Saturday, June 17, 2023

Tiểu Bang PENNSYLVANIA - Chương 1 - Nguyễn Giụ Hùng

CHƯƠNG I

VÀI NÉT TỔNG QUÁT VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Sau khi ghé thăm Thành phố Baltimore thuộc Tiểu bang Maryland, hôm nay chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để đến thăm Tiểu bang Pennsylvania, một trong những tiểu bang rộng lớn, trù phú, có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ.

Chúng tôi dùng xa lộ 95N, lái xe từ Thành phố Baltimore hướng lên phía Bắc. Xa lộ thẳng tắp. Hai bên đường cây cỏ còn tốt tươi, một số cây đã chớm đổi màu vì thời tiết đã vào thu. Tiết trời lành lạnh, cái lành lạnh êm dịu làm cảnh vật trong vùng mang vẻ êm đềm. Trời xanh cao tít, vài cụm mây đang lờ lững bay.

Dọc theo xa lộ, thỉnh thoảng có vài thị trấn nho nhỏ đủ để khách qua đường có thể dừng chân nghỉ ngơi ăn uống hay đổ thêm xăng.

* * *

Vài nét tổng quát về vùng “The Middle Atlantic States”

       - Pennsylvania thuộc vùng The Middle Atlantic States



Theo sự phân chia của một số sách địa dư Hoa Kỳ thì vùng The Middle Atlantic States, nằm giữa vùng New England gồm 6 tiểu bang cực bắc (1) vùng The South gồm 11 tiểu bang phía Nam - kể từ Tiểu bang Virginia trở xuống tới Tiểu bang Florida (2).

      The Middle Atlantic States gồm 6 tiểu bang: New York, New Jersey, Pennsylvania, Maryland, Delaware West Virginia. Trừ Tiểu bang West Virginia, 5 tiểu bang còn lại đều nằm trên bờ biển Đại Tây Dương (Atlantic Ocean).

      The Middle Atlantic States, trong những thập kỷ trước, là một trong những vùng quan trọng của nước Mỹ, nó chiếm một phần tư (1/4) dân số, một phần ba (1/3) tổng sản lượng kỹ nghệ của toàn quốc. Ba phần tư (3/4) sự trao đổi ngoại thương đi ngang qua 3 cảng quan trọng trong khu vực là New York City thuộc Tiểu bang New York, Philadelphia thuộc Tiểu bang Pennsylvania và Baltimore thuộc Tiểu bang Maryland.

      Nhìn một cách tổng quát thì đây là một vùng kỹ nghệ, có rất nhiều hãng xưởng công nghiệp lớn và quan trọng. Nó cũng là vùng tài chính vì có nhiều ngân hàng lớn ở New York City và Philadelphia cung cấp vốn cho những hoạt động kinh tế. Vì nặng về kỹ nghệ nên các hãng xưởng cần nguyên liệu và trao đổi hàng hoá, do đó hệ thống giao thông rất phát triển: nào là hệ thống xa lộ đường bộ, đường xe lửa; nào là đường hàng không, hàng hải đều có thể nối tới mọi miền trên đất nước. Đó là hệ thống giao thông lớn nhất trên thế giới.

    Tuy Middle Atlantic States được coi là vùng kỹ nghệ, nhưng bên cạnh đó, nó cũng là khu vực có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp thu hút du khách tới thăm. Hàng dặm này qua hàng dặm khác với những cánh đồng bát ngát được mở rộng ra. Có đồi núi cao, có những thung lũng sâu cắt bởi 3 con sông lớn chảy ra biển. Sông Hudson chảy ngang qua Tiểu bang New York; sông Delaware bắt nguồn từ dẫy núi Catskill Mountains của Tiểu bang New York, chạy xuống phía nam với chiều dài 350 dặm Anh để làm biên giới cho hai Tiểu bang Pennsylvania và New Jersey; sông Susquehanna chảy qua Tiểu bang Pennsylvania. Nếu nhìn cả 3 con sông ấy trên bản đồ ta sẽ thấy chúng gần như chạy song song với nhau để rồi cùng đổ ra biển Đại Tây Dương.

    Middle Atlantic States cũng là vùng canh nông trù phú, có nhiều nông trại. Nhưng những nông trại ở đây không lớn mênh mông như ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ mà chỉ ở loại nhỏ hay trung bình để trồng ngũ cốc, rau quả đủ cung cấp cho những thành phố lớn chung quanh. Chăn nuôi gia súc để lấy sữa, gà để lấy trứng là một phần quan trọng trong ngành canh nông. Những cây trái chính gồm táo tây, đào, lê được trồng nhiều ở hai Tiểu bang New York và Pennsylvania. Nho cũng được trồng nhiều để sản xuất rượu nho “New York State” với phẩm chất khá nổi tiếng trên thế giới.

      Nếu ai có hỏi làm cách nào để vùng Middle Atlantic States đạt được những thành quả quan trọng và nổi tiếng như ngày nay, đặc biệt về mặt thương mại và kỹ nghệ, ta có thể liệt kê một vài yếu tố thuận lợi chính sau đây:

      Thứ nhất, Middle Atlantic States là vùng cổ xưa nhất của nước Mỹ. Trừ Tiểu bang West Virginia ra, năm tiểu bang còn lại đều nằm trong liên hợp 13 Tiểu Bang Thuộc Địa Đầu Tiên của Hoa Kỳ (thuộc địa của Anh), trong số đó có hai tiểu bang được thiết lập trong đợt đầu tiên là Virginia và Massachusetts. Sau đó vài năm, cùng với những dân nơi khác di chuyển đến đây sinh sống và đã tạo điều kiện cho sự phát triển rất nhanh và khởi sắc, đặc biệt là hai Tiểu bang New York và Pennsylvania. Vào thời gian Chiến Tranh Cách Mạng (American Revolution) của Hoa Kỳ, hai Thành phố New York CityPhiladelphia đã trở thành những thành phố lớn rồi, có thể so sánh với Thành phố Boston ở Tiểu bang Massachusetts.

      Thứ hai, Middle Atlantic States có thuận lợi về mặt địa dư. Đa số những tiểu bang trong khu vực đều nằm trên bờ biển Đại Tây Dương nên ngành hàng hải và đánh cá rất phát triển. Trong thời gian đầu lập quốc, việc trao đổi hàng hoá được nhờ vào hệ thống sông ngòi của 3 con sông lớn Hudson, Delaware, Susquehanna như đã kể trên. Khi những tiểu bang Miền Tây (Western States) (dòng sông Mississippi là ranh giới Đông-Tây vào thời đó) phát triển thì nông phẩm và nguyên liệu thô của họ được cung cấp sang Miền Đông (Eastern States), hay xuất cảng ra nước ngoài đều phải đi ngang qua những hải cảng của vùng này, do đó New York City, PhiladelphiaBaltimore đã nhanh chóng trở thành những hải cảng quan trọng.

      Thứ ba, Middle Atlantic States có nhiều mỏ khoáng sản, đặc biệt là than đá và quặng sắt. Pennsylvania là tiểu bang đứng đầu toàn quốc về sản xuất than đá, West Virginia đứng hàng thứ hai. Trong thời lập quốc, những khu vực phát triển kỹ nghệ thường là những nơi có nhiều khoáng sản, tỷ như Thành phố Pittsburgh của Pennsylvania đã đứng đầu toàn quốc về sản lượng thép, giản dị là nhờ có mỏ than đá mềm (soft coal) ở ngay trong tiểu bang và nó được chở đến đó dễ dàng.

      Thứ tư, nhiều sắc dân đã di cư đến đây. Những hải cảng New York City, Philadelphia và Baltimore là những trung tâm thu hút người di dân tới lập nghiệp nhiều nhất. New EnglandThe South đa số người định cư là người Anh. Nhưng Middle Atlantic States lại là vùng mà những người đến định cư từ những nước Đức, Ba Lan, Áo, Nga, Hòa Lan, Thụy Điển, Tô Cách Lan và Wales (Anh). Những di dân này thường có nghề chuyên môn, không giống như những vùng khác. Họ sẵn sàng làm việc tại những hầm mỏ hay hãng xưởng. Họ là nguồn lao động quý liên tục đổ về, cung cấp cho những khu kỹ nghệ.

      Thứ năm, khí hậu ôn hoà, bốn mùa rõ rệt, và mưa nhiều giúp cho nông nghiệp. Vào mùa đông thì không lạnh lắm; mùa hè nóng nhưng ngắn và dễ chịu; mùa thu và xuân mát mẻ. Lợi điểm của những vùng có nhiệt độ ôn hòa là công nhân thường có năng xuất cao.

* * *

Lịch sử thành hình của Tiểu bang Pennsylvania

      Mỗi tiểu bang Hoa Kỳ, phần đông đều có một lịch sử thành hình riêng của nó. Pennsylvania cũng thế. Sự thành hình của tiểu bang Pennsylvania một câu chuyện lịch sử đầy thích thú và hấp dẫn phát xuất từ những biến cố thật bất ngờ.

      Vào tháng 10 năm 1682, một con tầu nhỏ mang tên Welcome đã từ Vịnh Delaware tiến vào con sông mang cùng tên, sông Delaware. Trên tầu gồm 70 người theo đạo Quaker. Họ từ nước Anh đến đây để tìm đất sống mới với cùng một hoài bão giống như những người Anh Pilgrims” đầu tiên đến định cư 60 năm về trước. Hoài bão của họ thật đơn giản, chỉ mong là được tự do thực hiện niềm tin tôn giáo theo sự thờ phượng riêng của họ.

      William Penn, người cầm đầu của đoàn. Ông còn trẻ, mới 38 tuổi, cao lớn và đẹp trai, đang đứng trước mũi tầu chăm chú nhìn về phía trước để tìm vị trí nơi mình sẽ định cư. Trong tay ông là những giấy tờ đã được vua nước Anh ký sẵn, ủy quyền cho ông cai quản một phần đất đã mang sẵn tên Pennsylvania, rộng lớn hơn cả chính nước Anh.

      Thân phụ của William Penn là Đô Đốc Hải Quân nước Anh, do đó ông đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong những môi trường tốt. Ông theo học tại trường đại học Oxford. Nhưng tại Oxford, ông lại chỉ thích thú với những môn học có liên quan tới tôn giáo mà đặc biệt là đạo Quaker. Chẳng bao lâu, ông đã trở thành tín đồ của đạo này. Ông đã làm thân phụ ông thất vọng nhiều vì cha ông đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi con mình trên con đường tiến thân về sự nghiệp như ông.

      Ta cũng nên biết, vào thời gian đó, nhóm người theo đạo Quaker chống lại một cách mạnh mẽ sự áp chế trong việc thờ phượng theo đức tin của các nhà thờ Anh chính thống. Người theo đạo Quaker, họ muốn hành lễ trong những ngôi nhà bình thường, không cần người chủ tế; người trong đạo hữu tự đứng lên nói về sự suy nghĩ, nhận thức và trao đổi những chứng nghiệm về đức tin của riêng mình. Họ rất dân chủ và tôn trọng sự bình đẳng của mỗi người, như từ chối việc phải ngả mũ chào với bất cứ ai, kể cả nhà vua. Họ ăn mặc giản dị, muốn sống trong tình thương, hòa ái và đồng thời chống lại mọi cuộc chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào.

      Tất nhiên, nhà cầm quyền Anh đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhóm đạo Quaker này, nhóm thường được gọi là “Xã Hội của Bằng Hữu” (Society of Friends). Chính quyền đã đàn áp những cuộc hội họp, bắt họ bỏ vào tù, đốt phá những nơi được dùng để cầu nguyện, đôi khi có đến 1.500 người Quaker bị bắt và bỏ tù trong cùng một lúc trên nước Anh.

      William Penn trở thành người đứng đầu của nhóm đạo Quaker. Ông đã từng bị vào tù nhiều lần, có lần lâu tới cả năm trời. Trong tình trạng ấy, người Quaker hướng trông về America như một miền đất hứa, nơi mà họ mong đến đó định cư để có được một cuộc sống yên bình và tự do hành đạo.

      Vào năm 1680, William Penn viết thư cho vua Charles II nhắc lại món nợ mà nhà vua đã mượn của cha ông tức Đô Đốc Hải Quân đã từ trần trước đó mấy năm. Ông đề nghị nhà vua nhượng lại đất đai tại thuộc địa ở America cho ông để trừ số nợ 16 nghìn bảng Anh đó của cha ông. Nhà vua đồng ý. Những giấy tờ giao kết đã được ký kết giữa đôi bên.

      Ông xin nhà vua cho đặt tên vùng đất mới này là “Sylvania”, tức là vùng của những khu rừng. Nhà vua đồng ý và thêm chữ Penn vào như để tỏ lòng yêu quý và vinh danh cha ông để trở thành tên Pennsylvania.

      Ngay từ đầu, nhiều người Quaker đã tìm tới, và cả những người không phải đạo Quaker ở vùng đất khác cũng di chuyển tới hòa nhập cuộc sống với họ. Thuộc địa non trẻ này, chưa đầy một năm, dân cư đã lên tới ba nghìn người. Họ là những người chăm chỉ, cần cù, sống đơn giản và thật thà. Họ có quan hệ tốt đẹp với người dân da đỏ bản sứ. Vùng đất Pennsylvania đã phát triển rất nhanh. Vào thời kỳ Chiến Tranh Cách Mạng (American Revolution), nó đã là thuộc địa lớn thứ hai trong 13 Thuộc Địa Đầu Tiên của Anh được thành lập.

      Ngày nay, vai trò quan trọng của người Quaker ở vùng này đã giảm dần, tuy nhiên ảnh hưởng của họ trong nếp sống gia đình và đời sống kinh tế vẫn còn được thể hiện một cách tích cực tại Thành phố Philadelphia, thủ đô của Pennsylvania. Dấu vết quan trọng của người Quaker ở đây là họ đã xây dựng được nhiều trường học nổi tiếng, trong đó có hai trường đại học Swarthmore Bryn Mawr. Nhiều chính khách người Quaker đã tham gia sinh hoạt chính trị một cách thành công. Trên toàn nước Mỹ hiện có hơn 200.000 người Quaker, đa số sống tại Tiểu bang Pennsylvania.

 

Nguyễn Giụ Hùng

Ghi chú:

(1) Sáu tiểu bang thuộc vùng New England: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut.

 (2) Mười một tiểu bang thuộc vùng The South: Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Tennessee, Kentucky, Louisiana, Arkansas.

 

Tài liệu tham khảo:     

- Những dữ kiện lịch sử trong bài này được người viết sưu tầm, chọn lọc và dịch hoặc phỏng dịch từ những nguồn sử liệu Hoa Kỳ.

- Hình ảnh lấy từ Internet.

 

Mời xem tiếp Chương II - Phần 1

(Thành phố Philadelphia)

2 comments:

  1. Cám ơn tác giả Nguyễn Giụ Hùng giúp ôn lại lịch sử HK và cám ơn Tố Kim đã gửi.

    ReplyDelete
  2. Thưa không có chi. Rất vui được độc giả Hoàng Yến quan tâm tới bài viết này. NGH

    ReplyDelete