Pages
- Trang Chủ
- About Me
- Truyện Ngắn
- Sưu Tầm
- Sưu Tầm from 2020
- Góp Nhặt Bên Đường
- Nhạc Chọn Lọc
- Sưu Tầm Sức Khỏe
- NPN's Recipes
- Trang Người Phương Nam
- Cười Ý Nhị
- PPS + YouTube Chọn Lọc
- Những Hình Ảnh Ý Nghĩa
- Thơ
- Thơ from 2020
- Bùi Phương Lưu Niệm
- Trang Anh Ngữ
- Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ
- Truyện Dài : Ngày Tháng Buồn Hiu
Thursday, July 3, 2025
Bài Tình Thơ Tháng Bảy - Sương Lam
Tháng Bảy xứ Mỹ rộn rã tiếng pháo mừng Ngày Độc Lập.
Những năm mới đến xứ Mỹ, người viết cũng nôn nao sửa soạn mền chiếu, thức
ăn thức uống để sang Vancouver, WA xem đốt pháo bông và cùng chung vui với cư
dân sở tại. Thật là náo nhiệt, thật là vui vẻ. Những năm sau này, người
viết ở nhà xem đốt pháo bông trên Tivi cho “tiện việc sổ sách” để khỏi mệt tấm
thân “không còn trẻ nữa” của mình.
Nhìn những chùm pháo bông sáng đẹp trên bầu trời, nhìn
những em bé nhảy múa ca hát vô tư, nhìn những nụ cười ánh mắt của người dân Mỹ
đón mừng lễ hội một cách thoải mái, tự do trên màn ảnh, tôi thấy đất nước Mỹ
này quả thật an bình, hạnh phúc. Tự nhiên trái tim của một người sống hơn
30 năm nơi xứ người bừng dậy lên tình cảm vui buồn lẫn lộn. Tôi ngậm ngùi nhớ đến
chuyện xưa tích cũ nên đã cảm hứng viết xuống bài thơ Bài Tình Thơ Tháng Bảy để
nói lên tâm sự của mình. Người viết nghĩ rằng đó cũng là tâm tình của những
ai cùng một nhịp đập trái tim tình cảm như tôi.
Người viết xin được chia sẻ tâm sự này đến với các bạn và hy vọng rằng quý bạn sẽ cảm thông với người viết. Xin cảm tạ quý bạn.
Bài Tình Thơ Tháng Bảy
Tháng Bảy quê người hoa
đăng lễ hội
Mừng đón Ngày Độc Lập với Tự Do
Pháo nổ trên cao, thiên hạ chuyện
trò
Khắp chốn muôn nơi, mọi người ca
hát
Tháng Bảy quê mình nắng vàng bãi
cát
Cái nóng nung người đỏ lửa Trị
Thiên
Đại lộ kinh hoàng thuở nọ hiện tiền
Bao già trẻ gánh gồng đi lánh nạn
Tháng Bảy nơi đây nắng hồng buổi
sáng
Hoa nở đầy vườn muôn sắc khoe
xinh
Khắp chốn muôn nơi, đờn trống xập
xình
Mừng ngày Độc Lập hơn hai trăm
năm lập nước
Tháng Bảy chốn xưa, kẻ sau người
trước
Lẳng lặng ra đi bỏ cửa bỏ nhà
Bỏ lại quê hương, cha yếu mẹ già
Tìm bến Tự Do ở nơi xa chốn lạ
Một kiếp thuyền nhân lênh đênh
nơi biển cả
Sóng nước bập bềnh trôi nổi chiếc
thuyền con
Quyết chí ra đi với hy vọng sống
còn
Cho con trẻ được sống đời hạnh
phúc
Rồi thoáng đó, bóng thiều quang
bay vút
Và bây giờ đã mấy chục năm qua
Đã bao lần Tháng Bảy lại trôi qua
Đã bao lúc ngắm pháo bông rực rỡ
Và tự hỏi: biết có ai trăn
trở
Nhớ tích xưa Chức Nữ với Ngưu
Lang
Tháng bảy mưa Ngâu, cầu Ô Thước
nhịp nhàng
Đưa ta về trùng phùng người thân
cũ
Những đứa trẻ lớn lên nhớ gì về
quê cũ
Những người già nằm xuống hồn
phách ở nơi đâu
Nhìn người vui sao ta lại ưu sầu
Ta viết xuống Bài Tình Thơ Tháng Bảy
Sương Lam
Người viết lại lang thang trên internet đi tìm tài liệu
về ngày lễ quốc gia quan trọng này đem về đây chia sẻ với quý bạn để chúng ta,
dầu muốn dầu không, một khi đã sống ở xứ Mỹ này cũng cần nên biết tại sao dân Mỹ
đã đón mừng ngày Lễ Độc Lập này một cách tưng bừng, náo nhiệt như thế? Xin
mời quý bạn đọc qua tài liệu dưới đây:
Ngày Độc lập Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, Ngày Độc Lập, còn gọi là 4 tháng 7 (the 4th
of July), là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký
năm 1776.
Ngày lễ này thường được đi kèm với những cuộc diễu
hành, liên hoan ngoài trời, và nhiều buổi lễ công cộng. Từ năm 1777, pháo bông đã được đốt để đón mừng ngày lễ.
Lịch sử
Tuy ngày 4 tháng 7 đã được kỷ niệm từ lâu, nhiều người cho rằng ngày này không
chính xác. Trong cuộc Chiến
tranh Cách mạng, những người thuộc địa
ở vùng Tân Anh (New England) đã đấu với Anh từ
tháng 4 năm 1775. Kiến nghị đầu tiên trong Quốc
hội Lục địa để giành độc lập được đưa ra
trong ngày 8 tháng
6. Sau khi có nhiều bàn cãi, Hội
nghị đã bí mật bầu (12-0) đòi độc lập từ Đế quốc
Anh trong ngày 2 tháng 7. Hội nghị sau đó sửa đổi văn bản tuyên ngôn cho đến sau 11 giờ
ngày 4 tháng 7, khi 12 thuộc địa bầu chấp nhận và đưa ra một phiên bản chưa ký
cho các nhà in. (New York không bầu trong cả hai cuộc). Philadelphia đón mừng Tuyên ngôn bằng cách đọc nó với công chúng và đốt lửa
mừng trong ngày 8 tháng
7. Mãi đến ngày 2 tháng 8 thì một phiên bản sạch mới được các thành viên trong hội nghị
ký, nhưng vẫn giữ bí mật để họ khỏi bị quân Anh đánh trả đũa.
John Adams, được Thomas
Jefferson cho là một trong những người
quan trọng nhất trong phía đòi độc lập, viết thư cho vợ Abigail trong ngày 3 tháng 7 rằng ông tin rằng ngày 2 tháng 7 sẽ được kỷ niệm làm ngày độc lập trong các thế hệ tới. Ông đã
sai hai ngày. Tuy biểu quyết trong ngày 2 tháng 7 là việc quyết định, ngày 4 tháng 7 là ngày được viết
trong bản tuyên ngôn. Văn bản của Jefferson, sau khi được Hội nghị hiệu đính,
được chấp nhận trong ngày 4. Đó cũng là ngày đầu tiên dân chúng Philadelphia
nghe được tin về việc đòi độc lập chính thức này.
Phong tục
Ngày Độc lập được chào đón với những biểu hiện yêu nước.
Nhiều nhà chính trị thường đọc diễn văn ca ngợi các di sản và người dân của Hoa
Kỳ. Các gia đình thường làm cuộc liên hoan ngoài trời, thường tụ họp với những
người bà con ở xa, vì được nghỉ nhiều ngày cuối tuần hơn. Các cuộc diễn hành được
diễn ra sáng ngày 4, vào buổi tối thường có pháo bông ngoạn mục. Trong dịp lễ
thì nhiều gia đình treo cờ Hoa Kỳ ở trước nhà để mừng
Trong một số tiểu bang, dân thường được phép mua pháo
bông nhỏ hơn để đốt. Vì lý do an toàn, một số tiểu bang cấm điều này hay hạn chế
cỡ của pháo bông.
(Nguồn: Trích trong vi.wikipedia.org)
Mời quý bạn thưởng thức youtube dưới đây do
Sương Lam thực hiện thay cho lời kết bài tâm tình hôm nay của người viết, bạn
nhé.
Youtube Mừng Ngày Quốc Khánh nước Mỹ - Happy 4th of
July
Sương Lam thực hiện
Happy 4th of July
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống
vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi
Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet,
qua điện thư bạn gửi-MCTN 768-ORTB 1199- 7-2-2025)
Sương Lam
Website:
www.suonglamportland.wordpress.com
Wednesday, July 2, 2025
Tình Chiến Hữu: Chiếc Xe Lăn - Nguyễn Phước Bảo Tiên
I.
Nhìn qua cửa kính từ
bồn rửa tay, bệnh nhân đã được tiền mê. Nhân viên phòng mổ đang chuẩn bị dụng
cụ. Tôi dùng vai bên phải đẩy cửa bước vào. Một cô y tá choàng áo cho tôi, rồi
đeo găng tay. Luôn luôn là latex số bảy rưỡi. Anh nhân viên gây mê nhìn tôi,
nhẹ nhàng nói qua khẩu trang: “Chờ ông”. Dưới ánh đèn sáng rực, tôi nhìn lại
một lần cuối đầu gối bên phải của bệnh nhân. Cần phải cắt bỏ một phần ba dưới
xương đùi và làm lại mỏm cụt. Sau đó, mới có thể lắp ráp chân giả vào được.
Không phải ca mổ cấp
cứu nên anh em trong toán phẫu thuật có thể hỏi nhỏ nhau: “Sao để lâu vậy nhỉ.”
Không có điều kiện. “Thế ban đầu bị cái gì.” Mìn nổ, bay mất hai cẳng chân,
chuyển từ tiền phương về trong tình trạng shock. Bác sĩ lúc đó chỉ có thể tháo
khớp gối cứu mạng. Không ngờ bệnh viện đóng cửa, để luôn cho đến nay. “Đau lắm
nhỉ.” Ừ không hiểu sao bệnh nhân chịu đựng nỗi. Periosteol, màng xương, là vùng
chịu cảm giác đau nhiều nhất.
Chuẩn bị và săn sóc
thì lâu nhưng ca mổ chỉ kéo dài khoảng 45 phút là xong. Tôi bước ra ngoài, viết
hồ sơ bệnh án và thuốc men hậu phẫu. Xong thay áo bước xuống khu hồi sức.
Bên ngoài nắng đã lên
rất cao.
ll.
Bác Bảy đánh cộp cốc
rượu xuống bàn, hít sâu một hơi thuốc lào. Nhả khói, rồi lên giọng:
“Mẹ kiếp! Ông là trung
sĩ thủy quân lục chiến, lữ đoàn đóng ở Mỹ Chánh, bảo vệ phía bắc Huế. Đang chỉ
huy tiểu đội đuổi theo môt toán Sao Vàng thì mìn nổ. Nó hất tung ông lên tuốt
trời xanh. Khói và cát bay mù mịt, thằng em chạy bên cạnh cũng lãnh đạn như
thế. Xong chẳng biết gì nữa. Tỉnh dậy trong hầm bệnh viện dã chiến, nghe loáng
thoáng các bác sĩ bảo nhau: ‘Bên trái cưa, bên phải tháo khớp. Chờ trực thăng
đưa về sau.’ Rồi ông lại mê tiếp. Chẳng thấy đau đớn gì cả. Có lẽ mấy thằng em
lụi morphine nhiều quá. Chỉ buồn ngủ. Người lả đi như con bún. Ngo ngoe không
nỗi một ngón tay!”
Đám thanh niên trong
quán chăm chú lắng nghe. Đa số là thanh niên xung phong, đi vùng kinh tế mới.
Buổi tối tụ tập, thắp đèn dầu ngồi lai rai với nhau. Có thằng hỏi tiếp:
- Rồi sao bác về đây?
- Hộ khẩu.
- Nghĩa là sao?
- Là hậu khổ. Thằng
này ngu quá! Chính quyền bắt về địa phương cư trú. À, ông chưa kể xong,
mày cứ cắt ngang hông. Còn rượu không. Rót!
Không khí vui hẳn lên,
giữa đám đông nghèo cùng cực của vùng núi non heo hắt. Mới tám giờ tối. Khí
lạnh đã bao trùm cả vùng đồi hoang sơ Tiên Lãnh này. Ban ngày, họ lên rừng cắt
dây mây, ôm lại thành từng bó; chiều đem về đếm lại cho hợp tác xã mây tre. Những
người không lao động được thì chẻ, gọt, tước ra thành từng sợi nhỏ. Nhóm khác
thì đan lại thành những cái quạt, cái đập bụi, ghế mây. Nghe nói nhà nước xuất
cảng qua tận Liên Xô!
Bác Bảy cao hứng kể
tiếp.
- Rồi chẳng có trực
thăng gì ráo. Tối hai lăm tháng ba, ông được xe cứu thương chở về bệnh viện
Mang Cá, Huế. Họ chuyền máu, thuốc men, nói vài hôm sẽ chuẩn bị mổ lại. Súng
đạn vẫn nổ ầm ầm ngoài xa. Chiều hôm sau, mở mắt thấy cả khu bệnh xá vắng vẻ lạ
thường. Nghe mấy ổng đã quyết định bỏ Huế. Ngồi dậy, choáng váng lắm. Một tay
trung uý quân y. Bơ phờ. Có lẽ suốt cả tuần làm việc không ngủ. Cái tay này
được lắm. Dễ thương hết sức. Ở lại với thương binh đến giờ phút chót. Cái giờ
thứ 25 ấy, bọn bây chả hiểu gì đâu.
Rồi sao nữa- Bọn trẻ
lao nhao hỏi:
- Tay bác sĩ bế ông
lên chiếc xe lăn duy nhất còn lại, rồi đẩy vội ra ngoài sân. Cứ vài ba phút lại
có tiếng hoả tiễn, đại bác bay lạc qua đầu. Không khí đầy mùi pháo, mùi thuốc
súng, một y tá nhét ông lên xe dodge rồi cùng nhiều bệnh nhân khác chạy xuôi về
Nam.
- Thế gia đình bác
đâu?
- Tán loạn, biết đâu
mà tìm, hỏi cắc cớ!
Làm tiếp một điếu
thuốc lào nữa, lim dim đôi mắt, ông chậm rãi kể:
- Mất hai ngày
mới vượt qua đoạn đường trăm cây số. Đến được Đà Nẵng, gặp gia đình vài ngày
thì cái thành phố này tiêu luôn. Thật là khỉ gió! Chưa đánh nhau đã tan hàng.
Coi như ông gãy súng.
Rồi ông hề hà:
- Có chiếc xe lăn, đỡ
lắm, ban ngày ông nấu cơm, lo việc nhà. Cho đến khi nhà nước bảo phải đi kinh
tế mới lập nghiệp. Lưu lạc nơi này. Ấy, mới có chuyện kể các chú nghe.
lll.
Bác Bảy đến tìm tôi
một chiều mưa, quán cà phê nhỏ vàng vọt ánh đèn dầu vắng khách. Co ro và rút
người vào trong tấm áo mưa, hai tay chầm chậm giữ xe đứng yên, chiếc xe lăn là
tài sản cuối cùng ông có được sau cuộc chiến. Bác lúi húi moi ra một điếu thuốc
lá. Nhẹ nhàng để trong lòng bàn tay tôi và nói:
- Nhờ bác sĩ, mỏm
xương đùi đã hết đau. Từ từ sẽ kiếm cách đi chân giả hoặc đeo nạng gỗ. Có chút
chuyện gia đình, cho phép được không?
Tôi mỉm cười, lấy điếu
thuốc châm lửa cho ông vui lòng. Gió chiều hôm ấy rất lạnh. Có những hạt mưa
phùn bay lất phất qua hàng hiên. Miền Trung vào mùa đông thường mưa và lạnh kéo
dài cả tháng.
- Giúp được gì, tôi sẽ
gắng.
Ngần ngừ một lát, ông
nói:
-Tôi cần tiền. Muốn
bán cái xe lăn này.
Tôi cắn chặt điếu
thuốc, nó chợt như muốn rớt. Cái cảm giác tê rần trên môi và cay cay trong mí
mắt. Nhìn thẳng vào mắt ông, đôi mắt vẫn sáng rực sức sống.
- Nhưng nó là đôi chân
của bác. Tôi bảo.
- Cả tuần rồi, sáng đi
ra chợ Cồn, chiều về tay không. Chả có ma nào dám mua. Tôi biết bác sĩ có nhiều
bệnh nhân trong thành phố.
- Rồi sống làm sao khi
không có nó? Tôi sẽ có cách. Tôi sẽ
không chết, nhưng cả gia đình tôi chẳng sống được vì hết gạo. Bọn nhỏ cháo
cả tháng nay. Ngày một bữa. Đói rã người!
lV.
Nhớ lại có bệnh nhân
người Hoa ở cuối phố. Vỡ mạch máu não. Liệt nửa người đã hơn mấy năm nay, chữa
trị thế quái nào mà hồi phục được. Gia đình cần xe lăn. Một phần cho dễ dàng
trong cuộc sống, một phần để đưa vào Sài Gòn, gặp phái đoàn phỏng vấn đi đoàn
tụ nước ngoài. Cũng âu do duyên nghiệp. Thế là tôi cho địa chỉ bác Bảy để họ
thương lượng nhau.
Gia đình người bán vui, có tiền mua gạo qua cơn bĩ cực. Người mua cũng vui. Chỉ có tôi và bác Bảy ngỡ ngàng nhìn nhau. Không nói được gì. Lặng lẽ. Tôi chỉ cho bác cách đệm làm chân giả, chống nạng để tạm sống qua ngày. Chúa ơi, thời 1980, bác sĩ như chúng tôi làm việc chưa đủ sống, hẳn là giúp người khác.
Thời gian, cuộc sống
cứ thế trôi đi. Tôi cũng ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả, những mơ ước và hoài
bão, muốn xây dựng một cái gì tốt đẹp hơn cho quê hương mình… Thế nhưng, cái
mặc cảm để một chiến binh trên bước đường cùng. Tàn phế. Phải chịu đau khổ hơn.
Đày đọa hơn, làm tôi không ngủ yên. Nhiều đêm, trong giấc mộng, tôi vẫn thấy
hình ảnh bác Bảy trở về. Không xe lăn, không nạng gỗ. Lê lết trong thành phố
bởi thiếu hẳn đôi chân, giữa muôn ngàn người qua kẻ lại vô tình.
Năm 1996, tôi điện
thoại cho Wheel For Humanity, một tổ chức vô vụ lợi ở Hollywood. Tôi bảo, muốn
xin một xe lăn gởi về Việt Nam. Khi đến gặp họ, tôi thấy hàng chục người đang
làm việc tình nguyện, không lương. Đây là một tổ chức chuyên đi xin, quyên góp,
lượm lặt xe lăn cũ. Xong họ đem về chùi rửa, vô dầu mỡ, sửa sang lại rồi gởi đi
khắp thế giới cho người khuyết tật.
- Bạn có kích thước,
cân nặng của bệnh nhân không?
- Tôi nói bừa. Đàn
ông, nặng trăm ba mươi pounds, cao năm feet năm.
Họ bảo OK, một tuần sau sẽ có, ông bạn có thể tự lo chi phí gởi về được chứ. Nhanh nhất là gởi bằng đường hàng không.
V.
Sau hơn hai mươi năm
xa nhà, tôi đáp máy bay xuống phi trường Đà Nẵng. Thành phố thay đổi chóng mặt
với những phố xá và nhà cao tầng. Trông bên ngoài, ai cũng có vẻ no ăn đủ ấm.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn ba mươi lăm năm rồi.
Tôi mua vé tàu lửa đi Huế. Tàu dừng lại ở Lăng Cô vài phút, tránh chuyến từ Bắc đi vào. Không khí ồn ào hẳn lên vì các em bé nhào lên, mời mua kẹo, mua quà. Trời rất nóng và ẩm ướt. Sân ga ngập trong mùi gió mằn mặn của biển. Xen lẫn trong âm thanh ầm ĩ ấy, vang vọng tiếng hát của vài người hành khất bên đường. Có người hát cải lương, có người hát nhạc tự chế. Cái bài hát ngày xưa tôi cho là sến - Xuân này con không về - bây giờ nghe cũng thấy hay hay. Có lẽ nó đi vào đúng tâm trạng mình những ngày xa xứ.
Tàu hú còi chuẩn bị
chạy. Cửa sổ kính được kéo xuống, có người nào đó bật máy lạnh lên. Rồi tàu từ
từ lăn bánh. Tôi vẫn nhìn hai bên vệ đường. Phía trước, tay phải, dưới bóng cây
là một người đang đàn guitar, cái microphone nhỏ cột trên vai áo. Tiếng hát
vang lên qua một loa thùng, trơ vơ, tróc vỏ dưới chân. Người đàn ông ấy ngồi
trên chiếc xe lăn và cụt hai chân. Chỉ vài giây khi tàu lướt qua, tôi nhận ngay
ra đó là ai. Tôi dí người chồm sát cửa sổ, la lớn nhiều lần: Bác Bảy, bác
Bảy... Nhưng bác không nghe. Bác cũng không nhìn thấy tôi bên trong khung cửa
đầy hành khách. Hình như không ai nhận ra ai, giữa cái âm thanh cuồng nộ trong
cuộc sống, trên quê hương này.
Khi tôi mở được cánh
cửa sổ. Con tàu đã vùn vụt lao đi trong buổi chiều tắt nắng. Hình ảnh Bác Bảy
không còn đó nữa. Nhưng người thương binh ấy, không bao giờ bị quên lãng trong
trái tim tôi.
Nguyễn Phước Bảo Tiên
Không Có Gì Là Rác Cả
Không có gì là
rác cả Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc
giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những
khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân
tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường
nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên
tiếng kêu khóc. - Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không ? Có thấy những chỗ bị nước
mưa xoáy lồi lõm không ? Đem những sỏi, đá vụn này trám vào những chỗ
đó.
Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những
chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa. Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào. Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích. “Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang. Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản.
Lính thuỷ, sưu tầm & đính kèm ảnh. HAVE A NICE DAY. |