Saturday, July 1, 2023

Tiểu Bang PENNSYLVANIA - Chương II - Nguyễn Giụ Hùng


CHƯƠNG II

THÀNH PHỐ PHILADELPHIA -  Phần 1

NGÔI NHÀ ĐỘC LẬP

Thành phố đầu tiên chúng tôi dự tính đến thămThành phố Philadelphia, một thành phố đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu lập quốc mà nay nó đã trở thành cố đô. Sau đó chúng tôi sẽ đi thăm một vài di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh đặc biệt của Tiểu bang Pennsylvania nếu thời gian cho phép.

      Thành phố Philadelphia đã hiện dần trước mắt chúng tôi. Xa xa, những ngôi nhà cao tầng đứng sừng sững bên kia bờ sông Delaware. Càng tiến gần hơn, những ngôi nhà cao tầng và thành phố càng hiện lần những nét cổ kính của nó với dáng vẻ của một cố đô đã được xây dựng từ khoảng trên hơn hai thế kỷ trước đây.

      Chúng tôi lái xe băng qua chiếc cầu lớn bắc ngang sông Delaware. Trên sông, tàu bè đi lại nhiều. Không xa cầu là mấy, có một căn cứ hải quân với sự hiện diện của những chiếc tầu chiến đang đậu.

       Qua cầu, chúng tôi bắt đầu đi vào ranh giới của thành phố. Xe cộ đi lại tấp nập, mọi sinh hoạt trên đường phố ở đây đúng là quang cảnh tiêu biểu của một thành phố lớn ở Hoa Kỳ, nghĩa là “ngựa xe như nước” và “áo quần như nêm”. Có một điểm đặc biệt mà chúng tôi nhận ra ngay, đó là số người da trắng đi trên đường phố thuộc về thiểu số (minority), rất thiểu số, mà thành phần đa số (majority), và rất đa số, lại thuộc về người da đen. Lịch sử đã minh chứng ở đây, sau thời kỳ nội chiến Nam-Bắc chấm dứt, những người da đen được giải phóng khỏi kiếp nô lệ đã di chuyển từ những tiểu bang Miền Nam lên những tiểu bang Miền Bắc, mà Philadelphia là một trong những thành phố mà người da đen tới định cư đông nhất.

      Chúng tôi chỉ lái xe qua vài con đường trong trung tâm thành phố rồi tìm đường ra khu chợ” Việt Nam cũng không cách xa đó là mấy. Chung quanh khu thương mại này là những “building” gạch đỏ cũ kỹ. Tôi đoán, dù có mới lắm thì chúng cũng được xây cất lên ít nhất từ trên một trăm năm nay.

Khi vừa tới “khu chợ”, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc ồn ào phát ra từ những trung tâm bán băng nhạc Việt Nam. Băng “Paris By Night” được vặn to hơn cả, đánh át những tiếng nhạc khác, dầu vậy, âm thanh hỗn hợp ấy vẫn trở nên hỗn độn.

      Trung tâm thương mại của đồng hương Việt Nam ta ở Philadelphia quá nhỏ so với những trung tâm khác như ở San Jose thuộc miền Bắc California, nơi chúng tôi đương sinh sống, và tất nhiên là nó cũng còn quá nhỏ hơn nữa so với những trung tâm thương mại lớn như ở Los Angeles của miền Nam California hay ở Houston của Tiểu bang Texas, và nó không thể so sánh được cả với những trung tâm cỡ bậc trung như ở Virginia hay Dallas. Khu thương mại ở đây tuy nhỏ nhưng vẫn có đầy đủ mọi mặt hàng và những văn phòng dịch vụ cần thiết.

      Từ bãi đậu xe, chúng tôi thấy một số tiệm nằm ngay mặt tiền của khu chợ” có mang những tên như Phát Ký Duck Noodle Home, Kim Phượng Music, Hương Quê, Wing Phát Supermarket ... Bên trong khu chợ là những hàng ăn và một số tiệm có những mặt hàng khác nhau ta thường thấy ở các trung tâm thương mại khác của người Việt. Wing Phát Supermarket khá lớn, sạch sẽ và có khá đủ mặt hàng kể cả rau tươi, hoa quả, thịt thà, đồ biển và những thức ăn khô.

      Chúng tôi ghé vào một tiệm phở để thưởng thức món ăn “đặc sản” của người Việt Nam ta. Phở ở đây cũng ngon như ở San Jose, cũng là một tô phở có “chất lượng”, nghĩa là thịt nhiều hơn bánh phở. Và nếu hỏi nhà hàng có bỏ nhiều “mì chính” (bột ngọt) vào không, câu trả lời bao giờ cũng là một câu mà ta thường nghe thấy ở một số đông nhà hàng ăn uống Việt Nam ta ở Mỹ là “có một tí xíu thôi”. Nghe trả lời như thế, dù biết là không đúng, nhưng khách ăn vẫn cứ tự cảm thấy là món ăn đó tinh khiết và sẽ an tâm hơn khi thưởng thức.

      Đã no bụng, chúng tôi trở lại khu trung tâm thành phố để đi xem những thắng cảnh và di tích lịch sử.

      Khi nói đến Philadelphia thì trước tiên là người ta nghĩ tới ngay “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” của Hoa Kỳ và cái “Chuông Tự Do” bị nứt. Chúng còn ghi lại dấu vết và hình ảnh một cách rõ rệt về những ngày trọng đại của quốc gia này trong thời kỳ lập quốc. Ngày mà cả dân tộc Hoa Kỳ quyết tâm giành lấy độc lập, tự chủ từ tay người Anh để tiến lên, trở thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới từ nhiều thập niên hay thế kỷ qua. Đó cũng là “mục tiêu” mà chúng tôi muốn ghé thăm ở thành phố này.

      Quảng Trường Lịch Sử Quốc Gia Độc Lập” (Independence National Historical Park) chiếm một khu đất rộng ở ngay trung tâm thành phố. Quảng trường này gồm nhiều khu lịch sử cổ kính, các khu văn hoá nghệ thuật và những công viên nhỏ trồng hoa như Franklin Square, Washington Square.


      Những khu lịch sử chính du khách thường lui tới nhiều nhất phải kể đến:

      - Nhà Tuyên Bố Độc Lập” (Declaration House) hay “Nhà Độc Lập” (Independence House), nơi đây cũng vừa là Toà Án (Suppreme Court), Toà Thị Sảnh Cũ (Old City Hall), Nhà Tiểu Bang (State House) và Quốc Hội. Quốc Hội, nơi hội họp của những đại biểu của 13 Tiểu bang Thuộc Địa Đầu Tiên (Original Thirteen Colonies), được lần lượt gọi là “Đệ Nhất Quốc Hội Lục Địa”, “Đệ Nhị Quốc Hội Lục Địa”, “Quốc Hội Hợp Bang” tùy theo vai trò cần thiết của từng giai đoạn lịch sử trước khi chính thức trở thành Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ được dời về Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) như hiện nay.

      -  Kế đến là chiếc chuông nứt mang tên “Chuông Tự Do” (Liberty Bell).

Đặc biệt là ở hai địa điểm này có “hướng dẫn viên” (Ranger of the National Park) giải thích về diễn tiến của những biến cố lịch sử xảy ra.

      Ngôi Nhà Tuyên Bố Độc Lập

      Trước tiên, chúng tôi đến thăm Ngôi Nhà Tuyên Bố Độc Lập. Đây là ngôi nhà hai tầng, tầng dưới được sử dụng làm phòng họp, có những bàn hình chữ nhật, trải khăn bàn màu xanh lá cây đậm. Trên mỗi bàn có cây đèn nến trắng kiểu cổ.

      Ở nơi đây, theo lịch trình đã định trước, “hướng dẫn viên” giải thích về những biến cố lịch sử diễn ra tại phòng này. Tầng trên có phòng triển lãm, tòa án, phòng họp của Nghị viên thành phố ... Chúng tôi không đi hết tầng trên này nên không ghi nhận được có những gì thêm nữa. Ít du khách bước lên tầng lầu thứ hai nên không tạo cho chúng tôi sự tò mò về nó.

      Như ta đã biết, ngày 4 tháng 7 năm 1776 là ngày trọng đại của dân tộc Hoa Kỳ, ngày “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” được “Đệ Nhị Quốc Hội Lục Địa” (xin được gọi tắt là Quốc Hội trong bài này) (1) thông qua. Nó đánh dấu sự ra đời của một quốc gia non trẻ: Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

      Nào nhé, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về bối cảnh hay hậu trường của sự thành hình “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”, mà tự bản thân nó, quả thật có nhiều điều rất khó khăn, nhưng xem ra cũng có nhiều điều khá lý thú.

      Những thành viên trong Quốc Hội lúc đó có nhiều ý kiến chống đối nhau về việc nên hay không nên tuyên bố độc lập đối với nước Anh đang cai trị 13 Thuộc Địa này. Số đông thì chống đối, họ cho là việc làm như vậy sẽ đưa tới chiến tranh. Một số thì cho là chưa sẵn sàng. Một số nhỏ ủng hộ, gồm những người thiết tha với việc phải tách những thuộc địa ra khỏi nước Anh để trở thành một quốc gia độc lập. Nhóm thiểu số này cho là chiến tranh đang xảy ra rồi ở Lexington và Concord gần Thành phố Boston, và nếu cần, họ có thể nhờ sự trợ giúp của một nước thứ ba như Pháp chẳng hạn.

   Ngày 7 tháng 6 năm 1776, một thành viên Quốc Hội là ông Richard Henry Lee của Virginia đã đưa ra một giải pháp, trước nhất là hãy soạn thảo “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”. Đề nghị này được Quốc Hội thông qua và một Tiểu ban được thành lập gồm năm người chuyên trách về công việc soạn thảo văn kiện, trong số đó có ông Thomas Jefferson.

      Thomas Jefferson là một người thông minh và lịch thiệp. Ông viết giỏi, lời văn của ông bao giờ cũng được cân nhắc sao cho những điều ông viết ra phải được giản dị, rõ ràng và chính xác nhất. Và trong quá khứ ông đã từng viết một số văn kiện quan trọng cho Quốc Hội. Trong trường hợp soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”, ông đã mất hai ngày trời để hoàn tất. Bản này được chia ra làm 3 phần.

      - Phần đầu nêu lên sự việc chính quyền Anh đã tước đoạt những quyền căn bản của người dân trong những thuộc địa.

      - Phần thứ hai nói lên sự yếu kém của Vua George III.

      - Phần thứ ba, tức phần trọng tâm, là tuyên bố độc lập, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng của Quốc Hội và toàn dân bảo vệ sự sống còn, tương lai và danh dự cho quốc gia non trẻ này.

      “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” được đệ trình Quốc Hội và được thông qua sau những ngày tranh luận gay gắt.

       Chắc ai cũng biết bản gốc của “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” của Hoa Kỳ hiện nay được cất giữ trong tòa nhà Văn Khố Quốc Gia (Archives Building), tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nó đã trở nên màu vàng cũ theo thời gian của hơn 200 năm nay. Cuối trang là 56 chữ ký của những thành viên Quốc Hội lúc đó, trong đó có những tên tuổi lừng danh trong lịch sử Hoa Kỳ như Benjamin Franklin, John Adams, John Hancock ... Và cũng trong số đó có nhiều người đã ký tên với sự lo ngại và do dự vì tình hình chiến cuộc vào thời điểm này không khả quan chút nào. Hơn nữa, chính quyền Anh chắc chắn sẽ trừng trị những người bị cáo buộc cho là phản quốc, tất nhiên là phải kể đến những người ký tên trong “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” này.

      Thế còn Jefferson, nhân vật chính viết bản dự thảo, đã có nhận thức và cảm xúc ra sao trong ngày lịch sử trọng đại ấy?

      Thế này nhé, sáng ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, Jefferson dậy sớm như thường lệ. Vì là đại biểu từ Thuộc Địa Virginia đến, ông được dành cho một căn nhà hai phòng để ở trong suốt thời gian tham dự cuộc họp Quốc Hội tại Philadelphia.

      Ngôi nhà ông ở tọa lạc tại góc Đường Số 7 (Seventh Street) và Đường High (nay là Đường Market). Sau khi tắm rửa, thay quần áo chỉnh tề mà người hầu đàn ông da đen đã chuẩn bị cho ông từ đêm hôm trước. Ông ăn sáng và sau đó ông dùng vài giờ để viết. Viết, đó là thói quen mỗi ngày của ông từ bao lâu nay. Ông đã cố gắng viết, nào là thư từ, nào là mọi vấn đề dưới nhiều đề tài khác nhau. Những bài viết của ông để lại, tính cho đến cuối đời ông, người ta có thể thu thập và đóng lại thành hai mươi tập sách lớn. Ông luôn luôn tự nhủ trong khi viết là, những điều gì được ông viết ra phải giản dị và rõ ràng nhất. “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” là một tiêu biểu điển hình.

      Sáng nay Jefferson ngồi viết vài lá thư mà trong lòng ông đang lo ngại về một số chuyện ở nhà. Vợ ông đang ốm. Đứa con gái nhỏ vừa mới mất mấy tháng trước. Ngôi nhà của ông ở Monticello, Virginia, còn đang xây dở dang, mới được một nửa. Mùa màng năm nay thất thu. Ông lại nghĩ thêm về những chiếc tầu chiến của Anh đã khai hỏa ở Norfolk thuộc Virginia quê nhà, và tình hình chiến sự biến chuyển có thể lan ra mau chóng đến toàn Tiểu bang.

      Gần 9 giờ sáng hôm ấy, Jefferson rời nhà để tới dự buổi họp Quốc Hội. Khi vừa tới trung tâm thành phố, ông có cái cảm giác thật thích thú và phấn khởi khi thấy dân chúng của thành phố, với dân số 28.000 người, đã đổ về đây đông hơn thường lệ. Tất cả 13 Thuộc Địa đang hướng về đây chờ đợi sự tách rời của họ ra khỏi sự cai trị của người Anh.

      Ngay tại cửa ra vào của Nhà Tiểu Bang, nay được gọi là Nhà Độc Lập, nơi Quốc Hội họp, ông nghe thấy tiếng hoan hô của dân chúng và cùng lúc ấy ông Benjamin Franklin cũng vừa xuất hiện. Hai ông, tay khoác tay, cùng tiến vào bên trong phòng họp. Hai ông trao đổi vài câu chuyện với ông John Adams trước khi vị Chủ Tịch Quốc Hội là ông John Handcock tuyên bố khai mạc buổi họp.

      Một vài vấn đề nhỏ được Quốc Hội đem ra bàn thảo trước. Sau đó, tới phần chính của chương trình nghị sự ngày hôm ấy, đó là sự bàn cãi cuối cùng cho bản dự thảo “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”.

      Thật ra, sự tranh cãi đã diễn ra từ mấy ngày trước, nhưng vẫn còn những điều tồn đọng cần được xem xét kỹ lưỡng thêm để hoàn chỉnh. Ông Jefferson cảm thấy thật đau lòng mỗi khi có sự thay đổi nào. Nhưng chung kết, người ta thấy những thay đổi ấy chỉ là những chi tiết nhỏ không đáng kể mà thôi.

      Sau vài giờ tranh cãi, cuối cùng, “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” được thông qua. Nó được đọc to trước Quốc Hội. Khi vừa đọc dứt, sự phấn khích được nổ bùng lên giữa những thành viên trong Quốc Hội. Họ chạy tới bắt tay nhau, cười nói và chúc mừng nhau về sự thành công. Tin tức được loan truyền ra ngoài. Những tiếng hoan hô vang lên từ đám đông. Súng cà-nông được chuẩn bị sẵn, bắt đầu khai hỏa chào mừng. Cả thành phố như sôi sục trong sự vui mừng trong suốt ngày hôm đó cho tới mãi buổi chiều tối.

      Vào khoảng 5 giờ chiều, Jefferson rời phòng họp để đến Smith’s City Tavern, nơi tụ tập của những thành viên trong Quốc Hội hay những người quan tâm tới chính trị. Đây cũng là nơi người ta thường nghe thấy những tin tức sốt dẻo về chiến sự như Paul Reverse mang tin về sự đóng cửa cảng Boston, tin tức về trận đánh ở Lexington hay Concord.

      Ông Jefferson dùng cơm tối với bạn bè ở đây. Họ nói với nhau về những biến cố trong ngày, bàn thảo về tương lai của quốc gia vừa mới thành lập.

      Mười một (11) giờ đêm, ông trở về nhà, mệt mỏi leo lên tầng hai của căn nhà ông ở trên đường High. Đối với ông, hôm nay quả thật là một ngày dài, nhưng thật là một ngày vui. Ông sung sướng với kết quả đạt được. Ông nghĩ, một quốc gia bé nhỏ với dân số khoảng 3 triệu người của ngày hôm nay, biết đâu, trong tương lai nó lại chẳng trở nên một quốc gia vĩ đại và “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” do ông soạn thảo sẽ trở thành một văn kiện lịch sử sau này.

      Mặt khác ông lại nghĩ tới cuộc chiến tranh đang diễn ra có nhiều bất lợi so với ưu thế của quân Anh. Đây thật là thời gian khó khăn cho tất cả mọi người. Ông cũng tự hỏi một cách tiêu cực, chẳng lẽ ông và các bạn đồng viện của ông lại vừa chiến đấu cho một cuộc chiến thất bại và để rồi những thành quả vừa đạt được sẽ tan ra mây khói? Ông chợt nghĩ về nhà, về người vợ đau yếu mà chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm.

      Ông lấy chiếc đàn vĩ cầm ra chơi một lúc để mong quên đi những suy nghĩ vừa rồi đã làm ông trở nên mệt mỏi và xáo trộn trong lòng.

      Tiếng chuông vẫn còn tiếp tục reo vang trong Thành phố Philadelphia để chào mừng ngày ra đời của một nước Hợp Chủng Quốc. Ông tắt đèn, đứng yên trong bóng đêm nhìn ra cửa sổ hồi lâu rồi mới lên giường ngủ.

     Thomas Jefferson (1743-1826) là Tổng Thống Thứ Ba của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông là một trong những tổng thống được xem là nghèo nhất. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình, trong đó có cả trách nhiệm kế thừa một khoản nợ từ cha vợ. Nguồn thu nhập chính từ đồn điền không đủ sống và cho đến cuối cuộc đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên tiểu bang Virginia xin bán đấu giá đất tư của mình, nhưng chính phủ tiểu bang từ chối. Chỉ sau khi ông chết, bất động sản đó của ông mới được đem ra bán đấu giá để trả nợ và người con gái thì phải sống nhờ vào quỹ từ thiện.

     

Ghi chú:

 (1)  * Đệ nhất Quốc Hội Lục địa được triệu tập ngắn hạn để đối phó với Vương quốc Anh vừa thông qua những đạo luật không khoan nhượng (intolerable acts) đối với người thuộc địa. Nếu người Anh không chấp thuận giải quyết thì sẽ triệu tập Đệ Nhị Quốc Hội Lục địa.

        * Đệ Nhị Quốc Hội Lục địa nhóm họp năm sau đó để giải quyết những vấn đề phòng vệ và điều hành chống lại người Anh qua cuộc Chiến Tranh Cách Mạng và thông qua Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

        * Quốc Hội Hợp bang thay thế Đệ Nhị Quốc Hội Lục địa, sau khi đã hoàn toàn độc lập, để soạn thảo các “Điều Khoản Hợp Bang” hầu thống nhất 13 thuộc địa cũ. Sau đó Bản Hiến Pháp ra đời thay thế những “Điều Khoản Hợp Bang” để có một chính quyền Trung Ương mạnh và để tiến đến Quốc Hội Liên Bang và Tổng Thống qua dân cử như ngày nay.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Mời xem tiếp Chương II-Phần 2

(Chuông Tự Do và 13 Tiểu Bang Thuộc Địa Đầu Tiên)


Mời đọc lại

Chương I:

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/06/tieu-bang-pennsylvania-chuong-1-nguyen.html

2 comments:

  1. Thưa, Ngày 2 tháng 7 năm xưa 1776, tại hội trường Independence Hall, Philadelphia, Pennysylvania, phiên bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ đã được các đại biểu của Hội Nghị bỏ phiếu thông qua, đưa ra nguyên nhân và quyết nghị sự độc lập của mười ba thuộc địa Bắc Mỹ ly khai khỏi Vương Quốc Anh.
    Cảm ơn tác giả Nguyễn Giụ Hùng và Tố Kim trình bày.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn độc giả Hoàng Yến đã quan tâm tới bài viết này và đã đóng góp những dữ kiện để cùng tham khảo thêm. Không những ngày Tuyên bố Độc lập Hoa Kỳ mà ngay cả ngày rung chuông Tự Do cũng có những dữ kiện thời gian khác nhau từ những nhà sử học. Người viết chỉ chọn lựa những dữ kiện được coi là phổ thông và chính thống. Cám ơn chị Tố Kim đã chuyển lời đóng góp này cho tôi. Kính chúc độc giả Hoàng yến và chị Tố Kim nhiều sức khỏe.
      NG Hùng

      Delete