Monday, October 31, 2022

Sống Một Cuộc Đời Ít Phiền Muộn


Tôi vừa đọc một cuốn sách cũ, tôi đã học được nhiều bài học sâu sắc. Tôi cảm thấy nó là cách rất tốt để mọi người có thể sống một cuộc đời ít phiền muộn. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ đôi điều mà tôi đã học được từ cuốn sách ấy với mọi người..!


1. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm
Cả đời làm việc, đến cuối cùng chỉ muốn bản thân được an nhàn để hưởng thụ cuộc sống. Bạn luôn muốn tìm kiếm sự thanh tịnh ở bên ngoài trong khi bạn không phát hiện rằng nó là cái mà ai cũng có thể đạt được mà chỉ cần lấy ra từ trong tâm. Nếu tâm của bạn bớt tham sân si, bớt ganh đua, ghen ghét… thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.

2. Tức giận chỉ là một cục than hồng có thể làm đau người khác, nhưng người bị bỏng đầu tiên chính là bản thân bạn
Sẽ có lúc bạn cáu gắt với mọi người nhưng bạn đâu ngờ điều đó lại làm hại chính bản thân mình. Đừng bao giờ nói bất kì câu gì khi bạn tức giận. Người ta thường nói : “Giận quá mất khôn”. Tôi nghĩ điều đó rất đúng, bởi tôi đã từng đánh mất một người bạn của mình chỉ vì nói ra những lời nặng nề kinh khủng khi bạn đó không làm tôi vừa ý. Lúc đó, tôi làm tổn thương người ấy để bây giờ tôi đánh mất một người bạn thân.

Tha thứ cho người khác, hóa ra là đang “cởi trói” cho chính mình.”  Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi".

3. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn
Chúng ta nghĩ thế nào thì con người chúng ta như thế ấy. Bạn nghĩ bạn vô dụng, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì vì bạn chẳng thèm hành động. Bạn nghĩ bạn thông minh, dĩ nhiên bạn sẽ thông mình vì tự bản thân sẽ biết cách tạo nên điều đó. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn! Do đó, cuộc sống cũng sẽ ít buồn phiền, vì lúc nào bạn cũng cố biến mọi thứ bạn gặp phải trong cuộc sống thành niềm vui riêng cho mình.

4. Biết người là thông minh, biết mình là sự giác ngộ
Chiến thắng bản thân còn hơn là chiến thắng cả ngàn trận đánh. Đó là một bài học sâu sắc mà ai cũng cần biết. Tự chinh phục tâm chính mình chính là ải lớn nhất mà con người phải trải qua. Do đó, chúng ta phải tập thiền định để hiểu về chính bản thân mình. Biết được bản thân thích gì, làm gì để thỏa mãn nó chính là cách để bạn sống vui hơn mỗi ngày. 

Đừng tưởng đây là điều dễ thực hiện vì có người đã mất cả đời chỉ để làm điều này thôi đấy! Chính tôi cũng là người sẽ phải rèn luyện nhiều trong thời gian tới.

5. Thay thế đố kị bằng ngưỡng mộ
Còn đố kị thì tâm bạn sẽ còn buồn phiền. Thay vào đó, chúng ta nên đón nhận sự thành công của người khác bằng sự ngưỡng mộ. Tâm bình thản, không so đo sự thành công của người với sự chưa thành công của mình, rồi lấy cái tốt của người khác để làm gương sẽ khiến bạn dễ dàng phấn đấu mà không có sự căm phẫn. Đố kị chỉ làm lòng người thêm nặng nề, nhơ bẩn, thậm chí vì đố kị con người có thể biến chất, tâm không thể tự kềm chế khiến mình làm những hành động xấu xa mà đôi khi chính bản thân mình cũng không ngờ tới.

6. Nhân từ với tất thảy mọi người
Luôn luôn nhẹ nhàng với trẻ con, yêu thương người già, đồng cảm với người cùng khổ, nhân từ với kẻ yếu thế và người lầm lỗi. Một lúc nào đó trong đời, bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh đó.. Động lòng trắc ẩn với mọi người, kẻ giàu cũng như người nghèo; AI CŨNG CÓ NỖI KHỔ. Có người chịu khổ nhiều, có người chịu khổ ít.
Nhân từ để yêu thương và đồng cảm với họ. Vì mỗi người có một nỗi khổ riêng chỉ có họ mới thấu. Bởi vì bạn luôn nhìn người bằng con mắt nhân từ nên đời bạn sẽ luôn đẹp. Mọi thứ đều hoàn hảo. Tâm can được thanh lọc bởi những hành động mà bạn dành cho người khác.

7. Tùy duyên
“Bàn tay ta vun đắp, thành bại thuộc vào duyên, Vinh nhục ai không gặp, có chi phải ưu phiền”
Bài học sâu sắc cuối cùng mà tôi đã học được chính là hãy cố hết sức mình, đến kết quả thì hãy để mọi thứ tùy duyên. Như nhà sư đã nói, cái gì của mình thì nó sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì nó mãi mãi sẽ không thuộc về mình. Vì vậy, nếu muốn có được gì đó, đặc biệt là tình yêu thì hãy để tùy duyên.

Bạn có thể cố gắng theo đuổi nhưng đôi lúc bạn cũng phải biết buông bỏ nếu mọi chuyện đã quá giới hạn và không còn khả năng cố gắng. Cứ cố giữ chỉ làm bạn đau khổ rồi vấn vương muộn phiền sẽ là điều không thể né tránh.

   Tâm sẽ nhẹ nhàng nếu bạn để mọi thứ tùy duyên. Đó là cách để bạn có thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn.


Sưu tầm 

Đã Cuối Tháng Mười - Đỗ Công Luận

Làm Chậm Lại Tuổi Già - Nguyễn Thượng Chánh, DVM


Phỏng theo How to Slow Down Your Body’s Aging của Deepak Chopra, MD; intenBlog.

http://health.yahoo.com/experts/intentblog/1647/how-to-slow-down-your-bodys-aging/  

  

Trước sau gì mọi người ai ai cũng đều phải già hết, nhưng có mấy ai nói được đến bao nhiêu tuổi nào chúng ta mới thật sự gọi là già.  

Bs Deepak Chopra, Hoa Kỳ đã viết rất nhiều bài khảo cứu rất giá trị về nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội ngày nay. Ông ta đã giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn, thực tế và lạc quan hơn trong cuộc sống. Theo Ông, thì chúng ta có thể có 3loại già:  

*Già Tuổi tác (chronological aging) căn cứ vào năm sanh.

*Già Sinh học (biological age) căn cứ vào những dấu ấn sinh học của cơ thể.

*Già Tâm lý (psychological age) tùy thuộc vào thái độ và cách nhìn của chúng ta trong cuộc sống.  

Ngày nay, khoa học cho biết là loại Già Tâm lý có liên hệ mật thiết với loại Già Sinh học hơn là Già Tuổi tác.  

Nếu chúng ta có thái độ tích cực cũng như lạc quan, thì chúng ta sẽ sống với tuổi già một cách

êm ái đẹp đẽ hơn dù chúng ta có phải già về tuổi tác, về sinh học , v.v...  

Các dấu ấn sinh học (biomarker) của tuổi già gồm có: huyết áp, mật độ xương (bone density), sự điều hòa thân nhiệt (body temperature regulation), mức biến dưỡng cơ bản (basal metabolic rate), chức năng miễn dịch (immune function), sự dung nạp glucose (sugar tolerance), khối cơ (muscle mass), lực cơ (muscle strength), độ dày của lớp da (skin thickness), và hàm lượng của hormone sinh dục.   

Nếu quý bạn muốn níu kéo lại tuổi già thì bạn cần phải làm chậm đi sự suy thoái của các dấu ấn sinh học chỉ điểm hoặc làm đảo lộn nó lại.  

Muốn được vậy, bạn cần nên thực hiện các điều sau đây:  

1-      Thay đổi ý niệm về thời gian. Đừng bao giờ hấp tấp hối hả.

2-      Ngủ cho thẳng giấc.

3-      Ăn thức ăn tươi mới, đầy bổ dưỡng.

4-      Uống ít nhất hai loại multivitamin và mineral mỗi ngày.

5-      Luyện tập yoga, tài chi.

6-      Tập thể dục mỗi ngày một cách cho đều đặn.

7-      Đừng bao giờ đem chất độc vào cuộc sống, kể cả thực phẩm độc, xúc cảm độc, mối giao thiệp độc, môi trường độc.

8-      Nên có thái độ uyển chuyển để làm nhẹ đi những tình thế khẩn trương.

9-      Nhìn vấn đề khó khăn như là một thách đố hay là một cơ hội mới.

10-  Dung bồi những mối quan hệ tình cảm tốt với mọi người.

11-  Lúc nào cũng nên có một thái độ tò mò, tìm tòi học hỏi, cởi mở và chơi đùa vui vẻ với tất cả con cháu.  

 

 Montreal, May 31, 2008  

Nguyễn Thượng Chánh

Những Hình Ảnh Sắp Đặt Kỳ Công

Những hình ảnh được ví như là "kiệt tác" của sự hoàn hảo này, bạn sẽ phải thừa nhận rằng sắp xếp đồ đạc là cả một nghệ thuật, và người thực hiện cũng có óc Nghệ sĩ nữa.

Mỗi hình ảnh lại đem đến một khoảnh khắc tuyệt vời của những thứ tưởng chừng như đã vô cùng quen thuộc, mà lại quá ư là hoàn hảo. 

Xe chở Gỗ

Dĩa trái cây

Chảo bánh rán

Sỏi đá cũng cần có nhau

Củi đốt

Loại quả nào thì cũng có quả xanh, quả chín mà màu sắc của chúng cũng không giống nhau. Và đây là độ chín của trái Việt quất.

Thế mới thấy bàn tay con người thật đáng phục

Không chỉ vuông vức, đều tăm tắp, điều đặc biệt là những khối lập phương này được cắt ra từ các loại rau củ.

Bánh Oreo

Những chiếc bánh được xếp theo thứ tự nhỏ dần rồi được tẩm những giọt mật thơm ngon

Xếp thìa vào cốc

Trong tiệm tạp hóa

Trong tiệm sách

Bạn không bị hoa mắt đâu, đó chính xác là những thùng bột. Nhưng có lẽ chỉ người làm ra những "tác phẩm" này mới biết "thủ thuật" làm được như vậy.

Xếp như thế này thì có đến hàng ngàn chiếc lốp xe cũng không lo bị lật đổ, hay tốn diện tích.

Hoàn hảo từ sắc đỏ chín mọng đều đến kích thước các quả cà chua, và cả cách sắp xếp kỳ công nữa.

Phải đập một trứng ra coi có phải trứng thật không
Cách sắp xếp hàng hóa trong siêu thị

https://banmaihong.wordpress.com

Chúc Mạnh Khỏe An Khang - Minh Lương

Mùi - Song Thao


Bá nhân bá tánh, nhưng bá nhân cũng bá…mùi! Xông vào chốn dập dìu tài tử giai nhân vui thì có vui nhưng cái mũi nhiều khi không vui. Xông vào chốn…hàng hàng lớp lớp nhiều phần là cánh mũi của chúng ta chỉ biết…thở ra! Chỉ cần một chuyện nhỏ, chuyện những chiếc tất chẳng hạn, là te tua rồi. Như đôi tất của nhà báo Nguyễn Trí Tình của miền Bắc. “Nguyễn Trí Tình thuật lại chuyến đi phỏng vấn một chị dân lao động ở khu lao động Lương Yên cho số báo mồng 1 tháng 5. Nguyễn Trí Tình vừa ngồi một lúc thì chị chủ nhà đi chợ về. Chị thả từ cái rọng ra một con chó con mới mua ở chợ. Con chó từ ngoài sân ngoe nguẩy cái đuôi ngắn ngủn, ngỏng đầu hít hít và chạy thẳng vào trong nhà, tới chỗ Nguyễn Trí Tình ngồi, rồi cứ quấn quít lấy hai bàn chân đi bít tất của anh lúc ấy đã rút ra khỏi đôi giầy ba ta. Anh hẩy nó ra. Nó lại sán đến, cái đuôi quay tít mừng rỡ. Tình khẳng định giữa anh và con chó chưa có sự quen biết nào. Vì sao lại có tình bạn tuyệt vời này. Rồi anh chợt hiểu nguyên nhân của mối tình tiền kiếp đó: chân anh, bít tất anh đi giầy vải lâu ngày không giặt, có mùi quá nặng. Chính anh cũng ngửi thấy cái mùi đặc trưng ấy”. (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn).

Chó thì chạy đến, người thì tránh xa. Nhưng chỉ là chuyện đôi tất lâu ngày không giặt. Chẳng cứ Nguyễn Trí Tình, tất là một món đồ thường bị quên cho vào xà bông, nhất là đối với những anh chàng độc thân. Những anh chàng mắt la mày liếc này hình như chỉ cần nhìn về phía trước, phía có những cô gái. Kể cả những cô gái miền cao vốn có tiếng là đơn sơ. Nhưng cũng phải dè chừng! “Các cô gái của bao nhiêu thứ giống kéo đến như hội. Đẹp nhất trong bọn gái ấy là gái Nùng và gái La Chí. Nhiều cô nước da trông đỏ hồng hồng, ăn đứt các cô tân thời phấn sáp thướt tha ở Bờ Hồ. Nhưng có một điều mà tôi bao giờ cũng phải nghĩ đến một cách ghê sợ là cái làn da hồng hồng có lẽ hàng mười năm chưa được đụng qua một chút nước. Gái cũng như giai, sự tắm rửa ở đây là một điều mà người ta rất…kỵ. Có một lần tôi đi qua chợ. Cái nhìn của tôi đập ngay phải một cái xiêm vải chàm viền đỏ phơi ở bên đường. Chao ơi, rận ở đâu lên phơi nắng mà lắm thế, cơ hồ mầu nâu của những con rận phủ gần kín màu xanh đỏ của chiếc xiêm. Thật là rận có thể bốc được. Cái cơ thể của một thiếu nữ dù mĩ miều đến đâu cứ tưởng tượng cứ ngần ấy con rận ngày đêm nó hoành hành cũng đủ làm cho chúng ta hết hứng!” (Lê Văn Trương, Tôi Thầu Khoán). 

Hứng chi nổi với những con người sợ nước. Thân thể con người là một thứ cần phải chăm sóc thường xuyên. Nếu không thì…mùi! Ai cũng biết như vậy. Cơ thể chúng ta không phẳng lì (cũng may!), chúng quanh co gẫy khúc lắm. Nó là một tổng hợp những kẽ, những nếp gấp, những hang hốc, những vùng gập ghềnh. Đó là những…trú khu tạo ra và giữ mùi. Không tảo thanh chúng hàng ngày là có chuyện…anh hoa phát tiết ra ngoài. Một trong những vùng chiến lược đó là nách. Nhưng cái mùi phát ra từ chỗ ẩn khuất này là cái mùi…du côn. Có tảo thanh đến đâu cũng bằng thừa. Chúng cứ trơ trơ cùng tuế nguyệt. Bởi vì chúng là một thứ bệnh, một thứ bệnh đau khổ thuộc vào hàng thượng thừa! Bệnh không đau nhưng phiền. 

Hôi nách là nguyên nhân của tuyến mồ hôi trong cơ thể có sự rối loạn chức năng của tiết mồ hôi, rối loạn chuyển hóa các chất trong thành phần mồ hôi cộng với sự gia tăng nấm và vi khuẩn ở vùng lẩn khuất này. Bệnh chữa được chăng? Y học đành phải thú nhận là chưa chữa được! Để tạm thời chữa cháy, chúng ta chỉ còn cách dùng các chất khử mùi. Nhưng chỉ nên dùng những sản phẩm khử mùi vừa có công dụng khử mùi vừa có thể làm cơ thể giảm bớt sự bài tiết mồ hôi. Bởi vì có những sản phẩm khử mùi không thích hợp với người dùng có thể gây ra tác dụng ngược. Hiện nay, tình hình có khả quan hơn một chút khi người ta khám phá ra là dùng chất botox để trị cái chứng bất trị này. Botox? Lại cái anh chàng chuyên phục vụ các bà làm đẹp này! Càng ngày người ta càng khám phá ra là anh chàng này có khả năng làm được nhiều việc ích lợi hơn là bơm tay bơm mặt, bơm đâu phồng đó! Vậy thì botox làm được cái chi chi? Theo phương pháp mới thì người ta chích botox vào nách để làm tê liệt tuyến mồ hôi và can thiệp vào chất dẫn truyền thần kinh. Chích một phát có tác dụng chống hôi được từ 5 tới 9 tháng! 

Nhưng có thật sự cần trị cái mùi này không nhỉ? Chắc nhiều vị có kinh nghiệm về cái mùi  tưởng là phiền hà này. Có những cặp tình nhân hay vợ chồng lại nghiện cái mùi…thân thương của người yêu hay phối ngẫu. Thiếu vắng cái mùi quen thuộc này, cuộc đời nghe ra thiếu hương vị! 

Nhưng nếu đương sự dùng các loại dầu thơm để che dấu…sự thật thì làm sao mà biết được? Cứ chú ý vào ráy tai của đương sự! Ai cũng biết là có hai thứ ráy tai: thứ khô và thứ ẩm. Cũng cần biết thêm là tuyến ráy tai và tuyến nách đều là những tuyến mồ hôi lớn trong cơ thể. Nếu trong mồ hôi có nhiều chất béo và chất đạm, khi phân giải sẽ phát ra một thứ mùi hôi đặc biệt. Vì có họ hàng đặc biệt với nhau nên trong mười người có ráy tai ẩm thì có tới chín người có mùi…nách. Người châu Á chúng ta có tới từ 90% đến 96% có ráy tai khô trong khi đa số người châu Âu và châu Phi có ráy tai ẩm. Cứ suy ra thì biết chúng ta thường phải nín thở trong những đám đông nào. 

Cứ thử tới chơi một ngôi làng nhỏ ở Đức, làng Vecten, nhé! Người Đức ở đây có vấn đề về mùi không, chúng ta không biết. Nhưng theo nhà văn Nguyễn Hoài Phương, tác giả truyện ngắn “Sự Đời hay Mấy Chuyện Vớ Vẩn Ở Vecten” đăng trên tạp chí Văn Học, Cali, số tháng 7 & 8/ 2005, thì trong số người Việt ở đây có một cặp vợ chồng rất…hôi. Hôi trong hôi ngoài! Khi có một người lạ tới làng mà trong túi có chút tiền, vợ chồng nhà này sẽ ngon ngọt tìm đủ mọi cách để lột tiền bằng cách rủ chơi cờ bạc tại nhà họ. Khi con mòng đã nhẵn túi, họ sẽ tỉnh bơ đuổi đi, cấm cửa không cho đến nhà nữa. Tâm địa thì…hôi như thế rồi, nhưng còn ngoại hình thì sao? Đám thanh niên Việt trong làng đã làm thơ tả chân đôi “uyên ương” này. Thơ bốn chữ nghe như đồng dao! 

Tao biết mày rồi

Mày không có tóc

Mũi mày khoằm khoằm

Mắt mày him híp

Lưỡi mày thè lè

Mày hay dỏ dãi

Mày ăn vung vãi

Mày hút thuốc lá

Răng mày vàng vàng

Mày thở hôi hôi

Miệng mày lắp bắp

Lưng mày gù gù

Mày đi chầm chậm

Trông mày lù đù

Mà mày ghê gớm.

Răng vàng vàng, hút thuốc lá, thở hôi hôi… Đúng bệnh rồi! Miệng có mùi là vì miệng bị khô. Hút thuốc lá thì miệng khô là cái cẳng. Khi chúng ta ăn thì miệng đỡ hôi vì nước miếng ra nhiều làm sạch miệng. Nhưng lại chơi những thứ mùi vị nồng nàn như hành hoặc tỏi thì…huề. Hôi lại hoàn hôi. 

Hôi miệng, đừng buồn. Vì chúng ta chỉ là một trong số 58% nhân loại có hơi thở khó ưa. Lại thêm một điều an ủi nữa là chúng ta đồng bệnh với những người danh tiếng. Như vua Louis 14 của Pháp hay lãnh tụ Hitler của Đức! Nếu chúng ta không đẹp trai bằng tài tử Clark Gable thì với cái miệng có hơi thở đầy mùi vị chúng ta cũng đứng ngang hàng với đại tài tử này. Khi tài tử đẹp trai đầy quyến rũ này đóng phim “Cuốn Theo Chiều Gió” với cô đào Vivien Leigh thì, sau một cảnh hôn mùi mẫn, cô đã phải kêu lên: “Hơi thở của Clark thật là khó chịu!” 

Nhưng miệng hôi mùi gì? Nếu là mùi trái cây thì liên quan đến anh tiểu đường, mùi khai khai như có ammoniac thì coi lại thận có suy không, mùi tanh tanh như cá thì hỏi thăm bác sĩ về gan coi. Toàn những thứ khó chơi! Nhưng rất nhiều trường hợp miệng nặng mùi là vì viêm miệng, viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng. Hoặc do lưỡi không sạch, hoặc do cuống họng, hoặc do thịt dư ở họng… Dù vì gì đi nữa thì hôi miệng vẫn cứ phiền toái. 

Không hiểu có vị nào coi cái quảng cáo truyền hình cho một nhãn hiệu kẹo chewing gum chưa nhỉ? Cái clip quảng cáo này rất ngắn. Một anh chàng ghé sát vào mặt người yêu định chứng tỏ tình yêu bằng miệng. Cô nàng bèn nhăn mặt, khỏa tay trước mũi như muốn xua đi hơi thở nặng mùi của chàng trai. Anh chàng bèn chơi ngay một cái chewing gum. Tình thế đổi khác liền. Cô gái sẵn sàng trao hôn. Cái quảng cáo này hơi phũ phàng nhưng rất ăn khách. Nó làm cho người coi chỉ muốn chạy ngay đi mua chewing gum bỏ túi cho chắc ăn. Nhưng chuyện đời đâu có giản dị như vậy. Kẹo chewing gum chỉ tạm thời thắng thế xua đi được mùi hôi trong vài chục phút. Rồi đâu lại vào đấy. Chẳng lẽ cứ mỗi lần muốn bày tỏ tình yêu lại nhóp nhép chewing gum hay sao? Phiền chết! 

Phiền nữa là rất nhiều khi miệng chúng ta có mùi mà chúng ta chẳng hay. Cứ phát ngôn vung vít trước mặt mọi người, cười nói tự nhiên, phà hơi thoải mái vào mặt người đối diện. Những nạn nhân này vì lịch sự cứ lui bước dần cho tới khi đạt được vị trí an toàn cho chiếc mũi. Rồi họ kiếm cớ nọ cớ kia lỉnh đi. Ít ai thiếu tế nhị đến nỗi nói thẳng cho chúng ta biết về tình trạng đáng phiền của hơi thở chúng ta. 

Nếu chúng ta tự biết về cái mùi nằng nặng trong miệng của chúng ta thì lại đâm ra mặc cảm. Hoặc ít nói hẳn đi. Hoặc nói mà tay luôn luôn đưa lên che miệng. Cũng phiền! 

Nhưng nếu có người yêu mà miệng có vấn đề thì…terrible!  Phiền hết chỗ nói. Chẳng lẽ yêu nhau mà miệng ai người nấy giữ. Mà mi một cái thì sao đặng. Nhiều phần là tình yêu đành đội nón ra đi dù tâm hồn có hợp nhau đến mấy! 

Vậy thì làm sao mà cải thiện được tình trạng khó ăn khó nói này? Nếu hôi miệng vì một thứ bệnh nào đó thì chỉ có một cách là chữa bệnh. Nhưng hôi là vì thiếu vệ sinh thì chịu khó một chút thôi là tai qua nạn khỏi. 

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu trên báo Pháp Revue de Stomatologie et de Chirurgie Maxillo-Faciale thì nguyên nhân chứng hôi miệng thường xuyên là do một hợp chất bao gồm chất sulfur gây ra. Chất sulfur này tạo ra một vi khuẩn tồn tại ở dưới lưỡi và ở trên răng. Kẽm là một chất loại bỏ được chất sulfur nên giúp hơi thở của chúng ta tinh khiết hơn. Trên thị trường có bán các loại nước súc miệng, chewing gum, thuốc đánh răng hay kẹo ngậm có chất kẽm. Bạn còn chờ gì nữa mà không chạy ra siêu thị gần nhà nhất? 

Ai chẳng sớm tối đánh răng nhưng sao mồm miệng vẫn không tinh khiết? Phải chăng vì thuốc đánh răng không hợp? Tạp chí Journal of Clinic Dentistry mới phổ biến kết quả của một cuộc nghiên cứu về thuốc đánh răng theo đó thì kem đánh răng có chất fluoride là tốt nhất. Dĩ nhiên mỗi loại kem đánh răng đều được điều chế với công dụng để tránh sâu răng và làm cho hơi thở thơm tho nhưng  các nhà nghiên cứu vẫn có quyền làm công việc của họ. Họ so sánh ba loại thuốc đánh răng: loại gồm có chất stannous fluoride, loạicó chất chống vôi răng tartar, và loại chống vi khuẩn (anti microbial). Họ kết luận là loại kem đánh răng có chứa 0.45 stannous fluoride giúp cho hơi thở tinh khiết hơn. 

Hầu hết mồm miệng chúng ta không được tinh khiết là do việc vi khuẩn bám chung quanh nướu và răng. Nhưng có khoảng 6% là do vi khuẩn sinh sản và sống trong cuống họng ở chung quanh lưỡi gà (tonsil). Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì…phúc đức quá! Bởi vì một nhà khoa học người Do Thái, Bác sĩ Yehuda Finkelstein của bệnh viện Meir ở Kfar Saba, vừa phát minh ra phương pháp chữa bằng tia laser. Ông đã chữa cho 53 người. Phân nửa số người này đã hoàn toàn hết phải bịt tay trên miệng khi nói chuyện chỉ sau một lần chạy laser trong 15 phút. Nửa còn lại cần chạy thêm hai hoặc ba lần nữa thì hết hẳn. Nguyên tắc là dùng tia laser đốt những tế bào bị nhiễm trùng của lưỡi gà, tạo nên một vết sẹo và ngăn không cho vi khuẩn có chỗ để sinh sôi nẩy nở nữa. 

Các cụ tổ tiên của chúng ta cũng đã dậy cách chống…hôi. Tôi chỉ đơn cử một vài lời vàng ngọc này. Dùng một cục vôi ăn trầu hòa vào 100 ml rượu, gạn lấy nước trong, nhỏ thêm vài giọt tinh dầu đinh hương vào rồi dùng mà súc miệng. Hay lấy lá hương nhu đun nước ngậm hàng ngày. Hoặc mỗi ngày nhai chừng 5 tới 7 lá hoắc hương, ngậm một lúc rồi nhổ đi. Hoặc thảo quả giã dập, cho vào miệng ngậm và nuốt nước. Hoặc lấy một nắm lá ngò gai, sắc lấy nước đặc, thêm vào vài hạt muối, súc miệng và khò họng nhiều lần trong ngày, sau chừng 5 ngày là…thơm lừng! Hay dùng một nắm húng chanh khô, còn gọi là rau tần, tên chữ Hán là Tần thái hoặc Dương tử tô, sắc lấy nước đặc để súc miệng và ngậm thường xuyên nhiều lần trong vài ngày là mồm miệng…OK liền một khi!

 Mùi vị phát tiết từ trong người chúng ta còn một anh chàng nữa đã bị gọi đích danh: mồ hôi. Anh này mang nỗi oan Thị Kính! Thật ra anh ta không hôi! Mồ hôi sở dĩ có mùi là do tác dụng của các vi sinh vật lên mồ hôi do các tuyến aprocrine tiết ra. Các tuyến này có nhiều ở nách, bẹn, quanh cơ quan sinh dục, hậu môn, núm vú. Toàn những điểm chiến lược! Những nơi chốn khuất tất này thường có nhiệt độ cao, bí hơi, ẩm ướt, có nhiều lông, là môi trường thuận tiện cho vi khuẩn, nấm độc trú ẩn. Vi khuẩn tác dụng lên chất béo, chất đạm của mồ hôi tạo ra mùi khó chịu. Thường thì ai cũng có mồ hôi nhưng đổ mồ hôi quá nhiều là không bình thường. Dĩ nhiên khi vận động nhiều như chơi thể thao hay làm việc mệt nhọc mà toát mồ hôi thì chẳng có gì đáng quan tâm. Chuyện về mồ hôi, cũng lạ lùng! Như chuyện anh chàng Phước trong hồi ký cải tạo “Trại Đá Bàn & A30” của Nguyễn Thanh Ty. Đây là một nhóm cải tạo viên được làm việc ngoài hàng rào trại. Đúng ngày mồng một tết, anh Phước “bò từ ruộng về. Người anh lạnh ngắt, mồ hôi rin rít. Hơi thở leo pheo như gần chết”. Tác giả vội đi kiếm lá về làm một nồi nước xông. Vừa khi đó thì một cải tạo viên khác, ông già Tầu vốn là một thày lang ở ngoài đời, trở về. “Ông xăm xăm vào chòi giở mền và cầm tay bắt mạch anh Phước. Một chặp sau, ông bước ra nói với tôi:

- Cái lày anh Phước bị trúng phòng! Không chữa gấp nó nhập vào xương cốt thì nguy hiểm lắm!

- Trúng phòng! - Tôi la lên - Ở đây đâu có vợ mà trúng phòng!

- Tui đâu có biết! Nhưng chắc chắn là trúng phòng! Anh đi hái cho tôi một nắm nhiều nhiều đọt khoai lang trắng về đây”. 

Ông già Tầu cho anh Phước uống nước lọc từ đọt khoai lang giã nát với vài hột muối rồi chùm kín mền. “Chừng nửa tiếng đồng hồ, anh Phước kêu nóng và khát nước. Giở mền ra, mồ hôi tháo ra đầm đìa ướt áo. Mồ hôi nhớt như dầu cặn xe và có mùi tanh”. 

Mồ hôi nó liên quan đến trúng phòng nặng nề như vậy. Nhưng trúng phòng là gì? Ông lang Tầu giải thích. “Cái lị đó nó uống rượu nhiều, say rồi cỡi ngựa, bị trúng gió trên mình ngựa. Nặng thì gọi là thượng mã phong. Chết liền trên bụng ngựa. Nhẹ thì gọi là trúng phòng. Bệnh lưởn ưởn, rề rà kéo dài nhiều ngày rồi nhập cốt khó trị. Để lâu biến thành lao, ốm gầy lần lần hết thịt chỉ còn xương bọc da rồi chết.” Nhưng thân phận cải tạo thì ngựa đâu mà…phi đàng xa? Tác giả Nguyễn Thanh Ty tìm hiểu ra thì ngựa chính là chị ba Hườn, góa chồng, khoảng ba chục tuổi, chủ cái quán nước ở gần trại! Thân tù mà liên hệ linh tinh như vậy cũng là chuyện…toát mồ hôi! 

Toát mồ hôi tay lại là chuyện khác. Rất nhiều người có công việc phải tiếp xúc, bắt tay với nhiều người thường khổ vì mồ hôi tay quá nhiều. Họ rất ngại ngùng khi người khác chạm vào lòng bàn tay của họ. Chẳng lẽ cứ lau hoài! 

Nhà thơ Mai Trung Tĩnh cũng khổ sở vì hai lòng bàn tay thường xuyên ẩm ướt của mình. Anh là bạn ngồi cùng bàn với tôi tại trường Chu Văn An Sài gòn. Bao giờ trên tay anh cũng phải có chiếc khăn tay trắng để thấm mồ hôi. Tập vở của anh luôn dính mồ hôi, chữ viết bằng mực thường nhòe nhoẹt. Anh chạy chữa bao nhiêu lần mà vẫn…ướt tay. Có lẽ hồi đó chưa có những phương pháp chữa hữu hiệu như bây giờ. Hiện nay phương pháp điều trị phổ biến nhất là mổ nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm. Phương pháp này có thể làm hết mồ hôi tay nhưng khoảng 20% bệnh nhân lại có khả năng có mồ hôi bù trừ ở các vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra y học ngày nay còn dùng phương pháp ionophorese: cho bệnh nhân ngâm tay vào trong một dung dịch ion, làm co các tuyến mồ hôi khiến chúng ít tiết ra hơn. 

Nhiều năm sau tôi gặp lại Mai Trung Tĩnh trên lề đường Công Lý. Vẫn chiếc khăn tay trắng trên tay. Vẫn những cử chỉ lau tay đã thành thói quen. Vốn là một sĩ quan, anh đã trải qua những năm tháng của cái gọi là học tập cải tạo, anh đã nếm mùi tù đầy lần thứ hai khi tham gia phong trào Diễn Đàn Tự Do, bàn tay luôn ướt át của anh vẫn trơ gan củng tuế nguyệt! Tôi nhìn tay anh. Anh lắc đầu, cười khẩy. Nó chứng tỏ là moi vẫn như xưa! 

Nếu bây giờ gặp anh, chắc tôi đã chỉ cho anh được cách chặn đứng được mồ hôi tay. Nhưng anh chẳng cần nữa. Những căn bệnh quái ác hơn nhiều sau những năm tù đầy đã lấy mạng sống của anh chỉ một thời gian ngắn sau khi anh đã qua được vùng Hoa Thịnh Đốn. Xá chi những giọt mồ hôi tay!./.


Song Thao

11/2005

http://www.songthao.com/phiem-3/mui.htm

Kiểu Seatbelt An Toàn Trên Xa Lộ


 

Trích từ Quán ven đường

Sunday, October 30, 2022

Gửi Tiếng Việt Tặng Người Việt Tị Nạn - Ngô Nhân Dụng


 

Đảng Cộng Sản Việt Nam lo lắng giúp người Việt tị nạn hoặc di cư sống ở nước ngoài. Họ lo dân Việt xa quê có ngày sẽ không còn đủ tiếng Việt để xài nữa, dù có cố gắng tiết kiệm, chỉ dần dần xài mỗi ngày một chút cho đỡ tốn. Cho nên, để giúp đỡ hơn 5 triệu người Việt ở 130 quốc gia trên thế giới, Đảng đã chọn ngày 8 tháng Chín làm ngày đề cao Tiếng Việt.

Theo ký giả Sen Nguyen, trên báo South China Morning Post ở Hồng Kông ngày10 tháng Chín, 2022, một ông phó thủ tướng tên là Phạm Quang Hiêu (Hiếu, Hiệu, hoặc Hiểu, …), nói đã có một “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt!

Trong khi chờ đợi “kế hoạch 8 năm” được thi triển, bà con di cư tị nạn muốn nếm thử một chút ít “tiếng Việt Cộng” có thể tìm đọc ngay trên báo Nhân Dân, là Báo Nhân Dân ngày 19 tháng 9 năm 2022, có một bản tin về “tai nạn giao thông nghiêm trọng” hôm trước. Một chiếc “ô-tô tải” do một anh tên Triều lái đã tông vào một “xe mô-tô” do một anh khác lái chở theo một Việt kiều từ Mỹ về chơi.

Thay vì viết anh Triều “lái” chiếc xe, “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước ...” đã viết rằng chiếc xe do anh “điều khiển lưu thông.” Người lái chiếc mô-tô cũng được mô tả là “điều khiển” chiếc xe gắn máy. Sau đó, chiếc ô-tô tải bị lật nhưng lại đụng vào một chiếc xe đạp do một “học sinh lớp 10 điều khiển.” Không nói “Lái xe,” xe hơi, xe bình bịch hay xe đạp, phải nói “điều khiển.”

Thêm một chữ nữa: “va chạm.” Báo Nhân Dân viết tiếp, “Sau khi va chạm vào mô-tô,” chiếc xe tải “tiếp tục va chạm” vào chiếc xe đạp, chúng tôi in chữ nghiêng. Thông thường người Việt dùng hai chữ “va chạm” để tả hai vật hay hai người đụng chạm hoặc va nhau, một cách nhẹ nhàng. Nhưng trong báo Nhân Dân các “va chạm” đó làm chết hai người!

Trên cùng trang nhất tờ báo này, thấy “vụ việc một du khách nước ngoài va chạm với đoàn xe lửa Lào Cai-Hà Nội,” may mắn thoát chết! Nhưng “Đoàn tàu … va chạm với du khách” đã “phải dừng lại giải quyết sự cố, tuyến đường … ùn tắc.” Tốt nhất, bà con ở nước ngoài, dù gặp cảnh “sự cố ùn tắc” cũng nên tránh không “va chạm” với chữ nghĩa của các ông cộng sản.

Hai chữ “sự cố” cũng như chữ “sự kiện” được dùng tự do, thả dàn trên báo đài trong nước. Một tờ báo viết về cô ca sĩ: “Bà mẹ một con … trẻ trung, xinh đẹp như thiếu nữ đôi mươi tại sự kiện.” Tại “sự kiện?” Những “sự kiện” đó là cái gì!

Một bài khác viết về Nữ hoàng Elizabeth II, nói bà thích một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng, bà “thường xuyên được bắt gặp đeo thương hiệu đồng hồ … đến các sự kiện xa hoa, … bà thậm chí còn cho mượn đồ của mình khi đi sự kiện.” Bà nữ hoàng “đi sự kiện.” Tức là bà đến dự một lễ lạc. Bà lại “được bắt gặp” đeo đồng hồ! Đây là những cách nói tiếng Việt mới lạ chưa từng thấy. Người ta dùng chữ “sự kiện” để dịch nguyên văn chữ “event” trong tiếng Anh, vì lười, không muốn tìm những tiếng Việt chính xác hơn!

Chữ “Event” hay “sự kiện” nói về nhiều thứ khác nhau. Có thể viết “sự kiện” thay vì lễ hội, tập họp, một buổi trình diễn, trưng bày nghệ thuật, một tổ chức, hội thảo, một trận đấu thể thao, một trường hợp, hoàn cảnh, nghi lễ, sự việc, vân vân. Những chữ sự cố, hay biến cố, nói về một chuyện đã xảy ra, chữ “cố” với ý nghĩa là đã xong rồi, cũng được thay thế bằng chữ “sự kiện.”

Nếu ông Phạm Quang Hiêu muốn viện trợ ngôn ngữ cho đồng bào ở nước ngoài, ông có thể gửi những chuyến máy bay chở 1,000 thùng chữ “điều khiển,” 1,000 thùng chữ “va chạm,” 15,000 thùng những chữ “điều khiển,” “sự kiện,” “sự cố,” vân vân, tặng cho bà con người Việt sống ở Paris, Los Angeles hoặc Melbourne. Họ sẽ mở mắt ra, thấy không cần dùng những chữ như cổ lỗ như “lái xe,” “buổi họp” hay “bữa tiệc” nữa.

Nhưng báo Nhân Dân còn có thể cung cấp nhiều hơn những chữ lẻ tẻ như “sự kiện,” “va chạm” hoặc điều khiển.” Ông Hiêu có thể gói tặng bà con những đoạn văn dài đầy chữ nghĩa. Mời quý vị đọc thử mấy câu dưới đây (xin ngưng đọc ngay, nếu cảm thấy khó thở, chóng mặt, hoặc buồn nôn).

Đây là văn chương báo Nhân Dân: viết về “Công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội học tập mới cho người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung. ... Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng. Di sản văn hóa trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhiều ngành công nghiệp như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và nhận diện thương hiệu cho những ngành này ở thị trường trong nước, cũng như thị trường khu vực và thế giới.”

Cảm tưởng đầu tiên là nó “Rất khó tiêu!

Đọc hết cả đoạn trên cũng chưa hiểu “Công nghiệp văn hóa” là những thứ gì. “Thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí” là thế nào? “Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa” nghĩa là gì? Di sản văn hóa cung cấp “nguyên liệu đầu vào”… “cho nhiều ngành công nghiệp!” Nghe như kể chuyện một nhà máy xay lúa!

Đây là một căn bệnh thâm căn cố đế trong các chế độ cộng sản: Ăn to, nói lớn. Khoe khoang chữ nghĩa. Hô khẩu hiệu! Xác định lập trường! Không khác gì nhà giàu hợm hĩnh khoe của.

Căn bệnh này không chỉ xuất hiện trên báo chí mà đã lan truyền trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. Bên bờ hồ Hoàn Kiếm quý vị có thể thấy hai tấm bảng treo trên một cửa ra vào, viết giống hệt nhau, một cái treo ngoài đường, một cái ở trước cửa bên trong.


Một nhà vệ sinh công cộng bên bờ hồ Hoàn Kiếm với tấm bảngchỉ dẫn rất nhiêu khê với 41 chữ và số, mà chỉ có một chữ mọi người cần biết, là “Toilet!” Thêm chuyện buồn cười, ở cột bên phải, có người treo bảng quảng cáo “Nước mía sạch, mua 3 tặng 1.” Không rõ nước mía này lấy từ đâu ra. (Hình Ngô Nhân Dụng cung cấp)

Tấm bảng xanh lá cây viết bốn hàng chữ trắng, tất cả viết hoa, như thế này:

CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

XÍ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ SỐ 2

NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG - TOILET

ĐỊA CHỈ: SỐ 8 LÊ THÁI TỔ, HOÀN KIẾM, HÀ NỘI - ĐT : 043.8288072 – 043.9288508

Tất cả tấm bảng 41 chữ và số, cuối cùng, chỉ có một chữ mọi người cần biết, là “Toilet!” Người đi đường, các du khách chỉ cần đọc chữ “Toilet” hay “Toa Lét” là hiểu ngay! Không hiểu tại sao người ta phải đọc 25 chữ VIẾT HOA lòng thòng rồi mới được thấy chữ “Toilet!” Cũng không hiểu tại sao phải ghi cả địa chỉ cái toa lét này? Người di tìm toa lét có ai chọn một địa chỉ trước, đúng địa chỉ mới vào, hay không? Lại còn số điện thoại nữa! Có cần gọi điện thoại xin hẹn trước, giữ chỗ, mới được dùng toa lét hay không?

Người Việt Nam sống ở nước ngoài chắc không ai muốn dùng tiếng Việt theo đường lối nhiêu khê của Đảng!


Nguồn: VOA Blog 

Quá Giang Nỗi Buồn - Trầm Vân

Về Quê - Trần Văn Lương


Hôm đó là ngày thứ năm. Phải, ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11, ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ. Tôi không phải đi làm, suốt cả ngày hết ăn rồi lại nằm, hết nằm rồi lại xem Ti Vi, cố gắng tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi ở cái đất nước văn minh cơ khí này. Chợt nhìn đồng hồ thấy đã gần 5 giờ chiều, tôi vội vàng đi thay quần áo để ra bờ biển làm thủ tục chạy bộ hàng ngày. Cách đây mấy tháng, từ lúc bà xã tôi tình cờ phát giác ra cái vòng số hai của tôi càng lúc càng lớn ra và tôi càng lúc càng có triển vọng đoạt giải nhất cuộc thi lực sĩ "bụng nở ngực thon", thì bà ấy, ngoài việc cấm tôi ăn các đồ béo, lại còn âu yếm ra lệnh cho tôi mỗi ngày: sau khi từ sở làm về, phải ra bờ biển gần nhà chạy bộ ít ra là 4 dặm để tiêu đi bớt mỡ. Tôi kính cẩn tuân lời (các cụ dạy rằng: "Có 3 loại tội bất hiếu, không tuân lời vợ là tội lớn nhất". Tôi xin chép lại nguyên văn chữ Hán để quý vị tiện đường tham khảo: "Bất hiếu hữu tam, bất tuân thê lệnh vi đại"). Và từ đó, bất kể nắng mưa sáng tối, cứ vào khoảng 5 giờ chiều là những người đi dạo tại bờ biển Newport Beach lại thấy một anh chàng Việt nam ỳ à ỳ ạch bê cái thùng nước lèo của mình từ Newport Pier tới Balboa Pier và trở lại. Đoạn đường chiến binh dài đúng 4 dặm!

Bà xã tôi thấy tôi bước ra cửa bèn nhẹ nhàng bảo:
- Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn, em cho phép anh nghỉ ở nhà một bữa.
Tiếc công mặc quần áo và thoáng thấy mấy rổ đồ giặt mới lấy từ máy sấy ra chưa kịp gấp, tôi vội vàng vừa đi vừa bảo:
- Thôi em ạ, thể dục phải chuyên cần mới có kết quả. Nghỉ được một ngày thì sẽ nghỉ mãi. Anh ra chạy chừng một tiếng sẽ về ngay.
Bà xã tôi dặn với theo:
- Anh ráng về sớm để ăn cơm với các con.
Tôi hấp tấp gật đầu và dong xe đi ra bờ biển.
Thực tình trong bụng hôm nay tôi cũng muốn ở nhà cho khoẻ, nhưng không hiểu có một mãnh lực nào thôi thúc tôi phải cương quyết đi cho bằng được. Chả lẽ... vì bà cụ chăng ? Không có lý! Tôi vừa lái xe vừa thắc mắc mà không tìm ra câu trả lời. Có một điều gì đó mà sau này tôi mới hiểu được.

Vừa đặt chân xuống bờ biển, tôi đã thấy ngay bóng bà cụ đổ dài trên bãi cát sát chân trạm cấp cứu số 13. Trạm cấp cứu này nằm giữa đoạn đường chay bộ của tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng bỗng thấy mừng thầm mà không hiểu tại sao. À, thế là hôm nay bà cụ cũng ra hóng gió.
Không biết bà cụ đã bắt đầu mỗi chiều ra ngồi ở chỗ đó từ ngày tháng nào. Tôi chỉ biết là kể từ lúc tôi thực hiện chương trình thể dục bất đắc dĩ này thì tôi đã thấy cụ ngồi đó rồi. Mỗi ngày cụ đều đến trước tôi, và khi tôi ra về thì cụ vẫn còn ngồi đó.

Đó là một bà cụ Á châu vào khoảng trên dưới 80 tuổi mà tôi nghĩ là người Việt nam. Tôi chỉ đoán thế dựa trên cách ăn mặc của cụ vì chưa bao giờ tôi được cụ mở miệng ban cho một câu, hoặc nhìn một cái. Mỗi ngày lúc chạy ngang qua cụ tôi đều nhìn cụ gật đầu chào, mong có cơ hội làm quen, vì nhìn cụ, tôi lại liên tưởng đến mẹ tôi cũng cỡ tuổi như cụ đang còn ở tại quê nhà. Đáp lại, cụ chỉ lạnh lùng khẽ gật đầu, mắt vẫn đăm đăm nhìn ra xa như muốn tìm kiếm cái gì bên kia bờ Thái Bình Dương. Cái gật đầu thật là nhẹ, phải để ý lắm mới thấy được. Và cũng chưa bao giờ tôi chạm được ánh mắt cụ. Cặp mắt buồn xa xôi dưới vầng trán nhăn nheo luôn luôn hướng ra khơi. Nhiều lúc tôi muốn tìm cách gợi chuyện với cụ nhưng cuối cùng lại thôi vì tôn trọng sự kín đáo của cụ. Mối liên hệ giữa tôi và cụ chỉ có thế, giới hạn trong hai cái gật đầu trong lần đi và trong lần về. Nghi thức xã giao này được lặp đi lặp lại mỗi ngày trong mấy tháng trời qua.

Hôm nay cũng thế, khi đến gần cụ tôi lại nhìn cụ cúi đầu chào, hai chân vẫn tiếp tục chạy.
- Chào cậu!
Tôi nghe như bị điện giật, hai chân khựng lại. Tôi vội quay nhìn cụ và ấp a ấp úng:
- Kính chào cụ. Cụ là người Việt nam?
Cụ nhìn tôi khe khẽ gật đầu, nét mặt vẫn lạnh lùng không lộ chút tình cảm nào. Nhưng khi cụ nhìn tôi, tôi thoáng thấy trong ánh mắt cụ ẩn hiện một chút hóm hỉnh như có vẻ giễu cợt sự ngây ngô của tôi: người ta đã nói "Chào cậu" mà mình lại còn hỏi "Cụ là người Việt nam?"
Tôi lúng túng tần ngần chưa biết phải làm gì thì cụ đã bảo:
- Cậu ngồi xuống đây mình nói chuyện một chút. Hôm nay tôi có ý đợi cậu.
Tôi rón rén ngồi xuống cát, cách xa cụ độ một sải tay. Tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, không biết bà cụ đợi tôi có chuyện gì.
Như hiểu ý tôi, cụ ôn tồn bảo, giọng nói đã bớt đi một tí lạnh lùng:
- Cậu ngạc nhiên lắm phải không? Cậu ngạc nhiên là phải vì điều này hơi đột ngột đối với cậu. Tôi muốn gặp cậu chiều nay để từ giã cậu và cám ơn cậu đã chào hỏi tôi trong mấy tháng qua. Hôm nay là ngày cuối tôi ra đây. Mai tôi về quê.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, bà cụ có vẻ nhà quê nhưng lại thông minh đáo để và nhận xét người hết sức sâu sắc. Bây giờ mới có dịp quan sát kỹ cụ, tôi bỗng thấy nét mặt cụ có vẻ quen quen, nhưng không nhớ ra là đã thấy cụ ở đâu trước khi gặp cụ nơi bờ biển này. Tôi vội vàng hỏi:
- Cụ về Việt nam?
Tôi lại hỏi một câu ngớ ngẩn nữa. Cụ chậm rãi gật gù , mắt không thèm nhìn tôi:
- Vâng, về quê... về Việt nam... về làng... về Hải Dương... Cậu có biết Hải Dương ở đâu không nhỉ?
Và không đợi tôi trả lời, cụ nói tiếp:
- Hải Dương là quê của tôi đấy. Ngày mai người con cả của tôi sẽ đưa tôi về đấy. Tôi xa quê từ năm 54, bây giờ mới có dịp về. À, cậu trông thấy tôi quen quen phải không ? Bà cụ của vợ cậu lúc còn sống thường hay đi chùa với tôi và tôi nhớ hình như có thấy cậu đôi lần lúc cậu lên chùa đón cụ ... Ông nhà tôi ngày xưa làm Tuần phủ nên mọi người đều gọi tôi là cụ Tuần, mãi rồi tôi quên hẳn tên thật của mình.

À ra thế. Cụ Tuần. Hèn gì thấy mặt bà cụ quen quen. Và tôi cũng nhớ ra lúc còn sống, mẹ vợ tôi cũng có nhắc đến tên các bà bạn đi chùa của cụ, trong đó hình như có tên cụ Tuần. Tôi bỗng thấy hơi gờm bà cụ. Sao cụ biết tôi thắc mắc như thế mà trả lời? Tôi bèn đưa đẩy:
- Thảo nào mà cháu thấy cụ quen quen. Hóa ra cụ là bạn của mẹ cháu. Thế thì mình là người nhà cả.
Cụ cười nhẹ:
- Chính vì thế mà tôi muốn gặp cậu hôm nay để nói chuyện lần cuối và từ biệt cậu, kẻo mai kia cậu lại thắc mắc không biết cái bà cụ mặt mày lạnh lùng khó đăm đăm kia đi đâu mất rồi.
Tôi đỏ mặt, không ngờ bà cụ lại nói đúng ý nghĩ của tôi. Quả thật trước kia, sau mỗi lần chào cụ và chỉ nhận được một cái gật đầu như gió thoảng của cụ, tôi hay lẩm bẩm trong bụng: sao mặt mày bà cụ lại lạnh lùng khó đăm đăm thế!
Cụ nhìn tôi tiếp tục:
- Tôi theo thằng con cả qua đây năm 75, tính đến nay đã được 20 năm. Ngày mai là lần đầu tiên tôi về quê. Và tôi sẽ ở luôn bên Việt nam, không qua đây nữa. Ấy, cậu đừng hỏi tại sao. Lá rụng về cội. Người già nào cũng muốn được chôn xác ở quê cha đất tổ. Tôi đã muốn về từ mấy năm trước cơ, nhưng vì công việc làm ăn kỳ này con trai tôi mới đưa tôi về được. Muộn còn hơn không ...

Rồi cụ thao thao kể cho tôi nghe về gia đình cụ, về cụ ông, về cậu con trai, về đời sống của cụ tại Hoa kỳ, về việc cụ mỗi chiều ra bờ biển vọng về phía bên kia bờ đại dương để nhớ tới quê nhà ... Trong câu chuyện, hình như cụ đoán trước được các câu hỏi tôi định đặt ra và cụ đã trả lời trước khi tôi kịp mở miệng. Thành ra trong suốt hơn một tiếng đồng hồ tôi không chen vào được một chữ.
Cụ bỗng chép miệng, thở dài và bảo:
- Thôi trời tối rồi, cậu về nhà đi, vợ con cậu đang chờ cơm. Câu chuyện tôi định kể cho cậu hôm nay chỉ có thế. Chúc cậu ở lại Mỹ mạnh giỏi, mai tôi về quê. Cậu về trước đi. Tôi nán lại thêm một tí rồi sẽ về sau.
Tôi ngỏ ý muốn đưa cụ về nhà nhưng cụ từ chối. Tôi đứng dậy từ giã cụ, miệng lí nhí nói ít lời cầu chúc cho cụ thượng lộ bình an. Nhìn thấy vẻ bùi ngùi lưu luyến của tôi, cụ cười bảo:
- Cậu đừng buồn vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại nhau . Mọi sự trên đời đều không có gì đi ra ngoài chữ "duyên". Nếu còn có duyên với nhau thì cậu sẽ có dịp gặp lại tôi, e rằng lúc đó cậu lại không thích.
Cụ đưa tay khoát vẫy tôi đi. Không dám nói gì hơn, tôi nhìn cụ lần cuối và từ từ quay đi về hướng đậu xe, lòng cảm thấy hơi bùi ngùi khi phải chia tay với cụ.
Và kể từ lúc đó, chẳng bao giờ tôi thấy lại bà cụ nữa trong những lần chạy bộ của tôi. Hy vọng cụ sung sướng ở quê nhà.

****

Một năm sau, cũng vào dịp lễ Tạ Ơn, một người Việt nam mới vào làm chung hãng với tôi có nhã ý mời các đồng nghiệp người Việt trong sở tới nhà để chung vui nhân dịp sinh nhật 16 tuổi đứa con gái đầu lòng của anh. Bà xã tôi vì bận việc nên tôi được phép đi dự tiệc một mình.

Vì tới đúng giờ nên tôi là người khách đầu tiên. Chủ nhà niềm nở đưa tôi vào phòng khách nhâm nhi tí rượu trong khi chờ đợi các vị khách Việt khác điều chỉnh đồng hồ của họ. Căn phòng khách được trang hoàng một cách đơn giản nhưng rất lịch sự và tươm tất. Thoáng ngửi thấy mùi hương, tôi quay nhìn về phía cuối phòng và choáng váng khi thấy bức ảnh trên bàn thờ ẩn hiện sau làn khói mỏng của nén hương. Tôi sững sờ vì rõ ràng đó là hình bà cụ tôi gặp ngoài bờ biển. Vẫn khuôn mặt "lạnh lùng khó đăm đăm" đó, vẫn cái nhìn xa vắng pha lẫn một tí giễu cợt đó, không thể nào sai được. Tôi vội hỏi anh Phong, người chủ nhà:
- Có phải đó là hình của cụ Tuần không?
Anh Phong gật đầu:
- Vâng, đó là hình của mẹ tôi, ở chùa người ta hay gọi cụ là cụ Tuần, vì ngày xưa ông cụ của tôi làm Tuần phủ. Sao anh lại biết mẹ tôi?
Tôi vội vàng nói chữa:
- Tôi biết cụ vì ngày xưa cụ cùng đi chùa với bà cụ mẹ vợ tôi.
- À ra thế! Thì ra mình là người nhà cả, anh hân hoan gật gù.
Tôi chết điếng trong lòng, không ngờ mới gặp nhau năm trước mà cụ đã mất rồi. Tôi lắp bắp:
- Cụ mất lúc nào vậy anh Phong?
- Cũng được hơn 5 năm rồi đó anh.
Câu trả lời của người chủ nhà làm tóc tai tôi muốn dựng đứng hết cả lên. Tôi lặp lại như một cái máy:
- 5 năm . . .
Không để ý đến vẻ khác lạ của tôi, người chủ nhà kể tiếp:
- Phải, mẹ tôi mất cách đây cũng đã hơn 5 năm, mà mãi đến năm ngoái sau ngày Lễ Tạ Ơn tôi mới có dịp đem tro của cụ về an táng tại quê nhà ở Hải Dương, đáp ứng được nguyện vọng cuối cùng của cụ.

Tôi tái người nhớ lại lần nói chuyện giữa tôi và cụ đã xảy ra vào đúng ngày lễ Tạ Ơn năm ngoái, một ngày trước khi con trai cụ đưa tro cụ về Việt nam.
Chúng tôi hai người im lặng giây lát như để tưởng niệm người quá cố. Chủ nhà chầm chậm ngước mắt nhìn về phía bàn thờ. Và lần này thì đến phiên anh ngạc nhiên hốt hoảng. Anh lẩm bẩm:
- Quái lạ, ai thay bức hình đấy nhỉ ?
Tôi quay đầu lại nhìn bức hình và cũng ngạc nhiên không kém. Rõ ràng là ít phút trước đây nét mặt người trong hình lạnh lùng nghiêm nghị, môi mím chặt thế mà bây giờ trong hình bà cụ đang cười tươi, để lộ gần nguyên hàm răng đen bóng, hai con mắt lá răm hiện đầy vẻ tinh nghịch.
Người chủ nhà hướng về phía vợ đang lui cui trong nhà bếp hỏi lớn:
- Em ơi, có phải em thay hình của mẹ trên bàn thờ không ?
Người vợ lên tiếng nói vọng ra trong khi vẫn tiếp tục làm đồ ăn:
- Em đâu biết hình ảnh gì đâu. Anh là người giữ các bức ảnh mà.
Người chồng hừ nhỏ một tiếng trong cổ, nét mặt đầy vẻ bối rối băn khoăn. Khi mắt anh chạm phải tia nhìn dọ hỏi của tôi, anh vội giải thích:
- Anh biết không, khi mẹ tôi mất, chúng tôi có phóng lớn và làm khung hai bức ảnh của cụ vì lúc đó phân vân không biết chọn bức nào để thờ. Một bức có hình cụ tươi cười như anh đang thấy đây, và bức kia thì mặt cụ nghiêm trang không cười. Sau khi cả gia đình hội ý với nhau, chúng tôi chọn bức không cười để đặt trên bàn thờ và cất bức kia vào tủ. Tôi là người phụ trách bàn thờ và giữ hai bức ảnh vì tôi là con cả. Tôi nhớ là chỉ có chưng bức hình không cười lên bàn thờ mà thôi. Không hiểu tại sao hôm nay lại biến thành bức hình này như thế.

Tôi vội nhìn lên bàn thờ và quan sát kỹ lại bức ảnh. Không biết tôi có tưởng tượng hay không nhưng rõ ràng tôi thấy trong ánh mắt của cụ hiện lên một vẻ tinh nghịch hân hoan đượm nét ngây thơ của trẻ con pha lẫn một chút dịu dàng từ ái của lòng mẹ. Tôi định lẩm bẩm trách thầm cụ trong lòng rằng cụ đã bảo với tôi năm ngoái là cụ về quê thế mà giờ này cụ còn ở đây nghịch phá. Nhưng ý định trách móc vội tan biến ngay khi tôi chợt nhớ lại lời nói cuối cùng của cụ với tôi về chữ "duyên" : "Mọi sự trên đời đều không có gì đi ra ngoài chữ "duyên". Nếu còn có duyên với nhau thì cậu sẽ có dịp gặp lại tôi, e rằng lúc đó cậu lại không thích". Tôi vội vã nói thầm lời xin lỗi cụ. Trong khi đó, người chủ nhà vẫn lộ vẻ thắc mắc bất an.
- Anh Phong này ....
Tôi buột miệng định kể cho anh chủ nhà biết sự tao ngộ ly kỳ giữa tôi và bà cụ của anh, nhưng vội nín bặt khi thoáng thấy ánh mắt can ngăn của bà cụ trong bức hình.
- Gì thế anh? , người chủ nhà vội hỏi.
Tôi bèn tìm lời khỏa lấp:
- Tôi nghĩ là có thể một lúc nào đó anh đã thay bức hình và quên bẵng đi. Với tuổi tác bọn mình bây giờ, làm trước quên sau là chuyện thường.
Người chủ nhà lịch sự gật đầu đồng ý, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm vào lời giải thích.

Những người khách Việt giữ đúng truyền thống giờ cao su đang lục tục kéo đến, và chúng tôi đành bỏ dở câu chuyện để đi chào đón mọi người. Lợi dụng lúc đông người lu bu, tôi chuẩn bị chuồn êm sau khi đã nhờ một người bạn chuyển lời cáo lỗi của tôi tới chủ nhà, viện cớ là bỗng dưng tôi không thấy khỏe. Quả thật là tôi bắt đầu cảm thấy rờn rợn mỗi khi nhìn lên bàn thờ và chạm phải ánh mắt tinh nghịch của người trong ảnh. Không dám nhìn thẳng vào bức ảnh, tôi thầm nói lời từ biệt với cụ và lẳng lặng lách mình ra cổng. Không ngoái cổ nhìn lại, tôi cắm đầu rảo bước như bay đến chỗ đậu xe. Trong tiếng gió thoảng của một chiều cuối thu, mường tượng như có ai nói khẽ vào tai tôi hai tiếng: "Chào cậu".


Trần Văn Lương