Saturday, July 5, 2025

Cuộc Sống Là Vậy Mà...

1. Bạn có thể là người tốt, nhưng không phải ai cũng yêu quý bạn.

Bạn có thể chân thành, nhưng cũng chẳng thể mong ai cũng thật lòng.

Đó là quy luật – không phải lỗi của bạn.

2. Nơi có ánh sáng, sẽ có bóng tối.

Có người ngưỡng mộ bạn, thì cũng sẽ có kẻ ganh ghét.

Có người tôn trọng, thì cũng sẽ có kẻ xem thường.

Chuyện bạn không kiểm soát được – đừng để nó điều khiển tâm mình.

3. Bạn không sinh ra để làm hài lòng cả thế giới.

Nếu phải đánh đổi chính mình để được người khác công nhận – thì cái giá ấy quá đắt.

Giữ lấy bản sắc, nguyên tắc và tự tôn – đó là phần “gốc rễ” không nên lung lay.

4. Qua miệng người khác, bạn sẽ trở thành hàng chục phiên bản không giống mình.

Nhưng không sao – miễn là bạn vẫn là bản gốc tử tế. 

Vì người đời:

– Có thể cùng ánh mắt, nhưng mỗi người nhìn một hướng.

– Cùng lời nói, nhưng giọng điệu và ý niệm lại rất khác.

– Cùng là trái tim, nhưng chẳng ai yêu giống ai.

– Cùng số tiền, nhưng tiêu cách nào là do người đó sống sao


Sống trên đời – quan trọng nhất vẫn là dám đứng vững trên đôi chân của chính mình.

 5. Đại bàng đâu cần vỗ tay cổ vũ để tung cánh.

 6. Cỏ dại không chờ ai chăm mới chịu lớn lên.

 7. Hoa trong rừng sâu vẫn âm thầm nở đẹp – dù chẳng ai trông thấy.

 8. Làm việc – không cần ai khen ngợi, chỉ cần bạn biết mình làm đúng.

 9. Làm người – không cần ai cũng yêu quý, chỉ cần bạn sống thẳng và sống sạch.


Cuộc đời này không quá dài…

Bạn đã đến đây rồi – vậy thì hãy sống một đời đáng sống.

Sống rực rỡ, dù trong âm thầm.

Sống tỉnh táo, dù giữa ồn ào.

Sống kỷ luật – để không phải hối tiếc.

Sống mạnh mẽ – ngay cả khi một mình.


Vì bạn không cần làm vừa lòng cả thế giới –

Bạn chỉ cần không phản bội chính mình. 


Lượm trên FB.TN

Hà Nội, Việt Nam - Nguyễn Duy Phước

Mời quý bạn du lịch on line, viếng thăm Hà Nội qua hình ảnh do anh Nguyễn Duy Phước thực hiện với những ghi chú rõ ràng.

Việt Nam Cộng Hòa Và Mỹ Đã Có Thể Diệt Được Việt Nam Cộng Sản Nhưng Vì Sao Lại Không Muốn? - Mark Berent

 

Xin gửi đến các bạn một bài viết do một chiến hữu vừa gửi đến. Đọc xong, các bạn có thể hiểu được tại sao chúng tôi rất quí mến những quân nhân Hoa Kỳ sang chiến đấu tại Việt Nam, nhưng lại không ưa chính sách của Hoa Kỳ kể từ khi John Kennedy lên làm tổng thống.

Phi công Mark Berent cho rằng Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa có thể đã chiến thắng tại chiến trường Việt Nam vào những năm 67, 68. Nhưng qua những vụ ngưng ném thả bom trên đường mòn Hồ Chí Minh và miền Bắc Việt Nam, đã giúp cho Cộng Sản Bắc Việt mang quân và vũ khí vào miền Nam để đi đến chiến thắng cuối cùng vào tháng Tư 1975. Những phi công như ông đã bi trói tay và bịt mắt trước những cuộc di chuyển ồ ạt của cộng quân. Hãy nghe Mark Berent tâm sự… Nguyên tác là bài viết với tựa đề Rules Of Engagement, được in trong tác phẩm “To Bear Any Burden của Al Santoli".


Lần đầu tiên tôi tham chiến tại Việt Nam là vào năm 1965. Ðơn vị của tôi đóng tại căn cứ Không Quân Biên Hòa. Tôi bay phản lực cơ F-100s, tổng cộng hơn 200 phi vụ. Lần thứ hai tôi tham chiến ở Việt Nam là vào năm 1968, lúc đó tôi bay phản lực cơ F-4s cất cánh từ căn cứ Ubon, Thái Lan. Tôi thuộc phi đoàn Cú Ðêm (Night Owls), có nhiệm vụ bay trên đường mòn Hồ Chí Minh trong vòng 7 tháng. Cuối cùng, 5 tháng chót tôi được chỉ định chỉ huy Woff FAC (Lực Lượng Không Kiểm Tiền Phương (Forward Air Control)). Lực lượng này bao vùng đường mòn Hồ Chí Minh từ Lào đến suốt Bắc Việt Nam. Ðó là thời điểm mà Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng ném thả bom. Do đó, có lúc các phi vụ được chấp thuận ném thả bom, có lúc phi vụ không được chấp thuận.. Chẳng cần dấu diếm, nhiều lần một số anh em phi công chúng tôi tự thi hành nhiệm vụ thả bom đường mòn, mà không cho ai biết.


Tại Việt Nam, có vài điều rất đỗi ngạc nhiên. Thứ nhất là tôi được tưởng thưởng nhiều huy chương. Nhưng có một trường hợp tôi từ chối nhận một huy chương cao quý của Hoa Kỳ là Purple Heart, Lý do là vì một người bạn Lực Lượng Ðặc Biệt của tôi vừa mới trốn được Việt Cộng bằng cách đi bộ 26 cây số trong đêm tối, với viên đạn 51 ly còn nằm trong một cánh tay và tay kia dìu một người lính Việt Nam Cộng Hòa đang bị thương. Do đó, đối với tôi, cái huy chương cao quý Purple Heart không có một giá trị gì cả, tôi không xứng đáng để nhận!

Tôi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam và được chỉ định về phục vụ tại một căn cứ không quân tại California. Không Quân Mỹ muốn xử dụng tôi hết mình và để tôi thăng tiến hơn, họ gửi tôi đi học để lấy bằng kỹ sư tại một đại học dân sự. Sau khi tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm một chức vụ khả quan về tiền bạc và tương đối nhàn hạ tại Phi Ðoàn 69 Chiến Thuật, sống cuộc đời thoải mái. Nhưng khốn nỗi, mỗi lần tôi cầm tờ báo thì lại được tin một người bạn thân của tôi bị bắn hạ và tử trận tại chiến trường. Không chịu nổi nữa, tôi xin với thượng cấp để được bay F-4s, một phản lực cơ tân tiến hơn so với F-100s và tôi đã được chấp thuận để trở lại chiến trường Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu khi bay F-4s cất cánh từ căn cứ Ubon, Thái Lan. Tôi vẫn thuộc Phi Ðoàn Cú Ðêm (Night Owls). Lệnh ngưng thả bom của Johnson bắt đầu có hiệu lực một tháng trước khi tôi trở lại chiến trường. Do đó, phi công chúng tôi không có cơ hội thả bom miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi chỉ còn biết bay ầm ì, rồi nhào lên lộn xuống trên đường mòn Hồ Chí Minh bên ranh giới nước Lào. Ðó là dọc theo vùng rừng núi cao Karst Mountains (Lào). Và nếu chúng tôi lợi dụng ngưng thả bom để bay xuống phía Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam để phá hủy những đoàn xe tiếp liệu của Cộng Sản Bắc Việt dọc theo đường mòn, thì thực sự với F-4s không đủ khả năng này, vì chúng tôi phải bay trong bầu trời dầy đặc sương mù và mây thấp che kín tầm mắt quan sát. Nhiều lần chúng tôi cho một phản lực thả trái sáng và sau đó phản lực khác theo sau thả bom.

Nhưng khi trái hỏa châu vừa thả ra là mấy tên lái xe Việt Công đều chửi thề: “Mấy thằng phi công Mỹ ngu xuẩn đang sắp thả bom. Hãy ngừng xe lại và táp vào lề đường. Trước sau gì chúng cũng đâm vào dãy núi Karst…” Và đúng như thế, nhiều phi công của chúng tôi đã đâm máy bay vào dãy núi này mà chẳng thả trúng một xe tiếp liệu nào, chỉ vì tầm nhìn quá hạn chế do thời tiết.


Mãi đến khi Mỹ mang máy bay Spectre–AC130 có trang bị vũ khí và có trang bị cả dụng cụ quan sát ban đêm như màn hình TV và những dụng cụ điện tử có thể cảm giác được khói bay ra từ ống khói của xe vận tải, đồng thời máy bay này có khả năng nhìn qua đêm tối và mây mù.

Chúng tôi liên lạc chặt chẽ với Spectre-AC130 để thực hiện 2 nhiệm vụ: Một là áp lực những ổ súng phòng không của địch ngõ hầu chúng tôi có thể bắn hoặc thả bom trúng mục tiêu. Thứ hai là hướng dẫn chúng tôi tới mục tiêu cần tiêu diệt. Và kể từ đó, chúng tôi đã phá hủy rất nhiều xe vận tải tiếp liệu của địch. Tôi nhớ rõ, một lần, trong một đêm tôi bắn trúng 14 xe tiếp liệu của địch.

Mỗi khi máy bay Spectre-AC130 nhìn thấy đoàn xe, những phi công này sẽ đánh dấu cho chúng tôi bằng nhiều cách. Họ tác xạ vào mục tiêu bằng súng liên thanh 20 ly và cho chúng tôi biết đó là mục tiêu cần tiêu diệt. Hoặc giả họ ném hỏa châu để soi sáng cả đoàn xe phía dưới và chúng tôi cứ theo đó mà thả bom. Ngoài ra, họ còn có thể thả một khối hỏa châu nặng, có thể cháy sáng tới 20 phút. Họ ném một khối hỏa châu này trước đoàn xe và một khối khác phía cuối đoàn xe, và cho chúng tôi biết cứ thế mà thả bom trong đoạn đường giữa hai khối ánh sáng. Vì vậy, chúng tôi đã phá hủy được nhiều đoàn xe tiếp liệu của cộng sản. Ðường mòn Hồ Chí Minh đã bị cầy nát làm trở ngại cho việc cộng sản chở tiếp tế vào miền Nam Việt Nam. Thiển ý của phi công chúng tôi, chiến tranh đã có thể chấm dứt bằng quân sự!


Nhưng thật đau lòng, trong khi lệnh ngưng thả bom bắt đầu vào tháng 11 năm 1968, tất cả chúng tôi đau điếng! Anh em phi công chúng tôi đã trải qua bao nhiêu lần được lệnh ngưng thả bom và mỗi lần như thế chúng tôi cảm thấy như bị một quả đấm vào mặt, vì người ta đã phá tan đi những gì chúng tôi đang thắng thế.

Thi dụ, trong giai đoạn 1966-67, bạn bè chúng tôi, những phi công can trường, đang bay các phản lực cơ F-105s và F-4s trên lãnh thổ Bắc Việt, một nơi đầy nguy hiểm vì hỏa tiễn địa-không tối tân nhất SAM và màng lưới ra-đa của Nga đầy rẫy dưới đất. Nhưng vì Những Quy Tắc Giao Chiến (Rules Of Engagement), chúng tôi đã chiến đấu một cuộc chiến mà tay chúng tôi đã bị trói chặt, mắt chúng đã bị chọc thủng mù lòa và một nửa đạn dược trang bi đã bị cắt giảm.

Nhưng những viên chức chính phủ như Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara thì lại tuyên bố với công chúng rằng các phi cơ Mỹ không có bi cắt giảm bom đạn và bom đạn Mỹ không bao giờ thiếu?. Nhưng thực tế, chúng tôi đang chứng kiến bom đạn Mỹ ở Việt Nam đã bị cắt giảm nhiều, nhất là của không Lực Mỹ! Chúng tôi đã chứng kiến bạn chúng tôi bay ra Bắc với trang bị kém hơn thời Ðệ Nhị Thế Chiến, chỉ vỏn vẹn với 2 trái bom: 250 và 500 ký và 2 thùng bom lửa (Napalm) trong một phi vụ phá hủy đường rầy xe lửa. Ðiều hiển nhiên là chúng ta không thể cắt đường rầy xe lứa bằng bom lửa, mà thực ra bom này chỉ làm cháy cỏ và cây cối chung quanh đường rầy!. Chúng tôi cho rằng quyết đinh ngưng thả bom và cắt giảm đạn dược là MỘT TỘI PHẠM của những người có thẩm quyền. Nhiều khi chúng tôi đã đối đầu với một số hoa tiêu từ chối lệnh bay thả bom, dù họ có phải ra toà án quân sự!

Các quan chức này lại nói loanh quanh rằng không có thiếu bom tại Việt Nam. Nhưng tại Sài Gòn, những tầu thương mại chuyên chở bom đạn bị tắc nghẽn tại các hải cảng, vì hải cảng không đủ rộng để có thể đem xuống những bom và vũ khí lớn quá tầm trưc tiếp vào bờ. Trong khi đó, vũ khí nhỏ và dụng cụ y khoa thì được Việt Cộng hối lộ và chở về mật khu.


Vào thời điểm đó, tôi vẫn còn nghĩ rằng với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chính phủ Sài Gòn biết phải làm gì để chiến thắng. Nhưng một thời gian sau đó, tôi nhận thức được rằng: “Hình như người ta (Mỹ) không muốn và không cho phép để thắng cuộc chiến tranh này!” chỉ vì Hoa Thịnh Ðốn đã áp đặt cái “Nguyên Tắc Giao Chiến “ oái oăm này!?

Chúng tôi đành phải bay lên phía bắc Lào để yểm trợ cho Vang Pao, người lãnh đạo của lực lượng H’mong, một bộ lạc sống trên đồi núi, đang chiến đấu với quân cộng sản Bắc Việt và cộng sản Lào (Pathet Lào). Nhưng tại đây, lại có lệnh không được thả bom gần các chùa chiền. Trong khi ai cũng biết cộng sản Lào đang đóng quân đầy trong các chùa chiền ở Lào với đầy đủ vũ khí. Nhiều lần chúng tôi đã bị bắn từ chính trong các chùa. Có lần chúng tôi không chịu được, đã bay qua chùa và thả một trái bom vào chỗ có súng bắn lên, và ầm ầm kho đạn của địch nổ vang và cháy suốt mấy tiếng đồng hồ.

Có một câu chuyện ai cũng biết là ở Trung Tâm Văn Hóa Trung Hoa (Chinese Cultural Center) tại Plaine des Jarres (Lào) như sau: Chúng tôi không được lệnh thả bom trong vòng 3 cây số chung quanh trung tâm này. Vào một đêm, một phi công tức khí lén thả một trái bom vào trung tâm này và kho đạn ở đây đã nổ trong suốt một tuần lễ!


Sau khi lệnh ngưng thả bom trên lãnh thổ Bắc Việt vào tháng 11 năm 1968, chúng tôi chỉ được phép thả bom khi xe tiếp tế của Việt Cộng ở đường mòn Hồ Chí Minh trên phần lãnh thổ nước Lào mà thôi, và chỉ được thả bom vào ban đêm. Như vậy là chúng tôi gần như tự tử rồi! Ban đêm không thấy đường, súng phòng không bắn như sao, chúng tôi chỉ còn cách đâm máy bay vào dãy núi Karst là xong! Có một ngày quang đãng, tôi đếm được 100 xe tiếp tế nối đuôi nhau tại Ðèo Mụ Giạ thuộc Bắc Việt Nam. Những chiếc xe này đậu sẵn để đợi đêm tối di chuyển vào đường mòn. Và dĩ nhiên chúng tôi được lệnh cấm chỉ thả bom đoàn xe. Ðó là quy tắc giao chiến đấy!!

Chúng tôi cũng không thể thả bom đường xe lửa tiếp tế từ Trung Cộng vào Bắc Việt. Mỹ cũng không thể phong tỏa hải cảng Hải Phòng… Tất cả những gì Nixon làm năm 1972 là để Bắc Việt có cơ hội mang tiếp tế vào miền Nam. Ðáng lẽ chúng ta phải chặn đứng việc cộng sản Bắc Việt tiếp tế vũ khí cho chiến trường miềân Nam mới phải?

Vai trò ưu tiên của Không Lực Hoa Kỳ là chặn đứng khả năng tiếp tế vũ khí đạn dược vào chiến trường Miền Nam. Ðây là một sự “tuyệt đối phải ngăn chặn.” Ðó là mục tiêu duy nhất của Không Lực hầu yểm trợ lực lượng Mỹ và đồng minh tại Nam Việt Nam. Chúng ta phải thả bom các cơ sở chế tạo đạn dược và vũ khí, vì chính nơi này sản xuất phương tiện để giết những người lính Mỹ. Lý do nữa là Không Lực phải giúp lính tiêu diệt kẻ thù dưới đất. Tất cả Không Lực làm, từ chuyên chở, đến chiến đấu đều chung mục đích giúp cho toàn quân đội Mỹ ngoài chiến trường tại miền Nam Việt Nam.


Nhưng buồn thay, tại Việt Nam, chúng tôi đã không được phép thực thi những sự “tuyệt đối phải ngăn chặn” này. Thử nghĩ xem Tù Binh Chiến Tranh Mỹ (POW) do đâu mà có. 85% POW là hoa tiêu và phi hành đoàn. Họ bi bắn hạ chung quanh những vị trí có hỏa tiễn SAM và phi cơ MIG. Nơi mà những hoa tiêu này đã thấy từ khi cộng sản Bắc Việt và Nga Sô lúc còn dang xây cất. Còn tại chiến trường Miền Nam, lính Mỹ chết bởi những vũ khí, đạn dược và tiếp liệu do Bắc Việt chuyên chở vào Nam, mà chúng ta không ngăn chặn được hay chúng ta không muốn ngăn chặn?!.

Chúng tôi đã từng thấy từng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau ngay ban ngày. Những xe này thuộc Lực Lượng Chuyên Chở 559 từ Hà Nội đổ vào.

Chúng tôi bay trên đầu đoàn xe và đôi khi chỉ cho chúng một chút sợ hãi bằng cách ném xuống vài thùng xăng phụ hay một vài trái hỏa tiễn gọi là. Vì chúng tôi không được phép mang cả phi đoàn phản lực đến đó để thả bom, chỉ vì lệnh cấm.

Tôi đã từng chứng kiến một làng người Thượng ở Nam Việt Nam bị Việt Cộng ném lửa đốt cháy cả làng. Chúng đốt sống cả trẻ thơ, phụ nữ và tất cả những gì còn sống, chỉ vì dân làng không chịu phục tùng lệnh của chúng.

Thật là đau lòng cho một cuộc chiến mà chúng ta không muốn thắng!

Tác giả: Mark Berent

Chuyển ngữ: Thái Dương

Vàng Trang Bi Sử - Đỗ Công Luân

Giám Đốc Và Đàn Heo

 

Một hôm, Giám đốc công ty chăn nuôi lệnh cho “ra lò” cuốn “Nội san” của công ty và đăng ảnh của ông ở trong đó. Để cho tấm ảnh thật sự “ nổi cộm “ “ ấn tượng “ “ hoành tráng “ “sinh động”, ông bèn xắn quần tới háng đứng vào giữa đám heo trong chuồng.

Việc biên tập cuốn “Nội san” không gặp khó khăn gì. Chỉ còn một việc chú thích ảnh, cái ảnh giám đốc đứng bên cạnh 6 con heo to béo, như thế nào cho ngon ngon một chút.

Một ý kiến được đưa ra:

– Ta nên chú thích: Đồng chí giám đốc trong chuồng heo.

– Nghe không ổn, hơi bình dân.

– “Giữa đàn heo là đồng chí giám đốc” có được không? – Thêm một ý kiến khác.

– Cũng không được! Cứ gờn gợn cái gì đấy không hay.

Sau khi họp lên họp xuống mấy chục lần, cuối cùng, trưởng ban biên tập quyết định:

– Đặt tên thế nào thì đặt, không được nhắc đến chữ heo đi kèm chữ Giám đốc.

Cuối cùng, mười ngày sau, trên trang bìa cuốn “Nội san” đăng trang trọng ảnh ông giám đốc với chú thích to tướng: “Đồng chí Giám đốc, đứng thứ 7 từ trái sang”


Nguồn: FB

Nhân Quả - Lệ Hoa Wilson


Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016, với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Bà cũng từng nhận giải năm 20`11, với loạt tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

Tôi lớn lên ở Việt Nam và vì cha mẹ theo đạo Phật nên tôi dĩ nhiên theo đạo Phật. Đó không phải là một sự lựa chọn. Đó là truyền thống gia đình.

Khi tôi thành hôn với Ron, anh là một thành viên trong gia đình Công Giáo chính thống, từ một non nước mà đạo Chúa là lẽ sống, là niềm tin, là cuộc đời.

Nhưng anh ơi, anh giữ đạo anh, em giữ đạo em nhé. Chúng ta thường ca tụng là Chúa nhân từ, Phật bác ái. Vậy hãy để hai ngài ngồi lại cùng nhau, xem thử niềm tin của chúng ta có lung lay không? lối sống của chúng ta có hạ thấp không? và cuộc đời của chúng ta có được hạnh phúc không?

Ai trong chúng ta từ thuở trăng tròn mười sáu cho đến nay trăng khuyết tận cùng, chỉ còn một vành đai nhỏ xíu đủ nguệch ngoạc cho số bảy, mà không có lần niềm tin mất sạch, ngẩng mặt hỏi Chúa, hỏi Phật: Tại sao và tại sao?

Hay là đứng trên thành cầu đăm đăm vô hồn nhìn dòng nước trôi xuôi mang theo lẽ sống hay là cầm nắm thuốc độc trong tay... mong rằng nỗi đau vì vậy mà chấm dứt...

Chúng ta giựt mình ngoảnh lại. Thôi thì Chúa đã định, Chúa đã chọn, chúng ta nên kính cẩn tin ngài. Hiện giờ chúng ta không hiểu, nhưng rồi tới ngày đó chúng ta sẽ hiểu. Hãy có niềm tin.

Chúng ta ngậm ngùi xét lại. Thôi thì kiếp trước đã gây ra bao nhiêu nhân xấu, đã làm bao nhiêu người khổ đau, tan nhà nát cửa, bây giờ nếm lại một chút quả, có gì đâu mà thắc mắc... Mình làm mình chịu... Nhân quả công bằng...

Tôi đắm chìm và tuyệt đối tin tưởng nhân quả cũng giống như bao nhiêu Phật tử khác.

Giàu sang hay nghèo nàn, hạnh phúc hay khổ đau, thông minh hay ngu dốt, oai quyền hay thấp kém đều do kiếp trước từ thiện hay lường gạt, trung thành hay phản bội, học hỏi hay biếng lười, công minh hay hiếp đáp…

Vân vân và vân vân...

Không những tôi “thấy” kiếp trước của con người mà tôi còn “thấy luôn” kiếp sau của họ nữa! Ghê chưa bạn? Những thành kiến và dự đoán của tôi như một cái võ bọc bằng đá bao quanh trái tim khiến tôi nhìn nhân quả một cách lạnh lẽo và vô tình.

Cho tới một ngày, sau khi nghe những dè bỉu và dự đoán của tôi, thằng con trai điềm nhiên nói (dĩ nhiên nó “xài xể” mẹ bằng tiếng Mỹ):

“Mẹ à, quan niệm Nhân Quả của mẹ đúng, không sai. Làm ác gặp ác. Làm lành gặp lành. Nhưng nó hình như làm cho mẹ mất đi một chút lòng thương yêu và chia sẻ. Nó làm mẹ phán đoán cứng ngắc, không tình người. Nó làm mẹ sống trong tạo dựng mơ hồ của dĩ vãng và thiết kế hư ảo chuyện tương lai. Nó làm mẹ quên hiện tại! Quên đời sống thực thụ diễn ra hằng ngày chung quanh mẹ. Nó làm mẹ không thấy những con người đau khổ cần được an ủi đỡ nâng, những con người lỡ lầm cần được chỉ dẫn hướng thiện, những con người xấu ác cần được sữa đổi thứ tha.

Mẹ đã dùng nhân quả để phán đoán, chê bai và nguyền rủa người khác. Mẹ thử lật ngược lại bàn tay, hãy thử xoay lưng lại một vòng, hãy giúp họ chuyển hóa những nhân xấu thành quả tốt, hãy giúp họ tìm kiếm cơ hội tạo dựng nhân lành, hãy giúp họ phát triển những điều tốt đẹp thay vì xỉa xói những cái xấu xa. Hãy cho họ... second chance, Ok mẹ?”

Ôi Trời ơi, cái thằng nầy học đạo Phật từ nơi đâu? Nó là thằng Mỹ lai, tiếng Việt nói không quá năm câu, chưa bao giờ nghe các thầy giảng, chưa bao giờ đi chùa, chưa bao giờ ngồi thiền.

Vì sao nó nói đạo Phật nghe... chạm lòng tự ái thế?

Con trai à, nhân quả muôn đời vẫn vậy. Làm ác gặp chuyện xấu, làm lành được khen tặng. Có ai nói thằng nầy chuyên làm điều thiện, luôn giúp đỡ mọi người nên Trời thương cho nó... nghèo mạt rệp. Cô kia kiếp trước từ hòa nhân ái, lúc nào cũng nở nụ cười an ủi kẻ khổ đau nên kiếp nầy được Phật ban cho... xấu hoắc! Làm sao mẹ có thể nhìn nhân quả dưới một góc độ khác? suy nghĩ theo một quan niệm khác?

*****

Tôi vào Lớp Vẽ Cao Niên được bảo trợ bởi viện bảo tàng Bowers và nhật báo Người Việt mỗi Thứ Tư để học vẽ.

Ánh sáng, tiếng cười, giấy trắng, mực màu, cọ lông, bút vẽ...Mọi người vui tươi hạnh phúc.

Cuối lớp anh Đương và chị Hương đang chăm chú tô màu. Cạnh đó cháu Donny ngồi cười cười vu vơ và lặng lẽ ngắm nghía.

Sau bài học của thằng con, bỗng nhiên tôi hơi ngờ ngợ, bỗng nhiên tôi hơi sượng sùng. Giọng nói thân yêu vang lên:

“Mẹ ơi, hãy nhìn nhân quả với ánh mắt khác đi, Ok Mẹ?”

Khi tôi thấy anh chị thản nhiên, hãnh diện đem theo đứa con tàn tật vào lớp học, tôi bỗng thấy một vòng hào quang, tôi bỗng thấy một chất thật ngọt mà tôi không nếm trải được, nhưng tôi biết nó có ở đó, ở ngay giữa sự nghẹn ngào của con tim, ở ngay giữa tình người bát ngát.

Bạn ơi, đây là hai con người đã đưa lưng ra vui vẻ vác cái Thánh giá nặng nề mà Chúa giao cho, không than van, không trách móc. Đây là hai con người can đảm đối diện với khó khăn của cuộc đời, không nản lòng, không chùn bước.

Chúng ta thường hay khoe khoang các con nào là gì... nào là gì... nhưng những thất bại, xấu xa thì chúng ta giấu biệt tăm. Nhưng chỉ có những tâm hồn thánh thiện mới hãnh diện dám đem đứa con tật nguyền tham dự vào các cuộc sinh hoạt vui chơi, không e dè, không xấu hổ.

Ai nói là đứa con Down Syndrome đó là cái nhân ác ngày xưa? Không bạn à, nhìn nhân quả dưới góc cạnh khác đi. Cháu Donny trở lại làm con để giúp cho cha mẹ bài học về sự nhẫn nại vô biên, về tình yêu thương không điều kiện. Anh chị đã nhiều đời, nhiều kiếp thực hành hạnh nhẫn nhục, yêu thương nhưng chắc là còn thiếu một vài nét chấm phá nào đó khiến cho Donny trở lại làm con để hoàn thiện nó. Donny, người con tật nguyền, là một thiện hữu tri thức, giúp anh chị nhận ra hạnh phúc không có nghĩa là nhận được mà thực sự là cho đi.

Tôi kính phục anh chị và thương yêu cháu Donny.

Nếu bạn có một đứa con tật nguyền, có một đứa con đồng tính, có một đứa con đổi giống, có một đứa con sứt môi, có một đứa con sanh ra thiếu chân, cụt tay, đui mù hoặc câm nín, xin bạn đừng buồn. Bạn hãy vui lên đi vì ơn trên đã chọn bạn để ban ơn chớ không phải để trừng phạt!

Đúng rồi bạn ơi. Thằng Mỹ lai nói đúng. Hãy nhìn Nhân Quả dưới khía cạnh khác đi: nó làm cho tâm hồn mình thư thả hơn, trái tim mình thương yêu hơn, cuộc đời mình có nhiều ý nghĩa hơn.

Ai là người không từng mất niềm tin, không từng nghi ngờ lẽ sống, không từng chịu khổ đau? Nhưng rồi Chúa và Phật sẽ tạo cho ta cơ hội thấy được niềm tin quả nhiên tồn tại, lẽ sống quả nhiên nhiệm mầu và đau khổ quả nhiên làm ta thiện mỹ hơn.

Viết tới đây tôi chợt nghĩ tới rồi khi nào có dịp, tôi sẽ nói chuyện thêm với thằng con về tôn giáo (nó là thằng con có hiếu, tin cả Chúa cả Phật vì không muốn... kẹt giữa cha mẹ) thì cảm thấy hơi mất mặt một chút. Mẹ đã bảy bó rồi mà con mới có vừa ba bó. Trứng mà đòi khôn hơn rận. Thôi thì đổ thừa cho mấy cái “neuron” chết tiệt trong óc bà già không còn hoạt động như ngày xưa... rồi viện trợ thêm ông bà tổ tiên nữa vì họ đã nói: con hơn cha (mẹ) là nhà có phúc mà, phải không bạn?

Mẹ xin cám ơn con, con trai của mẹ. Con đã thẳng thắn chỉ cho mẹ thấy những sai trái của mẹ, con đã thương yêu vạch trần những tối tăm của mẹ, con đã can đảm đứng trước mặt mẹ, cản ngăn không cho mẹ bước sâu vào hố u tối để mẹ sống an lạc hơn, rộng mở hơn, thương yêu hơn.

Đúng rồi con ơi. Mẹ sẽ không dè bỉu Dĩ Vãng nữa. Mẹ sẽ không nguyền rủa Tương Lai nữa. Mẹ sẽ sống trong Hiện Tại! “In the Here and In the Now! With LOVE and CARE.” Ok, con trai?

Lệ Hoa Wilson

Friday, July 4, 2025

Amazing Ramen Manufacturing Process at Korean Instant Noodle Factory

Cô Hồng Cô Bạch - Quyên Di

Hình minh họa: Jelleke Vanooteghem/Unsplash

Làng Đông Ngân nằm bên bờ sông Hồng là môt ngôi làng cổ kính. Vài trăm năm trước khi mới được thành lập, làng đã có dáng vẻ trầm mặc, không giống những ngôi làng sầm uất, huyên náo, chỉ cách đó vài cánh đồng rộng.

Vài chục năm sau làng đã có nề nếp, tôn ti trật tự. Người lớn, trẻ con, đàn ông, phụ nữ, ông già bà cả đều có những phường, hội sinh hoạt rất quy củ. Tiên chỉ, lý trưởng và các đầu mục chuyên chăm việc làng, không hề có chuyện tư túi nên được dân làng quý mến. Sau này người Việt ta có bài ca dao:

Làng ta phong cảnh hữu tình,

Dân cư giang khúc như hình con long.

Nhờ Trời hạ kế sang đông,

Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.

Chẳng biết người làm ra bài ca dao ấy có ý tả cảnh làng nào, nhưng một số người cứ đoan quyết rằng bài ca dao ấy kể lại chuyện xưa, nói về làng Đông Ngân.

Một ngày nọ có chàng trai lạ thả chiếc thuyền con, cập bến làng Đông Ngân. Buộc thuyền xong, chàng khoan thai bước lên bờ, trực chỉ hướng đình làng, rảo bước, hình như muốn tìm ai đó. Rất may, hôm ấy các cụ trong làng có phiên họp ngoài đình, các cụ tiên chỉ, thứ chỉ, lý trưởng, phó lý và các trưởng thôn đều có mặt. Chàng trai xăm xăm bước vào trong đình. Anh mõ định cản lại nhưng thấy chàng có dáng vẻ ung dung, đĩnh đạc nên hơi ngần ngừ. Nhân thế chàng trai bước thẳng vào được bên trong.

Các cụ đang họp, thấy có người lạ lừng lững bước vào, đều ngẩng lên nhìn. Cụ lý trưởng ra oai, hắng giọng một cái rồi cất tiếng hỏi: “Anh kia, muốn gì? Các cụ đang họp việc làng mà… mà…”

Chàng trai vội đáp lời: “Bẩm các cụ, vãn sinh đến đây đường đột, thật là có lỗi. Xin các cụ lấy lượng cả mà tha thứ cho kẻ hậu sinh. Chả là…”

Cụ tiên chỉ vốn đức độ, có tính thương người. Cụ nhìn anh con trai, thấy áo mặc đã cũ nhưng phẳng phiu sạch sẽ, mà dáng người thanh nhã, lời ăn tiếng nói lễ phép, khiêm cung thì có lòng thương. Cụ ra lệnh: “Anh không phải e dè. Các cụ đây đều là những bậc cao niên, hiểu việc đời, rõ lòng người. Anh muốn gì, cứ nói.”

Được lời như cởi tấm lòng, chàng trai thưa: “Trình các cụ thương. Vãn sinh phận côi cút, song thân sớm quy tiên. Vãn sinh một thân một mình, huynh đệ không có một ai; bằng hữu thì hiếm hoi, cảnh nhà sa sút đến cùng cực. Làng quê đất đai cằn cỗi, cỏ mọc còn khó huống chi là lúa. Nay vãn sinh phải tha phương cầu thực. Nghe tiếng làng ta đã lâu: ruộng vườn, đất cát phong nhiêu, dân tình thuần hậu, các cụ chăm dân như chăm con, thương dân như cha mẹ thương con đỏ… Thế nên hôm nay vãn sinh dám liều lĩnh đến đây, xin các cụ rộng lòng, ban cho một mảnh đất ven sông làm nơi trú ngụ. Việc sinh sống, vãn sinh tự liệu lấy, không dám làm phiền đến bất cứ một ai. Vài điều bộc bạch, xin các cụ lấy lòng thương mà lượng xét. Vãn sinh xin cung kính nghe lởi định liệu.”

Giọng chàng thanh nhã, nói năng điềm đạm; xin mà không khúm núm, cũng không ra vẻ mè nheo khiến các cụ ai cũng đem lòng quý mến. Lẽ thường, làng không chấp nhận cho kẻ lạ đến ngụ cư, sợ kẻ ấy làm xáo trộn nề nếp vốn có của dân làng. Tuy nhiên trường hợp chàng trai này không ai nỡ lên tiếng từ chối. Cụ tiên chỉ nhìn cụ lý trưởng, hỏi: “Ý cụ lý ra sao?” Rồi như sợ cụ lý nghiêm khắc, cụ tiên chỉ nói thêm: “Người ta gặp cảnh hoạn nạn, không may, mình cũng nên thương…”

Cụ lý được cụ tiên chỉ hỏi ý, cảm thấy hãnh diện vì mình là một nhân vật quan trọng. Cụ đưa mắt nhìn tất cả mọi người. Khi không thấy bất cứ ai có ý kiến gì khác, cụ mới hắng giọng (cụ này có tính khi nói một điều gì có vẻ quan trọng đều hắng giọng một cái rồi mới nói.) Cụ nói: “Anh kia, lạy tạ cụ tiên chỉ đi. Cụ có lòng nhân từ, chấp nhận lời cầu xin của anh đó.” Chàng trai cúi đầu lạy tạ, không phải chỉ riêng cụ tiên chỉ, mà lạy tạ tất cả các cụ khiến cụ nào cũng mát ruột.

Rồi quay sang ông trưởng thôn Đông, cụ lý trưởng ra lệnh: “Ông đưa anh này về thôn, dẫn ra bãi sông, chỗ đất mới bồi ấy, rào cho anh ấy một khoảnh đất. Nếu anh ấy định lợp cái nhà thì cho tráng đinh đến giúp một hai công.” Trưởng thôn Đông vâng dạ. Chàng trai lạy tạ các cụ một lần nữa rồi theo ông trưởng thôn Đông đi nhận đất.

Việc chàng trai được nhận vào làng chỉ đơn giản như thế nhưng sự có mặt của chàng trong làng không đơn giản chút nào. Nó làm cho cái làng vốn êm ả trở nên xáo trộn. Mà anh ta đâu có làm gì khiến cho làng xáo trộn. Xáo trộn chỉ vì chàng đẹp trai quá, cử chỉ phong nhã quá, nói năng duyên dáng quá. Ngần ấy thứ khiến các cô thôn nữ làm xáo trộn cả cái làng vốn thâm nghiêm, nề nếp.

Chàng họ Mai, tên thì không ai biết. Chàng có chút ăn học nên mọi người gọi chàng là Mai sinh. Không biết Mai sinh có phải là hậu duệ của Mai An Tiêm, ông tổ nghề trồng dưa hấu không, mà chàng ung dung tự tại lắm và làm việc rất cần mẫn.

Sáng sớm tinh mơ, khi những vì sao chưa tắt và nhiều hôm vầng trăng bạc còn lơ lửng trên bầu trời, Mai sinh đã thức giấc. Chàng thả con thuyền trên dòng sông mặt nước còn phẳng lặng. Rồi chỉ với chiếc cần câu mảnh mai, không chài không lưới, chàng đã câu được hai, ba tá cá, cả lớn lẫn nhỏ. Chàng cất tiếng hát trong trẻo và quyến rũ như tiếng hát của Trương Chi, nhẹ đưa thuyền vào bờ. Vài tiếng sau, Mai sinh áo quần tươm tất, xách giỏ cá ra chợ. Chàng đổi cá lấy gạo lấy rau, có khi đổi con cá to lấy cút rượu tăm. Việc đổi chác chóng vánh, Mai sinh xách cái giỏ không, tay kia cầm bó rau, nậm rượu, vai vác túi gạo, lững thững về nhà. Các cô thôn nữ bán hàng trong chợ, nhìn Mai sinh rồi xuýt xoa với nhau: “Người đâu có người! Đẹp cứ như một cây ngọc!” Chính những cô này lúc nãy đã tranh nhau đổi rau, đổi gạo, đổi rượu lấy cá của Mai sinh, cô nào cững trao cho Mai sinh rất hậu hĩnh những món hàng mà các cô đem ra chợ bán.

Chỉ vì Mai sinh mà trong vòng các cô thôn nữ có lườm có nguýt, có hờn có giận. Thế là cái làng đang êm ả bỗng nhiên xáo trộn. Có điều từ ngày Mai sinh đến làng, các cô bỗng đẹp hơn lên. Đi chợ mà các cô diện như đi hội. Nào là yếm đào yếm thắm. Rồi cô nào môi cũng hồng, má cũng đỏ hây hây. Ngoài cái việc ăn trầu cho môi đỏ, các cô còn làm những gì để có má hồng da trắng thì ai mà biết được. Rồi thì miếng trầu ngon trong túi, bùa yêu thơm huyền hoặc giấu sau dải yếm các cô. Các cô khiến cả làng đẹp hẳn lên như hoa nở khắp nơi, như hương bay khắp lối.

Cụ tiên chỉ nhà khá giả. Trước cụ làm quan văn bát phẩm, sau hưu trí về quê hưởng thú yên hà. Dân làng kính trọng, mời cụ làm tiên chỉ. Cụ cười dễ dãi nhận lời. Trước sân nhà, cụ trồng hoa cúc, ra vẻ như các bậc trí sĩ ở ẩn không ưng tiếp khách. Mà nhà cụ cũng ít khách thật, chẳng phải vì họ tôn trọng cái ý tạ khách của cụ, mà vì gặp cụ họ chẳng biết nói chuyện gì, còn những câu cụ nói ra toàn có ý tứ văn chương không mấy ai hiểu. Đã bảo cụ vốn là quan văn bát phẩm. Ấy vậy mà ai cũng kính yêu cụ.

Cụ tiên chỉ họ Bạch. Cụ có hai cô con gái sắc nước hương trời. Người ta không biết tên hai cô hay biết mà vì tôn trọng nên không gọi hai cô bằng tên thì không rõ, chỉ thấy họ gọi cô chị là Bạch tỉ, cô em là Bạch muội.

Khó có thể quyết được rằng Bạch tỉ hay Bạch muội ai đẹp hơn ai. Bạch tỉ dung nhan như tiên chốn Dao Trì. Bạch Muội như nữ thần non Quần Ngọc. Hai nàng đi đến đâu, mọi người chỉ dám liếc nhìn chứ không dám nhìn một cách thô lậu. Đương nhiên hai chị em họ Bạch không phải ra chợ buôn rau buôn gạo. Hai nàng chỉ hằng ngày mặc đẹp, tha thướt ra vào, thỉnh thoảng ra ngoài vườn dạo gót ngắm hoa. Rất ít khi hai nàng ra khỏi ngõ.

Một ngày kia Mai sinh câu được con cá to. Nghĩ đến ơn cụ tiên chỉ, chàng viết bức thư, đưa cho một đứa bé mấy xu, nhờ nó đem đến nhà cụ, mời cụ ghé tệ xá xơi món gỏi cá chàng đích thân chế biến. Cụ tiên chỉ được thư thì nghĩ nhà cửa Mai sinh ọp ẹp quá, chi bằng mời chàng ta đến nhà mình, hai người đánh chén ngoài vườn đầy hoa thơm gió mát, chẳng là sảng khoái lắm ru. Thế là cụ viết lá thư đáp trả, mời Mai sinh đem cá đến nhà mình, làm gỏi tại chỗ rồi cùng nhau đánh chén ngoài vườn. Cụ lại dặn trong thư là Mai sinh chỉ cần đem cá và các thứ rau thôi, rượu thì cụ đã có sẵn hảo tửu trong nhà. Đứa bé sung sướng quá vì được nhận tiền công đưa thư tới hai lần.

Nhận thư của cụ tiên chỉ, Mai sinh vội đem cá và các thứ rau sang nhà cụ. Lần đầu tiên hai chị em Bạch tỉ, Bạch muội nhìn thấy Mai sinh, trái tim cả hai nàng đập lỗi nhịp. Sao mà có anh con trai đẹp người đến như thế này. Đẹp làm điên đảo lòng người. Đẹp khiến người ta chết điếng.

Khi Mai sinh làm gỏi cá, hai nàng lấy cớ muốn học cách làm món ăn ngon, xin bố cho đứng bên cạnh Mai sinh quan sát. Đôi tay ngọc của Mai sinh thoăn thoắt. Nhanh đấy nhưng mỗi cử chỉ đều rất chuẩn xác. Những miếng cá khô khắn lấm tấm thính, đựng trong cái đĩa sứ to , đẹp mắt quá chừng. Rồi biết bao nhiêu là thứ rau, từ lộc vừng, đinh lăng, mơ tam thể, tía tô, húng quế, húng láng, kinh giới, chanh non, ổi non, sung non, đến vài quả sung xanh bổ ra làm sáu, mấy miếng khế thái mỏng nguyên hình ngôi sao vàng ươm, rồi riềng non, gừng non thái chỉ mịn như tơ… Bát ngát là rau! Trông thật là thích mắt. Đến lúc Mai sinh chế món chẻo để chấm gỏi mới tinh tế làm sao. Biết bao nhiêu là thứ mới hợp thành một bát chẻo thơm lừng. Hai chị em cứ mong Mai sinh làm hoài mà chưa xong món gỏi cá để được ở bên cạnh chàng càng lâu càng tốt.

Ngày xuân trời đất đẹp như mơ. Chiếu rượu được dọn ngoài vườn bên luống cúc vàng ươm, dưới những cành hoa mơ hoa mận trắng tinh, mùi thơm thoang thoảng. Rượu ngon, nhắm tốt. Cụ tiên chỉ và Mai sinh mềm môi uống mãi. Hứng chí, cả hai đọc thơ, bình văn cho nhau nghe, cùng cười vang sảng khoái. Đến lúc cả hai cùng say thì được chị em Bạch tỉ Bạch muội dìu vào nhà, vực lên giường nằm nghỉ, mỗi người được đắp một cái chăn mỏng thơm và mịn.

Hai chị em đứng ngắm Mai sinh ngủ mà ngẩn ngơ cả người. Con trai gì mà đẹp thế. Thức thì tươi tắn duyên dáng mà ngủ thì mộng mị quyến rũ. Vì bố cũng say rượu nên hai cô tha hồ đứng ngắm Mai sinh mà không e thẹn, cũng không sợ bị mắng.

Sau hôm ấy hai chị em dò ý nhau xem người kia có mê mệt Mai sinh không, lòng những mong chỉ có mình là mê mệt còn người kia thì sau lúc hiếu kỳ, lòng thấy dửng dưng. Chị hỏi em: “Này! Em yêu dấu ơi, em yêu chàng Mai rồi, phải không?” Hỏi thế, Bạch tỉ chỉ mong em chối phứt thì Mai sinh sẽ thuộc về mình. Thế nhưng khi nghe chị hỏi, Bạch muội đỏ ửng mặt rồi e thẹn gật đầu. Đến lần Bạch muội, nàng cũng dò ý chị nên hỏi: “Này! Chị yêu dấu ơi, chị cũng yêu chàng Mai rồi, phải không?” Nghe em hỏi như thế, cả đầu óc lẫn trái tim Bạch tỉ đều làm việc. Trí óc nàng bảo nàng cứ nhận là mình yêu Mai sinh lắm. Bạch muội là phận em, phải nhường Mai sinh cho mình thôi. Tuy nhiên trái tim Bạch tỉ là trái tim của người chị thương em. Trái tim ấy khuyên nàng nên hy sinh cho em được hạnh phúc. Cuối cùng trái tim đã thắng đầu óc. Nàng trả lời em: “Không đâu, em yêu dấu của chị. Anh chàng ấy chỉ gợi cho chị chút hiếu kỳ thôi chứ không làm cho chị yêu được. Em không biết đấy thôi, chị kén chồng lắm, chỉ mong lấy hoàng tử thôi!”

Bạch muội nghe chị trả lời như thế thì vui mừng. Thế nhưng trái tim của Bạch muội là trái tim biết nghi ngờ. Trái tim ấy nó khôn lắm, nó bảo nàng: “Chị Bạch tỉ nói thế thôi, chứ nhìn mắt chị, ta thấy chị yêu Mai sinh chết mê chết mệt!”

Một hôm Bạch muội cầm lòng không được mới nói với chị rằng: “Em đoan chắc rằng nếu chị và Mai sinh có dịp gần gũi nhau nhiều hơn thì thế nào cũng một là chị yêu Mai sinh, hai là Mai sinh yêu chị. Mà dễ chừng cả hai người yêu nhau cũng nên.”

Bạch tỉ nghe thế thì buồn nhưng không giận em vì đó là sự thật. Thế nhưng nếu như thế thì Bạch muội đau khổ lắm. Bạch tỉ đã nhiều đêm khóc thầm, rồi nàng quyết định.

Một hôm hai chị em ra vườn chơi. Đi dạo chán, hai chị em ngồi bên gốc cây mơ nghỉ mệt. Gió thổi hiu hiu khiến Bạch muội buồn ngủ. Nàng dựa đầu vào vai chị mà ngủ. Thấy em ngủ say, Bạch tỉ nhẹ nhàng rút trong tay áo rộng ra một lưỡi dao mỏng và rất sắc. Nàng quyết định rồi. Chỉ khi nào nàng không còn trên cõi đời này nữa thì Bạch muội mới yên tâm là không có ai tranh giành Mai sinh với mình. Nàng hy sinh, hy sinh cả mạng sống vì thương em.

Áp lưỡi dao lên cổ tay, Bạch tỉ rùng mình vì khí lạnh. Nàng định thần, nhắm mắt, cứa lưỡi dao vào cổ tay tròn trĩnh trắng ngần. Dòng máu tươi và ấm tuôn ra, nhuộm đỏ tấm áo trắng của nàng; nhuộm đỏ cả làn da trắng như bông bưởi của nàng. Bạch tỉ gục xuống, hơi thở yếu dần. Mắt nàng nhìn không rõ nữa. Mơ màng, nàng nhìn thấy hình bóng Mai sinh lờ mờ như ẩn như hiện. Nàng cất giọng gọi Mai sinh nhưng không thành tiếng. Linh hồn Bạch tỉ bay lên, là đà chỗ chị em ngồi.

Bạch muội thức giấc vì đầu mất chỗ dựa. Mở mắt, nàng nhìn thấy chị đã chết. Máu nhuộm đỏ áo, đỏ tấm thân chị. Qua vài phút sửng sốt, Bạch muội hiểu được nguyên do Bạch tỉ tự kết liễu đời mình. Thương chị quá, trái tim nàng như thắt lại. Rồi trong cơn xúc động trào dâng, nàng gục chết trên xác chị. Hai chị em, một đỏ, một trắng ôm lấy nhau. Hai tấm linh hồn ra khỏi xác, quấn quýt bên nhau.

Hôm ấy song thân đi vắng cả. Khi về, cụ tiên chỉ và hiền nội thấy cửa nhà yên ắng không một tiếng động. Vào nhà, không thấy hai con đâu, cụ tiên chỉ chạy vội ra vườn thì thấy dưới gốc mơ có hai cây đào mới mọc lên bên xác hai con đã ôm nhau mà chết. Cụ khóc hết nước mắt.

Nghe tin, Mai sinh vội đến nhà cụ tiên chỉ. Chàng ra vườn, ôm lấy xác hai nàng mà than vãn. Sau đám tang của hai nàng, Mai sinh xin cụ tiên chỉ cho bứng lấy hai cây đào nhỏ. Cụ tiên chỉ chiều lòng. Trong cơn đau khổ cùng cực, cụ vẫn nhân từ.

Mai sinh trồng hai cây đào trong vườn sau nhà mình. Chỉ một năm thôi, hai cây lớn nhanh như thổi. Lạ lùng là tuy hai gốc đào trồng khá xa nhau nhưng cành lá của hai cây cứ vươn dài ra để chạm được nhau.

Mùa xuân năm ấy, cả hai cây đào đều nở hoa. Một cây nở hoa màu đỏ thắm. Một cây nở hoa màu trắng tinh. Mai sinh gọi cây đào ra hoa đỏ là Cô Hồng, cây ra hoa trắng là Cô Bạch. Thỉnh thoảng có người đi ngang qua nhà Mai sinh, thấy chàng đi lại trong vườn, nói cười lảm nhảm một mình. Người ta tưởng chàng bị điên. Thật ra chàng đang chuyện trò với Cô Hồng, Cô Bạch.


Quyên Di

Truyện Về Người Tù Cải Tạo Vượt Ngục - Trần Ngọc Bình

 

Đã 2 ngày rồi, người mang rau cho nhà bếp của trại tù Phong Quang là anh đội phó chứ không phải là anh đội trưởng Rau Xanh như mọi ngày (anh em tù chúng tôi phải tự cải thiện đời sống bằng cách tự trồng rau)... Không kềm nổi sự tò mò, tôi dọ dẫm khi anh đội phó đến giao rau lần thứ ba:
- Bộ anh C. đau hay sao mà anh đi thay thế vậy kìa?
Tuy mới chỉ sống với chế độ “người dò xét người” có 3 năm thôi, nhưng anh đội phó quả là nhạy bén vì đã tạo được thói quen như người dân miền Bắc khi phải sống trong cái xã hội “đỉnh cao của sự người dò xét người” trong đó mỗi người dân trước khi nói điều gì đều phải trông trước trông sau xem có người thứ ba nào đó ở gần hay không vì sợ người thứ ba quá “tiến bộ” sẽ đi báo cáo mình thì phiền, nên khi thấy không ai ở gần bèn nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
- C. trốn trại rồi.
Nghe đến đây, tự nhiên tôi mường tượng đến đôi cánh chim tung trời tim đường đến tự do mà lòng thầm mơ ước mình cũng có dịp may như người bạn tù của mình nay đã vỗ cánh bay cao, bay xa tít về cuối chân trời, thoát ly được gông cùm xiềng xích nơi ngục tù tăm tối. Vì tự ngàn xưa và chắc chắn là cho đến ngàn sau thì cái chân lý rất đơn giản mà ai ai cũng phải công nhận là đúng, là không sai chạy dù một ly, đã được diễn tả trong câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày trong tù thì bằng cả ngàn năm ở ngoài).

Kể từ hôm đó, những anh em tù chúng tôi sau khi bị xúc động về việc này, có bàn ra tán vào thì cũng chỉ rỉ tai nhau rồi đâu lại vào đấy, lại lao động triền miên cho đến mệt lử, chiều về ăn chén cơm tù độn khoai hay sắn hoặc cái “chuông xe đạp mỏng teng”(đây là chữ anh em dùng để chỉ chiếc bánh mì luộc) rồi lên “chuồng” cố dỗ giấc ngủ cho qua cơn đói để rồi sáng mai lại trở lại kiếp tù lao động khổ sai không án nên chẳng biết ngày nào “tung cách chim tìm về tổ ấm” để gặp lại những người thân trong gia đình để “cho bõ lúc sầu xa cách nhớ”.

Kiếp tù đày cứ lặng lẽ trôi qua và lời của bản nhạc ngày xưa tự nhiên lại trở về trong ký ức trong đêm trường nỉ non tiếng côn trùng:
Ngày nào gặp nhau, yêu nhau rồi sống bên nhau
Những tưởng dài lâu như trăng như sao cho đến bạc đầu
Nào ngờ giờ đây ta ly tan giữa cơn lạc loài
Giữa chốn u mê đêm đêm một người nhớ thương một người....

Phải chăng “giữa chốn u mê” mà tác giả muốn nói tới ở đây hay là đã “tiên tri” được đó là chốn lao tù, mà quả thật thế, chốn lao tù cho dù đã được ngụy trang là “Trại Cải Tạo” thì bản chất vẫn không thay đổi, đâu có đánh lừa được ai, ngay cả đến con nít cũng thắc mắc khi được mẹ cho biết là “Ba đi học tập” thì bé đã hỏi lại mẹ: “Ủa, sao đi học lâu quá vậy, sao không về nhà?” Vào thời kỳ đó và ngay cả cho đến bây giờ, dù cho ở “trong” hay “ngoài” thì chỉ khác nhau ở chỗ tù lớn hay tù nhỏ mà thôi. Chả thế mà ca sĩ kiêm nhạc sĩ TVT đã chẳng phát biểu khi vượt thoát đến được bến bờ tự do: “Ở trong nước cái cột đèn, nếu nó đi được, nó cũng đi” để nói về tâm trạng của người dân Miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 75 đó sao.

Một thời gian sau đó, một cán bộ trong trại răn đe:
- Các anh đừng tưởng trốn trại mà không bị bắt lại là lầm to.
Thế nhưng sau lời răn đe đó, chúng tôi thấy anh C. vẫn là “bóng chim tăm cá” và ai ai trong đám anh em tù cũng cho là Trại chỉ hăm he để chúng tôi khỏi noi theo tấm gương vĩ đại của anh C. mà thôi chứ anh C. đã thật sự tung cánh về miền tự do rồi.

Nhưng, lại chữ “nhưng” quái ác vẫn thường trở lại làm tiêu tan giấc mộng đẹp trong đời sống bình thường của chúng tôi, riêng tôi cứ mở to mắt nhìn mà cứ tưởng như mình ngủ mê vì trong đám tù chúng tôi di chuyển về Trại Nam Hà vào cuối năm 78, hôm đó có anh C. bị “mợ Tám” khóa chặt một tay còn tay kia thì bị còng dính vào tay của một anh nữa mà tôi không biết tên, anh này thì một cánh tay còn bị băng bột có lẽ bị gẫy hay sao đó, nghĩa là cứ 2 người chung nhau 1 còng để mà hưởng cái hạnh phúc không độc lập mà cũng chẳng có tự do của người tù khốn khổ mỗi khi chuyển trại. Mãi về sau này, chúng tôi mới biết lý do sự chuyển trại là do Tàu sắp tấn công và xâm lăng Việt Nam như cha ông họ đã làm đối với dân tộc ta từ ngàn xưa vì đó là giấc mộng Đại Hán mà dân tộc họ luôn ấp ủ trong tâm khảm.
Trại tù nào cũng giống trại tù nào, khi đến trại mới lại “học tập” đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, lại khai lý lịch và anh em chúng tôi không ai bảo ai, người nào cũng có một mẫu khai dự phòng nên lại lấy mẫu khai này rồi điền vào “chỗ trống cho hợp nghĩa” thế là xong.

Một hôm, tại khu A ở trại tù Nam Hà, chúng tôi bị tập trung ra sân để nghe nói chuyện, người nói không xưng tên, chức vụ, đây vẫn là thói quen làm việc “ban đêm”, thói quen giấu diếm của những người làm những việc tự thấy là không chính trực mà thói quen này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay mà điển hình là khi họ ký hiệp ước dâng một phần “máu thịt” của mẹ Việt Nam cho kẻ thù truyền kiếp mà không dám công khai cho toàn dân biết và các thói quen này cũng đã nói lên cái bản chất coi thường, khinh rẻ người “chủ” của chế độ như Cộng Sản vẫn luôn luôn rêu rao để mị dân. Hắn ta chỉ nói là: Tàu xâm lăng Việt Nam và chúng ta đã bị thua đậm, thế thôi và nhấn mạnh, nếu cần, sẽ sử dụng khả năng sẵn có của “các anh” tức là của đám tù khốn khổ chúng tôi để “bảo vệ quê hương”. Cay đắng cho tụi tôi chưa, bị kết án đủ thứ tội nhưng không dám đưa chúng tôi ra xử công khai và giờ đây sau 4 năm tù thì được “người ta” cho biết là chúng tôi vẫn còn có một quê hương để mà bảo vệ.

Đọc đến đây chắc quý bạn đọc thân mến sẽ tự hỏi: “Ô hay cái ông này, chẳng thấy đâu là câu chuyện tù vượt trại gì hết, cứ thấy ông nói lòng nói vòng hoài à!”
Vâng, thưa quý vị, hình như càng lớn tuổi thì người ta càng tin vào thuyết định mệnh an bài mà ông Trời đã dành cho mỗi người:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao. (Kiều).
Tôi, như trong câu Kiều nói trên, đã phải chịu “phong trần” từ năm 1979 là năm tôi biết được phần đầu của câu chuyện và mãi cho tới năm 1985 tức là 6 năm sau, khi có cái may mắn thoát chết vì bệnh phù thũng để rồi qua bao lần chuyển trại và có lẽ do định mệnh hay do ông Trời sắp xếp nên đã được nằm cạnh anh C. và mừng hết lớn, tôi không quên hỏi anh về câu chuyện trốn khỏi trại tù hồi đó.

Khi được hỏi, anh ra hiệu cho tôi ra khỏi buồng tù và sau đây là lời kể chuyện của anh:
“Lúc ở trại Phong Quang, nơi đội Rau Xanh trồng rau thì lại gần lò gạch do tù hình sự đảm trách.Trong những lúc giải lao, thì tụi này thường hay ngồi cùng với mấy anh em tù hình sự, mới đầu thì hai bên còn giữ ý, sau một thời gian thì điếu thuốc qua, bi thuốc lào lại nên đã dần dần thu hẹp lại khoảng cách biệt và từ đó trong câu chuyện đã có sự thân mật dẫn đến sự trao đổi tâm tình.

Tù hình sự phần đông là những người nghèo khổ, giáo dục gia đình hầu như không có nên đa số ăn nói lỗ mãng, mở miệng là các loại “hỏa tiễn made in North Viet Nam” như đ..m...,đ..b...bay ra ầm ầm, làm choáng váng người nghe, phải nói như vậy là để thấy sự sa đọa về giáo dục,về con người của “xã hội chủ nghĩa Miền Bắc”; vì khi bị giam chung với tù hình sự Miền Nam ở Long Giao, những anh em tù này tuy là hình sự nhưng tôi không bao giờ thấy các anh em này sử dụng các loại “hỏa tiễn” nói trên. Câu nói của họ khi tiếp xúc với chúng tôi luôn luôn tỏ ra có sự trân trọng và tỏ ra rất lễ độ, và mỗi lần trông thấy anh em chúng tôi ở phía xa xa là không ai bảo, họ đều chào to bằng câu là “Đại bàng gẫy cánh se sẻ cụt đuôi” và trong cung cách vẫn tỏ ra có sự thương mến tụi tôi tuy rằng chúng tôi là những người thất thế.

Các cán bộ Cộng Sản, khi thuyết giảng vẫn thường rêu rao là Miền Nam đồi trụy có tới 300,000 đĩ điếm và trộm cắp đầy rẫy, cứ làm như là trong thiên đường của Cộng Sản là thiên đường thật sự nên không có tù hình sự! Thế thì các trại tù như Phong Quang, Nam Hà và còn biết bao nhiêu nữa ở Miền Bắc chắc là để nhốt muỗi hay sao đây!

Trong số các anh em tù hình sự đó, tôi để ý thấy một anh rất ít nói, nét mặt lúc nào cũng đăm chiêu, tư lự, lân la tôi, làm quen, ngay từ lời nói đầu tiên, tôi giật mình vì nhận ra anh ấy là người Quãng Ngãi, cùng quê với tôi, và cứ mỗi ngày một chút dần dần 2 chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn và một khám phá nữa càng làm tôi giật mình hơn nữa, không những cùng tỉnh mà còn cùng làng nữa, vì khi nhắc đến những bậc vai vế trong làng thì cả anh ấy và tôi đều cùng biết rõ như là bàn tay có 5 ngón!
Cho đến một hôm, khi tình bạn đã đậm nét thì chúng tôi lại khám phá thêm ra là chúng tôi còn có họ hàng xa nữa. Đến đây thì, anh TTB, ta cứ gọi tắt là B. cho tiện, mới tiết lộ:
- Trung Quốc và Việt Nam không thuận, có muốn vượt trại không?
Tôi hỏi lại B:
- Vượt trại thì được rồi nhưng còn gia đình B thì sao?
Đến đây B. mới cho biết, trước khi bị tù, anh ta làm ở Đại Sứ Quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Đông Đức, mỗi khi có cuộc họp báo hay biến cố quan trọng nào ở Tây Bá Linh thì đều phải tham dự và viết báo cáo gởi về Việt Na. Đi cùng có 2 người nữa, và mỗi người đều có một khẩu súng lục với chỉ thị nếu ai định đào tị sang Thế Giới Tự Do thì khẩu súng sẽ làm nhiệm vụ của nó, nói nôm na là phải thanh toán, phải giết người vì người đó đã bị “nọc độc của chế độ tư bản” làm hư hỏng và lần nào cũng vậy, cả 3 phải canh chừng lẫn nhau, dĩ nhiên trong 3 người thì B là chính còn 2 người kia là “cai tù” tuy rằng điều này không ai nói cho biết.

Cho đến một hôm, Tòa Đại Sứ nhận được công điện của Bộ Ngoại Giao trao tặng cho B. một huân chương vì những thành quả đạt được và triệu hồi B. về nước để nhận, dĩ nhiên ông Đại Sứ rất mừng và cho làm tiệc tiễn hành một nhân viên xuất sắc dưới quyền khiến ông được thơm lây theo như phong tục của người Việt ta.
Khi về tới nơi, anh ta mới bật ngửa vì chỉ thấy công an “dàn chào” cẩn thận, không cho gặp mặt vợ con dù chỉ là 1 phút và đưa vào trại tù ngay lập tức với lý do trong những bài viết gởi về, “người ta” đã khám phá ra là B. đã manh nha những tư tưởng phản động, chỉ “manh nha” thôi, chứ không có bằng chứng gì là phạm tội đâu nhé mà đã bị kết án rồi, không cần tòa án xét xử dù cho chỉ có hình thức thôi, vì tòa án cũng là của Đảng mà.

Tới đây thì mình mới hiểu thật rõ câu “độc tài Đảng trị” ghê gớm như thế nào vì nếu có cách gì mà Đảng “nắm” được không khí thì chắc chắn là Đảng sẽ chẳng ngại ngần gì mà không phân phối để nắm chặt thêm quyền thống trị hơn nữa như là Đảng đã từng làm với chế độ tem phiếu. Bị tù rồi, thì mới thấy ở nước ta trong chế độ Cộng Sản, dù đêm hay ngày thì người “chủ” chỉ thấy có ban đêm mà thôi mà là đêm không cùng, chừng nào mà cái chế độ tàn ác này còn tồn tại, trong khi đó thì “tớ” mới có cả ngày lẫn đêm để tìm tòi, suy nghĩ tùy nghi sử dụng bàn tay sinh sát của mình để làm tình làm tội và bóc lột “chủ”, xua “chủ” đi giải phóng miền Nam để chết thay cho “tớ”!

Còn vợ của tôi ư, hiện nay bà ấy đang dạy học ở Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, thế nhưng bị kết tội như tôi, nhất là tội về “tư tưởng”, thì kể như tiêu tán đường rồi và mình nên kiếm chước “tẩu vi thượng sách” là hơn và cứ coi như mình hay vợ mình đã chết thì mình mới dễ dàng quyết định. Đây là dịp để mình thử thời vận như các cụ ta vẫn thường nói: “Được ăn cả, ngã về không”, vả lại, đời tôi kể như bỏ rồi!”
Kể đến anh nói một câu gở miệng:
- Đằng nào cũng chết, không chết trước thì cũng chết sau mà.
Rồi như một thi sĩ chính hiệu con nai vàng ngơ ngác, B. tằng hắng lấy giọng rồi ngâm khe khẽ:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”

Như vậy, đối với B. thì đã xong, ngoài ra tôi còn rủ thêm được người bạn thân của tôi là Th. T/N. cùng tôi trốn trại nữa, N. là bạn thân của tôi từ hồi nào đến giờ. Là người trầm tĩnh, kín đáo, N. rất dè dặt từng lời nói do đó mới có thể bảo mật được kế hoạch trốn trại vì người Pháp đã chẳng có câu: “Sự bí mật của hai người là sự bí mật của tất cả mọi người” đó sao và đúng như sự đánh giá của tôi, N. quả thật đã không phụ sự kỳ vọng mà tôi tin tưởng nơi anh.

Việc nhín chút cơm, chút muối thì B. lo, cho đến ngày đã định, chúng tôi kiếm cớ vào rừng lấy củi về nấu nước cho anh em rồi dông một mạch. Vì tù đông nên mỗi đội khoảng từ 35 đến 40 người được cấp phát một đôi thùng để nấu nước uống phát cho anh em ngay tại hiện trường lao động, còn nhà bếp của Trại chỉ lo việc ẩm thực mà thôi.

Cứ ngày nghỉ đêm đi, vì nếu đi ban ngày dân thấy thì bị lộ, chẳng bao lâu thì đã đến con sông phân chia ranh giới hai nước vì trại tù Phong Quang chỉ cách Trung Quốc có 16 cây số đường chim bay mà thôi. Tới được nơi đây thì cả 3 đã quá mệt mỏi, nên sau khi thảo luận tất cả đều đồng ý là hãy nghỉ cho khỏe rồi lúc mát trời vào lúc xế chiều sẽ đốn chuối làm bè qua sông, tự do đã ở trong tầm tay chỉ với ra là nắm, là bắt được liền vì nhìn qua phía bờ bên kia chúng tôi đã thấy 1 vài người Hoa đang làm ruộng, đầu đội nón rộng vành ở phía xa xa, và đó là sơ sót thật là đáng trách khiến về sau này chúng tôi cứ ân hận mãi. Thật là không có cái dại nào giống cái dại nào, cơ hội đã đến lại để vuột mất, y chang cái túi khôn của người Tây Phương đã được diễn tả trong câu: “Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai cả”.

Sau khi đã quyết định như vậy rồi, chúng tôi mỗi người tìm một bụi cây rồi chui vào ngủ, và vì quá mệt mỏi nên cả 3 đều ngủ quên đến khi nghe tiếng chó sủa thì lúc đó trời đã tối đen, B vội lao mình xuống sông nhưng không kịp nữa rồi, một tràng AK vang lên trong đêm trường tịch mịch và tiếp theo đó là một tràng AK nữa khi Th.TN. lao mình tiếp theo cùng với B. Riêng phần tôi, một con chó berger Đức ở đâu gầm gừ lao tới, mõm đớp chặt ống quần khiến tôi không cục cựa gì được, 1 tên công an chĩa súng AK vào ngay mặt tôi, miệng quát lên:
- Động đậy ông bắn chết bây giờ.

Sau đó là màn đòn thù liên tiếp giáng xuống, khỏi cần nói cũng biết là thê thảm đến như thế nào rồi, riêng B. vì đạn trúng tim nên chết tại chỗ, còn N. thì đạn trúng cánh tay phải nên bị gẫy tay. Khi về đến trạm công an biên phòng lại một trận đòn thù còn thê thảm hơn thế nữa khi họ khám phá ra là chúng tôi là tù trốn trại chứ không phải là những người buôn lậu.

Cuộc trốn trại không thành công nhưng tôi vẫn tự hào là tôi và những người cùng tham gia đã giữ được bí mật đến phút chót, đã qua mặt được đám cai tù, chỉ có một điều ân hận là không biết cái chết của anh B. có được thông báo cho gia đình anh ấy không, chắc chắn là nếu có, thì họ cũng giấu nhẹm lý do anh ấy bị chết, vì đó là bản chất của họ.
Tôi tự an ủi là phần tinh anh của con người không bao giờ chết, chả thế mà trong Kiều có câu:
“Thác là thể phách, còn là tinh anh.”
Và chắc chắn là anh B. khi qua bên kia thế giới vĩnh hằng anh đã không còn điều gì ân hận vì phần tinh anh của anh giúp anh biết được là anh đã chết và chết như một con người tự do”.


Trần Ngọc Bình

Ngang Qua Ký Ức - Trầm Vân

Thursday, July 3, 2025

Mùa Ấu Quê Nhà - Đức Ngôn


Hằng năm, cứ đến mùa nước nổi là đồng ruộng ở khu vực ĐBSCL lại ngập tràn ấu, một trong những loại cây nhiều người dân chọn trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa lũ.

Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Bởi thế, cứ đến mùa nước nổi, trong lòng mỗi người con xa xứ lại nhớ về mùa ấu quê hương.

Từ lâu loại cây thủy sinh này đã gắn bó với quê tôi – một vùng đất trũng hay bị ngập nước và thường xuyên có lũ về. Không biết ai là người đầu tiên tìm được loại cây trồng thích hợp như ấu để giúp bà con tăng thu nhập cho gia đình trong mùa nước nổi, ai là người đầu tiên thấy được cái trắng trong tinh khiết trong những trái ấu xù xì mộc mạc nép mình khiêm tốn dưới những lớp lá non.

Có người gọi trái ấu, có người gọi củ ấu, cách nào cũng được, cũng là ấu mà thôi.

Ca dao có câu:

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

Đó chính là đặc điểm của trái ấu. Dù vẻ ngoài đen đúa, méo mó, gai góc nhưng bên trong lại trắng nõn, ngọt bùi. Có rất nhiều loại ấu: ấu Đài Loan, ấu gai… nhưng ở quê tôi trồng phổ biến ấu sừng trâu vì loại này dễ trồng lại cho rất nhiều trái.


Từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, nhất là mùa nước về, những chiếc lá ấu như hàng ngàn bàn tay bé xíu xanh mướt đang xòe ra đón ánh nắng mặt trời, những chiếc lá ấu tươi tốt báo hiệu một mùa ấu bội thu. Với trẻ con, mùa này vui lắm. Thích nhất là lúc rủ nhau ra ruộng ấu hái những trái ấu non, đứa nào cũng hào hứng. Đứa trên bờ nhặt ấu, đứa xuống ruộng hái. Ban đầu còn đứng trên bờ, sau đó lội luôn xuống ruộng ấu. Vỏ ấu non rất mềm và dễ tách, không cứng như ấu già nên chúng tôi rất thích.

Nói vậy chứ hái ấu vất vả lắm, phải lội trong nước cả ngày, đôi khi còn bị gai ấu đâm vào tay tứa máu. Bà con quê tôi vẫn hay đùa “hái ấu riết mặt cũng đen như trái ấu”, vậy mà không ai nỡ bỏ cái nghề trồng ấu này. Ba má tôi cũng như bà con trong vùng đều sống bằng nghề trồng ấu từ lâu lắm rồi. Dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, những ruộng ấu tốt tươi đã cùng bao người dân vượt qua khó khăn vất vả. Nhiều người còn tận dụng những ao nước, ruộng ngập nước trong mùa lũ để trồng. Cứ nhà này thu hoạch thì nhà kia đến giúp không phải trả tiền thuê mướn. 

Mùa ấu đến cũng là lúc má tôi vất vả nhất, vừa thu hoạch bán ấu, vừa lo cơm nước gia đình nhưng má không quên dành phần cho chúng tôi nồi ấu luộc đầu mùa ngọt lịm. Và cũng đến mùa ấu là nhà tôi lại có nhiều món ăn được chế biến từ loại trái đặc biệt này. Nào là ấu luộc, ấu nấu chè, ấu non ăn sống… nhưng tôi thích nhất là món canh trái ấu. Có lẽ má muốn đãi cả nhà một bữa thật ngon bù lại những ngày vất vả và mừng ấu trúng mùa.

Bữa cơm gia đình đầm ấm chan chứa thương yêu thoang thoảng mùi hương ấu đầu mùa mãi là ký ức đẹp trong tuổi thơ tôi và cái âm thanh lốp cốp của những trái ấu già va vào thành nồi đã trở thành quen thuộc.

Với trẻ con vùng đất ấu như chúng tôi, mùa này ngày nào cũng được ăn ấu, ăn mãi thành ghiền, có khi chúng tôi còn lấy cọng dừa xâu ấu lại thành chùm như một chùm sừng trâu ngộ nghĩnh rồi đọ xem xâu ấu của đứa nào kết được dài hơn. Ấu luộc khoảng 30 phút là chín, lúc đó vỏ ấu lại chuyển sang màu đen như những cái sừng trâu, đúng như tên gọi của nó: ấu sừng trâu.


Ba thường dạy chúng tôi đừng đánh giá việc gì hay nhận xét một con người chỉ qua vẻ bề ngoài. Cũng như trái ấu vậy, bề ngoài trông méo mó, đen đúa, xù xì vậy mà bên trong lại trắng ngần, rất bùi, rất thơm. Những gai góc đắng cay đã theo ba suốt bao năm trời để cho chúng tôi có được cái ngọt, cái ngon trong cuộc đời này.

 

Đức Ngôn