Pages

Saturday, October 7, 2023

Tiểu Bang PENNSYLVANIA - Chương III - Nguyễn Giụ Hùng


CHƯƠNG III

THÀNH PHỐ ATLANTIC - LÀNG AMISH -

VALLEY FORGE

 

          Thành phố Atlantic thuộc Tiểu bang New Jersey và nằm ngay trên bờ biển Đại Tây Dương, cách Thành phố Philadelphia khoảng một giờ lái xe. Sinh hoạt chính yếu của thành phố này là các “sòng bài” (casino). Tôi đoán, có lẽ thành phố Atlantic là thành phố “casino” lớn nhất của Miền Đông Hoa Kỳ. Tất nhiên, ta không thể so sánh nó với những thành phố cùng loại như Las Vegas hay Reno thuộc Tiểu bang Nevada.

      Thành phố tuy nhỏ nhưng cũng tấp nập lắm. Nhiều “casino” sang trọng hiện diện ở đây với đèn điện sáng trưng vào ban đêm. Vì là thành phố ven biển nên buổi chiều ta có thể dạo mát trên “đường bằng gỗ” của khu “sòng bài” để hưởng chút gió biển với cảnh thanh bình ngồi nhìn mặt trời lặn.

      Chúng tôi đi ăn cơm tối rồi trở lại khách sạn. Khách sạn chúng tôi ở là một nhà cao tầng, trọn tầng dưới cùng dành làm “sòng bài”, những tầng phía trên dành làm phòng ngủ. Trước khi lên phòng ngủ, chúng tôi đã “đóng” ít tiền cho “sòng bài” để thử vận “đỏ đen”. Tất nhiên là chúng tôi gặp vận đen rồi, nhưng cũng may là không đen lắm.

      Sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục lên đường theo hướng thành phố Lancaster thẳng tiến. Trên đường đi Lancaster, phải ngang qua thành phố Philadelphia nên tiện đó chúng tôi ghé vào một tiệm phở ngay tại khu dân cư đông đúc ở vùng trung tâm thành phố. Tiệm phở này do người Hải Phòng sang đây định cư lập ra.

      Hương vị phở thì ăn ở đâu cũng thế, ngon nhiều hay ít tuỳ theo lúc đó mình đói nhiều hay đói ít. Và phải đặc biệt lắm hay khác biệt lắm người ăn phở loại như tôi mới nhận ra được tô phở thuộc loại thật ngon hay thật dở một cách rõ ràng.

      “Chủ nhân ông” của tiệm phở rất hiếu khách, nghĩa là ông ta cứ “rề rà” tới bàn chúng tôi ngồi tán chuyện gẫu, nào là chuyện khó khăn lúc ban đầu khi mở tiệm, rồi lan sang cả chuyện vượt biên, chuyện gia đình đến chuyện nhà cửa lẫn con cái của ông. Ông nói không ngừng như chưa bao giờ ông được nói tự do như thế. Chúng tôi đôi khi phải ngừng ăn để nghe một đoạn chuyện khá hấp dẫn mà ông đem ra kể. Khi ra tính tiền, ông “giảm giá” cho chúng tôi một nửa, nghĩa là “50% discount” so với giá bình thường ghi trên thực đơn.

      Chúng tôi đoán có lẽ ông chủ giảm giá vì tình cảm của ông dành cho chúng tôi hay cũng có thể vì chúng tôi đã “lịch sự” tiếp chuyện ông nên đành phải ăn phở nguội. Chúng tôi biết dù phở nguội cũng phải ăn cho hết vì tô phở vừa mới được bưng ra chúng tôi đã “khen rối rít” là mùi phở thơm quá. Quả thực, dù phở có nấu dở đến đâu nhưng mùi của nó vẫn cứ thơm phức làm người đói như tôi lúc đó phải thòm thèm. Nói như thế không có nghĩa là tôi chê tiệm phở này mà là ngược lại.

      Chúng tôi rời tiệm phở và không quên chụp với ông chủ cùng vài nhân viên phục vụ trong tiệm một tấm ảnh làm kỷ niệm. Và tất nhiên là chúng tôi cũng không thể quên câu “hẹn ngày trở lại” thường dùng mỗi khi đi ăn.

      Trước khi tới thành phố Lancaster, chúng tôi gọi “phôn” cho một người bạn thân hẹn sẽ gặp và ở lại tối nay. Hẹn như thế, tất nhiên là tối nay, chúng tôi tin là sẽ được gia chủ “chiêu đãi” một bữa cơm tối thịnh soạn vì coi như chúng tôi đã báo trước cho bà chủ nhà có đủ thời giờ chuẩn bị.

      Cảm thấy còn “ngày rộng tháng dài”, còn nhiều thời giờ để đến thăm một ngôi làng của người Amish.

      Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish.



      Ngôi làng chiếm một diện tích không lớn lắm, nhưng bên trong khu vực có nhiều căn nhà mang kiểu kiến trúc xưa của hàng vài thế kỷ trước với những chậu hoa trang trí trước cửa, hay một vườn hoa nho nhỏ sau nhà.

      Vài ba chiếc xe ngựa kéo kiểu “song mã” được để trong một khu đất trống, tôi không biết những chiếc xe ấy có dành cho du khách hay không. Điểm tô thêm cho khung cảnh ấy, một cô “thôn nữ” ăn mặc trang nhã theo lối y phục truyền thống xưa kia ở nông thôn phương Tây thuộc những thế kỷ trước, đang tắm rửa cho đám ngựa kéo xe bằng bàn chải xơ, không phải làm bằng ni lông mà ta thường gặp. Gần đó có đống đất lớn trộn phân bò dùng trong canh nông rất quen thuộc như quê nhà ở Việt Nam.

      Có vài cửa hiệu bán quà lưu niệm. Một cửa hàng trông rất đẹp mắt và khang trang nhất nổi bật trong khu, trưng bày một số mặt hàng như quần áo, chăn màn, khăn ... với màu sắc trang nhã và được thêu bằng tay với những hình ảnh hay hoa văn thật đẹp mang tính chất cổ xưa. Du khách vào trong tiệm không được quay phim hay chụp hình. Giá cả những sản phẩm cũng phải chăng, không “cắt cổ” du khách.

      Vì đang ở vào mùa thu, những cây lá đỏ, lá vàng điểm tô thêm nét đẹp rực rỡ và thanh bình cho ngôi làng.

      Người ta biết đến người Amish và đôi khi được gọi là Mennonites Amish như những người từ Âu Châu đến và định cư tại Pennsylvania từ thế kỷ 18. Ngày nay họ vẫn tiếp tục duy trì được tiếng nói truyền thống của họ được gọi là tiếng “Pennsylvania-Đức” hay “Pennsylvania-Hoà Lan”. Họ là một nhóm thuộc chi nhánh của các giáo hội Mennonites xuất thân từ đạo Thiên Chúa Giáo (Christian).

      Thành viên của nhà thờ Amish được bắt đầu bằng bí tích rửa tội, thường là trong độ tuổi từ 16 tới 25. Việc rửa tội là một yêu cầu thiết yếu của hôn nhân, họ chỉ có thể kết hôn trong đức tin.

      Người ta cũng biết đến người Amish như những người có cuộc sống đơn giản, và chỉ áp dụng những tiện ích của xã hội công nghệ tiên tiến như một sự miễn cưỡng, bao gồm các điều cấm hoặc hạn chế việc sử dụng năng lượng điện, điện thoại, xe hơi và có cả các quy định về quần áo. Nhiều thành viên của nhà thờ Amish không có thể mua bảo hiểm hay nhận trợ cấp của chính phủ như An Sinh Xã Hội.

      Chúng tôi lái xe theo đường hương lộ qua những khu trang trại của người Amish. Những trang trại này có diện tích trung bình, không lớn lắm, chỉ áng chừng vài mẫu tây được dùng phần lớn làm đất trồng trọt và một khoảnh đất vừa đủ để chăn nuôi gia súc trong gia đình. Nhà cửa cũng khang trang không khác gì nhà ở thành phố. Nhà nào cũng có dây chăng hay sào ngang để phơi quần áo. Ngoài đồng chúng tôi thấy người ta cầy bằng ngựa. Và trên hương lộ chúng tôi thỉnh thoảng thấy có loại xe ngựa “đóng thùng” làm phương tiện chuyên chở. Nếu không có những xe hơi chạy trên đường thì chúng ta có cảm tưởng như đang được sống lui lại hai hay ba thế kỷ trước bên Âu Châu.

      Chúng tôi lái xe đến một vài nơi trong khu vực để quan sát những sinh hoạt hàng ngày của người địa phương. Thỉnh thoảng dừng xe lại bên đường ngắm cảnh đẹp và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm nơi mình đến.

      Trời cũng đã ngả về chiều, chúng tôi tìm đường vào thành phố Lancaster để đến nhà người bạn thân như đã hẹn lúc sáng nay.

      Thành phố Lancaster là một thị trấn lớn cỡ trung bình. Gia đình người bạn tôi ở trong một khu nhà mới xây cất, trông thật khang trang và thanh bình. Buổi chiều hôm đó trời có sương mù sớm nên cảnh vật khu nhà trở nên thơ mộng, êm đềm. Vì là lần đầu tiên đến đây thăm bạn nên tôi hơi ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của căn nhà hai tầng.

        Người bạn của tôi tên Chấn và “người thương” của Chấn tên Oanh. Chấn Oanh có hai con, một trai và một gái, đều đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại Thành phố Philadelphia.

       Chúng tôi vừa bấm chuông ngoài cửa thì cả hai vợ chồng đều chạy ra đón tiếp. Tay bắt mặt mừng khi gặp nhau. Oanh cho biết Chấn đã xin về sớm để phụ vợ nấu ăn đãi khách phương xa. Chấn Oanh đều là người rất hiếu khách.

      Chấn hiện nay làm việc cho cơ quan nhà nước, nghĩa là một công chức “sáng cắp ô đi, tối xách về”. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, bươn chải, tung hoành với vài ngân hàng tại địa phương, nay “chàng” quyết định gắn bó với cơ quan nhà nước để hưởng cái an nhàn ở tuổi “chớm già”.

      Tôi và Chấn quen biết nhau từ khi Chấn vừa tròn 20 tuổi ở quân trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Chấn vào quân ngũ theo lệnh tổng động viên toàn quốc. Tôi hơn Chấn khoảng gần mươi tuổi. Trong quân trường, Chấn và tôi cùng ở trong tiểu đội súng cối, trực gác hàng đêm tại phòng tuyến quân trường. Tuy tuổi tác có chênh lệch nhưng chúng tôi lại “tâm đầu ý hợp” và đã mau chóng trở thành hai người bạn thân, ngay từ những buổi gặp gỡ ban đầu.

      Sau này Chấn được giải ngũ, lấy bằng cử nhân ban kinh tế tại đại học Luật Khoa Sài gòn, làm việc cho ngân hàng “Việt Nam Ngân Hàng” cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Việt Nam Ngân Hàng được thành lập năm 1927, là ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam.

       Chấn vượt biên trước tôi mấy tháng nhưng tình cờ chúng tôi lại cùng gặp nhau trong trại tỵ nạn KuKu ở Nam Dương. Rồi lần lượt, chúng tôi cũng cùng đi định cư ở Mỹ vào cuối năm 1980. Chấn định cư tại thành phố Lancaster này từ ngày đó đến nay.

      Trong suốt nửa thế kỷ năm quen biết nhau và coi nhau như người tri kỷ với lòng quý mến nên mỗi lần gặp nhau hẳn chúng tôi phải có nhiều chuyện để nói, để nhắc lại những kỷ niệm xưa. Sau bữa cơm tối, chúng tôi quây quần nói chuyện tới khuya mới chia tay đi ngủ. Chúng tôi được nghe Chấn đọc thơ và nghe Oanh hát.

* * *

      Sáng sớm hôm sau chúng tôi tạm rời nhà Chấn Oanh để lên đường đi thăm hai di tích lịch sử không xa thành phố Lancaster là mấy.

      Có hai địa điểm quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử của Hoa kỳ nằm trong Tiểu bang Pennsylvania là Valley Forge trong thời Chiến Tranh Cách Mạng và Trận chiến Gettysburg trong thời Nam-Bắc chiến tranh. Ngày nay, cả hai đã trở thành Công Viên Quốc Gia (National Park).

      Valley Forge

      Vào mùa thu năm 1777 tức trong thời gian Chiến Tranh Cách Mạng, quân đội Anh, dưới sự chỉ huy của tướng Howe, di chuyển từ New York tới Pennsylvania. Philadelphia lúc này là Thủ Đô Hợp Bang của 13 Tiểu Bang Thuộc Địa Đầu Tiên mới được thành lập. Tướng Howe tin tưởng rằng nếu chiếm được Philadelphia thì đó là một đòn rất nặng đánh vào tinh thần chiến đấu của nghĩa quân.

      Được tin có sự chuyển quân của quân Anh, chỉ trong có vài giờ, những cơ quan hành chính và Quốc Hội Hợp Bang đã rời thủ đô Philadelphia để tới thành phố York, một thành phố khá xa nhưng vẫn thuộc Pennsylvania. Đồng thời, tướng George Washington cũng vội vã di chuyển đoàn quân của mình tới cánh đồng Valley Forge và quyết định đóng quân ở đó (từ tháng 12 năm 1777 đến tháng 6 năm 1778) để có thể thuận tiện theo rõi mọi hoạt động của quân đội Anh qua suốt mùa đông năm đó.

      Valley Forge cách Philadelphia 22 dặm về phía tây bắc.

      Washington không bị tổn thất về quân sự bởi vì quân đội Anh, sau khi chiếm được Philadelphia, tướng Howe đã hài lòng với sự chiến thắng của mình nên đã ở lại đấy và tự cho mình được quyền vui hưởng sự êm ấm và ăn chơi cho đến hết mùa đông băng giá. Trong khi đó, ngược lại, quân đội của Washington đã phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt ở Valley Forge vì lạnh giá, thiếu lương thực, thiếu thuốc men và không có đủ quần áo ấm.

      Vào đầu mùa đông, quân đội Washington có 11.000 người. Trong suốt mùa đông ấy đã có 3.000 người đã đào ngũ, một số trở về với gia đình, một số sang đầu hàng quân Anh. Những người còn lại để chiến đấu thì đa số bịnh hoạn. Nhiều người đã lấy làm ngạc nhiên tại sao quân đội Anh đã không tấn công những nghĩa quân Hoa Kỳ trong thời gian thuận lợi này.

      Tinh thần chiến đấu của quân đội Washington đã sa sút tới điểm thấp nhất. Tuy nhiên với ý chí giải phóng dân tộc ra khỏi sự cai trị của người Anh, Washington và các nghĩa quân đã đoàn kết và sát cánh bên nhau chiến đấu dù với quân số còn lại thật ít oi so với địch quân.

Sang xuân năm 1778, những quân trang, quân dụng, thực phẩm, tiếp liệu đã được gửi tới tiếp viện kịp thời. Valley Forge đã trở thành cứ điểm phản công. Và từ nơi đó, vào tháng 6 cùng năm, Washington đã chuyển quân tấn công quân đội Anh để đem về chiến thắng đầu tiên ở mặt trận Mommouth. Chiến thắng này tiếp theo những chiến thắng khác. Và cuối cùng, Washington đã đem lại chiến thắng vinh quang toàn diện cho người Hoa Kỳ vào năm 1781 trong công cuộc Giải phóng dân tộc.     

      Sau khi thăm di tích lịch sử: Trận chiến Valley Forge, chúng tôi tiếp tục hành trình tới thăm một di tích lịch sử lừng danh khác, đó là “Trận chiến Gettysburg”.


NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

                                          Mời đọc tiếp Chương IV

(Trận chiến Gettysburg) 

Mời đọc lại:

Chương I: Tổng quát

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/06/tieu-bang-pennsylvania-chuong-1-nguyen.html

Chương II / Phần 1: Philadelphia / Ngôi nhà tuyên bố Độc lập

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/07/tieu-bang-pennsylvania-chuong-ii-nguyen.html

Chương II / Phần 2: Chuông Tự do

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/07/tieu-bang-pennsylvania-chuong-ii-nguyen_6.html

Chương III: T/p Alantic - Làng Amish - Căn cứ Valley Forge

No comments:

Post a Comment