Saturday, April 30, 2016

Nỗi Nhớ Tháng Tư - Đỗ Công Luận

Khi Con Người Muốn Làm Con Bò - Hòang Lân


(Câu chuyện thật của một bác sĩ ở Việt Nam sau ngày 30-4-1975)

Tôi là một bác sĩ y khoa. Thời chiến ở miền Nam, hầu hết các bác sĩ đều phải vào quân đội, nhiệm vụ săn sóc sức khỏe cho quân nhân và gia đình, đôi khi làm dân sự vụ khám bệnh miễn phí cho người dân. Trên mặt trận, ngoài việc điều trị thương binh, có lúc tôi gặp bộ đội hoặc cán bộ cộng sản bị thương và bị bắt, tôi vẫn chăm sóc cho họ mà không cần biết trước mặt mình là ai, bạn hay thù.

Sau  ngày 30 tháng 4 năm 1975, như số phận nổi trôi của đất nước, như hoàn cảnh của hầu hết người dân miền Nam, tôi được lệnh phải trình diện chính quyền mới được gọi là “chính quyền cách mạng” để được đi “cải tạo” trở thành “người mới xã hội chủ nghĩa”. Theo thông cáo của ủy ban quân quản, các sĩ quan như tôi cần mang theo tiền bạc đủ cho 30 ngày ăn. Mọi người hăm hở tranh nhau “đăng ký” mong rằng đi sớm sẽ về sớm trong vòng một tháng.

Sau thời gian dài được gạn lọc, tra hỏi, và khi đã hoàn tất “9 bài học căn bản” tôi được tàu đổ bộ cũ của hải quân VNCH đưa từ Trà Nóc (Cần Thơ) xuống vùng U Minh, thuộc An Giang Rạch Giá Cà Mau với nhiệm vụ dựng lên những lán trại dành cho các toán tù cải tạo khác xuống trụ lâu dài. Chỗ ở chúng tôi là những căn chòi xiêu vẹo mất nóc, xung quanh trống trơn dựng trên các mô đất cao chống ngập, chúng tôi phải cấp tốc sửa chữa che mưa che nắng, đêm đêm rắn bò dưới chiếu nằm không dám nhúc nhích.

Mỗi ngày chúng tôi phải rời trại thật sớm lên rừng tràm xa 5 cây số và trở về trước 5 giờ chiều. Ở đây trời sập tối rất nhanh, muỗi  bay vo vo trên đầu như chuồn chuồn, chúng liều mạng bám vào da thịt hút máu không thể đuổi kịp. Mỗi ngày mỗi người chúng tôi phải mang về nhà 3 cây tràm từ 5 đến 10 thước, bề tròn khoảng một ôm nhỏ dùng làm cột trại chờ đón các toán khác.

Rừng tràm U minh dầy đặc, ẩm thấp, tối tăm, đầy rẫy sinh vật rắn, rết, bò cạp.. cực độc. Đường lưu thông chỉ là những con kinh rạch ngang dọc được đào trước đây sâu tới ngực, ngang cỡ vài mét, lâu ngày không xử dụng nước màu đen sẫm như nước cống, bốc mùi sình hôi hám, ruồi nhặng bay vo ve.

Chúng tôi chui vào rừng đẫm nước màu đỏ của cây tràm, dùng rựa đốn mỗi người 3 cây, cùng xúm nhau kéo từng cây ra bờ kinh. Trong rừng có loại dây leo gọi là dây “trại” giống  như dây mây, dẻo dai, tôi dùng bó 3 cây thành một rồi đẩy xuống lòng kinh. Tuy nặng nhưng cây nổi dưới nước, tôi quàng vào cổ rồi cố sức kéo bồng bềnh theo dòng kinh, chẳng khác gì con trâu kéo cày bì bõm dưới ruộng nước.

Một hôm trời mưa tầm tã, tôi trầm mình dưới dòng kinh hôi hám cố kéo khối cây về trại cho kịp ngày. Trên bờ, hai bộ đội du kích lầm lì tay cầm súng AK như sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ tù nhân nào có ý trốn trại.

Lúc đó tôi cảm thấy buồn và nhục. Một người bình thường cũng không thể bị đối xử như vậy huống chi một bác sĩ như tôi. Ít ra trong xã hội tôi cũng giúp ích được cho bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho nhiều người, chưa nói được kính trọng, nâng niu.

Vậy mà hôm nay dưới chính quyền được gọi là cách mạng, hứa hẹn mang hạnh phúc ấm no về với nhân dân, sự thật phũ phàng cho thân phận người dân miền Nam được xếp vào thành phần “Ngụy”, từ nông thôn đến thành thị, tất cả đều hưởng một cuộc “đổi đời” đích đáng. Tôi không cầm được giọt nước mắt, nước mắt chan hòa lẫn với nước mưa lạnh giá, cố nuốt trôi đi nỗi chua xót đắng cay của kiếp con người.

Cùng lúc ấy trên bờ kinh có đàn bò đang gặm cỏ. Những con bò thư thái, bình yên hình như chúng không biết cảnh đau lòng xung quanh, của loài người mà chúng từng hợp tác kéo cày sản xuất lúa gạo; chúng vẫn ung dung, lâu lâu ngước nhìn những con người đang hì hục kéo cây tràm dưới dòng kinh rồi tiếp tục cúi đầu nhai cỏ.

Trước cảnh đàn bò ăn cỏ, cảnh bộ đội cầm AK sẵn sàng nhả đạn, nhìn số phận của mình và các bạn tù, tự nhiên tôi có ý tưởng muốn được đổi đời, một cuộc đời mới hạnh phúc hơn: tôi muốn được trở thành con bò để được tự do gặm cỏ, lâu lâu ngước nhìn thế thái nhân tình mà không phải lo âu, tủi nhục như chúng tôi hiện nay.

Một làn gió mạnh thổi tạt qua. Những hạt mưa nặng trĩu làm da mặt tôi buốt rát, tôi chợt tỉnh. Tôi đang là con người, đang được “cải tạo” để trở thành người của xã hội mới.

Năm 1979 khi ca sĩ Joan Baez phỏng vấn trên đảo tỵ nạn ở Nam Dương, tôi thuật lại câu chuyện “muốn làm con bò” ở trên cùng một số câu chuyện mà tôi trực tiếp kinh nghiệm dưới chế độ ở Việt Nam sau 1975. Joan Baez cũng hỏi nhiều người tỵ nạn khác. Tất cả đều thuật lại những câu chuyện tương tự nhưng khác hoàn cảnh, tất cả đều nói lên tiếng nói như nhau: chế độ ở Việt Nam sau 1975 thật sự chỉ là một chế độ tàn bạo, nhà cầm quyền khéo léo che dấu từ nay đã lộ rõ. Người ca sĩ từng hoạt động phản chiến, từng ca ngợi Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từng chống Hoa Kỳ có mặt tại miền Nam đã phải cảm động, bà đã thức tỉnh, bà cùng nhiều trí thức trên thế giới đăng thư ngỏ trên tờ Washington Post phản đối nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại.

Hôm nay tôi viết lại câu chuyện này trên đất nước người, không còn phải cực khổ như xưa, nhưng tôi có thể hình dung được vẫn còn biết bao nhiêu đồng bào của tôi tại quê nhà đang muốn được làm con bò như tôi trước đây.

Tháng 3, 2015
Hoàng Lân

Tháng Tư Mùa Thu Úc Châu - Phong Lan

Chú thích *Dương Văn Minh

Friday, April 29, 2016

Ảnh Vui: Bố Mẹ Thời Internet


Bóng Mù Khơi Tan Tác Tấn Tuồng - Trần Minh Hiền

Ai Sẽ Chôn Cộng Sản? - Lê Văn (danlambao)


Chưa bao giờ trong suốt ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt, số mạng của một đảng ngoại lai, mại bản đã dựng lên chế độ phá nước một cách toàn diện như đảng cộng sản VN - mà thời "cực thịnh" của nó chính là thời "cực mạc" của dân tộc - cuối cùng phải đến hồi giãy chết.

Như là định luật "già phải chết", nhưng tại sao tuổi thọ của đảng CSVN đến hôm nay già hơn so với các đcs Nga hay Đông Âu? Vì sao nó sống lâu nhỉ? Đó là vì từ chính cái đặc điểm hình thành của nó: đảng cộng sản Việt Nam không phải được dựng lên từ đạo quân chiến thắng của Stalin sau thế chiến thứ II như các đảng cộng sản ở Đông Âu - mà ngược lại nó có nền móng vững chắc hơn do quá trình hoạt động lâu đời từ thời 1920, đã trải qua các thời kỳ chống Pháp và ám hại các tổ chức không cộng sản yêu nước khác, phóng tay cướp chánh quyền, máy móc du nhập cuộc cải cách ruộng đất sắt máu của Trung cộng hồi 1954, vụ Nhân Văn giai phẩm, các vụ xét lại chống đảng ở miền Bắc, dùng bạo lực đánh chiếm miền Nam, tập trung cải tạo và tịch thu tài sản của Dân-Quân-Cán-Chính VNCH, đánh tư sản, diệt địa chủ, triệt hạ công thương nghiệp, đuổi Hoa kiều và tổ chức bán bãi vượt biên sau 1975... một đảng cộng sản đã cướp, đã giết và bị giết hàng triệu người để đạt địa vị thống trị ngày nay!!! 

Không những thế, chế độ cộng sản tại Việt Nam được xây dựng trên một chủ thuyết chánh trị sai lầm, trái với nhân tính, gây thống khổ cho nhân dân Việt Nam suốt hơn nữa thế kỷ qua, xô đẩy đất nước vào vực thẳm của chiến tranh, áp bức, tàn bạo, lạc hậu và khốn cùng. Đáng ghê tởm hơn nó đang biến thái thành một đảng vừa hèn với giặc, vừa ác với dân, một đảng tuy mang danh cộng sản nhưng thực chất là một tập đoàn Mafia tham nhũng lộng hành, nối giáo cho giặc có hệ thống và rất dã man độc ác. 

Việc vỡ nợ đã xảy ra ở Bạc Liêu, Cà Mau, nay 14 bệnh viện ở Đắk Lắk... chỉ là những khởi đầu cho sự sụp đổ toàn diện của tiến trình tự hủy. 

Khi hàng loạt các ban ngành khác từ trung ương đến địa phương lần lượt hết tiền, khi quản lý kinh tế đến điều hành xã hội, từ việc phân phối tiện ích công cộng, trật tự xã hội, đến duy trì an toàn giao thông, phân phối điện nước, thực phẩm... lần hồi tê liệt thì điều gì sẽ đến?

Chưa bao giờ ngày mà chế độ cộng sản xụp đổ lại càng hiển hiện gần hơn và người sẽ chôn chế độ đã được chính chế độ cho biết.

Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra sáng ngày 5/12, đồng chủ tọa diễn đàn - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã băn khoăn đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới” (vì hết tiền). 

Ông Thủ tướng khẳng định chính là "nhân dân, là 92 triệu dân trong nước và 4 triệu hải ngoại"!!!

Nhưng đáng lẽ bà Kwakwa phải hỏi thêm rằng ai là thủ phạm cho sự vỡ nợ hết tiền nầy và nếu 92/4 triệu dân đều "cười khẩy - lắc đầu" với ông Thủ tướng thì ngày tận của cộng sản đã đến. 

Cái chết của csVN chính là sự hồi sinh cho dân tộc Việt... nó phải đến thôi!

Phim Ngắn - Niềm Vui Của Ba

Remi Gaillard, Thiên Tài Đá Bóng

Không thể tưởng tượng! 

Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm - Cao Đắc Vinh


Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông. 

Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.
Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về. 

Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về. 

Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ... 

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

"Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi. 

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn "ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: "Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà. 

Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" "cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong! Cứ "lê" một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..." nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?". Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng "Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người đẩy.

"Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì? Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn" nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...

- "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán": 

- "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?". 

Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:

- "Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?"

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao! 

Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào! Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...

Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...

Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ... Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3... 

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu: 

- "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.." ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."

- "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng... 

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".
1.
- Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không? 

- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!

- Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...

- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.

2.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...

- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.

- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không? 

- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...

- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.

3.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...

- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế? 

- Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...

- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...

- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?

- Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.

- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!

- Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!

4.
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?

- Bây giờ cà phê nhá!

- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

- "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?

- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.

- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho... 

5.
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.

- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết... 

- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi "moa" sẽ trả lại.

- "Toa" trả "moa" bằng cách nào?

- Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".

- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

6.
- Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!

- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...

- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

- Thôi con đi làm nhớ!

- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?

- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...

- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già! 

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời. 

Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài... 

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa không? 

Cao Đắc Vinh

Nỗi Lòng Tháng Tư - Trầm Vân

Thursday, April 28, 2016

Tháng Tư Nỗi Nhớ - Sương Lam


Đây là bài thứ ba trăm mười chín (319) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Cứ mỗi lần Tháng Tư đến là chúng ta được nghe, được đọc những bài thơ, bài văn, bài nhạc nói về Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư.  Ai trong chúng ta cũng có niềm đau nỗi nhớ về ngày đau buồn này.

Trước năm 1975 tôi được bổ nhiệm về làm việc tại Bộ Xã Hội- Sàigòn.

Sau ngày 30 tháng Tư 1975,  cuộc “đổi đời”  đã đến với toàn dân nước Việt và đến với gia đình tôi.  Bộ Xã Hội giải thể, tôi phải về làm “bà mẹ quê” nuôi gà nuôi vịt ở Thủ Đức một thời gian.  Sau đó, gia đình nhỏ bé của chúng tôi dọn về sống với cha mẹ tôi để giữ gìn ngôi nhà 3 tầng vì có tin đồn gia đình nào có nhà cửa rộng rải, to lớn quá mà ít người ở thì sẽ có người mới vào ở chung.  Từ đó, tôi trở thành một bà bán bánh mì và bánh ngọt ở trước cửa nhà của một người quen. Khách mua bánh mì thấy tôi vụng về khi làm ổ bánh mì để bán đã phải thốt lên rằng: “Bà không phải là người bán bánh mì chuyên nghiệp rồi?”  Đúng quá  rồi còn gì  chối cãi cho được!  Một người chuyên môn cầm viết để ký tên trên các bảng báo cáo của nhân viên trình lên cho tôi ký gửi lên thượng cấp thì làm sao biết cầm con dao cắt ổ bánh mì, cầm đủa nhét thịt, nhét đồ chua vào ổ bánh mì nhanh nhẹn và khéo léo cho được.  Lúc đó tôi cũng chỉ biết mỉm cười đáp lễ mà không trả lời gì cả.  Nhưng nụ cười ngày ấy dĩ nhiên là “cười trong nước mắt” chứ không phải là “nụ cười sảng khoái” như bây giờ. Smile!
Rồi những áp lực về cuộc sống, về tinh thần đã làm cho chúng tôi quyết định phải ra đi.

Theo vận nước nổi trôi, tôi lưu lạc nơi xứ người. Nhờ Trời Phật ban phúc lành, gia đình bé nhỏ của tôi được xum họp, đoàn tụ với các em của tôi như cha mẹ chúng tôi hằng mong muốn. Chúng tôi đã chọn Portland là quê hương thứ hai của chúng tôi và chúng tôi đã sống ở nơi đây hơn 30 năm rồi.  Đời sống tình cảm của tôi lại gắn liền với từng bụi cỏ, từng gốc cây, từng tên đường ở Portland như tôi đã sống ở Sàigòn ngày cũ.

Bạn bè tôi đã đến thăm viếng nơi đây.  Người viết cũng  đã đưa bạn đi viếng thăm nhiều thắng cảnh đẹp ở Portland như vườn hồng Portland, thác Multnomah, núi tuyết Mount Hood,  v..v.. Nhiều người đã bảo nơi này đẹp như Đà Lạt nhưng  mưa buồn quá!  Người viết cũng đã xúc cảnh sinh tình viết nên bài thơ Portland Thơ Mộng nhắn nhủ với bạn bè chưa đến hoặc đã đến Portland  thì xin hãy “để quên con tim” ở Portland sau khi đã đến nơi đây:

Portland Thơ Mộng
Portland cảnh đẹp người hiền
Ở đây mà sống như tiên trên đời
Thu vàng, hồng nở, tuyết rơi
Sương lam lãng đãng chơi vơi mộng tình
Môi hồng, má đỏ xinh xinh
 Ngày xưa Đà Lạt chuyện tình nên thơ
Bây giờ vật đổi sao dời
Portland sống lại một thời dấu yêu
Bạn xưa còn lại bao nhiêu?
Bạn nay xin giữ cho nhiều mến thương
Rồi đây vạn nẽo đường trường
Bạn về có nhớ có thương nơi này
Thì xin tay nắm lấy tay
Trao nhau lời chúc: “Mai này gặp nhau”.

Sương Lam

Xứ Mỹ có nhiều tiểu bang cảnh đẹp hữu tình, có nhiều thành phố to lớn tráng lệ thì Portland, nơi người viết cư ngụ, chỉ là một thành  phố nhỏ “mưa buồn tỉnh lẻ” mà  nhạc sĩ Từ Công Phụng  đã đặt tên là “Xứ Thầm Trầm”.  Nhưng đối với tôi, Portland lại là một thiên đàng hạnh phúc vì ở nơi này tôi có tình thân mến của bạn bè, tôi có gia đình nhỏ bé của chúng tôi sống vui vẻ, hạnh phúc trong yêu thương, tôi có không gian tĩnh lặng êm đềm của những người đã “ngựa nản chân bon” trên bước đường danh lợi, bây giờ thích sống an phận thủ thường.

Mái ấm gia đình của tôi không to lớn, phòng ốc nhà tôi không rộng rãi trưng bày đồ vật quý giá mà chỉ là một ngôi nhà nho nhỏ, bé bé xinh xinh với hoa vàng trước ngõ, khóm trúc bên hiên như tôi đã từng mơ uớc khi tôi còn là một cô thiếu nữ đầy mộng mơ.

Tôi cũng đã từng cắp sách trở lại trường nơi xứ Mỹ sau khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Bằng cấp ngày xưa chỉ là những kỷ vật đáng yêu, đáng quý để mà nhìn ngắm khi trà dư tửu hậu mà thôi. Trong thực tế, tôi phải đi “học đại” “đại học” để có tiền từ những“Basic Grant,” từ những “Work Study” hầu có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn v.v... trong những bước đầu làm lại cuộc đời từ con số không nơi xứ lạ quê người sau khi gia đình tôi vượt biên đi tìm tự do ở nơi phương trời xa lạ. Ði học lại vào lúc tuổi đã hơn ba mươi không phải là chuyện dễ dàng với một kẻ sống nhiều về tình cảm, đầy ấp những kỷ niệm về quá khứ và những lo nghĩ về tương lai như tôi.

Xin hãy cảm thông tâm tình của người viết trong những ngày đi học đầu tiên của khóa mùa Thu ở  “đại học trường làng” Portland  Community College ở Portland, Oregon.

“Khi còn ở quê nhà chốn cũ
Vẫn mơ về bến mới Tự Do
Nào hay đâu đã đến được bờ
Lại mang nỗi u hoài khó tả

Những buổi sáng trên đường tới lớp
Trời Thu buồn khắp nẻo sương giăng
Bao niềm thương nổi nhớ xa gần
Trong thoáng chốc quay về lũ lượt

Nào cha mẹ, trường xưa, bạn cũ
Nào những ngày khốn khổ điêu linh
Nào bao nhiêu kỷ niệm, ân tình
Hình ảnh ấy bao giờ xóa được"

Rồi tôi lại ngậm ngùi khi nhớ về Saigon:

"Từng thu đến, lại từng thu đến
Gió lạnh về tê tái, cô đơn
Kẻ sĩ xưa ôm mối đau hờn
Nơi xứ lạ sống đời viễn khách
U hoài ấy biết ai tâm sự
Nữa cuộc đời sống ở quê hương
Saigòn ơi! Cách biệt đôi đường
Còn gì nữa, để quên để nhớ!"

(Saigon Còn Gì Ðể Quên Ðể Nhớ - Thơ Sương Lam)

Những thân hữu cùng trang lứa, cùng tâm sự như tôi chắc hẳn cũng mang nỗi u hoài như tôi, bạn nhỉ?

Từ ngày sang xứ người, tôi an phận làm một cô giáo tầm thường ở Portland cho đến ngày tôi vui thú điền viên. Tôi thấy vui vui khi nhìn những đứa bé tung tăng theo chân mẹ hay cha đi đến trường trong ngày đầu tiên, nhất là những em bé lớp Head Start, lớp Pre-School và lớp mẫu giáo. Có em khi đến lớp rồi vẫn giữ chặt tay mẹ, khóc lóc không chịu vào lớp, có em thì dạn dĩ hơn, vừa vào lớp là chạy ngay đến bàn đồ chơi lấy giấy tô màu xanh xanh đỏ đỏ ngay. Nhìn em bé ngồi khóc lóc bên trong, nhìn bà mẹ đứng lo lắng bên ngoài, tôi thấy thương cả mẹ lẫn con, bạn ạ!

Ôi! Hình ảnh, tình cảm thiêng liêng tuyệt đẹp giữa Mẹ và con này đã làm tôi nhớ lại mẹ tôi cũng đã lo lắng, thương yêu tôi như thế:

"Có những niềm vui suốt đời nhớ mãi:
Thuở tuổi ấu thơ, theo mẹ đến trường
Mẹ nắm tay con, gửi trọn tình thương
Con đã vào lớp, mẹ còn trông ngó"
(Có Những Niềm Vui - Thơ Sương Lam)

Rồi từ những kinh nghiệm trong quá khứ, người viết đã học được nhiều bài học về sự biết ơn.
Bên cạnh sự biết ơn tổ tiên, cha mẹ, thầy cô, chúng ta phải biết ơn những người chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc để bảo vệ màu cờ vàng ba sọc đỏ, chúng ta phải biết ơn những đồng minh đã chung vai bảo vệ lý tưởng tự do, chúng ta phải biết ơn người dân nơi chúng ta đến định cư đã giúp đỡ chúng ta trong những ngày đầu bắt đầu xây dựng cuộc sống mới nơi xứ người  v…v…
Và chúng ta cũng đã học được bài học là mình phải tự mình đứng lên và tự lo cho mình sau khi bị vấp ngã.
Người viết xin mượn câu chuyện Thiền dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.

Câu chuyện con lừa
Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Chúng ta ra đi đem gì từ quê hương?
Đối với ngưòi viết, đó là mộng ước được ngắm “hoa vàng trước ngõ, khóm trúc sau hiên” nơi mái ấm gia đình của tôi, mà người viết đã ấp ủ từ lâu khi còn ở quê nhà nước Việt và nay đã thực hiện được nơi quê hương thứ hai của tôi ở Portland, Oregon qua các youtube dưới đây do người viết thực hiện:

1-    Youtube Hoa Vàng Trước Ngõ

2-    Youtube Khóm Trúc Bên Hiên

Xin cảm tạ Phật Trời đã ban phúc lành cho gia đình chúng con.

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 319-ORTB 727-42716)

Sương Lam

Ngày Cuối Tháng Tư - Đỗ Công Luận


Khuya ngày 29, rạng sáng 30/4/1075, pháo bắn dồn dập vào tổng kho Long Bình, ước tính hàng ngàn quả đạn. Đêm kinh hoàng. Nhà tôi cách ngã ba Vũng Tàu khoảng 7-8 cây số đường chim bay. Khoảng hơn 9 giờ sáng, cậu sáu tôi từ Long Thành về Chợ Đồn, để xem ngoại tôi, má của cậu, và các con, có bình yên không, vì Long Thành đã mất từ chiều 27. Cậu nói, bộ đội đi ngoài xa lộ đông lắm. Tôi không tin tình hình chuyển biến nhanh vậy. Khi có lệnh buông súng không lâu, vài quả đạn pháo mồ côi rơi rãi rác hướng Chợ Đồn- Tân Vạn. Một người chị định lên hướng Cầu Gành nhìn về quê Cù Lao. Một miếng đạn pháo trúng ngay lồng ngực, chị gục chết tại chỗ, bỏ lại 8-9 đứa con còn nhỏ, lớn nhất 22 tuổi. Cách nhà tôi 400 mét, một mảnh pháo cắt đứt cánh tay ông chủ lò gạch. Miểng đạn và đất cát bay rào rào trên mái tôn nhà tôi. Những nạn nhân cuối cùng của cuộc chiến...Buồn!...

ĐCL

Sống Tĩnh Lặng - Trầm Thiên Thu


Cuộc sống quá ồn ào, có nhiều thứ “làm phiền” bạn, thật khó để có thể giữ lòng tĩnh lặng giữa thế giới ồn ào này.
Vì thế mà người ta cần có những lúc “vào sa mạc” để lắng lòng xuống, cần có những giờ tĩnh tâm để lấy lại cân bằng cuộc sống – lợi ích cho cả tinh thần và thể lý. Đây là vài bí quyết giúp bạn khả dĩ sống tĩnh lặng.

TÁCH RỜI
Hãy tách ra khỏi chiếc điện thoại và internet vài giờ – đơn giản là tắt nguồn. Hãy dùng thời gian đó để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hoặc sách đạo đức.

THIÊN NHIÊN
Hãy tận hưởng sự tĩnh lặng của thiên nhiên xung quanh bạn. Hãy thức dậy sớm và cầu nguyện, rồi đi bộ vòng quanh nhà hoặc khu mình sinh sống, ngắm nhìn thiên nhiên và đắm mình vào thiên nhiên.

HOÀI BÃO
Đừng ngại hoài bão, nhưng đừng mơ mộng hão huyền. Hãy viết ra những ý nghĩ và những mơ ước sâu thẳm của bạn. Hãy đặt mục đích rõ ràng cho tương lai, có thể không cần xa, mà chỉ đơn giản là ngày mai làm gì và tuần tới hoàn tất điều gì.

THÔNG TIN
Khi đọc báo, nghe đài, xem ti-vi, lướt internet,… bạn thấy nhiều thứ đáng quan ngại. Có thể bạn cảm thấy sợ, hãy cảm tạ Chúa đã cứu bạn thoát khỏi những tai ương đó và hãy cầu nguyện cho các nạn nhân vì họ đã chịu đau khổ thay cho bạn.

TÁI NẠP NĂNG LƯỢNG
Pin hết thì phải nạp (sạc, charge) thì mới đủ năng lượng sử dụng tiếp. Con người cũng vậy, cần có những khoảng thời gian tĩnh lặng để nạp thêm năng lượng cho tâm hồn và thân xác, để “làm mới” chính mình. Hãy thanh thản ngồi thư giãn, vừa nhâm nhi ly cà-phê vừa tận hưởng phước lành và sự quan phòng của Thiên Chúa.

TÁI TẬP TRUNG
Trong khoảng tĩnh lặng quý giá đó, hãy tái tập trung vào những gì quan trọng như gia đình và bạn bè. Học cách giữ thinh lặng sẽ giúp bạn trở thành người biết lắng nghe nhiều hơn. Nói nhiều thì sai nhiều, nói nhiều còn tốn năng lượng cơ thể – như điện thoại xài nhiều thì mau hết pin vậy!

BIẾT ƠN và BÌNH AN
Thực hành lòng biết ơn sẽ kéo bạn lại gần Thiên Chúa. Biết ơn sẽ giúp bạn bình an tâm hồn, đồng thời cũng giúp bạn dễ tha thứ khi gặp điều không vừa ý.

Thánh Phanxicô Assisi là người sống đức khó nghèo đúng theo nghĩa đen của Phúc Âm, quen gọi là Thánh Phanxicô Khó Khăn. Ngài lập Dòng Phanxicô, nhưng ngài khiêm nhường không lãnh nhận chức linh mục. Ngài là tác giả 2 bài nổi tiếng là “Kinh Hòa Bình” (Lm Ns Kim Long phổ nhạc) và “Khúc Ca Mặt Trời” (Ns Hùng Lân phổ nhạc). Khi hấp hối, ngài đọc đi đọc lại câu ngài thêm vào “Khúc ca Mặt trời” (Canticle of the Sun): “Hãy ngợi khen Chúa, hỡi Chị Tử thần”. Rồi ngài đọc thánh vịnh 141, và cuối cùng xin bề trên cởi bỏ y phục ngài khi ngài chết để ngài được nghèo khó hoàn toàn, được nên giống Chúa Giêsu trên Thánh Giá.
Lạy Thánh Phanxicô Assisi, xin thương nguyện giúp cầu thay!

TRẦM THIÊN THU

Hoa Lan Kêu Oan - Phong Lan

Ngày Này, Năm 1975... - Tiểu Tử


Năm nay tôi 80 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con: ”Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua ! Chi vậy hổng biết ? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày ! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam “

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật ! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – một chút thôi – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình: ngày nầy, năm 1975 ! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ “cái ngày đó” nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…

* * *

…Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè !

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bày ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời: ” Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút ! “. Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là ” Xếp ” – nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói :” Bonjour ! çà va ?” ( Chào ông ! Mạnh hả ?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !

Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết: “Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp được ! Thôi ! Chúng tôi về ! “. Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp: “Allez vous en ! ” ( Ông hãy đi, đi ! ) Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng ” Allez vous en ! ” (Ông hãy đi, đi ! ) …

Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì ”họ” dán… đầy đường cái nhãn ”hai bàn tay nắm lấy nhau” để chứng tỏ sự thật tình ” khắn khít “, rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng ” thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình ” !

Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng: ”Chánh quyền Mỹ từ chối !“. Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu: ”Không có hộ tống“. Họ trả lời ngay: ” OK ! Good Luck ! ” (Nhận được ! Chúc may mắn ! ) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên: ” Sao về vậy anh ? “. Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc: “Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! “
Ngày đó, tháng tư năm 1975…Đúng là ngày nầy !

TIỂU TỬ