Chế hét, tay quơ cây gậy thúc dục hai người lính đang vấp ngã trước mặt mình. Chế xốc tay một người và kéo chạy. Cánh quạt phi cơ tạo gió như cơn bão khiến cả hai thân thể yếu đuối quay một vòng rồi ngã xuống. Chế cố đứng dậy, kéo rồi đẩy người lính nhào vào cửa Trực thăng. Pháo 82 và đạn B40 nổ ầm ầm. Khói lửa tung lên mù mịt ngay bên cạnh. Chiếc trực thăng bốc lên. Tự nhiên Chế cảm thấy có một sức mạnh mà anh chưa từng có trong thân thể mình, anh nhảy lên, vươn hai tay chụp vội và nắm chặt càng trực thăng vừa lúc chiếc trực thăng bay là là về phía trước. Đạn VC bắn xối xả theo nghe veo veo. Chiếc nón sắt trên đầu Chế rơi xuống. Cả chiếc kính cận trên mắt cũng rơi theo Chế nhắm mắt. Đôi bốt dưới chân quệt mạnh cành lá khiến thân thể anh lại càng chao đảo. Chế nghiến chặt hàm răng, dồn hết sức lực vào đôi bàn tay đã xây xước bao ngày qua, bám cứng vào càng trực thăng. Chế cảm nhận có vị mặn trên môi mình từ khi chiếc kính rơi xuống. Không biết là máu, mồ hôi hay nước mắt. Đeo lơ lững dưới càng trực thăng như vậy cho đến khi trực thăng ra khỏi tầm đạn địch, bốn bàn tay đồng đội trên trực thăng mới kéo được Chế lên lòng phi cơ.
- Thiếu tá ơi ! Bảy tiếng kêu của bảy người lính cùng bật ra một lúc. Người xạ thủ trực thăng thì khép nhẹ đôi mắt lại như cố khắc ghi hình ảnh hào hùng đầy xúc động trước mặt mình.
- Chúc mừng Thiếu tá và anh em. Anh ta nói, giọng sung
sướng. Hai sĩ quan Phi công ngồi phía trước cũng đưa tay ra dấu chào mừng.
Chế nhấc cánh tay mỏi mệt bắt tay người xạ thủ trực thăng. Cũng nhờ sự can đảm và tận tình của các anh. Chế muốn nói như vậy, nhưng âm thanh không thể thoát ra khỏi cổ họng đang khô đắng của anh.
Khi Chế vừa bước vào phòng hội của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn tại căn cứ Long Bình vào buổi chiều ngày 24 tháng 4 thì Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ôm chầm lấy Chế. Qua phút xúc động mừng vui, Tư Lệnh bước đến mượn hai hoa mai trắng trên cổ áo một vị Trung Tá rồi gắn vào cổ áo Chế.
- Anh xứng đáng được vinh thăng Trung Tá. Chế đứng nghiêm, đưa tay chào và nói:
- Thưa Thiếu Tướng, tôi không xứng đáng nhận sự ân thưởng này. Giọng Chế cương quyết. Vị Tư Lệnh mở tròn đôi mắt nhìn người thuộc cấp Tiểu Đoàn Trưởng của mình. Qua phút ngạc nhiên, ông chợt hiểu. Ông gật đầu nhìn Chế. Chế thấy đôi mắt sáng đó cũng đang mờ dần đi như đôi mắt ứa lệ của mình.
- Anh em Binh sĩ Tiểu đoàn 2/43 bỏ tôi mà đi hết rồi thưa Thiếu Tướng, tôi còn vui vẻ nào mà...
-Thôi, được rồi, tôi sẽ trình lại với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên sau.
Vị Tư Lệnh nói và đưa mắt nhìn người thuộc cấp đang đặt
tấm thân mỏi mệt xuống chiếc ghế trong phòng hội. Chế ngồi bất động, hai tay ôm
đầu. Anh cảm thấy hối hận vì câu nói nóng nảy oán trách Chỉ Huy trưởng Lữ Đoàn
1 Dù khi vừa bước chân vào phòng hội. Cấp chỉ huy tối cao của Quân Lực còn bỏ
ra đi, quay mặt với thuộc cấp trong khi đang ở ngay tại Sài Gòn, trong bộ Tổng
Tham Mưu an toàn thì việc Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù chậm ra lệnh cho TĐ 2/43
rút quân cũng không đến nỗi phải bị oán trách. Toàn thể Lữ đoàn 1 Dù đến chín,
mười giờ đêm mới ra đến lộ sau khi đã đụng độ ác liệt với quân CS và bị thiệt
hại khá nặng. Họ còn phải bảo vệ dân chúng đang kéo theo. Lữ Đoàn Trưởng có
hàng trăm việc phải giải quyết, đối phó. Đêm đầu tiên nghỉ tại BTL Sư Đoàn,
lòng Chế không yên. Ý nghĩ về vợ con gia đình chợt đến nhưng chỉ thoáng qua.
Đầu óc anh đầy hình ảnh của đồng đội; người đã ngã xuống và người thất lạc.
Trái tim anh từng hồi vang lên tiếng gọi của anh em. Gần như suốt đêm, Chế đứng
nhìn hỏa châu trên vùng trời Long Thành, mong trời mau sáng với hy vọng sẽ có
anh em binh sĩ thất lạc trở về. Quả nhiên, đúng như dự đoán và tin tưởng của
Chế, những ngày kế tiếp, hơn một trăm anh em chiến sĩ Tiểu đoàn đã lần lược trở
về với vũ khí đầy đủ. Họ là những người thất lạc hoặc tự phân tán thành từng
toán nhỏ để dễ dàng thoát khỏi vòng vây của quân CS. Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn
Hữu Chế hết sức vui mừng. Con gà mẹ tuy còn đau buồn trông ngóng, nhưng lại cất
tiếng kêu tục tục, quy tụ đàn con chung quanh mình. TĐ 2/43 lại tiếp tục tham
dự những ngày sau cùng của cuộc chiến.Họ, người sống cũng như kẻ đã hy sinh,
những hiệp sĩ đoạn hậu cho một cuộc lui quân đã đi vào chiến sử QLVNCH. Và
Nguyễn Hữu Chế, người TĐT đã quên mất bản thân khi cố hết sức đẩy người thương
binh thuộc cấp của mình lên phi cơ. Nhiều ngày, Chế không thể tin mình là người
lính rút lui sau cùng khỏi Xuân Lộc dưới càng trực thăng giữa lằn đạn địch. Chế
không tin vì không thể nghĩ là mình còn sống, đủ sức mà xoè đôi bàn tay yếu
đuối rã rời để bám vào càng trực thăng khi chiếc phi cơ bốc lên.
Chế không tin, nhưng những người lính TĐ2/43 thì biết đó
chính là sức mạnh từ trái tim và trí óc của vị TĐT của họ. Hình ảnh này thật
quá bi hùng mà suốt đời, họ không thể nào quên.
NGUYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG *
(* là bút hiệu của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/43, SĐ18BB trong trận chiến Xuân Lộc, tháng Tư 1975. Anh và gia đình hiện cư ngụ tại Sacramento, California).