Friday, August 16, 2019

Đừng Quên Cái Chính - Sương Lam


Người viết thích lang thang trên mạng để tìm tài liệu hay hay lạ lạ đem về đây chia sẻ với bạn bè.  Đây là niềm vui trong ngày của tôi vì qua đấy tôi học được thêm những bài học mới để mở mang kiến thức, để con tim và tấm lòng của mình đón nhận thêm những tình cảm yêu thương, dịu dàng từ mọi nguồn tâm linh khác nhau, không phân biệt tôn giáo.
Hôm nay, người viết xin mời quý bạn đọc một câu chuyện dưới đây để rồi sau đó bạn có thể biết được mình là ‘Tôi là ai ”, bạn nhé.
Cây  Nghiêng Về  Phía Nào, Thì Sẽ  Ngả Về Phía Đó 
Như một định luật, cây nghiêng về phía nào thì chắc chắn sẽ ngả về phía đó.  Tư tưởng con người cũng vậy.  Một người  khi tâm tư hướng về đâu, sự suy nghĩ cũng sẽ được quy hướng như vậy.  Trong sách Veritas có thuật lại một câu chuyện để xác minh điều đó là chính xác.

Không gì đẹp bằng 
Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình.  Một cụ già nọ đã kể câu chuyện như sau:
“Ngày nọ, tại một đỉnh núi cao, người ta thấy ở chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy  nhau.  
Một em bé ngây thơ buột miệng nói: “Hai bóng đen đó là ba và má đang ôm nhau. 
Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu:  “Đó là hai tình nhân quấn quýt nhau.
Một người khác có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: “Hẵn họ là 2 người bạn gặp lại nhau sau nhiều ngày xa nhau.”
Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến việc tiền bạc thì lại quả quyết:
“Đây là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn.”
Một người đàn bà có trái tim trìu mến thì thốt lên: “Đây là một người cha trở về từ chiến trận, đang ôm lấy đứa con gái của mình.”
Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý:  “Đây phải là 2 người đàn ông đấm đá vật lộn nhau, trong một cuộc giao chiến một mất một còn.”
Một người đàn ông không màng đến những gì xảy ra xung quanh mình lên giọng: “Ai mà biết được họ đang ôm nhau hay cắn xé nhau.”
Nhưng sau cùng, một vị thánh có quả tim Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hoà: “Không có gì đẹp cho bằng hai người ôm nhau.”

Kể xong câu chuyện này.  Cụ già đưa ra kết luận:  “Mỗi một tư tưởng của Bạn để lộ bạn là ai.”  Bạn nên tự vấn lương tâm xem như bạn thường tưởng nghĩ đến những gì.  Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết:  Bạn Là Ai!

(Trích trong Bản Tin của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm số 12  tháng 7 & 8  năm 2007  Portland, Oregon)


Bạn có đồng ý với tôi khi còn trẻ chúng ta có những ý nghĩ, hành động khác với lúc “tuổi hạc khá cao” bây giờ không?

Hãy nhìn đứa bé mới sinh ra đẹp như một thiên thần trong giấc ngủ dù đôi khi cháu nhăn mặt nhíu mày, nhưng vẫn dễ thương làm sao đấy! Vì sao thế? Chắc hẵn bạn sẽ  đồng ý với người viết  là: tâm hồn cháu bé rất trong sạch, tinh khiết “chưa lấm bụi trần.” cho nên bé rất dễ thương!

Đứa bé lớn dần lên, bắt đầu nhiểm lây những thói hư tật xấu của môi trường xã hội, của những người sống chung quanh bé: ông bà, cha mẹ, anh em, thân nhân xa gần, bạn bè, hàng xóm láng giềng v..v.. cho nên đã tạo tác thêm những nghiệp tội do vô minh dẫn dắt.  
Tuy nhiên, đương sự cũng có thể học được những điều hay lẻ phải, lối sống tốt đẹp để xây dựng thêm những nghiệp lành hạnh tốt.  Cho nên đôi khi trong giấc ngủ, họ có thể gặp nhiều mộng đẹp nên họ mỉm cười duyên dáng. Đẹp quá! Và đôi khi họ có thể gặp ác mộng nên khi ngủ họ la hét um sùm, nghiến răng trèo trẹo. Ghê quá!

Con người có tính ý đẹp đẻ hay ghê xấu một phần do hoàn cảnh và tha nhân bên ngoài ảnh hưởng đến, nhưng phần lớn là do tâm ý của mình quyết định nên không thể than trách ai được.  Người xưa thường nói “Tiên trách bỉ, hậu trách nhân” là thế!
Có một bài học mà người viết nhớ mãi là Bài học Cây Đinh đã giúp ta hiểu biết thêm về giá trị của sự khoan dung.          
Bài học Cây Đinh  
Có một cậu bé trai, nó có cái tật xấu là ưa nổi nóng quạu quọ, vì vậy, cha của nó đã đưa cho nó một túi đinh;Lại bảo nó, mỗi khi nó có nổi nóng quạu quọ thì hãy đóng một cây đinh lên trên bờ rào phía sau vườn nhà.

Ngày thứ nhứt, nó đóng được 37 cây đinh. Và từ từ mỗi ngày số đinh được đóng lên bờ rào mỗi ít đi. Nó cũng đã phát hiện là nó đã khống chế được cái tật xấu của nó cũng như cái việc đóng những cây đinh có hơi dễ dàng,
Cuối cùng, có một ngày kia cậu bé này cũng thấy là mình vẫn đủ nhẫn nại để không nổi lên cái tật xấu nóng nảy quạu quọ nữa, nó báo cho cha nó biết việc này.
Cha nó lại bảo nó, bắt đầu từ nay, mỗi khi nó khống chế được cái tật xấu của nó thì hãy đi nhổ một cây đinh.  

Ngày ngày trôi qua, sau cùng thì nó báo cho cha nó hay là, nó đã nhổ hết những cây đinh rồi.
Cha nó nắm tay nó, cùng đi ra sau vườn nhà và nói rằng: “Con của cha, con ngoan lắm, con làm rất hay. Nhưng mà hãy nhìn những cái lỗ đinh trên bờ rào, cái bờ rào này không thể hồi phục được cái nguyên trạng của nó nữa. Một khi con nổi nóng thì những lời nói của con nó cũng giống như những cái lỗ cây đinh này, chúng đã để lại những vết hằn.

Giả dụ như con dùng dao đâm người ta một dao, thì bất luận là con đã nói bao nhiên lần những lời tạ lỗi, cái vết thương đó nó vẫn sẽ vĩnh viễn còn đó.
Những lời nói nhức nhối cũng ví như sự nhức nhối thực tại, không làm sao chấp nhận được (dù đó chỉ là lời nói)”. 

Ghi chú: Giữa người và người với nhau, thường do sự kiên trì về cố chấp bởi những lỗi lầm giữa đôi bên, đã tạo nên những thương tổn vĩnh viễn cho nhau. 

Nếu mọi người trong chúng ta đều có thể tự mình làm, bắt đầu có thái độ khoan dung đối với  mọi người, bạn nhất định sẽ nhận được những kết quả tốt mà bạn không hề nghĩ tới... Giúp mở cánh cửa sổ cho người ta, cũng là để cho chính mình nhìn thấy được một không gian hoàn chỉnh hơn. 
(Nguồn: sưu tầm trên internet- Không thấy đề tên tác giả)

Người viết xin mượn bài viết dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.

Câu chuyện với lời nhắc nhở thật hay, hữu ích:

ĐỪNG QUÊN CÁI CHÍNH

Một người đàn bà nghèo khổ bế đứa trẻ đi ăn xin, một lần bà ta đi ngang qua một cái hang. Bỗng nghe văng vẳng bên tai: "Ngươi có thể vào trong và lấy bất cứ thứ gì mình muốn, nhưng đừng quên cái chính và hãy nhớ một điều: sau khi ngươi trở ra thì cửa hang sẽ đóng lại vĩnh viễn, tuy vậy hãy lợi dụng cơ hội hiếm có này và nhớ đừng quên cái chính".

Nghe lời bà ta đi vào trong hang. Bà bị lóa mắt bởi vô số những thứ quý giá: vàng bạc, châu báu, kim cương. Bà ta đặt đứa con xuống và bắt đầu nhặt mọi thứ có thể và nhét hết vào mọi nơi trên người. Bên tai văng vẳng lời nhắc nhở: "Ngươi chỉ có 8 phút thôi và đừng quên cái chính!"

Sau khi đã nhét đầy người vàng bạc châu báu cũng là lúc hết giờ. Bà ta vội vã rời khỏi hang, cũng là lúc cửa hang đóng sập lại. Chợt bà ta sực nhớ đến đứa trẻ còn ở trong hang. Bà ta vứt tất cả vàng bạc châu báu đã lấy được và lăn ra khóc lóc vật vã. Nhưng chẳng ích gì vì cửa hang đã vĩnh viễn đóng lại.

Trong cuộc đời chúng ta cũng có khoảng 80 năm để sống ở đời và từ trong sâu thẳm đáy lòng luôn có một âm thanh nhắc nhở chúng ta:
"ĐỪNG QUÊN CÁI CHÍNH"
  
Nhiều khi con người vì ham kiếm thật nhiều tiền, nhiều khi ăn chơi vô độ, hoặc chạy theo danh vọng, sắc đẹp mà quên đi cái chính của cuộc đời: 

ĐÓ LÀ CHĂM CHÚT ĐỜI SỐNG TÂM LINH, CHO GIA ĐÌNH, CHO NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU LÀ CHA MẸ, CON CÁI, VỢ CHỒNG.... là giá trị của đạo đức làm người. 
Nhoáng cái đã hết 80 năm. Đến khi sắp nhắm mắt mới nhận ra mình đã quên đi cái chính thì ôi thôi đã muộn.... !!!
(Nguồn: sưu tầm trên internet- Không thấy đề tên tác giả)

Xin mời thưởng thức Youtube Thập Mục Ngưu Đồ nói về cái Tâm của chúng sinh, nghe nhạc để lòng thấy thanh thản dăm ba phút.Smile!

Youtube Thập Mục Ngưu Đồ  - Suong Lam Portland Youtube Channel

10 Tranh Thiền nói về Tâm của con người.


Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 477-ORTB 897-81419)
Sương Lam

2 comments:

  1. Bài viết rất hay, rất chí lý.
    Cám ơn chị Sương Lam.
    TK

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Tố Kim đã post bài viết này lên trang nhà của em để các thân hữu của chúng ta biết thêm một bài học hữu ích cho cuốc sống hằng ngày.
    Chị em mình "song kiếm hợp bích" chia sẻ những điều hay đẹp đến bạn bè nha em Smile!
    Chúc an lạc.

    Chị Sương Lam

    ReplyDelete