Wednesday, August 31, 2016

Trả Lại Cho Dân - Hợp Ca Asia 76

Truyện Vui: Trắc Nghiệm Thú Vị Về Các Bà Vợ


Một nhóm đàn ông khi đang uống rượu, họ cùng nhắn một tin nhắn với cùng một nội dung cho người vợ của mình. Với mỗi độ tuổi khác nhau, các ông chồng lại nhận được những câu trả lời khác nhau. Chúng ta hãy cùng xem các bà vợ sẽ nói gì nhé!

Các ông chồng trong lúc đang nhâm nhi, một người đàn ông bỗng nảy ra một ý tưởng: Mỗi người sẽ nhắn tin có nội dung “anh yêu em” và gửi cho vợ của mình. Kết quả là các bà vợ đã trả lời hoàn toàn khác nhau.
Bà vợ 20 tuổi trả lời: “Em cũng yêu anh” 
Bà vợ 30 tuổi trả lời: “Uống nhiều rồi phải không?” 
Bà vợ 40 tuổi trả lời: “Anh hâm à?”. Có tửng hông?
Bà vợ 50 tuổi trả lời: “Nhắn nhầm rồi phải không? Cứ liệu hồn, về đây rồi tôi xử lý ông!” 

Play
Current Time 0:01
/
Duration Time 0:01
Remaining Time -0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
0:01
Fullscreen
00:00
Mute
Bà vợ 60 tuổi trả lời: “Ông về hưu nhàn rỗi rồi phát khùng à, đi leo núi hay chơi môn thể thao nào đi” 
Bà vợ 70 không trả lời mà nói với con: “Bố con chắc sắp không qua được mấy ngày, mau chuẩn bị hậu sự đi thôi”. 
Bà vợ 80 tuổi lẩm bẩm: “Ông này hôm nay chắc lại quên không uống thuốc rồi”. 

Cùng một câu nói nhưng thời gian qua đi sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau. Có thể chúng ta không thay đổi nhưng… 

Thiên Minh
Nguồn: daikynguyenvn.com

Mưa Buồn Tháng Ngâu - Đỗ Công Luận

Vì Sao Người Việt Quốc Nội Lại Đua Nhau "Tháo Chạy" Khỏi Thiên Đường Cộng Sản?

Tin mới nhất từ các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, số người Việt đăng ký xin visa tăng kỷ lục, một làn sóng tháo chạy khỏi thiên đường Cộng Sản đã bắt đầu? Ngày 23 tháng 8 trước lãnh sự quán Czech tại Hà Nội đã có tới hàng ngàn người giành giật để tìm đường vào xin thị thực. Vì sao một thế giới được quảng bá là thiên đường lại có nhiều người muốn bỏ đi như vậy?

Cảnh làm hộ chiếu tại Việt Nam, hàng vạn người đang lo lắng không biết khi nào tới lượt.

Mưa tầm tã nhưng có vài ngàn người tranh giành đường vào lãnh sự Czech để "tháo chạy" khỏi thiên đường Việt Cộng


Chuyện của Mỹ Lệ

"Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình, khi người dân đang đầu độc nhau như thế…", Mỹ Lệ nói.

- Là một ca sĩ nổi tiếng, Mỹ Lệ gác sự nghiệp sang một bên, dốc sức chăm lo cho chồng và các con. Chị cũng được biết đến là một người mẹ khá nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái theo cách của một người mẹ truyền thống.

Hai con gái của chị đã trên 10 tuổi, gia đình chị quyết định cho con qua Đức học. Để rồi mỗi năm, chị sẽ sang ở với các con một khoảng thời gian nhất định. Lý do của việc cho con đi sớm, chị ngắn gọn: "Để bảo vệ con".
Đưa con đi để tránh sự "đầu độc"

* Khi phụ nữ vào bếp, thế giới khép lại. Phải thế không nhỉ?

- Ngược lại ấy chứ. Nhất là ở Việt Nam. Giờ vào bếp, thế giới mở ra với những sự thật rất hãi hùng.

Bạn vào bếp chăm sóc cho gia đình cái ăn từng bữa, bạn sẽ hiểu việc ăn uống không phải là thứ có thể qua loa thế nào cũng được. Nhất là giờ đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam đã không còn niềm tin. Gia đình bạn, con bạn sẽ bị đầu độc bất cứ lúc nào. Và đầu độc từ từ.

Đó là lý do tôi phải đưa con qua nước ngoài học, để bảo vệ con mình. Chúng sống bên Việt Nam, ăn uống tội quá. Với tình hình thực phẩm kinh khủng như ở Việt Nam thì lũ trẻ sẽ có nguy cơ bị đầu độc từ từ.

Các con mới có 11 tuổi, qua sớm thì cũng tội chúng lắm nhưng ở Việt Nam còn tội hơn. Đồ ăn thức uống không đảm bảo, các con không đủ sức khoẻ, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các con.

Ung thư là thứ làm tôi ám ảnh và sợ. Thật kinh khủng. Căn bệnh đó có thể gõ cửa từng nhà nếu như đồng loại vẫn cứ đầu độc nhau bằng cái ăn cái uống như thế này.

Người ta bảo người Việt hay "sính ngoại", và luôn thường trực quan niệm: Cái gì ở nước ngoài cũng tốt hơn xứ ta…

- Người Việt sính ngoại là có. Còn cái gì ở nước ngoài cũng tốt hơn nước ta thì không hẳn. Nhưng đa phần là hơn. Đặc biệt là thực phẩm sạch. Thế nên, trẻ em nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu, phát triển bình thường, khoẻ mạnh.

Gia đình tôi hầu như hạn chế sử dụng thực phẩm trong nước, kể cả các nước lân cận mà nhất là Trung Quốc. Ở Đức, ăn gì cũng không phải lo. Uống nước từ vòi nước công cộng cũng không phải lo.

Chồng tôi vài tháng lại qua Đức, mỗi lần đi, anh mang từ Đức về; trái cây, cá, đồ dùng, mỹ phẩm. Đức là đất nước mà vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sản phẩm tiêu dùng đứng hàng đầu thế giới, không cần nghi ngờ.

Một số thứ chúng tôi dùng đồ Việt Nam như thịt, rau và gia vị.

Hải sản, trước đây khi chưa xảy ra sự kiện Formosa đầu độc biển miền Trung, tháng nào bà ngoại và mấy dì cũng gửi một thùng cá, mực sạch từ biển Quảng Bình.

Tôi ít ăn đồ hải sản ở Sài Gòn vì tôi sợ khi chúng về đến Sài Gòn thường phải "ăn" phân đạm để giữ tươi lâu, nhất là mực.

Còn những thứ nuôi được thì nỗi sợ dùng thuốc tăng trưởng. Một con heo ngày xưa nuôi 1 năm mới xuất chuồng, giờ chỉ mấy tháng. Các loại cá tôm cũng thế, thu hoạch nhanh chắc chắn sẽ dùng thuốc…

Thế nên, ăn gì bây giờ là cả một vấn đề. Và để đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối sẽ không bao giờ có nhưng mình có thể hạn chế được những thứ mà mình biết chắc sẽ gây nguy hại bằng kinh nghiệm của bản thân.

Nhà chị từng trải qua những "bài học đau đớn" với thực phẩm bẩn chưa?

- Chưa. Vì trong gia đình chúng tôi đều cẩn thận trong ăn uống, ít để cái miệng hại cái thân. Nhưng những thông tin trên báo, những câu chuyện thương tâm từ các bệnh viện cũng đã chứng minh tất cả.

Tôi là người rất đa nghi. Và cái gì tôi đã nghi ngờ là tôi ít khi dùng đến. Ví dụ vào một tiệm phở nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi ít khi dùng tương đỏ và tương đen, mà chỉ ăn ớt tươi và chanh.

Trong ý thức của tôi không phải đến giờ mới đọc các bài báo tương được làm bẩn như thế nào, tôi cũng có thể biết được mình phải cẩn thận vì hồi nhỏ, trong gia đình mẹ tôi làm ngành dược, đã dạy các con cần ăn gì và nên tránh những thứ gì.

Nhưng chứng kiến thực phẩm bẩn thì nhiều. Tôi thực sự thấy sợ. Ở Huế, có những lò bún làm cạnh chuồng heo. Rau để tươi lâu thì chất bừa trong nhà vệ sinh… Người ta làm mọi cách để có thể sinh lời mà không cần biết đồng loại sẽ ăn phải những thứ gì.

Những người bán họ cũng không nghĩ họ đang làm bẩn, mà họ nghĩ rằng những điều đó là bình thường, điều đó rất tai hại. Tức là, họ xem thường sức khoẻ của người dùng, họ xem việc rau phải tươi, heo phải bán được nhanh là mục đích mà không cần biết ai bệnh ai chết.

Cái ác nó ngấm dần trong hành động thành ý thức khó đổi.

Vậy chị tìm nguồn thực phẩm sạch ở đâu, cho gia đình ở Việt Nam?

- Người ta nói, không biết có những gì đang rình rập chúng ta trong đám rau thịt ngoài chợ. Điều đó không phải không có lý.

Tôi thường chọn các chợ lớn, có nhiều thực phẩm ngon. Từ ngày có vụ Formosa, cá Quảng Bình tôi không thể ăn, nên phải đặt cá Nha Trang hoặc Côn Đảo.

Với các thức ăn như thịt thì dù sao, tôi cũng đặt chút niềm tin vào các siêu thị. Một chút thôi vì vừa rồi báo chí cũng phanh phui một số siêu thị có thực phẩm bẩn.

Rau sạch là cả một vấn đề nan giải, nhất là khi nhà tôi ăn rau nhiều. Dù có mối quen, lấy rau sạch nhưng cũng phập phù lắm.

Hồi bé nhà tôi trồng rau sạch, đầy sâu hoặc rau già. Giờ nhìn đâu cũng thấy rau non, đẹp, tươi mượt. Chẳng ai biết được sau cái sự non đẹp đấy là gì. Thế nên tôi vẫn chọn một phương án là tự trồng ở nhà một số rau sạch nhất định.

Nói chung, tôi chủ động trong việc tìm nguồn thức ăn sạch. Và từ sự nan giải trong tìm kiếm nguồn thức ăn sạch, tôi thấy thương vô cùng sự vô tư của những bà nội trợ, ra chợ cười tươi và mua thực phẩm về, nhiều khi biết bẩn nhưng không còn lựa chọn khác.

Mình cũng qua hơn nửa đời người rồi, thế nào cũng được nhưng con cái còn nhỏ, phải nghĩ đến tương lai của chúng. Thế nên, nghĩ đến chuyện thực phẩm, rồi môi trường như thế, vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để cho con được sống ở môi trường khác tốt và an toàn hơn ở những phương diện này.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mất căn bản

Là một người đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng quê, nhất là những lần đi khảo sát với chồng, một người làm trong ngành dược, chị có nhận xét gì không về việc ăn uống của đồng bào ta?

- Ngay cả bản thân tôi có một chút điều kiện mà còn thấy khó khăn trong vấn đề tìm nguồn thức ăn sạch, thì bạn cứ hỏi những người dân nghèo, nhất là những người nghèo ở thành thị, họ đang chịu đựng những gì?

Ở nông thôn thì đỡ hơn vì dẫu sao nhiều nhà cũng tự trồng được rau, nuôi được gà, được cá để ăn. Tuy nhiên, rất nhiều hộ nông dân trồng rau bán, cái ngạc nhiên là họ biết loại nào độc loại nào không, cái độc thì đem đi bán cho đồng loại.

Chung quy lại, đồng bào ăn phải thức ăn bẩn cũng là do những người đồng bào gần gũi mang lại. Lòng tham đã tạo ra cái ác, và huỷ hoại rất nhiều thứ của con người.

Nói thì hơi tiêu cực, nhưng giờ đúng là khó mà đòi hỏi đạo đức ở đất nước mình được. Ngắn gọn nhất: Giá trị về đạo đức và lòng tự trọng đã bị đánh mất rất nhiều. Không quan tâm đến sức khoẻ và tính mạng của người khác là kết quả lớn nhất của việc đánh mất đạo đức.

Câu chuyện đạo đức, hình như dài và hơi nhiều. Và "biết rồi khổ lắm"!

- Nói ra mà đau. Những giá trị đạo đức tốt đẹp không phải là hao hụt mà là đang bay vụt. Những người có trách nhiệm với sinh mệnh, sức khoẻ của đồng bào, có được bao nhiêu người suy nghĩ về vấn đề này?

Nếu họ suy nghĩ và hành động, thì thị trường thực phẩm không bị nhiễu loạn và nhuốm bẩn đến như thế.

Những người dân bé nhỏ, những người thiếu học, không đủ nhận thức, thì làm sao đòi hỏi họ phải có trách nhiệm với người khác khi mà những tấm gương cho họ soi thì lại là những kẻ tham lam?

Dĩ nhiên mình không thể đánh đồng được hết nhưng đa phần hiện nay, người Việt chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình mà không nghĩ cho người khác; chỉ nghĩ đến cái trước mắt mà không biết con cháu mình sẽ phải gánh chịu những hậu quả gì do chính bản thân cha anh chúng gây ra.

Giờ đi trách nông dân vì sao ác độc với đồng loại, tôi cũng nói thẳng, những cái ác độc đó cũng chưa nhằm nhò gì với những cái ác độc khác.

Cái nghèo có đáng để đổ tội không, khi mà tham lam cũng là cách thoát nghèo nhanh nhất?

- Không. Mấy ông quan chức thì đâu có nghèo nhưng vẫn có một số người tham lam. Lòng tham là vô đáy. Nhất là lòng tham của những người được sinh ra và mưu lợi từ một xã hội đang có dấu hiệu mất căn bản.

Khi lòng tham là mục đích và sự hãnh tiến là động cơ, thì cái ác đã được cài đặt sẵn trong hành trình. Khái niệm "ăn học để thành người" hôm nay không còn nguyên ý nghĩa, thay vào đó là "ăn học để làm ông này bà nọ".

Ông này bà nọ để mà "một người làm quan cả họ được hưởng". Thực tế cũng chứng minh điều đó, và khá nhiều họ "được hưởng". Sợ nhất là xảy ra hiện tượng "Mạnh ai nấy đục mạnh ai nấy khoét", và không nghĩ đến chuyện bảo vệ quyền lợi cho người khác.

Xã hội nào cũng vậy, khi mà người quản lý chỉ để nhận nhiều mà không nghĩ cách làm sao để cho mai sau và vì mai sau, thì những người dân độc ác với đồng loại cũng là điều dễ hiểu.

Ai cũng nói thế. Nhưng "cái căn bản" nên được hiểu là gì, để giờ ta ngồi đây và nhận xét là nó đã mất?

- Những gì cha ông để lại đã bị người đời sau làm cho méo mó lệch lạc. Cách đối xử với thiên nhiên, với con người ở ta không còn quy chuẩn, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy đạp.

Ở châu Âu, giá trị con người được đề cao. Họ tự tôn, tự trọng, biết nghĩ cho người khác, chấp hành pháp luật nghiêm minh.

Giờ ở ta, mở báo ra là cứ thấy người này khoe xe, người kia khoe của. Rồi lấy xe, lấy của đi lừa người khác như cái lũ bán hàng đa cấp.

Giới showbiz nổi nhất của việc khoe giàu khoe sang, khoe cặp được ông này, cướp chồng bà nọ để có tiền sống xa hoa. Có thấy mấy ai nói về lao động vất vả vinh quang, kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt đâu?

Con trai thì đi tập gym để body cho đẹp, lượn lờ trong các phòng gym kiếm đại gia. Con gái thì phải đẹp để kiếm tiền, không đẹp tự nhiên được cũng phải sửa cho thật đẹp, đi thi hoa hậu, dấn thân vào showbiz, để cặp được với kẻ lắm tiền nhiều của.

Họ đâu nghĩ đến chuyện học hành để làm một việc gì có giá trị? Giờ nhiều cô bé nghĩ đến việc không cần học hành gì, cứ đẹp là sẽ giàu, sẽ đổi đời.

Xã hội vốn đã mất mát căn bản, nay thêm những kẻ như thế, nó thành lệch lạc, quái dị.

Xã hội nào cũng có những người thế mà. Từng đi nhiều nước và sống ở nước ngoài, chị lý giải rõ hơn chút nữa, cái "căn bản" theo trải nghiệm của chị?

- Tôi qua Đức 2 tháng ở với con, bạn biết tôi cực nhất là việc gì không? Đó chính là đi đổ rác. Rác phải phân ra các thùng khác nhau theo từng loại, phải để vào túi giấy, không được để vào túi nilon, cho vào thùng rác.

Người dân phải phân biệt rác sẵn ở các thùng. Chỉ cần sai một phát là bị phạt ngay. Rác của mình thôi nhưng khi chia cũng phải tự làm để người gom rác đưa vào đúng nơi xử lý rác.

Họ chia ngày ra, ngày nào đến lấy rác thức ăn, ngày nào đến lấy rác nhựa, ngày nào đến lấy rác là lá cây, cỏ trong vườn… Người dân tự nguyện đưa rác ra đúng ngày, đúng giờ.

Mình thì sao? Mạnh ai nấy xả, túi nilon, kim tiêm, bao cao su đã dùng…tất cả gom hết vào. Nhà máy xử lý rác cũng chưa có, rồi cất giấu chôn vùi đâu đó.

Hoặc mạnh ai nấy nhét xuống cống. Ai lãnh? Chính chúng ta và hậu quả để lại trên đầu con cháu chúng ta.

Một xã hội ngăn nắp, tôn ti trật tự từ cái cọng rác thì hỏi sao mà con người ở đó không phát triển một cách lành mạnh?

Ở xã hội mà chai nước ngọt uống xong, bạn cho vào máy đổi lấy mấy cent tiền chai, trong khi ở mình, mạnh ai thì vứt toẹt ra đường, nhét xuống cống. Có thùng rác đấy, cũng chẳng thèm vứt vào.

Chúng ta hay so sánh Việt Nam với các nước tiên tiến mà không hiểu sao họ lại sạch hơn ta, họ lại văn minh hơn ta, đấy, là từ những cái căn bản của họ ở những điều nhỏ nhất. Con người đã sống có ý thức như thế, thì tương lai hay hiện tại đều theo một nếp.

Làm ơn nghĩ đến con cháu

* Đồng ý là từ cọng rác, ở ta, mạnh ai nấy vứt, mạnh ai nấy đổ. Chẳng có gì để bắt để phạt được sự "hãm hại" môi trường và sự ngược đãi các công trình công cộng. Và cũng chưa có gì để cấm người ta đầu độc đồng bào vì thực phẩm bẩn!

- Thì bởi thế, sống hôm nay, không cần biết ngày mai là gì. Không biết con cháu mình sẽ sống thế nào ngoài việc nghĩ sao có nhiều tiền để lại cho chúng. Sức khoẻ, môi trường, không phải cứ có tiền là mua được đâu.

Các nước văn minh người ta giáo dục cho công dân mỗi người phải ý thức với môi trường. Bên này tôi trả tiền nước thải lớn hơn tiền nước sinh hoạt. Vì nước thải họ phải xử lý nên phải trả phí cao hơn nước sinh hoạt.

Ở bên này, chim có làm tổ trong nhà anh cũng không được sờ đến. Khi đi câu cá, gặp con cá nhỏ phải trả về cho thiên nhiên để chúng lớn và sinh sản. Chim muông hoang dã bơi lội đầy không ai được đụng đến.

Cây trong vườn nhà mình, muốn đốn một cành cũng phải xin phép, phải làm đơn. Bạn có thể thấy những cánh rừng mênh mông của họ, từ nơi này đến nơi khác nhưng bạn cứ thử đụng vào một cành cây, bạn có thể phải ngồi tù.

Ở ta thì sao? To nhỏ ăn tất. Lấy của thiên nhiên không trừ một thứ gì. Chặt, phá, săn, bắt, cái gì cũng có thể đưa lên bàn nhậu.

* Một xã hội không có căn bản thì con người ta trở nên nhỏ bé và tội nghiệp!

- Con người hiện nay có xu hướng đánh mất căn bản, mất giá trị cốt lõi từ những việc tưởng như rất nhỏ, rất đơn giản. Nhỏ như cọng rác, đơn giản như mua mớ rau ngoài chợ.

Giờ này nhiều người còn hão huyền không nhận ra những giá trị thật. Mất từ người lớn đến trẻ em, từ thầy đến trò, từ bác sĩ đến bệnh nhân.

Cá nhân tôi cũng mất. Chúng tôi đâu được dạy về những cách hành xử với môi trường, với con người một cách văn minh từ nhỏ?

Những đứa trẻ được mẹ chở đi học, con uống xong chai nước mẹ quăng thẳng ra đường thì làm sao vun cho con giá trị? Mẹ bán rau bẩn cho người ta còn mình ăn rau sạch, con nhìn thấy điều đó hỏi sao chúng công bằng với nhân loại?

Cái giá phải trả cho điều đó họ không nhận thấy, cũng chẳng cần chờ đến quả báo đâu, trả ngay tại chỗ, và trả với thế hệ kế cận.

Ông bảo vệ một xưởng may cạnh nhà tôi, mỗi sáng ông quét tất cả rác, trong đó có túi ni lông ra miệng cống và dùng cán chổi luồn túi nilon xuống miệng cống.

Nhìn ông tôi nói luôn: Ngay nhà chú mà chú làm thế, chú làm thế chú hại nhà chú chú hại luôn nhà tôi.Chú hốt đi một cái vào bỏ vào bịch cho người ta lấy chứ sao chú lại làm thế. Rồi ông thôi.

Giờ đi ra đường nhìn các miệng cống, chi chít túi nilon. Con cháu mình sẽ lãnh hết. Trồng rau phun thuốc xuống đất, chẳng cần đến đời sau đâu, uống nước đó vào thì ung thư cũng từ đó mà ra.

* Là công dân "mất căn bản", đi ra nước ngoài chị thấy người ta nhìn nhận mình như thế nào?

- Tôi từng đi Nhật, Thái và nhiều nước. Nhật, Thái, tôi từng nhìn thấy những bảng tiếng Việt như: "Không được ăn cắp", "Không được lấy quá nhiều buffet, lấy nhiều phải ăn hết"…, nhìn thấy cảnh đó cũng nhục lắm.

Nhưng làm người Việt đi ra nước ngoài, lơ ngơ cái là mất tiền thôi. Thử ném cái chai xuống đường hay ném cọng rác xuống đường đi? Thử nhảy vào bẻ hoa xem nào?

Trẻ con nước người ta biết đi là biết học ý thức. Người nhà mình tận khi trưởng thành ra nước ngoài để trả phí cho bài học ý thức, cứ nghĩ nước người ta không có cảnh sát đứng ngoài đường thì muốn làm gì cũng được. Đau hơn là lạc loài trong một xã hội tiến bộ.

Có lẽ một xã hội thế nào thì hãy nên nhìn nếp sống chốn công cộng, nhất là ngoài đường và ngoài chợ. Đường nhà mình đang như thế nào, người ta đi lại thế nào và chợ của mình ra sao, người ta bán gì ở đó cho đồng loại, mọi người tự hiểu.

* Một ngày nào đó khi con chị lớn, chị sẽ nói cho con lý do mà chị cho con xa mẹ sớm như thế chứ?

- Phải nói, để con có ý thức hơn trong việc đấu tranh bảo vệ đồng loại.

Các con ra nước ngoài học, ở cái giai đoạn tuổi đời đẹp nhất, nhận thức bắt đầu phát triển, thì nó sẽ lãnh hội được những điều văn minh từ những nước văn minh.

Giờ mình ngồi kêu ca cũng chẳng giải quyết được gì cả. Hãy bắt đầu từ những đứa trẻ và có trách nhiệm với chúng để có một thế hệ mới tốt đẹp.
Sưu tầm

Triển Lãm Hoa Lan - Phong Lan

Tuesday, August 30, 2016

Củ Cải Kho Lạt


Hôm nay đi chợ thấy chủ shop đổ ra một thùng củ cải trắng mới tinh tươi rói, củ nào củ nấy trắng muốt thấy mà ham, một củ 2 đồng, mấy bà xúm lại lựa như tôm tươi. Bà bếp cũng bắt chước mua hai củ tính nấu canh với sườn và củ cải đỏ nhưng về nhà bọn nhỏ nói không thích món canh đó nên bà bếp trở quẻ đem kho. Đáng lẽ phải kho với thịt ba rọi nhưng vì không có tính trước, không mua thịt thành ra kho không như kho chay. Vậy mà ngon và lành mạnh.


Vật liệu :
- 1 hoặc 2 củ cải trắng, cắt như hình dưới đây
- 2 tép hành lá
- 3 trái ớt hiểm  
- 1 muỗng canh nước mắm - 4 muỗng cà phê đường - 1/2 muỗng cà phê muối - 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê nước màu. Nếu số củ cải nhiều hơn thì tăng thêm số lượng gia vị. 


Cách làm :
Bắc chút nước, cho nước mắm, muối, đường và nước màu vào nấu sôi, bỏ củ cải vô kho, lúc đầu cho lửa mạnh, sau đó để lửa riu riu kho tới mềm, càng mềm càng thấm càng ngon. Bởi vậy không nên kho quá mặn, chất mặn ngấm vào củ cải mặn quá sẽ khó ăn. 
Ăn chay cũng có thể kho kiểu này nhưng thay vì nước mắm thì dùng tàu vị iểu. 
Trước khi ăn cho hành lá và ớt vào sẽ thêm phần ngon mắt ngon miệng.

 

Bon appétit!

  Người Phương Nam

Nghiêng Lời Chim Hót - Trầm Vân

Bạn Có Tồn Tại Ác Tâm Trong Lòng Không?


Ác tâm có thể sinh ra từ những điều vô cùng nhỏ nhặt.

"Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”

"Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở?

Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy.

Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.

Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.

Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!

Thầy trả lời:
Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.

Tôi nói:
Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái.

Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.

Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:
Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.

Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.

Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.

Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.

Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”

Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.

Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”

Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?

Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.

Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?

Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!

Sưu tầm

Sông Quê - Đỗ Công Luận

Khiêm Tốn Nhận Ra Mình - Lm. JB Nguyễn Minh Hùng


Có phải trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh, lời dạy sau đây của Chúa:“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”, luôn luôn không gây khó khăn?

Mọi người nghĩ gì khi vị nguyên thủ, cứ vào tiệc, lại tìm chỗ không hề xứng tầm địa vị mà ngồi? Trăm lần như một, ông đợi người ta mời. Sau đó, mọi người lại phải đợi lãnh đạo của mình từ chỗ cuối hết, bước lên. Tự dưng ông trở thành điểm chú ý không đúng lúc, không đúng cách... Chắc chắn, không bao giờ có ai chấp nhận cung cách lãnh đạo như thế…

Vậy bạn và tôi phải hiểu thế nào về lời dạy của Chúa? Điểm chính yếu: Chúa muốn nhắn gởi thông điệp gì?

Hãy nhớ, ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Luca cho biết: “Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa”. 

Pharisêu là những kẻ hách dịch, kiêu ngạo. Họ vốn luôn tự đắc mình đạo đức, mình công chính hơn người. Họ cho rằng chỉ có họ nắm giữ lề luật, nắm giữ Kinh Thánh, và luôn chăm chỉ cầu nguyện, luôn tế tự nghiêm túc. Họ nghĩ, chắc chắn họ sẽ vào Nước Trời. Chỉ có họ là thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương.

Rõ ràng, theo mạch văn của Tin Mừng, đối tượng Chúa nhắm đến là các Pharisêu. Và nếu lời Chúa được công bố trong thời nay, thì chắc chắn lời ấy nhắm đến những kẻ đang nhen nhúm trong lòng dạ mình “men Pharisêu” (Mc 8, 15a). 

Do đó, Chúa muốn dạy họ và dạy chúng ta bài học của sự khiêm tốn, bài học về một tâm hồn ảnh hưởng “men thánh thiện”. Đó là luôn biết nhìn nhận thực chất con người của mình, đừng ảo tưởng, đừng khoe khoang sự “thánh thiện”, trong khi chẳng có chút thánh thiện.

Cuộc đời khoác lên chúng ta nhiều “thứ áo”, nhiều “màu áo”: nhan sắc, tiền bạc, tài năng, địa vị xã hội… Người ta thường đánh giá nhau dựa vào dáng vẻ bên ngoài. Nếu cứ sống trong những “chiếc áo” ấy, sẽ dễ hình thành trong ta ảo tưởng, kiêu ngạo, khoác lác, khoe khoang, tự mãn…

Thiên Chúa thì khác. Người nhìn thấu, nhìn toàn diện con người ta. Người nhận thấy ta tận chiều sâu tâm hồn. Bởi chỉ có bên trong nội tâm, chỉ có sự sâu thẳm của tâm hồn mới là giá trị thật của mỗi một người. 

Vậy cho nên, qua dụ ngôn bữa tiệc trong nhà Pharisêu, một lần nữa, Chúa đòi bạn và tôi phải quay nhìn vào lòng mình, quay nhìn vào chiều sâu nội tâm của bản thân, để khám phá lại chính mình, khám phá sự thật của tâm hồn mình. 

Tôi sẽ luôn tự nhủ: Cuộc đời có thể khoác cho tôi nhiều vị trí khác nhau, họ chỉ nhìn thấy dáng vẻ bên ngoài. Nếu tôi chỉ dựa vào những đánh giá của người đời, tôi sẽ rơi vào nguy cơ xa cách tinh thần đạo đức. Tôi cần sống đúng sự thật của mình trước mặt Chúa. Vì thế, tôi khiêm tốn chính là tôi phải tự biết mình.

Thật ra, quay về với sự thật của lòng mình không dễ chút nào. Nó là cả một công trình của sự nỗ lực và phấn đấu từng giây phút, suốt đời ta.

Bởi ai cũng thích lời khen hơn tiếng chê, thích được nịnh, được ca tụng hơn bị phê bình. Đối diện với lời ca tụng, có thể ta tỏ ra khiêm tốn, miệng nói mấy lời chối từ, nhưng trong lòng thì lại thấy như… muốn người ta khen hơn nữa.

Ngược lại, biết bao nhiêu lần, ta coi là bị xúc phạm, khi ai đó “cả gan” phê bình, chỉ trích ta. Có người bực tức, khó chịu, cắt đứt mọi quan hệ với kẻ dám phê bình mình. Thậm chí, trong cuộc đời này, đã xảy ra biết bao nhiêu sự trả thù, thủ tiêu những kẻ dám nói sự thật về lỗi lầm của một ai đó. Người ta có thể coi người phê bình là đối thủ, là kẻ thù phải tận diệt… 

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để khám phá lại giá trị thật mà ta đang có, đang chi phối mọi tư tưởng, hành động, lời nói, mọi tương quan… của mình. 

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để tập tành và làm cho hình thành dần sự khiêm tốn, nếu chưa được như mong muốn, thì cũng phải ở mức tối thiểu. 

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để ta luôn luôn đón nhận những ý kiến của anh chị em, dù đó là sự thật khó nghe.

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để sẵn sàng chỉnh đốn khi dược ai đó cho biết, hay khi khám phá ra bóng tối trong lòng dạ mình.

Hãy tự xô đổ mọi bức tường của ảo tưởng, của kiêu ngạo, của tự mãn…, điều mà nếu không khám phái lại tâm hồn trong ánh sáng của lời Chúa, sẽ khó có thể làm nổi.

Hãy nhận ra mình. Chân nhận bản thân là cách khiêm tốn nhất để chiếm lĩnh tình yêu của Chúa và sở hữu tình thương của nhiều anh chị em dành cho mình.

Hãy quyết tâm: Từ nay tôi sẽ sống khiêm tốn. Đó là tôi sống đúng sự thật con người của tôi trước mặt Chúa, trước mặt anh chị em. 

Chỉ khi nào lòng ta biết đón nhận ánh sáng lời Chúa để dối diện với chính mình, khám phá lại bản thân, ta mới thực là người có đức khiêm tốn hoàn hảo.

Hãy nhớ: cùng với lời dạy hãy sống khiêm tốn, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước, đã làm gương trước cho chúng ta về sự khiêm tốn. Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Philipphê đã nói về sự khiêm tốn của Chúa Giêsu: 

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6- 9).

Tất cả chúng ta hãy trở về với lòng mình, đặt mình đối diện trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, để khiêm tốn thật sự. Nhờ khiêm tốn, ta sẽ dễ sám hối. 

Chỉ khi trở về đối diện với Thiên Chúa, trong tư thế trần trụi, hèn hạ, nghèo khó, đầy những tội lỗi, mà không ai biết, chỉ có Chúa và bản thân biết, ta mới thật sự có cơ hội vươn lên sự thánh thiện, có cơ hội hãm dẹp bớt cái tôi cồng kềnh. Nhờ đó, tâm hồn khiêm tốn mới có thể ùa về trong ta.

Hãy loại trừ “men Phari sêu”. Hãy tập nhìn vào lòng mình. Hãy nhận ra sự thật của lòng mình. Hãy khiêm tốn như Chúa. Hãy khiêm tốn theo lời Chúa dạy.

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Monday, August 29, 2016

Tình Buồn Tháng Tám - Đỗ Công Luận

Tôi Làm Móng - Kim Phan


Tôi biết khi ra chợ, nhìn những cô gái chưng diện hơi khác một chút, xài hơi khác một chút, thì có người nghĩ thầm, đôi khi buột miệng "Con nhỏ đó làm móng".

Mấy năm trước khi kinh tế còn thịnh vượng, các bà các cô làm móng họ đi xe đẹp lắm, vì vừa có lương, vừa có típ, check thì gửi nhà băng, tiền Tip thì xài thoải mái vô tiệm ăn thì bao bà con anh em thả cửa, chồng con muốn ăn gì thì ăn, đừng nhìn giá tiền, có Ông chồng còn chọc yêu vợ (làm Nail) : Em ơi món nầy tới  12 đồng 99 lận em ơi . Bà vợ liếc mắt sắc như dao, nguýt yêu .....hổng trả lời .

Ở những tiệm đắt khách, tiền Tip nhiều, cuối tuần đi chợ, đi ăn nhà hàng, chỉ tiền tip thôi cũng dư cho 2 vợ chồng và 2 con, chưa kể mua sắm quần áo, giày dép cho chồng con cũng bằng tiền tip .

Người Việt mình đa số sang Mỹ lớp trước, lớp sau, tuần tự, vì muốn tìm tự do. Đúng là trời thương cho người Việt mình quá khốn khổ khi ở trong nước, nên xui khiến thế nào mà ngành Nail phát triển mạnh ở Mỹ và vài nước khác trên thế giới như Anh, Ý, Đức, Pháp... Đây là một nghề mà chỉ cần khéo tay, cầm tay khách, không cần dùng sức mạnh, vừa dũa, vừa tán dóc, vừa có lương, vừa được típ, lễ tết có quà khách biếu, hiện vật, hiện kim, bảo sao không xài đôi khi hơi khác người.

Có Bà là Aid Nurse, làm ở Viện Dưỡng lão, tối ngày phải đỡ đần, thay tã cho các bà già Mỹ cân từ 200 đến 300 pound, nặng nề quá, bà ta mới đi học Nail để đổi nghề nhẹ nhàng hơn. 

Các bạn thử nghĩ với sức vóc nhỏ con của người Việt, nếu làm lao động chân tay thì làm sao mà làm lại người Spanish , có ngành nào mà học 2,3 trăm giờ, tức là chỉ cần bỏ ra 1 tháng siêng năng học Fulltime, thi lấy bằng là kiếm chỗ đi làm liền, một vài năm luyện khéo tay, vừa lương vừa Tip nếu ở tiệm đông khách, với tay nghề cứng ,"đánh" được đủ thứ kiểu, thì sau khi ăn chia với chủ xong có thể lấy về bộn tiền không" Đấy là thời kinh tế thịnh vượng, bây giờ thì giảm rồi, nhưng vẫn còn sống được. 

Tôi để ý thấy những người làm Nail giỏi thuờng là những người nhanh nhẹn, chứ chậm chạp mà lù đù cũng khó mà giỏi tay nghề, vì muốn làm nhanh phải biết cách sắp xếp, bước nào trước, bước nào sau, nhanh nhẹn, miệng nói tay làm mới lấy tiền nhanh được, chứ chậm chap mà lại không hoạt bát, thì lấy tiền khách cũng hơi lâu, nhất là ăn chia thì cầm chắc là thua mọi người. 

Tôi vào ngành Nail vì không có sự lựa chọn nào khác, tuổi vào Nail cũng khá muộn màng , 48 tuổi, trình độ tiếng Anh chỉ hết bậc High School ở Việt Nam, sang Mỹ con thì còn nhỏ, Ông Xã làm Hãng có đầy đủ Benifit. Ông đi làm sáng sớm, về nhà 4 giờ chiều, 2 con đi học về là Bố chăm lo tắm rửa, chở đi chơi Soccer, Tennis, đi họp hành ở Trường. Bố vừa làm Cha, làm Mẹ, tôi chỉ việc đi làm ngoài kiếm tiền, nếu tôi lại chui vào Hãng, chả có trình độ gì thì lúc ấy đời sống rất là eo hẹp, con càng lớn, xài càng nhiều, chịu đời sao thấu. 

Hơn nữa, Tôi cần một "job ngồi" vì sắp già đến nơi rồi, không thể nào làm job đứng nổi nữa, và tướng tá cũng nhỏ con, không thể bưng bê vác nặng thì còn nghề nào khác hơn là nghề Nail. Thế là dịp may tới ... Tôi đi học Nail để lấy bằng, khi lấy bằng được rồi là chuẩn bị tinh thần để bắt đầu cuộc đời "làm móng ".

Ngẫm nghĩ ra, hành trình làm móng không êm ả như giấc mộng bình thường, nhất là trong ngành Nail và lớn tuổi như tôi, nó "ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh", thành phần Nail là "Tứ phương bá đạo " (tạm dịch là ai đánh kiểu nào thì đánh miễn tốt, chắc, vừa được lòng khách thì thôi, sách dạy điều căn bản, người làm giỏi cứ phăng ra mà đánh).và trong ngành Nail, người đàng hoàng không thiếu, mà kẻ "ba lăng nhăng" thì cũng không ít. 

Sau khi cầm mảnh bằng vào trình chủ tiệm, Cô ấy lấy cái khung bỏ cái bằng vào và trân trọng treo lên vách , bao con mắt của thợ đổ dồn về tôi... hìhì nhìn một "lão bà" đeo kiếng lão, gần đất xa trời rồi mới bước vào ngành Nail. Tôi nhủ thầm:  "đừng xem thường lão, ngựa chạy đường xa, chưa biết ai sẽ ăn ai". Cô chủ cho tôi nhìn cách làm của người thợ thứ nhất -- Làm Pedicure, rồi nhìn thêm người thợ nữa, tôi lấy giấy viết ghi nhanh từng bước, và ráng bỏ vào bộ óc già (trên con đường lão hoá) của tôi, tiệm nầy làm tay chân nước nhiều quá, khách phải ngồi đợi 15, 20 phút mới tới mình. Năm ấy là vào năm 1999, tiệm chưa mở nhiều, nên muốn làm nail, khách phải đợi. 

Bỗng cô chủ bảo "Chị Kim, tới phiên chị rồi đó", nếu có ai nhìn mặt tôi lúc ấy trông rất là bình thuờng, nhưng ngực tôi đánh lô tô, tôi cho khách lên ngồi ghế trên và tôi ngồi ghế dưới, làm từng step đã học và thực tập ở Trường, kết hợp với phương pháp ở đây, tôi bình tỉnh đến độ có đứa thợ đang làm kế bên muốn nhắc tôi mà cũng không có gì sơ hỡ để nhắc, nhưng step cuối cùng là sơn thì còn chậm tay, đến lúc nầy đứa thợ ngồi kế bên bắt đầu khai pháo " Cô sơn lẹ lên, sơn chậm quá tụi nó đuổi cô xuống à". Hì..hi ok, để đó 0-1. Nghĩ vậy, tôi bình tĩnh trả lời "Từ từ đã nào, chậm thì có chết thằng tây nào đâu!".

Trong tiệm nầy cô chủ không để Tivi, vì nghe nói tụi thợ nam hay cá độ Football , mỗi lần có trận đấu là một mắt làm móng, một mắt xem football, nên làm cho khách không đẹp, vừa đánh, vừa muốn đuổi khách đi, có đứa thua cháy túi không còn tiền mua cọ, dù cây cọ mòn lẳng , cọ mà hết lông măng thì đắp không còn " lã lướt " nữa.
Có hôm cậu thợ chính lại chỗ tôi ngồi kiếm chuyện làm quen, hỏi mượn cọ, tôi nói :
- "Cô có một cây hè! để cô tập chứ!". 
Cậu ấy trả lời :
- "Cô già rồi ai cho cô đắp bột mà tập ".
Nghe Cậu ta nói thế, tôi cảm thấy nản quá trời đi, chừng tuổi nầy mà mò mẫm làm chân tay nước, biết bao giờ mới được chủ cho đấp bột.
Tiệm nầy thợ đông nên nhiều thành phần, nhiều trình độ khác nhau. 
Ngày qua ngày cứ  thế, lương trả thì công nhận là cao hơn tiệm ăn Tàu, nhưng nghề mình không cao được, vì tiệm nầy phần đông khách làm chân tay nước (tức Manicure và Pedicure), làm bột thì đã có thợ làm bột, hồi đó chưa có nhiều thợ giỏi làm bột, nên vài thợ nam làm bột giỏi cứ vào phòng trong chơi sì phé hoặc ngủ (vì ban đêm đi Casino), chờ khách fill bột tới cô chủ kêu ra làm, lúc ra thì làm như mình là nhân vật quan trọng, lương thì được trả cao hơn thợ tay chân nước, đến đổi trong tiệm nói lén nhau " Mấy mụ già nuôi kép trẻ ", ý là, một bộ tay chân nước là 35 đô thời đó làm trong 45 phút, chủ tiệm thường để mấy thợ nữ sồn sồn làm, còn các trai trẻ chỉ đánh bột, fill cũng cở 45 phút mà lấy chỉ 15 đô. 
Đó là vì sao có câu " Gái già nuôi kép trẻ". Tức là cùng thời gian làm mà " manicure và pedicure" lấy cho chủ nhiều tiền hơn là fill bột, nhưng lương thì chỉ được nhận phân nửa,hay nhiều lắm chỉ bằng 2/3 thợ làm bột , chủ lấy tiền thợ " Tay chân nước trả cho thợ đắp bột "

Theo quy định thời gian đó, nếu trên 35 tuổi thì học nail không cần nạp bằng High School của Mỹ, còn dưới 35 tuoi phải có bằng High School của Mỹ, chính vì vậy nhiều thợ Nail giỏi mà không có bằng Nail. 

Khoảng 5 năm trở lại đây , các tiểu bang muốn cho các đi dân mới nhập cư có công ăn việc làm, nhất là nguời Việt sang đông quá, nên cho thi tiếng Việt, và vì muốn bảo vệ khách hàng nên State Board xuống kiểm soát thuờng xuyên, các người chủ sợ bị phạt, phải mướn thợ có bằng .

Có lần tôi cũng xin với cô chủ cho tôi tập làm bột, cô ấy trả lời "Chị lớn tuổi mà làm bột sao bằng tụi trẻ, tụi nhỏ nó đánh bột lả lướt lắm, mấy bà già là chỉ chân tay nước thôi". 
À thì ra là vậy, hèn chi cô nầy có ý định khuyến khích tôi đi học Nail và làm Nail là chỉ để "Suốt đời chân tay nước", mà phải hiểu thêm: Làm chân tay nước thì làm ra cho chủ nhiều tiền nhưng trả công thì không bằng thợ làm bột, biết làm bột mà giỏi tay nghề thì chủ rất nể, không muốn thợ bột đi, thợ bột yêu sách đủ thứ vì họ nắm trong tay nhiều khách, họ đi thì khách cũng tìm tới đi theo. Còn thợ tay chân nước thì thiếu gì, người Việt mình bắt chước rất hay, nhìn sơ qua là biết động tác như thế nào, làm bột mới khó hơn,và không phải ai cũng làm được. 

Không thể theo mãi tiệm nầy, muốn nghề phát triển phải đi tìm chỗ khác. Tôi tìm đến một tiệm mà chủ nhân cũng già như tôi, và nghề cũng" lạng quạng". Bà chủ nầy dễ tính, cho tôi đánh tưới hột sen, nhưng lương không trả lên. Bà nói trong điện thoại với bạn (cũng là chủ Nail) " Tui có 2 thợ giỏi mà trả tiền chỉ bằng như một thợ", chắc Bà chủ nghĩ rằng tôi già rồi không thể đi đâu, nên nói ngay có mặt tôi như thách thức. 

Đúng vậy, khi đeo cái kiếng lão vào rồi thì cũng khó mà đi đâu, vì có chạy đâu cũng không ai mướn. 
Nhưng mà Tôi cũng đi, lần nầy thì đánh bột được rồi, nhưng chưa xuất sắc lắm, nhưng đi lần nầy thì tôi bị "hạn". Chủ mới đồng ý trả thêm 100 đô/1tuần để nhận tôi nhưng tiệm mới mua, lại không gặp thời nên ế quá, không đủ để 3 anh chị em họ làm với nhau, tôi thấy chủ trả tiền cho tôi nhiều hơn công sức tôi làm nên tôi xin trả bớt lại, và xin phép được ra đi. Đúng là già rồi, không muốn nhẩy mà cũng nhẩy như cóc. 

Nhưng lớn tuổi mà làm chung với "con nít ", lại ở một môi trường "tạp nhạp", thì thế nào cũng có chuyện, mà phần lỗ là về mình, vì thời gian làm trong tiệm dài quá, trung bình ở tiệm 10 giờ một ngày, ở nhà mất 8 giờ để ngủ, sinh hoạt với chồng con chỉ có 6 giờ. Chính vì dài đăng đẳng như vậy nên mới lắm chuyện xẫy ra, và lần nầy thì tôi đi .........mở tiệm...

Tôi mướn thợ giỏi, đứng xem tụi nó làm, thế là tôi học hết nghề của thợ.

Sau thời gian ngắn, nghề giờ cũng khá rồi, rất tự tin tôi không còn lo không ai mướn, mà già thì có khách già, những Bà già rất là... chung tình, mình nói năng đàng hoàng, đâu ra đó thì đi đâu, khách già cũng tìm theo, những bà già thân tình sẽ được nghe tôi kể chuyện về VN, về những mối tình trong chiến tranh và cả khi hết chiến tranh, chồng hay người tình bị đi tù cãi tạo, có bà đã khóc mùi mẫn khi nghe chuyện tình của tôi (viết trong bài Thư cho bạn), có bà nói " Tôi không hề biết nhiều những chuyện xẩy ra về đất nước của You như vậy. Rồi tôi cũng đã nói, những khách tôi làm nếu già thì tôi xem như Mẹ, trẻ hơn thì như Chị và em tôi, trẻ nữa thì xem như con, nên tôi đối đãi với khách rất chân tình, họ đến với tôi như người trong họ hàng, thân thiết, khi nào vài tuần không thấy bà ấy tới tức là bả đã... quy tiên rồi đấy. 

Ông Xã tôi nói "Em đi làm, thì sợ chủ, mà em làm chủ, thì sợ thợ ". Ông nói gì thì nói, tôi cũng đã trụ trì ở tiệm mình năm nay là năm thứ 16 rồi, nhiều khách hỏi bao giờ thì tôi về hưu, tôi trả lời "Cầu xin Trời Phật cho tôi đừng đau bệnh gì ngặt nghèo, tôi sẽ ở tiệm thêm 10 năm nữa "tức là đến tuổi 75 hổng biết có được vậy không" 
Sau nhiều năm làm Nail, ngẩm nghĩ lại tôi thấy nghề nầy vui, dễ làm ra tiền, nên xài cho bà con cô bác của mình cũng dễ, ai ai cũng hài lòng, vừa trong nước (VN), vừa ngoài nước, chứ làm Hãng tiền "chăn bẵng " thì lấy đâu vui lòng bà con cho được, các quán xá cuối tuần cũng đông đảo khách hàng "làm móng", buôn bán thịnh vượng kinh tế sẽ phục hồi, thì tốt chứ sao . 

Vậy mà có bài báo gửi từ bên Pháp khuyên bà con mình làm móng bên Mỹ đừng có mặc cảm, tôi đọc mà cảm thấy tức cười, một nghề "khỏe re", chỉ cầm tay khách dũa lấy tiền, tếu với khách vui như vỡ chợ, mà bảo đừng mặc cảm là sao tôi không hiểu. Ngay một người già như tôi, tay chân chưa run rẩy, Trời Phật thương vẫn cho mình khỏe mạnh, ngồi làm móng, hôm nào mưa gió, tuyết đổ nặng, phải ở nhà là buồn chết được, buồn phát bệnh. Ngay cả đi đâu với Ông Xã ra chợ VN, gặp người bạn quen của ổng, hỏi :
- Bà xã ông có làm gì không hay ở nhà nấu cơm"
Ông Xã tôi ưỡn ngực trả lời:
- Bả làm móng (tay). 
Ông Xã tôi nói với sự hãnh diện, vì ở Mỹ ai cũng hiểu gia đình nào có người làm móng cũng thuộc loại đủ ăn. 
Tại tiệm, tôi xài đồ thượng thặng cho khách, sạch sẽ, mà giá biểu thì không lên cũng không xuống, nói theo người Việt mình, giá rất phải chăng, không bao giờ phá giá. 
Gia đình tôi đã mang nặng ơn sâu, từ một gia đình " hai vợ chồng dắt hai con nhỏ ngơ ngác, lạ lẫm bước chân vào nước Mỹ chưa biết làm gì ăn, mà bây giờ nhờ nước Mỹ đã đạt được những "American dreams", mà trong đó nghề "làm móng" của tôi dự phần là chính, thế thì tại sao lại khuyên bảo là đừng mặc cảm. 

Nhưng có điều này: tôi sẽ không khuyến khích con tôi đi học Nail, vì đời con phải khá hơn đời mẹ chúng nó chứ, lẽ nào con mình tốt nghiệp Đại Học rồi rũ nó đi làm Nail, điều đó chỉ đúng tuỳ trường hợp, chứ không phải mọi trường hợp nào cũng đúng. 
Cầu xin Thượng đế che chở cho nước Mỹ, một đất nước quá nhiều lòng nhân ái . 

Kim Phan 

Thu Tím - Trầm Vân

Những Đọan Văn "Phong Phú" Đến Ngẩn Ngơ!


Đề: Em hãy phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện “ Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng thưởng thức rất nhiều loại lòng như lòng lợn, lòng gà, lòng vịt, . . . chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng mẹ.

Đề:      Tả đường đến trường  
Con đường từ nhà đến trường em dài 2 mét. Ra khỏi ngõ, em rẽ phải đi qua quán bà Xuân, rồi rẽ trái đến quán ông Vịnh là rẽ trái tiếp, đi thẳng là tới.

Đề:     Tả người thầy em yêu quý nhất
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

Đề:     Tả chú thương binh:
Gần nhà em có một chú thương binh, chú bị cụt đầu, sáng nào chú cũng đi qua nhà em ăn sáng . . . ”

Đề:     Tả con gà
Nhà em có 1 con gà. Nó là giống gà Đông Cảo. Nó to bằng con gà gi. Nó nặng từ 8-10 kg…”  => chả hiểu nó tả giống gà gì. 
Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o. Gáy xong một hồi dài nó lấy hai cánh vỗ phành phạch vào mông đít.

Đề:     Tả anh bộ đội.
Anh bộ đội cao khoảng 1,20 m, súng AK dài 1m rưỡi.

Đề:      Tả cây chuối.
Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh.

Đề:      Tả cảnh sân trường trong giờ ra chơi.
Trống đánh tùng . . . tùng . . .. Các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chưỡi  “đ. mẹ “.

Đề:      Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

Đề:      Em hãy miêu tả mùa Xuân.
Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi mẹ.

Đề:      Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.
Mẹ em tát em đôm đốp.

Đề:      Đặt câu về phần gieo âm tiết.
Có con trâu, bị ruồi bâu. Có con chim, bị vỡ tim.

Đề:      Miêu tả về bố.
Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.

Đề:      Tả chuyện trong gia đình.
Em gái của em hồi đi học lớp 1 hay lớp 2 gì đó nhưng dốt lắm không biết chữ gì hết. Một hôm bố mẹ kiểm tra bắt nó đọc bài anh Kim Đồng xem. Nó không biết đọc nhìn cái hình có anh Kim Đồng chạy có con chim bay trong hình nó đọc là: “ Anh Kim Đồng đi liên lạc . . . vụt chim . . . vụt chim “.

Đề:      Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi:  Cơm chín chưa bây ?

Đề:      Tả một dụng cụ lao động.
Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công dụng, để hốt rác, và còn dùng để xúc ( . . . .) nữa.

Đề:      Hãy tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em rất kính yêu.
Hình dáng của bà nội rất là thấp, được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa. Tính tình cụ già rất là bực bội. Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.
Con mắt của bà tròn như hòn bị, mũi có hai cái lỗ, cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.
Bà cụ ngoài 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu.
Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố. 
Khuôn mặt ông bầu bĩnh, đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng, dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mãnh liệt.
Ông của em dài bằng 1 mét và không mập.
“ Công cha như núi Thái sơn,
Lòng mẹ như nước trong người chảy ra “.

(Trích một số bài “ Tập làm văn “ quá phong phú . . .!)

Sưu tầm