Viết để tưởng nhớ đến
Hạ Sĩ Thái Văn Minh - Người lính dưới quyền thân thương của tôi.
(Ngôn ngữ trong đoạn
hồi ký này không hàm ý quan liêu mà chỉ nói lên cái tình của những người cùng
gian khổ sống với nhau. Nếu thay đổi cách xưng hô nó sẽ mất đi cái tình mà
người viết luôn trân trọng. Mong quý độc giả lượng thứ).
--------
Sau trận giải tỏa căn
cứ Alfa do TĐ30 BĐQ trấn giữ tại vùng Mimôt bên lãnh thổ Kampuchia tháng
9/1971, đại úy Trương Thanh Minh đại đội trưởng ĐĐ4/52 BĐQ bị thương và rời
khỏi tiểu đoàn đi làm phường trưởng ở Sài Gòn. Tôi được chỉ định sang thay thế
ông nắm đại đội này. Sau khi gặp gỡ các sĩ quan, và hạ sĩ quan của đại đội để
làm quen mặc dù chúng tôi cũng chẳng xa lạ gì nhau, thì trung sĩ 1 Thóc, thường
vụ đại đội, gọi hai người lính đang đứng lấp ló ngoài cửa
hầm:
- Ê, vào đi tụi bây!
Sau khi hai người lính
giơ tay chào, ông chỉ tay vào một mgười mang lon hạ sĩ nói tiếp:
- Thằng này là Tào
Khén tức “tào lao”, nó lo cơm nước cho thiếu úy, còn thằng này là binh nhất
“Cối Minh” nó làm ‘tà lọt” cho đại úy Minh. Nếu thiếu úy đồng ý thì giữ nó lại.
Tôi chỉ vào cái thùng
gỗ đựng đạn pháo binh 105 ly trước kia giờ được dùng để làm cái ghế bảo họ
ngồi. Tôi hỏi thăm qua về gia đình của trung sĩ 1 Thóc vì tôi đã biết ông từ
lâu, ngày mới ra trường còn đang chờ ở Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân để đươc phân
bổ đi đơn vị. Tôi đã gặp ông cũng vừa học xong khóa hạ sĩ quan đặc biệt. Sau
đó, chúng tôi cùng về TĐ52BĐQ, cùng chung trung đội 2 thuộc đại đội 4. Ông làm
tiểu đội trưởng cho tôi. Sau đó tôi thuyên chuyển qua nhiều đại đội.Giờ sau gần
3 năm quay trở lại, ông đã thăng cấp trung sĩ 1 và làm thường vụ đại đội. Thóc
quê ở Sađéc người cao lớn vạm vỡ, tính tình hòa nhã, uống rượu như hũ chìm.
Cũng chính ông là người đã khích tướng tôi là “Biệt Động Quân thì phải lỳ một
lam”, để rồi từ 1 nắp bi-đông, tôi cũng đã trở thành
tay nhậu có hạng, 3 người xoay tua có thể cưa đổ 2 cái bi-đông. Hai vợ chồng
ông lấy nhau từ khi ông còn là binh nhất ở tiểu đoàn 35 nhưng đến nay vẫn chưa
có con, được biết ông đã mang vợ về ở trong khu gia binh của đại đội. Có ông
làm thường vụ tôi cũng an tâm nhất là đối với một thiếu úy non choẹt như tôi
giờ phải đảm nhiệm một chức vụ quá lớn đối với khả năng và cấp bậc của mình.
Quay sang hai người
lính tôi hỏi:
- Thế còn Tào Khén mày
quê ở đâu? Có vợ con gì không?
Với một giọng tàu lai,
nó cho biết nhà nó ở gần sân bắn Bình Thới. Hồi Tết Mậu Thân, thấy lính BĐQ
“oánh” ngon lành quá xá, nên sau Tết nó tình nguyện vào lính. Khi ra đơn vị,
lúc đó trung úy Ngô Văn Niếu làm đại đội trưởng giữ nó ở lại ban chỉ huy và lo
cơm nước cho ông. Giờ nó có vợ, và có một con, nên cũng an phận không muốn ra
ngoài các trung đội nữa. Sau khi nghe Tào Khén nói xong, tôi quay qua hỏi thằng
Minh mấy câu. Sở dĩ vậy vì nó là người sẽ đi sát cạnh tôi, lo cho tôi từ miếng
ăn giấc ngủ cũng như an toàn của tôi.
- Ê, Minh mày mấy
tuổi?
- Dạ, 18, thiếu úy.
- Vậy là mày đăng lính
năm 17. Sớm quá he há. Ở đâu mày?
- Dạ, Bến Cát.
- Bộ mày có theo Việt
cộng trước đây hay sao mà lại gọi mày là “Cối Minh”?
- Dạ, hổng có thiếu
úy.
Nghe tôi hỏi đến đây
ông Thóc xen vào:
- Hồi mới về đại đội
nó ở khẩu đội súng cối. Lúc đó nó còn nhóc con lắm, đi hành quân nó vác không
nổi cái ba lô, 2 cấp số đạn, 4 trái lựu đạn cộng thêm 2
trái 60. Nhiều lúc tôi phải vác phụ nó. Tưởng nó đào ngũ hồi đó. Ai dè nó ráng
ở lại rồi chịu cơm nhà binh nên giờ mới ngon cơm như vậy. Sau đại úy Minh lấy
nó làm “tà lọt”. Tôi phải gọi nó là thằng “Cối Minh” để tránh trùng tên với ổng
nghe nó kỳ quá.
- Thôi vậy được rồi!
Ông vẫn sắp xếp gác sách cho cả hai đứa chúng nó, nghe chưa? Còn thằng Minh, ba
lô của tao thì tao mang. Nhớ luôn bỏ trong đó một bộ đồ với bịch gạo sấy, lỡ có
gì tao còn có cái ăn cái mặc. Trong ba lô có cà phê, mày ra làm một ca mang vào
đây thầy trò mình uống.
Tôi đã có thói quen từ
ngày làm trung đội trưởng, lúc nào cũng ba lô trên vai và kè kè theo khẩu M16
với hai băng đạn được quấn dính vào nhau. Có nó tôi tự tin hơn mỗi khi chạm
địch, và sau này nó cũng đã cứu tôi “một bàn thua trông thấy” trong lần giải tỏa
QL1 tại đồi chuối Hưng Lộc Dầu Giây cuối tháng 7/72. Tôi hỏi thêm trung sĩ Thóc
về tình hình đơn vị, về một số cán bộ hạ sĩ quan mà tôi chưa biết, còn lại hầu
hết tôi đã biết khi tôi còn làm trung đội trưởng ở đại đội này. Thành phần sĩ
quan ngoài tôi ra thì chỉ có duy nhất thiếu úy Vũ Văn Nghị là đại đội phó kiêm
trung đội trưởng trung đội 3. Còn 2 trung đội còn lại do trung sĩ 1 Tứ nắm
trung đội 1 và trung sĩ 1 Lữ nắm trung đội 2. Sau trận Dambe vào tháng 4/71 mà
tiểu đoàn chúng tôi có tham dự trên lãnh thổ Kampuchia, cũng giống như các đơn
vị BĐQ tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 trên lãnh thổ Hạ Lào, hầu hết các đơn
vị quân số hao hụt chưa bổ sung kịp. Tuy nhiên, sang đầu 72, thì khả năng tham
chiến của các đại đội đã khá hơn, trung bình khoảng 80 người. Số sĩ quan và hạ
sĩ quan cũng được bổ sung thêm. Mặc dù cũng mới chỉ bằng 2/3 bảng cấp số, nhưng
như vậy cũng tạm đủ để việc đánh đấm áp dụng có bài bản hơn, có công có thủ để
có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Không như những ngày mới hành quân
sang Kampuchia tháng 3/70, quân số đại đội chẳng bao giờ có được trên 60 người,
lúc đụng trận trước mặt là địch, còn trái phải sau lưng cũng chỉ có một mình
ta. Đôi khi hành quân chung với các đơn vị Nhẩy Dù, TQLC, thấy họ được trang bị
đầy đủ cả về quân số cũng như hỏa lực cơ hữu và yểm trợ mà tôi phát thèm.
Trở lại với thằng “Cối
Minh”, sau những ngày tháng gần nhau nó tỏ ra là một thằng em thật thà trung
hậu, lo cho tôi từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ những ca cà phê đến những điếu
Bastos xanh luôn được thủ sẵn trước lúc hành quân. Những khi hành quân lưu động,
nó luôn cùng Hạnh và Thường trọc lo đào hầm hố chu đáo. Dạo này, tôi còn thấy
nó đào hầm hố cho hạ sĩ 1 Bắc Kỳ Vấn, hỏi ra thì biết nó đang theo đuổi con Lệ
đứa con gái lớn của ông. Với số lương B1 khoảng hơn 12.000 đồng vậy mà nó cũng
chí thú tháng nào cũng gởi ông trung sĩ 1 Vịnh, hạ sĩ quan tiếp liệu đại đội,
giữ giùm nó 5000$ để mẹ nó lên hậu cứ lãnh và cho con bé 2000$.
Một hôm tôi làm bộ hỏi
nó:
- Ê nè Minh! Mày tính
lấy con Lệ, thiệt hả mày? Mày có hình nó đưa tao coi có gì tao nói với ông Vấn
cho.
Nó vừa nói vừa lôi
trong bóp tấm hình con nhỏ được bọc plastic cho khỏi ướt:
- Dạ, nhưng mà ổng khó
tính quá, sai làm hết cái này đến cái kia. Đ... tía, lại còn hay chửi nữa, chịu
đời hổng thấu. Nói thiệt với thiếu úy, tui lỡ thương nó rồi chứ biết ổng như
vầy thà ở giá sướng hơn.
Nhìn trong hình con bé
cũng sạch nước cản, trắng trẻo, con mắt có đuôi thật lẳng lơ, nhưng ngay khóe
mắt nơi sống mũi lại có một nốt ruồi. Thấy cái tướng có biểu hiện không hay
nhưng tôi cũng nói để nó vui:
- Thì ổng cũng phải
lên mặt tía vợ với mày. Chớ mày tưởng bộ đẻ con gái ra để cho không mày chắc?
Ê, mà con nhỏ mấy tuổi rồi mày?
- Dạ! 16, thiếu úy.
- Nó mới 16, đừng có
làm gì nó nghe thằng ông nội! Để chừng năm nữa tao nói với ổng cho.
Thế rồi sau những ngày
tử thủ Bình Long, tiểu đoàn về hành quân giải tỏa Bình Ba, Bình Giả; rồi đến
Hưng Lộc, Dầu Giây. Tuy chúng tôi quanh quẩn gần hậu cứ tại Hố Nai, nhưng không
còn dịp xả trại như trước nữa, mà chỉ thay nhau đi phép thường niên. Lúc này,
đại đội được tăng cường cho Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Gần 3 tháng đơn vị
thường xuyên ứng chiến để tiếp cứu cho các toán nhảy trong vùng chiến khu D, và
sau cùng là trận đụng độ với một C thuộc đoàn 429 đặc công tại rừng Cò Mi khi
chúng rút lui khỏi mặt trận Búng, Lái Thiêu. Sau đó, đơn vị lại trở lên Bình
Long. Suốt thời gian này “tía con” nó có vẻ khá thân thiện với nhau, không còn
nghe nó than phiền về ông “tía vợ” nó nữa....
Đầu năm 1973, lúc này
nó đã mang lon hạ sĩ. Muốn cho nó tiến thân, nhân có khóa CC1 quân y, tôi bèn
gởi nó đi học mặc dầu nó không muốn, tôi phải khích nó:
- Đ...m, mày phải đi
học để còn về “giựt le” với con Lệ chứ. Không lẽ mày làm “tà lọt” cho tao hoài
sao?
Sau 3 tháng nó trở về
thì đơn vị đã chuyển xuống Chơn Thành. Tôi phân bổ nó về làm y tá cho trung đội
2 của chuẩn úy Châu, tuy nhiên, làm như nó vẫn không muốn rời khỏi nhiệm vụ cũ,
cứ rảnh là lại quanh quẩn bên tôi. Nó dặn thằng Cư “tà lọt” mới là “mày phải thế này, mày phải thế nọ, cà phê thì phải pha thật đậm
bỏ ít đường thôi”... Nhiều lúc thằng Cư cảm thấy khó chịu càu nhàu:
- Đ...tía, mày làm như
là tao hổng biết lo cho trung úy chắc. Mày hãy lo cho ông già vợ mày đi, tao
thấy độ rày ổng thân với thằng Hạnh lắm.
Đúng như lời thằng Cư
nói, dạo này tôi thấy thằng “Cối Minh” nhìn thằng Hạnh với con mắt khang khác
không còn thân thiện như xưa. Nó cũng không còn thân thiện với ông Bắc Kỳ Vấn
nữa, tôi hỏi nó tại sao vậy nó chỉ trả lời:
- Đ... tía! Con ngựa
đó nó theo thằng Hạnh. Nó đá tôi rồi, ông thầy.
So về nét bảnh bao thì
thằng Hạnh cũng chẳng hơn gì thằng Minh, nhưng về ăn nói thì dù sao nó cũng là
“dân uống nước máy” nên có phần nhỉnh hơn, chứ không như thằng Minh là “dân
uống nước ruộng” nhà quê chơn chất thật thà. Hơn nữa, bố thằng Hạnh là ông thượng
sĩ Hanh, thuộc đại đội hành chánh công vụ cùng ở chung trong khu gia binh. Bà
Hanh đã chấm con Lệ cho thằng Hạnh. Bà thường lân la ra ngôi chợ Bùi Chu nơi bà
Vấn bán xôi mỗi buổi sáng để trò chuyện. Dần dà, hai gia đình đã trở nên thân
quen đi lại với nhau. Con Lệ thì dường như cũng đã lạt lẽo với thằng Minh để
ngả về thằng “trung úy” Hạnh, thằng đệ tử mang máy nội bộ của tôi. Sở dĩ tôi
gọi nó là “thằng trung úy” vì dường như mỗi khi về phép nó thường cùng trung sĩ
Tắc y tá và thằng Đời, thằng Hùng bên đại đội 3, mang lon trung úy đi chơi ở
Sài Gòn. Có một lần cuối năm 71, lúc tôi còn thiếu úy khi vừa sang nắm ĐĐ4,
tiểu đoàn về hậu cứ và được xả trại 3 ngày. Tôi đang lang thang cùng bà xã trên
đường Lê Lợi, tạt vào Mai Hương định ăn kem, thì gặp 4 ông trung úy của tôi
đang ngồi ở bàn trong. Thấy tôi, chúng nó vội đứng dậy chào, tôi bèn chào lại.
Để cho tụi nó tự nhiên, tôi nói:
- May quá gặp mấy
trung úy. Thiếu tá nói nếu gặp mấy trung úy thì mời về họp hành quân tối nay.
Ghé tai Tr/s Tắc tôi
nói nhỏ:
- Đ.m, cứ thoải mái.
Đối với tao không sao, dặn tụi nó đừng làm gì bậy bạ để bị mấy thằng “Cu Xê”
vồ, nghe không? Nhớ chiều 6 giờ ra xe, tao đợi tại tượng đài Thủy Quân Lục
Chiến, đêm nay đi rồi.
Nói xong, tôi cùng bà
xã quay ra không quên chào chúng nó với một nụ cười thật thông cảm. Đời lính là
thế đó, quanh năm xuôi ngược hành quân, được nghỉ dăm ba ngày phép, “giựt le”
một tí cũng chẳng “chết thằng tây nào”.
Mất con Lệ, thằng “cối
Minh” buồn thấy rõ. Nó ở lỳ ngoài tiền đồn vì không muốn vào trong này lại thấy
mặt thằng Hạnh và ông Vấn. Con Lệ có gởi trung sĩ Vịnh hơn chục ngàn trả lại
một phần số tiền thằng Minh đã cho nó, nhưng nó ra vẻ “quân tử tàu” không nhận
lại.
Hơn nửa năm sau, lúc
đại đội đóng quân ở Nha Bích trên đường đi Đồng Xoài, nó lại quen với một con
bé bán quán cóc gần chợ Chơn Thành. Mẹ nó có gởi trung sĩ Vịnh mang lên ít cau
trầu trà quả nhờ tôi đứng ra làm đám hỏi cho nó.
Sau đám hỏi ít hôm
không may cho nó, nó bang phải một trái lựu đạn gài. Khi quay người chạy lại
phía sau, đầu nó đập vào một cành cây lớn té dội ngược lại. Không còn kịp gượng
lại nữa, trái lựu đạn đã cướp đi mạng sống của nó, thằng “Cối Minh”, người tà lọt
thân thương của tôi trong suốt gần 3 năm tại đại đội 4/52 Biệt Động Quân.....
Giờ đây tuổi đời đã
ngoài 6 bó, ngồi nhớ lại đơn vị cũ chiến trường xưa, không sao tránh khỏi ngậm
ngùi thương cảm, những giọt nước mắt lại lăn tràn trên hai gò má đã nhăn nheo
vì một đời khổ hận. Tôi vẫn khóc, và hôm nay lại khóc. Khóc cho những thằng bạn,
thằng em, đã hy sinh trong cuộc chiến. Khóc cho những thằng đang sống đọa đày
vất vưởng nơi quê nhà. Và khóc cho những thằng như tôi ước vọng chưa thành đời
mãi long đong nơi đất khách quê người...
New Mexico một chiều
đông
Nhớ về KBC 3506/4
Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu
No comments:
Post a Comment