Lài là con gái lớn nhứt trong một gia đình lao động nghèo ở Xóm Chiếu, Khánh Hội quận 4, Sài gòn, trước năm 1975.
Sau khi xong bậc tiểu học, Lài đã phải nghỉ học để giúp gia đình. Hằng ngày, Lài đội thúng hột vịt lộn đi dọc theo đường Trình Minh Thế ra bến Bạch Đằng, bán cho du khách hóng gió mát, ngắm cảnh ghe tàu đi lại trên sông Sài gòn.
Tiếng
rao:
- “Ai vật lộn hôn?” kéo dài nghe ngọt ngào, khiến đám thanh niên có cớ chọc ghẹo.
Lài nghiêm mặt, ngó thẳng đi luôn. Cũng may, đám thanh niên không có hành động xàm xở. Đi từ xế chiều đến tối hẳn mới về. Hôm nào gặp trời mưa, vắng khách thì hột vịt ế, Lài thường về trễ. Tiền lời kiếm được phụ vào chi tiêu gia đình tất cả 8 miệng ăn.
Ba
Lài làm lao công khuân vác bến tàu.
Má Lài bán gánh cơm tấm nhỏ ở chợ Xóm Chiếu.
Gia đình Lài tạm sống trong căn chòi lá nằm ven rạch đổ ra sông Sài gòn.
Những ngày cuối Tháng Tư năm 1975, bến Bạch Đằng trở nên náo nhiệt lạ thường, người người xuôi ngược, chạy đôn, chạy đáo kiếm tàu để vượt biên xa lánh làn sóng đỏ.
Mấy hôm đó, Lài bán được nhiều, mỗi ngày hơn 3, 4 thúng. Tiền lời kiếm được nhiều khiến cả nhà vui vẻ.
Hôm nay là 29 hay 30 Tháng Tư gì đó, Lài đã chuẩn bị luộc nhiều hột vịt. Thằng em được giao nhiệm vụ đi, về bưng thêm hột vịt cho chị. Thấy mọi người hối hả leo lên chiếc tàu lớn, Lài bưng thúng đi theo, hy vọng bán được hơn. Thiệt vậy, đông người qua lại, người mua cũng nhiều, có người cho Lài luôn tiền thối. Dường như ai cũng nghĩ tiền sẽ vô dụng. Thúng hột vịt hết mau. Đây là thúng thứ ba kể từ sáng. Lài bưng thúng định xuống tàu để lên bờ. Nhưng con tàu đã tách khỏi bờ mà vì lo bán cho khách, Lài không biết. Lài hốt hoảng, cố len đám đông chạy tìm lối xuống nhưng con tàu ngày càng xa bờ.
Lài
mếu máo rồi khóc thành tiếng:
- Ba ơi, Má ơi, các em ơi! Làm sao bây giờ?
Có mấy bà tội nghiệp an ủi Lài mấy câu. Con tàu ngày càng xa dần bến, tiến ra giữa sông Sài gòn trực chỉ biển Đông. Trời tối dần. Lài cứ khóc thút thít rồi ngủ gục bên cái thúng.
Tiếng
la to:
- “Tới biển rồi” làm Lài tỉnh giấc thì trời đã sáng.
Gió mát thổi mạnh. Con tàu lắc lư nhưng cứ tiến về hướng đông. Tàu đến Phillippines, rồi Lài được máy bay đưa sang đảo Guam. Sau đó, đến Camp Pendleton thuộc tiểu bang California. Cuộc hành trình tuy dài và mệt, nhưng không khổ vì có quân đội Mỹ lo cho mọi thứ. Vì Lài mới 13 tuổi nên được gia đình người Mỹ bảo trợ ra trại sau mấy tháng chờ đợi. Lài được đến trường đi học. Gia đình nầy không con, thấy Lài lanh lợi, năng động trong công việc nên quí Lài vô cùng. Cha mẹ nuôi khuyến khích Lài đi làm thêm tại các siêu thị sau giờ học nên Lài để dành được khoản tiền nhỏ.
Năm
năm sau, Lài bắt đầu liên lạc thơ từ với ba má tại Việt Nam. Mọi
người mừng rỡ khi biết tin Lài còn sống và đang ở Mỹ. Sau khi tốt
nghiệp trung học, Lài học nghề nursing 4 năm rồi đi làm trong bịnh
viện. Lài còn học thêm mấy chứng chỉ chuyên môn nên tay nghề khá
vững. Công việc lương cao cộng thêm cách ăn xài của con nhà nghèo giúp
Lài để dành một khoản tiền lớn. Thỉnh thoảng, từng gói quà được
Lài chắt chiu gởi về giúp ba má, các em qua cơn thiếu thốn. Lài mua
nhà, ra riêng, khi cha mẹ nuôi quyết định về hưu tại miền bắc. Rồi
ngày vui đến khi cả xóm nghèo rộn lên để tiễn đưa ba má Lài và các
em sang Mỹ đoàn tụ. Lài đón cả gia đình về căn nhà nhỏ ở Garden
Grove.
Trong
nhà, cái thúng hột vịt lộn do Lài mang ra từ trại tị nạn được đặt
vào chỗ trang trọng nhứt, để kỷ niệm những ngày xuôi ngược nơi bến
Bạch Đằng, cũng như nhờ nó mới có ngày nay.
Từ
bây giờ, Lài có khả năng lo cho ba má và các em tạo dựng cuộc đời
mới. Lài nghĩ tới chuyện mở một quán cơm tấm tại khu Bolsa để tạo
việc làm cho cả gia đình.
Má
Lài là đầu bếp chánh, các em phụ giúp trong ngoài nên không cần mướn
ai.
Quán
cơm tấm bình dân “Viễn Xứ” khai trương không rầm rộ nhưng nhờ cơm tấm
ngon nên khách đồn nhau kéo đến.
Ngoài
việc nhà, các em lo học tiếng Mỹ, học nghề để mưu sinh mai sau. Một
tương lai tươi sáng chờ đón gia đình Lài tại Mỹ.
Tất
cả đều từ thúng hột vịt lộn. “Ai vật lộn hôn?” cứ vang lên mãi trong
đầu của Lài.
Nguyễn Đan Tâm
No comments:
Post a Comment