Saturday, August 31, 2013

Khổ Qua Xào Thịt Bò - Ăn Cho Đời Qua Khổ !


Thứ bảy tuần này, con cháu đi sinh nhựt bạn bè, không tụ về ăn. Nhà chỉ có hai vợ chồng già, bày rình rang mắc công làm mà ăn chẳng bao nhiêu cho nên chỉ xào một món khổ qua, thịt bò ăn với cơm trắng. 

Có nhiều bài sưu tầm về khổ qua cho thấy lọai mướp đắng này có dược tính rất cao, nhứt là  cho bệnh tiểu đường hay cao máu. Tuy nhiên, trang thực đơn này không có chủ đích nghiên cứu về y học mà chủ trương về những món ăn đơn giản, dễ làm, không tốn kém bao nhiêu nhưng bổ dưỡng lành mạnh, thích hợp cho mọi gia đình, những món ăn không mập bề ngang cũng không ốm bề dọc.  
Nếu có lợi cho sức khỏe thì càng tốt, bằng không cũng đã nuôi sống con người, trị được bệnh... đói. 




Vật liệu :
- 300grs bò bê (veal) (nếu thích nhiều thịt thì 500 grs)
- 1kg khổ qua (khỏang ba bốn trái vừa vừa)  
- 1 tép tỏi bằm vụn
- 2 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê xì dầu
- 1 muỗng cà phê đường
- 1 muổng cà phê nước mắm
- 1 muỗng cà phê bột năng
- tí xíu bột ngọt (tùy nghi)
- dầu ăn

Cách làm :
Bò bê xắt lát ướp với tỏi, xì dầu và 2 muỗng canh dầu ăn. 
Khổ qua chẻ dọc, bỏ hột, xắt dày khỏang 2mm (mỏng quá khi chín không còn độ dòn).    
Chảo nóng, đổ hai muỗng canh dầu vào đảo sơ thịt bò cho hơi tái, xúc lên để qua một bên.
Xào khổ qua với lửa to cho xanh, rắc đều muỗng bột mì tinh trong khổ qua, chế chút nước sôi cho mau chín, cho muối , nước mắm, đường vào xào đều, nhắm khổ qua vừa chín tới thì trút thịt bò vô đảo đều rồi tắt lửa, bưng ra khỏi lò ngay rồi  từ từ xúc ra dĩa (nếu để trên lò, hơi nóng còn lại trên lò sẽ làm mất màu xanh của khổ qua. 

Hầu hết các bà nội trợ, chắc ai cũng biết món này, nhưng có thể có cách làm khác hay hơn hoặc ngon hơn. Bài này chỉ là ghi lại cách làm đơn giản riêng của mình, chớ không có ý múa rìu qua mắt thợ.  
Mời quý vị dùng món khổ qua xào thịt bò cho đời qua khổ !
Bon appétit !

 


Người Phương Nam

Friday, August 30, 2013

Tiếng Việt Của Tôi - Người Phương Nam


Tôi có một ông Sui trên diễn đàn mạng ảo. Chuyện sui gia này cũng khá ly kỳ. Hôm nào sẽ xin kể quý vị nghe nếu như anh sui cho phép. Hôm nay thì có một chuyện cần kíp xin trình bày với quý vị, kính mong quý vị vui lòng chiếu cố.
Chuyện là vầy, hôm qua tôi nhận đươc email của anh sui với tiêu đề là “Ý kiến của người bạn” như sau :

Thua Chi SUI:
Xin chuyen den Chi y kien cua nguoi ban.
"Thấy địa chỉ, thì trang mạng nầy ở bên Úc, nhưng cách viết và cách dùng chữ như xuất phát từ trong nước. 
Ngôn ngữ VC đang được phổ biến rộng rãi khắp nơi, vì nó được mang ra từ những người của chế độ VC đi định cư ở nước ngoài. Nếu tình trạng nầy được tiếp diễn, thì cái thứ chữ Việt quái dị, sai trật của thời xã hội chủ nghĩa sẽ hoàn toàn thay thế chữ Việt trong sáng của ngày xưa, thật đáng buồn !"
bd
Sau khi đọc email trên, tôi có cảm tưởng như mình bị kết tội oan ức. Tôi rất muốn trực tiếp hầu chuyện với vị độc giả góp ý này nhưng vì không có địa chỉ email cho nên phải reply cho ông sui nhờ ông chuyển lại.

Thưa Anh Sui,
Cám ơn anh Sui đã phổ biến dùm Blog NPN.
Không biết bà Mai N. đã đọc bài nào mà có nhận xét là “cách viết và cách dùng chữ như xuất phát từ trong nước” .
Những bài sưu tầm thì không tránh được có một vài từ ngữ việt cộng nhưng tôi đã cố tránh tối đa, nhiều khi phải sửa chữ lại nếu thấy chướng tai, gai mắt..

Tôi vốn thù ghét, không chấp nhận từ ngữ việt cộng,  thí dụ như chữ 
“liên hệ”  của việt cộng có cái nghĩa là liên lạc với nhau (qua số điện thọai hay email gì đó). Đáng lẽ phải dùng chữ “liên lạc” mới đúng chớ còn "liên hệ" thì có nghĩa là relationship. Còn vô số chữ quả thật là quái dị như bà Mai đã nói thí dụ như: giá cứng, giá mềm, giá khủng, hậu đậu, động não, bức xúc vv...nghe qua không hiểu nổi là họ muốn nói cái gì làm mình muốn nổi xung thiên vì phải nhức đầu suy nghĩ. Và thử nghĩ, trước 75, nơi mà em bé chào đời được mọi người gọi là nhà bảo sanh thì bây giờ vc kêu là « nhà đẻ » rất phàm phu. Còn "phi hành đòan", thuật ngữ cho một nhóm người đặc trách nhiệm vụ trên một chuyến bay thì biến thành « tổ bay » một cách vô văn hóa dị hợm như vậy thì làm sao người Việt hải ngọai có thể chấp nhận cho được. 

Nhưng thật đáng buồn thay, bạn bè thân nhân còn lại bên VN của chúng ta giờ đây cũng đã lậm phải kiểu nói quái gỡ như vậy rồi. Nếu không thì làm sao họ có thể hòa nhập thích nghi với trào lưu văn hóa xã hội chủ nghĩa để có thể sinh tồn dưới cái chế độ cộng sản đảng trị mà người dân không được quyền lên tiếng. Do đó, chúng ta cũng nên thông cảm cho người trong nước được chút nào hay chút nấy phải không thưa bà chị?

Nhờ Anh Sui vui lòng chuyển email này cho bà Mai N. Mời bà nếu có giờ thì đọc dùm một hai truyện ngắn NPN như:
  -  Cuộc Di Tản Bất Thành
  -  Ngày Vượt Biên Nhìn Lại
  -  Đời Tị Nạn
Không có bài nào mà tôi không bày tỏ sự căm ghét việt cộng thấu xương thì lý nào tôi lại dùng từ ngữ vc cho được. Từ ngữ của tôi là từ ngữ của người dân miền nam VNCH, cùng thời điểm với bà Mai, lọai từ ngữ nguyên thủy từ khi tiếng Việt chào đời.
Đa tạ. Kính thăm Anh Chị Sui.

Thế rồi ngày hôm nay tôi được bà reply (cũng qua ông sui) như thế này.

"Những bài viết của trang mạng nầy, tuy bắt gặp nhiều từ ngữ bên trong nước, nhưng tôi không có thói quen giữ lại bài, cứ đọc xong thì bỏ, nên không có đưa ra đây được bài nào.. Tuy nhiên, được biết các vị chủ trương trang mạng không cố ý dùng, nên tôi cũng nghĩ được, nhiều khi, chỉ vì quen dùng hàng ngày, nên có những người ở thế hệ VNCH, đã vô tình dùng chữ nghĩa VC mà không biết. Tôi đã từng nghe nhiều vị "H.O." nói những chữ như "học tập cải tạo", "sau giải phóng", "căn hộ","hộ chiếu", hay chữ "chia xẻ", bị VC sửa thành "chia sẻ", mà bây giờ, chữ "chia xẻ" gần như biến mất trên các trang mạng, thỉnh thoảng lắm mới có người viết là "chia xẻ".. "
bd

Được lời như cởi tấc lòng, chân thành cám ơn bà chị đã thông qua chuyện này. Cám ơn bà đã đọc và có lời nhận xét cũng như góp ý để người viết còn biết phải luôn đề cao cảnh giác, thận trọng lời ăn tiếng nói thế nào cho được ĐẮC NHÂN TÂM.



   Người Phương Nam      


Hiểu Biết Về Nghiệp Lực

Tác giả: Epoch Times Staff   


Một nhà sư thông thái đã sửa sai một lái buôn "Đừng có suy diễn mộng tưởng. Ông trời thực ra rất công bằng với chúng ta" (Zhang Cuiying)
Đôi khi những khổ đau lớn nhất lại tạo ra một tinh thần lành mạnh
Vào đời nhà Thanh, Triệu Đức Phương, cha của ba người con trai, có một cuộc sống rất sung túc. Ông cảm thấy rất may mắn khi ba đứa con của mình đều đã thành gia thất.

Tuy nhiên, vào lễ mừng thọ 60 của ông Triệu, ông đã thú nhận với ba người con của mình rằng khi mới bắt đầu khởi nghiệp, ông đã cố ý cân gian để lừa người cấp hàng và khách hàng của mình. Mỗi khi ông mua thứ gì, cái cân sẽ cho kết quả ít hơn, và khi ông bán món gì, cái cân sẽ đưa ra số lớn hơn.

“Đó là lý do tại sao ông bán vải bông bị phá sản sau khi ta mua hàng ngàn kg vải bông của ông ấy. Ông ta đã cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu vãn nhưng đã chết vì bệnh thương hàn 20 năm trước. Ta vẫn còn cảm thấy có lỗi với ông ấy cho đến tận bây giờ”, ông Triệu nói.

“Cũng còn có một ông bán thảo dược đã mất sau khi ta lừa ông ấy bằng cái cân của ta. Còn có những người khác nữa, nhưng hai người đó là bị lừa nhiều nhất. Kể cả khi ta bây giờ có cuộc sống giàu có và hạnh phúc, mỗi khi ta nghĩ đến những người đã chết bởi việc làm của ta, ta thấy đầy tội lỗi đến mức không thể ngủ được”.

“Để được thanh thản, bây giờ ta đã quyết huỷ cái cân này trước mặt tất cả các con, và ta thề là từ nay ta sẽ hành xử trung thực”

Những người con hoan nghênh quyết định của ông “Cha à, đây mới là cách làm đúng. Chúng con hoàn toàn ủng hộ quyết định của cha”, một người con hân hoan nói. Thế là ông Triệu ngay lập tức đập vỡ cái cân tội lỗi, giữ lời hứa cư xử trung thực và làm những việc tốt kể từ đó.

Tuy nhiên, không lâu sau gia đình ông Triệu đã gặp bất hạnh. Đầu tiên, con trai cả của ông mất đột ngột do bệnh tật. Sau đó anh thứ hai cũng qua đời do một chứng bệnh kỳ lạ, và người vợ goá đã đi theo người đàn ông khác. Rồi người con thứ ba bất ngờ mang bệnh và mất không lâu sau. Khi đó vợ của người con thứ ba đang mang thai.

Trải qua những bất hạnh đột ngột này, ông Triệu cảm thấy rất buồn và mơ hồ.

“Khi ta đi lừa lọc người khác, ta sống hạnh phúc với con cái kề bên”, ông phàn nàn. “ Bây giờ ta đang cố gắng hết sức làm người tốt, thì những điều không may lại lần lượt kéo đến. Có vẻ như câu thành ngữ Trung Hoa ‘Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ là hoàn toàn sai lầm”.

Hàng xóm của ông Triệu rất cảm thông cho ông và gia đình.

Một ngày kia, người con dâu của ông Triệu trở dạ. Tuy nhiên, sau ba ngày lâm bồn, đứa bé vẫn chưa chịu ra. Các bà đỡ lần lượt được mời đến, nhưng đều vô vọng và không biết làm cách nào.

Ông Triệu ngày càng lo lắng. Đúng lúc đó, một vị sư gõ cửa xin khất thực. Gia nhân của ông Triệu đã cố đuổi nhà sư đi, nhưng nhà sư đã nói rằng ông có phương thuốc đặc hiệu cho gia chủ. Nhà sư ngay lập tức được trọng vọng như thượng khách.

“Ta là một nhà sư lang thang. Ta đi theo định mệnh an bày”, nhà sư nói với ông Triệu. Sau đó ông đưa cho ông Triệu phương thuốc, và ông Triệu đã sai đầy tớ cấp tốc đưa thuốc cho con dâu. Vài phút sau, người hầu báo lại là người con đau đã sinh con trai sau khi dùng thuốc.

Ông Triệu vui mừng. Ông biểu đạt lòng biết ơn đến nhà sư và thết đãi một bữa thịnh soạn tối hôm đó.

Trong khi dùng bữa tối, ông Triệu hỏi nhà sư, “thưa sư phụ, con có thể hỏi ngài một câu mà con thắc mắc từ lâu được không ạ?” Nhà sư gật đầu.

Vừa thở dài, ông Triệu kể với nhà sư “Con thật xấu hổ khi phải nói rằng con lập nghiệp bằng cách dùng một cái cân gian để lừa gạt người khác. Con quyết tâm trở thành người tốt vào năm ngoái và phá huỷ cái cân. Tuy nhiên, ngay sau khi con phá cái cân, con bắt đầu gặp hết bất hạnh này đến bất hạnh khác."

"Con đã mất ba người con trai trong thời gian ngắn chỉ sáu tháng, và hai con dâu đã rời bỏ chúng con. Thật may là người con dâu thứ ba đã cho chúng con đứa cháu nội này. Tại sao lại có một gia đình hạnh phúc khi con lừa dối người khác, nhưng ngay khi con quyết định làm việc tốt, thì tất cả những bất hạnh này lại gõ cửa nhà con?"

Nhà sư cười to sau khi nghe câu chuyện của ông Triệu, và trả lời lại : "Đừng có tự suy diễn mộng tưởng. Ông trời đối xử thực sự là rất công bằng đối với chúng ta. Người con cả của ông là đầu thai của người bán vải bông mà đã bị chết sau khi bị ông lừa gạt, và người con trai thứ chính là hiện thân của người bán thảo dược."

"Người con trai thứ ba cũng ra đời do tất cả những việc làm xấu mà ông đã tích lũy thành, và cả ba người con ông đến thế giới này để làm đổ nát ông và gia đình ông, thế nên ông sẽ đói mà chết trong tuổi già. Tuy vậy, từ khi ông quyết tâm làm điều tốt, thần thánh đã thể hiện sự thương cảm đối với ông và đã thu hồi lại ba người con ông. Ông đã có thể thoát khỏi định mệnh đó."

Sau khi nghe xong, Triệu cảm thấy như vừa tỉnh khỏi cơn mê. Ông cảm tạ nhà sư về việc đã giảng giải hoàn cảnh cho ông, nhưng ông cũng thắc mắc hỏi nhà sư về đứa cháu nội, phải chăng nó cũng đến để đòi các nợ khác từ ông.

"Tất cả các món nợ đã được trả sau chuỗi bất hạnh vừa rồi," nhà sử trả lời với một nụ cười. "Đứa cháu của ông đến để đem lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Nó sẽ được hưởng tiếng thơm bời vì quyết định làm điều tốt cho người khác của ông. Đây là phần thưởng dành cho việc ông chọn làm điều tốt."

Ông Triệu đã rất hài lòng và trở nên vững tâm thực thi các điều tốt trong hết phần đời còn lại.

Câu chuyện này thể hiện câu nói cổ của Trung Hoa: "Nếu một gia đình tốt gặp nhiều tai ương, đó có thể là họ đang trả nghiệp hoặc món nợ từ người đời trước. Một khi món nợ đã được trả, họ sẽ hưởng một cuộc sống hạnh phúc."

Sưu tầm

Thursday, August 29, 2013

Trăm Hay Không Bằng Quen Tay

Mời xem một màn biểu diễn ngọan mục, tin chắc sẽ làm hài lòng qúy vị.

 http://www.youtube.com/watch_popup?v=47f7O9V4ELE&feature=youtu.be

Sưu tầm trên mạng

Monday, August 26, 2013

Mãi Mãi Là Bao Xa (Bao Lâu) ???

Dù cho thực tế chẳng ai bắt ta phải tin vào điều đó, dù ta có cân nhắc lí trí đến thế nào, thì con tim ta vẫn luôn hy vọng vào một điều gì đó phù phiếm… Vậy, mãi mãi là bao xa ?
 
***

http://i2.photobucket.com/albums/y18/MusicMonster/thoughttbagianhaymua-1.gifhttp://i2.photobucket.com/albums/y18/MusicMonster/thoughttbagianhaymua-1.gif

Đôi khi, ta vu vơ tự chợt hỏi với mình rằng "Mãi mãi là bao xa?"
Thực tế, trong tiềm thức ta vốn đã tự nhận ra chẳng có điều gì là mãi mãi… Nhưng ta dù vô tình hay cố ý, vẫn tự huyễn bản thân mình rằng sẽ có kì tích xảy ra thôi nếu một lần nào đó ta may mắn...

Trong cuộc đời, ta sung sướng khi được Thượng đế trao tặng một thứ được gọi là tình yêu. Và cụm từ "mãi mãi", bỗng chốc được khai sinh ra như một quy luật tự nhiên hằng tồn tại.
Ngay từ thưở lọt lòng, cha mẹ đã hứa với ta rằng sẽ luôn ở bên ta mãi. Và thời gian cứ thế trôi qua, ta vẫn luôn thắc mắc trong mình rằng "mãi" ấy là khi nào. Để rồi cuối cùng, ngay cả khi họ đã vĩnh viễn rời xa ta, ta vẫn chẳng thể nào định nghĩa được cụm từ ấy…

Mãi mãi là bao xa ( Bao lâu )?
Có lẽ, mãi mãi là khi tình yêu thương dạt dào vẫn chôn chặt đến tận đáy lòng dù đã bị cuộc đời chua cay nhẫn tâm cắt… Là khi nước mắt chẳng thể nào ngừng tuôn rơi… Là khi nỗi đau vẫn còn nhói lại mỗi khi nhắc đến chẳng nên lời…
Và rồi, ta biết là ta ngốc, ta biết là ta sai, nhưng vì ta biết là ta đang tồn tại, nên ta vẫn tiếp tục dấn thân vào cái "bẫy" mang tên tình cảm của thế gian này…

Một người nào đó, xa lạ mà thân thuộc, hồn nhiên đến bên đời ta, trao cho ta bao yêu thương, trao cho ta bao hy vọng sống, và một lần nữa, cũng trao cho ta hai từ "mãi mãi".
Ta ngây ngô tin vào điều đó, ngây ngô đón nhận, để rồi cũng ngây ngô để mất đi…
Ta tức giận, ta căm hờn, ta thù hận vào điều gì đó mang tên "mãi mãi"…
Ta nực cười vì tất cả chỉ là dối trá. Ta đau xót khi nhận ra "mãi mãi" vốn là một khái niệm không hề tồn tại.
Nhưng dù cho thực tế chẳng ai bắt ta phải tin vào điều đó cả, dù ta có cân nhắc lí trí đến thế nào, thì con tim ta vẫn luôn hy vọng vào một điều gì đó phù phiếm…
Vậy, mãi mãi là bao xa ( Bao lâu )?

http://i917.photobucket.com/albums/ad12/lisado82/i-love-cofee.jpg

Mãi mãi là khi tình cảm giữa đôi ta vẫn nguyên vẹn tròn đầy dù cho không còn ở bên nhau chăng nữa…
Mãi mãi là khi ta cảm nhận được hơi ấm của nhau dù đã để hình bóng của ai rời xa mất…
Và mãi mãi… là sẽ chẳng bao giờ rời xa nhau cho dù ta, một lần nữa, đã không còn tồn tại…
Vì vậy, đừng bao giờ đánh mất niềm tin của bản thân, niềm tin vào những thứ kể cả khi ta tưởng chừng như đó là một giấc mơ hoang đường… Vì hai từ mãi mãi, luôn tồn tại ở trong ta nếu ta đủ can đảm và nghị lực để giữ lấy chúng…


Hi! Hai sưu tầm & minh họa

Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ

Mời quý vị click vào mục Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ xem từng chương tùy thích.


http://nguoiphuongnam52.blogspot.fr/p/truyen-dai-ve-phuong-troi-cu_27.html

Đây là một chuyện tình có thật giữa một người bạn gái cùng lớp và sư huynh dạy môn Pháp văn lớp đệ tam năm 1967.

Sau 40 năm, tình cờ liên lạc được với bạn và thầy.  Bạn gởi cho tôi tập hồi ký
“VỀ PHƯƠNG TRỜI CŨ”.  Ở đây những trăn trở, ray rứt, khổ đau lẫn hạnh phúc bởi tình yêu được ghi lại trên từng trang giấy….

Suốt một đời, chúng ta sống, ... và chết cho tình yêu, đau khổ, hạnh phúc vì tình yêu, nhưng … Em yêu dấu… tình yêu không có thật trên cõi đời này!    

Nguyễn Tường Phong (một người bạn cũ chung lớp)


Câu chuyện này đã được đăng trên tuần báo Saigon Nhỏ
                        The Little Saigon News of New Orleans LA 70174
                        Email : little saigonnews@aol.com
                        Số báo khởi đăng là 711 phát hành ngày 21/3/2008 
                           

Thấp thoáng như còn đây trường lớp cũ
Dáng ai trên bục giảng giọng êm đềm
Áo tu trì lễ sớm với kinh đêm
Vì lý tưởng không màng đời lạc thú

Rồi em đến như  Eva định số
Áo em bay cho rộn rã sân trường
Nắng chan hòa ong bướm cũng tơ vương
Làm bất chợt tim côi nghe bối rối
 
Tim bối rối nhưng còn đây lý trí
Trăn trở hoài  nghĩa vụ với tình riêng
Biết trả lời sao với lý lẽ con tim
Nếu duyên phần xin sáng soi thánh ý




    Người Phương Nam

Sunday, August 25, 2013

Hùng Ca Sử Việt Phần 1


Enjoy The Show !

Mời quý vị vào link dưới đây để xem một màn trình diễn đầy nghệ thuật rất hay.
 
 
Sưu tầm trên mạng

Sống Thiện Chết Lành

Tác giả: Rimpoche Nawang Gehlek
Ngô Văn Xuân – chuyển ngữ


Như chúng ta đã biết, sự chết là điều chắc chắn sẽ xẩy ra. Chẳng ai tránh đựơc. Ngay cả đến những vị tâm linh phát triển tột mức cũng không tránh khỏi. Chẳng có ai sống mãi. Chẳng có ai từng đọc cuốn sách này sẽ sống mãi, bất kể gìa, trẻ, đẹp, xấu, giầu, nghèo cuả người đó ra sao. Nhưng thay vì chúng ta trốn tránh những ý tưởng về sự chết, chúng ta nên làm một điều gì đó cho chính mình nếu chúng ta thử nhìn xem điều gì sẽ tới hay chí ít thì cũng hãy tưởng tượng ra điều ấy. Điều này không chỉ giúp chúng ta thu nhỏ nỗi sợ hãi, mà nó còn tạo nền móng cho chúng ta có cơ hội để đổi thay tiến trình tử biệt vào tiến trình giác ngộ. Còn nếu chúng ta không thể hoàn thành đựơc điều này, thì tối thiểu, chúng ta cũng sẽ có một cái chết an lành.

Bất kể sinh lực chúng ta có ngay từ lúc khởi đầu như thế nào, thì cũng chẳng có thể kéo dài mãi đựơc. Thời gian, ngày, tuần, tháng, năm sẽ làm cạn mòn dần sinh lực đã đựơc ban cho ấy. Rồi tới một ngày, giống như một chiếc giếng cạn sau khi toàn bộ số nước đã bốc hơi hết. Những điều kiện sống cuả chúng ta có thể dễ dàng trở thành những nguyên nhân cho cái chết cuả mình. Những hóa chất trong thân xác chúng ta bị hư hoại. Một món ăn không lành mạnh hoặc một liều thuốc nhầm lẫn có thể đưa tới những hiệu ứng phụ.

Giờ đây chúng ta phải chấp nhận thôi. Nếu để chờ tới khi thực sự tắt thở thì đã quá muộn. Cho nên tôi phải chấp nhận rằng tôi nhất thiết phải lên đường và cái chết cũng luôn đi kèm theo tôi. Chẳng ai biết được chính xác khi nào sẽ xẩy ra, nó có thể là tuần tới, tháng tới hay năm tới. Tôi chẳng chắc rằng tôi còn sống ở đây tới ngày mai hay ngay cả một giờ nữa sắp tới đây. Nếu tôi biết đựơc điều ấy, tôi phải dứt khoát sử dụng bất cứ khoảng thời gian nào tôi đang có để chấm dứt sự nóng giận, ràng buộc và cái Tôi. Khi tôi chết, khi thần thức tôi rời khỏi thân xác, tôi đâu có mang theo đựơc gì ngoài một phiên bản thiện nghiệp hay ác nghiệp; đạo đức hay vô đạo đức; tích cực hay tiêu cực? Tôi sẽ rất cần những phiên bản tích cực. Thực ra tôi chỉ cần có một thôi. Nhưng nếu không thể làm đựơc điều ấy, tối thiểu tôi cũng có thể nối kết với số phận tốt đẹp cuả tôi trứơc khi kết nối với bất kỳ nghiệp xấu nào tôi đã từng tích lũy.

Dầu rằng cái chết chỉ là sự phân ly cuả thể xác mà tôi đã từng sử dụng trong đời với tâm linh đã cùng đi theo tôi mỗi lần tôi đầu thai, một tình cảm mãnh liệt cũng vẫn cứ nổi lên trong giờ phút cận tử. Chết là sự chấm dứt toàn bộ mọi hoạt động cuả chúng ta trong đời sống, tốt và xấu. Chúng ta sẽ đau khổ với ý tưởng không còn nhìn thấy hoặc trông thấy điều gì nữa, không còn ở bên hoặc nói chuyện với người thân. Không chịu buông bỏ để ra đi là một vấn đề lớn nhất. Hãy nói bất cứ điều gì cho những ai cần phải nói, viết bất cứ điều gì bạn cần phải viết lại. Nhưng chỉ vậy thôi, còn nếu cứ đeo bám vào những giận dữ, bất bình hay những ràng buộc chặt chẽ thì là điều rất tồi tệ, cho cả người chết lẫn người còn ở lại. Điều quan trọng là hãy dùng sự hiểu biết cuả bạn và ý lực của bạn để chặt đứt những cảm nghĩ xấu, và nếu cần, hãy dứt khoát chặt đứt chúng tức khắc.

Đức Phật đã có khá nhiều đệ tử xuất chúng khi ngài còn sống, một trong những vị ấy có tên là Maudgalyayana. Một trong những đệ tử cuả vị này bị ràng buộc rất chặt, vì thế Maudgalyayana quyết định mang theo 2 người trong một lần du hành có phép thần thông. Đầu tiên ông chỉ họ một đống xương lớn. Một đệ tử hỏi; “Đây là cái gì vậy? “. Maudgalyayana bảo, “Đây là toàn bộ xương cốt cuả con trong những tiền kiếp.” Rồi ông quay qua chỉ cho đệ tử kia, người đang rất khổ đau trong những ràng buộc, một bộ xương với một con rắn đang chui qua chui lại giữa các hốc mắt, xương sườn, bò lên bò xuống giữa các khúc xương. Ông bảo người đệ tử này, “Đây là con trong kiếp trước. Con có sự ràng buộc qúa mạnh trong thân xác con mà con không buông bỏ đựơc, cho nên con đã tái sinh thành một con rắn sống trong những bộ xương cũ cuả con.” Đó là một câu chuyện xưa, và cũng có thể là một câu chuyện thần tiên, nhưng dù sao nó cũng cho ta một hình ảnh về sự ràng buộc tác động ra sao.

Chúng ta bắt đầu chuẩn bị ra sao? Điều tốt đẹp nhất để chuẩân bị cho cái chết là hành trì nhẫn nhục, thương yêu và cảm thông trong khi đang sống. Thực hành nhẫn nhục bất cứ nơi nào có thể để sự giận dữ không khởi lên; tự huấn luyện tình thương yêu tinh túy để sự ràng buộc không còn; luôn kiểm tra cái Tôi để nỗi sợ hãi tan biến; và luôn cố gắng hết mình trong việc khai triển tình yêu thương và lòng thông cảm. Nếu bạn thực hành đựơc điều này, bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi lúc ra đi. Những ý tưởng tích cực sẽ trở thành thói quen và nẩy nở dần một cách tự nhiên. Và nếu bạn bất ngờ gặp ai đó trong giờ cận tử, bạn cũng có thể giúp họ bằng cách nói cho họ những điều bạn biết.


Nhìn lại cuộc đời mình và xem xét những điều thiện lành mình đã làm. Đừng hối tiếc những sai lầm đã phạm. Có rất nhiều việc buộc chúng ta phải lầm lạc. Chúng ta là con người, cho nên chúng ta lầm lạc. Trong lúc hành trì tâm linh, tinh thần, chúng ta luôn mắc sai lầm, vì thế mới gọi là hành trì, thực tập. Cho nên hãy nghĩ tới những điều tốt lành. Chúng ta đã cố gắng sống trong đạo đức suốt cuộc đời mình -điều đó có nghĩa là chúng ta đã cố gắng sống không làm hại ai, và cố gắng giữ những cam kết. Bất kể loại nghiệp xấu nào chúng ta đã tích lũy, nó cũng chẳng thường hằng. Nó luôn thay đổi. Cách để làm cho nó trở thành thiện nghiệp là qua sự thanh tẩy. Kết tích tiêu cực sẽ không còn nếu bạn thực tâm hối hận về hành động đã làm, và tự cam kết sẽ không tái diễn, nếu bạn có thực tập hành thiền, nó sẽ trở thành một thứ thuốc chữa trị chống lại cái xấu, và nếu bạn có làm một sự đền bù nào đó về tinh thần cho những ai bị bạn xúc phạm, nghiệp xấu cũng tiêu tan.

Nếu bạn đã phạm một hành động gây tác hại tới người khác hay cho chính bản thân, đừng khuyếch đại nó lên. Nếu hồi ức của những hành động ấy tới ám ảnh bạn, hãy gạt nó sang một bên. Hãy luôn nhớ rằng trong suốt cả cuộc đời bạn, bạn luôn cố gắng để trở thành người thiện lành, vì thế cho nên bạn không có thời gian để nghĩ tới những hành động xấu. Đừng để chúng quấy rầy bạn. Bạn đã thanh tẩy chúng và bằng các ý tưởng tốt lành, cho nên tất cả sẽ đựơc cân bằng trong một chừng mực nào đó.

Bất kể thiện nghiệp cuả bạn như thế nào, bất kể những hành động tốt đẹp nào bạn đã làm, hãy luôn coi nó là vô lượng, tràn khắp. Hồi tưởng đến từng hành động, trong từng cảnh ngộ cuả sự tốt đẹp trong cuộc đời, bất kể nó nhỏ bé ra sao và nghĩ là nó bao la trùm khắp. Điều này sẽ giữ lại cùng với bạn, cho nên hãy nghĩ tới nó, ghi nhớ nó. Ngay cả khi nó dễ bị quên lãng, hãy tưởng tượng ra nó bao la, vô vàn.

Đừng sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã dằn vặt ta suốt cả cuộc đời. Nó chính là cái TA đang nói, đang dựng chuyện. Hãy nghĩ rằng bạn đã nhìn ra điều ấy và hiểu nó một cách rõ ràng. Bạn đã hoàn toàn phá bỏ cái TA. Nếu nỗi sợ hãi còn hiện ra thì hãy coi đó chỉ là một nhận thức sai lạc. Đó là trò chơi cuả cái TA, và cái TA là lầm lạc. Hãy tự nhủ rằng cái TA đã đi rồi.

Đừng ngạc nhiên với những gì bạn đang trải qua. Không có hiện tượng nào là vĩnh hằng. Cho nên bất cứ điều gì xẩy ra trong lúc bạn cận tử, thì hãy nhớ điều đó không vĩnh hằng và hoàn toàn bình thường. Ghi nhớ kỹ những điều này trong giờ phút cận tử là cách để chuẩn bị cho bạn một cuộc chuyển di tốt đẹp cho kiếp sống tới của bạn.

Thực hiện một cuộc hành trì tâm linh là ăn ngủ với nó, chết cùng với nó. Đó là lý do tại sao nó có thể mang tới những khác biệt cho kiếp sống tới cuả bạn. Chừng nào bạn còn coi nó là ở ngoài con người bạn thì nó chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn cả. Những cảm tính tiêu cực sẽ ở cùng với bạn chừng nào “một điều gì đó cao cả” còn ở ngoài bạn, ở một nơi nào đó, xa cách thì nó chẳng giúp gì cho bạn cả. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng cầu nguyện một lần thì bạn trông mong gì hiệu dụng cuả điều ấy? Một vài lần cầu phước, hành lễ có thể mang lại cho bạn ít lợi lộc, nhưng chỉ có vậy thôi. Và điều ấy có thể làm đựơc gì? Chả làm gì cho bạn trong việc thanh tẩy các cảm tính tiêu cực. Để đối phó với các cảm tính tiêu cực, bạn phải sống, ăn, uống, ngủ và cùng chết với sự hành trì cuả chính bạn - Chính điều ấy mới tạo nên sự khác biệt ra sao.

Ông bạn Allen Ginsberg cuả tôi thường nói, “Tôi chẳng thể chứng minh đựơc rằng có sự tái sinh hay không, dù còn bán tín bán nghi nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng cho điều ấy; bởi vì tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội cho chính mình.” Và ông đã thực sự sẵn sàng cho việc ấy.

Ông đã gọi điện thoại cho tôi khi ông đựơc chẩn đoán là chỉ còn sống đựơc 4 tháng nữa. Ông rất ngạc nhiên khi ông nhận đựơc tin này. Ông nghĩ rằng nếu ai nói ông sắp chết chắc ông sẽ nổi đóa lên ngay. Nhưng khi nghe tin này ông lại cảm thấy ông đã sẵn sàng để ra đi. Ông gọi phôn cho bạn bè để thông báo. Ông khởi sự vui vẻ với cuộc đời trong sự nhận thức nó sắp đi tới kết thúc. Ông sắp xếp lại những vấn đề riêng tư.

Không lâu sau đó, ông bị đột qụy, hôn mê và tôi đã tới bên ông lúc đó. Căn gác mái ông ở đông chật người - rất nhiều nghệ sĩ, nhà thơ, các diễn viên, những người đã biết và yêu thương ông. Khi tôi bước vào phòng, tôi đọc lời cầu nguyện cho ông và tiến hành các nghi thức tôn giáo cho người hấp hối.

Khoảng nửa đêm, khi thấy ông có vẻ sắp ra đi, tôi hoàn tất nghi thức và rời khỏi phòng. Khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe nói ông đã thức dậy, nhìn chung quanh sau đó nhắm mắt lìa đời. Ông vẫn còn ở lại trong xác thân trong tình trạng trầm tư, cho mãi tới 11:30 đêm sau ông mới thực sự mất.

Trước khi bạn chết phải chắc chắn là môi trường chung quanh bạn không bị xáo trộn hỗn độn bởi vì điều ấy sẽ tạo ra những cảm tính tiêu cực. Giữ mình thanh lặng không giận hờn, trói buộc. Trường hợp cuả Allen bạn tôi, ông muốn có một cái chết phóng khoáng giữa bạn bè. Những người khác có thể thích sự tĩnh mịch lặng lẽ. 

Môi trường khi cận tử nên tùy theo ý mong muốn cuả bạn, và ý muốn ấy phải ưu tiên hơn ý muốn cuả gia đình. Quan tâm tới bất cứ điều gì bạn cần quan tâm tới để cho khi bạn ra đi sẽ không còn ưu tư về những gì còn bỏ lại, như thể bạn là con chim đậu trên tảng đá, đã sẵn sàng tung cánh mà không có gì lôi kéo bạn trở lui. Bất cứ điều gì bạn quyết định sẽ cho đi hay muốn lưu lại thì hãy làm những điều ấy khi bạn còn sáng suốt, minh mẫn. Nếu có thể thì bạn tự mình làm mà đừng ủy quyền cho ai cả. Nếu bạn trình bầy rõ ràng cho vợ con mọi thứ chuẩn bị, sắp xếp thì tốt nhất vì nó sẽ làm giảm thiểu những khó khăn cho vợ con bạn sau khi bạn chết. Bất cứ điều gì bạn cho đi, thì cũng đừng ràng buộc vấn vương với nó. Đừng để mọi sự nóng giận, ràng buộc ảnh hưởng tới những quyết định cuả bạn. Bởi vì những tình cảm này sẽ còn ám ảnh bạn sau đó, đồng thời tạo nên những ngộ nhận cho những người bạn thương yêu. Điều quan trọng là phải rất độ lượng. Điều ấy sẽ giúp bạn buông lỏng những trói buộc.

Chúng ta có sự trói buộc rất mạnh về ẩm thực, quần áo và danh tiếng, hoặc đơn giản hơn, chúng ta bị trói buộc với những người yêu qúy, trọng nể ta. Từ bỏ ẩm thực và những sở hữu có lẽ dễ dàng, nhưng khó khăn hơn khi từ bỏ tiếng tăm. Cho ngay cả những vị hành thiền trong sa mạc nơi ít có người tới ở mà vẫn còn ước mong những người chăn cưù quanh đó sẽ tìm ra họ và thông báo cho mọi người trong làng hay biết nữa là.

Nếu còn điều gì níu giữ bạn lại, hãy gạt bỏ nó ngay tức khắc để sự ràng buộc đó không còn khi bạn sắp ra đi. Nếu không, nó sẽ thực sự tạo ra những rắc rối trong tiến trình ra đi cuả bạn.

Có một câu chuyện vui về điều này. Một trong những vị thầy cuả tôi, ngài Gomo Rimpoche, là người rất vui tính. Ông không xử sự như một vị đại lạt ma tái sinh. Ông cưới vợ, có một gia đình, và hiện rất nổi tiếng là “Cha cuả những đứa trẻ mồ côi nhà số 14,” ở Mussoori. Ông có một số nhỏ đệ tử rất vững vàng. Hai trong số đó là những quan chức trong chính phủ Tây Tạng đã rời Tây Tạng qua Ấn khoảng giữa thập niên 1950. Họ rất già và sức khoẻ yếu kém lắm, và họ rất mong muốn đựơc ra đi trong khi họ còn đủ minh mẫn để hành trì thiền định trong lúc cận tử. Trong nền văn hóa Tây tạng, một cuộc hành thiền như vậy thường được những thiền giả lão luyện thực hiện. Họ nói với Gomo Rimpoche, ngày họ muốn ra đi. Họ làm tất cả mọi sự chuẩn bị, cho đi mọi vật dụng cuả họ, và làm một thoả thuận với những gia nhân.

Nhưng khi ngày ấn định tới, một trong hai người không chết theo như dự định. Lúc đó Gomo Rimpoche đang ở nhà cùng con cái thì có người tới báo cho ông biết vị quan chức thứ nhất đã chết và yêu cầu ông đến để cầu nguyện. Ông thực hiện, sau đó chờ đợi người tới báo tử cuả vị quan chức thứ 2, nhưng chẳng có ai tới cả. Rimpoche lo sợ đã có chuyện gì chẳng lành xẩy ra nên ông đi đến thẳng nhà cuả đệ tử thứ hai xem ra sao. Ông đựơc người nhà cho biết,” Ồ, sáng nay ông ta bị bịnh nặng và phải đem vào nhà thương rồi.”

Rimpoche tới bịnh viện American Hospital và đựơc biết người này đang trong phòng cấp cứu đặc biệt. Họ không cho ông vào thăm, cho nên ông giả trang là người dọn quyét vệ sinh cuả bịnh viện để vào. Ông hỏi đệ tử cuả ông: “Cái gì đã xẩy ra vậy?”. Người này nói: “Con đã có tất cả mọi dấu hiệu để ra đi, nhưng rồi bỗng nhiên bị đảo ngược cả lại, và nó làm con đau đớn qúa phát la toáng lên cho nên gia nhân mang vào bịnh viện.”

Người này là một hành giả thuận thành nên đáng lẽ ra ông ta khá dễ dàng khi chuyển đổi sang vùng thánh địa. Rimpoche đã không thể tìm ra nguyên nhân cuả trục trặc này. Rồi bỗng dưng ông lưu ý tới đệ tử ông hiện đang bận một chiếc áo rất mới và đẹp. Ông hỏi: “Con mua chiếc áo ấy ở đâu vậy?”

Người đệ tử già trả lời: “Aó đẹp quá phải không? Thầy có thích không? Một người bạn con cho con hôm kia và sáng nay con mới bận.”

Rimpoche bảo, “Thầy thích lắm, thôi con cho thầy đi.”

Nhưng người đệ tử do dự: “Thực sự con không biết có nên biếu thầy hay không, vì con cũng thích chiếc áo này lắm.”

Rimpoche nài nỉ: “Thầy muốn chiếc áo này lắm, còn nếu con không cho thầy, thì chúng mình sẽ chẳng còn quan hệ gì với nhau nữa đâu.”

Vì vậy người đệ tử già cởi bỏ chiếc áo và đưa cho Rimpoche. Ngay lập tức Rimpoche xé toang chiếc áo trứơc mặt đệ tử cuả mình. Ngay sau đó viên quan chức này đã êm thấm ra đi.

Bất kể điều gì sẽ xẩy ra trong tiến trình cận tử, bất kể điều gì bạn sẽ trải qua trong thời điểm này, đừng bao giờ quên phải luôn duy trì một tinh thần đầy tràn yêu thương và lòng cảm thông. Đừng để đám mây u ám cuả sự đau khổ, lo lắng buồn phiền ám ảnh. Nếu bạn thực tập ngay từ bay giờ, thì khi cái chết đến bạn sẽ dễ dàng đem ra sử dụng. Những người thực hành tonglen (Pháp cho yêu thương/nhận khổ đau qua hơi thở) sẽ chết với tonglen trong hơi thở cuả mình. Bạn có thể cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận khổ đau cuả người khác để làm ta biến Cái Ta trong bạn. Điều ấy có vẻ đáng sợ thật, nhưng chỉ vì bạn không làm quen với ý tưởng đó thôi. Trong thực tế, bạn chẳng cho ai và nhận về cái gì. Đó chỉ là phương pháp tập luyện tâm tư để chấp nhận bất cứ điều gì sẽ xẩy ra cho bạn. Khi bạn làm quen với nó được rồi, bạn sẽ thấy điều đó là tốt đẹp, thoải mái và lạc thú. Thậm chí nó còn làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc là khác.

Dù rằng bạn có thể lưu ý tới mọi vấn đề, sự giận dữ và ràng buộc vẫn cứ còn nổi lên, đặc biệt là sự tức giận với chính ngay cái chết. Người ta thường tự hỏi, Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi lại phải chết trong khi tôi đang có một đời sống tốt đẹp như thế này? Bạn phải chết bởi vì điều đó là không tránh khỏi. Hãy tự nhủ rằng chết là tự nhiên, chẳng có gì bất thường ở đây cả. Khi bạn bình thản lặng lẽ ra đi, bước kế tiếp là tác động tâm linh bạn bằng những ý tưởng tích cực. Nếu bạn tin vào Thượng đế, hãy nghĩ về sự cao cả thiêng liêng cuả Thượng đế và ra đi trong ý tưởng ấy. Nếu bạn là một Phật tử, hãy nghĩ về Đức Phật. Hoặc nghĩ về những đạo sư cuả bạn, những vị Phật che chở phù hộ bạn, những vị luôn đi chung cùng Đức Phật. Hoặc nghĩ tới những tình yêu thương trong sáng, sự cảm thông sâu xa. Nếu tất cả những điều ấy bạn đều không thể tập trung thần thức đựơc thì với một cảm nhận minh mẫn cuả tinh thần tham dự và hào hứng, bạn hãy nghĩ đến một vùng đất đẹp, ở đó mọi thứ đều vô vàn cởi mở, ở đó có những vị thánh, tiên đang chờ đón để giúp đỡ bạn. 

Giữ vững những điều này cho tới lúc bạn chìm vào vô thức. Sự mường tượng này sẽ giúp cho cuộc đời sau cuả bạn tốt đẹp hơn lên nhiều.

Sưu tầm

Túi Gạo Của Mẹ



Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng,người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoản, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oàn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học :

- Mẹ này, con nghỉ học thôi,ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học,tiền đâu mà đóng học phí,tiền sinh hoạt phí,lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa,nhà mình biết lấy đâu ra.

- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ.Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nỡ…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất,chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.
Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị,nói :

- Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng :

- Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn.Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa,đây còn có cả ngô nữa…Thử hỏi,gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.
- Nhận vào. _ 
Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói :

- Tôi có 5 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy ?

- Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.  
Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.


~*~

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm :

- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao ? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra,đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được ? Chị nghĩ thử xem,với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không ? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.

- Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.


~*~


Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.
Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ :

- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi,chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ,chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại

- Thưa với thầy, gạo này là do tôi...Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện,đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con,cha cháu mất sớm...Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !


Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :

- Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này,tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hổ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn :

- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy,vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.
Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của thủ đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng. 

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy,thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.
Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, Tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu tùng bước khó nhọc bước lên sân khấu.
Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

- Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha,người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp,yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng :

- Mẹ ơi ! Mẹ của con… 

Linh Đan (dịch từ truyện ngắn khuyết danh của Trung Quốc)

Sưu tầm

Saturday, August 24, 2013

Cách Nấu Xôi Mặn Đơn Giản


Thường thường người ta nấu xôi trong cái xửng hấp, nhưng theo cách này là nấu trong nồi cơm điện.

Vật liệu:

- 5 cups nếp (nếu đong bằng lon sữa bò là 3 lon rưởi
- 300 grs xá xíu cắt nhỏ
- 5 trứng gà chiên tráng mỏng rồi cuốn lại xắt sợi 
- Một củ hành tây bằm vụn
- Xì dầu- đường- muối- bột ngọt 

Cách làm:

Vo nếp sạch, đổ nước như nấu cơm nhưng ít hơn nấu gạo. Chỉ một lóng tay nước từ mặt nếp lên. Cho vào 2 muỗng cà phê xì dầu (để khi chín có màu thấy bắt mắt), 1muỗng cà phê muối, 1 tí xíu bột ngọt ở đầu muỗng cà phê thôi (nhiều hơn thì ngon nhưng có hại). Lấy đũa quậy đều. Đậy nắp nồi lại nấu như nấu cơm. Có một điều xin lưu ý quý vị là nếu nấu gạo thì nút điện bên nấu (Cook) sẽ cháy cho tới khi cạn nước. Nhưng với nếp thì vừa bật lên một hai phút sau là nó nhảy qua giai đọan Keep Warm liền. Do đó chúng ta phải dùng một cây muỗng hay mũi dao chận nút điện đừng cho bật lên cho tới khi cạn nước bốc hơi thì mới rút dao ra cho Keep Warm. Nhớ đùng dở nắp ra trong lúc nấu. Mất hơi thì nếp sẽ không chín. Mời xem hình dưới đây.


Lầy một cài soong nhỏ (khỏi bày chảo chi cho mất công rửa) phi củ hành lên cho vàng và thơm, cho hai muỗng cà phê xì dầu, 1 muỗng cà phê đường (nếu thích ngọt nhiều thì cho hai muỗng) xào chung trong hành phi cho tới sền sệt để đó.  
Chuẩn bị xá xíu, hột gà chiên sẵn sàng như hình dưới đây.


Khi nếp chín, dở nồi ra đổ sauce hành phi, xá xíu và trứng chiên vào xới đều với đũa bếp. Nếu hơi nặng xới thì chia làm hai phần. Vậy là xong, quý vị sẽ có một dĩa xôi mặn ngon lành, làm thêm ly café sữa đặc kiểu VN là no tới chiều. Chúc quý vị thành công. Làm lần đầu rút kinh nghiệm cho lần sau, coi thiếu mặn ngọt gì đó thì lần sau biết mà thêm bớt, quý vị ơi ! 


Bon appétit !

   Người Phương Nam