Pages
- Trang Chủ
- About Me
- Truyện Ngắn
- Sưu Tầm
- Sưu Tầm from 2020
- Góp Nhặt Bên Đường
- Nhạc Chọn Lọc
- Sưu Tầm Sức Khỏe
- NPN's Recipes
- Trang Người Phương Nam
- Cười Ý Nhị
- PPS + YouTube Chọn Lọc
- Những Hình Ảnh Ý Nghĩa
- Thơ
- Thơ from 2020
- Bùi Phương Lưu Niệm
- Trang Anh Ngữ
- Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ
- Truyện Dài : Ngày Tháng Buồn Hiu
Saturday, April 12, 2025
Quốc Thể Cho Ai? - Nguyễn Tiến Tường
1. Thi thoảng nhìn tấm khăn len trên vai người con gái Việt ở miền Nga giá buốt, nghe một điệu hát quê hương bên ánh lửa xứ Lào, lòng tôi rức lên một cảm xúc hỗn mang.
Tôi vui vì đồng bào
tôi tìm được một nơi cho họ một cuộc sống khác. Tôi cũng buồn, trong mắt của
những người viễn xứ luôn có điều gì đó buồn bã, tiếc nuối.
Bạn tôi ở Úc, lấy vợ
Việt. Vợ 17 tuổi làm lễ rồi đợi đủ tuổi làm đăng ký. Đợi thêm vài năm để vượt
qua các cuộc sát hạch của xứ bạn. Họ kiểm tra cả những tấm hình trước kết hôn
để chắc rằng họ không đính hôn giả.
Anh tôi sang Úc tìm đường cho các con mai này. Anh làm công việc cắt thịt, làm cả hai ca, là
một điều cấm. Ngày làm đêm ngủ, bàn tay bấy máu. Anh live stream về cho chị,
hai người tươm nước mắt…
Những người quen tôi
những tháng đi về để giữ điều kiện nhập tịch. Họ bảo cô đơn và lạnh lẽo, buồn
lắm nhưng vì con.
2. Úc, Mỹ Canada… với
những chính sách nhập cư hà khắc, không còn là “thiên đường” của người Việt. Nó
chỉ còn rộng cửa với người giàu. Mỗi năm tầm 9 tỷ đô ra nước ngoài, theo các
chuyên gia. Và trong số những
người giàu đó, chắc rằng không ít quan chức.
Thiên đường thứ hai
của người Việt hiện tại hầu hết là Đông Âu, để lưu lại được vào Nhật, Hàn cực
khó. Mẹ bạn tôi ở Nga bao nhiêu năm, đến khi xế bóng muốn về quê nhưng hai bàn
tay trắng. May mắn sao bạn tôi có chút công danh như ý, đón mẹ về.
Nước Lào đang là lựa
chọn mới nổi. Người miền Trung sang
bên đó làm gỗ, làm ve chai. Mấy lúc nhàn rỗi lại về. Họ dắt díu nhau đi tìm đất sống. Nước
Lào hiền dịu cưu mang rất nhiều người con quê tôi.
Ly hương là lựa chọn nghiệt ngã. Càng nghiệt ngã hơn cho những con người “sống chui” nơi đất khách. Nép mình trong phòng sợ hãi. Chờ siêu thị hết giờ để lấy thịt hết hạn, ăn nội tạng mà người ta không ăn…
3. Tôi không cổ suý
đồng bào tôi ra đi. Nhưng tôi lấy gì để níu họ ở lại? Tôi nhìn vào thực tế đắng
cay: Ai cũng muốn ra đi. Tài năng chất xám ra đi, người giàu có ra đi, tôi chưa
bao giờ trách họ.
Tôi trách quốc gia. Một quốc gia để công dân của mình không có đất sống, phải ngậm
đắng ra đi lựa chọn cuối cùng. Quốc gia mà đến y tế và giáo dục người ta cũng
tìm đường tị nạn. Đến cả việc dồn dân
đô thị cũng không còn đất cho người nữa rồi.
Tôi trách quan chức. Họ cũng là
những kẻ ra đi. Nhưng là đi trong nhung gấm. Tài sản ở nước ngoài, con
cái ở nước ngoài. Tiền đó ở đâu? Chắc chắn là góp lại từ những mảnh đời
của nhân dân tôi lam lũ.
Nhân dân đánh bạc với
cuộc đời cũng chỉ để mong chắt mót một chút của cải từ viễn xứ mang về quê
hương, cho mình và cho người xung quanh mình. Họ có thể sai nhưng có gì đáng
tội?
So với quan chức vơ
vét quê hương để mang đi vương giả đầm ấm ở thiên đường, ai mới là tội phạm?
Quốc gia rừng vàng
biển bạc đã không nuôi nổi những công dân lương thiện. Để họ phải vượt sóng xé
trời tìm nơi khác. Quốc gia ấy lấy tư cách gì đòi hỏi nhân dân giữ gìn quốc thể?
Quan chức ăn là mặc
lượt đu bám những chuyến xuất ngoại. Quan chức mang cả vợ
con bằng tiền của nhân dân đi du lịch shopping có nghĩ đến quốc thể hay không?
Đừng nói về quốc thể. “Khi quốc thể của các người
là miếng bít tết vào mỗi buổi sáng, còn quốc thể của nhân dân là tô cơm hẩm cuối
chiều!”
Nguyễn Tiến Tường
Mẹ Tôi, Người Vợ Lính Miền Nam - Trang Diệp
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên
trong một gia đình giàu có, ông bà ngoại là điền chủ ruộng cò bay thẳng cánh ở
miệt Phú Xuân Nhà Bè. Mẹ được ăn học ở thành phố, sau thời trung học ở trường
Gia Long rồi đến Đại học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt.
Ba tôi lại sinh trưởng trong
gia đình nông dân nghèo khó, gia đình lại đông anh em, nhưng được cái Ba tôi học
giỏi, hiền lành và rất có hiếu. Cũng vì gia đình bên ngoại ngăn cản nên Ba tôi
"thất tình", đăng lính dù cổng trường Đại học Văn Khoa, Sư Phạm đang
rộng mở. Bà Ngoại làm mối cho Mẹ nhiều người nhưng Mẹ đều lắc đầu. Khi Ba tôi học
xong khóa sĩ quan Thủ Đức 16 và được thăng cấp bậc Đại Úy, và Mẹ tôi thì cũng "chưa
có ai" khi tuổi gần ba mươi. Có thể vì vậy mà bà ngoại tôi xiêu lòng và đồng
ý cho Ba Mẹ tôi lấy nhau vào những ngày cuối năm 1969.
Dù bị ngăn cản từ đầu và phải
qua nhiều khó khăn, thử thách, Ba Mẹ tôi mới đến được với nhau, nhưng sau đó,
Ba tôi lại là người con rể được bà Ngoại yêu quý nhất.
Cưới xong là Ba tôi ra mặt trận,
đi khắp các chiến trường miền Nam từ Quảng Trị, Khe Sanh đến Long Giao, Long
Khánh, Bình Long, Phước Long. Ngày tôi chào đời, Ba tôi còn chiến đấu tận bên
Lào, bên Cam Bốt. Ôi! Những người vợ lính thời chiến!
Chiến tranh leo thang trong
giai đoạn 70-74 thật khốc liệt. Mùa hè đỏ lửa 72, những trận đánh dữ dội ở Khe
Sanh, Bình Giã, Đồng Xoài..., tin tử trận dồn dập về từng giờ, từng ngày. Mẹ
như ngồi trên đống lửa. Mẹ vừa đi làm ở Tòa Đô Chánh vừa nuôi dạy chúng tôi và
trông ngóng tin tức của Ba ngoài mặt trận, đứng ngồi không yên.
Ngày mất miền Nam, Ba tôi đi
tù. Mẹ bụng mang dạ chửa, một mình sinh nở. Thằng em tôi ra đời vào tháng Sáu
năm đó, đúng lúc gia đình đau thương và túng quẫn nhất. Mẹ một thân một mình, mấy
đứa con còn nhỏ xíu, không tiền bạc. Với cái lý lịch "ngụy quyền" và
có chồng đi "học tập cải tạo" không còn nơi nào dám nhận Mẹ vào làm.
Mẹ xoay sở mọi cách để chúng tôi có cái ăn hàng ngày, đồ đạc trong nhà lần lượt
ra đi đến khi không còn gì có thể bán được, Mẹ phải đi bán hàng rong cực nhọc đủ
điều, nhưng Mẹ không có nửa lời than van.
Tôi còn nhớ, mỗi lần tết đến,
vì không có tiền mua quần áo mới cho chúng tôi, Mẹ ngồi cắt từng chiếc áo dài của
Mẹ khi xưa để may cho chúng tôi những bộ đồ mới đi chúc Tết họ hàng. Mẹ không
muốn chúng tôi buồn và tủi thân, một mình Mẹ cam chịu.
Sau vài năm bặt tin của Ba,
gia đình nhận được tin về người ở tận trại tù vùng Hoàng Liên Sơn Yên Bái, mẹ
tôi lại lo khăn gói lên đường thăm Ba. Thời đó, từ Nam ra Bắc quả là "gian
khổ chập chùng", phải đổi bao nhiêu chuyến tàu, chuyến xe, băng rừng lội
suối mới tới chỗ Ba tôi bị giam giữ. Thân trong lao tù, nhưng Ba luôn an ủi
khích lệ gia đình, cứ mỗi độ xuân về Ba lại gởi cho chúng tôi những bài thơ Ba
làm, khuyên nhủ dạy bảo chúng tôi.
Suốt tám năm ròng, Mẹ tôi tảo
tần nuôi con, nuôi chồng không quản thân mình. Có thời ngăn sông cấm chợ, Mẹ phải
gởi chúng tôi cho bà Nội, đi buôn chuyến Sài Gòn Phan Thiết. Sau mấy lần bị tịch
thu hàng, Mẹ tôi không còn vốn liếng đi buôn nữa nên tiếp tục việc chạy hàng
rong ngoài chợ. Tôi cũng ôm thùng cà-rem ngồi bán ở góc đường đầu ngõ cùng mấy
thứ bánh kẹo lặt vặt bán cho mấy đứa con nít trong xóm để kiếm thêm ít tiền phụ
mẹ phần nào.
Khi tới mùa lúa, Mẹ tôi về Nhà
Bè làm ruộng với gia đình cô tôi để được chia chút gạo trắng cho chúng tôi có
những bữa cơm không độn khoai mì, bo bo. Từng là tiểu thư thành phố, có ăn có học,
nhưng công việc nặng nhọc đã cướp đi vẻ quý phái của Mẹ tự khi nào. Nhìn mái
tóc điểm sương, đôi tay thô ráp, gương mặt hằn nỗi nhọc nhằn sớm tối của Mẹ,
chúng tôi thấy thương Mẹ vô cùng.
Hàng đêm trước khi ngủ, mấy mẹ
con trên một chiếc giường chật như nêm nhưng chúng tôi rất thích, không ai chịu
đi ra chỗ khác ngủ. Chúng tôi lớn dần theo những câu chuyện cổ tích của Mẹ kể.
Mẹ tôi đã bươn trong rác rưởi đọa đày mà đi, nhưng Mẹ vẫn dành cho chúng tôi những
niềm vui trẻ thơ, con cái vẫn là tài sản quý giá và quan trọng nhất đối với Người.
Mẹ muốn chị em chúng tôi biết yêu thương nhau, biết hy sinh chia xẻ cho nhau;
có ký ức tốt đẹp về tuổi thơ của mình; có kỷ niệm về gia đình êm ấm. Mẹ nói
"Con người ta nghèo nàn về vật chất không sao, nhưng ai nghèo nàn về tâm hồn
và tâm linh thì đáng tiếc lắm các con ạ. Mẹ muốn các con dù trong hoàn cảnh hiện
tại khó khăn đói nghèo, nhưng tâm hồn mình không nghèo nàn". Mẹ là người
đi góp nhặt từng niềm vui, tiếng cười cho chúng tôi trong những hoàn cảnh bi
thương nhất của cuộc đời.
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm mỏi
mòn trông ngóng, Ba tôi trở về từ trại tù. Nhưng gia đình chúng tôi đoàn tụ chẳng
bao lâu thì Ba tôi từ trần, khi Mẹ mới vào cái tuổi bốn mươi hai. Nhiều tai nạn
dồn dập đổ xuống gia đình tôi, nhưng một lần nữa, vì chúng tôi, Mẹ không ngã gục.
Sau khi chúng tôi tới được đất
Mỹ, một lần nữa, vì con cháu, Mẹ đành bỏ lại quê hương, nơi Mẹ đã sống gần bảy
mươi năm; sang một đất nước xa xôi, lạ lẫm, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. Lòng Mẹ
đau đáu nhìn về nơi chôn nhau cắt rốn, đau xót; nơi ấy Ba tôi đã nằm xuống, mồ
im mả lạnh.
Cuộc đời của Mẹ tôi, cũng như
của tất cả những bà Mẹ Việt Nam cùng thời, buồn nhiều hơn vui. Thời chiến thì mất
chồng, mất con, sống trong cảnh đạn bom khói lửa và những cuộc di cư lánh nạn
triền miên; đến “thời bình” thì bị giam cầm, nghèo khổ trong trại tù lớn là cả
quê hương Việt Nam. Sang đến Mỹ, một đất nước giàu có, tự do thì lại làm những
công việc chân tay cực khổ, nuôi con ăn học. Nhưng khi con khôn lớn, lập gia
đình, thì cũng chỉ một mình mẹ trong căn nhà trống vắng.
Trong mùa lễ Vu Lan, tôi tự hứa
với lòng mình là sẽ làm mọi thứ để giữ nụ cười và chút niềm vui còn sót lại
trên gương mặt đã già nua và hằn những vết đau khổ của Mẹ.
Cầu mong cho những tháng ngày
còn lại của các bà mẹ được yên bình, vui vẻ bên cháu con.
Trang Diệp
Share Lại Người Lính Già TQLC
Friday, April 11, 2025
Chuyện Người Cựu Thiếu Sinh Quân - Người Phương Nam
Các em TSQ từ những năm 70 trở về sau đều biết huynh và xem huynh như là "thần tượng" của họ. Vì lúc đó huynh là Liên Đoàn Trưởng của Trường (có 1,400 TSQ). Huynh lại là Trưởng Ban Nhạc Nặng (quân nhạc), Trưởng Ban Nhạc Nhẹ (nhạc sân khấu) của trường. Năm 1971, huynh lại lãnh giải vô địch đai đen/Thái Cực Đạo/ cấp toàn quân. Thấy huynh "nổ" dữ chưa???...
Sau 75, Huynh chỉ đi "học tập cải tạo" 6 tháng, vì huynh "thức thời" biết người biết ta, khai mình là khóa sinh SVSQ tép riêu thôi chứ không dại gì khai thiệt để bị "cải tạo" mút mùa!. Sau đó, Huynh lại bị "nhốt" trở lại về tội "âm mưu lật đổ nhà nước cộng sản". Lần này, huynh lại được các em TSQ giải cứu. Trong số đó, có 1 em là cháu ngoại của Tổng Thống Trần văn Hương... đã "húc tù" và đưa huynh xa lìa VN.
Bây giờ thì muội biết thêm nhiều về cuộc đời của Huynh. Có lần, một cô em trong nhóm đã thắc mắc:
Huynh trả lời:
- Vì Huynh là đại huynh của tụi em, huynh phải làm gương cho tụi em biết lúc nào mình phải cần "buông xuống"... và phải biết "Tự Thắng Để Chỉ Huy"!!!...
Trong đời binh nghiệp của huynh, huynh được may mắn hơn nhiều đồng đội khác, tứ chi và ngũ quan của Huynh vẫn lành lặn... mặc dầu mình mẫy cũng thẹo tích tùm lum. Chưa phải là thương phế binh!. Cũng về Tổng Y Viện Cộng Hòa... để thăm bạn bè, chứ không hề "nằm" ở đó.
Cờ còn nước đánh... đã lưu vong!." (Thơ Thanh Nam)
Cám Ơn Một Người Đã Đi Qua - Lê Phùng Xuân
Bỏ nước ra đi
Sống đời lưu vong,
Phận mình nào có sá gì,
Thương người ở lại cu ky ôm sầu.
(Thiên ca bốn, Lê Phùng Xuân)
Khi Xuân trở về, cơn mưa đã dứt hột. Con đường trở nên lầy lội hơn. Bùn trền trệt như đám trái đười ươi bị mắc mưa. Chàng bước đi nặng nề. Hai chơn bang bang như đi hàng hai cho đỡ bị trượt té. Rút cuộc chàng cũng cà lê cà lết về tới lều. Hậu cứ tiểu đoàn nhỏ xíu. Hổng có trại gia binh. Các đại đội hông có chỗ trú quân. Họ chia nhau từng khu trong vườn cây cà phê, sầu riêng, mít của dân chúng quanh Xuân Lộc. Vành đai ấp chiến lược vẫn còn, nên đóng quân bên trong rất an toàn. Họ căn lều lụp xà lụp xụp dưới những tàng cây, che mưa che nắng. Độc thân chỉ cần một cái poncho và một cái võng là đủ. Những người lính có vợ phải che thêm những tấm ni lông cho rộng ra. Những ngày nắng ráo, hai vợ chồng nằm dưới đất. Những hôm mưa, họ treo võng kè kè sát bên nhau trong cái lều chật hẹp.
Thursday, April 10, 2025
Chỉ Một Chữ Tâm - Sương Lam
Nhiều
lần tôi cũng đã thưa rằng: tôi chưa được phúc duyên làm đệ tử chính thức
của một vị thiền sư nào cả và tôi cũng chưa thực tập Thiền một cách rốt
ráo. Tôi chỉ là một người chịu khó đọc sách báo, sáng tác thơ văn, bỏ
công đi sưu tầm, lượm lặt những tài liệu hữu ích có tính cách thiền vị đem
về đây chia sẻ với các bạn bè đồng tâm cảm, để chúng ta có được một ít
phút giây tĩnh lặng trong ngày sau những lúc mệt mỏi, phiền muộn trong cuộc sống
mà thôi. Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi, tu tâm dưỡng
tánh, sống vui sống khỏe trong giây phút hiện tại này.
Trong quyển “Thiền là gì?” có đoạn nói : « Sở dĩ những thất bại khổ đau trong đời phần lớn là do chúng ta không làm chủ được chính mình, luôn tạo ra với cái tâm điên đảo vọng tưởng, tham đắm và bám víu nhiều quá! Thiền giúp chúng ta lắng tâm, vượt qua mọi chướng ngại để đạt đến trí tuệ toàn diện. Cho nên Thiền không phải là học thuyết để tranh luận, hoặc tín điều bắt buộc con người phải tin theo, mà chỉ cần áp dụng, thực hành để tìm về chân lý Giác Ngộ và Giải thoát »
Nhà Phật có dạy: « Nhất thiết duy Tâm tạo » tất cả mọi sự việc trên đời đều do Tâm tạo ra. Tâm bình thế giới bình, tâm loạn thế giới loạn.
Xin mời quý bạn dành một chút suy tư với Chữ Tâm được trích dẫn dưới đây nhé:
Một phút suy tư: Chữ TÂM
Có nhiều bài học nói về chữ Tâm sẽ được người viết từ từ dẫn trình sau để chúng ta cùng học hỏi. Hôm nay, người viết xin mời quý bạn đọc một bài học ngắn ngắn dưới đây:
Tâm bình thường
Tăng hỏi Thiền sư: « Phải nỗ lực tu hành như thế nào
mới hợp đạo ? »
- Đói ăn, mệt ngủ.
- Như vậy thì người bình thường nào làm chẳng được.
- Không, không. Người bình thường không giống như thế. Vì khi ăn họ không chăm chú ăn, mãi lo nghĩ trăm điều. Khi ngủ, họ không chịu ngủ, lại tơ tưởng ngàn chuyện. Vì thế khác với người tâm bình thường.
Bình: Thiển tổ Nam Tuyền bảo: « Tâm bình thường là Đạo ». Đi
cũng thiền, đứng cũng thiền, nói, nín, động tịnh thảy an nhiên.
Cảnh giới tâm bình thường này khác xa phàm phu vọng loạn một trời một vực »
(Nguồn : Thiền là gì ? – Biên soạn : Thích
Giác Nguyên)
Tuy nhiên, người viết thích nhất là câu chuyện Thiền dí dỏm dưới đây qua hình ảnh cô lái đò cho có vẻ tình tứ, thơ mộng một tí ti, bạn nhé,
Cô
Lái Đò
Một
lần, có một Thiền sinh có việc phải sang sông. Ngồi trên đò, sư tỏ ra ngạc
nhiên vì nhan sắc dễ coi của cô gái miền quê.
Đến
lúc lên đò. Hành khách mỗi người phải trả một quan. Sư cũng định thế,
không ngờ cô gái hóm hỉnh bảo:
- Xin
Thầy trả cho tôi hai quan.
Sư
còn đang ngạc nhiên thì cô gái đã tiếp:
- Một quan cho tiền đi đò và một quan về khoản ngắm người lái đò.
Không
tranh cãi lôi thôi, sư liền trả cô hai quan tiền, nhưng trong bụng hơi tấm tức.
Bận
về sư cứ dí mũi xuống sàn thuyền không dám nhìn lên. Nào ngờ lần này cô
lái bảo:
- Xin Thầy cho em bốn quan.
Không
nhịn được nữa , sư cãi:
-
Nhưng tôi có nhìn cô đâu nào?
Cô
gái cười mỉm:
- Đồng ý là Thầy không nhìn tôi bằng mắt, nhưng Thầy lại nhìn bằng tâm… Vì thế mà tôi tăng giá gấp đôi lên đó!
(Nguồn: Trích trong Thiền Tâm Vi Tiếu và Vô Niệm Thiền- Cư Sĩ Nhất Tâm)
Khi quý bạn và người viết đọc những bài viết có chút thiền vị với cái tâm vui vẻ, chắc chắn bạn và người viết cũng thấy “đời bỗng thêm vui” và tự mỉm cười một mình . Người ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười liều thuốc bổ” đấy! Khi được uống thuốc bổ thì bạn sẽ khỏe thêm, bạn sẽ thấy yêu đời thêm, bạn sẽ sống vui sống khoẻ thêm. Như thế, học Thiền cũng có nhiều lợi ích chứ nhỉ, phải không Bạn?
Mời Bạn thưởng thức bài thơ Chữ Tâm của Thầy Thích Tánh Tuệ dưới đây:
Chữ Tâm
Từ Tâm, Phúc được vun bồi
Từ Tâm, Đức độ lần hồi tạo
nên,
Do Tâm, thiên hạ đảo
điên
Bởi Tâm, gây họa ngả
nghiêng giữa đời.
Từ Tâm, dung sắc tuyệt vời
Tại Tâm, Người ngỡ như loài..
Dạ xoa.
Từ Tâm, Phật ngự liên
tòa
Nhờ Tâm, đức hạnh nở hoa
Ưu đàm.
Từ Tâm, Tứ Thánh, Lục Phàm (*)
Ngay Tâm, Địa ngục - Niết bàn
mở khai.
Từ Tâm, giải thoát hiện
bày
Bởi Tâm, người tự xe dây
buộc mình.
Từ Tâm, khoáng đạt cái nhìn
Do Tâm hạn lượng, tánh
tình nhỏ nhen.
Từ Tâm, trời đất rộng
thênh
Bởi Tâm, ngõ hẹp bon
chen kiếp, đời.
Từ Tâm, môi nở nụ cười
Do Tâm, '' chín bỏ làm mười '' một khi..
Từ Tâm, mắt tỏ đường đi
Thành Tâm - hy hiến quản
chi nhọc nhằn.
Từ Tâm, xa lạ hóa gần
Vì Tâm, đối diện muôn phần
phân ly
Từ Tâm, ''không hóa'' thị
phi
Nhờ Tâm, liễu đạo huyền
vi một ngày.
Từ Tâm, tác Tổ, nên Thầy
Nhờ Tâm, ân đức cao dày
chẳng quên.
Từ Tâm, chí nguyện vững
bền
Do Tâm mà cận kề bên Phật
đà.
Tâm là chủ của ngôi nhà
Thân là công cụ để mà
khiến sai.
Mấy dòng xin tỏ cùng ai
Ngẫm đời muôn sự không
ngoài chữ tâm!
Như Nhiên Thích Tánh Tuệ
Bồ Đề Đạo Tràng 12. 2013
(*) Tứ Thánh = Thanh Văn ,
Duyên Giác, Bồ tát , Phật
Lục Phàm = Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục.
Mời
Bạn thưởng thức youtube Chữ Tâm Trong Thư Pháp do nguời viết sưu tầm và thực
hiện Youtube.
Hy
vọng Bạn sẽ thấy an nhiên thanh thản khi nhìn nét đẹp tuyệt vời
của nghệ thuật thư pháp viết nên chữ Tâm này. Người viết rất yêu
nghệ thuật thư pháp vì tôi thường nghĩ, khi viết thư pháp bạn sẽ phải chú tâm
vào từng nét bút. Đó cũng là một cách hành Thiền để định Tâm.
Bạn có đồng ý chăng?
Mời
Bạn thưởng thức
Youtube Chữ Tâm Trong Thư Pháp. - YouTube
https://www.youtube.com/watch?v=jQj3L-o7N7w
Chúc
quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với
duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền
Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 756-ORTB 1187 - 4-9-25)
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com