Sunday, August 11, 2024

Thiên Đường Maldives - Nguyễn Văn Tới


Trước năm 1975, ngày đó tôi còn là một cậu thiếu niên ham thích đọc tiểu thuyết trinh thám mạo hiểm của Người Thứ Tám với nhiều câu truyện phiêu lưu, hồi hộp của chàng điệp viên Z-28 đào hoa, đẹp trai Tống Văn Bình. Tôi còn nhớ chàng điệp viên tài giỏi, võ nghệ siêu quần của chúng ta được phái đi thi hành một nhiệm vụ tình báo tại Maldives, một đảo quốc mà khi chúng ta nhìn về phía chân trời, nơi Trời và Biển gặp nhau, vì chính chúng ta cũng đang sống trên mặt nước.


Maldives là đất nước rất nhỏ bé nằm ở biển Ấn Độ Dương. Quốc đảo này nổi tiếng trên thế giới với những nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp với những bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh màu ngọc bích và phong cảnh thiên nhiên nhiệt đới vừa tươi đẹp lại vừa lãng mạn.

Chúng tôi đáp máy bay từ Malaysia đến Malé, thủ đô của đảo quốc Maldives. Từ trên cao, chúng tôi có thể nhìn thấy thành phố với nhà cửa dày đặc, san sát, chen chúc lẫn nhau trên một hòn đảo nhỏ bé tí, chỉ 3.2 sq.mi (3.2 dặm vuông), với dân số trên 200,000 ngàn người.

Chúng tôi đón taxi đến khu trung tâm thủ đô và nhận phòng, sau đó đi khám phá thành phố 4 ngày trước khi bay đến khu nghỉ dưỡng. Khách sạn ở đây, phòng bé tí xíu, chật chội nhưng giá cả cũng không mắc lắm. Vào cuối ngày thứ tư, trước khi rời đi, họ tính thêm $3/một người/một ngày cho thuế du lịch. Cũng như bao thành phố du lịch nổi tiếng khác, Malé đường phố chật chội, xe cộ tấp nập, người đông như kiến. Khi mưa xuống, nước thoát không kịp, đường phố ngập nước trở nên dơ bẩn và rác nổi lều bều.

Hầu hết người dân ở đây theo đạo Hồi nên đường phố đầy mèo hoang, tuyệt đối không thấy một con chó nào. Mèo nhiều đến nỗi chúng đi lan tràn ra cả đường phố, chúng nằm ngủ lim dim dưới những bóng cây. Nhiều nhà phải để một bình nước pha màu đỏ trước cửa nhà để mèo sợ không dám lai vãng. Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao.

Hòn đảo thủ đô nhỏ thật, “đi dăm phút đã về chốn cũ”, chúng tôi đi bộ một vòng hòn đảo mất gần 3 giờ đồng hồ là hết. Từ đó, chúng tôi đón phà hoặc ghe thuyền đi ra các đảo gần đó để khám phá thêm phong cảnh và để thoát ra khỏi sự chật chội và bức bí của thủ đô. Nhà hàng ở đây cũng nhiều nhưng không ngon miệng lắm. Chúng tôi thử nhà hàng Thái Lan với cái tên Sala Thai, khi ngồi xuống coi thực đơn mới hay họ tính tiền nước uống cũng khá mắc và đặc biệt nhà hàng này tính thuế 16% chứ không phải 8% như các nhà hàng khác. Hỏi tại sao thì họ trả lời lòng vòng, không thỏa đáng.


Một điều nên nhớ Maldives là một đất nước toàn là đảo, họ không có nguồn nước ngọt. Từ trước tới giờ, Ấn Độ là nước bảo hộ cho Maldives từ chính trị, quân sự, cho đến văn hóa, nói chung là toàn bộ cuộc sống của người dân nơi đây. Ấn Độ cung cấp nước ngọt bằng tàu thủy chở ra, nay chính quyền mới lên ở Maldives hất cẳng Ấn Độ và bắt bồ với ông “trọc phú” Trung Cộng, tiền bạc rủng rỉnh, nhưng không mấy tử tế và nhận nước ngọt từ ông trưởng giả mới nổi lên này.

Ấn Độ cay cú vì “cô em xinh đẹp” Maldives đá đít mình đi theo anh bồ mới lắm tiền nhiều của. Quân đội Ấn bị mời ra khỏi nước và họ rước ngay anh bồ mới vào đầu tư khắp nơi trên đất nước. Cái cổng chào và cũng là cây cầu đánh dấu mối tình thắm thiết mà người yêu Trung Cộng xây tặng đứng sừng sững trước khi vào thủ đô. Các công trình xây cất toàn tiếng Tàu. Vì thế nước uống ở đây mắc mỏ hơn so với Pepsi hay Coca Cola.

Mấy ngày đi nát cái thủ đô Malé, chúng tôi đi chợ coi cuộc sống ở đây ra sao. Trái cây mắc hơn nước lạnh rất nhiều, cá biển tưởng rẻ, nhưng không, dù biển ở sát bên hông chợ cá, cái gì cũng mắc. Nếu quý vị tính đi biển thì nên sắm sửa từ ở nhà vì vật dụng ở đây mắc gấp đôi. Chúng tôi đi kiếm các nhà hàng địa phương, giá cả rẻ hơn các nhà hàng lớn rất nhiều.

Có một điều gây bực mình cho du khách là cứ mỗi ngày thứ sáu trong tuần, tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, chúng tôi đói meo vì không có nhà hàng nào chịu mở; thêm nữa, bất cứ ngày nào trong tuần, cứ vài giờ là họ đóng cửa 1 tiếng đồng hồ để cầu nguyện, chúng tôi muốn mua cái gì, phải đợi họ cầu nguyện xong mới mua được.


Không có nhiều điều thú vị hay phong cảnh đẹp ở thủ đô Malé, chúng tôi quyết định làm một chuyến hải du, câu cá và lặn biển ở một hòn đảo xa. Mười người chúng tôi và 6 du khách Ấn Độ trả $100 cho mỗi một người cho chuyến đi này. Chiếc tàu lướt sóng ra khơi, ai nấy lên tinh thần, lo ngắm biển xanh và thích thú nhìn từng đàn cá Heo nhào lộn, vui đùa trên sóng, rất thân thiện. Chúng bơi lội hai bên tàu chúng tôi, rất gần, ai nấy đưa phone lên, tha hồ chụp hình.

Con tàu giảm tốc độ từ từ và quăng neo giữa biển khơi. Chúng tôi trang bị áo phao, kính lặn để bơi ngắm cá ở rặng san hô. Mấy du khách Ấn Độ thích quá nên xin thủy thủ đoàn lặn xuống, dùng dao cậy một mảnh san hô về làm kỷ niệm. Tôi thấy không đúng nhưng không biết nói sao. Sau khi bơi lội, ai cũng đói, con tàu đưa chúng tôi ghé vào một đảo nhỏ của một làng chài để ăn cơm trưa và mua đồ kỷ niệm.

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hải trình ra giữa trời mây sóng nước và neo đậu giữa khơi. Chúng tôi từng cặp một, mang áo phao, nhảy xuống nước, và đi bộ đến một bãi cạn san hô, cách con tàu chừng 400 mét, chờ thủy triều lên. Ở đây trời nước bao la, tha hồ chụp hình. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn túi nhựa (water-proof pouch), bỏ điện thoại vào trong bao không thấm nước nên không lo bị hư. Mọi người đứng giữa trời mây sóng nước bao la, đưa phone lên chụp hình đến mỏi tay.

Lúc này, thủy triều dâng lên ngày càng cao, nước chảy mạnh; tôi thấy nên đi bộ trở về tàu vì bà xã tôi không biết bơi cho dù có áo phao, nhưng thủy thủ đoàn một mực nói không sao. Tôi không nghe và dìu bà xã trở về tàu. Mọi người hình như cũng cảm thấy không an toàn, nên ai nấy cũng lo nhét điện thoại vào bao và nối gót theo sau.

Quả thật, nước ngày càng chảy mạnh ngược giòng nên chúng tôi rất vất vả khi trở lại trong tình trạng chân bị hổng mặt đất, không có điểm tựa. Vợ chồng Bích-Khang bị trôi lại phía sau, không thể tiến lên được bước nào. Thủy thủ đoàn phải quăng sợi dây cho họ bám và kéo từng người lên tàu. Phải mất 45 phút, tất cả chúng tôi mới an toàn ngồi trên tàu mà thở dốc. Tôi khuyên ai không biết bơi, không nên tham dự chuyến đi này.


Bầu trời chợt xám đi, gió tháng Năm bắt đầu thổi mạnh, phía xa xa một cơn mưa đang kéo đến. Thủy thủ đoàn yêu cầu mọi người mặc áo phao, họ nhổ neo và quay mũi tàu về Malé. Lúc đi, biển êm, lúc về, biển động. Sóng lắc lư dưa con tàu sàng qua sàng lại như sàng gạo. Mưa to gió mạnh thổi con tàu bạt ngang, thật vất vả cho ông tài công lèo lái con tàu. Rèm hai bên được buông xuống cho hành khách đỡ bị ướt. Tàu chồm lên trên những ngọn sóng cao sủi bọt, thân tàu đập xuống nước thật mạnh rồi chao qua chao lại. ai nấy đều bị ướt sũng và mệt nhoài. Anh Bình trong nhóm chúng tôi lại tiếp tục cho cá … ăn chè như mọi khi, làm mấy hành khách Ấn Độ phải dạt ra hết vì sợ dính … chưởng.

Con tàu cứ sàng qua lắc lại, chồm lên, trụt xuống, mặt mày ai nấy đều xanh lét tuy không say sóng; cuối cùng rồi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy đảo Malé dần hiện ra phía trước. Trời vẫn mưa như trút nước cho đến khi tàu vừa cặp bến thì “Ổng” ngưng mưa một cách trớ trêu. Một chuyến hải hành vui vẻ tuy không kém phần phiêu lưu mạo hiểm cho đám “thanh niên” sắp già chúng tôi. Mọi người trong nhóm nói đùa rằng tôi câu được 1 con cá “trị giá” $100 và anh Ấn Độ cũng được 1 con. Vui vẻ cả làng.

Trở về thủ đô chật chội, đi bộ ngắm phố xá, con người chán chê, chúng tôi nhận thấy hầu hết dân chúng đều ghét Mỹ vì ủng hộ Do Thái. Họ hỏi chúng tôi từ đâu đến, anh bạn trả lời từ Mỹ, họ giơ ngón tay cái chỉ xuống đất. Họ cố tình lờ đi, không biết rằng dân Palestine đang nhận thực phẩm và đồ dùng nhiều nhất từ Mỹ. Họ không muốn hiểu vì được nhồi nhét trong đầu từ bé là bất cứ thứ gì của Mỹ đều xấu. Tôi quá quen với cảnh này những ngày còn làm việc ở Trung Đông, nên bỏ đi, chẳng thèm để ý.  

Một chuyện khá vui, có lẽ do dân Maldives thích ăn cà ri hay những gia vị nặng mùi, hoặc khí hậu nóng ẩm, nước ngọt mắc mỏ nên họ ít tắm, thân thể họ đổ mồ hôi, bốc mùi nặng nề, nhất là giữa đám đông chen lấn khiến mấy cô trong nhóm chúng tôi phải “nín thở qua cầu”. Ra khỏi đám đông, thở cái phì một tiếng rõ to, mấy cô than trời, hỏi tôi có ngửi mùi hôi nách của họ không. Tôi đáp gọn một tiếng “không”.

Cái xui và cũng là cái may của tôi là không ngửi được bất cứ mùi gì từ khi bị Covid đến nay đã 3 năm. Giữa đám đông, trong thang máy hay phòng vệ sinh, nếu có người thả một “trái bom hơi ngạt”, ai khổ sở thì khổ sở, riêng tôi vô sự, hoàn toàn miễn nhiễm. Bởi vậy, trong khi cả nhóm phải vận công phu nín thở, bế môn tỏa khí của Kim Dung tiên sinh, chỉ mình tôi vẫn ung dung, như “em chả biết gì”. Tôi chỉ việc cười khẩy và ngâm câu thơ của Đỗ Trung Quân: ai cũng “ngửi”, chỉ một người không “ngửi”, nên có một gã khờ, hiền lành đứng tỉnh bơ”. (1)

Chúng tôi thấy quá đủ phải chen chúc trong thành phố này và nôn nao chờ ngày bay ra giữa biển đến nơi khu thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng của Maldives. Vào phút chót, chúng tôi được thông báo thay vì đến khu nghỉ dưỡng bằng thủy phi cơ, chúng tôi sẽ đáp một chuyến bay nhỏ, 2 động cơ cánh quạt, De Haviland, sản xuất tại Cananda, chuyến bay khoảng 1 giờ rưỡi. Thật là tiếc vì chúng tôi chưa bao giờ được ngồi trên một chiếc thủy phi cơ để trải nghiệm cái cảm giác khi cất cánh và đáp xuống trên mặt nước có khác với trên đường băng bê tông ra sao.

Từ trên cao, vùng biển Ấn Độ Dương trải dài một màu xanh ngọc bích tưởng như vô tận, được tô điểm bởi nhiều hòn đảo to, nhỏ khác nhau. Nước biển xanh mát mắt, những bãi cát trắng mịn và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Với hơn 1000 hòn đảo, Maldives thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới bằng những “bungalows” trên mặt nước sang trọng, đẳng cấp 5 sao gồm những dịch vụ cao cấp: lặn biển diving, snorkling, lướt ván, kayaking, và đi thuyền buồm câu cá đêm, thậm chí bơi chung với cá mập.


Máy bay đáp xuống một phi trường nhỏ xíu, tôi đoán đường băng dài khoảng 5000 feet, chỉ vừa cho những loại máy bay nhỏ lên xuống. Không khí tháng Năm nóng và ẩm ướt. Chúng tôi ai nấy đổ mồ hôi hột. Khu nghỉ dưỡng đưa mấy chiếc golf-carts chạy điện ra đón và đưa chúng tôi về nhận phòng cách đó chừng 3 phút lái xe.

Một cảnh quan tuyệt vời với những hàng cây xanh mướt làm dịu đi cái nóng mùa Hè. Xe chạy dưới những hàng cây rợp bóng mát đưa chúng tôi vào thiên đường biển xanh. Thủ tục nhận phòng rất nhanh, gọn, và chuyên nghiệp. Nhân viên đồng phục rất lễ phép và lịch sự. Mỗi người điền một tờ giấy với chuyến bay đến và đi để nhân viên sắp xếp chuyến bay cho ngày về. Sau đó chiếc golfcart đưa chúng tôi chạy trên cầu ván gỗ dẫn đến những căn chòi nổi trên mặt biển của mình.

Chắc không cần tả nhiều về “túp lều” của mình, chỉ biết rằng nó được trang bị bằng những vật dụng đắt tiền và trang trí rất đẹp. Một dãy dài những căn chòi, mái lợp cỏ tranh, nằm ngay trên mặt nước biển, từ xa giống như những “mái tranh nghèo” nổi trên sóng nước. Trên sàn nhà, có một miếng kiếng nhìn xuyên xuống biển, có thể nhìn thấy cá bơi bên dưới. Tôi cho rằng không quá đáng khi nơi đây được đánh giá đứng nhất của thế giới về khu nghỉ dưỡng và về cảnh quan tuyệt đẹp.

Nước biển trong suốt, cho phép du khách nhìn thấy đáy biển và các sinh vật dưới nước. Những rạn san hô đầy màu sắc và các loài cá nhiệt đới là điểm thu hút chính cho hoạt động lặn biển và snorkling. Chẳng những đây là một địa điểm lý tưởng để tận hưởng một cuộc nghỉ hè sang trọng, thoải mái; nơi chốn này còn là chốn thần tiên, lãng mạn cho những người yêu nhau hay những đôi vợ chồng mới cưới đi tận hưởng tuần trăng mật.

Một đôi tình nhân, tay trong tay, dạo bước trên bãi cát, mắt nhìn về phía chân trời, nơi mặt trời đang dần chìm xuống, cảnh sắc đẹp như trong chuyện thần tiên. Tiếng sóng biển rì rào như một bản nhạc du dương, hòa với những lời thì thầm ngọt ngào bên tai. Một khoảnh khắc tuyệt vời để con người có thể cảm nhận được sự bình yên và tình yêu ngọt ngào trong không gian bàng bạc bao la này.


Chúng tôi ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên có một không hai này. Khi nhiệt độ lắng dịu xuống, những cơn gió biển nhè nhẹ mơn man trên da thịt, trên cổ, trên mặt của mọi người. Hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp với bầu trời màu cam, hồng, tím phản chiếu lên mặt biển một quanh cảnh bình yên đầy màu sắc, và thơ mộng. Ai nấy tranh thủ thật nhanh để có kịp những bức hình lung linh sắc màu tuyệt vời. Tôi đã từng ngắm mặt trời lặn trên bờ biển, ở giữa sa mạc mênh mông toàn xương rồng, tôi đã thỏa mãn; nhưng lúc này, nhìn mặt trời dần xuống trên biển, xung quanh mình chỉ nước với nước, không phân biệt được đâu là trời đâu là nước. Ánh sáng nhạt dần với những đám mây pha những gam sắc màu, tạo nên một ráng trời huyền ảo, nhẹ nhàng như thực như mơ không nơi nào có được.

Sân sau túp lều lý tưởng của chúng tôi ở cũng là … biển nước mênh mông. Chúng tôi mang kính lặn để bơi, coi cá đủ màu sắc dưới biển, thật đẹp. Có thể xuống nước bất cứ lúc nào ngay nhà mình mà không cần phải đi đâu xa. Cứ bơi lội ngắm cá chán thì đổi qua Kayaking. Mang áo phao bơi thuyền cỡi sóng ra khơi. Nói ra khơi cho oai, thật ra chúng tôi không đi quá xa để nếu có bị sóng cuốn đi, nhân viên có thể đưa ca nô ra kéo về. Muốn đi câu cá nửa đêm thì phải trả tiền, có tàu với thủy thủ đoàn đưa bạn đi ra xa, hưởng cái thú câu cá đêm.


Có một môn thuộc loại cảm giác mạnh, phải có trái tim bằng thép mới dám đi: bơi lội cùng cá Mập. Môn này cũng phải trả tiền. Chúng tôi ai nấy còn ham sống, chưa muốn xuống làm bạn với vua Thủy Tề nên không ai dám đi. Những buổi chiều đi bộ trên cầu ván, chúng tôi thỉnh thoảng thấy vài con cá Mập bơi ngay dưới chân cầu và ngay sau sân nhà. Nhân viên quả quyết chưa có ai bị xơi tái hay làm món Sushi cho cá Mập bao giờ, xin quý khách đừng lo. Có lẽ vì coi phim “Jaw” của Hollywood nhiều quá nên ai nấy vẫn cứ lo, vẫn còn muốn bơi lội vẫy vùng với đầy đủ chân tay.

Một hôm, tôi mải đeo kính lặn, bơi ngắm cá, nên không để ý nhìn hai bên. Tới hồi quay qua bên trái, giật mình thấy một chú cá Mâp nhỏ bơi cách mình chừng hơn 10 feet, tôi hơi lạnh cẳng một chút vì nghĩ thế nào cũng có cá mẹ lởn vởn đâu đây. Bụng bảo dạ chắc không sao vì ở đây chưa bao giờ xảy ra “sự cố”, nên vẫn yên tâm vẫy vùng thêm một hồi mà chẳng thấy tăm hơi cô em Mập của mình ở đâu. Bơi một hồi rồi cũng quen và không sợ nữa.


Vấn đề ăn uống ở đây khá đa dạng với các loại món ăn đa quốc gia và vài món địa phương của Maldives. Vì khu du lịch này thuộc loại “inclusive”, giống như nhà hàng buffet; đầu bếp làm nhiều các món ăn khác nhau để du khách có thể nếm qua cho biết, còn không họ có thể thưởng thức các món ăn của xứ sở mình. Họ cũng có vài nhà hàng đặc biệt, bạn có thể trả tiền thêm, nhưng rất mắc, để hưởng thụ những món đặc sản mà mình thích, uống các loại rượu mạnh mà mình mê.

Trong tất cả các du khách từ các nước trên thế giới đến đây, họ đặc biệt chú ý săn sóc cho nhóm Việt Nam chúng tôi vì tiền típ hậu hĩ mà chúng tôi tặng sau mỗi bữa ăn. Các du khách khác không cho tip vì họ nghĩ buffet không đáng nhận tiền thưởng, nhưng chúng tôi quan niệm, đã đi chơi, hưởng thụ các tiện nghi cuộc sống, mình cũng nên rộng rãi một chút. Người phục vụ nào cũng vui vẻ hết mình phục vụ khi thấy nhóm chúng tôi từ xa đang đi bộ đến. Họ dành hẳn một bàn riêng đặc biệt để tiếp chúng tôi. Chỉ cần một ánh mắt nhìn, họ cũng đoán được chúng tôi cần gì. Người cho, vui, và người nhận càng vui hơn.


Sống 5 ngày trên một không gian thoáng đãng bao la, hít thở căng buồng phổi khí trời trong lành của đại dương, hưởng thụ những tiện nghi bậc nhất, chơi những môn thể thao dưới nước hợp sức mình; chiều về ngắm hoàng hôn đầy màu sắc rực rỡ trên biển, ăn uống no say, quên đi bao muộn phiền vây bủa cuộc sống. Hãy sống đi bạn, hãy tận hưởng hương vị cuộc đời ban cho mình.


NGUYỄN VĂN TỚI. Hè 2024

CHÚ THÍCH:

1.      Trích thơ Đỗ Trung Quân. Chút Tình Đầu: “Ai cũng cũng hiểu - chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ”.

1 comment:

  1. Cám ơn Brandon đã chia sẻ một chuyến đi thích thú, dẫn dắt chị du lịch hàm thụ. Con gái chị mấy năm trước cũng đã viếng qua quốc đảo nổi tiếng thể giới này nhưng cháu không biết diễn tả như Brandon, chỉ biết luôn miệng nói "So beautiful, worth it".
    Thật ra chị cũng suýt được đi, đã book vé nhưng giờ chót có chuyện khẩn cấp nên phải cancel để cháu đi với gia đình nó. (Không có sao thiên mã)
    Bây giờ thì g.i.a huyền già quá đi ra đi vô cũng đủ mệt rồi. ☹☹
    TK


    ReplyDelete