Monday, August 31, 2020

Xứ Huế Với Mùa SEN Ngát Hương -HD - Youtube LK

Khám Phá Quy Trình Hỏa Thiêu Người Chết

Hiện nay, hỏa táng đã trở thành cách thức chôn cất người chết thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích to lớn mà cách thức mai táng này đem lại. Ở Việt Nam cũng vậy, việc hỏa táng người đã mất đã trở nên phổ biến nhưng quy trình hỏa thiêu diễn ra như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Lars Tunbjörk đã ghi lại những khoảnh khắc hiếm có trong nhà hỏa táng tại Mỹ.


Hoả táng là hình thức an táng người chết bằng cách thiêu xác thành tro rồi đựng trong hũ, bình. Tuỳ theo từng tôn giáo, tro sau khi hoả táng được chôn cất hoặc đem về thờ tại nhà hoặc gửi vào các nơi thờ cúng. Hỏa Táng đang trở thành phương pháp an táng phổ biến hiện nay trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ và Canada.

Ở Mỹ, phần lớn người chết được thiêu, sau đó tro cốt được gửi trong các nhà thờ.

Ở nước này, vào thập niên 70, cứ 10 người chết mới có 1 người hỏa táng, nhưng hiện nay, tỉ lệ này đã là 4/1, tức là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025 thì số người chết muốn thiêu sẽ lên đến 50%.

Giai đoạn đốt cháy kéo dài từ 2-3 giờ ở nhiệt độ là 800 -1200 
độ C.

Tro sau công đoạn hỏa táng hoàn thành.


Người công nhân đang tiến hành đưa tro vào trong hộp.


Tro được chở đi như một người trên ô tô.

Sau khi hỏa táng, tro người đã khuất thường được cha giáo làm lễ.

Những tài liệu về người đã khuất.

Những hộp tro người đã khuất được lưu trữ trong nhà thờ.

Cảnh tượng sau lễ tiễn đưa tro người chết vào lưu trữ trong nhà thờ.


Tùy quyền quyết định của mỗi gia đình ở những quốc gia khác nhau, tro cốt người quá cố có thể được chôn, gửi vào chùa hoặc nhà thờ hay thậm chí là được rải ra sông hoặc biển.

Tuy nhiên, việc sử dụng đài hóa thân không phải là cách hỏa táng ở nhiều quốc gia. Tại một số nước, họ sử dụng củi và các vật liệu dễ cháy khác để người quá cố trở về với cát bụi. Phương thức hỏa táng này được diễn ra ngoài trời, trước sự chứng kiến của thân nhân, bạn bè người đã khuất.

Công nghệ tối tân còn giúp người Mỹ có cách hỏa táng không cần dùng lửa. Phương thức "hỏa táng xanh" chỉ cần dùng nước, kali hydroxit và nhiệt độ sẽ làm phân rã thi thể người quá cố bên trong một buồng thép kín. Không chỉ thân thiện với môi trường, phương pháp "hỏa táng xanh" còn cần ít thời gian hơn so với cách hỏa táng truyền thống.

Cập nhật: 03/04/2020 Tổng hợp
https://khoahoc.tv/kham-pha-quy-trinh-hoa-thieu-nguoi-chet-47382

When Grandma Decided To Unfriend Someone


From: Kim Hoa Ba Ba

Ngăn Cách - Hàn Thiên Lương

Một Mẹ Có Thể Nuôi Lớп 10 Con Nhưng 10 Người Con Không Nᴜôi Nổi Mìпh Mẹ


"Một người mẹ có thể nuôi mười đứa con, mười đứa con chẳng nuôi được một mình mẹ". Đây là câu nói chứa đựng sự thật phũ phàng về tình trạng chữ "hiếu" trong lòng người hiện nay. Báo hiếu người mẹ đã tần tảo nuôi mình khôn lớn khó thế sao?


Cách đây không lâu, câu chuyện về một cụ bà ở TP.HCM đã khiến không ít người phẫn nộ và đặt dấu hỏi lớn cho "chữ hiếu" trong mỗi con người trong xã hội hiện nay. Bà từng sống trong sự hiếu thuận của 10 người con tám trai, hai gái khi còn sở hữu hai căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng. Khi cụ ông mất, bà cũng đến tuổi gần đất xa trời nên quyết định bán nhà chia tài sản cho các con. Không ngờ, chính quyết định ấy đã khiến bà lâm cảnh nay đây mai đó. 

Lúc đầu, bà còn dự định đến ở với mỗi người một tháng để cảm nhận tình thương yêu của con cháu và được các con ủng hộ hết mình tại thời điểm đó. Tuy nhiên, do phát sinh tranh chấp trong quá trình chia tài sản, 10 người con cho rằng mẹ thiên vị anh cả và nhất quyết không chịu đón bà về phụng dưỡng mà đùn đẩy nhau, yêu cầu người anh cả, người có học thức và lương cao, phải chịu trách nhiệm nuôi mẹ cả đời. Tuy nhiên, vì không hợp con dâu cả, suốt hai năm qua bà Nguyệt không ổn định được chỗ ở. Vất vưởng hết nhà con trai đến nhà con gái, ở đâu cũng có chuyện, nhiều lúc buồn chán bà Nguyệt lại đi lang thang xin ăn, tối vào chùa tá túc cho qua đêm. Bà tâm sự thấy khó chịu, ngột ngạt và như đứa trẻ bị bỏ rơi. 

Bà Nguyệt chỉ là một trong vô vàn những trường hợp tương tự khác xảy ra trong xã hội hiện nay. Nuôi con cực khổ bao năm, mẹ chẳng tiếc cho ta cái gì. Nhưng giờ đây các con khôn lớn lại tiếc với mẹ nhiều thứ đến vậy? Tiếc từ vật chất, đồ ăn thừa bữa nay để mẹ ăn nốt bữa mai. Tiếc cả tinh thần, quan tâm mẹ ruột lại sợ khó xử với nhà chồng. Nhìn tình cảnh ấy, ai là người cay đắng nhất? Vẫn là mẹ mà thôi.

Câu nói của người xưa "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường" đã dạy cho chúng ta rằng người mẹ đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Mẹ chính là người vun vén tổ ấm, chăm lo mọi bề, là người chịu bao gian khổ cay đắng từ cuộc sống để giúp con cái lớn khôn. Thời gian có thể hằn lên những vết chân chim trên mặt mẹ, nhuộm trắng mái đầu xanh nhưng không thể cướp được tình yêu thương vô bờ mẹ vẫn luôn dành cho con cháu mà chẳng mong chờ đền đáp lấy một lần.                             


Ai rồi cũng sẽ già. Mỗi gia đình đều thường có ít nhất một người lớn tuổi. Và chỉ đến khi ta già ta mới hiểu được, làm người già khổ tâm và bất lực ra sao. Vì vậy, hãy nhớ rằng, người đang làm trời đang nhìn. Mọi hành động trên đời đều có nhân quả. Mỗi người sống hàng chục năm tháng, đừng để đến khi nhắm mắt xuôi tay nghĩ lại quá khứ mà nghẹn ngào hối hận. Lương tâm của bạn sẽ trân trọng những tấm lòng son.

Muốn thành người, ta đừng bao giờ đánh rơi chữ hiếu, bỏ quên lòng thương và gạt bỏ cha mẹ sang một bên. Ân nghĩa cha mẹ sinh thành và dưỡng dục cao như trời biển, ta có trả cả đời cũng chưa thể hết. Đừng lãng phí hay chậm trễ bất cứ một phút giây nào lạnh nhạt với chính cha mẹ của mình.

Một người mẹ có thể nuôi lớn 10 đứa con nhưng 10 người con nuôi một mình mẹ không nổi? Hiếu thảo có khó đến vậy hay không? Đừng nghĩ rằng có tiền là có hiếu. Vật chất đầy đủ có đồng nghĩa với nụ cười và hạnh phúc tuổi già của cha mẹ chúng ta chưa?

Có rất nhiều người dù được con cháu chu cấp tiền bạc đầy đủ, nhà cao cửa rộng thì đã sao, họ vẫn không cảm nhận được lòng hiếu thảo vì thật ra, chữ hiếu không có quan hệ gì với tiền bạc. Hai chữ "hiếu thảo" chỉ đơn giản là tình cảm, là sự chân thành, là trái tim biết quan tâm và thấu hiểu. Nó nằm ở hành động thường xuyên của chúng ta chứ không phải những tờ giấy có mệnh giá như một đơn vị trao đổi. 

Hàng trăm hàng vạn người ngoài kia chẳng có cơ hội cung phụng cha mẹ mình núi vàng núi bạc, nhà lầu xe hơi nhưng họ vẫn có lòng hiếu thảo và được mọi người kính trọng, ngợi khen. Dù khó khăn về vật chất, mỗi tháng họ vẫn trích ra một phần thu nhập để cha mẹ được an hưởng tuổi già. Bày tỏ những lời thương yêu chân thành, truyền tải sự thương kính cha mẹ qua lời nói dịu dàng, chăm sóc những công việc trong gia đình để cha mẹ có thời gian an hưởng đúng nghĩa. 

Báo hiếu đâu cần làm việc gì lớn lao, quan trọng là khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm của con cái dành cho mình. Cha mẹ dành tất cả tình cảm, cuộc sống cho con nhưng đâu cần nhận lại nhiều, chỉ cần biết con cái quan tâm đến mình thôi là hạnh phúc lắm rồi.

"Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời..."
Ai từng nghe bài hát "Nhật ký của mẹ" đều không thể không thấu hiểu và xúc động trước nỗi lòng người mẹ dành cho con. Tình yêu ấy đi theo đứa trẻ từ lúc lọt lòng cho đến ngày khôn lớn. Một tình yêu vô tư và không có bến bờ, bao la và thấu tỏ trời đất. Nếu con cái không biết hiếu thảo và quan tâm thì có còn xứng đáng với tình yêu ấy không?

Người ta còn có câu: "Trong nhà có một người già như có một báu vật". Hãy biết ơn vì cha mẹ tuy đã già nhưng vẫn còn ở lại bên cạnh, tiếp tục bảo ban và chăm nom cho ta. Hãy yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng mà ta có để sau này không phải hối tiếc. 

Dương Mộc
Theo Trí thức trẻ

Mưa Đêm - Trầm Vân

Sunday, August 30, 2020

Oan - Song Thao


Đầu tháng 2 vừa rồi, tôi lấy máy bay từ phi trường Vancouver về Montreal. Tới cửa đợi, vừa ngồi xuống một chiếc ghế trống, bà da trắng ngồi cách một ghế vội đứng dậy ra chỗ khác ngồi. Tôi biết  con vi khuẩn corona đã chia cách bà với tôi. Trước đó, khi xếp hàng vào làm thủ tục quan thuế, nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ cầm sổ thông hành màu đỏ có cờ Trung Quốc trên tay, tôi cũng thấy ngài ngại. Cũng con vi khuẩn nhỏ xíu nhưng đang làm kinh động thế giới này gây ra.

Tôi phải thú nhận rằng tôi không ưa bị hiểu lầm là người Trung quốc. Các bạn chắc cũng vậy. Trước khi con vi khuẩn bé tí tẹo này xuất hiện, nếu ai xì xồ tiếng Hoa khi tưởng mình là đồng hương với họ, tôi vội trả lời không biết tiếng Hoa với giọng không vui lộ rõ. Vào một cửa tiệm, được mấy cô nhỏ bán hàng da trắng xinh xẻo chào “nị hảo”, tôi cũng cải chính ngay tôi không phải là người Hoa. Tết vừa qua, gặp một anh hay chị da trắng nào gọi là Chinese New Year, tôi sửa lưng liền là Lunar New Year, tết âm lịch, vì không phải chỉ có Trung quốc ăn tết này mà còn có Việt Nam, Đại Hàn và Đài Loan nữa. Phần lớn dân mít ta không ưa anh láng giềng xí xa xí xô có lẽ vì họ cứ nhăm nhe gây sự với nước ta. Dòng Đại Hán từ xưa tới nay vẫn thế. Có cơ hội là họ mang quân sang bắt nạt chúng ta. Ngày nay thì còn tệ hơn nữa. Nhà cầm quyền Trung Quốc đóng vai một anh nhà giầu mới gây hấn với cả thế giới bằng những chiêu trò càn rỡ, bất chấp lẽ phải. Bộ mặt của Trung Quốc, với những cao ngạo lố bịch, đã trở thành một hình ảnh méo mó khó thương. Và người dân Trung quốc bị ghét bỏ một cách oan uổng.

Con vi khuẩn corona xuất hiện từ Vũ Hán là dịp cho người Trung quốc ở khắp nơi trên thế giới lãnh quả búa tạ. Trong sự lo sợ cho tính mạng của mình, người ta nung nóng sự giận dữ với người Trung quốc ở khắp nơi trên thế giới. Người Hoa bị xa lánh, chế nhạo một cách công khai. Chắc ít người biết anh Jeff Lewis. Không biết cũng không sao vì tôi cũng không biết! Năm nay vừa tròn 50 tuổi, anh là một khuôn mặt truyền hình nổi tiếng ở Mỹ. Trong chương trình Jeff Lewis Life của đài Sirius XM ngày 29/1/2020 vừa qua, anh cùng một số khách mời trong đó có nữ diễn viên Monila Casey, bàn về dịch corona và trao đổi với nhau về cách họ đề phòng bệnh dịch này. Họ đồng ý với nhau là chấm dứt việc đi ăn tại các nhà hàng Trung Hoa. Anh Lewis nói về sự ăn uống của người Hoa: “Họ đang ra rả về virus corona, đó là một lọai virus có ở dơi, sau đó truyền sang rắn vì rắn ăn dơi. Người Trung quốc ăn rắn, ăn dơi, ăn đủ loại. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta đang gặp rắc rối này. Họ ăn tất cả các sinh vật và bây giờ tự hỏi tại sao mình lại bị bệnh”.


Quả thật, trong những ngày gần đây, người ta tung lên mạng không biết bao nhiêu video về vụ ăn uống này. Tôi có vào coi tất cả. Phổ biến nhất là video một cô xướng ngôn viên một đài truyền hình Trung quốc rất xinh đẹp ngồi ăn cháo dơi, một món ăn được cho là rất bổ ở Trung quốc. Quả thật, khi nhìn thấy cảnh cô banh con dơi ra, dứt thịt cho vào miệng, tôi cũng đã không dám coi tiếp. Vậy mà vì muốn biết cho tới ngọn ngành, khi một ông bạn gửi cho một video khác, tôi cũng mở ra coi. Video này còn rùng rợn hơn nhiều. Họ quay nhiều cảnh ăn uống của những cô gái khác nhau (không biết tại sao lại toàn các cô xinh đẹp mới mệt chứ!). Một cô bỏ những con rết còn sống vào rượu, rồi tỉnh bơ cho vào miệng khi con rết còn rẫy rụa! Một cô khác bỏ những con sâu xanh mập ú vào một chiếc ly có chất lỏng màu vàng, không biết là chất gì, nhưng khi con sâu chìm vào chất lỏng, khói bốc mù mịt, màu xanh biến thành trắng bệch. Cô săm soi nhìn con sâu rồi bỏ vào cắn từng miếng! Coi tới đây tôi chịu thua không dám coi tiếp tuy video còn dài, chắc còn nhiều cảnh ăn uống…ấn tượng hơn! Trên mạng, người ta nhắc đi nhắc lại một câu nhạo báng nói tới vụ ăn uống này: “Người Trung quốc ăn bất cứ thứ gì có bốn chân, ngoại trừ cái bàn; và họ ăn tất cả những gì bay được, ngoại trừ…máy bay!”.

Hình như bàn chuyện trọng đại này một lần chưa đủ, trong chương trình ngày hôm sau, anh Jeff Lewis và bạn bè tiếp tục đề tài mà họ cho là thú vị này. Đối tượng không phải chỉ là người Hoa mà là tất cả người Á châu. Anh nói: “Chúng ta cần cách ly toàn bộ những nhân viên gốc châu Á của SiriusXM, bao gồm người Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Philippine, Nam Dương…Tôi tin rằng còn nhiều đối tượng cần phải bị cách ly hơn thế nhưng đây mới chỉ là nhóm người mà chúng ta có thể nghĩ đến”.

Vậy là anh đã bước quá đà. Khán giả người Á châu của anh bày tỏ sự tức giận vì tính cách phân biệt chủng tộc và góc nhìn phiến diện của chương trình này. Ngay trong chương trình ngày hôm sau, 31/1/2020, Jeff Lewis đã phải xin lỗi khán giả: “Chúng tôi tôn trọng người châu Á, chúng tôi không bao giờ muốn họ phải chịu cảm giác bị cô lập. Chúng tôi không bao giờ có ý định truyền bá sự thù ghét hay phân biệt chủng tộc bằng những bình luận của mình”. Anh cũng biện bạch tất cả những phát biểu trong chương trình chỉ là trò vui. Quả có lúc họ tếu khi đề nghị là không nên nói chuyện điện thoại với người châu Á vì sợ lây bệnh! Anh kết luận: “Tôi yêu tất cả những ai theo dõi chương trình này, không quan tâm tới khía cạnh tôn giáo, mức thu nhập, chiều cao, kích thước của họ. Tôi chỉ muốn làm bạn với mọi người”.

Người Trung quốc bị oan một thì dân ta bị oan mười. Anh chàng Trung quốc lớn xác, nằm chiếm gần trọn châu Á, đã che tầm nhìn của những người thuộc các châu lục khác. Cứ da vàng mũi tẹt là…các chú hết. Nhưng các chú cũng có trăm đường các chú. Dân Hong Kong hay Đài Loan đã lên tiếng họ không phải là người Hoa của Mao xếnh xáng hay Tập Cận Bình! Họ Hoa đó nhưng cũng cho là bị lầm là người Hoa. Sự đời nhiều khi rắc rối như vậy. Xét theo thực tế, họ cũng bị oan. Huống chi chúng ta, chẳng dây mơ rễ mà chi tới anh Trung Hoa, thì oan ơi ông địa biết chừng nào. Không chỉ tại Mỹ, tại khắp nơi, dân Việt bị hàm oan một cách tức tối.

Tại Pháp, cô Huyền Trân kể lại trên Twitter: “Chiều nay, 27/1, lúc 15 giờ, tôi đang đi xe buýt tuyến số 8 đến Marguente thì trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc bởi một nhóm các cô gái trẻ người Pháp. Tôi nghe thấy họ cười cợt tôi. Một cô nói:“Gọi bệnh nhân corona là gì nhỉ? Người Trung Quốc à?”. Trong khi một cô bạn nhắc: “Nói nhỏ thôi kẻo nó nghe thấy!”. Dù không phải người Trung quốc nhưng việc đó thật sự khiến tôi buồn!”. Đi kèm với những dòng tự sự của cô Huyển Trân là hình một cô gái cầm tấm bảng với hàng chữ tiếng Pháp: Je Ne Suis Pas Un Virus! Tôi không phải là một con vi khuẩn! Hàng chữ này sau đó đã trở thành tên một diễn đàn chung của những người bị phân biệt chủng tộc.

Một phụ nữ trẻ người Pháp viết trên Twitter: “Cứ mỗi khi nhìn thấy một người Hoa ở Paris là tôi chuyển sang đi ở phía vỉa hè bên kia đường. Tôi chạy, tôi rảo bước nhanh hơn, tôi quá sợ”. Tôi không nghĩ là cô gái này chỉ nói tới người Hoa. Người Hoa mà cô gái nói tới là tất cả các người da vàng. Dân Pháp ít người phân biệt được quốc tịch của một người da vàng nên tóm gọn là Chinois luôn cho tiện việc sổ sách.

Trong cuộc sống thường nhật, người châu Á đã gặp những tình huống kỳ thị rất éo le. Đài France Bleu, ngày 30/1, cho biết là tại nhiều nhà hàng, khách sạn, một số khách hàng từ chối không muốn người châu Á phục vụ họ. Có những thâu ngân viên tại các siêu thị đã bật khóc vì bị khách sỉ nhục: “Các người hãy xéo đi và hãy giữ lấy căn bệnh của các người!”. Ngược lại, cũng có những khách hàng người châu Á bị các cửa hàng từ chối bán hàng. Tại nhiều trường học, trong giờ ra chơi, trẻ em châu Á bị bạn bè chế giễu, gọi xách mé bằng cái tên “Corona”. Họ đánh đồng tất cả dân da vàng, chẳng thèm phân biệt Hoa hay không: “Người Trung quốc, Việt Nam và các nước khác cũng như nhau hết, các người đều mang virus corona”.

Chị Cathy Trần, một người Pháp gốc Việt, cư ngụ tại thị trấn Colmar, không bao giờ quên được câu người Pháp nói với nhau khi thấy chị đi ngang qua: “Cẩn thận, con nhỏ người Hoa đó đang tới kìa!”. Lúc chị đi làm về, một người đàn ông chạy xe máy còn tạt ngang sát vào chị bảo chị nên đeo khẩu trang.
Cô Shana Cheng, một người Pháp gốc Việt và Kampuchia sinh sống tại thủ đô Paris, ấm ức kể lại với đài BBC: “Tôi đang trên xe buýt thì nghe họ nói: “Con nhỏ đó người Trung quốc đó. Coi chừng nó đổ bệnh cho chúng ta. Lẽ ra nó nên biến về nước!”.

Tại Ý, dù chưa phát hiện một trường hợp bệnh nào, dân Á châu cũng bị dân địa phương dị nghị. Một gia đình bị cả khu phố ở Torino cô lập chỉ vì màu da. Các phụ huynh người Ý còn dặn con cái tránh xa những học sinh da vàng trong lớp. Ngay tại Venice, một trung tâm du lịch nổi tiếng của Ý, nhiều du khách da vàng đã bị dân điạ phương nhổ nước miếng khinh bỉ khi họ đi ngang qua.

Cô Hằng Nguyễn, một người Việt tại Đức, hành nghề hướng dẫn viên tại một bảo tàng viện, kể lại tình huống mà cô đã gặp phải từ khi có ca nhiễm vi khuẩn đầu tiên được phát hiện tại Đức: “Sáng hôm sau ngày công bố ca nhiễm đầu tiên, tôi bất ngờ thấy hình ảnh một số ít đứa trẻ Đức đeo khẩu trang. Đó là một hình ảnh hiếm thấy ở Đức. Tôi hiểu vậy là corona đã thực sự tới Đức rồi. Nhưng điều tôi bất ngờ hơn cả đó là khi lên tàu tới trường học, tôi cảm nhận một vài ánh mắt nhìn mình. Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi ngang qua tôi để tới cửa ra. Tôi tự cười bản thân và nghĩ có lẽ mình đã làm to mọi chuyện. Có lẽ do ngành học và công việc khiến tôi tiếp xúc nhiều với các câu chuyện về phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Đức, mà tôi đã hiểu nhầm hành động của vài người trên tàu. Công việc của tôi là hướng dẫn viên ở bảo tàng và chủ yếu là làm việc với các nhóm học sinh, giáo viên và phụ huynh. Với chất giọng Đức khác biệt và một ngoại hình Châu Á tóc đen, mắt nâu, da vàng, các vị khách có thể nhận ra dễ dàng tôi là người nước ngoài. Trong một buổi hướng dẫn, tôi đã vô tình nghe một vị khách hỏi người bên cạnh điều khiến mình thực sự chạnh lòng: “Cô ấy là người Trung Quốc à? Không biết cô ấy có bị virus Trung Quốc (chinese virus) không?”. Tôi hiểu nỗi lo của mọi người, nhưng sự việc đã lên đỉnh điểm khi một buổi tối trên đường, một người đàn ông nhổ nước bọt về hướng tôi và lẩm nhẩm “Chinese!”.

Cô Michelle Phan, một người rất nổi tiếng trong giới trẻ tại Mỹ. Có lẽ tôi không còn trẻ nên không biết cô đồng hương vang danh này.  Cô là người Việt thế hệ thứ hai, được sanh ra tại Boston vào năm 1987. Năm nay mới 33 tuổi nhưng đã là triệu phú với tài sản trị giá 50 triệu đô. Cô là một người chơi Youtube nhà nghề với gần 9 triệu người ghi danh và đạt tới con số 1 tỷ 100 triệu người vô coi. Cô kể lại trên Twitter là cô bị kỳ thị vì con vi khuẩn corona. Một số người bảo cô “về lại quê hương để ăn thịt dơi đi”! Cô đáp lại mình sanh ra tại Mỹ. Trên mạng Instagram, một người  hằn học với cô: “Tại sao dân gốc Á quý vị ăn đủ thứ loại sinh vật? Ăn vật sống và cả xác chết…toàn thân! Đó là lý do quý vị khởi sinh đủ thứ bệnh”. Cô tức tối trả lời: “Tại sao một số quý vị bảo tôi về quê hương ăn dơi? Tôi là người Mỹ nhé, đồ ngu ngốc! Tôi không tin nổi là chúng ta đang ở năm 2020 và người ta vẫn ngu như hòn đá. Tôi lỡ lời, tôi không nên xúc phạm hòn đá!”.


Như thêm vào bức tranh kỳ thị một nét chấm phá lớn, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp Courrier Picard, số ra ngày Chủ Nhật 26/1, cho đi trên trang nhất cái tựa “Coronavirus Chinois. Alerte Jaune”. Dịch bệnh corona Trung quốc! Báo động vàng! Đây là một lối chơi chữ đầy tính cách kỳ thị. Tờ báo còn cho đi một bài xã luận mang tên “Một Đại Dịch Vàng Mới?”. Dĩ nhiên dân…vàng nổi tam bành liền. Nhưng người lên tiếng phản đối lại không phải là một dân da vàng. Ông Stéphane Nivet, Tổng Giám Đốc Ligue International Contre Le Racisme et l’Antisemitisme (Liên Minh Quốc Tế Chống Kỳ Thị Sắc Tộc và Bài Do Thái), viết tắt là LICRA, giận dữ nói với tuần báo L’Express ra ngày 28/1: “Việc một tờ báo cho in trên trang nhất dòng chữ như vậy mà không cảm thấy có chi không đúng đã chứng tỏ họ có vấn đề!”. Ngay sau đó, báo Courier Picard đã phải đăng lời xin lỗi.
Cũng báo bổ tại Úc, tờ Herald Sun đăng dòng chữ: “China Virus Panda-monium” trên một bức hình khẩu trang màu đỏ. Họ cũng chơi chữ. Chữ “Panda-monium” là viết trại từ chữ “pandemonium” có nghĩa là “đại dịch”. “Panda” là con gấu trúc chỉ có ở Trung Quốc. Sao thời buổi này chữ nghĩa lại hay xỏ xiên như vậy!

Dân da vàng không phải Trung quốc như Việt Nam chúng ta bị hàm oan. Chẳng phải chỉ có chúng ta. Dân vàng khè Nhật Bản cũng bất mãn vì oan uổng. Trên mạng xã hội Twitter có một mục mà dân Nhật ồn ào tham gia. Đó là mục chủ đề “Chinese Don’t Come To Japan”, dân Trung quốc đừng tới Nhật Bản. Tại Đại Hàn nhiều cửa hàng trưng bảng không tiếp khách Trung quốc. Một cơ sở thẩm mỹ ở khu vực Gangnam tại thủ đô Seoul còn chi tiết hơn khi công bố chỉ tiếp khách Trung quốc nếu chứng minh được là đã ở Đại Hàn ít nhất 14 ngày.

Tức cười hơn là dân Hong Kong, chính tông gốc Trung quốc, nhiều cửa hàng cũng trưng bảng không tiếp khách Trung quốc. Không biết làm sao họ phân biệt được dân Trung quốc với dân Hong Kong! Tại Singapore, cũng dòng giống Trung quốc, hàng ngàn người đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ cấm dân Trung quốc nhập cảnh vào Singapore. Họ đuổi con dân của ông Tập Cận Bình đi chỗ khác chơi.
Họa là từ Trung quốc nhưng toàn dân da vàng lãnh búa tạ. Biết trách ai bi chừ? Chắc là phải trách anh con tạo. Tại sao đã chơi màu trắng đen vàng nâu trên màu da con người lại còn bỏ chung vào một lồng tại mỗi lục địa khiến chúng ta bị lây họa. Ôi! Nỗi oan này chắc thấu tới trời…xanh!

Song Thao
02/2020
Website: songthao.com

Sạch Trơn Nợ Nần - Đỗ Công Luận

Người Em Xóm Giếng - Nguyễn Văn Sâm

Hình minh họa

Người đàn bà trẻ để nhẹ cái thau đồ giặt xuống kế bên miệng giếng rồi đặt đứa con nhỏ nãy giờ chị xốc nách đứng hơi xa xa một chút. Chị vừa kéo nước vừa ngó chừng con bé. Giặt quần áo dơ của con mà chị nhăn nhăn mũi kiểu tiểu thơ nhà giàu phải săn sóc con so khi chưa quen cực khổ. Đứa nhỏ lẩn quẩn bên mẹ. Con bé chừng 4 tuổi kháu khỉnh, mặt mày rất dễ thương. Thằng Tín nằm dựa lưng vô gốc mít nghỉ trưa tránh nắng thấy hết cảnh tượng. Nó đưa hai ngón tay búng ‘tróc tróc’ con bé để hai đứa cùng cười. Rồi nó thiu thiu ngủ gà ngủ gật khi một vài cơn gió mát thổi qua.

Trong mơ màng nó cảm giác như ai đó bỏ gàu kéo nước mà nhấp cái gàu gần đầy xuống mặt nước quá mạnh. Nó vẫn chập chờn giữa mê và tỉnh của cơn nắng trưa chói chang muốn làm nổ màng tang người. Rồi nó tỉnh giấc hẳn hòi, mắt ráo hoảnh khi nghe tiếng khóc kể của người đàn bà trẻ. Không cần suy nghĩ nhiều nó cũng biết chuyện gì đã xảy ra. Buổi trưa nắng nóng, quanh giếng không có bao nhiêu người, chắc nịch là chẳng ai có thể giúp gì cho chị ta: vợ chồng ông thầy giác lể thì khỏi nói, yếu nhớt như sên, ba bà cụ quá già người Bắc di cư, mới tới Xóm Giếng không được bao lâu.

Thằng Tín ngó qua năm người kia rồi chú ý tới người đàn bà trẻ. Mới nhìn thấy nước mắt nước mũi của chị ta thì nó đã tính leo xuống giếng rồi, nhưng khi bắt gặp ánh mắt khinh khi của ông thầy giác lể, nó thấy lại như in cặp mắt đó với hai bạt tai nẩy lửa trên má nó mấy tháng trước thì lòng lại lạnh tanh và chần chờ rồi lại muốn bỏ đi. Hình ảnh sư phụ nó bị lính kín còng tay dẫn độ về đồn. Tiếng xầm xì về sự cáo gian để đoạt chùa. Cặp mắt hớn hở và cái cười thỏa mãn trước đây của bà thầy như mình bắt được kẻ trộm danh tiếng làm cho thằng Tín muốn quay lưng bỏ đi hơn nữa.

Nó ngừng suy nghĩ thiệt hơn khi nhớ tới nụ cười vô tư của con bé chừng nửa tiếng đồng hồ trước khi nó đưa tay làm tiếng ‘tróc tróc’

*****
‘Anh em nói mình từng là người Sàigòn, sống ở đó mấy chục năm chớ có biết đường Huỳnh Quang Tiên không vậy?’

Ông Ba ngừng nói, đảo mắt qua mấy người bạn cùng bàn. Ai nấy đều tránh cặp mắt của ông như thầm thú nhận rằng mình không biết.

Ngoài kia nắng đã liếm tới chưn cột bàn ông Thiên. Người đàn bà đương cong lưng quét sân, bụi bay lên coi bộ nhiều, thỉnh thoảng ngó về phía tiệc nhậu dã chiến của bốn người đàn ông, lắc lắc đầu nhè nhẹ. Ông Ba nhăn mặt không vừa ý nhưng rồi cũng kể tiếp.

‘Hồi nẵm đó nhe, tôi lăn lóc từng ngày gần hai chục năm ở đó, qua bao khốn khổ nầy nọ nên thỉnh thoảng cảnh xóm giếng đường Huỳnh Quang Tiên hiện ra trong chiêm bao với đầy đủ tình huống buồn, sợ, chán chường, với chuyện tình si, tình lụy đớn đau. Nhiều khi thức dậy còn thấy nước mắt chảy ròng, kiểu như đàn bà lưu lạc tha phương, hôm nào đó chạnh lòng nhớ quê sụt sùi thổn thức.’

Thấy mấy bạn cùng bàn vẫn còn ngơ ngác, ông Ba nói tiếp, kiểu lập đi lập lại của dân nhậu:

‘Đường Huỳnh Quang Tiên đó hả?’

‘Nói vầy cho dễ hiểu nè! Bắt đầu từ góc đường Nguyễn Cư Trinh với Trần Hưng Đạo nhe! Từ đó băng qua đường Trần Hưng Đạo thẳng xuống tới bờ sông Bến Chương Dương là đường Huỳnh Quang Tiên. Tôi nói là nói tên đường Việt Nam có sau thời Pháp chớ nói tên đường trước đó như là Blancsubé de CauKho, Galiéni hay Quai de Belgique thì anh em còn bù trất hơn nữa!’

Cả bàn lại yên lặng. Một người nhẹ nhàng đưa tay quơ quơ đuổi vài ba con ruồi hổn hào đậu lên miếng cánh gà xương xẩu nảy giờ chưa ai chịu bỏ vô chén mình.

‘Bây giờ thì tên mới là con mẹ gì đó hổng nhớ nỗi… Ối! Hơi sức đâu mà nhớ mấy cái tên lạ huắc lạ huơ đó! Anh hùng với ai chứ đâu có anh hùng gì với bọn mình, phải không các bạn?’
‘Đường Huỳnh Quang Tiên đó nhe, dọc theo đường nầy bên tay mặt hồi trước là khu nhà sàn cất trên đầm lầy rạch cùn rạch cạn, nước ra nước vô hằng ngày. Đi ngoài đường thì hổng thấy nhà sàn gì hết nhưng chỉ cần rẽ vô một đường hẻm là thấy liền bởi vì mặt tiền đường nhà cửa tương đối khang trang, họ cất tiếp nối che kín bên trong. Tốt khoe xấu che mà!’
Ông Ba ngừng nói, đưa tay bóc một miếng cóc bỏ vô miệng. Miếng mồi coi bộ cứng nên ông nhả ra bỏ lại vô chén mình.
Mẹ! Lúc nào cũng tưởng răng cỏ còn cứng như hồi đó. Cắn nhẹ mà đau thấu tới óc. Ông than thầm. Thấy bạn nhậu ngó mình, ông tiếp:
‘Còn bên tay trái phía trong có một khu đất trống lai rai vài ba cái mả đá ong, giữa đám đất trống là cái giếng mội. Người ta quen kêu như vậy nhưng mà hỏng trúng. Giếng nào lại chẳng là giếng mội, không mội làm sao có nước? Tui nói vậy anh em thấy phải không?

Lại vài ba phút yên lặng, yên lặng tới tiếng ruồi bay vo ve cũng nghe… 

‘Giếng nầy phải kêu bằng giếng xây mới đúng, xây đàng hoàng, lớp dưới cùng thì là đất sét, trên đó là đá ong, dầy đâu chừng hai thước, trên cùng cũng độ hai thước là gạch đỏ, thứ gạch xây tường đó. Xưa người ta không văn minh bằng mình bây giờ nhưng xây giếng có ý lắm, chừng cách ba bốn tấc thì họ chừa một lỗ nhỏ để thợ vét giếng hay khi ai đó có chuyện gì cần xuống giếng thì leo dễ dàng. Tứ bề đều như vậy!’
‘Tui nói vầy anh em hình dung được không nè!’

‘Hai chưn giang ra hai bên, hai tay cho vô hai lỗ đối diện, lần lần thay đổi vị trí tay chơn là leo tới đáy giếng ngon lành. Nước giếng luôn luôn chỉ cao tới ngực người lớn nên người bình tĩnh té giếng cũng không có gì phải quá sợ. Lên thì cũng cách đó thôi. Anh em biết không? Thợ vét giếng dầu kinh nghiệm nghề bao lâu cũng vậy, không được ở dưới đáy giếng quá mười lăm phút. Ngộp thở mà chết. Muốn ở lâu họ phải đem theo một cái đèn dầu, hay là cây đuốc dầu chai, đốt lên để thay đổi không khí mới có đủ ốc xy mà thở.’

Bạn nhậu hai người há hốc miệng ra nghe, một người trẻ nhứt bọn chăm chăm địa mấy miếng thịt ngon trong dĩa rồi từ tốn gắp một miếng ngon nhứt bỏ vô chén mình. Bác Ba chuyển hệ liền:
‘Ừ ăn đi! Tự nhiên nhe! Miếng đó nhiều thịt mà bợm nhậu tụi nầy thì không ưa thịt, chỉ khoái xương thôi.’
Bác tiếp câu chuyện của mình tỉnh bơ.
‘Giếng nầy nước trong veo mà xài bao nhiêu cũng không cạn nên cả xóm đâu độ chừng cả trăm nhà xúm xít nhau cùng xài. Tụi tui hồi đó kêu là Xóm Giếng Huỳnh Quang Tiên. Lúc đó xa lắm mới có một cái phông tên, bây giờ kêu là máy nước đó! Còn nước của nhà máy nước chuyền vô nhà hả? Đừng có mơ! Chỉ xóm giàu nhà gạch, nhà lầu mới có, xóm nghèo thì đừng hòng. Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài. Ai dè giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây… Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Giếng vàng không phải là giếng có vàng đâu à nhe! Đó là giếng có vài ba lá ngô đồng trổ màu vàng rụng xuống trong đó. Thi sĩ nói giếng có lá rụng vô thì đẹp. Đẹp ông nội tôi chứ đẹp. Thúi giếng thì có.’

Ông Ba hễ rượu vô thì nói chuyện nọ xọ chuyện kia sang đàng nhưng bạn nhậu không ai tỏ ý bất mãn để phê bình. Có người còn tán thưởng bằng cách khi thấy ông ngừng nói liền mời chun rượu nãy giờ đương chờ. Thường thì ông tiếp cái chun mời một cách lịch sự nhưng cầm chừng vài phút là đặt xuống kiếm chuyện gì đó làm để câu giờ! 

Lúc nầy không biết ông ứng bà hành gì mà ông Ba cầm chung đế đưa lên miệng húp cái rột, để xuống mạnh tay, k…h…à một hơi dài dáng vẻ gì đó như tự hào mình đã làm tròn bổn phận với anh em. Ông ngả lưng vô ghế dựa, mắt chớp chớp:

‘Nói nầy nghe nè! Ở gần xóm giếng có cái lợi là biết nhiều chuyện hay lắm của xóm. Biết trước thiên hạ à nhe! Cô nào bắt cặp với cậu nào. Con gái nhà ai chịu đèn với con trai nhà ai, mình khỏi cần có cặp mắt tinh đời cũng biết qua cái nhìn vui buồn của họ hay nghe vài ba câu đong đưa trao qua đáp lại. Không trật đâu được, mười lần như một đều trúng.’

Một người trẻ đưa tay rót cho mình một chung rồi rót vòng cho ba người khác. Cậu để chai rượu xuống, cầm chung của ông Ba đưa lên cao, nói:
‘Cháu kính Bác Ba chung nầy. Ngồi uống với bậc trưởng thượng có cái lợi là biết được nhiều chuyện đời xưa mà không có sách vở nào ghi lại. Lần trước được nghe chuyện con Gái, em mà biết lo thay mẹ tắm cho anh. Lại nghe chuyện bà già chuyên nghề khóc mướn tới chừng con gái mình chết thì không còn nước mắt để khóc. Thảm biết là bao nhiêu. Bữa nay Bác kể chuyện gì đó của Xóm Giếng Huỳnh Quang Tiên cho anh em mở trí khôn nha Bác!’

Một người tuổi cũng xồn xồn, xách chai rượu đứng dậy:

“Để tui lo vụ nầy’. Chú vừa nói vừa đưa chai rượu còn chút cặn lót đáy lên lắc lắc. Trước khi dợm cẳng bước đi còn nói thêm: ‘Nhưng chú Ba chậm kể chuyện đợi tôi về nha!’


Bác Ba trở mình vói lấy gói thuốc rê trong túi áo móc trên lưng ghế của người bạn ngồi gần:
‘Xóm giếng đó thì đã để lại cho tôi mấy kỷ niệm nhớ đời, nhớ đời buồn buồn trong dạ… nhưng đời mà, kỷ niệm buồn làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn, chứ trơn lu, trớt quớt thì đời đâu có gì đáng nói. Tôi quí hai chục năm ở đó còn hơn vàng. Càng quí hơn nữa là mình đã làm đúng, chẳng hại ai, chẳng làm lỡ đời ai. Tiếng lỡ đời bác xuống giọng kéo dài hơi với âm thanh thê lương kiểu than thở của kép Năm Phồi ngày nào.’

Bàn nhậu trở nên im lặng một cách kỳ lạ.

*******
Xóm Giếng sống bình thản tháng ngày. Ngôi chùa Hoa Nghiêm Tự làm tròn vai trò tạo nên nếp sống êm ả của vùng. Sáng chiều đều có tiếng gõ mõ công phu. Nhà ở gần nghe lời kinh ê a của sư trụ trì miết rồi biết giờ giấc khỏi cần coi đồng hồ. Chú tiểu Tín Giác ra vô quét tước, nấu nước pha trà sớm chiều cho thầy cách kính cẩn và nghiêm trang của một đứa trẻ hiểu chuyện mình cần làm.

Một sáng kia hai xe traction đen, bản xanh, bảng số VNN-XXX đậu trước chùa. Bốn người lính áo vàng đẩy cửa hùng hổ bước vô. Người lối xóm không dám bu tới coi chuyện gì như họ thường làm khi có chuyện lạ trong xóm, chỉ rút trong nhà, len lén vạch màn ngó ra.
Một lúc sau mấy người lính áp giải sư cụ ra xe. Tay cụ bị còng về phía trước. Tiểu Tín Giác vừa khóc vừa chạy theo trao vội tay nải cho sư khi xe bắt đầu lăn bánh.

Lối xóm ào ra. Mỗi người một câu quanh mấy từ thường nghe trao đổi nho nhỏ trên miệng người dân: Việt Minh, truyền đơn, quốc sự, lựu đạn, dao găm, thuốc Tây, trong khu, tiền giả…

Ai nghe cũng lắc đầu le lưỡi.
Rồi tiểu Tín Giác phải về nhà với cha mẹ, cũng ở trong xóm sau khi ở trong chùa một mình độ chừng mươi bữa nửa tháng trông đợi thầy về mà không thấy.

Tiểu về lại nhà, cái đầu trọc chừa chóp tóc trên mỏ ác được hớt gọn để chờ ngày mọc tóc. Chùa đóng cửa, coi như bỏ hoang từ đó. Cho tới một hôm nhà ông bà thầy giác lể kế bên cho người mở cửa chùa dọn đồ đạc nhà mình vô, hạ những liễn đối, những đồ vật thờ phượng xuống và kêu người đem tất cả tượng Phật dâng tặng cho mấy chùa ở gần gần như Thủ Đức, Nhà Bè, Giồng Ông Tố, Bình Nhâm, Bình Hòa…

Người trong xóm bàn tán cho rằng gia đình kia chiếm ngang vì ông thầy chủ chùa không còn nữa. Thằng Tín mỗi khi đi ngang ngôi chùa xưa, nơi nó từng sống những năm êm đềm dưới sự dạy dỗ của thầy mình luôn luôn thấy nao nao lòng. Bốn tiếng bao hàm sự kính trọng thân thiết chú tiểu Tín Giác đã được thay bằng mấy tiếng coi thường đượm chút khi dể Thằng Tín xách nước mướn ban đầu nó không muốn nghe, nhưng thét rồi cũng quen.

Có lần thằng Tín tình cờ nghe một người nào đó trong xóm xầm xì với ba nó là nên làm đơn đòi lại chùa cho nó với lý do nó là đệ tử ruột của thầy. Ba nó là người bình dân, ít học, có đời sống đơn giản nên chỉ nghe mà không ý kiến cũng không có hành động gì sau đó.

Người kia nói rõ ràng ý mình:
‘Chắc ông bà thầy giác lể toan tính trước nên tố cáo gian gì đó để ông thầy bị bắt. Tố cáo thì đâu khó gì. Có chứng cớ hay không người bị tố cáo cứ bị lính kín bắt đi trước đã. Vài tháng ở trong bót Catina, hay vài ba năm ở trong Khám Lớn nếu được thả về, thân tàn ma dại, sản nghiệp về tay người khác cũng được kêu là may mắn do phước đức ông bà để lại…’

*******
Người đàn bà quét sân ý chừng đã làm xong phận sự, xách chổi vô nhà, đi ngang qua đám nhậu, để xuống bàn họ mấy trái xoài sống lấy từ dĩa trái cây cúng bàn ông Thiên. Bác Ba ngó theo từng cử chỉ của vợ nhưng không nói gì. Người vợ đi ra nhà sau, một lúc đem tới cho tiệc nhậu con dao Con Chó với chén nước mắm đường trong đó lềnh bềnh ba bốn trái ớt mọng đỏ. Ông Ba ngó lên vợ như cảm ơn rồi ngó bạn nhậu, tiếp tục câu chuyện của mình….


‘Ờ… ờ… ờ. … Hồi đó tôi nghe bàn tán thiếu điều đầy lỗ tai nhưng mà nghe thì nghe vậy chớ không biết đúng không nữa. Mấy chục năm nay tôi nghĩ hoài mà không ra câu trả lời. Thôi thì mình theo cách từ bi, không đổ oan cho người, nên bỏ qua không truy cứu.’
Ông cười ra tiếng, nói giọng mai mỉa:
‘Mà truy cứu mẹ gì được. Bằng chứng đâu?’
‘Rồi chú Tiểu gì đó sau nầy sống ra sao ông Ba biết không?’
Ông Ba trầm ngâm thiệt lâu, mới thủng thẳng kể từng tiếng chậm chậm như xúc động chuyện đời mình. Bạn nhậu chăm chú lắng tai nghe.

******
Trong xóm giếng, thằng Tín không ghét ai hết. Vậy mà hôm rằm vừa qua nó bắt đầu ghét ông chồng bà thầy giác lể. Số là nhà bà Tư giác lể có tục cúng rằm trước bàn Ông Thiên. Mỗi lần cúng thì bà thầy thắp nhang xá bốn phía xong xuôi rồi vô nhà ngồi ngó ra canh chừng dĩa trái cây. Xóm thỉnh thoảng có đứa bưng nguyên dĩa khiến cho bà cảnh giác trong giận hờn trách móc. Để bào chữa tánh keo kiệt của mình bà thường nói rằng đứa lớn nhỏ nào bất kỳ, thèm thì xin, bà cho không hẹp lượng. Nếu không dám xin thì trút hết trái cây cũng được nhưng đừng bưng nguyên cái dĩa bà mất công mua dĩa khác.

Thằng Tín sau khi hết ở chùa thì về nhà sống với cha mẹ nghèo ở ngoài rìa xóm giếng, nghĩa là ở sát chợ Cầu Kho. Nó không còn cái chỏm tóc trên đầu của chú điệu nữa và nhiều lần khi tóc lún phún ra chừng hai lóng tay là đã lo đi hớt để mong tóc mọc lên nhiều… Người trong xóm kêu nó bằng thằng Tín xách nước mướn. Mười ba tuổi nó bự xộn, cao nhồng, xách hai tay hai thùng nước, loại thùng dầu hôi hiệu con gà, đi te te một hơi tới nhà ai đó mướn đổ nước tháng mà nước vẫn còn mấp mé miệng thùng, không vơi bao nhiêu. Nghề đơn giản vậy mà sống được, còn có tiền giúp cho cha mẹ nó là đằng khác.
Bực bội nhứt là bà thầy giác lể quả quyết là nó ăn cắp đồ cúng rằm trên bàn ông Thiên kỳ rằm đó.
‘Chuyện hay a nhe, mà Bác Ba biết là anh Tín có ăn cắp không vậy?’
Tiếng một bạn nhậu phát ngôn lớn hơn bình thường. Người vợ bác đứng đâu đó ngước mặt lên ngó rồi nói nho nhỏ nhưng cũng đủ cho bạn nhậu của chồng nghe. ‘Cũng ba cái chuyện đó mà kể năm nầy qua năm khác không nhàm. Người thiệt lạ lùng! Hễ có chút rượu vô là giở chuyện cũ ra nói hoài.’
Ông Ba nghe hết từng tiếng lèm bèm của vợ nhưng coi như không, trả lời bạn hùng hồn:
‘Đâu có! Nó gốc tu mà! Tu đâu hồi 6, 7 tuổi gì đó. Sanh khó nuôi khó, ban cua lưỡi trắng nên cha mẹ nó đem dâng cho Phật, ăn mày cơm Phật, nghe kinh nghe kệ nên tánh cũng thuần lương. Tu chừng 4 năm thì sư cụ bị nạn. Nó mới rời chùa chừng độ 2, 3 năm chứ mấy, đâu nhiễm thói hư tật xấu mau được.’
…Thằng Mẹo đi ngang nhà bà thầy giác lể. Nó chíp trong bụng dĩa trái cây trên bàn ông Thiên nhưng chưa dám ra tay, bả ở trong nhà ngó ra lườm lườm. Dịp may là bà thầy nghe tiếng chồng kêu liền đi vô, nó chạy mau tới bưng cái dĩa xuống, lật vạt áo lên đổ hết vô. Lật đật nó làm rớt hai trái xoài xuống đất. Nó lượm lên, chợt thằng Tín xách hai thùng nước đi ngang nó lẹ tay liệng vô thùng nước rồi ba chưn bốn cẳng chạy mất.

Bà thầy giác lể ra không thấy dĩa trái cây lại thấy thằng Tín với hai thùng nước, đứng xớ rớ đó thì cũng hơi nghi. Bà tới dòm vô thì thấy hai trái xoài của mình. Bà la lớn…
Thằng Tín thiệt thà, không đủ miệng lưỡi chỉ ú ớ là không phải tui…

Và hai ba bạt tai xáng xuống làm nó xiểng niểng. Những lời miệt tuôn ra phũ phàng rằng là đồ tu dối thế, may mà hết tu chớ không thì sau nầy thành Đạo Chuối, Đạo Xôi hay là kiểu thầy chùa Lỗ Trí Thâm ăn thịt chó... Mặt đỏ gay, thằng Tín đứng thẫn thờ buồn hiu. Nó chợt nhớ tới thầy mình năm ngoái ông về không thấy chùa, hai thầy trò nói với nhau rằng mình đã hết duyên tu chùa, bây giờ ra đời tu chợ cũng là cách tu, nhưng phải nhẫn thiệt nhiều… Nó rươm rướm nước mắt, ngó bâng quơ rồi xách hai thùng nước tiếp tục làm công chuyện của mình.

********
Thằng Tín được cả xóm nhìn bằng cặp mắt có chút xanh sau việc cứu con bé té giếng. Cô gái rượu của ông thầy giác lể đã chịu cười chào với nó. Con bé Diễm thì thân thiện hết mức. Cái thuộc từ xách nước mướn bị rớt đi lúc nào không biết. Tiếng thằng trước tên Tín cũng được nhiều người tự động bỏ đi. Năm 18 tuổi thì thằng Tín mua được chiếc xe mobilette xanh. Nó làm nghề bổ hàng cho mấy tiệm tạp hóa trong vùng bằng cách xách xe vô Chợ Lớn Mới mua về theo đơn đặt hàng của từng chủ tiệm với một chút tiền công.

Bữa kia con nhỏ Diễm đem tới cho thằng Tín cái thơ của Dì Út nó mà mặt mày bùng thụng bùng thịu, hỏi gì cũng không nói. Thơ chỉ có mấy dòng nói là hai người mình nên làm quen nhau qua thơ từ. Câu nó thích nhứt là: Cháu Diễm sẽ làm chim xanh cho hai người. Thơ từ qua lại chừng hai năm thì Thằng Tín nhận được cái thơ chót rằng bao lâu nay nàng viết thơ qua lại cho đỡ buồn do thất tình anh H. đương học trường Y Dược. Cô cháu Diễm bây giờ mới thấy có bộ vui vui. Rồi Dì Út đi lấy chồng không buồn từ giã người tình thơ. Ông thầy giác lể không nói thẳng mặt với ai nhưng bắn tiếng là con gái mình lầy chồng giàu, có tưong lai vì thằng rể sắp ra trường làm Dược sư, mở nhà bào chế thuốc như hai ông La Thành Nghệ, La Thành Trung ở đường Boresse vùng Cầu Ông Lãnh. Xóm giếng Huỳnh Quang Tiên thêm một kẻ thất tình thường thẫn thờ ngày mấy lần đi qua nhà ông bà thầy giác lể mà len lén ngó vô như cố tìm hình bóng người xưa còn vương vấn đâu đó.

Nó lục tìm hoài trong trí mà vẫn không giải thích được thích đáng rằng người ấy nói câu giã từ dối hay thiệt. Nó thường tưởng tưởng ra khuôn mặt của cô Dì Út rồi tự an ủi để khỏi đau lòng. Rằng đó là lời thiệt. Nó bị đùa dai, cái thói đùa tàn nhẫn của bọn con gái nhà giàu mới tanh tanh chút tiền mà những năm gần đây học trò các trường lớn thường bắt chước nhau. Đùa để vui, để tự hào có người si mình và để khoe với chúng bạn. Nó nhủ mình tin như vậy để khỏi đau đớn vì bị tình phụ. Nhưng mà vẫn đau đau, vẫn thẩn thờ, vẫn nghi ngờ câu trả lời của mình không đúng.

Thằng Tín bỏ xóm giếng Huỳnh Quang Tiên qua vùng Tân Qui Đông sình lầy, muỗi mòng sanh sống để quên mối tình được ban phát bất ngờ hai năm qua.

Một lần nhớ xóm giếng ngày xưa nó trở về thăm. Ba năm mà vật đổi sao dời nhiều, lắm nhà mọc lên bề thế. Có nhà làm hàng rào bao bọc luôn ngôi mả để chiếm đất. Mấy gia đình di cư đã khá hơn nên rủ nhau cùng dọn đi nơi khác. Ông thầy giác lể đã chết. Bà thầy bị ung thư gì đó rề rề ốm yếu thường ngồi trong nhà ngó mong, vô hồn. Cô bé Diễm bây giờ trổ mã coi cũng được ớn. Mẹ của bé trở thành cô phụ khi người chồng biền biệt không để lại vết tích.

Thấy thằng Tín, con nhỏ Diễm mừng rơn, chạy ra nắm tay nắm chưn trách móc sao bỏ đi biền biệt không nói lời chia tay để nó được đứng trông theo tới khi anh trở thành cái bóng nhỏ mờ lần. Nghe trách, thằng Tín, chỉ cười trừ. Con nhỏ nầy cải lương dễ sợ. Nó nói thầm.

*******
Con Diễm coi bộ tự do. Nó liến thoắng leo lên chiếc xe mobilette cả chục tuổi đời của tôi bắt chở ra Sàigòn. Nó nói leo lẻo khi mới ngồi an vị và choàng tay qua hông tôi nhột nhột:
‘Anh Tín còn nhớ hồi đó em đếm trước ngực anh có mấy mụt ruồi son và sau lưng anh có mấy mụt ruồi đen không?’

‘Nhớ chứ sau không? Cứ đếm hoài nhột muốn chết. Bà ngoại em rầy bao nhiêu lần mà cũng không sợ. Hồi đó nghèo, trưa chiều gì cũng ở trần bận quần xà lỏn. Trời nắng nằm dựa gốc mít ngủ nên mới cứu được con nhỏ té giếng.’

Có tiếng cười như nức nẻ, tiếp theo là tiếng thỏ thẻ nhẹ nhàng:
‘Tám tuổi mà em biết yêu anh rồi đó. Muốn ở gần anh nên lẩn quẩn ngoài giếng hoài. Trưa má kêu đi ngủ lần nào cũng chần chờ!’
‘Em còn nhớ anh dọa là con gái gần con trai hoài thì có chửa không?’

‘Nhớ!’

Cả hai làm thinh một hồi hơi lâu. Đường Sàigòn chật chội. Ga xe lửa Sàigòn túa người băng qua đường Boudhonné bất chấp xe cộ. Mấy chiếc xe buýt xịch tới xịch lui khiến con nhỏ ôm người chở mạnh hơn.
‘Em hỏi bà ngoại. Bả nói gần nầy khác, không phải gần như vậy.’
Tôi thấy chuyện nầy cũng lạ. Con bé quyến luyến mình từ đời cố Hỷ cố Lai nào không biết mà lẽo đẽo theo mỗi khi có dịp dầu là mới có 8, 9 tuổi.

‘Hay là mình ăn trưa cơm gà nấu đậu ở quán Thanh Bạch kế bên rạp hát Vĩnh Lợi đi anh.’

Tôi e dè:
‘Đi lâu coi chừng chị Hai chửi.’
Con nhỏ sửa liền:
‘Anh không được kêu bằng chị Hai nữa, thay đổi cách xưng hô ngay từ bây giờ là vừa.’

Trời mát mà tôi nghe lạnh xương sống. Con nhỏ nói xa gần, thiệt thà như tôi cũng hiểu ý. Tôi ngó lên mấy con chim bay trên bầu trời rồi ngó sang bên kia đường, dãy tiệm bán vải của những người Chà Bombay giàu có để quên hiện tại. Không biết nên buồn hay nên vui, cũng không biết ứng phó kiểu nào cho hợp. Nó vừa mới lớn, còn lanh chanh trong tình yêu trai gái. Tôi lại còn tương tư Dì Út nó chết bỏ làm sao dính dáng với nó được?
‘Anh cứu em té giếng hồi nhỏ. Nếu không có anh cứu thì em đâu còn sống nên em thấy mình thích anh. Cũng là một cách trả ơn vậy mà.’ Con nhỏ nói có vẻ thành thật nhưng với tôi chỉ là trò chơi của ngôn ngữ.
Lấy tay gỡ tay con nhỏ ôm mình quá chặt, tôi nói:
‘Chở em đi như vầy anh sợ Chị Hai má em rầy, chị có thể kêu cảnh sát bắt anh đó. Mà em nói chuyện đàng hoàng đi, nhỏ bằng hột tiêu mà nói chuyện gì đâu không!’
‘Lại chị Hai, anh đổi cách xưng hô đi thì vừa. Đâu anh nói coi, kêu má em bằng gì?’
‘Tới nơi rồi, vô ăn món gì dằn bụng rồi về Diễm ơi!’ Tôi đánh trống lảng và giao xe cho người giữ xe trước tiệm, lấy cái thẻ bỏ vô túi quần vỗ vỗ cho chắc ăn.
‘Cả chục năm rồi không đi ngang chỗ nầy. Hồi trước mỗi lần anh bịnh, sư phụ dắt đi nhà thương Sàigòn thế nào cũng xin sư phụ cho mấy phút đọc chuyện tình của công chúa Margaret và ông Thompson dán ở phòng Thông Tin Anh kế đây.’
‘Anh cù lần và làm kiểu thầy chùa như vầy hèn chi Dì Út bỏ anh đi lấy chồng. Cũng phải thôi, đâu có oan ức gì.’

Con nhỏ mau lớn và coi bộ trưởng thành về sự suy nghĩ hơn mình tưởng. Nó dùng chiêu vừa trách cứ về doạ nạt, khiến tôi nín thinh.

Ngồi chưa yên vị con nhỏ nắm hai bàn tay tôi đương mở cái khăn bọc muỗng nĩa dao vừa mới được đặt trên bàn, và đương ngạc nhiên khi thấy lần đầu cái khăn trắng muốt, sang trọng quá chừng:
‘Anh Tín nầy, em lớn rồi phải không? Thành nhơn chi mỹ rồi, Học Đệ Nhị rồi, cuối năm thi Tú Tài rồi. Phải không nói thiệt đi? Mà chỉ lớn với anh thôi nhe. Người khác thì đừng hòng tới gần.’
Tôi chu mỏ:
‘Lớn cái con khỉ. Ngày nào cũng lật báo đọc mục Mai Bê Bi mà đòi làm người lớn.’
Con bé mặt tươi vui, chợt đổi đề tài:
‘Nhớ khi đó anh nói anh tuổi Tý phải không. Tuổi Tý là người có tánh chù chừ, không quyết định gì đúng lúc hết. Nói cho anh nghe: Lẹ tay thì còn, chậm tay thì hết, con chuột chù chừ thì… thì có thể mất mồi và mất mạng.’
Con bé làm tôi hoang mang, Gì mà ghê vậy em?

Nó nói nhỏ: Anh hiền như cục bột lò bánh mì, ai muốn nặn sao thì nặn, không ý kiến. Bộ anh mới đẻ ngày hôm qua chắc. Còn em, bộ em là gỗ đá chắc, không biết yêu.
Hai tay nó nắm tay tôi bóp mạnh:
‘Anh Tín, có cần phải nghe em nói là em yêu anh anh mới chịu hay sao?’
Tôi rút tay về khi người bồi bàn đem hai dĩa cơm gà nấu đậu ra, nói nhỏ:
‘Anh vẫn còn nhớ Dì Út. Không thể để em đền bù chuyện cứu mạng ngày xưa bằng tình yêu nông nỗi của em.’
Nông nỗi! Con bé lập lại hai tiếng đó rồi đứng phắt dậy chạy ra đường phóng bạt mạng lên một chiếc xích lô đương trờ tới.
Tôi ngồi lặng. Rồi em sẽ quên thôi.

Tôi về thẳng bên Tân Qui Đông. Lúc qua bến đò Tôn Thất Thuyết, nhìn bóng mình trôi trôi trong dòng nước tôi tự an ủi rằng mình đúng, rồi má với bà em sẽ bắt em đi lấy chồng. Cuộc sống mới sẽ giúp em quên chuyện tình cảm thời mới lớn. Nhưng mà cha mẹ ơi, hai chục năm lính, hai chục năm sống bất như ý, hễ khi trời mưa thì tôi nhớ đến chuyện mình với hai người con gái, chuyện nào cũng lỡ làng. Mình tới họ lui. Họ tới mình lui. Lỗi tại duyên số hay lỗi tại tui trù trừ không quyết đoán. Tôi như cục bột ở lò bánh mì, chỉ chờ người ta nặn mình, chứ không thể tự mình thành gì hết.

Ta chỉ có một đời để sống, chỉ có một lúc thật quyết liệt để quyết định. Phải sống chơn thật với lòng và với giá trị phổ biến. Phải quyết định cách đúng đắn không lợi dụng để thủ lợi. Tôi trên căn bản là một chú tiểu mà, một người con Phật ngay từ nhỏ mà…
Mấy bạn hỏi sao mưa thì lại nhớ đến chuyện tình buồn của mình hả?

Ông nhạc sĩ nào đó thiệt rành đời lắm mới viết câu: Mưa bên chồng có làm em khóc? Bất như ý cuộc hôn nhân thì trời càng mưa càng nghe buồn, càng thấy cuộc đời mình là một đau thương lớn. Không khóc sao được. Thương cho thân phận của họ nên mình buồn thôi.

(Đón xem: Chuyện người Nhật Bổn cuối cuộc chiến)
  

Saturday, August 29, 2020

Chạy Thục Mạng Khi Bị Vợ Gọi Về

Câu Chuyện Cảm Động Cất Giấu 17 Năm Phía Sau Khu Trái Tim Ở Anh


Mỗi khi mùa xuân đến, bên trong “trái tim của khu rừng” này luôn nở đầy hoa thủy tiên vàng óng. Bên ngoài trái tim là 6.000 cây sồi được một người nông dân già trồng để tưởng nhớ người vợ đã qua đời của mình. Bí mật này đã được cất giấu 17 năm trên một mảnh đất ở miền Nam nước Anh.

Hiện nay, gần như mỗi tấc đất trên thế giới đều có thể nhìn thấy được qua Google Earth, ngay cả châu Nam Cực, núi Himalaya và rạn san hô Great Barrier đều có “chế độ xem phố” (Street View), và có một khung cảnh làm mê đắm lòng người được một người bay khinh khí cầu phát hiện khi nhìn từ trên không ở miền Nam vương quốc Anh.

Người bay khinh khí cầu không tin vào mắt mình

Anh Andy Collett đến từ thị trấn Wotton-under-Edge rất yêu thích khinh khí cầu. Vào năm 2012, khi anh đang bay trên bầu trời ở quận Gloucestershire, bỗn nhiên anh nhìn thấy “một cảnh đẹp ngoạn mục làm mê đắm lòng người” – một bãi cỏ hình trái tim dài hơn 70 m.

(Ảnh: Twitter)

Giới truyền thông của Anh đã nhanh chóng điều tra và biết được mảnh đất này thuộc sở hữu của một người nông dân có tên là Winston Howes.
Vào năm 1995, người vợ đã chung sống cùng ông Winston 33 năm – bà Janet qua đời vì bệnh tật, ông vô cùng đau lòng nên đã quyết định làm một dự án mới để bản thân không thấy đau buồn nữa. Nghĩ là làm, ông quyết định dùng mảnh đất 6 mẫu Anh để tưởng nhớ người vợ yêu quý của mình.

Ông Winston và người vợ khi còn sống (Ảnh: Facebook)

6.000 ngàn cây sồi được trồng bằng tình yêu

Trước tiên, ông Winston Howes đã mất mấy tuần để huy hoạch cẩn thận mọi chi tiết. Sau đó, ông trồng 6.000 cây sồi cùng loại, ở giữa để lại một hình trái tim. Xung quanh hình trái tim ông trồng hàng rào san sát nhau, chỉ để lại một con đường nhỏ ở phần nhọn của trái tim về phía Đông Bắc, hay còn là hướng đi về phía Wotton Hill, nơi vợ ông sinh ra.

(Ảnh: Twitter)

Hơn 20 năm qua, ông Howes là chủ của trái tim này

Không có ai biết về bãi cỏ hình trái tim ở giữa khu rừng cho đến khi Andy Collett bay qua bằng khinh khí cầu.
Ông Howes đã đặt một chiếc ghế dài ở điểm giao nhau của hai nửa trái tim, ngồi xuống đó vừa vặn nhìn về phía Wotton Hill, nơi người vợ yêu quý của ông sinh ra. Vào mùa xuân, hoa thủy tiên vàng mà bà Janet yêu thích đua nở trên bãi cỏ.

(Ảnh: Twitter)

Hiện nay, người nông dân già vẫn đến mảnh đất kỷ niệm này, ông nói rằng để “ngồi suy ngẫm”.

(Ảnh: Twitter)

Trên thế gian có rất nhiều người có trái tim tràn đầy tình yêu thương, nhưng người ta lại có thể nhìn thấy trái tim của ông Howes từ trên những đám mây.

Nguồn: trithucvn.net