Sunday, June 30, 2013

Tống Biệt - Thái Thanh


Nơi Nào Lạnh Nhứt?

 

Theo bạn, nơi lạnh nhất trên đất chúng ta là nơi nào? Bạn sẽ nói là Bắc cực hay Nam cực? Không đâu, người ta vẫn có thể sinh ra, lớn lên và trưởng thành  tại đó cơ mà? Có một nơi, lạnh nhất trên thế gian này, nó khiến cho ai bước vào vùng đất đó đều đau khổ, tiếc nuối thậm chí từ bỏ cả cuộc sống của chính mình. Đó là nơi không có tình yêu thương!
 
Tình yêu thương sưởi ấm tâm hồn băng giá của mọi người, có nó dù đói khổ bao nhiêu, dù nhọc nhằn đến thế nào họ vẫn cố gắng để vượt qua tất cả. Nhưng thiếu vắng tình yêu thương, thì mảnh đất màu mỡ cũng trở nên cằn cỗi, ngôi nhà ấm áp cũng trở nên hoang tàn, lạnh lẽo. Không ai có thể sống mà thiếu vắng tình yêu thương.
 
Người xưa từn nói: gieo việc tốt để gặt  yêu thương. Bởi có ai biết được ngày mai đây mình sẽ ra sao? Liệu còn ai bên cạnh để vỗ về an ủi? Liệu có thể sống mãi trong ngôi nhà hạnh phúc và không vướng bận bởi sự cô đơn? Cho đi, hạnh phúc hơn nhận về. Vậy nên, hãy cho đi khi bạn có thể. Đừng để đến một ngày nào đó bạn mới nhận ra mình nghèo “tình yêu thương” đến nhường nào.
 
Nơi lạnh nhất không phải là bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương. Có những người già, sống cô quạnh trong viện dưỡng lão. Những ánh mắt mỏi mệt tìm kiếm bóng dáng người thân, chờ đợi một sự quan tâm, chăm sóc hiếm hoi của con cái… Nhưng, họ chờ mãi, chờ mãi… bởi con cái bận rộn với cuộc sống thường ngày, với những mối quan hệ xã hội! Và cha mẹ, trở thành gánh nặng của chúng.
 
Đến một ngày, khi họ già đi, vào viện dưỡng lão và sống một mình với  sự cô đơn, quạnh quẽ liệu họ có nhớ ngày xưa, cha mẹ mình cũng bị mình đối xử như thế?
 
Làm người, xin đừng giữ yêu thương cho riêng mình, đừng chỉ biết quan tâm đến con cái mà quên mất cha mẹ già bên cạnh. Thời gian họ bên bạn không nhiều, vậy nên, đừng bao giờ để họ phải cô đơn. Đừng để họ sống trong sự buồn tủi lạnh lẽo của tình người. Đừng biến ngôi nhà thành địa ngục, hãy sưởi ấm tâm hồn của những người bên cạnh bằng yêu thương, sẻ chia và thông cảm.
 
Có người nói rằng: trên thế gian này, có nhiều người đói tình yêu hơn đói cơm áo. Nhưng không phải ai cũng biết được điều này. Có lúc nào bạn suy nghĩ trước câu nói của người già: tao buồn lắm. Bạn thấy buồn cười, hay xem đó là một sự hiển nhiên? Không đâu bạn, ai cũng có lúc buồn và ai cũng cần một người để san sẻ nỗi buồn đó. Người già cũng vậy. Thế nên, khi có ai đó nói với bạn: Mình buồn lắm – hãy dành một chút thời gian để lắng nghe họ nói, bạn nhé.
 
Đừng biến cuộc sống của mình trở nên lạnh lẽo và cô đơn. Hãy trao yêu thương để làm cuộc sống của bạn trở nên ấm áp hơn, ý nghĩa hơn.
 

Nguồn: Nơi Lạnh Nhất Không Phải Là Bắc Cực

Sưu tầm

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Những Con Số

Mời quý vị click vào link dưới đây để biết nguồn gốc và ý nghĩa của những con số.

http://xa.yimg.com/kq/groups/75140933/1635486206/name/numbers.pps

Sưu tầm trên mạng

Hoa Forget-Me-Not - Bài Cảm Tác Của Thi Hữu Trầm Vân


Chúc Mừng Sinh Nhật 60 - Người Phương Nam

Thương tặng em Huốn


Chúc mừng sinh nhựt sáu mươi
Người em thân ái bên trời Âu châu
Ngày nào năm, sáu tuổi đầu
Xinh xinh đôi má hồng đào thương sao
Thời gian như giấc chiêm bao
Xuân qua mấy độ phai màu thơ ngây
Ngày 5 tháng 7 tới đây
Là ngày sinh nhựt năm xưa chào đời
Chúc em phúc đức ơn trời
Thân tâm an lạc thảnh thơi về chiều


Người Phương Nam

Friday, June 28, 2013

Truyền Thuyết Hoa Lưu Ly

Có một truyền thuyết rất thuyết phục của người Đức giải thích nguồn gốc tên của loài hoa màu xanh tím nhỏ bé xinh đẹp này, cũng như ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ các loài hoa: Ngày nọ, có một hiệp sĩ trẻ và người yêu đang đi dạo dọc theo bờ sông Danube.
Cô gái trông thấy một đám hoa màu xanh đang trôi xuôi theo dòng sông: "Em muốn có đóa hoa xinh đẹp đó!", cô gái la lên. Ngay tức khắc, người tình dũng cảm của cô phóng mình xuống dòng sông và vớt lấy đám hoa trôi.

Nhưng hỡi ơi, do bị vướng víu bởi sức nặng của bộ áo giáp hiệp sĩ, anh ta đã không thể vượt qua được bờ sông trơn trợt dù đã cố gắng hết sức, cảm thấy mình đang nhanh chóng bị chìm xuống, anh ném hoa lên bờ cho người yêu và bằng những hơi thở tàn cuối cùng của mình trước khi chìm mãi, anh gọi nàng một lời như trăn trối : "Xin đừng quên nhau!".

Lại có câu chuyện khác cũng nói về hoa Lưu ly. Chuyện kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Một sáng mùa xuân trời trong vời vợi. Họ dắt nhau dạo chơi bên bờ một con suối, hoa Lưu ly mọc dày, cố vươn cành, nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Trong khi chàng trai tần ngần ngắm nhìn dòng thác đổ thì cô gái say sưa hái hoa. Cô choài người ra bờ suối hái mấy nhành hoa đẹp, chẳng may nàng bị trượt chân ngã xuống suối bị dòng nước cuốn trôi. Nàng cố hết sức ném lại nhành hoa có ý trao tặng người yêu và gọi với "Xin đừng quên em".

Được gắn liền với một bi kịch lãng mạn như vậy nên không có gì phải ngạc nhiên khi có rất nhiều vần thơ ca tụng loài hoa màu xanh thiên đường bé nhỏ này.


http://www.advanced-embroidery-designs.com/cart/photos/14926.jpg
Hoa lưu ly - For get me not

 Lính thủy sưu tầm & Minh họa

Jardin Botanique Du Missouri - Helen PPS

Mời quý vị ngắm hoa và nghe nhạc qua PPS Missouri Botanical Garden

http://xa.yimg.com/kq/groups/27464119/1458535400/name/Jardin-botanique-du-Missouri-Helen.pps

Sưu tầm trên mạng

Thursday, June 27, 2013

Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ (Chương 4)

Chương 4

Ba ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng.  Hôm nay sinh hoạt học sinh đã trở lại bình thường.  Trúc, Mai và Kim lại rủ nhau đi học.  Việc đầu tiên khi Kim đến trường hôm nay là tìm Sơn để hỏi cho ra lẽ về chồng sách của Tân trước hiên nhà cô hôm qua.  Nhưng cô chưa kịp đi tìm thì Sơn đã lăng xăng chạy lại hỏi:
          - Hôm qua chị có thấy mấy cuốn sách của anh Tân gởi tặng chị hay không?  Chính em đã mang để trước nhà chị đó.
Cô chau mày nhìn Sơn, gắt giọng :
          - Thì ra cũng là em nữa đó à?  Thấy đống sách là chị đã nghi em rồi.  Chị tính đi kiếm em để hỏi thì tự nhiên em tới tự khai nạp mạng. Hay lắm.  Sơn à, bộ em là thiên lôi hay sao mà sai đâu đánh đó vậy?  Chị đã nói thẳng với Tân là chị không thích, nói rõ ràng minh mạch lắm rồi mà sao anh ta còn bày đặt tặng sách tặng thơ làm gì nữa.  Em phải nhớ, lần sau anh Tân có nhờ đưa gì cho chị thì phải từ chối nghe chưa, không thôi chị giận chị không chơi với em nữa à.  Hôm nào rảnh rỗi em làm ơn đến nhà chị đem mớ sách về trả lại anh Tân đi thì chị cám ơn em lắm.  À, hôm kia em đến gọi chị dùm cho Frère, em nói em bận không vào chơi được, còn hôm qua sao em cũng không vào mà để sách đó rồi đi ngay vậy?
Sơn e dè đáp:
          - Em cũng muốn vào lắm chớ nhưng anh Tân dặn em đừng cho chị hay vì sợ chị không nhận bắt em đem về.  Lúc em đến, thấy cửa rào nhà chị để mở mà không có ai, em nhè nhẹ bước vào để mấy cuốn sách xuống rồi “dzọt” liền qua nhà chị Lê ngồi chơi.
          - Rồi lỡ như đang có ai ở ngoài trước thì em làm sao?
Cô hỏi vặn.  Sơn cười hì hì nói:
          - Thì em đâu có vào.  Em phải canh kỹ chớ chị.  Anh Tân nói mọi sự trông cậy ở em thì em phải làm sao để không phụ lòng tin tưởng của ảnh chớ.  Chị thấy em có tinh thần trách nhiệm ghê chưa?
          - Ừ ghê lắm.  Anh Tân hứa hẹn với em cái gì mà em chịu khó như vậy?  Rồi qua nhà chị Lê nói cái gì ở bên ấy?  Chắc là kể chuyện của chị cho chị ấy nghe chớ gì?

Biết cái tật nhiều chuyện của Sơn, cô phải hỏi chận đầu để thử coi Sơn có bép xép rỉ tai chị Lê chuyện Frère đã nhắn gọi minh hay không. Nhà Lê và nhà cô ở cùng một dãy phố, đôi bên quen biết nhau qua tình láng giềng đã nhiều năm và may rủi sao niên học này hai cô lại cùng học một trường.  Tuy gặp Lê hằng ngày nhưng cô chỉ chào hỏi xã giao chớ không thân thiết vì cô rất ngại cái tính bon chen đa sự của chị.
Sơn vô tình thật thà đáp:
          - Chị Lê nói chiều hôm kia chĩ vào trường, chĩ thấy Frère và chị đang từ trên lầu đi xuống, chĩ nói không biết Frère gặp chị có chuyện gì, hỏi em có biết không.  Em nói em không rõ nhưng chính em là sứ giả của Frère.   Em chỉ nói vậy thôi, đâu có sao phải không chị?
Cô hừ nhẹ, nói lẫy:
          - Ừ thì đâu có sao, chỉ hại tui thôi hà.  Rồi chị Lê còn nói gì nữa hay không?
Sơn liếc nhìn cô cười tủm tỉm:
          - Chị ấy còn nói không biết chị đã dùng bí quyết gì mà khiến Frère quan tâm chị đặc biệt  quá, đến nỗi cả trường ai cũng biết đồn ầm lên, còn nói câu gì em không hiểu lắm, nói chị đã thấy khói mà không lo tránh lửa còn dám nhào vô, bộ chị không sợ mang tiếng hay sao.  Em cãi lại, em nói thì cũng như chị vậy, cuối tuần nào chị cũng vào gặp Frère phó đó, có mang tiếng mang tai gì đâu.

Lúc ấy Trúc, Mai và Lan cũng đang đứng cạnh đó.  Nghe những lời đối đáp giữa cô và Sơn, Trúc có vẻ nóng nảy muốn chen vào lắm nhưng chưa tiện dịp và rủi thay giờ học cũng vừa điểm.  Sơn xin phép đi về lớp.  Lan và Mai cười vu vơ, còn Trúc thì hậm hực phàn nàn:
          - Bữa nay sao mau tới giờ quá, chưa nói gì được cả.  Cái con Như Kim này mày quá rồi, dám đi gặp Frère một mình mà hôm qua tới giờ im thin thít, không nói cho tao biết một chút nào.  Chị Lê với thằng Sơn, hai cái miệng đó nhập lại thì mày chỉ có nước độn thổ thôi Kim à. Tưởng bí mật được hả?
Cô quắc mắt nhìn Trúc gằn giọng:
          - Chuyện riêng của tao, tại sao tao phải nói với mày chớ, vô duyên chưa.  Cho mày biết rồi mày giúp ích gì được cho tao.  Đó, vừa mới hay chuyện là đã hù tao mất cả hồn vía rồi.

Sáng nay, hai giờ đầu là giờ Văn.  Thấy cha Nghị từ bên kia văn phòng đi tới, cô giục cả bọn:
          - Thôi làm ơn đi sắp hàng lẹ lên, Cha qua tới rồi kìa.   Muốn nói gì thì đợi tới giờ chơi rồi hãy nói.
Trúc vẫn chưa chịu xê dịch, còn bắt chước giọng miền bắc của cha tiếp tục tả oán:
          - Ối giời ơi!  Cha giảng văn thì cũng như giảng đạo chứ có khác gì.  Nghe cha giảng tao chỉ muốn đi tu thôi.  Nghe chuyện của mày mới thú.
Cô cười khổ than:
          - Làm phó lớp như tao coi bộ không có uy chút nào.   Nói tụi bây không nghe còn làm khó tao nữa.

Đề tài của Cha hôm nay là luận về truyện Kiều.  Văn chương thi phú vốn là môn học ưa thích nhứt của cô nhưng hôm nay cô không thể nào tập trung đầu óc vào bài cho được.  Cô không ngớt lo nghĩ về những lời của Sơn lúc nãy và thầm tự trách mình.  Trong lúc mọi người đang nhốn nháo lên cơn sốt thị phi, đáng lẽ cô phải tìm cách làm hạ hỏa giải nhiệt, phải có thái độ hay hành động gì để gỡ gạc cứu vãn, nhưng đàng này trái lại cô còn châm thêm mồi chế thêm dầu ngang nhiên đi vào gặp gỡ Frère trước bao cặp mắt rình mò của bọn nội trú thì chẳng khác nào như chị Lê đã nói, thấy khói mà không chạy lửa để cháy luôn mình.  Cô không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho Frère.  Nếu tai tiếng này tràn lan ra ngoài thì Frère tránh sao khỏi bị đời lên án.  Cô rất hối hận đã liên lụy Frère dù rằng cô chỉ là kẻ bị động .  Phải chi cô đừng đến với Frère chiều hôm ấy, mặc kệ Frère lời nhắn gọi, mặc kệ lòng mình gào than, cứ dửng dưng cho xong, cho qua đi chút tình phôi thai vô vọng này như ngày tháng hững hờ trôi qua để rồi sẽ thành dĩ vãng, đi vào lãng quên. 

Trước đó chẳng phải cô đã tìm cách chọc tức chọc giận Frère để Frère oán ghét cô hay sao, sao cô lại mê muội yếu đuối không chịu giữ vững lập trường để giờ đây phải chuốc thêm sự phiền muộn và những lời dị nghị dèm pha.  Lo lắng và khổ sở lại chiếm ngự lòng cô khiến đầu óc cô rối rắm như tơ vò.  Cô phải làm sao đây để đối phó với dư luận, với sự quý mến của Frère và với cơn sóng lòng mình.

Hai giờ học trôi qua thật nặng nề.  Cha Nghị vừa ra khỏi lớp, Trúc đút vội quyển vở vào hộc bàn thở phào bảo cô:
          - Thôi nhanh lên đi ra ngoài đổi không khí mới được.  Buồn ngủ ơi là buồn ngủ!  Chợt thấy vẻ mặt suy tư ủ rũ của Kim Trúc khựng lại:
          - Có chuyện gì mà trông mặt mày như trời chuyển mưa khó coi như vậy, nói tao nghe có được không?
Cô gượng cười đứng dậy, vừa đẩy cái ghế sát vào bàn vừa đáp:
          - Thì cũng ba cái chuyện tình cảm rờ không đụng, vói không tới đó mà, chẳng đi tới đâu, chẳng ích lợi gì, chỉ làm nhức đầu thêm thôi.
Có tiếng Mai vang lên:
          - Tao đi qua nhà nguyện viếng Chúa đây. Có đứa nào muốn cầu nguyện gì không, đi với tao.

Câu nói của Mai đúng là một phương thuốc giải đúng lúc kịp thời, thích ứng cho Kim căn bệnh trầm kha tinh thần trong lúc này.  Cô gật đầu lặng lẽ bước theo Mai. Trúc và Lan thấy vậy cũng đi theo cho đủ bọn.  Mai là người công giáo nên mỗi ngày vào giờ chơi Mai thường ghé vào nhà nguyện cầu kinh viếng Chúa.  Còn cô, tuy là người ngoại đạo nhưng sau những năm học trường dòng của các bà Soeurs, cô đã thấm nhuần giáo lý kinh kệ và các lề luật hội thánh đến nỗi nhiều khi cô cứ tưởng mình là một giáo dân ngoan đạo nên việc đọc kinh cầu nguyện đối với cô như là một thói quen cần thiết, nhứt là lúc cô đang khổ tâm rối trí như thế này.  Không có gì hay và thích hợp cho bằng tìm đến đấng thiêng liêng để được xoa dịu ủi an khi lòng đang đau khổ, dù rằng đấng thiêng liêng ấy không nói, không an ủi ta bằng lời mà bằng chính đức tin của ta vậy.


Ở nhà nguyện ra, bốn đứa đi dọc theo hành lang của dãy lớp tiểu học đi về phía tận cuối sân trường.  Nơi đó có những rặng trúc xinh xinh mà một ông Frère già được lũ học trò gọi tôn là “ông nội” đã trồng nhiều năm làm cảnh và đôi khi đã dùng chúng để biến chế thành những ống sáo ống tiêu tinh xảo, loại nhạc khí có âm thanh réo rắt tuyệt vời.  “Ông nội” ở đây rất hiền lành dễ dãi, luôn sẵn lòng truyền dạy cho đám con cháu hậu sinh những ngón nghề điêu luyện trái hẳn với “ông ngoại” lúc nào cũng nhịp nhịp chiếc roi mây dài khiến lũ con cháu học trò chẳng bao giờ dám hó hé sinh sự.  Giờ chơi bọn trẻ thường chỉ rủ nhau tụ tập nô đùa ở phần sân trước nên khoảng sân phía sau này lúc nào cũng mang bộ mặt trầm tư của một kẻ sắp trưởng thành.  Ở nơi này người ta không nghe tiếng ồn ào trững giỡn, tiếng nói cười hồn nhiên, cũng không có chuyện bắn bi đánh đáo hay bắt bướm hái hoa mà chỉ nghe tiếng gió tỉ tê, tiếng trúc xạc xào kẽo kẹt, tiếng uyên ương trên cành thì thầm âu yếm cùng với những khắc khoải mộng mơ, những suy tư trăn trở của lứa tuổi dậy thì.
Không chịu nổi cái không khí tẻ ngắt ấy, Trúc lên tiếng gợi chuyện:
          - Sao, bộ anh chàng Tân chưa chịu bỏ cuộc hay sao mà còn gởi sách tặng mày nữa.  Mà sách gì vậy?
Kim ngao ngán đáp:
          - Loại sách học làm người đó mà.  Thấy mấy cái tựa thôi là đã đủ mệt rồi.  Tao chẳng buồn rớ tới.  Khổng Tử nói “Làm người thật khó”, tao thấy đúng thật, tại sao mình lại không có quyền tự do với chính bản thân mình mà phải thế này thế nọ, phải vừa ý người này, hả dạ người kia.  Nếu cho tao có quyền chọn lựa, tao sẽ không thèm làm người.  Đời người, nói tới hạnh phúc thì thật hiếm hoi nhỏ giọt như nước cam lồ, trong khi cái khổ thì có cả một biển mênh mông phải đắm chìm lặn hụp.
Trúc nhăn nhó kêu lên:
          - Chuyện gì mà mày xuống tinh thần chán đời đến thế hở Kim?  Còn Frère, Frère gọi mày vào có việc gì, chuyện tình cảm ra sao rồi mà trông mày có vẻ bi đát quá vậy?
  Ngắt một chiếc lá vò vò trong tay một cách vô thức, Kim trả lời Trúc nửa đùa nửa thật:
          - À, Frère thường nói con người tao quá nhiều tình cảm, đời sẽ khổ dài dài nên gọi tao vào khuyên nhủ và tặng cho một cuốn sách, cũng để học làm người có cái tựa là “Quẳng gánh lo đi và vui sống” để tao làm hành trang vào đời.  Frère hy vọng tao đọc nó sẽ áp dụng được cho cuộc đời để trở nên một con người lạc quan vui vẻ.  Nhưng tao nghĩ cá tính con người không dễ gì mà thay đổi được.  Bây giờ tao là một con nhỏ hay buồn, buồn bẩm sinh thì mấy chục năm sau, nếu tao còn sống thì cũng chứng nào tật nấy thôi.
Lan cười an ủi:
          - Mày đừng nên tiêu cực như thế Kim à.  Làm người thì mình phải biết cầu tiến và cải thiện.  Tao không nói tư tưởng của mày tốt hay xấu, đúng hay sai nhưng nếu nó cứ ám ảnh làm đen tối cuộc đời mình thì mình cũng nên suy nghĩ lại.
Mai cũng chen vào phụ họa:
          - Có thể là vì trong lúc này mày đang có tâm sự buồn nên mày mới cảm thấy bi quan như vậy.  Sông có khi cạn khi đầy thì đời người cũng có khi vầy khi khác, lúc khổ lúc vui.  Một khi tìm được lối thoát rồi thì mày tự nhiên sẽ thay đổi quan niệm đi, sẽ có cái nhìn tươi đẹp hơn về cuộc đời, tao tin chắc như vậy.
Kim lắc đầu định cãi, Trúc nóng nảy gạt ngang:
          - Thôi đừng có lý luận tranh cãi gì nữa.  Nói chuyện bây giờ đi, chuyện trước mắt không lo, lo chi chuyện ngày mai xa lắc.  Tao thấy nguy tới nơi rồi đó Kim à.  Thằng Sơn mà làm sứ giả đưa tin thì đúng là không còn gì bí mật dưới ánh sáng mặt trời.  Thiên hạ thế nào cũng sẽ thổi phồng thêu dệt chuyện này, mày thấy sao?
Kim áo não nói như than thở với chính mình:
          - Thì đó chính là nguyên nhân mà tao đã lo rầu từ sáng đến giờ đây.  Frère thương tao thật nhưng tình cảm ấy không thể đi đến một kết quả nào khi giữa tao và Frère đã có một bức tường vô hình phân chia ngăn cách.  Đó chính là cái lý tưởng thiêng liêng mà Frère trót đã cưu mang vào đời, thật cao trọng mà cũng thật gian nan đã ngăn giữ  Frère lại khiến Frère không thể nào thỏa mộng yêu đương và tao thì cũng mang mặc cảm tội lỗi trong lòng chẳng dám phá rào để bước tới gần hơn, rốt cuộc thì chỉ biết nhìn nhau thầm chua xót.

Trúc, Mai và Lan cũng thở dài thườn thượt như chia sẻ với Kim nghịch cảnh bẽ bàng.  Im lặng một lát, Trúc lại lên tiếng bảo:
          - Nếu đã biết không kết quả gì thì mày nên giải quyết cho xong.  Mày phải có thái độ dứt khoát hoặc là hãy nói thẳng với Frère, đừng kéo dài chuyện này thêm nữa mà chỉ làm khổ nhau thêm chớ chẳng ích lợi gì.  Nếu mày ngoảnh mặt, nếu Frère làm ngơ thì dần dần rồi thiên hạ sẽ im hơi lặng tiếng thôi.  Lúc trước tao đã có khuyên mày rồi nhưng mày vẫn cứ trơ trơ để bây giờ chuyện thêm phiền phức khó xử, mày thấy chưa?  Mày phải mạnh dạn lên, đừng để trái tim điều khiển mày.

Trong tình trường, con người nếu có thể lèo lái con tim mình theo lý trí thì trên đời này có lẽ sẽ không còn ai khổ lụy đau thương vì một chữ tình.  Cô cũng đã từng nghĩ như Trúc vậy và đã từng hành động ra tay nhưng rốt cuộc cô đã không chiến thắng nổi con tim ủy mị yếu hèn.  Nhưng đã đến nước này rồi thì cô không có quyền nhu nhược nữa mà phải mạnh dạn lên để đối diện với lương tâm lý trí, vì thanh danh của Frère và vì để cả hai khỏi mang tội với đất trời.

Trên đường trở lại lớp, Lan đi bên cạnh cô thì thầm khuyên nhủ:
          - Trúc nó nói phải đó Kim à.  Mày nên có quyết định rõ ràng về chuyện này cho xong để rảnh rang tâm trí mà học hành, tuổi mình còn quá nhỏ để nghĩ đến việc yêu đương.  Frère là thầy mình, hơn nữa lại là một thầy tu thì chuyện tình cảm thế gian mày đừng nên trói buộc Frère vào mà phải tội.  Mày là con bạn hiền hòa thân mến nhứt của tao, tao không muốn mày bị mang tiếng xấu.  Hãy suy nghĩ lại và dứt khoát đi nghe Kim.

****************************

Tiếng chuông báo hiệu giờ chơi vừa reo xong, Frère đang loay hoay sắp lại những quyển tập vừa góp, học sinh đã lần lượt kéo nhau ra sân chơi gần hết, trong lớp chỉ còn lưa thưa vài đứa còn nán lại chờ hỏi thêm bài.  Trái với thường lệ, Kim không ra ngoài ngay với các bạn mà vẫn ngồi yên bất động với tâm trạng của kẻ tội đồ.  Trên bục gỗ, Frère vừa xóa bảng, vừa tươi cười giải đáp những thắc mắc của học sinh.  Frère đâu hay rằng ở dưới ghế học trò này có kẻ sắp làm khổ Frère, sắp làm Frère mất đi nụ cười tươi tắn ấy mà buồn thay kẻ ấy chính là cô, cô học trò nhỏ mà Frère đã thương mến từ ngày đầu tiên gặp gỡ.



Cô mân mê quyển sách, mở ra nhìn lại tấm ảnh Frère bên trong lần cuối, lòng đớn đau run rẩy, tấm ảnh và quyển sách Frère vừa tặng cô chiều nào.  Sau bao ngày học hành ăn ngủ chẳng yên vì những lời đàm tiếu gần xa của bọn học trò dù vô tư hoặc cố ý, rốt cuộc cô phải đi đến một quyết định dứt khóat, cô phải làm theo lời khuyên bảo của Trúc và Lan, dù biết rằng hậu quả sẽ bi đát khôn lường nhưng cô không còn giải pháp nào khác hơn để chọn lựa.  Đứa học sinh cuối cùng vừa ra khỏi lớp, cô vội vã rời chỗ ngồi cầm quyển sách tiến đến Frère, Frère cũng đang đi lần về phía cô dịu dàng cất tiếng hỏi:
          - Sao em còn ở đây?  Không ra ngoài dạo chơi cho khỏe?  Frère thấy em có vẻ mệt lắm, sao thế em?
Cô lắc đầu không đáp, mắt chợt ướt, lòng càng thêm khổ sở trước sự săn sóc lo lắng của Frère.  Nhưng đã nhứt quyết rồi, cô không thể do dự đổi ý được nữa.  Đặt vào tay Frère cuốn sách, cô run giọng nói nhanh:
          - Frère, em trả lại Frère cái này… Em không muốn giữ nữa.
Vậy cho xong.  Thà một lần đau khổ để đừng lụy phiền gì nữa cho nhau.  Chỉ nói được bấy nhiêu, cô chạy tuôn ra cửa bỏ mặc Frère đứng nhìn theo chết lặng sững sờ.



Trời hôm nay không nắng.  Cảnh vật cũng nhuộm màu buồn bã âm u.  Đám hoa sao nhái vàng thường vẫn ngả nghiêng reo đùa trong nắng hôm nay đã úa tàn.  Con bướm tang thương trước cảnh tàn tạ ngập ngừng một chút rồi vỗ cánh bay đi.  Cô bước vào nhà nguyện với cõi lòng tan nát.  Việc làm của cô có phải là do ý Chúa hay không chớ lòng cô thì không muốn vậy bao giờ.  Nhưng ý Chúa hay ý người thì cũng đã xong, giờ đây chỉ biết cầu xin cho tình này sớm phôi phai, cho cô sớm lại có sự bình yên của tâm hồn của những ngày chưa cùng ai gặp gỡ.

Hôm sau vào lớp, nhìn nỗi hận sầu trong ánh mắt Frère, cô nghe chết lịm cả tâm hồn.  Frère ơi!  Có sá gì em một đứa học trò nhỏ nhoi, một đứa con gái tầm thường mà Frère phải lụy tâm đến thế.  Em giận em quá yếu hèn nhu nhược đã không dám nhận lấy tấm thạnh tình ưu ái của Frère. Em giận em đã một lần nữa đành đoạn làm khổ Frère và làm khổ cả chính mình.  Nhưng nếu Frère ở vào địa vị em thì có lẽ Frère cũng không sao làm khác được.  Frère có biết chăng, dư luận quá khắt khe cay nghiệt, càng lúc càng như một màn lưới vây chặt lấy chúng ta, nếu em không tung lưới tháo gỡ thì e rằng một ngày tiếng đồn sẽ tới tai những kẻ bề trên và thiên hạ bên ngoài thì e rằng Frère sẽ bị khiển trách nặng nề và em cũng sẽ mang tiếng là hồ ly yêu nữ.  Thôi đành làm kẻ vô tâm phụ lòng Frère vậy.

Từ đây thôi đã hết, cô đâu còn được Frère thương tưởng đoái hoài, có gặp nhau hằng ngày thì cũng đã như xa.  Ôi!  Niên học chưa tàn mà tình đã sớm vội ly tan.  Tiếc thay cô đã không để lại lòng Frère một kỷ niệm nào êm đẹp mà chỉ có đau thương với hận sầu.  Xin hãy tha thứ cho cô.

Những buổi học từ đó chán chường vô vị làm sao!  Vào lớp Frère chẳng buồn nhìn đến cô dù là một cái liếc mắt, chẳng hề đá động đến tên cô như cô không hề có mặt, cũng không còn nói đùa những câu bóng gió mà chỉ có hai người mới hiểu mà thôi và nụ cười rạng rỡ ngày nào cũng tắt hẳn trên môi Frère.  Lũ học trò rất ngạc nhiên lẫn ái ngại trước sự sầu não khác thường của Frère và không khí tẻ nhạt của giờ học mà trước đây đã là giờ học hứng thú vui nhộn nhứt.  Nhưng cũng nhờ thế, nhờ Frère không ngó ngàng, không quan tâm đến cô nữa nên dư luận cũng lắng dịu đi dần dần, vụ scandal làm nhốn nháo sân trường lớp học không còn là đề tài sôi nổi nữa cho lũ học sinh dù rằng không ai tin mấy chuyện có thể kết thúc dễ dàng như vậy.  Giờ thì nỗi người đã yên tâm được phần nào, còn nỗi mình thì đã tan tác thương đau.  Giờ thì sân khấu đã tạm thời hạ màn đóng cửa cho diễn viên và khán giả có thể  ngơi nghỉ giải lao.  Ai nấy đều rút lui về vị trí của mình án binh bất động trả sân trường lại những ngày yên bình cũ thuở chưa thấy bóng Eva.

Wednesday, June 26, 2013

Mái Hiên Nhà Cổ



Trong khu du lịch Cổ Thôn, một nhóm khách du lịch đang hào hứng tham quan một ngôi nhà cổ sang trong của một viên quan ngũ phẩm nào đó ở Giang Nam đời nhà Thanh để lại. Ngôi nhà cổ có hình dáng bề thế, tinh xảo, xinh xắn, mang đến cho người tham quan một cảm giác mới lạ vô cùng.
Đứng trước ngôi nhà cổ, khách tham quan ai cũng thắc mắc : "Mái hiên ngôi nhà này lạ thật, sao người ta lại làm thành một căn nhà nhỏ xinh xinh?"Cô hướng dẫn viên, đứng dưới mái hiên đố mọi người. Cô chỉ tay vào căn nhà nhỏ xinh dưới mái hiên, giả giọng một chương trình truyền hình nào đó, cô hòi:
- Các cô các bác có biết gian nhà nhỏ này dùng để làm gì không?
Gãi đúng chỗ ngứa, ai nấy hớn hở, xôn xao lên tiếng. Người thì bảo:
- Để giày dép ấy mà, sau khi người ta vào nhà, cởi giầy ra đặt vào đấy.
Kẻ thì nói:
- Để phạt, để răn dạy trẻ con. Trong nhà có đứa trẻ nào làm điều sai quấy thì nhốt vào đấy, khoá cửa lại cho biết lỗi.
Lại có người bảo:
- Trời mưa, vào nhà phải để ô ở gian nhà này.
Một người nữa nói:
-Có lẽ để nhốt gà?
Cô hướng dẫn viên mím môi cười, lắc đầu quầy quậy nói với các vị khách du lịch:
- Không vị nào đoán đúng cả. Đây là nơi dành cho những người lang thang cơ nhỡ khi đi qua vùng này có chỗ mà tránh mưa tránh gió, nghỉ chân qua đêm.
Các vị khách du lịch ai nấy đều lặng im.
Con người hiện đại sống dễ chịu rồi, đâu còn biết đến nỗi khổ của những kẻ lang thang, ăn mày ăn nhặt trên đường phố. Liệu có còn ai nhớ đến họ trong trái tim mình? Với nhịp sống càng ngày càng nhanh, hối hả, sự đồng cảm của chúng ta dần dần bị đẩy vào góc tối của sự cô độc. Lòng trắc ẩn của chúng ta cũng mất dần đi mỗi ngày một ít. 
Thực tế, người ta chẳng nghĩ đến việc làm cho kẻ lang thang một mái hiên che mưa chắn gió.Trong tâm hồn cũng chẳng còn chỗ dành cho kẻ những kẻ khốn cùng một "mái hiên" của sự cảm thông và thương xót. Vậy mà người ở mãi đời nhà Thanh xa lắc xa lơ đã biết làm một mái hiên cho những người cơ nhỡ, đó chẳng phải tấm lòng thương yêu người khác, biết giúp đỡ kẻ yếu hay sao? Sống trên đời, ai cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, ai có thể dám chắc mình không cần đến sự giúp đỡ của người khác?
Nếu ai còn khả năng làm được "mái hiên" thì hãy cố gắng làm thêm vài cái trong những tháng ngày còn lại của đời mình. Nếu không có khả năng thì hãy dựng một "mái hiên" trong tim vậy, để biết quan tâm thương xót những người cùng khổ...

Sưu tầm

Pen Friend (Bạn Qua Thư)

photo
http://www.bataonline.org/images/members/logos/33.jpg
Penfriend = Pal + Enjoy together + Necessary + Forever + Relationship + Encourage + Never + Dab

Penfriend (bạn qua thư) không chỉ là một Pal (bạn bình thường). Đó là một người bạn mà mình có thể bộc bạch tâm sự. Đó là người mà mình có thể viết mà không cần nói, người mà mình có thể Enjoy together (cùng nhau vui đùa) mà không cần quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài. Penfriend là những người bạn thật sự Necessary (cần thiết cho cuộc sống). Những người bạn học có thể xa nhau, những người bạn thân có thể ra nước ngoài sống nhưng những người bạn qua thư là Forever (mãi mãi). Bởi vì theo những cánh thư chứa đầy tình cảm, Relationship (mối quan hệ) của chúng minh sẽ không có khoảng cách. Khi mình gặp khó khăn, bạn luôn sẵn lòng Encourage (khuyến khích) để mình thêm vững tin và điều đó khiến mình trưởng thành. Mình sẽ Never (không bao giờ) quên những tình cảm đó. Mặc dù vậy, mình thầm mong một ngày nào đó, mình có thể Dab (chạm nhẹ) vào bạn dù chỉ một lần, bạn thân thương.

Tôi cũng có một người bạn như vậy. Hai đứa chúng tôi đã quen nhau qua mail.

Tôi vốn là đứa chỉ thích sống một mình, luôn buồn chán về cuộc sống của bản thân. Tôi chỉ thích sống với ký ức những ngày thơ ấu, những ký ức rất đẹp nhưng tôi không nhận ra rằng nó đã quá xa vời. Với chí "tiến thủ", tôi sống chỉ biết "thủ" mà không biết "tiến". Nhưng từ khi nhận được mail anh viết cho tôi, tôi đã nhận ra được giá trị của cuộc sống. Tôi cũng chợt nhận ra rằng, quanh mình có bao nhiêu điều thú vị, quanh mình cón có bao nhiêu là bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ mình bất cứ khi nào gặp khó khăn.

"Mặc dù có những việc tưởng chừng như vượt quá sức mình, mình không thể làm nổi, nhưng hãy nhớ một điều rằng, em không cô đơn". Đó là một trong những điều tôi học được từ anh. Đôi khi, trong cuộc sống có những bài học thật giản dị nhưng mình không nhận ra. 

Tôi vẫn luôn ao ước mình có một người anh trai, bây giờ điều ước của tôi đã trở thành hiện thực. Anh sẽ là Penfriend của tôi mãi mãi cho dù đến một lúc nào đó chúng tôi không còn gặp nhau. Tôi cảm ơn những lá thư cũng như tấm lòng của anh đã dành cho tôi. Cảm ơn anh đã giúp tôi hiểu thế nào là "Melodies of life".
 
"Khi con sinh ra, mọi người đều cười, chỉ có mình con oà khóc. Con hãy sống làm sao để khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ có mình con là mỉm cười.". Đó là tất cả những gì chúng ta phải phấn đấu trong cuộc sống này. Và tất cả chúng ta cũng được gọi là Penfriend phải không các bạn? Mình mong được làm quen với tất cả mọi người!
 

Lính thủy sưu tầm, minh họa 

http://www.herbalworldcenter.com/phanrang/images/HaiQuan-VNCH-HQ-15-TuanDuongHam-WHEC-PhamNguLao-1.jpg

Monday, June 24, 2013

Những Kiểu Sợ Vợ - Người Phương Nam


Bệnh sợ vợ không biết có phải là một hidden disease (bệnh ngầm) chung ở đa số nam nhi đại trượng phu hay không hay là một bệnh bẩm sinh sẵn có từ khi chào đời bởi vì ngay chính bản thân họ, họ không thể nào tự phát giác ra được mà chỉ có người ngòai mới nhận thấy thôi, còn riêng đối với họ thì đó là normal  đương nhiên phải vậy, vợ không sợ chớ sợ cái gì, đầu óc họ dường như đã mụ mị, đã bị trúng tà hay bị mê hoặc bằng một thứ bùa mê tự chế của các bà vợ  yêu quý nhưng đầy phù phép khiến họ có ảo tưởng là họ yêu vợ, chìu vợ chớ chẳng hề có chuyện sợ ở đây .     

Ai dám nói rằng ta sợ vợ
Chỉ ga-lant mắc mớ chi ai
Bởi muốn cho êm ấm trong ngòai
Yêu chìu vợ phải đâu sợ vợ

1-

Ông supervisor của tôi là một người Úc gốc Anh chính cống có bà vợ người Hoa đến từ Mã Lai. Hai ông bà có ba đứa con tòan là gái cho nên trong gia đình dĩ nhiên là âm thịnh dương suy  như mẫu hệ. Bà vợ ông không phải chằng tinh gấu ngựa dữ dằn gì nhưng không biết sao ông lại… sợ, một nỗi sợ không tên tuổi, vô căn cớ và vô thời hạn. Ông đã nhiều lần thố lộ với đám đệ tử rằng xưa nay ông chưa hề làm trái ý nàng hay quyết định một chuyện gì mà không thông qua ‘’lệnh của bà’’. Bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ gì trong nhà cũng do nàng ‘’phê chỉ’’ mặc dù trước đó  cả hai đã có bàn bạc với nhau cho có vẻ đồng vợ đồng chồng. Nhưng thật ra nếu như muốn tát cạn biển đông thì phần thắng phải thuộc về nàng, biết thân thì đừng bao giờ ‘’say no’’mà bị thất sủng chỉ khổ thân thôi. Cứ ‘’say yes’’ tất tật thì sẽ yên nhà yên cửa lại còn được vợ cưng yêu, chăm sóc hết lòng hết dạ. Nghe đến đây chắc có nhiều đấng ông chồng  ấm ức tức cành hông cho là cha này râu quặp trùm sò quá, tại sao lại để cho vợ cầm quyền ‘’nhiếp chính’’ thì còn ra cái thể thống gia trưởng đại trượng phu cái nổi gì. Ấy vậy mà đối với ông thì:

Lý của vợ bao giờ cũng đúng
Đừng bận tâm thắc mắc chi chi
Vợ muốn sao cũng cứ ‘’ừ ‘’đi
Rồi sẽ thấy gia đình hạnh phúc

Hoặc là ‘’khôn ngoan cãi lý người ngòai, vợ nhà đừng cãi có ngày ra sân’’. Ông đã mặc nhiên coi đó là luật mặc dù bất thành văn và ông còn rất tự hào về chuyện nể vợ của ông nữa là khác. Mỗi khi đề cập tới vợ con ông, ông đều tỏ ra trân trọng và sùng bái gọi bằng ba chữ ‘’My little ladies’’. Nhà có bốn little ladies để cho ông phục vụ nuông chìu làm ông già trước tuổi và sớm bạc đầu nhưng ông sẵn sàng chấp nhận coi đó là hạnh phúc trời ban, do đó ông chẳng bao giờ phản kháng hay bất mãn than phiền với vợ con mà  chỉ thỉnh thỏang chia sẻ với đồng nghiệp trong sở làm những khi giải lao tea break hoặc lunch time .

Tuy là cấp trên của chúng tôi nhưng sau nhiều năm làm việc chung, ông coi đám “lâu la’’ chúng tôi như em út thân tình nên thường đem chuyện nhà kể lể tâm sự.  Lúc nào ông cũng bắt đầu bằng mấy chữ ‘’You know mate ‘’ và làm bộ ngập ngừng cà lăm cà lặp ở chữ ‘’little’’, ‘’my litt.. littl…  little lady…’’ để cho người nghe chú ý và thấy là ‘’little lady’’ của ông rất quan trọng, (mà quan trọng thật vì vợ ông là một mục sư giáo hội tin lành, cả ông cũng vậy). Rồi ông bắt đầu tả oán thế này thế nọ nhưng bằng một vẻ mặt rạng rỡ thích thú chừng như ông rất sung sướng khi có dịp khoe ra cái ‘’thú đau thương’’ đó với mọi người chớ không có vẻ gì là fed up phiền hà.

Mỗi ngày ông đi làm, nàng đều pack lunch cho ông, thường là sandwiches và trái cây, tiện lợi gọn gàng để ông có thể ngồi tại bàn làm việc mà ăn. Một bữa nọ có lẽ nàng muốn đổi khẩu vị cho ông nên làm cơm hộp thay vì sandwich như thường lệ. Giờ lunch hôm đó, ông xuống phòng ăn chung của nhân viên lục lạo trong tủ lạnh tìm hộp cơm của mình ra hâm nóng lại. Reheat xong ông ngồi vào bàn cạnh bên tôi  mở hộp ra, nhìn thấy mấy miếng  gà hấp béo ngậy bóng mướt thơm nức mùi  gừng hành được sắp đều trên mặt hộp cơm, ông hít một hơi khoan khóai rồi chép miệng reo lên:
-Oh! My little lady is wonderful. She always look after me perfectly. Today she prepares Hai Nam chicken rice for me. What a yummy! (Nàng tiên bé nhỏ của tôi thật tuyệt vời. Lúc nào nàng cũng chăm sóc tôi  chu đáo. Hôm nay nàng cho tôi ăn món cơm gà Hải Nàm. Ngon làm sao!)

Trong mỗi bữa ăn trưa, bọn nhân viên chúng tôi hay có thói quen là ‘’đấu đồ ăn’’ với nhau, đứa nào cũng đứng núi này trông núi nọ, ngồi trước hộp cơm của mình mà mắt thì cứ nhìn qua hộp cơm thằng khác coi nó có ăn món gì ngon lạ hơn mình để mà so bì rồi về nhà mè nheo với vợ, với mẹ hay với chị, đòi ăn món đó cho được như con nít vô trường mà thấy mấy đứa bạn có đồ chơi gì mới thì về nhà nhứt định đòi ba má phải mua cho giống như vậy. Không mấy thuở mới có dịp ngồi ăn chung với chúng tôi nhưng hình như ông cũng bị lây cái tật ‘’nhìn qua nhà hàng xóm’’ như chúng tôi hồi nào không biết mà trước khi cho chiếc nĩa vào hộp cơm, bất giác ông cũng đảo mắt liếc vòng quanh một lượt rồi mỉm cười đắc ý khi thấy hộp cơm của mình ngon lành bắt mắt nhứt trên bàn. Tôi thấm ý giả bộ súyt soa  thèm thuồng:           
- Yours one is the best John, just delicious! You’re so lucky to have your little lady! That is why! (món ăn của ông là ngon nhứt đó John, ông may mắn có được nàng tiên bé nhỏ, hèn chi!).  
Ông gật gù hả hê nói:
-That’s why, you know mate!(Bởi vậy, cậu biết đó!)

Ông nói như vậy với tôi là vì ông biết rằng tôi là người thấu hiểu ông nhứt ở cái sự nể vợ của ông qua những mẩu chuyện ‘’thờ bà’’ ly kỳ mà ông thường chia sẻ, chẳng hạn như câu chuyện sau đây. Có một buổi sáng nọ ông tới sở làm sau tôi (thường thường ông có thói quen tới sớm hơn mọi người) với vẻ lờ đờ mệt mỏi như thiếu ngủ. Tôi máy móc chào:
- Good morning, John, how are you?
Một thành ngữ xã giao, hỏi mà không cần câu trả lời, ai dè ông đáp lại rằng:
-No, no mate, not good at all!  So sleepy !(không khỏe chút nào hết, buồn ngủ quá!)
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
-Why? What’ s up? (Sao vậy? Bộ có chuyện gì hả?)
Hình như chỉ chờ có người khơi lên là ông tuôn ngay ‘’mạch sầu’’:
-You know mate, litt…littl…little lady drove me crazy. (Cậu biết không, nàng tiên nhỏ làm tôi khùng luôn).

Ông nói chiều hôm qua đi làm về, vì mùa hè cho nên dù đã 6 giờ chiều trời vẫn còn sáng chói, sau khi cho ông giải khát một ly cam vắt ngon tuyệt vời, little lady của ông mới bảo ông ra làm vườn với nàng vì hồi trưa nàng đã đi nursery mua một mớ hoa đủ lọai để trồng ở vườn sau. Gì chớ làm vườn là chuyện nhỏ thôi, cũng là một thú tiêu khiển giúp thư giản đầu óc sau một ngày làm việc căng thẳng nên ông rất hăng hái chìu nàng.  Đào xới, nhổ cỏ dại, trồng bông tới khi mặt trời sắp lặn nàng mới chịu cho nghỉ, lúc đó ông đã bủn rủn tay chân vì đói, tưởng đâu vào nhà sẽ được ăn ngay ai ngờ nàng thỏ thẻ nói hôm nay em không có nấu cơm, chúng mình đi nhà hàng ăn vậy. Thế là ông phải lẹ lẹ đi tắm rửa thay đồ lấy xe chở nàng ra ngoài kiếm một quán ăn có những món nàng thích. Ăn xong nàng bỗng nổi hứng đề nghị đi movie, lúc đó là đã hơn 10 giờ đêm. Ông nghe như sét đánh ngang mày, lấp vấp nói:
-Hôm nay mới thứ năm mà, ngày mai anh còn phải thức sớm đi làm nữa, để weekend đi cưng.
Nàng bèn bỏ giọng Điêu Thuyền tình tứ ngọt lịm:
- Không được, em muốn đi ngay bây giờ mới thú vị bởi vì em muốn tìm lại cái cảm giác thơ mộng buổi  ban đầu thuở chúng mình mới gặp gỡ hò hẹn yêu thương. Lâu quá mình không có dịp romantic, đi chơi khuya với nhau, chìu em đi mà. Mai sáng dậy không nổi thì lấy sick leave một bữa ở nhà nghỉ ngơi chớ gì, đời người có mấy khi được phóng túng lãng mạn buông thả như vậy. Lúc nào mình cũng phải đóng mình trong khuôn khổ đạo mạo gương mẫu  trước mặt mọi người, lúc nào mình cũng bị công việc và áp lực bao vây thật ngột ngạt mệt mỏi. Lâu lâu cũng nên dễ dãi thỏai mái với mình một bữa cho đời còn chút gì đáng yêu đáng sống chớ ngày nào cũng như ngày nấy anh không thấy chán hay sao?

Thế là ông thấy little lady của ông có lý, ông phải méo mặt làm theo ý nàng cho nàng khỏi mất hứng thất vọng chớ chẳng còn cách nào khác hơn. Coi phim xong về tới nhà là đã 1 giờ rưởi khuya, may phước nàng cũng đã quá mệt nên nhào ra ngủ ngay chớ không còn đòi romantic gì thêm nữa, nếu không thì hôm nay ông chỉ có nước lấy sick leave  ở nhà for sure.

Đó chỉ mới là một trong ngàn lẻ một chuyện mà ông phải làm vui lòng little lady thần tượng của ông để giữ hạnh phúc gia đình, còn biết bao nhiêu chuyện mà ông đã ép mình chịu đựng để vượt qua  từ khi ký giấy chung thân với nàng. Nghĩ tới việc này nếu là tôi, chắc tôi phát sốt nổ bùng cái đầu lên được. Tôi nghĩ có lẽ vì ông là một mục sư nên mới có đức tính nhẫn nại độ lượng như vậy hoặc là ông muốn chứng tỏ ông là một người chồng  galant đúng điệu tây phương, một real gentleman, người đàn ông lịch sự dịu dàng, nhứt là với bà đầm của mình. Poor gentleman!

Và đó cũng chỉ mới là chuyện little lady vợ ông thôi, còn những ba little ladies con gái ông nữa. Khi một trong ba đứa kết hôn, nó đòi tổ chức đám cưới theo kiểu trong film ‘’Father of the bride’’, ông phải lấy family leave nghỉ một tuần ở nhà để che lều dựng rạp và trang hòang nhà cửa theo đúng như trong movie. Các con ông đã quen được nâng như trứng hứng như hoa cưng chìu từ nhỏ, tôi nghĩ tội nghiệp cho những tên nào xấu số phải làm rể ông, làm chồng mấy cô little ladies này. Thà chết sướng hơn.  

2-

Tôi có quen vài thằng bạn tuy không thân lắm nhưng thỉnh thoảng cũng đi chơi đi ăn chung với nhau vào dịp cuối tuần. Trong nhóm có một thằng tên Bảo rất ghiền thuốc lá nhưng con vợ nó đã cấm tuyệt từ khi  hai đứa nó cưới nhau. Biết tánh vợ rất cương quyết, Bảo giả vờ ngoan ngỏan như con ngựa đã thuần, tuyệt đối không đụng tới điếu thuốc trước mặt vợ.

Có một tối weekend, cả đám ba bốn cặp rủ nhau đi club ăn uống nghe nhạc, trong lúc vợ Bảo đang miên man hừng chí tán gẫu với bạn bè, anh ta bèn đứng dậy giả vờ đi toilet rồi trốn luôn trong đó mồi  một điếu thuốc đã lận sẵn trong túi quần. Vừa hút anh ta vừa nhìn chừng ra chỗ vợ ngồi coi cô nàng có sinh nghi rảo mắt kiếm mình hay không. Vừa lúc ấy, tôi bước vào, thấy tôi anh ta để ngón tay trỏ lên miệng “sụyt suỵt’’ ra dấu bảo im và lấm la lấm lét chỉ bà vợ bên ngòai :
-Đừng có nói tui ở trong này nghe cha, bả mà biết tui hút thuốc là chết với bả.   
Tôi lấy làm lạ nghĩ thầm trong bụng sao kỳ lạ vậy,  hút có điếu thuốc chớ có phải mèo mỡ ăn vụng gì đâu mà phải trốn chui trốn nhủi, sợ gì mà sợ vô lý quá nhưng tôi giả vờ như mình cũng là người đồng cảnh cùng xuồng với anh ta, tôi xởi lởi trấn an:
-Ối xời, cần gì phải dặn, vụ này tui biết quá mà, bà xã tui cũng không cho tui hút thuốc đâu nhưng lâu lâu ra ngòai chơi với anh em thì hút xã giao một hai điếu bả cũng thông cảm không nói gì.
Bảo nghiêm chỉnh lắc đầu:
-Với bà xã tui thì không có vụ xí xóa thông cảm đó đâu, bả biết tui lén hút thuốc là bỏ tui cái rụp đó. Thôi bây giờ tui ra trước,  coi như không có gì nghe.

Và anh ta rửa tay rửa mặt, súc miệng hai ba lần cho hết mùi khói thuốc rồi mới lấy vẻ điềm tĩnh bước ra ngòai. Tôi nhìn theo chỉ biết lắc đầu… không hiểu nổi.

Còn một thằng bạn khác tên Cường có cô vợ người Hoa nhưng sinh đẻ ở Lào. Mỗi khi muốn làm chuyện gì anh ta cũng nói ‘’tao tính vậy đó nhưng phải hỏi lại ‘’bà Lào’’ cái đã, chớ tao mà qua mặt bả là  không qua nổi con trăng này’’. Cường không sợ vợ đến nỗi mất hồn bạt vía nhưng rất nể vợ bởi vì cô nàng là cái phao, là thần tài của anh ta những khi anh ta xấc bấc xang bang cháy túi cạn tiền.

Cô nàng có job ngon, làm senior accountant đồng thời là supervisor trong một công ty lớn, lương một năm gần 100K chớ không như anh ta bá nghệ buông cái này bắt cái kia rốt cuộc không có job nào nên thân nên hình. Không biết có phải tại vì anh ta sinh nhằm năm con ngựa  nên có cái huông chạy lọc xọc hòai không thể nào ngồi yên một chỗ  ‘’nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh’’ như người ta. Ba hồi làm công, bốn hồi làm chủ, hết nhập cảng thực phẩm Á châu bỏ mối cho các shops tới mở tiệm bán computer accessories.

Cuối cùng con ngựa không chịu nổi tù túng dẹp tiệm xổng chuồng xoay qua làm cameran vác máy đi quay phim đám cưới cho thiên hạ mỗi cuối tuần. Lúc đầu Cường làm ăn có uy tín cũng  đắt khách lắm nhưng lần hồi sanh tật chểnh mảng lôi thôi, hẹn với khách hàng ba tuần sẽ giao phim nhưng kéo dài đến ba tháng rồi một năm. Đôi uyên ương cưới xong đẻ con ra đầy tháng cũng chưa thấy được phim đám cưới của mình.  Chừng ấy thì hai đứa cũng đã biết tỏng nhau quá xá, đã không còn romantic như thuở ban đầu chưa cưới cho nên cũng không còn tha thiết muốn thấy lại hình ảnh  ngày tân hôn dại dột đút đầu vào gông của mình chi nữa cho ê chề.

Partner hợp tác làm ăn với Cường là một anh thợ chụp hình tên Hiệp, mỗi khi có ai book quay phim đám cưới là Cường phải gọi Hiệp theo chụp hình. Hiệp làm chủ một tiệm ăn khá lớn nhưng giao cho vợ quản lý vì thường xuyên phải chạy vòng ngòai. Cô vợ của Hiệp mặt mày  xinh xắn, dáng dấp yêu kiều, ăn nói lịch thiệp rất vui lòng khách đến và vừa lòng khách đi nhưng nào ai biết được chân tướng của nàng nếu không có chuyện liên quan tới vụ chụp hình đám cưới.

Có một lần nọ, Cường nhận được booking, vội gọi báo tin cho Hiệp  nhưng liên lạc mãi chỉ nghe máy trả lời,  gởi SMS cũng không có hồi đáp. Qua ngày sau, Cường gặp một tên bạn thân của Hiệp, Cường  đem chuyện ra nói:
-Hôm qua tới giờ tao liên lạc với thằng Hiệp cả chục lần mà nó không bắt máy, mày có ghé qua quán nó không, nhắn nó giùm tao là cuối tuần sau có cái đám cưới, kêu nó gọi cho tao  để tao cho biết chi tiết. 
Quân, tên thằng bạn của Hiệp hỏi nhóng  Cường:
-Ủa, bộ mày không hay gì hả, thằng Hiệp nó bị con vợ nó đánh và chém bị thương nằm nhà thương hổm nay mấy ngày rồi, mày làm ăn với nó tới bây giờ mà không biết thằng này nó sợ vợ lắm hay sao?
Cường nhìn Quân chòng chọc với vẻ ngờ vực:
-Thiệt hay giỡn vậy cha? Làm gì có chuyện đó. Tao thấy con vợ nó hiền quá mà, còn thằng Hiệp thì ‘’ngầu’’ như dân anh chị, đời nào chịu  để yên cho  con vợ nó đánh. Dóc tổ mày, tao không tin.
Quân bật miệng chưởi thề:
-‘’Lựu đạn’’, vậy là mày lầm to rồi con. Thằng Hiệp bị vợ nó ăn hiếp như cơm bữa, không phải chì chiết chưởi rủa bình thường như mấy bà vợ khác đâu mà tòan là xách dao rượt đâm với chém hay là nện gót giày đạp nó, đá nó tới tét lưng lỗ máu đầu, nhẹ thì ở nhà xức thuốc đỏ uống trụ sinh còn nặng như lần này thì phải vô nhà thương, mày không tin hả, không tin thì lên xe tao chở mày đi nhà thương ngay, nó còn đang ở trỏng kìa.
Nghe vậy Cường cũng nổi nóng văng tục:
-‘’Lựu đạn’’! Vậy sao thằng Hiệp không kêu police bắt nó cho nó tởn tới già. Gặp con vợ như vậy sao không ly dị  phứt cho rồi đi, tụi nó chưa có con dễ tính quá mà, chớ sống với con sư tử cái đó có ngày bị nó xé xác làm hai ba khúc cho vô nồi ninh nước lèo oan mạng. Cái thằng này, tao tưởng đâu nó ngầu lắm ai dè sợ vợ hết thuốc chữa. Khi nào  gặp nó,  tao phải ‘’lên lớp’’ nó mới được.
Quân lắc đầu cười thiểu não:
-Vô ích thôi, tao chơi thân với nó hơn mày nên còn nóng ruột hơn mày nữa, mấy lần đầu tao cũng bảo nó thưa cảnh sát nhưng nó nói sợ cho con vợ nó bị ra tòa rắc rối lôi thôi. Tình nghĩa gì không biết với cái con quỷ sứ này. Thiệt tình tao cũng không hiểu nó nghĩ sao.  Thôi mặc kệ nó, đèn nhà ai nấy sáng, chuyện mình mình lo. Chừng nào nó cầu cứu mình hẳng hay.

3-

Trong số những người láng giềng của chị tôi, đặc biệt có một chị đàn bà nhỏ người, bộ tướng  loắt choắt, nhan sắc dưới trung bình nhưng không bao giờ biết tự ti là gì mà trái lại còn đanh đá hung dữ đụng đâu  gây sự đó. Chồng con trong nhà ai cũng sợ chi ta một phép, háng xóm cũng sợ luôn vì cái tánh ngang ngược phi lý của chị ta. Thật ra chị ta là một người vợ đảm đang, rất biết thương chồng con nhưng khi nổi tam bành lên thì biến thành ác phụ.  Hai đứa con chị ta lúc còn nhỏ ham chơi học kém, chị ta bất kể luật lệ gì của Úc, bắt hai đứa nhỏ cột vào chân giường răn dạy, đánh vài lần cho bỏ tật làm biếng, vậy mà có ‘’ếp phê’’, từ đó về sau bọn chúng ngoan ngỏan chăm học, tháng nào cũng được bằng khen của cô giáo làm chị ta càng thêm oang oang tự đắc. Chồng chị ta hiền như cục bột, chỉ biết đi làm đem tiền về còn mọi việc trong ngòai gì khác đều do chị ta giải quyết tất tật một mình, không tới phiên ông chồng có ý kiến.

Có một bữa,  ông chồng được day off ở nhà, chị ta giao xe cho chồng chở con đi học còn chị ta thì kéo giỏ đi tà tà ra chợ. Trước khi đi chị ta dặn chồng là khi nào chị ta mua xong sẽ gọi anh ta ra chở về. Nhưng sau khi đưa con tới trường, ông chồng tắp qua nhà ông già ruột thăm viếng chớ không về thẳng nhà cho nên khi chị ta gọi về nhà thì không có ai bắt máy, gọi điện thọai di động thì không nghe reo có lẽ vì đã hết battery . Chị ta hầm hầm kéo trolley đi bộ về, về nhà mở cửa vô không thấy ông chồng lại càng sôi gan hơn. Chừng ông chồng về chị ta sấn sả chưởi cho cho một trận rồi ‘’tuyên án’’:
-Tui cấm hổng cho anh ăn cơm ba ngày về cái tội lơ đảng vô trách nhiệm, có cái  điện thọai cầm tay mà để tới hết bin không chịu sạt, báo hại tui phải lội bộ về, chưa kể rủi như tui có chuyện gì làm sao liên lạc được với anh.

Ông chồng dỗ ngọt nói sorry hai ba lần nhưng chị ta vẫn không hạ hỏa nên lẩn ra ngòai lánh mặt. Tưởng trong lúc nóng giận chị ta thị oai cho hả hơi rồi thôi, tới chiều thấy mẹ con đang dọn cơm, ông chồng xấn lại ngồi xuống chẳng dè chị ta sừng sộ la oang óac :
-Tui đã nói không cho ông ăn cơm ba ngày mà sao còn vác xác lại bàn ăn vậy. Phải thi hành ‘’lệnh án’’ nghiêm nhặt làm gương cho con cái chớ, kiểu này làm sao tui dạy con cho được. Ra ngòai kiếm gì ăn đi, tui không có nấu phần của ông. Nhớ là ba ngày lận đó nghe.

Thì ra chị ta dạy chồng như dạy con. Ông chồng nín khe đứng dậy đi te te ra cửa.  Hai đứa con riu ríu nhìn má nó chẳng dám hó hé xin  can.

Tôi nghe bà chị tôi kể lại mà đầu óc lùng bùng. Có chuyện như vậy thật hay sao trời?! Sợ vợ cũng có năm bảy đường để sợ và cũng phải coi vợ mình có đủ tư cách đáng cho mình sợ  hay không chớ làm gì mà khiếp nhược co đầu rút cổ như thế còn mặt mũi đâu ra đường. Thiệt là hết ý kiến! Tôi có đọc đâu đó một câu rằng đàn ông lúc nhỏ sợ mẹ, lớn lên một chút sợ chị, khi lập gia đình rồi thì sợ vợ, về già lại sợ con gái. Oh my God!, chẳng lẽ tất cả đàn ông chúng ta  sinh ra đời là để sợ đàn bà hay sao?!.. Ai có ý kiến gì xin lên tiếng. Mong lắm thay!

   Người Phương Nam