Friday, January 31, 2020

Nhớ Mùa Xuân Cũ - Hàn Thiên Lương

Xuân Độc Hành - Trầm Vân

Đại Lộ Champs Élysées Paris - Nguyễn Duy Phước

Không cần đi tới nơi cũng có thể viếng thăm đại lộ Élysées Paris nổi tiếng thế giới

Còn Thấy Đâu Đây Tình Người! - Huỳnh Văn Điệp


Mình có thằng bạn thân cùng tuổi, nó nhỏ hơn mình một tháng. Mình thì Đà Nẵng còn nó ở Quảng Nam thị xã Vĩnh Điện, Điện Bàn. Khi hai thằng còn ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Cuối tuần là hai thằng gặp nhau không tại Đà Nẵng thì cũng tại Quảng Nam để lai rai với nhau vài ly bia hoặc ly cà phê và kể cho nhau nghe những điều tào lao xịt bộp trên trời dưới đất. Rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền, nó phải đành rời xa quê hương vào Sài Gòn mưu sinh đã hơn mười năm nay. Kể từ đó hai thằng chỉ được gặp nhau vào những ngày cuối năm nó về quê ăn tết hoặc tôi có việc vào Sài Gòn.

Trước khi vào Sài Gòn và có ý định ở lại Sài Gòn một thời gian dài. Tôi gọi điện cho nó, nó mừng lắm. Ngày mà tôi vào Sài Gòn, vừa bước ra khỏi cửa nhà ga sân bay là vợ chồng tôi thấy nó dơ tay vẩy vẩy gọi to " tao nè Điệp " làm cho mọi người đang chờ đón người thân phải quay qua nhìn nó. Nó cười hì hì.
Thế là hai thằng lại gần và gặp nhau như lúc xưa. Rảnh là nó chạy qua tìm tôi cùng uống ly bia hay ly cà phê.

Hôm bữa cuối tuần. Nó ghé qua chở tôi đi làm ly bia. Hai thằng vừa nhậu vừa kể chuyện đời, chuyện Facebook thì đã hơn 10h đêm, thế là vội vàng tính tiền ra về. Đang chạy trên đường Phạm Văn Đồng, nó nhìn thấy bên kia đường có một người đàn ông đang dẫn bộ chiếc xe máy, vậy là nó quay đầu xe lại chạy ngược chiều một đoạn để đến người đàn ông đang dẫn bộ chiếc xe máy đó. Vừa tiếp cận được người đàn ông đang dẫn bộ xe là nó hỏi ngây
- Xe bị gì vậy ông anh?
Người đàn ông tỏ vẻ lo ngại và e dè nói
- Xe tui hết xăng. Dẫn bộ hơn 1km rồi mà chưa thấy trạm xăng
Nó cười hì hì nói
- Ông anh đừng có lo. Hai thằng tui không phải ăn cướp đâu. Mở cốp xe ra đi, tui đổ cho một lít mà chạy về.
Nó liền quay qua bảo tôi bước xuống và nó mở cốp xe lôi một đoạn ống dẫn, xong, nó quay qua lấy cái can 5 lít đựng xăng luôn để phía hông xe của nó, rồi nó truyền qua xe người đàn ông đó. Xong đâu vào đấy, người đàn ông đó cảm ơn ríu rít và xin được trả tiền mà nó không lấy. Lúc này thì tôi mới nhớ ra là lúc nào bên hông xe của nó luôn có can 5 lít đầy xăng, có hỏi nó vài lần mà nó không trả lời. Hôm nay tôi phải hỏi cho được vụ can xăng này. Nó không để người đàn ông đó nói thêm nữa nó hối hôi leo lên xe rồi rồ ga chạy. Và tôi bất đầu hỏi về vụ can xăng
-May có bán thêm xăng lẻ ở nhà hả?
Nó cười hiền trả lời
-Đâu có. . .
Tôi thắc mắc
-Vậy mua xăng làm gì vậy, chạy hết thì ra cây xăng đổ tiếp chứ đê xăng như này ở nhà nguy hiểm lắm
Cũng giọng cười hiền đó, nó trả lời
-Tao luôn mua để sẵn như thế này, đi đường thấy ai hết xăng thì đổ cho người ta chứ tội
Tôi càng thắc mắc
- Nhưng sao lúc nảy mày không lấy tiền xăng lại?
Với giọng hơi chùng xuống một chút nó nói
-Tao đổ cho người ta chứ lấy tiền chi mi
Nghe nó nói vậy, tôi cũng thấy vui, thở dài nói
- Như thế có nghĩa là mày đang làm từ thiện, nhưng mày đâu có giàu có cho lắm mà làm vậy là quá tuyệt vời ông bạn tôi ah.
Nó cười buồn nói
-Từ thiện chi mi ơi. . . Như mi đã biết chuyện của vợ chồng tao rồi đó. . .Mi cứ hỏi tao chuyện can xăng này, thôi thì hôm nay tao kể hết nguyên nhân cho mi nghe

Sau khi vào Sài Gòn làm ăn được một thời gian, nhờ trời đãi ngộ mà nó lên như diều gặp gió và mua được căn nhà trong hẻm đường Lạc Long Quân, rồi nó cưới vợ. Cưới nhau năm năm mà không có con, hai bên họ hàng khuyên vợ chồng nó đi chữa hiếm muộn. Ngày mà vợ chồng nó đi chữa hiếm muộn cũng là ngày vợ chồng nó sụp đổ hoàn toàn. Bác sĩ phát hiện ra vợ nó bị ung thư tử cung. Từ đó, nó bỏ tất cả mọi việc đưa vợ đi khắp nơi chữa chạy, nghe ai giới thiệu ở đâu là nó dẫn vợ đến ngây. Dần dần tài sản nó cạn kiệt, căn nhà để ở duy nhất nó cũng bán để lo cho vợ.
Sau bao năm chữa chạy, nhưng rồi vợ nó cũng bỏ nó ra đi. Giọng buồn buồn nó nói với tôi
- Tao nhớ mãi buổi trưa hôm đó, tao không bao giờ quên. Cái ngày mà vợ tao bỏ tao lại trên cõi đời này để về với thế giới bên kia. Hôm đó. Thấy vợ chợp mắt nên tao chạy về tranh thủ tắm rửa và nấu cho nàng miếng cháo. Về đến nhà trọ, tao vừa cởi chiếc áo ra định đi tắm thì điện thoại đổ chuông cầm máy lên thì đầu dây bên kia giọng bác sỹ nói rất gấp " anh vào bệnh viện nhanh, chị nhà có biểu hiện rất là".

Linh tính có chuyện không lành, tao liền vội quay ra lấy xe chạy gấp đến bệnh viện mà không kịp mặc chiếc áo mới vừa cởi ra. Ông trời lại một lần nữa thử thách tao. Đang chạy nữa chừng, xe tắt máy, kiểm tra thì xe hết xăng. Lúc đó trong túi không còn một đồng để mà đổ một lít xăng. Tao gào kêu ba tiếng trời, nước mắt lưng tròng, cứ thế tao đẩy bộ xe chạy và miệng luôn khấn vái Trời Phật cho vợ tao qua cơn nguy kịch, còn nếu có mệnh hệ gì thì cũng chờ tao đến để gặp nhau lần cuối. . .

Bổng, nó im bật không nói nữa, ngồi sau lưng nó, tôi thấy hai vai nó rung nhẹ lên một cái. Hai vai nó rung không phải vì cái lạnh về khuya của những ngày giao mùa, mà tôi biết nó rung là bởi nó đang thổn thức của sự hoài niệm đang ùa về. Tôi im lặng để cho những cảm xúc của nó tuông trào. Một lúc sau nó mới nói tiếp
- Tao vừa chạy vừa đẩy được một đoạn. Tao định vứt chiếc xe chạy cho nhanh thì có một chú em tầm khoảng 25 26 tuổi chạy tới nói " xe anh hết xăng phải không. Anh leo lên xe đi em đẩy đến cây xăng " tao làm theo như một cái máy. Vừa tới cây xăng tao vội móc cái điện thoại cùi bắp ra đưa cho cô nhân viên cây xăng và nói " tui không có tiền, cô cầm cái này rồi đổ cho tôi 20k xăng" lát tôi đến chuột lại. Tui có việc gấp lắm". Chú em lúc nảy đẩy tao tới đang định quay đầu xe đi nghe tao nói với cô nhân viên cây xăng vậy liền dựng xe xuống đi đến cô nhân viên rồi nói "đổ cho ảnh đầy bình đi, tui trả tiền".

Nói xong chú em đó móc ra tờ 200k đưa cho cô nhân viên và nói tiếp " chị cứ đổ đầy bình, tiền thừa thì chị đưa cho ảnh giúp em". Nói rồi chú em đó lên xe đi mất, còn tao như kẻ mất hồn, lúc đó tao không mở miệng cảm ơn chú ấy lấy một tiếng. . . Xong, tao chạy ào tới bệnh viện vứt vội xe, bay ào lên phòng bệnh thì thấy vài bác sỹ đang đứng bên giường bệnh vợ tao.
Thấy tao, bác sỹ trưởng khoa trực gọi tao lên phòng trực nói tao hãy đưa bà xã tao về kẻo còn kịp để vợ tao trút hơi thở cuối cùng tại nhà. . . Trên đường về, nằm trong xe cứu thương vợ tao dặn dò tao phải vững tâm, bình tĩnh đừng khóc thương mà có hại cho sức khoẻ. Cố gắng hết sức Nói nhiêu đó là cô ấy trút hơi thở cuối cùng trên tay tao
Hai vai nó lại rung lên. Mắt tôi cũng cay xè. Nó nghẹn ngào nói tiếp
- Cũng nhờ chú em đó cho tao mấy lít xăng nên tao mới kịp gặp vợ tao lần cuối. Sau khi ma chay cho vợ xong. Một thời gian sau nhớ lại mọi việc và mong được gặp chú em đó, nhưng biết đâu mà tìm. . . Và sau này đi đâu tao cũng cầm theo can xăng này, gặp ai dẫn bộ thì tao dừng lại đổ cho người ta một ít để họ còn chạy về nhà. Biết đâu trong những người dẫn xe bộ vì hết xăng đó, có người trong túi họ không có một đồng như tao lúc đó, biết đau có người đang chờ họ về. . .

Nói xong, nó thở dài một tiếng nghe não ruột. Tôi liền lồng hai tay về trước ôm chặc lồng ngực nó vào lòng. Có vài người đi đường họ nhìn thấy liền quay lui nhìn hai thằng tui và cười mĩm. Chắc họ nghĩ hai thằng tôi đang yêu nhau

Huỳnh Văn Điệp Chia Sẻ

Gác Tay Nằm Ngủ Mà Mơ - Đỗ Công Luận

Bệnh Dịch Tập Cận Bình? - Ngô Nhân Dụng

Hai người dân Vũ Hán, Trung Quốc, đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe. Những ngày qua, thành phố này vắng bóng người qua lại vì dịch bệnh do virus Corona gây ra. (Hình: Getty Images)

Gọi tên bệnh dịch Vũ Hán thì tội nghiệp cho 11 triệu dân thành phố này, nơi mà du khách có thể tới thăm Hoàng Hạc Lâu với cả một bức tường chép bài thơ Thôi Hiệu, và nhìn thấy cả bãi Anh Vũ và Hán Dương ở bờ bên kia dòng Trường Giang.
Đề nghị gọi bệnh dịch mới bùng phát ở nước Tàu là bệnh dịch Tập Cận Bình, chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bởi vì chính guồng máy bưng bít thông tin của chế độ Cộng Sản đã làm cho cơn bệnh bùng lan nhanh chóng và nguy hiểm hơn.

Chính quyền Cộng Sản loan tin vào cuối Tháng Mười Hai, 2019, họ mới phát hiện căn bệnh mới, do một loài virus Corona (coronavirus) gây ra. Nhưng sự thật là họ đã biết từ Tháng Mười Một, kéo qua Tháng Mười Hai sang giữa Tháng Giêng, 2020. Lúc đó Ủy Ban Y Tế Toàn Quốc mới xác nhận đây là virus Corona, vì nếu không thì sẽ chết nhiều người hơn vì không thể ngăn bệnh lan truyền.
Năm 2002, một loài virus cùng loại virus Corona đã gây cơn bệnh dịch viêm phổi SARS khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mất 2% (từ 11.1% xuống 9.1%). Vậy mà khi nhận diện “chính nó” rồi họ vẫn còn giữ kín! Chắc họ hy vọng sẽ chạy nhanh hơn loài virus!

Vì bưng bít thông tin hàng tháng trời nên chính các nhân viên trong nhà thương cũng không được đề phòng. Một bệnh nhân ở Vũ Hán đã truyền bệnh cho 14 người khác kể cả các bác sĩ, y tá. Vì tin tức được đưa ra quá trễ, chỉ trong một tuần lễ sau khi chính quyền công nhận có bệnh dịch thì số bệnh nhân đã tăng gấp mười lần!
Nếu không phải vì Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản của ông ta, thì không nhiều người chết oan như vậy. Tại Quận Cam, California, khi khám phá ra một người từ Vũ Hán bay về, được đưa vào bệnh viện vì mang virus Corona thì tất cả các cơ quan truyền thông công và tư đều loan tin. Chưa đầy một ngày, lại có tin thêm một người nữa.

Muốn ngăn ngừa bệnh dịch thì phải thông tin nhanh chóng và đầy đủ. Một chính quyền bưng bít tin tức bệnh dịch là phạm tội giết người hàng loạt.
Năm 1918, thế giới đã trải qua một bệnh dịch khủng khiếp, thường gọi tên là Bệnh Cúm Tây Ban Nha (Spanish flu). Thực ra bệnh phát xuất từ Trung Quốc, Mỹ, và Pháp đã làm chết hàng trăm ngàn người nhưng chính quyền các nước đó giữ bí mật vì đang dự cuộc chiến tranh chống Đức và Vương Quốc Áo Hung. Họ đều sợ nếu loan tin thì dân chúng và binh lính hoang mang!

Tới khi Alphonse XIII, vua Tây Ban Nha là một nước trung lập trong cuộc chiến, bị ngã bệnh, lúc đó thế giới mới biết có một bệnh dịch đang lan ra toàn cầu. Biết quá trễ, trong vòng một năm có 50 triệu người chết khắp thế giới, nước Mỹ cũng mất 700,000 người.
Tập Cận Bình vẫn kiên trì kiểm soát thông tin để bảo vệ uy quyền của chính mình và của đảng Cộng Sản. Việt Nam cũng như Bắc Hàn và Trung Quốc không có một cơ sở truyền thông tư nhân, độc lập nào. Tất cả đều chỉ để phục vụ đảng Cộng Sản. Hàng triệu người Uighurs đang bị giam trong các trại cải tạo sẽ làm mồi cho virus Corona. Bắc Kinh còn tàn nhẫn không cho phái đoàn y tế Đài Loan tới dự một hội nghị tìm cách ngăn chặn căn bệnh mới của WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới).

Đến các mạng xã hội cũng bị kìm kẹp. Cảnh sát Trung Cộng đã theo dõi và cảnh cáo các công dân mạng, tố cáo họ “loan truyền tin giả” về loài virus. Chính sách bưng bít thông tin này sẽ giết người! Hai ngày trước khi chính quyền thành phố Vũ Hán thú nhận bệnh đã phát khởi, họ còn tổ chức một “đại yến” cho 100,000 người, mỗi người đem phần ăn của mình tới dự! Trong khi 100 người lo ăn nhậu thì những con virus Corona cũng đang mở dạ yến trong khí quản và buồng phổi của nhân dân Vũ Hán!
Tờ báo bán chạy nhất ở Vũ Hán không dám đăng một bản tin nào về bệnh dịch lên trang nhất, suốt ba tuần lễ, cho tới khi Tập Cận Bình lên ti vi chính thức báo động! Ngày 10 Tháng Giêng, 2020, đài truyền hình nhà nước vẫn “lạc quan” loan tin bệnh dịch lần này rất nhẹ, được kiểm soát chặt chẽ, trước khi Tập Cận Bình lên ti vi kêu gọi thế giới hỗ trợ ngừa bệnh.
Ngoài chính sách bưng bít thông tin có thể giết người ra, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn phạm một tội ác khác: Duy trì một guồng máy thư lại trung thành nhưng bất lực. Một tập đoàn tham nhũng không ai lo tới sức khỏe, của người dân cũng như các gia súc dân nuôi để sống.
Trong năm ngoái, một bệnh dịch mang tên “Phi Châu” đã giết chết một nửa số heo trong nước Tàu (tức một phần tư heo thế giới). Tất cả chỉ vì chính quyền không có một hệ thống báo động kịp thời và không chuẩn bị các phương pháp ngăn ngừa! Các cán bộ phát tiền cho nông dân nếu họ giết cả đàn heo đem chôn nếu một con heo bị bệnh Nhưng dân trốn tránh! Vì các quan đã ăn bớt tiền bồi thường, dân lén đem heo bệnh ra chợ bán vẫn được trả giá gấp bốn lần!
Trong cuộc chiến tranh mậu dịch, Trung Cộng đã cấm nhiều thứ thịt mua từ Mỹ, lấy lý do ngừa bệnh. Nhưng họ vẫn thả lỏng cho các chợ bán cầm thú hoang, một cái ổ đầy các vi khuẩn bệnh mới lạ mà gia súc chưa bao giờ tiếp xúc, nhưng lại được dân nhậu hoan nghênh. Chính người đầu tiên bị bệnh viêm phổi mới lần này đã nhiễm virus Corona trong một “chợ cá” ở Vũ Hán.
Tính theo đầu người thì dân nhậu trong lục địa có thể mua cầm thú hoang gấp ba lần dân Mexico, cũng có tiếng là dân nhậu. Người dân Trung Quốc, trung bình, chỉ có 80% số bác sĩ mà dân Mexico được hưởng. Đặc biệt số bác sĩ tổng quát (GP) bên Trung Quốc khiếm hụt 70% so với tiêu chuẩn của WHO! Một lý do là trong hệ thống y tế mà nhà nước kiểm soát, lương bổng các bác sĩ tổng quát được ấn định thấp quá. Cho nên gây nghịch cảnh: Trong 100 bác sĩ ở nước Tàu, 96 người làm chuyên khoa, chỉ có bốn người khám tổng quát!
Bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, đến nỗi tại Vũ Hán, ngay cả cái khẩu trang che miệng khi khám bệnh cũng bị hạn chế, theo chế độ tem phiếu. Nhiều bác sĩ tỉnh Hồ Bắc, thủ phủ là Vũ Hán, không có áo khoác phải mặc áo mưa trùm đầu (ponchos) khi làm việc. Mỗi ngày các bệnh viện cần 100,000 bộ áo khoác để thay đổi, nhưng chỉ sản xuất 30,000 bộ.
Tất cả chỉ vì đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn kiểm soát toàn thể xã hội ngõ hầu duy trì quyền bính mãi mãi.
Năm nay, Trung Cộng đã rút tỉa bài học bệnh SARS cho nên phản ứng nhanh hơn; vì giới lãnh đạo biết họ cần thế giới giúp.
Nhưng ảnh hưởng trên nền kinh tế Trung Quốc hiện chưa ước tính được. Những năm 2002-2003 tỷ lệ tăng trưởng Tổng Sản Lượng Nội Địa nước Tàu đã bị thiệt hại 2%; năm nay có thể chỉ giảm 1%. Nhưng hồi bệnh SARS thì tốc độ đang lên tới 11%, bây giờ chỉ còn tăng thêm 6% một năm, mất 1% sẽ đau hơn. Thành phố Vũ Hán sản xuất 4% Tổng Sản Lượng Nội Địa cả nước Tàu, sẽ ngưng hoạt động, không biết bao lâu! Trong thành phố có xưởng ráp xe của General Motors và chế rượu bia của Anheuser-Busch!
Tệ hại nhất là bệnh phát ra đúng vào dịp Tết. Hơn 14 thành phố lớn đã bị phong tỏa, 50 triệu người bị cô lập. Họ không sản xuất và cũng bớt tiêu thụ. Mỗi năm Tết đến có thêm 10 triệu dân Trung Hoa di chuyển. Năm nay không biết còn bao nhiêu, nhưng các công ty vận tải sẽ ngưng nghỉ! Ngày Mùng Một Tết năm nay, các rạp chiếu bóng trong toàn quốc thâu được gần hai triệu đồng nguyên (1.81 triệu). cùng ngày đó, năm ngoái, số thu là 1.45 tỷ đồng nguyên! Các công nhân được phép kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm ba ngày!
Chúng ta hy vọng bệnh dịch Tập Cận Bình năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn bệnh SARS trước đây 17 năm. Bởi vì cũng trong ngày Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, thị trường chứng khoán ở New York đã lên, sau khi tụt xuống quá nhiều ngày hôm trước, chỉ vì giới đầu tư lo con vi khuẩn Tập Cận Bình sẽ tác hại cả kinh tế thế giới! Té ra hãng Apple có 775 cơ xưởng làm ăn bên Tàu, nhưng chỉ có hai xưởng nằm ở Vũ Hán!
Thị trường chứng khoán là nơi người ta theo dõi tin tức sát nhất, cập nhật, và thường chính xác nhất! Cho nên cứ hy vọng! Ngày mai, các tin tức mới có thể sẽ khác! 

Ngô Nhân Dụng
www.nguoi-viet.com

Thursday, January 30, 2020

How To Protect Yourself And Others From Coronavirus


From: Hoang Ngoc Khoi

Tiếng Xuân Gửi Người - Trầm Vân

Lợi Và Hại Của Thuốc Aspirin - BS Hồ Ngọc Minh

Thuốc aspirin được khuyên dùng cho những bệnh nhân đã từng bị bệnh, hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch. (Hình: Getty Images)

Từ thập niên 1970, các nghiên cứu cho thấy, uống thuốc aspirin với liều lượng thấp có thể ngăn ngừa đột quỵ tim mạch. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất gần đây lại cho lời khuyên, người cao tuổi, trên 70 thì tuyệt đối không nên uống thuốc aspirin, do phản ứng phụ chảy máu đường ruột và xuất huyết não. Riêng những người trong độ tuổi 40 đến trên 60 thì tùy theo lời khuyên của bác sĩ.
Như thế, cho độ tuổi “nửa chừng xuân,” có nên tiếp tục uống thuốc aspirin hay không?

Thuốc aspirin được khuyên dùng cho những bệnh nhân đã từng bị bệnh, hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua hàng triệu triệu người trên thế giới, tuy không có nguy cơ bị bệnh, vẫn tự nguyện uống thuốc đều đặn mỗi ngày với niềm tin phòng ngừa bệnh tim mạch.

Dược chất, salicylic acid, thành phần chính của thuốc aspirin, từ nước cất của vỏ cây liễu, được dùng hàng nghìn năm, để trị đau nhức và nóng sốt. Thuốc được bán dưới thương hiệu Aspirin từ năm 1899 trở đi, và trở thành rất thông dụng để chữa trị nóng sốt, nhức mỏi, đau thấp khớp, và giảm nguy cơ bị đột quỵ tim. Trong thành phần bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh tim mạch, lợi điểm của thuốc aspirin ngăn ngừa tai biến tim mạch cao gấp 6 lần nguy cơ bị xuất huyết. Có nghĩa là, uống thuốc aspirin vẫn có lợi so với cái hại.

Ngay cả trong trường hợp bị tai biến não đã xảy ra, có khi, tùy theo trường hợp, nhất là khi bị nghẽn mạch máu não, aspirin vẫn được dùng để giảm nguy cơ tế bào não bị hư hại, và đề phòng tai biến não bị xảy ra thêm một lần nữa. Vì so ra nó vẫn rẻ tiền, dễ mua, so với các loại thuốc chống đột quỵ não đắc tiền khác.
Một lợi điểm khác của thuốc aspirin là khả năng giảm nguy cơ bị ung thư các loại. Nhiều nghiên cứu khác nhau đều xác nhận hay không thể phủ nhận sự thật, uống thuốc aspirin giảm 20% nguy cơ tử vong vì ung thư.

Một lợi điểm khác của thuốc aspirin là khả năng giảm nguy cơ bị ung thư các loại. (Hình minh họa: Getty Images)

Aspirin chống lại ung thư như thế nào?
Dựa theo công trình nghiên cứu đã được tặng giải thưởng Nobel, thuốc aspirin khống chế chất xúc tác COX (cyclooxygenase), cũng là chất gây ra đau đớn nóng sốt, và bị tế bào ung thư khuếch đại tầm ảnh hưởng. Do vậy, bệnh nhân ung thư thường xuyên bị đau đớn.

COX giúp cơ thể biến chế chất béo omega-6, một phần do cơ thể sản xuất, đa phần đến từ thức ăn như thịt, trứng, thành chất làm máu đông thromboxane, và chất làm đau, gây sốt prostaglandins. Aspirin khống chế COX, như thế làm giảm đau, giảm sốt, và chống máu đông trong động mạch.

Do chất prostaglandins còn làm giãn nở mạch máu, các tế bào ung thư lợi dụng tính cách này để mở rộng mạch máu, nuôi dưỡng ung thư cho mau lớn, và lan tràn theo đường máu để chạy khắp nơi trên cơ thể. Ngược lại, aspirin ngăn ngừa ung thư bằng cách chống lại các phương cách lan tràn của ung thư qua đường huyết quản. Thật vậy, khả năng giảm tử vong vì ung thư có thể có hiệu quả chỉ trong vòng vài ba năm sau khi dùng cho dù tế bào ung thư phát nguồn từ trên 10 năm trước đó. Aspirin giảm đi 50% nguy cơ di căn của ung thư, ví dụ như ung thư ruột già và còn nhiều loại ung thư khác nữa. Cho dù chỉ 10% đi nữa cũng đủ làm nghiêng cán cân sanh tử.

Thế thì lợi và hại của thuốc aspirin được so sánh như thế nào đây?
Dựa theo kiến thức mới đây, cho những người “bình thường,” uống thuốc aspirin để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, so với nguy cơ bị xuất huyết, thì hai bên ngang ngữa. Vì thế có khi không nên uống thuốc. Nhưng nếu xét về lợi ích giảm nguy cơ tử vong vì ung thư, thì lợi thế của aspirin sẽ trên cả nguy cơ bị xuất huyết. Cộng chung lại, so với nguy cơ bị xuất huyết đường ruột thì thuốc aspirin vẫn có lợi, kéo dài tuổi thọ bằng cách giảm đi nguy cơ bị đột quỵ tim, bị tai biến não vì nghẽn mạch máu mão, hay bị ung thư.

Ở đây cần nhắc lại, nguy cơ bị chảy máu đường ruột hay xuất huyết não tăng dần theo tuổi tác. Có nghĩa là trên 70 tuổi thì nguy cơ bị chảy máu, nặng hơn là lợi ích kéo dài tuổi thọ. Nói riêng về diện tuổi “nửa chừng xuân,” ngoài 50, thì các bác sĩ vẫn chưa khẳng định được nên khuyên bệnh nhân như thế nào: uống hay không uống thuốc aspirin.

Có thể có một phương pháp nào khác để giảm bớt cái hại của thuốc aspirin mà vẫn hưởng được lợi hay chăng?
Từ nguyên thuỷ, chất salicylic acid, không chỉ có trong vỏ cây liễu, mà còn hiện diện trong nhiều loại rau trái, thực vật khác. Ví dụ như cái loại sim đen blackberries, hành trắng, táo apple vỏ xanh, đậu xanh, và nhiều thứ khác đều có chứa “thuốc aspirin” trong đó. Đó là tại sao, không ít người ăn chay trường, trong máu có hàm lượng salicylic acid khá cao cho dù không uống thuốc aspirin. Đồng thời vì “thuốc aspirin” có trong rau trái, do đi kèm theo chất xơ, lại không làm lở loét bao tử. Nói như thế, không có nghĩa là lâu lâu, uống một ly sinh tố là đủ, mà phải thường xuyên ăn nhiều, đủ loại rau trái hằng ngày!

Tóm lại, những ai đã từng bị tai biến mạch máu, hay bị đột quỵ tim thì phải theo lời khuyên của bác sĩ về thuốc aspirin. Riêng những người “bình thường,” khỏe mạnh, và còn trẻ, thì không nhất thiết phải uống thuốc aspirin mỗi ngày, mà hãy nên cân nhắc. Thay vì uống thuốc aspirin mỗi ngày, nên ăn nhiều rau trái. Dĩ nhiên, khi bị nóng sốt, hay nhức mỏi chút đỉnh, một vài viên thuốc aspirin trong thời gian ngắn vẫn có lợi hơn là có hại. 

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
www.nguoi-viet.com

Che Dù Mưa Xuân - Đỗ Công Luận

Wednesday, January 29, 2020

Khi Nào Nên Mổ Thay Khớp Gối? - BS. Wynn Tran

Lời Đầu Năm: Thất Bại Là Mẹ Thành Công - Nguyên Thạch (Danlambao)

Gánh non sông 

Còn người cộng sản thì sao? Từ chủ thuyết vô thần, người cộng sản không tin Chúa, không tin Phật và cũng chẳng tin vào Đấng Toàn Năng nào cả. Họ không tin Nhân và Quả, không cần biết vay và trả, mà chỉ biết CƯỚP. Họ gieo hạt chanh và muốn thâu hoạch trái đào, họ chỉ biết lấy mà không cần phải trả, chỉ biết thâu tóm mà không cần phải san sẻ cho ai.

Không biết tự bao giờ và vào hoàn cảnh nào, trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam xuất hiện câu thành ngữ “Thất bại là mẹ thành công”, một câu khuyên răn mà không một người Việt nào mà không biết đến và ít nhất là một lần trong đời đã tự nhủ với bản thân rằng hãy cố gắng, đừng bao giờ bỏ cuộc.

Đúng vậy, thất bại và bỏ cuộc là một sự thất bại hoàn toàn đúng nghĩa thất bại. Thất bại nhưng vực dậy và cố gắng bằng mọi cách để đi đến điểm đích, thì thất bại ấy là sự thành công.

Con người sinh ra với tấm thân trần cùng đôi bàn tay trắng, khi lìa cõi đời cũng với tấm thân mục rã và đôi bàn tay trần trụi thì không có gì gọi là của riêng mình và từ đó cũng có thể nói là chẳng có gì mất mát cả, mà thứ quan trọng là sự vực dậy và đạt đếm điểm đích.

Vậy, điểm đích là gì và những ai cần đi đến điểm đích? Người bình thường thì điểm đích của cuộc đời là thành công theo ước muốn của mỗi cá nhân. Người chạy điền kinh là phải đạt đến điểm đích mà ban tổ chức qui định. Điểm đích của đội banh là chiến thắng. Điểm đích của ca sĩ mong được đem lời ca tiếng nhạc đến khán thính giả và được ngưỡng mộ. Người có niềm tin tôn giáo thì điểm đích của cuộc đời là khi rời thế gian thì được đến miền cực lạc, hay cõi vĩnh hằng. Người công dân có bổn phận cùng trách nhiệm với Tổ Quốc, với đồng bào thì Dân Chủ, Tự Do và hạnh phúc là điểm đích.

Là con người, bất luận là nam hay nữ, trẻ hay già, tất cả đều không ai muốn sau khi rời cõi tạm để đi đến nơi địa ngục đời đời. Đó là lý do tại sao người ta muốn làm những điều lành, tránh những điều dữ vì hầu hết ai cũng hiểu rằng: Nguyên lý bất di bất dịch là “Có vay thì phải có trả”. Điều lệ của ngân hàng là vậy, mà luật đời cũng thế. Những người mắc nợ là những người hiểu rõ nhất, vay mà không trả thì sẽ thế nào.

Còn người cộng sản thì sao? Từ chủ thuyết vô thần, người cộng sản không tin Chúa, không tin Phật và cũng chẳng tin vào Đấng Toàn Năng nào cả. Họ không tin Nhân và Quả, không cần biết vay và trả, mà chỉ biết CƯỚP. Họ gieo hạt chanh và muốn thâu hoạch trái đào, họ chỉ biết lấy mà không cần phải trả, chỉ biết thâu tóm mà không cần phải san sẻ cho ai.

Chủ thuyết cộng sản là một chủ thuyết vô cùng tai hại, nó là nguyên nhân của sự suy đồi đạo lý, là mầm mống của tội ác gieo rắc khắp trên các con đường mà nó đi qua mà hệ lụy là sự đau khổ triền miên kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Cuộc đối đầu giữa Nhân Bản và Cộng Sản là cuộc chiến vô cùng cam go giữa cái thiện và cái ác. Trận chiến này cần nhiều nỗ lực cùng kiên nhẫn lẫn cả sự nguy hiểm vì kẻ ác luôn sẵn sàng sử dụng sự tàn bạo mà họ thường gọi là “Chuyên chính bạo lực”.

Trên chiến tuyến đấu tranh của hôm qua và hôm nay, các nhà đấu tranh cũng như ngay cả người dân, chúng ta tuy có những thất bại trước cường quyền nhưng nếu chúng ta chấp nhận thất bại và bỏ cuộc thì toàn dân sẽ bị thất bại hoàn toàn và mãi mãi sẽ chịu sự cai trị của cái ác. Mỗi một người hãy vực dậy tiếp tục đi đến điểm đích thì thất bại sẽ là mẹ của sự thành công.

Đầu năm, chúc tất cả nhiều sức khỏe và nghị lực.

27/1/2020


Thư Xuân Gửi Mẹ - Hàn Thiên Lương

Xe Đạp Điện Đang Giết Con Cháu Mình


Hôm rồi tôi có đi ăn trưa cùng anh giám đốc người Nhật, anh tâm sự với tôi rằng: Không hiểu những người làm xuất nhập khẩu, hải quan nước anh có quan tâm đến người dân không?


Tôi nhìn anh ngạc nhiên, anh nói tiếp:
Nhìn đường phố Hà Nội đâu đâu cũng xe điện, đâu đâu cũng bán xe điện, mà những chiếc xe điện này đa phần là hàng từ Trung Quốc. Tất cả những chiếc bình ắc quy của xe đạp điện ấy đều được họ tận dụng từ những chiếc bình ắc quy ô tô đã qua sử dụng một thời gian dài. Giờ họ gia công lại và chế tạo thành xe đạp điện, nên nó có giá thành rất rẻ. Người Việt Nam tham của rẻ nên đã nhập nó về một cách vô tội vạ, chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm soát chúng.

Tôi nói, vấn đề này em chưa từng được nghe qua, anh nói ra em mới chợt bừng tỉnh. Vì nhà em có cái xe mua của Trung Quốc, mới đi được chưa đầy hai năm nó đã lăn đùng ra chết. Đi hỏi thì họ bảo nó đã không còn tích được điện nên phải thay cái mới. Mà cái bình đó đem về cũng chẳng dùng được nên em vất luôn nó đi.

Anh nói tiếp: Hôm rồi tôi có lên trên Sóc Sơn, chỗ người ta tập kết rác để xem xét tình hình thế nào. "Vì người Nhật rất quan tâm đến rác thải, họ xem xét từ cái nhỏ ấy để đánh giá về tình hình phát triển của khu vực họ muốn đầu tư".

Anh nói, trông thật khủng khiếp, trước mắt anh tràn ngập toàn là những chiếc bình ắc quy hỏng đã qua sử dụng, vứt bỏ ngổn ngang, những chất trong bình chảy ra tràn ngập cả một khu. Anh biết đấy, các chất trong bình ác quy toàn là hóa chất độc hại như a xít, đồng, kẽm, dung dịch điện phân, chì, v.v... Chúng chẳng được xử lý gì cả, vẫn để nguyên xi một góc. Những chất độc ấy có chôn xuống đất thì nó sẽ ngấm vào lòng đất, xuống nguồn nước, v.v..., cứ thế rau củ quả người ta trồng gần đó cũng sẽ bị ô nhiễm. Qua nhiều năm, ăn phải những hóa chất độc hại từ những chiếc ăc quy kia họ sẽ bị đủ các bệnh về tim mạch, mắt, ung thư v.v...

Thật quá là đáng sợ.

Người thành phố có tiền, họ sẽ sử dụng những dịch vụ tốt hơn, sạch sẽ hơn. Chỉ khổ những người dân ven thủ đô phải hứng chịu đủ thứ rác thải từ thành phố đổ về. Vô tình, họ đang tự tàn sát lẫn nhau bằng chính sự kém hiểu biết của mình.

Nếu cứ nhập xe đạp điện một cách vô tội vạ như vậy, chỉ 5 hoặc 10 năm nữa, Việt Nam sẽ thành bãi rác của châu Á. Các công ty, doanh nghiệp đổ dồn về đây để xây dựng nhà xưởng và sản xuất. Trong khi đó, ý thức người dân còn chưa cao, làm sao hiểu hết được những hệ lụy mà những chiếc xe đạp điện kia mang đến. Cái mác xanh, thân thiện môi trường chỉ là cái nhìn trước mắt, còn về lâu dài là cả một hệ lụy không hề nhỏ.

Nhìn anh có vẻ đăm chiêu, tôi hỏi tiếp: Vậy theo anh thì nên làm sao?

Anh nói, đất nước tôi đa phần sử dụng xe đạp điện và xe máy điện đạt chuẩn, những chiếc bình ác quy đều là sản phẩn tốt, có thể xử lý được sau khi hết hạn sử dụng. Bởi công nghệ xử lý rác thải cũng tiên tiến và khoa học hơn Việt Nam rất nhiều, chuyện để những chiếc bình ắc quy ngổn ngang không xử lý như vậy là tuyệt đối không có.
Tôi nghĩ Việt Nam muốn tốt lên chắc phải còn một quãng đường xa nữa.

Fb Chau Nguyen Thi 

Mùng Ba Cúng Tiễn Ông Bà - Trầm Vân

Ai Trả Lời Được Câu Hỏi Này Của Người Do Thái?


Có một anh Sinh viên thành tích học tập rất tốt, không có môn nào bị dưới điểm A. Anh ta lại vô cùng ham học hỏi, thấy gì hay là muốn học liền… Một ngày nọ, anh ta đọc được vài trang trong cuốn sách Talmud – Trí tuệ của người Do Thái, thấy hay quá, bèn quyết định đến tìm một Giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở thành phố nơi anh ta sống để xin được giảng dạy thêm…

Trước khi giúp anh Sinh viên, Giáo sĩ nói: đây là quyển sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, do đó ông sẽ thử kiểm tra trí thông minh của anh chàng bằng một câu hỏi, rồi mới quyết định có giúp anh ta nghiên cứu cuốn sách hay không ?.
Anh Sinh viên đồng ý, và vị Giáo sĩ đặt câu hỏi:
– Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ, còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?
Anh Sinh viên nhanh nhẩu đáp:
– Người mặt bẩn sẽ đi rửa mặt! Đây mà cũng được gọi là một câu hỏi ư?
Giáo sĩ thủng thẳng trả lời:
– Sai rồi !. Người mặt sạch sẽ đi rửa mặt !. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên nghĩ mặt mình cũng sạch. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn nghĩ rằng: mặt mình cũng bẩn, nên anh ta đi rửa mặt!.

Anh Sinh viên há miệng ngạc nhiên, xin thêm một cơ hội nữa. Giáo sĩ vẫn đưa ra câu hỏi y hệt ban đầu. Lần này, anh Sinh viên trả lời: “Không phải vừa mới nói người mặt sạch đi rửa mặt đấy sao ?”
Giáo sĩ chỉ cười rồi đáp:
– Cả hai cùng đi rửa mặt!. Người mặt sạch nhìn thấy người mặt bẩn, nghĩ mặt mình cũng bẩn, nên đi rửa mặt !. Sau đó người mặt bẩn thấy người mặt sạch đi, cũng liền đi theo…
Sự thông tuệ của người Do Thái là điều khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Anh Sinh viên không biết nói năng ra làm sao nữa, bèn năn nỉ xin một câu hỏi khác. Vị Giáo sĩ vẫn chỉ hỏi lại câu hỏi ban đầu.
– Trời ơi, rõ ràng Ngài đã nói hai người cùng đi rửa mặt mà!!!
Giáo sĩ lại lắc đầu, đáp:
– Vẫn chưa đúng !. Chẳng ai trong số họ đi rửa mặt cả. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên anh ta cũng nghĩ mình không bị nhem nhuốc, nên không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không rửa mặt, thế thì mình cũng cần gì phải rửa nữa ? ….
Anh Sinh viên không còn tin vào tai mình nữa. Tất cả câu trả lời của anh ta đều sai, anh ta cố đấm ăn xôi, năn nỉ Giáo sĩ cho anh ta thêm một cơ hội cuối cùng. Giáo sĩ đồng ý và vẫn chỉ hỏi câu hỏi y hệt như cũ. Anh Sinh viên tuyệt vọng gào lên:
– Không ai đi rửa mặt cả! Thầy vừa nói thế rồi mà!!!
Vị Giáo sĩ cười ha hả đáp lời:
– Đây là một câu hỏi vô nghĩa, chẳng có lý gì khi hai người cùng chui ra từ một ống khói, lại có người dính bẩn, người sạch sẽ cả!!!
Bài học rút ra là: dù bạn có thông minh đến đâu, nhưng nếu bạn dùng cả đời để theo đuổi những câu hỏi sai lầm, thì cuối cùng câu trả lời cũng chẳng đưa bạn đi đến đâu cả…

Facebook Trần Xuân Hiến

Ba Ngày Xuân Trôi - Đỗ Công Luận

Tuesday, January 28, 2020

Trở Về Miền Quá Khứ - Tường Việt


LGT: Tác giả Tường Việt, tức Nguyễn Tường Việt, con trai trưởng của nhà văn Nhất Linh. Ông viết bài này để đóng góp vào cuốn sách “Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút hậu duệ”, được ra mắt tại Nam California vào ngày hôm nay, 15 tháng 9, 2019.

Chuyến bay của hãng hàng không Nhật Bản đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc nửa đêm. Mục đích chuyến trở về lần này của chúng tôi (năm 2018) là muốn cháu Maya biết về quê nội của nó. Sau chuyến bay dài mệt mỏi tôi ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau, trong lúc gia đình Tường Anh, cậu con trai của tôi lấy taxi đi tham quan Sài Gòn, tôi một mình tản bộ xuống phố tìm quán cà-phê. Mới sáng sớm mà xe cộ đã chạy ngược xuôi, mọi người đi lại hối hả. Cả thành phố bừng bừng như chạy đua với thời gian. Đàn bà thì khẩu trang che kín mặt mũi chỉ chừa đôi mắt. Thật khó mà tìm được một cô gái đẹp! Thoáng một giây tôi ngỡ ngàng và ngậm ngùi: còn đâu nữa một Sài Gòn ngày xưa, còn đâu nữa “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”?

Ngày hôm sau chúng tôi bay ra Đà Nẵng, thuê xe đi Hội An thăm Dinh phái 1 và Từ Đường phái 2 của dòng họ Nguyễn Tường, sau đó viếng nghĩa trang riêng của gia tộc. Đứng trước hàng bia mộ, nơi yên nghỉ của những người thân yêu, cảm giác này thật khó diễn tả! Cảm giác ấy vừa mơ hồ lại vừa cụ thể như phảng phất đâu đây cái kì bí giữa hai cõi âm dương.

Sau hai ngày ở Đà Nẵng và Hội An chúng tôi ra Huế. Không khí ở đây có phần mát mẻ và tĩnh lặng hơn. Tôi tiếc là chưa có dịp đi đò trên sông Hương để nghe nhạc cung đình Huế. Đọc tác phẩm “Mưa trên cây sầu đông” của Nhã Ca, tôi định bụng ra Huế lần này sẽ coi thử “cây sầu đông” (còn gọi là “cây xoan”) xem nó ra thế nào, và tại sao người ta hay ví con gái đẹp với khuôn mặt trái soan? Vậy mà Huế đã vào đông rồi mà cây sầu đông tôi vẫn chưa có dịp nhìn thấy.

Vì gia đình cháu Tường Anh chỉ có gần hai tuần lễ ở Việt Nam mà chương trình kéo dài từ Nam ra Bắc nên chúng tôi đến nơi nào cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” rồi lại vội vã lên đường đi nơi khác.
Đến phi trường Nội Bài chúng tôi lấy taxi về khách sạn. Hà Nội bây giờ cũng đông đúc y như Sài Gòn. Hai bên đường chung cư nhà cửa hàng quán san sát. Giọng bắc của người Hà Nội bây giờ, nghe lạ tai lắm! Âm điệu gần giống nhau, thiếu sự ngọt ngào, êm ái của người Hà Nội ngày xưa. Đến khách sạn tôi gọi điện thoại nói chuyện với anh Nguyễn Tô, một người bạn ngày xưa học cùng lớp trường Chu Văn An, anh Phạm Hoàng Đạo, một người em họ, báo là tôi đã đến Hà Nội và hẹn gặp vì tôi có mang một số quà từ Mỹ để biếu họ. Buổi trưa tôi mời tất cả đến ăn tại một nhà hàng gần khu phố cổ. Cuộc họp mặt rất thoải mái vui vẻ. Tôi bàn với Đạo chương trình của mình và nhờ Đạo thuê xe để ngày hôm sau đi nghĩa trang Yên Kỳ (Sơn Tây, ngoại ô Hà Nội) thăm mộ những người thân chôn cất tại đó: trước hết là mộ bà ngoại tôi, mộ chú thím Thạch Lam rồi đến mộ đứa em út của tôi Nguyễn Tường Thái cùng một số những người trong họ đã yên nghỉ tại đây. Nghĩa trang Yên Kỳ bây giờ khác xưa nhiều lắm, có lối đi thoáng mát, có đường cho xe chạy, cây cối hoa cỏ đủ màu sắc nên trông cũng bớt lạnh lẽo ảm đạm. 

Chuyến về Hà Nội lần này tôi còn có mục đích đến thăm thôn Lê Dương, thăm lại căn nhà lánh nạn, thăm mộ anh Tý, người đã bất chấp nguy hiểm không sợ liên lụy để mẹ tôi và tôi ẩn nấp trong căn nhà của anh. Ơn cứu mạng đó làm sao mà quên được? Vào thời đó cuối năm 1946 bố tôi Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, đã bỏ sang Tàu. Trong nước Việt Minh lùng bắt thân nhân bố tôi. Mẹ tôi, bác Nguyễn Tường Cẩm, cậu Phạm Hoàng Tín và tôi (lúc đó 15 tuổi) bị quân du kích Việt Minh bắt tại quê mẹ tôi Phượng Vũ. Chúng giải bốn người đến giam trong một cái đồn ở phủ Thường Tín nói là để điều tra. Đúng lúc đó thì máy bay Pháp xuất hiện thả bom. Lợi dụng cơ hội lộn xộn này bốn chúng tôi chạy thoát ra khỏi đồn. Khi máy bay ngưng thả bom, mẹ tôi nói với bác Cẩm và cậu Tín thừa cơ hội này trốn đi. Nhưng cậu Tín trả lời: “Chị và cháu trốn đi còn tôi và anh Cẩm phải trở lại đồn vì họ đã còng tay hai người với nhau có trốn cũng sẽ bị bắt lại. Mẹ con tôi chạy thoát và sau đó tá túc tại nhà anh Tý, một người làm công trung thành của mẹ tôi. Còn cậu Tín (bố cuả anh Đạo), bác Cẩm (bố của Nguyễn Tường Tâm) sau đó bị Việt Minh thủ tiêu.

Hai ngày sau khi thăm nghĩa trang Đạo hướng dẫn chúng tôi lên đường đi thôn Lê Dương. Đến nơi chúng tôi phải thăm hỏi nhiều người mới tìm ra được đúng địa điểm và may quá căn nhà của anh Tý vẫn còn nguyên chưa bị phá hủy. Đứng trước căn nhà ấy tôi đã kể cảnh Việt Minh bố ráp và nỗi sợ hãi khi chạy trốn, sợ bị bắt lại, nó kinh hoàng như thế nào. Nó ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ hơn 70 năm qua mà tôi vẫn nhớ từng chi tiết như thể chuyện mới xẩy ra ngày hôm qua. Anh Tý yên nghỉ trong nghĩa trang của thôn Lê Dương. Trước ngôi mộ tôi bùi ngùi thắp cho anh một nén nhang. Nhớ lại những ngày ấy đã bao lần tôi tự hỏi nhưng không có câu trả lời là tại sao mẹ tôi lại bình tĩnh và can đảm đến thế; trong lúc chạy trốn mẹ tôi như đã nắm trước địa đồ, dắt tôi chạy qua đê, băng qua đồng ruộng, bất chấp cái chết đang lơ lửng trên đầu. Tôi cũng tự hỏi người ta đã nhân danh cái gì để gán cho chúng tôi hai chữ “Việt gian” khiến biết bao người phải hy sinh, chết oan, bị tra tấn, bị thủ tiêu, như trường hợp của bác Cẩm và cậu Tín, hai người chỉ có mỗi cái “tội” duy nhất là anh ruột, là em vợ của bố tôi.

Xe lăn bánh. Chúng tôi từ giã thôn Lê Dương. Tôi bâng khuâng nhìn cảnh cũ mà người xưa không còn.
Ngày sau đó gia đình Tường Anh kéo nhau đi Sapa và vịnh Hạ Long. Tôi chọn ở lại Hà Nội. Sức đâu mà theo kịp tụi nó! Tôi nghĩ bụng mình mời anh Tô hay gia đình anh Đạo đi ăn uống và tâm sự với nhau còn vui hơn nhiều.

Cái ngày tôi sang Pháp du học đã trôi vào dĩ vãng xa xăm. Hà Nội bây giờ không còn dáng vẻ êm đềm thanh thản như khi tôi lìa xa nó năm 1950. Và tôi cũng không còn là chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, ra đi với chiếc va-li nhẹ tênh mà lòng thì trĩu nặng nhớ thương, nhớ quê hương, nhớ gia đình. Tiếc rằng lúc đó chàng trai 19 tuổi chưa có một “bóng hồng” nào để mang theo. Nhưng khi tàu nhổ neo rời vịnh Hạ Long thì tôi lại thấy lòng nhẹ nhõm, cảm được cái mùi tự do rạng rỡ giữa trời biển mênh mông. Tầu lênh đênh gần một tháng mới nhập cảng Marseille. Trên tàu tôi cũng có quen với một cô gái tên Lan, nhưng có lẽ vì chưa đủ duyên nên khi xuống tàu là đường ai nấy đi!

Thoáng một cái mà đã gần hết một đời người! Bao năm qua mải mê với cuộc sống, ít thì giờ suy nghĩ viển vông, nay đã về già mọi thứ ổn định, mới thảnh thơi mà thả hồn về chốn cũ. Rời Hà Nội từ thời niên thiếu tôi tưởng đã quên hết nhưng đi giữa lòng Hà Nội bước chân vẫn dẫn tôi về những nơi xưa cũ: đây là cây đa ngày xưa ở Hồ Gươm, kia là căn nhà cũ ở phố Hàng Bè, đó là khu thương xá Tràng Tiền với những khung cửa kính lớn, rồi những ngõ nhỏ ấm cúng nối kết Hà Nội 36 phố phường, rồi Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và con đường Cổ Ngư, nơi ghi dấu bao mối tình lãng mạn! Tình yêu luôn là thứ lãng đãng trong tâm tưởng chàng trai mới lớn. Phải như hồi đó, tìm được một giai nhân, để có mối tình mang theo sang Pháp, có lẽ trời sẽ bớt lạnh và tâm hồn ấm áp hơn khi nhâm nhi những bức thư thăm hỏi: “Paris có gì lạ không anh?”. Tiếc quá! Thời trai trẻ đã qua… Nhưng không sao, tâm hồn chưa già là được rồi!
Chúng tôi bay về lại Sài Gòn. Sợ kẹt xe nên thuê khách sạn ở gần phi trường vì ngày hôm sau các cháu phải về Mỹ. Thấy chúng nó vui vẻ thích thú, lại còn cám ơn rối rít, tôi biết là đã thành công khi tổ chức chuyến đi này. 

Bọn trẻ đi rồi buổi trưa tôi thuê xe vào quận 5 Chợ Lớn, tìm khu chung cư An Đông có cửa hàng Cẩm Lợi của mẹ tôi, có căn nhà mà gia đình đã sống suốt trên 20 năm. Tôi nhìn lên căn gác, nó đã cũ lắm rồi, chung quanh chợ vẫn ồn ào tấp nập đúng như em tôi Nguyễn Tường Thiết đã tả trong tập truyện “Căn nhà An Đông của mẹ tôi”. Tôi đang tập trung nhớ lại hình ảnh mẹ tôi, người đàn bà tần tảo lo toan hết mọi chuyện trong gia đình để chồng yên tâm theo đuổi chí lớn, tôi bỗng giật mình. Có tiếng người đàn bà hỏi lớn: “Ông muốn kiếm gì?”. Tự nhiên tôi buột miệng: “Tôi kiếm quán cơm gà Siu Siu”. Bà ấy lắc đầu: “Dẹp lâu rồi! Gần đây cũng có một tiệm ngon lắm!” Theo Thiết tả thì quán cơm gà Siu Siu ở bên cạnh cửa hàng mẹ tôi rất ngon và nổi tiếng, các em tôi trong bao nhiêu năm được ăn thoả thích, không phải trả tiền, vì trừ vào tiền mẹ tôi cho chủ quán câu điện. 
Cuộc sống vẫn tiếp diễn… nhưng những người muôn năm cũ đã từng gắn bó với căn nhà này như bố mẹ tôi, như chị Thư tôi, như các em tôi Thạch, Thoa, thì hồn ở đâu bây giờ?

Còn lại mấy ngày ở Việt Nam tôi định bụng lên Đà Lạt thì may quá anh bạn đồng hành rủ tôi cùng đi. Xe đò Phương Trang có giưòng nằm. Tôi ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì xe sắp qua đèo Bảo Lộc. Những cây thông thấp thoáng hai bên đường. Cái khoảng khắc núi rừng chìm trong hoàng hôn sao mà âm u vậy? Anh bạn tôi nói là chỉ khoảng 40 phút nữa là sẽ đến Phinom, vùng đất cao nguyên, nơi cha tôi, nhà văn Nhất Linh, đã định dừng chân, sống với mây ngàn gió núi, vào rừng tìm những giò lan đẹp, tiếp tục trả cho hết cái nợ văn chương, cái nợ chữ nghĩa. Tôi mường tượng căn nhà mang tên một loài lan quý Thanh Ngọc Đình qua bài văn của Thiết, nó nằm giữa rừng thông bát ngát, bên bờ suối Đa Mê thơ mộng cách quốc lộ 20 khoảng nửa cây số, do ông vẽ kiểu và nếu căn nhà không sập đổ trong một cơn bão lớn thì biết đâu ông sẽ trở thành một ẩn sĩ, cống hiến thêm nhiều tác phẩm cho đời? Trước khi đi tôi đọc lại tập san Thế Kỷ 21 số 201và 202 bài Thiết viết vào mùa xuân năm 2006. Đọc xong cái tên Phinom khiến tôi tò mò như bị cuốn hút vào vùng đất hoang vu lặng lẽ nhưng lại rất sinh động này. Khung cảnh ở đây chắc hẳn có gì đặc biệt lắm nhà văn Nhất Linh mới chọn để xây căn nhà mộng ước?
Vì vậy, ngay ngày hôm sau khi đến Đà Lạt tôi háo hức thuê xe đi ngược lại quốc lộ 20 đến Phinom. Qua ngã ba Đơn Dương tôi bảo tài xế taxi đi thêm hai cây số thì rẽ phải trên con đường dẫn đến suối Đa Mê. Nhưng thực tế hoàn toàn trái với trí tưởng tượng của tôi, không giống những gì Thiết tả trong hồi ký. Đã 60 năm qua rồi còn gì! Phinom chẳng còn vẻ gì hoang vu nữa, lối cũ bị xoá mờ, khá nhiều nhà cửa san sát. Tôi hỏi thăm đường vào suối Đa Mê chẳng ai biết rõ cả, người chỉ đường này, kẻ chỉ đường kia, tôi không biết đi ngả nào, thôi thì cứ theo trực giác mà đi tìm. Tôi hẹn tài xế thả tôi ở đây một giờ nữa quay lại đón rồi tôi tiếp tục hỏi thăm, may ra có người biết miếng đất mà xưa kia nhà văn Nhất Linh đã từng ở? Chẳng ai cho tôi một thông tin nào chính xác. Mà cũng phải thôi. Một số người sống ở đó đã tản mác đi nơi khác, một số có thể đã về với ông bà rồi. Tôi vào một quán nước bên đường ngồi nghỉ cảm thấy tê tê trong đầu. Phảng phất đâu đây trên vùng đất này, trên khúc đường này, đã in dấu chân của bố mẹ tôi, của các em tôi, vào một mùa xuân nào xa lắc, mẹ tôi ở Sài Gòn lên, có cả một số bạn bè thân quen của bố tôi cùng đón giao thừa trong rừng bên suối Đa Mê trong một cái Tết xưa năm Kỷ Hợi. Tôi nghĩ chắc năm đó cha tôi đã ăn một cái Tết bình an và vui vẻ nhất trong đời ông.

Đang mơ màng thì xe đến đón tôi quay trở về thành phố. Từ xa những căn nhà cao thấp ẩn hiện trong sương mù. Phải nói dù thế nào Đà Lạt vẫn có vẻ gì mời gọi quyến rũ đủ để lòng người có một chút bâng khuâng. Có lẽ phố núi vừa mau tối vừa lạnh lẽo cần sưởi ấm nên người ta tìm đến nhau sớm hơn. Thành phố của tình yêu mà! 
Mấy ngày ở Đà Lạt trời mưa liên miên, gió lạnh và đường phố ẩm ướt nhưng tôi vẫn muốn đến toà nhà số 12 đường Yersin (nay đổi tên là Trần Phú) để nhìn lại căn gác nơi bố tôi từng sống với hai em tôi là Thoa và Thiết. Tiếc là quán Café de la poste mà Thiết tả trong hồi ký “Chai rượu khai xuân” đã không còn nữa để tôi có thể ngồi trong căn nhà mà bố tôi ngày xưa đã từng ở. 

Hôm sau ngủ dậy nhìn xuống phố, trời đã hết mưa, buổi sáng có nắng đẹp, tôi thấy vui lây cái vui của thiên hạ đông đúc dưới kia. Để thử sức trai tráng còn được bao nhiêu, tôi không lấy taxi mà đi bộ từ đường Phan Đình Phùng hướng về phía chùa Linh Sơn. Dọc đường tôi ghé vào quán gọi một tô bún cá rô ăn ngon lành, rồi theo lời chỉ dẫn tôi leo lên một con dốc cao qua những bậc tam cấp, qua những nhà cửa cao thấp theo triền đá; ra khỏi con dốc là đường Minh Mạng xưa. Tôi ngồi nghỉ uống một ly sữa đậu nành nóng, thấy trong người không mệt mỏi, không thở dốc, vậy là còn lâu viện dưỡng lão mới lấy được tiền của tôi! Lại lang thang hết khu Hòa Bình, vòng xuống Hồ Xuân Hương, hướng mắt tìm một cây Mimosa như trong thơ Nhất Tuấn: “Đường khuya mưa bay bay, Mimosa thôi nở trong hồn anh đêm nay” nhưng không tìm thấy. Hay là tôi chưa tìm kỹ? Hay nó chỉ còn lãng đãng đâu đó trong hồn người? Tôi tần ngần đứng trước một ngôi biệt thự. Sao nó giống ngôi biết thự ở ngoại ô thành phố Paris năm nào, mà hai bố con tôi hay đến đấy trong những dịp nghỉ lễ.

Kỷ niệm xưa lại hiện về trong tâm trí.
Năm 1950 khi tôi rời Hà Nội thì bố tôi còn ở Hồng Kông. Năm 1974 khi tôi trở về Sài Gòn lần đầu tiên thì bố tôi không còn trên dương thế. Tôi sẽ không có một kỷ niệm thân thương nào với ông cụ tôi nếu không có chuyến Đi Tây thứ hai trong đời ông vào năm 1954.

Tôi được ở với bố khoảng 6 tháng ở Paris. Thời gian này với tôi thật là tuyệt vời. Tôi cảm nhận cái hạnh phúc được sống trong mái ấm gia đình. Tại sao Đà Lạt lại có hương vị của Paris nhỉ? Không khí nơi đây nhắc nhở tôi những ngày hai bố con sống với nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng nói chuyện, tất cả đã xa lắm mà tưởng như mới hôm nào. Tôi mỉm cười nhớ tới lời dặn của bố tôi: “Con yêu ai thì yêu, nhưng lấy vợ Việt Nam thì tốt hơn!” Rất tế nhị, không cấm đoán, ông chỉ nhẹ nhàng đưa ý kiến của mình.

Buổi tối cuối ở Đà Lạt tôi xuống trả phòng, nói dăm ba câu chuyện với ông chủ khách sạn. Khi nói về việc đối tên đường tôi mới biết là đường Huỳnh Thúc Kháng bây giờ ngày xưa đã có một thời mang tên Nguyễn Tường Tam.
*
Là con trai trưởng trong gia đình tôi qua Pháp từ hồi rất trẻ trước khi có hiệp định chia đôi đất nước. Hai mươi bốn năm sau khi tôi trở về thăm Sài Gòn lần đầu thì miền Nam Việt Nam đã gần mất về tay Cộng Sản. Cả hai nền Cộng Hòa của miền Nam tôi không được biết, được sống. Tôi như người đứng ngoài lịch sử, không trực diện với bối cảnh chiến tranh, không phải đối phó với những hoàn cảnh khó khăn với tâm trạng ngổn ngang đau thương mất mát của gia đình như các em tôi đã phải đương đầu. Như vậy có phải là may mắn? Cuộc đời thì hữu hạn, nhưng hoài niệm thì chẳng có giới hạn nào, chúng cứ lơ lửng theo ta đến cuối đời.

Tôi không có thiên khiếu văn chương để viết được những tác phẩm đầy đủ và xúc tích như em tôi Nguyễn Tường Thiết. Chỉ xin ghi lại nơi đây một vài cảm nghĩ chuyến về quê này. Chuyến đi cho tôi những trải nghiệm rất thật mà từ hồi nào tôi như sống ngoài nó. Có lẽ khi người ta chưa thực sự trải qua những thăng trầm của cuộc sống thì những suy nghĩ cũng chẳng có thể chững chạc được. Một người đã vốn nghèo về văn chương thì đâu có dư chữ nghĩa để viết được những bài văn bóng bẩy? Cũng thích viết lắm nhưng cứ lần lữa hoài ngần ngại hoài, lại chưa tìm được đề tài để viết. Sự khuyến khích của Thiết, của Cường, đã cho tôi cảm hứng viết bài bút ký này, hy vọng sẽ được đón nhận.

Tường Việt
http://vietluan.com.au/

Monday, January 27, 2020

Nhà Thờ Đức Bà Paris Trước Và Sau Hỏa Hoạn - Nguyễn Duy Phước

Mời click vào hình để xem nhà thờ Notre Dame De Paris trước và sau hỏa họan được ghi lại tỉ mỉ từng chi tiết.

 

Buồn Vui Đêm Thế Kỷ - Đỗ Công Luận

8 Things To Quit In 2020


From: Agnes FB

Ung Thư Từ Miệng Mà Ra: 7 Thói Quen Ăn Uống Kích Thích Tế Bào Ung Thư “Trỗi Dậy”, Phát Triển Cực Nhanh


Xã hội hiện đại khiến cuộc sống đầy đủ hơn nhưng bệnh ung thư cũng ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, bằng các chứng minh về dịch tễ học và thực nghiệm đã khẳng định chế độ ăn có liên quan tới 30-40% ung thư ở nam và tới 60% ung thư ở nữ.
Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan , ung thư thực quản, ung thư miệng… Dưới đây là 7 thói quen ăn uống kích thích sự phát triển của ung thư, bạn nên cân nhắc mỗi khi ăn.

1. Ung thư gan: Thích uống rượu, ăn thực phẩm bị mốc
Khi thấy đồ ăn chỉ bị mốc một chút, nhiều người cảm thấy không có vấn đề gì. Họ sẽ loại bỏ phần bị mốc và tiếp tục ăn nó, tuy nhiên điều này có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư gan.
Theo Báo cáo Ung thư Toàn cầu, hơn một nửa số bệnh nhân ung thư gan trên thế giới đang ở Trung Quốc, chủ yếu liên quan đến việc uống quá nhiều và ăn thực phẩm hư hỏng. Hầu hết các loại thực phẩm bị mốc đều sản xuất "aflatoxin", một chất gây ung thư siêu mạnh. Độc tính của nó gấp 10 lần kali xyanua và 68 lần so với asen.


Không những thế, việc uống rượu quá nhiều cũng có thể dẫn đến ung thư gan. Từ thói quen uống nhiều rượu đến với bệnh ung thư gan chỉ cần trải qua 4 bước: Do rượu làm cản trở sự phân hủy axit béo của gan, dẫn đến sự tích tụ axit béo. Về lâu dài, nó sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó tiến triển nhanh thành => viêm gan do rượu => xơ gan do rượu => ung thư gan.

2. Ung thư dạ dày: Thích ăn đồ ngâm chua
Thực phẩm ngâm có chứa nitrosamine, một chất gây ung thư mạnh và là thủ phạm gây ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên ăn ít hơn những thực phẩm ngâm này.


3. Ung thư thực quản: Thích ăn cay, thích ăn nóng
Theo Sohu, thực phẩm cay có thể làm tổn thương biểu mô thực quản, ảnh hưởng đến viêm niêm mạc và chuyển hóa axit nucleic của tế bào. Khi bạn ăn cay quá nhiều sẽ làm tăng độ nhạy cảm của chất gây ung thư và có thể gây ung thư thực quản.
Ngoài ra, ăn đồ nóng cũng gây hại cho thực quản. Niêm mạc miệng và thực quản chỉ chịu được nhiệt độ dung nạp là 40 độ C, một khi bị kích thích mức nhiệt trên 50 độ sẽ dễ gây tổn thương hoặc bỏng.
Khi ăn quá nhiều đồ nóng trong một thời gian dài, "hàng rào niêm mạc" sẽ bị phá hủy, cuối cùng là dẫn đến ung thư.

4. Ung thư miệng: Thích ăn trầu, hút thuốc
Theo một khảo sát do Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố, 60% bệnh ung thư miệng có thể xuất phát từ thói quen ăn trầu. Khi chúng ta nhai trầu, niêm mạc miệng phản ứng với các alcaloid có trong trầu dẫn đến tổn thương. Giữ thói quen này trong thời gian dài có thể gây xơ hóa các tổn thương niêm mạc miệng, từ đó dẫn đến ung thư.


Hút thuốc cũng là một trong 2 lý do chính gây ra ung thư miệng. Do nhiệt độ của khói do hút thuốc rất cao, nó có thể kích thích sự tăng sinh bất thường của các tế bào biểu mô niêm mạc miệng khiến chúng ngày một dày lên và gây ra bệnh bạch cầu niêm mạc, cuối cùng tiến triển thành ung thư miệng.

5. Ung thư ruột: Thích ăn thịt, không ăn rau
Ngày nay, rất nhiều người có thói quen bỏ rau, chỉ ăn thịt. Đây cũng là lý do quan trọng khiến tỷ lệ mắc ung thư ruột tăng cao. Khi chúng ta ăn quá nhiều thịt, đồng nghĩa với việc cơ thể hấp thụ quá nhiều protein và chất béo, dẫn đến việc giảm tốc độ vận động của đường tiêu hóa. Việc chậm phân hủy thức ăn, giữ chúng quá lâu trong ruột sẽ gây tích tụ độc tố trong cơ thể, lâu dần dẫn đến ung thư ruột.


Ngược lại, chất xơ có trong rau quả có thể kích thích nhu động và nhuận tràng đường tiêu hóa. Các chuyên gia khuyên mọi người nên giữ tỷ lệ trái cây, rau quả và thịt ở mức 5:1.

6. Ung thư tuyến tụy : Thích ăn ngọt, ăn đồ nhiều chất béo, giàu protein
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị rằng lượng đường mỗi người mỗi ngày phải được kiểm soát trong vòng 50 gram, tốt nhất là không quá 25 gram. Ăn quá nhiều đường sẽ gây suy yếu chức năng của các tế bào và trở thành một yếu tố tiềm năng gây ra ung thư tuyến tụy.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo, giàu protein cũng có thể kích thích đường tiêu hóa giải phóng cholesterol và các hormone khác, làm tăng sự nhạy cảm của tuyến tụy với chất gây ung thư, cuối cùng dẫn đến ung thư tuyến tụy.

7. Ung thư vú: Ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo


Những thực phẩm như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích, đồ ăn chiên rán… chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì thế để phòng ngừa bệnh này, chị em cần tránh các thực phẩm giàu chất béo, ngoài ra cần tránh thức khuya, dùng đồ uống có cồn…

Theo Đỗ Đỗ
Helino  
Nguồn: http://cafebiz.vn