Wednesday, September 30, 2020

Thu Sầu -Hàn Thiên Lương

Những Câu Chuyện Về Tình Người Giữa Đại Dịch Trên Thế Giới


Với 1.426.609 trường hợp nhiễm virus corona và 81.995 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu, thật khó khiến chúng ta giữ vững được tinh thần. Nhưng cũng không tệ đến thế! Vẫn còn đây những mẫu tin ấm áp giữa thời virus corona, giúp khôi phục lòng tin của chúng ta vào nhân loại. Bored Panda đã tổng hợp một danh sách những câu chuyện về virus corona cảm động nhất, chứng minh tình yêu và lòng tốt vẫn đang tồn tại trong thời điểm khó khăn này. 

1. Một phụ nữ người Bỉ, Suzanne Hoylaerts, đã qua đời ở tuổi 90 vì COVID-19 sau khi từ chối dùng máy thở, bà đã nói với các bác sĩ của mình: “Hãy dành nó cho những người trẻ tuổi, những người đang cần nó nhất. Tôi đã có một cuộc đời đẹp rồi.” Bạn thấy đấy, không phải tất cả các anh hùng đều mặc áo choàng!

(Ảnh: Arafatdotyeasin)

2.“Họ cần sự có mặt của tôi và tôi đồng ý. Khi bạn quyết định đời này sẽ làm một bác sĩ thì bạn phải có trách nhiệm với điều ấy. Tôi đã lập một lời thề y đức. Nếu bạn sợ lây bệnh thì tốt hơn hết đừng nên làm một bác sĩ.” – Giampiero giron, 85 tuổi. Ông ấy đã quá tuổi nghỉ hưu của mình nhưng vẫn quay lại để hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh này. Người đàn ông này đã từng là một huyền thoại khi thực hiện ca ghép tim đầu tiên ở Ý.

(Ảnh: reddit.com)

3. Một chàng trai nhập cư người Ả Rập sống ở Ý và sở hữu một cửa hàng trái cây. Anh ấy đang tặng trái cây miễn phí với dòng chữ: “Các bạn đã chào đón tôi vào đất nước của các bạn trong suốt 10 năm qua. Hôm nay tôi trả ơn này cho các bạn.”

(Ảnh: robin_stevenson)
4. Nhớ lại năm 2016, chúng tôi đã tài trợ cho một gia đình tị nạn nhập cư vào Canada. Ngày hôm nay, biết rằng chúng tôi đang tự cách ly, họ đã mang những túi thức ăn đến đặt trước hiên nhà tôi. Đậu, chà là, mì, đậu lăng, sốt mè, rau, thịt và cả kẹo cho lũ trẻ của chúng tôi nữa. Thật là tử tế … và tôi rất lấy làm biết ơn.
(Ảnh: robin_stevenson)

5. Hôm qua tôi đã gõ cửa phòng người thuê nhà của mình và bảo anh ấy có thể ở lại đó mà không cần phải trả tiền nhà trong 5 tháng tới. Anh ấy là một người tự doanh và phải nuôi 4 đứa trẻ. Không cần Thủ tướng Boris phải bảo, tôi vẫn biết đạo đức là gì. Này các bạn chủ nhà, nếu bạn có thể, hãy làm gì đó đi, và làm nhiều thêm nữa.


6. Đây là tôi và mẹ, bà ấy đã sống qua thời của Hitler, qua ca phẫu thuật hở van tim, đã bị thay thế xương 2 đầu gối và 2 bên hông. Vài tuần trước, bà ấy bị ngã gãy xương hông, 2 xương sườn và xương cột sống. Tuần vừa rồi, bà lại bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 và phải mất một tuần điều trị tăng cường khi ở tuổi 86… Hôm nay bà đã khỏe mạnh hoàn toàn, đây là điều mà các kênh truyền thông nên quan tâm để truyền hy vọng đến với mọi người.

(Ảnh: Richard Briley)

7.

8 ngày trước chúng tôi sản xuất rượu Bourbon để kiếm sống.

5 ngày trước, chúng tôi phải ngừng sản xuất, tuân thủ theo yêu cầu của nhà nước.

4 ngày trước, chúng tôi học cách làm nước rửa tay diệt khuẩn.

3 ngày trước, chúng tôi đã hoàn thành một lô hàng kiểm thử.

Hôm qua chúng tôi bắt đầu đóng chai nước rửa tay diệt khuẩn và hôm nay chúng tôi đã giao 4.300 chai nước rửa tay đến bệnh viện Rochester, các văn phòng bác sĩ, các nhân viên y tế và nhân viên bưu điện.

Tuần tới, mục tiêu của chúng tôi là sản xuất thêm 15.000 chai nữa.

Hãy xem chỉ một tuần vừa qua chúng tôi đã làm được gì nào.

Gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên của chúng tôi, tất cả những người đã giúp điều này thành hiện thực. Chúng ta là một Đại Gia Đình.

(Ảnh: Jason Barret)

8. Một người đàn ông ở Morristown, NJ đã đứng ngoài phòng cấp cứu cùng với tấm biển này. [Ảnh: Cảm ơn tất cả nhân viên cấp cứu đã cứu mạng vợ tôi. Tôi yêu tất cả các bạn.]  Hãy nhớ nói lời cảm ơn đến những người ở tuyến đầu nhé!

(Ảnh: reddit.com)

9. Hãy gặp gỡ Wynn, một chú chó phục vụ được huấn luyện bởi bác sĩ Ryan For (tổ chức huấn luyện chó CCI), đang an ủi các nhân viên y tế tuyến đầu trong trận chiến chống virus corona tại Denver. Chú chó giúp các bác sĩ và nhân viên giảm bớt căng thẳng với sự cống hiến của mình. Không phải tất cả các anh hùng đều mặc áo choàng.

(Ảnh: KarthiPrabha23)

10.[Ảnh: Gửi tất cả những khách hàng lớn tuổi của chúng tôi. Vui lòng cứ hỏi nếu bạn cần bất kỳ món đồ gì vì chúng tôi đã giữ riêng chúng lại cho bạn.]

(Ảnh: boredpanda.com)

11. Đứa con học lớp 6 của tôi đã gửi email cho giáo viên toán của cháu để được giúp đỡ, vì thế thầy ấy đã đến và giải quyết bài toán cho cháu trước hiên nhà chúng tôi.

(Ảnh: DakSt8Football)

12. Tớ đang khóc tại siêu thị Winn Dixie. Người phụ nữ mặc quần jeans đã bước tới và thanh toán tiền hàng cho chàng trai trẻ đứng trước cô vì thẻ tín dụng của anh ấy bị từ chối, trong khi anh ấy đang hốt hoảng gọi điện tìm cách kiếm tiền để trả. Cô ấy nói: “Tất cả chúng ta đều từng có những lúc như thế này.” Mọi người thật tuyệt vời!

(Ảnh: AnniePNJ)

13. Những người theo đạo Sikh khắp thế giới mang những bữa ăn đến hàng ngàn người đang bị cách ly vì virus corona. Nhóm ‘Những người Úc mang khăn xếp’ cũng đã quyên tặng hơn 1,5 tấn thực phẩm.

(Ảnh: Sikh Volunteers Australia)

14. CEO chuỗi nhà hàng Texas Roadhouse đã dành toàn bộ mức lương 6 chữ số (USD) của mình để chi trả cho các nhân viên tuyến đầu.

(Ảnh: TheRickyDavila)

15. Một bác sĩ đang phải điều trị cho những bệnh nhân tại một bệnh viện có nguy cơ cao ở Arkansas. Anh ấy đang sống xa gia đình và phải lái xe mất một giờ đồng hồ để về thăm đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình. Đây là khoảnh khắc đặc biệt khi họ được gặp nhau.

(Ảnh: Lewis McFadden)

Nguồn: https://trithucvn.org/doi-song/nhung-cau-chuyen-ve-tinh-nguoi-giua-dai-dich-tren-the-gioi.html

Vấn Đề Lương Tâm - Trần Quốc Bảo



Bên nước Sudan (*) có vùng nghèo đói,

Nhiều chuyện sảy ra, quá đỗi  kinh hoàng!

Một ngày kia, nơi bãi rác, gò hoang,

Có em bé, bị bỏ rơi khốn khổ, 

 

Đói khát gục đầu, em thoi thóp thở,

Sự sống còn, sắp tan biến như sương!

Ác nghiệt thay! Trong giây phút thảm thương,

Có con kên kên, từ đâu đáp tới. 

 

Đậu ngay sau lưng, hau hau chờ đợi,

Em ngã ra, nó rỉa thịt ngon lành!

Cùng lúc ấy,  nhà nhiếp ảnh trứ danh,

Kevin Carter bất ngờ có mặt 

 

Anh thấy ngay, cảnh vô cùng bắt mắt

Ngàn năm một thuở, bố cục tuyệt vời!

Đưa máy ảnh lên, anh bấm liên hồi

Tay nghề cao, thu tấm hình tuyệt tác! 

 

Ý nghĩa bức tranh cực kỳ tàn ác,

Song nhờ nó, anh đoạt giải Pulitzer.

 “Kên kên rình mồi...” nổi tiếng bất ngờ,

Tên tuổi Kevin, lên đỉnh cao vinh dự!

 

Nhưng... khách ngắm tranh nhiều người giận dữ,

Nguyền rủa Kevin, đã hành động sai lầm!...

Qúa tàn nhẫn, khi thấy cảnh thương tâm,

Mê chụp ảnh, không cứu nguy em bé!

 

Nghe phiền trách, anh âm thầm lặng lẽ,

Không thanh minh, chẳng tỏ thái độ nào.

Lời thế nhân... những tưởng sẽ quên mau,

Nào ai biết,  lương tâm anh ân hận!

 

Kết quả bất ngờ, là... anh tự vẫn!

Chỉ ba tháng, sau khi lãnh giải Pulitzer!

33 tuổi đời, với di bút đơn sơ:

“Chuyện thật buồn, tôi vô cùng hối tiếc!”

                                     -o-

“Lương tâm phán xét” nào ai hay biết!

Nhiều khi khủng khiếp hơn án lịnh Tòa!

 

           Trần Quốc Bảo

                Richmond, Virginia

           Địa chỉ điện thư của tác giả:

          quocbao_30@yahoo.com

Bum - Song Thao

Ảnh minh họa

Trên báo Montreal Gazette ngày 8/8/2020 có bài viết của nữ ký giả Emma Jones: “What the Smell of Your Farts Say About You” làm tôi chúi mắt vào ngay. Chẳng là anh bạn thân với tôi từ thời Chu văn An bỗng bị đau thắt bụng, không đại tiện được qua tới ngày thứ ba. Tưởng là tuổi già, cơ thể lúc thế này lúc thế kia là chuyện thường tình, anh không quan tâm lắm. Bạn bè tứ phương áp lực anh phải đi khám coi nó là cái gì. Anh đành phải chiều ý các bạn. Kết quả anh bị xoắn ruột non. Bệnh viện mổ gấp, mang nguyên bộ đồ lòng ra, xếp lại ngay ngắn rồi thuồn vô lại. Cả bệnh nhân lẫn các bác sĩ giải phẫu sau đó chăm chăm chờ đợi. Nếu anh bum được là tai qua nạn khỏi. Nếu không thì rắc rối tiếp. Cuối cùng anh cũng nổ được khiến mọi người ngây ngất. Bài báo của bà ký giả Emma Jones cũng nói tới sự quan trọng của tiếng bum. Theo bà, chuyện tự làm phát ra tiếng nổ hay ngay cả khi không có tiếng nổ nhưng gió vi vu kín kẽ là cần thiết cho sức khỏe con người. Trung bình mỗi người cho thoát hơi 8 lần mỗi ngày, mỗi lần thải ra từ 33 tới 125 mililitre khí thải. Con số trung bình này, tôi nghĩ là quá khiêm nhường. Nhiều người rất dễ dàng vượt chỉ tiêu này gấp nhiều lần. Vẫn theo bà ký giả, nhiều người vì mắc cở nên cố nén tiếng…lòng khiến có hại cho sức khỏe. Phái nữ vốn hay giữ ý nên cố nén hơn phái nam nhưng cả hai phái đều sản xuất số lượng khí bằng nhau, không có chi khác biệt. Bà viết: “Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc nín bày tỏ nỗi lòng gây ra một căn bệnh gọi là bệnh túi thừa (diverticular disease), một bệnh tạo ra những cái túi nhỏ bám vào thành ruột già. Trầm trọng hơn, bệnh có thể gây ra viêm ruột già, chảy máu hậu môn. Cứ tự nhiên sản xuất tiếng lòng không những chỉ làm cho chúng ta dễ chịu ngay lúc này mà còn bảo vệ chúng ta trong mai sau. Vậy cứ dõng dạc, không cần đổ thừa cho con chó đứng ngơ ngẩn bên cạnh. Sức khỏe của bạn tùy thuộc vào đó!”.

Bà ký giả Emma Jones đứng trên bình diện khoa học và sức khỏe mà nói nhưng con người chúng ta lại lệ thuộc vào chuẩn mực xã hội. Nếu chúng ta lỡ…phát biểu rộn ràng một chút thì đánh chết cũng đỏ mặt. Nam cũng như nữ. Nhưng nữ thường chịu hậu quả tai hại hơn. Một tiếng nổ của các bà các cô giữa mọi người có thể sẽ đeo đuổi họ tới suốt đời. Có người bị tình phụ chỉ vì một âm thanh nhỏ nhoi. Các nam nhân được châm chước hơn khi xả ga. Nhiều chàng trai trẻ coi việc tạo ra âm thanh như một trò chơi, không một chút ngại ngùng. Tôi có một anh bạn thời trung học không bao giờ ngại ngùng trong việc sản xuất bom hơi ngạt. Anh hầu như liên tục nhấc một bên người tạo ra âm thanh. Chúng tôi đặt cho anh biệt danh trumpet! Trumpet là loại kèn lớn họng nhất trong dàn nhạc, nhất là trong một ban nhạc jazz. Sau trung học, anh gia nhập hải quân, theo học khóa sĩ quan tại Nha Trang. Ra trường, anh về gặp lũ bạn chúng tôi trước khi nhận nhiệm sở. Dĩ nhiên cuộc họp bạn bè cũ rất rộn ràng với những cú nhấc mông có phần liên tục hơn. Quả là quân trường đào tạo anh mạnh bạo hơn thời thư sinh. Nhiều người còn nửa đùa nửa thật bảo những ngày anh ở Nha Trang, Sài Gòn yên tĩnh đến phát chán. Vừa tới nhiệm sở, anh không may hy sinh ngay trận chiến đầu đời. Đám tang anh, lũ chúng tôi theo sau, buồn thì quá buồn, nhưng vẫn còn dặn nhau đừng đi gần quan tài.
Chuyện tiếng nổ phát ra hình như là một chuyện cười cợt thú vị nhất. Già trẻ lớn bé chi cũng vậy. Cứ tai nghe là miệng ngoác ra. 

Khoảng hai chục năm trước, tôi vô một siêu thị tại Montreal, thấy có bán một cái gọi là whoopee cushion được để trong một bao nhựa có in chữ chỉ dẫn. Tò mò đọc, tôi mới biết đây là trò chơi…bum. Đó là một miếng cao su hình tròn và dẹp. Để dưới ghế, nếu có người vô ý ngồi lên sẽ phát ra tiếng giống hệt như tiếng trung tiện, cung bực trầm bổng thay đổi tùy sức đè. Tôi vốn có tính ngủng ngẳng nên mua về cho mỗi đứa con một cái. Chúng tụ nhau lại, ngồi lên trên, tiếng phát ra khi thì nỉ non, khi thì dũng mãnh tạo nên những trận cười lăn lộn. Đứa lớn nhất bỗng có sáng kiến đặt trên ghế, che một tấm vải lên trên, chờ tới khi có một người lớn vô tình ngồi lên trên. Tiếng động phát ra làm nạn nhân ngơ ngác và đỏ mặt. Sao mình lại có thể là tác giả của một âm thanh khó chịu như vậy trong khi cơ thể không có chuyển động chi. Lũ trẻ núp quanh đó bụm miệng ngăn tiếng cười. Khi sự việc ra ánh sáng, nạn nhân chỉ biết cười trừ!

Miếng whoopee cushion ngày đó nay đã là chuyện dĩ vãng. Thế hệ con tôi giờ đã có chồng có vợ. Tới lượt con của chúng lớn lên. Và vẫn chứng nào tật đó. Nghe thấy tiếng nổ là cười lăn cười lộn. Có thể nói chuyện cười với tiếng xì là chuyện xuyên thời gian và xuyên thế hệ. Thế hệ trước tôi, mẹ tôi cũng đã tủm tỉm cười khi chơi với cháu mà cháu thản nhiên xì xẹt cầm canh. Bà mắng yêu: “Mẹ mày! Bà chịu khó lượm chắc được cả thúng!”. Thời của miếng whoopee cushion giờ đã qua. Chuyện nổ bây giờ tân tiến hơn nhiều. Tôi có mua một cái máy Google Nest Hub để trong nhà. Cái máy này là máy đa năng, chỉ nhỏ cỡ một cuốn sổ tay, nhưng làm được rất nhiều chuyện. Chuyện tôi thích nhất là chưng bày hình ảnh di động. Đi đâu chụp hình, máy tự động lấy về mở…triển lãm. Nhưng đó chỉ là ứng dụng phổ thông nhất. Máy còn làm được rất nhiều việc hữu ích. Cứ lên tiếng “Hi Google” là nó sẵn sàng phục vụ chủ nhân. Hỏi nhiệt độ bên ngoài, tin tức thời sự mới nhất, kết quả các cuộc tranh tài thể thao hay bảo nó cho nghe nhạc, nó vâng lời tức thì. Có lần tôi thử bảo cho nghe nhạc Việt Nam, nó cũng moi ra nhạc Việt liền một khi. Nhưng có một chuyện mà tôi không biết cho tới khi mấy đứa cháu tới thăm ông bà. Thấy cái máy, chúng bảo Google cho nghe tiếng trung tiện. Máy phẹt ra liền. Chúng cười vang, đòi cho nghe một cái thiệt bự. Máy làm một cái long trời lở đất. Ông cháu cười hể hả. Tôi phải thú nhận là thỉnh thoảng nhà vắng người, tôi cũng có bắt chước các cháu, ra lệnh cho máy làm vài cái nghe cho vui tai. Có chết cái mũi nào đâu!

Chuyện máy đã vậy, chuyện người cũng chẳng khác mấy. Âm thanh lớn nhỏ của một cái bum tùy theo lượng khí phát xuất ra. Nếu cứ thả ga thì lớn chuyện, nhưng nếu biết tiết kiệm, từ tốn buông ra thì chỉ nỉ non than vãn. Khí thải trong người nhiều hay ít là do thức ăn chúng ta tiêu thụ. Có bốn nhóm thực phẩm tạo ra nhiều khí. Fructose có trong ngũ cốc như bắp, lúa mì, hành. Lactose có trong sữa, kem ngũ cốc và một số loại bánh mì. Rafinose có trong đậu, cải hoa, cải bắp và một số loại rau củ. Sorbitol có nhiều trong kẹo, kẹo cao su, nước ngọt có ga. Có lẽ cần kể thêm một thứ mà chúng ta biết công hiệu từ xưa: hạt mít!

Các nhà nghiên cứu của bệnh viện Royal Hallamshire ở Sheffield, Anh, đã làm một cuộc thử nghiệm về khí thải trong ruột con người. Họ chọn 10 người tình nguyện, 5 nam 5 nữ. Các tình nguyện viên được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 8 người được cho ăn bình thường gồm có cả đậu. Nhóm thứ hai gồm 2 người được ăn kiêng, không chất xơ. Mỗi người được cắm một đầu ống cao su dài 4 phân vào hậu môn, đầu kia nối vào một túi nhựa. Kết quả, trong 24 tiếng, 8 người trong nhóm thứ nhất thải ra từ 476 tới 1491 mililitre khí. Số khí này lượm được trong khoảng 8 lần xì, mỗi lần từ 33 tới 125 mililitre. Lần bum có trọng lượng nhất là lần xảy ra sau khi ăn khoảng một tiếng. Hai người trong nhóm ăn kiêng chỉ có lượng khí thải trung bình 214 mililitre thôi.

Khí thải trong người ai cũng xêm xêm như nhau nếu thời cùng thứ thực phẩm như nhau. Khác nhau là cách xả ra. Thường thì chúng ta kín đáo trong chuyện tế nhị này. Nhưng nhiều khi mất cảnh giác, bom tuôn ra ngoài vòng kiểm soát dễ gây nên những cảnh cười đau khóc hận. Anh chàng ca sĩ Yatin Sangoi, 48 tuổi, của Ấn Độ là người có lòng. Nhận thấy chuyện bất cẩn xì hơi mang lại những phiền phức cho những kẻ lỡ…miệng dưới, anh muốn mọi người coi chuyện này nhẹ nhàng hơn. Muốn vậy phải cho mọi người quen với những tiếng nổ của con người, coi như chuyện thông thường hàng ngày, tự nhiên như hít thở hay ăn, ngủ. Anh mở một cuộc thi bum cho các thí sinh công khai xả hơi. Cuộc thi có tên là “What The Fart”. Những thí sinh sẽ được chấm điểm trên các tiêu chuẩn: âm lượng, độ dài và âm sắc của mỗi cú xì hơi. Trò chuyện với trang mạng VICE, anh nói: "Đang xem phim cùng gia đình thì tôi đánh ủm một cái rõ to, mọi người cười ồ lên và nói nếu có một cuộc thi xì hơi thì nhất định tôi sẽ là nhà vô địch. Từ khoảnh khắc đó, tôi mới tự hỏi tại sao Trung Quốc, Anh, Mỹ đều đã có thi xì hơi mà Ấn Độ lại không có? Thậm chí còn có cả World Cup xì hơi nữa đấy! Tôi muốn bình thường hóa việc xì hơi. Thời cổ xưa, người ta xì hơi một cách công khai, nhưng giờ đây việc đánh ủm ở nơi công cộng bị coi là chuyện gì đó rất đáng xấu hổ. Các bác sĩ cũng nói rằng xì hơi là dấu hiệu của một cơ thể khỏe mạnh, chẳng có gì xấu xa cả". Cuộc thi được tổ chức tại thành phố Surat, tiểu bang Gujarat ở Ấn Độ. Trước ngày thi, anh Sangoi đã truyền mánh cho các thí sinh: nên ăn nhiều củ cải, đậu và khoai tây luộc. Anh phát động cuộc thi trên mạng internet và có tất cả 60 người ghi tên tham dự. Tới ngày thi vào tháng 9 năm 2019 chỉ có 20 người xuất hiện tại trường thi. Tới khi lên tranh tài trên sân khấu, trước các máy quay phim, chỉ còn 3 vị có đủ can đảm tham dự. Đó là các ông Sushil Jain đến từ Bardoli, ông Alkesh Pandya đến từ Patan và ông Vishnu Heda đến từ Syrat. Dưới ánh đèn, dàn micro và tua tủa máy thu hình, cả 3 ông đều khớp, không thể sản xuất được tí khí nào, nói chi tới chuyện to và mạnh. Vậy là chẳng ông nào ẵm được cúp. Tuy vậy, ban tổ chức cũng tặng mỗi ông một món quà khuyến khích. Chàng ca sĩ đầu têu chuyện xì hơi công khai này thất vọng não nề. Nhưng anh không nản chí và cho biết sang năm sẽ làm lại. Lần này sẽ tổ chức trong phòng kín, không có khán giả, không báo chí truyền thông chi hết, để các thí sinh được thoải mái gây tiếng nổ!

Cái thứ tiếng ti tỉ, lớn nhất cũng không làm rung rinh nhà cửa được, lại đã gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Ông Eric Swalwell là một trong những ứng cử viên tranh chức đại diện đảng Dân Chủ tranh cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Trong một cuộc phỏng vấn ông tại đài truyền hình MSNBC vào tháng 11 năm 2019, người ta nghe thấy một tiếng nổ khá lớn. Người tinh mắt sẽ thấy sự ngượng ngùng trên khuôn mặt vị chính khách này. Video của buổi phỏng vấn được người ta vô coi đông đảo. Cũng phải thôi, ít khi trong chính trường có chuyện vui như vậy. Phản ứng lại, ông Eric Swalwell post trên twitter câu thanh minh thanh nga: “Không phải tôi đâu. Thậm chí tôi không nghe thấy tiếng đó trong buổi phỏng vấn!”. Vậy là dân chơi twitter chia thành hai phe. Một phe nhất quyết chính ông Eric là người thả bom. Phe kia cho đó là tiếng chi đó do máy móc của đài truyền hình tạo ra. Các nhà chuyên môn phân tích bằng các định lý âm thanh rất bài bản để kết luận chẳng ai có thể thả một trái bom nặng ký đến vậy trên micro. Đài truyền hình giải thích đó là tiếng động của chiếc ly xê dịnh trên bàn. Nhưng dân ham vui vẫn không đồng ý với lời giải thích này. Ông Eric Swalwell đã rút lui khỏi cuộc tranh cử. Không biết vụ nổ trên chốn công cộng này có vai trò nào trong việc rút lui của ông không.

Vậy là chủ nhân của tiếng nổ lớn trong vụ này vẫn chưa được rõ ràng. Không như vụ xì hơi của anh Stuart Cook xảy ra vào giữa tháng 9/2019 tại Aberdeen, Tô Cách Lan. Phải công nhận anh Stuart này ngon lành. Xe của anh đụng với một xe khác trên xa lộ. Đây chỉ là một vụ tai nạn thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Nhưng trong khi cảnh sát đang điều tra, họ ngửi thấy trên người anh có mùi cần sa. Họ khám kỹ xe anh và thấy một lượng nhỏ cần sa. Cảnh sát dẫn anh về bót. Tại bót, cảnh sát bắt anh thoát y để khám coi có giấu cần sa trong người không. Đúng lúc viên cảnh sát đang lom khom dưới chân anh, anh cho nổ ba quả bom thúi vào ngay mặt ông này. Xong anh còn hỏi: “Ông có thích không?”. Anh bị đưa ra tòa. Bà Laura Gracie, luật sư của anh Cook, cho rằng anh hành động như vậy vì “cảnh sát đã phản ứng quá đáng” với anh khi bắt giữ. Tòa đã tuyên án anh về tội “đe dọa và cố ý thả hơi” vào nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên tòa cũng nhẹ tay, chỉ phạt anh 75 giờ làm việc cộng đồng.

Tháng 3/2019 tại Úc đã xảy ra một vụ kiện làm ồn ào dư luận. Ông David Hingst, 56 tuổi, nhân viên của hãng Construction Engineering, đã kiện ra tòa Tối Cao Victoria ông chủ cũ Greg Short vì tội đã làm ông tổn thương tinh thần trầm trọng. Ông David nói với hãng tin APP: “Tôi ngồi đối diện với bức tường trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Ông ấy tới sau lưng tôi, âm thầm thả bom rồi bỏ đi. Ông liên tục làm như vậy mỗi ngày tới sáu bẩy lần!”. Ông David đã từng thưa kiện chuyện này nhiều lần từ năm 2017 đến 2019 nhưng các tòa đều cho rằng hành vi “thả bom” không phải là tội bắt nạt nơi văn phòng và không có căn cứ để xử. Trong khi đó, ông Greg Short thanh minh: “Tôi không nhớ chính xác mình có “thả bom” vào David hay không nhưng hình như cũng có một hai lần chi đó. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định xúc phạm ông ta”. Lần kiện lên tòa tối cao tiểu bang Victoria này, ông đòi bồi thường tới 1 triệu 100 ngàn đô Úc. Nhưng một lần nữa ông David đã lại thất kiện.

Cũng phải thông cảm với các vị cầm cân nảy mực tại pháp đình. Chuyện như đùa mà mang ra chốn tôn nghiêm chắc chắn phải làm luật pháp bối rối. Chuyện tự nhiên của cơ thể con người đã làm các quan tòa mất tự nhiên. Biết xử thế nào cho phân minh trong khi sách vở luật không dự trù tới sự len lỏi của trái bom không gây nguy hiểm cho mạng sống con người vào chốn pháp đình. Nhưng ngoài xã hội thì khác. Các nhân viên công lực tại Tô Cách Lan trong vụ anh Stuart Cook cố tình xì hơi đã lãnh đủ hương vị của anh chàng láo lếu này. Trời chẳng bất công với ai. Đã bắt cảnh sát lãnh đủ thì cũng cho cảnh sát hưởng lợi. Sự may mắn đã tới với các cảnh sát tại hạt Clay, tiểu bang Missouri bên Mỹ.

Sự việc mới xảy ra vào tháng 2/2020. Cảnh sát đang truy nã một nghi phạm có tuyệt chiêu lẩn trốn. Được tin mật báo địa điểm nghi phạm đang ẩn nấp, cảnh sát xiết chặt vòng vây, dẫn chó đánh hơi xục xạo nhưng vẫn không có kết quả. Bất thần họ nghe thấy một tiếng bom tấn vang dội, vội xông vào nơi phát xuất tiếng nổ có trọng lượng và tóm ngay được nghi phạm.
Hay không bằng hên. Hên cho cảnh sát nhưng xui cho nghi phạm. Tại sao đã lẩn trốn mà còn rượu thịt chi cho khổ. Không biết nên trách ruột già hay ruột non. Theo khoa học thì thủ phạm tiếng nổ là anh…già! Các cụ ta thường nói: càng già càng dẻo càng dai. Không biết có phải ám chỉ chuyện nổ này không?

09/2020
Website: www.songthao.com                                                                                                           

Tuesday, September 29, 2020

Tháng Mười Bước Tới - Đỗ Công Luận

Bánh Đúc Có Xương - THAI -NC


Nghe tin Tư khăn gói dọn ra khỏi nhà chồng làm ai cũng ngạc nhiên. Ô hay mới cưới nhau chưa đầy tháng đã cơm không lành canh không ngọt? Mà đâu phải vợ chồng son trẻ thiếu chính chắn gì cho cam? Cả hai đều đã một lần dang dỡ. Nàng đã từng có chồng, nhưng duyên không nợ nên rồi lại đường ai nấy đi. Chàng thì ...goá vợ, gà trống nuôi 2 đứa con thầm thoát cũng mấy năm rồi. Duyên lành đun rủi cho hai tâm hồn cô đơn gặp nhau. Vậy mà...

 Hỏi lý do nào Tư phải bỏ đi?

 Nàng trả lời:

 -Bả ở trong nhà vậy ai chịu nỗi.

 - Bà nào ở? Tôi thắc mắc

 - Vợ cũ ổng chứ ai

 - Không phải vợ ổng mất lâu rồi sao?

 - Mất thì mất, ai cấm bả...không ở trong nhà?

 - Không hiểu

 - Là bả…không chịu đi, mà cứ ở trong nhà chứ sao nữa.

 - Giỡn hả em? Thời buổi này còn nói chuyện ma quỷ ?

 - Thiệt đó anh.

 Và theo lời Tư kể:

Mới về nhà ổng có mấy ngày là em thấy âm khí trong nhà nặng nề, biết ngay đang có người âm trú ẩn, quả nhiên là bà ấy.

Wait, Chuyện ma quỷ có thiệt hay không anh không chắc, nhưng nếu có thiệt như em nói thì em làm sao biết có âm khí trong nhà và chắc là linh hồn của bà ấy còn đó?

 Tư cười:

- Nói anh nghe cũng không sao. Ông nội em là thấy pháp chuyên trừ tà đuổi quỷ ở Tây Ninh. Tía em cũng có chân truyền từ ông nội cho nên em cũng được học hỏi từ nhỏ tuy chưa học hết để đủ sức bắt ma trừ tà như ông nội, hay tía em, nhưng có thể thấy ma, và nhất là không sợ ma .

 - À… Vậy sao giờ sợ?

 -…Đâu sợ, mà bực thôi. Anh nghĩ mình ở trong nhà, tự nhiên lâu lâu thấy bả đứng gần đó xua tay như muốn đuổi mình ra khỏi nhà. Em không sợ vì đã từng thấy nhiều ma trước rôi, và biết nó chẳng làm gì được mình, nhưng mà khó chịu lắm anh. Nhất là buổi tối hai vợ chồng riêng tư với nhau, bỗng thấy bà đứng đó có khổ không chứ?

 - A, vậy là bả ấy ghen. Nhưng theo anh biết người mất rồi phải siêu thoát đi nơi khác về thiên đàng hay địa ngục gì đó tùy mỗi người, tại sao bà này còn ở trong nhà?

 - Cũng có những trường hợp họ bị vương vấn nặng nợ trần chưa đành lòng đi, bởi vậy mới có ma chứ anh. Trường hợp bà vợ cũ của ảnh không đi chắc vì thương con quá ra đi không nỡ nên trốn ở lại.

- Vậy muốn cho bà ấy ra đi thì phải làm sao?

- Phải mời một cao tăng đắc đạo tới nhà tụng kinh khai nhỡn cho bà ấy thấy được lẽ luân hồi mà siêu thoát. Nhưng ông chồng em đời nào tin mấy chuyện này mà tính mời tăng!

- Em có cho anh ấy biết chuyện này?

Có, nhưng ảnh nhứt định không tin, còn sạt em nhảm nhítức không?

- Khó nhỉ! Ông ấy không tin cũng không thể trách. Hay là nói ông nội hay ba em …mời bả ra khỏi nhà?

 Tư trầm ngâm nói:

- Nếu kêu tía em đang ở VN qua thì ông có thể đem bà ấy ra khỏi nhà, nhưng sao mà nỡ làm vậy anh ơi. Bà ấy vì quá thương chồng thương con, chưa muốn chết mà phải chết. Nghe kể là bà bị tai nạn xe cộ chết bất ngờ quá nên không cam tâm siêu thoát mới ra cớ sự. Tía em có thể trục bà ấy ra khỏi nhà và dán bùa không cho bà trở vô, nhưng không thể dẫn dắt cho vong linh bà. Bà sẽ trở thành một con ma hoang không nơi nương tựa, dễ sa vào kiếp ngạ quỷ tội nghiệp lắm. Phải có cao tăng dẫn dắt bà đến nơi siêu thoát mới là biện pháp hay nhứt.

 - Nhưng chồng em đã không tin mấy chuyện này mà !

 - Bởi vậy mới khổ. Chắc là duyên phần của em vậy để mình em chịu chứ em không nỡ làm đâu anh. Dù sao cũng là nhà cửa, gia đình của bả. Bà ấy chưa dứt được tơ tình muốn ở lại với chồng con thì phải chịu. Khi nào có cơ duyên được dẫn dắt, bà sẽ tự siêu thoát ra khỏi nhà.

 Và Tư đã quyết định ra đi, trả lại chồng và con cho con ma ấy.

 ***

 Đâu chưa đên hai tháng, Tư tới báo cho biết đã…dọn về lại.

 Câu chuyện “dọn về” của Tư còn li kỳ hơn.

 Nàng kể:

“… Hôm đó em đang ngủ ở nhà, chợt như có ngưòi kéo chân thức dây. Hoảng hồn luôn: anh biết ai hôn? Bả chớ ai! Em bực quá la lên: “Này chị, tui đã trả ảnh lại cho chị rồi. Chị còn tới đây kiếm tui chi nữa”. Bỗng nhiên em nghe như trong tâm thức tiếng chị ấy nói nhờ em tới nhà cứu đứa con gái út tên Alyssa đang bệnh sốt nặng trong phòng một mình, nguy hiểm quá.

 Nghe đến chữ Alyssa là em tỉnh ngủ liền. Nó là đứa con gái sau của hai người mới 7 tuổi thôi. Lúc còn ở nhà, em thương con bé lắm, mà nó cũng thương em. “Anh Tân đâu?” Em hỏi. “Anh Tân đi out of town ngày mốt mới về. Nhà chỉ có 2 anh em” “Sao chị không thức thằng Brian dậy. Nó lớn rồi biết lấy thuốc cho em nó” “Không được em ơi. Chị là mẹ nó thiệt nhưng không thể liên lạc với nó. Chị chỉ liên lạc được với em thôi. Em làm ơn tới cho con Alyssa uống thuốc giùm chị chứ để lâu bị coma nguy hiểm lắm.”

 Tuy vẫn còn ấm ức, nhưng nghe nói con bé Alyssa bệnh là em quên hết giận hờn. “Nhưng mà kẹt rồi chị. Tui đâu có chìa khóa vô nhà? Tui trả hết chìa khóa cho anh Tân rồi ”

 “Đừng lo. Em cứ tới nhà chị chỉ cho cách”

 Vậy là giữa đêm khuya khoắt 1, 2 giờ sáng em tức tốc lái xe đi. Đến nơi bả chỉ dưới 1 viên gạch trong vườn có để cái chìa khóa sơ cua từ hồi bả còn sống để phòng trường hợp đi đâu bị quên hay mất chìa khóa vô nhà. May mà chìa khóa bao bọc cẩn thận nên không bị rỉ sét gì cả,

Em mở cửa bước ngay vào phòng con Alyssa. Quả nhiên con bé không biết trúng gió hay gì mà lên cơn sốt, người nóng như lửa đang nằm rên hừ hừ. May em biết chỗ để thuốc men trong nhà nên lấy ngay cho con bé uống và lấy khăn ướt lau người nó để giảm nhiệt. Được chốc sau con bé đã hạ nhiệt và tỉnh dần nó thấy em đang ôm nó nên mếu máo "Mẹ ơi mẹ đừng đi nữa, ở lại đây với con nha!" Không biết nó đang nói mẹ là em, hay là nó đang nhớ đến mẹ ruột nó. Em mủi lòng đến chảy nuớc mắt, còn bà ta thì đứng ở góc phòng khóc ngon lành. Dĩ nhiên là chỉ có em biết còn con bé và thằng Brian (lúc này thì thằng anh nghe tiếng động nên đã tỉnh chạy sang phòng con em) hoàn toàn không biết mẹ ruột của chúng nó lúc đó cũng đang ở trong phòng.

 Đợi sáng em để sẵn thuốc dặn thằng anh cho em uống, gọi điện thoại cho ổng biết con gái bệnh phải về chăm sóc con. Em chỉ làm được tới đây thôi.

 

-Ổng có hỏi tại sao em biết con bé bệnh mà tới nhà giữa đêm khuya như vậy? Tôi hỏi:

 - Có, và em có sao nói vậy. Ảnh tin hay không tin mặc kệ. Em không care.

 -Vậy ổng có tin?

 - Ban đầu thì không, nhưng sau đó cũng phải tin. Ảnh xin lỗi và năn nỉ em trở lại với ảnh.

 - Và em đã chịu ?

 - Dạ. Tư trả lời

- Vậy còn …bả?

- Chị ấy đi rồi anh.

- Đi đâu? Sao em biết?

- Sau vụ con Alyssa, chị lại hiện về lần nữa nói chuyện với em. Chị ấy xin lỗi bấy lâu nay u mê không biết nên đã phá em. Nhất là chỉ sợ mấy đứa con bị cảnh mẹ ghẻ con chồng. Nhưng bây giờ thì chị hiểu là em cũng thương con chỉ như con em. Đêm hôm khuya khoắt nghe con bé bệnh là bỏ tất cả chạy tới ngay. Con bé Alyssa tinh thần lẫn thể chất yếu đuối, nó cần một người mẹ bên cạnh thực sự thương yêu và chăm sóc cho nó. Chị ấy có thương con tới đâu cũng không thể làm gì được. Bây giờ thì chị đã yên tâm siêu thoát về thế giới của chị, không nuối tiếc gì nữa vì biết rằng gia đình, con cái chị từ đây đã có em thay thế chăm sóc. 

***

Đã mười mấy năm trôi qua, gia đình Tư sống hạnh phúc. Hai người không có thêm đứa con nào, nhưng hai đứa con chồng thương Tư như mẹ ruột của chúng.

Có lần tôi tò mò hỏi sau lần đó, bà vợ cũ có bao giờ hiện hồn về thăm chồng con và thăm Tư không? Cô mỉm cười nói " Bí mật. Thiên cơ bất khả lậu".

 Và tôi nghĩ đến câu ông bà hay nói:"Mấy đời bánh đúc có xương- Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng". 

Well, cũng có khi bánh đúc có xương...

 ThaiNC

Monday, September 28, 2020

Tấm Ảnh Tuyệt Vời


Đây là chân dung tổng thống Trump đã được Ông Bảy Nghĩa ở Đồng Tháp làm bằng gân lá sen.

Mèo Ốm Ạ! Bây Giờ Là Mùa Mưa - Nhạc: NgànThu - Thơ: Phạm Cao Hoàng

Đời Người, Có 5 Việc Càng Nói Không, Càng Ít Tai Họa

Đây là 5 việc mà dù bạn là ai cũng nên ghi nhớ để thực hiện nếu muốn có một cuộc sống thanh thản, tự tại, tránh xa được tai ương, họa hại.

1. Không đòi hỏi quá nhiều
Cuộc đời là một chuyến du lịch cô đơn. Từ đầu đến cuối, trong thế giới của bản thân đều chỉ có mỗi một mình, phải tự mình bước đi, phải tự mình làm việc, phải tự mình hoàn thành ước mơ.
Sinh ra là con người, mỗi chúng ta đều có những điểm khiến người đời ngưỡng mộ nhưng cũng có nhiều điểm còn thiếu sót. Chẳng ai luôn được như ý muốn, cũng chẳng ai sống được dễ dàng hơn kẻ khác.
Trong cuộc sống có quá nhiều phiền muộn và rắc rối. Xưa nay, không phải người khác mang đến lo âu và đau khổ cho chúng ta mà chính thái độ và tâm trạng của chúng ta quyết định việc này.
Nếu như chúng ta đòi hỏi quá nhiều, cuộc sống sẽ càng phiền muộn, nếu như chúng ta quá ganh tị, đố kị, cuộc sống sẽ càng đau khổ.

Thật ra mỗi người chúng ta nên hiểu một điều: Sinh mệnh là của chính ta, cuộc sống cũng là của chính ta. Không cần phải chứng minh cho người khác thấy, càng không cần phải so bì cao thấp với kẻ khác. Đừng lãng phí quá nhiều thời gian vì ánh mắt và lời nói của người khác.
Hãy sống tốt cuộc đời của mình, cứ kệ người ta nói gì thì nói.

2. Không giải thích với người không hiểu mình
Cuộc đời con người kiểu gì cũng sẽ có lúc phải trải qua những lời bịa đặt gièm pha. Trong cuộc sống luôn có những người thích nói xấu sau lưng người khác và càng không thiếu người bị người khác nói xấu sau lưng. Bởi vậy không cần phải giải thích, càng không cần tranh cãi với người khác.

Việc giải thích cũng cần có 'vốn', thay vì lãng phí vốn liếng là thời gian quý báu và sức lực của bản thân vào việc giải thích cho người khác hiểu mình, thà rằng tập trung làm việc mà mình coi trọng, đi con đường mình đã chọn. Chúng ta không cần lãng phí lời nói và thời gian quý báu của mình.
Trên thế giới này, mỗi người chúng ta đều là một bản thể độc nhất vô nhị, là một tia pháo hoa khác biệt, dù chỉ rực rỡ trong một khoảnh khắc cũng chiếu sáng cả một khoảng trời, không cần ép mọi người đều phải hiểu.

Làm người hãy giống như một đoá hoa, dù chẳng ai ngắm cũng nhất định phải nở rộ, chẳng phải vì ai khác mà là vì chính mình, chẳng cần làm món đồ cho người khác thưởng thức, cứ tươi đẹp theo cách của mình.

Trên thế gian này, có những người coi bạn như câu chuyện cổ tích, có những người coi bạn là câu chuyện thần thoại, lại có những người coi bạn là chuyện cười. Cứ để họ nói vậy đi.
Người thật sự ưu tú sẽ chẳng bao giờ bận tâm xem người khác nghĩ gì.
Họ chỉ bận tâm trở thành một bản thể ưu tú nhất, không tìm kiếm cái bóng của mình sau lưng người khác, không hèn mọn tìm kiếm giá trị tồn tại của mình trong mắt của người khác.
Họ sẽ tự mình phấn đấu không ngừng, tự toả ra ánh sáng và sống là chính mình.


3. Không tranh giành
Con người đến một độ tuổi nhất định sẽ học được cách không tranh đoạt. Cuộc đời cứ phải tranh qua tranh lại làm gì? Tới cuối cùng có thứ gì là của bạn, và bạn có thể mang theo thứ gì?
Đừng tranh giành. Thứ gì đã là của bạn thì chẳng phải tranh, bởi trời đã định sẵn; thứ không phải của bạn, dù có tranh cũng không được, vậy hà tất phải đòi hỏi quá đáng?

4. Không tranh cãi
Đối mặt với loại người ngang ngược vô lý, lùi một bước là cách để đôi bên cùng yên ổn, cũng là cách để bảo vệ bản thân.
Dù có lấy lý lẽ ra tranh cãi thì cũng chỉ khiến mình phiền lòng, mất hứng. Cuối cùng kẻ đó vẫn coi trời bằng vung, thậm chí gây nên ảnh hưởng không tốt đối với cuộc sống của mình.
Người xưa từng nói: Mười người biết điều cũng không thắng nổi một kẻ ngang ngược. Bởi vậy cần gì phải tranh cãi đúng sai với kẻ ngu dốt?
Có đôi khi giải thích trong tuyệt vọng sẽ khiến bạn nhận ra: Khoảng cách giữa người với người là gần ngay trước mắt lại xa tận chân trời.
Không tranh cãi là biết cách giữ mồm miệng, biết bảo vệ tâm hồn mình. Người nói vô tình, người nghe có ý. Hãy tránh hoạ từ miệng mà ra, đừng gây chuyện thị phi.
Có đôi khi im lặng không nói gì mới là thứ âm thanh có sức tấn công mạnh mẽ nhất. Người không nói sẽ dùng nhiều thời gian để suy ngẫm, để quan sát người khác hơn, có thời gian để làm việc, trở thành một người trong cuộc sáng suốt.


Bởi vậy hãy khép miệng lại tu tâm, yêu thương lấy bản thân.
Người không tranh giành mới thật sự là người chiến thắng trong cuộc sống. Hãy buông bỏ sự tranh cãi, tránh xa những phiền muộn, trốn khỏi những người, những việc tệ hại. Khi có được sự tự tại, an nhiên, lòng sẽ luôn thấy vui vẻ. Lúc đến tuỳ duyên, lúc đi tuỳ ý.

5. Không khoe khoang
Con người đến một độ tuổi nhất định sẽ học được cách không khoe khoang.
Bạn và tôi đều là con người, cuộc sống sẽ không thể luôn luôn tốt đẹp, đừng tùy tiện đắc ý, cho dù ở vị trí nào cũng đều không nên đắc ý mà khoe khoang tới mức vênh váo.
Bạn càng khoe khoang thứ gì thì sẽ càng dễ mất đi thứ ấy. Vào thời điểm bạn bộc lộ tài năng của mình, đó có thể cũng chính là lúc kẻ khác ghen ghét bạn. Kẻ tiểu nhân thường dễ ra tay vào những lúc bạn đắc ý mà mất cảnh giác nhất. Bởi vậy, chúng ta nên học được cách giấu mình, không khoe khoang.
Người đời thường nói: Núi cao còn có núi cao hơn.
Làm người nhớ đừng khoe khoang. Khiêm tốn sẽ giúp bạn bay cao hơn, khiêm nhường sẽ giúp bạn đi xa hơn.
Con người đến một độ tuổi nhất định sẽ học được cách không tranh cãi, thản nhiên hoà nhã nói chuyện, bình tĩnh điềm nhiên chấp nhận, mỉm cười ung dung cho qua.
Làm người cứ lo cho chính mình là đủ, thay vì thao thao bất tuyệt tranh cãi, hãy cứ yên lặng rèn luyện bản thân, cứ lặng lẽ làm tốt việc của mình, hoàn thiện chính mình, đó mới là việc nên làm nhất.

Theo Soha

Mấy Dòng Thương - Hàn Thiên Lương

Dịch Vũ Hán và Phong Trào Phản Kháng - Nguyễn Thị Cỏ May

Biểu ngữ của một người biểu tình: chấm dứt việc khiến chúng tôi tin rằng những người thử nghiệm dương tính là những người có bệnh! (Ảnh Gettys Images)

Trước tình trạng dịch Vũ Hán lây lan mạnh trở lại, riêng ở Pháp trong vài ngày qua, cứ mỗi 24 giờ, có tới trên dưới 10000 trường hợp bị nhiễm, tuy chánh quyền chưa chánh thức thừa nhận đợt 2 dẫng tới, bổng xuất hiện «phong trào chống mang mặt-nạ» phòng bịnh, chống đóng cửa. Ở Đức, «phong trào chống mang mặt-nạ» biểu tình trước Cổng Brandebourg qui tụ cả 40 ngàn người đủ lớp tuổi, đủ thành phần xã hội, lớn tiếng phản kháng lệnh chánh phủ bắt mang mặt-nạ với khẩu hiệu «Chết bỏ, không mang mặt-nạ».


Phong trào phản kháng này có nhiều người liên hệ với Tổ chức Reichsburger coi T.T. Trump là người sẽ «giải phóng nước Đức». Một số khác chống tiêm chủng ngừa dịch Vũ Hán, số khác nữa chống thiết lập 5G, hoặc theo «tân quốc xã», ủng hộ những người áo vàng (Gilets Jaunnes của Đức) và cả phong trào QAnon,…
Ở Đức phong trào chống mang mặt-nạ liên kết với nhiều phong trào khác như các phong trào trên đây tạo thành một thứ liên minh lạ lùng.

«Phong trào chống mang mặt-nạ» ở Pháp cũng khá sôi nổi nhưng bề thế yếu hơn, chỉ qui tụ từ 200 tới 300 người, phần lớn là tuổi trẻ, hồi cuối tháng 8 kéo nhau biểu tình ở Paris. Nhưng, trong lúc đó, lại động viên được nhiều ngàn người hưởng ứng trên các mạng xã hội.
«Phong trào chống mang mặt-nạ» khởi đầu từ nhiều tháng nay ở Huê kỳ và từng bước xâm nhập qua u châu.

Xưa nay, những hiện tượng xã hội, cả những môn thể thao, đều từ Anh và Huê kỳ đem tới. Ít thấy có một phong trào xã hội nào xuất phát từ u châu rồi ảnh hưởng qua Anh và Huê kỳ tuy Huê kỳ đối với u châu là Tân Thế giới!
Biểu tình chống mang mặt-nạ nay đã trở thành toàn cầu. Ở Canada, ở Espagne, ở Luân-đôn, ở Zurich, Thụy sĩ, cả ở Phi châu và Á châu, nhiều ngàn người tụ tập trên đường phố đòi được tự do …đối phó với dịch Vũ Hán.

Huê kỳ tiên phuông chống mang mặt-nạ
«My body, my choice» và cái bảng vể hình mặt-nạ bị gach tréo bằng màu đỏ, tức xóa bỏ. Người biểu tình chống mặt nạ vì họ thấy trong chiếc mặt nạ là cả một sự xúc phạm tới tự do cá nhơn của họ.
Tụ tập trước chánh quyền địa phương, những người biểu tình đồng xác nhận chống mang mặt-nạ là lập trường kiên định của họ. Không có một nhà cầm quyền nào có thể điều hành hơi thở của họ. Thở là quyền bất khả xâm phạm của mọi người. Can thiệp vào sự hít thở là qui định độc tài cộng sản. Nên nhớ ở đây không phải là Cu- ba, không phải là Việt nam, là Trung quốc. 

Có người còn quá khích cho rằng «Mặt nạ là thứ giết người» hoặc họ bảo «măt nạ làm cho trẻ con không nhận ra được những kẻ ấu dâm». Những người chống mặt-nạ tiến tới chống luôn các biện pháp an toàn do chánh phủ ban hành. Từ đó, họ gây ra xung đột xã hội nghiêm trọng. Nhiều nơi dẫn tới đẫm máu..
Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy xu hướng chấp hành những biện pháp phòng bệnh của chánh phủ này càng đông hơn số người phản đối vì họ thấy rõ tình hình nhiễm bịnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Như vụ tập họp 460 000 người đi mô-tô ở Dakota trong đó nhiều người không mang mặt-nạ, sau đó có ngay 260000 người bị nhiễm bịnh.

Mang mặt nạ và chống mặt nạ lại ảnh hưởng luôn tới chánh trị Huê kỳ. Trong một phỏng vấn đăng trên nhựt báo Libération (Nhựt báo Pháp), tác giả giải thích sự phản kháng mặt-nạ là khởi đầu của phong trào quần chúng cực hũu nhưng lại tuyên bố «không theo tả, cũng không phải hữu». Họ không ở giũa, mà ở bên lề. Là nhũng người ly khai khỏi một hệ thống – chánh quyền - thường dối gạt họ và muốn dẫn áp họ!

Trong lúc đó, ông Tổng thống Trump xuất hiện nơi công cộng vẫn không mang mặt nạ. Vì ông nghĩ uống mỗi ngày 1 viên Chloroquine là chắc ăn rồi?. Trump cũng nghĩ sẽ tái đắc cử để cúu nước Mỹ. Nghĩa là không chỉ đưa dẫn Mỹ thoát khỏi nạn dịch Vũ Hán! Còn ông cụu Phó Tổng thống Biden thì mong sẽ đắc cử để cung cấp đủ mặt-nạ cho dân Mỹ và bắt buộc họ mang ở nơi công cộng để phòng bịnh corona Vũ Hán. 

Canada phản kháng mặt-nạ
Ngay từ đầu tháng 8/2020, ở Montréal, hàng ngàn người xuống đường biểu tình, hô lớn khẩu hiệu «Tự do».
Những người biểu tình vì phản đối mang mặt-nạ nên họ đều không mang mặt-nạ. Họ trương biểu ngữ «chống vắc-xin». Theo nhà báo Pascal Lapointe trên Radio thì những người biểu tình thật sự không phải chỉ nhằm chống mang mặt-nạ, mà phần lớn họ chống những điều khác. Phải nhìn nhận lực lượng biểu tình ở Montréal rất hùng hậu. Theo người tổ chức biểu tình thì họ xuống đường đông cả 50 000. Theo cảnh sát ước tính chỉ có khoảng 4000 người.

Đúng như nhà báo Lapointe nói, đằng sau những người tổ chức biểu tình chống mang mặt-nạ quả thật là những người của tổ chức cực tả «Alt-Right» của Mỹ mà người nổi bật là Alexis Cossette-Trudel, đệ tử của phong trào QAnon cho rằng «bắt buộc mang mặt nạ là một thứ tiêu chuẩn xã hội dùng để khóa miệng dân chúng» và đó còn là «một đòn độc của Nhà nước nhằm đánh vào nhơn dân».

Một nhà giàu người Canada dứt khoát không chịu mạng mặt-nạ. Để bênh vực lập trường chống mặt-nạ của mình, ông vừa đưa ra ý kiến riêng là mở một trường học tư, học sinh vào học sẽ không bị «ngăn cách» và không mang mặt-nạ. Trả lời phỏng vấn, ông giải thích muốn bảo vệ và cứu vớt những trẻ con trước một chánh phủ toan làm hại chúng về tâm lý và xã hội bằng cách làm cho chúng sợ hãi và ép mình vào khuôn khổ nhứt định.
Nhưng cũng may cho tới nay, ông đại gia đó chưa có đủ điều kiện để thực hiện sáng kiến lớn của ông!

Chống mặt-nạ ở Đức
Ở Đức phong trào chống mặt-nạ biểu tình thường xuyên ở Thủ đô. Vào cuối tháng 8/2020, phong trào biểu tình với khẩu hiệu «Chào mừng Tự do và Hòa bình». Phong trào do Micheal Ballweg lập với tên «Sáng kiến Querdenken 711» để bảo vệ những quyền căn bản chống lại những biện pháp cách ly.

Mỗi lần biểu tình ở Berlin, họ qui tụ từ 30 000 tới 40 000 người gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều xu hướng cũng khác nhau. Một sự pha trộn không giống ai cả: những người chống mặt nạ, chống chích ngừa virus Vũ Hán, cực tả và cực hũu, tự do,...tất cả tập họp lại lên tiếng cùng bênh vực những quyền tự do cá nhơn và kinh tế, hoặc đơn giản như bênh vực những người quá mệt mỏi ví bị cách ly,...

Nhưng cuộc biểu tình hôm 29/8 làm cho nhiều người Đức bất mãn vì họ toan tấn công vào Quốc Hội. Họ dương cao nhiều là cờ màu đen, trắng và đỏ. Cờ của Đế chế Đức. Kết quả có 300 người bị cảnh sát bắt giữ.
Phong trào chống mặt nạ ở Đức có xu hướng cực hữu. Những người theo dân tộc chủ nghĩa, tân quốc xã, những thành phần ủng hộ Trump, ủng hộ Poutine, kêu gọi chuẩn bị cho ngày biểu tình lớn 3 tháng 10, ngày Quốc khánh, mà năm nay lại kỷ niệm 30 năm thống nhứt nước Đức.

Những người cực hữu cho rằng Bà Merkel cai trị quá độc tài. Biện pháp ngăn cách phòng bệnh và giữ vệ sinh là tiêu biểu của đường lối độc tài. Tuy nhiên theo kết quả thăm dò dư luận, đa số (60%) cho rằng những biện pháp vệ sinh và phòng bện của chánh phủ là hoàn toàn đúng, và 77% yêu cầu chánh phủ phải tăng cường kiểm soát việc áp dụng những biện pháp của chánh phủ.

Phong trào chống mặt nạ ở Pháp
Ở Pháp, phần lớn dân chúng (77%) ủng hộ những biện pháp bảo vệ sức khỏe dân chúng của chánh phủ ban hành. Đa số đồng ý mang mặt-nạ nơi công cộng. Tuy nhiên vẫn cón khá đông những kẻ phản kháng, chống biện pháp mang mặt-nạ phòng bệnh. Hai phe khi có cơ hội gặp nhau thường xung đột mạnh với nhau.
Ở Bayonne, thành phố Tây-Nam, Pháp, một nhóm thanh niên đen và rệp lên Bus không mang mặt-nạ, anh tài xế yêu cầu hãy mang, bèn cùng nhau đánh chết anh tài xế ngay trên xe. Hoặc họ hành hung nhơn viên an ninh của những nơi công cộng như Thư viện, chợ,...

Theo kết quả điều tra của nhà nghiên cứu Antoine Bristielle ở Viện Jean Jaurès thì phong trào phản kháng mặt-nạ là một hiện tượng xã hội phi qui luật. Tuy nhiên, có thể hiểu đó là biểu hiện sự bất tín nhiệm đối với cơ chế quốc gia. Giải thích như vậy vì phong trào gồm nhiều người có bằng cấp cao hơn mức trung bình thường thấy trong những tập họp khác. Như có 36% những người trung lưu trong lúc giới này chỉ chiếm có 18% trên toàn quốc thay vì phải đông đảo thợ thuyền như người ta tưởng!

Những người chống mang mặt nạ vì họ cho rằng mang mật nạ «vô ích», mà còn «nguy hiểm». Họ cho rằng dịch Vũ Hán «sẽ hết». Có người tin có lẽ «không có dịch xảy ra»!
Sau cùng, họ bảo rằng bắt buộc mang mặt nặt nạ ở nơi công cộng đóng kín như chợ, cửa hàng, công tư sở,… hoặc cả trên đường phố là biện pháp của chánh phủ khống chế dân chúng, cướp mất quyền tự do của dân. Chánh phủ xâm phạm trực tiếp vào đời sống của người dân.

Có người nghĩ chánh phủ bắt buộc mang mặt nạ có thể là một thứ âm muu muốn thử sự ngoan ngoãn của dân chúng để chánh phủ sẽ thiết lập một thứ trật tự thế giới mới trong đó người dân sẽ không có một thứ tự do nào nữa cả.
Có điều đáng chú ý là trong phong trào phảng kháng có tới 63% phụ nữ và phụ nữ đứng tuổi có bằng cấp ít nhứt là cở Tú Tài + 2.

Mẫu số chung của phong trào phản kháng chống mang mặt-nạ là không tín nhiệm cơ chế chánh trị và truyền thông, từ khước những cưỡng bách và giá trị của lớp uu tú trong xã hội. Họ bị ảnh hưởng bởi thuyết âm mưu. Tất cả bùng lên mạnh, đồng loạt ở khắp nơi, do sức mạnh mạng xã hội. Hiện tượng này tuy phức tạp, thiếu tổ chức, không có lãnh đạo nhưng thực tế cho thấy nền dân chủ tự do ngày nay đang trên đà suy thơái nghiêm trọng.

Riêng ở Pháp, hiện tượng mất lòng tin ở Chánh phủ đã biểu hiện rõ qua các cuộc bầu cử. Cụ thể, cuộc bầu cử chánh quyền địa phương, trực tiếp tới đời sống dân chúng, hồi tháng 3 và tháng 6 vừa qua, cử tri vắng mặt quá đông, có lối 30% đi bầu. Từ thập niên qua, sự tín nhiệm chánh quyền của dân chúng sút giảm từ 34% tới 25%.
Nếu không giải quyết được hiện tượng bất tín nhiệm cơ chế hiện nay thì mai này e khó tránh những biến động xã hội khác xảy ra. Mà điều có thể nghĩ tới ngay bây giờ là 95% chống mang mật nạ hiện nay sẽ chống tiêm chủng ngừa dịch Vũ Hán.

Nguyễn thị Cỏ May
vietbao.com

Những Cánh Chim Đẹp Khi Mùa XUÂN Về- HD - Youtube LK

Chim Đã Bay - Phạm Thành Châu


Ðiểu hoàn nhân diệc chi
(Người vắng bóng rồi, chim đã bay)
Lý Bạch                                              

Năm 1985, tôi ra khỏi tù cải tạo. Trên xe lửa từ Bắc vô Nam, bạn đồng hành cũng là đồng tù với tôi là anh Thi. 
Có một nguyên tắc là trong tù không được hỏi nhau về gốc gác. Làm gì, ở đâu, cấp bậc...? Và chuyện gia đình nữạ Ngay cả khi biết rõ về một người nào đó, tuyệt đối cũng không cho người khác biết. Thế nên, trong tù, tuy cùng chung lán, chung đội lao động, nằm cạnh nhau, tôi cũng không biết gì nhiều về anh Thi. Khi lên xe lửa, tôi mới hỏi "Anh về đâu?" "Tôi về Sài Gòn" "Vợ con còn ở đó?" "Có lẽ vậy". Nghe "Có lẽ vậy", tôi thấy là có vấn đề nên ngưng ngay và tự giới thiệu "Tôi cũng về Sài Gòn, ngã ba Cây Quéo" "Tôi về Hoàng Hoa Thám" "Vậy là mình ở gần nhau". Trong tù anh Thi lúc nào cũng vui vẻ, nhưng khi ngồi trên xe lửa, anh thường nhìn qua cửa sổ vẻ đăm chiêụ Mỗi hoàn cảnh, người tù phải đối phó một cách riêng. Về đời, bao nhiêu khó khăn đang chờ đợi, khác hẳn trong tù, vì bất lực nên phải gạt hết mọi suy nghĩ để cười mà sống. Người tù, muốn sống sót, nhất là những người không được gia đình thăm nuôi như anh Thi, phải đạt đến cái tâm cảnh của một thiền sư. Phải giữ tinh thần cho vững, phải quên tất cả, không nghĩ đến những gì ngoài tầm tay của mình,  phải biết cười với người khác thì mới khỏi âu sầu, sinh bịnh, để rồi bị khiêng đi chôn.

Gần tối, xuống xe lửa, chúng tôi đi bộ về nhà. Ngang qua một tiệm phở, còn chút tiền, chúng tôi ghé vàọ Thấy anh Thi có vẻ tư lự, tôi tìm cách cho anh ta vui nên khi phở bưng ra, tôi xoa tay chào tô phở "Chà! Hơn mười năm mới gặp lại mầy". Anh Thi chỉ mỉm cười nhưng cũng sốt sắng cầm đũa Trong lúc trò chuyện với chủ hàng phở, chúng tôi mới biết hôm đó là ngày ba mươi tết. Khi ra đường, tôi đề nghị sẽ cùng đi đến nhà anh trước, để biết nhà, sau nầy dễ thăm nhau, sau đó tôi mới về nhà mình. Anh ngần ngừ một lúc rồi đồng ý. Ðến đường Hoàng Hoa Thám, chúng tôi vào một con hẻm tối mù. Nhờ ánh đèn các nhà hai bên, chúng tôi dò dẫm đi được một quãng ngắn thì anh Thi bảo "Anh đứng đây chờ tôị Trước đây chúng tôi ở nhờ bên gia đình vợ, hiện nay không hiểu tình trạng ra sao" "Vâng. Có gì anh ra cho tôi hay" Nói thế nhưng chờ anh ta đi được mấy bước, tôi cũng đi theo, không cho anh ta biết. Anh ta đến một căn nhà gạch nhỏ, còn để đèn, tần ngần một lúc rồi gõ cửa, nách vẫn kẹp cái bọc đồ tù. Một chị đàn bà bồng con đi ra,  theo sau là một thằng bé trên mười tuổị Tôi nghĩ, nếu đó là vợ anh Thi, thì chị ta đã có chồng khác rồi, vì đứa bé trên tay chị ta, độ vài tuổi, không thể là con anh Thi được. Chị đàn bà nói gì đó. Anh Thi không trả lời, quay gót bước rạ Tôi lùi lại chỗ cũ, làm như không thấy gì. Anh ta yên lặng qua mặt tôị Tôi quay nhìn, thấy chị đàn bà bồng con và thằng bé ra đường đứng nhìn theọ Ra đường lớn, anh Thi hỏi tôi "Anh có thể cho tôi trọ đỡ một đêm được không?" Tôi sốt sắng "Ðược chứ! Nhưng đây không phải nhà của tôị Trước ba mươi tháng tư năm 1975, tôi đưa vợ con từ ngoài Trung vào ở nhờ người bà con, sau đó vợ con tôi về lại ngoài Trung, sống với gia đình bên vợ. Tôi sẽ nói với chủ nhà, nếu họ không chịu thì tôi với anh ra ngủ lề đường, rồi sẽ tính sau". Chúng tôi, mỗi đứa ôm một gói đồ tù, quay lại ngã ba Cây Quéo. Khi tìm được nhà người bà con thì thấy nhà đóng cửa, tắt đèn tối thuị Gõ cửa, không ai mở. Họ đi vắng cả rồi

Hai đứa tôi trở ra, lang thang xuống chợ Bà Chiểu xem chợ tết. Bánh trái, áo quần đầy chợ, tràn ra cả lề đường, người chen lấn nhaụ Chúng tôi qua cầu Sắt, lên chợ Ða Kao, qua chợ Tân Ðịnh, ra đường Hai Bà Trưng rồi ngồi nghỉ mệt trên hiên nhà người tạ Chuyện trò một lúc, thấy đã khuya, chúng tôi lấy dép làm gối, rồi mặc cho muỗi đốt, chúng tôi vừa đói vừa mỏi chân, ngủ vùi một giấc. Hôm sau tỉnh dậy thì trời đã sáng. Ngày tết ở Sài Gòn, đường phố vắng hoe, chỉ mấy gia đình kinh tế mới ngủ lề đường gần đó đang cuốn chiếu, gấp mùng, bỏ vào bị cói, đem gửi đâu đấy rồi tản mác khắp nơi để kiếm sống. Hai đứa tôi ngồi vấn thuốc hút, chuyện trò một lúc thì đứng lên, đến chợ Tân Ðịnh, tìm vòi nước, súc miệng rửa mặt xong mua mỗi đứa một ổ bánh mì không nhân (rẻ tiền), vừa đi vừa trẹo trạo nhai. Thật ra, tôi và anh Thi cũng có vài người thân quen ở Sài Gòn, nhưng mồng một tết mà mang thân tàn ma dại đến nhà người ta, chẳng ai vui. Thời đó, ít ai dám rây với tù cải tạo. Ða số bà con, bạn bè, thấy tù là họ làm mặt lạ, chứa trong nhà thì sợ công an đến hỏi thăm. Suốt ba ngày tết, mỗi ngày chúng tôi chỉ ăn một ổ bánh mì không nhân, tối ngủ hiên nhà người ta, sáng dậy đi. Ði rã chân thì ngồi bên đường nghỉ một lúc rồi đi tiếp. Cứ lang thang mà chẳng biết đi đâu. Sài Gòn ngày tết vắng vẻ và buồn quá! Chiều mồng ba tết, chúng tôi quyết định trở lại nhà người bà con ở Cây Quéo. Hóa ra, gia đình đó vẫn ở chỗ cũ, những ngày cuối năm mọi người đều ra chợ bán dưa hấu. Họ đang cúng đưa ông bà. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình, vui vẻ. Họ đem thức ăn trên bàn thờ xuống, giục chúng tôi đi tắm. Anh con trai lớn biếu chúng tôi, mỗi người một bộ đồ, cũ nhưng sạch sẽ, mặc vào, soi gương, thấy như vừa lột xác, thành người văn minh, hoạt bát.

Trong lúc ăn uống, chủ nhà hỏi chuyện gia đình, hỏi dự định sinh sống ra sao. Khi nghe anh bạn tôi nói bị vợ bỏ, không cho vô nhà, chủ nhà bảo, nên thông cảm cho người đàn bà, chân yếu tay mềm, chồng bị tù không biết ngày nào về hay bỏ xác trong tù, trong khi con cái phải cần cái ăn mới sống. 

Lần đầu tiên, sau hơn mười năm, chúng tôi mới được thưởng thức một bữa cơm ngon lành nhờ không khí thân mật, ân cần của gia đình ân nhân đó. Có một tâm lý kỳ lạ mà phải mấy năm sau, người tù mới bớt bị ám ảnh, đó là thấy dọn nhiều món ăn, cứ thắc mắc sao không để dành cho ngày mai mà lại dọn cả lên, phí quá! Vì trong tù ngày nào cũng chỉ một ít khoai mì (hoạ hoằn mới có cơm), cùng với ca nước muối, lõng bõng vài cọng raụ (Sau nầy qua Mỹ, sống sung túc, trong bữa ăn chúng tôi cũng chỉ dọn vài món là tối đa). Sau bữa ăn, chủ nhà bảo, chúng tôi cứ ở lại đây, khi nào có việc làm, kiếm được tiền thì muốn ở đâu tùy ý. Chúng tôi xin được ngủ dưới đất hay sau hè cũng quí rồị Chủ nhà cho biết, nhà quá chật, nhưng có cái chuồng heo, nuôi heo nhưng bị bịnh dịch, đã bán hết cả, bây giờ chuồng bỏ trống, sẽ gác trên vách chuồng một cái sạp, làm chỗ ngủ tạm. Chủ nhà cũng quen với công an khu vực, hi vọng sẽ không bị làm khó dễ. 

Thế là chỉ vài tuần sau, chúng tôi đã có việc làm. Tôi bán vé số bên đường chỗ Bộ Xã Hội cũ, trước nhà thờ Ðức Bà. Anh Thi, vốn cao lớn, lúc ra tù ốm trơ xương, sau nhờ được ăn uống đầy đủ, trở nên mạnh khỏe, nên hành nghề đạp xích lô. Tất cả là nhờ mọi người trong gia đình đó tận tâm giúp đỡ. Sáng sớm, chúng tôi dậy, ra đầu ngõ uống li cà phê rồi lên đường kiếm sống, buổi chiều, chúng tôi về nhà ăn cơm. Mỗi tháng chúng tôi gửi chủ nhà ít tiền. Vợ tôi được tin chồng ra tù, bèn dẫn con vào thăm. Vợ tôi khuyên nên ở lại Sài Gòn, không khí dễ thở hơn (cô sẽ tìm cách vào với tôi sau), đừng về ngoài Trung, chính quyền địa phương rất khó khăn. Bạn tôi thỉnh thoảng có đến trường gặp thằng con, (là thằng bé mà tôi thấy hôm anh ta đến nhà vợ) cho ít tiền ăn quà và dặn đừng cho mẹ nó biết. Anh ta dự định sẽ đón con về ở chung, nhưng không cách nào thực hiện được vì chính bản thân anh ta còn chưa biết sẽ ra saỏ              

Ðến đầu năm 1990, có chương trình HO đi Mỹ. Với tôi thì lo hồ sơ không khó khăn lắm, nhưng anh Thi thì bị kẹt vì vợ anh ta không cho mượn hộ khẩu để làm giấy tờ. Anh ta đến năn nỉ vợ, hứa lập danh sách vợ, các con và cả bà mẹ vợ nữa để cùng đi, khi đến Mỹ anh ta sẽ làm giấy li dị để chị ta về lại Việt Nam làm hôn thú đón chồng sau qua Mỹ. Nhưng nói gì, chị ta cũng nhất quyết lắc đầu, mời anh ta ra khỏi nhà. Không cho mượn là không! Cuối cùng nhờ chạy chọt, hồ sơ anh ta cũng được chấp nhận, trong đó có tên thằng con.

Nhờ người bạn tù vượt biên qua trước bảo trợ, gia đình tôi và anh Thi được qua cùng tiểu bang, nhà gần nhau. Vừa đến Mỹ là anh Thi lăn lưng vào việc kiếm tiền. Anh ta làm hai jobs "Tôi phải có một căn nhà cho con tôi. Phải chuẩn bị tiền nong khi nó vào đại học. Lúc ở Việt Nam, nó đã bị đói khổ, bị đánh đập, nay nó phải được đền bù". Thời đó, khoảng thập niên 1990, nhà ở Mỹ còn rẻ. Bạn tôi mua nhà, sắm xe mới cho con, nhưng anh vẫn lùi xùi như lúc còn ở Việt Nam. Anh ta đi làm từ sáng sớm, gần khuya mới về. Thằng con anh ta, đi học về là đến thẳng nhà tôi ăn cơm. Vợ tôi còn bới thức ăn để nó mang về cho bố nó. 

Sau bao nhiêu năm tù đày, nay được đến xứ tự do cùng gia đình, chúng tôi dốc hết sức lực còn lại để kiếm tiền cho con cái theo đuổi việc học hành. Mục tiêu, ước vọng của chúng tôi là các con nên người, đủ sức đua chen với đời. Khi đứa con anh Thi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, theo đề nghị của chúng tôi, anh ta chỉ làm một job. Buổi sáng, tôi và anh ta ra tiệm cà phê ngồi chuyện trò, cuối tuần, chúng tôi nấu nướng, cùng với các bạn khác, ra sau nhà ăn uống, chuyện trò. 

                  Thấy anh Thi độc thân, chúng tôi dự định tìm cho anh ta một người đàn bà, làm bạn, để giúp đỡ, nương tựa nhau trong quãng đời còn lại.

Vợ tôi có một cô bạn, chủ một tiệm nail (làm móng tay), tuổi trên bốn mươi, chồng chết đã hơn năm năm nay, tính tình đàng hoàng, hiền lành, dung nhan còn đẹp đẽ, hấp dẫn. Với chủ ý cho anh Thi và cô bạn tìm hiểu nhau nên mỗi khi tổ chức ăn uống cuối tuần, chúng tôi mời cô ta đến chung vui, rồi làm như vô tình, sắp xếp cho hai người ngồi gần nhaụ Khi biết anh Thi còn cô đơn, cô ta không còn e ngại, giữ kẽ nữa mà vui vẻ góp chuyện với mọi ngườị Anh Thi, đã bớt trầm tư mà trở nên hoạt bát, lịch sự tiếp món ăn cho cô ta, đôi khi lại thì thầm như có chuyện riêng tư với người đẹp. 
 
Khoảng vài tháng sau, theo thường lệ, vợ tôi gọi điện thoại mời hai người đến dự bữa cơm gia đình thì cả hai đều trả lời rằng bận việc, không đến được. Hóa ra họ đưa nhau đi nhà hàng. Cô bạn tâm sự với vợ tôi. Em thấy vẻ mặt ảnh buồn buồn, em thương quá! Em mời ảnh đi ăn riêng để tìm hiểu tâm sự ảnh, nhưng ảnh chỉ cười bảo, tính ảnh vậy thôi chứ không có gì đáng nói " Vợ tôi trấn an ". Chị đừng bận tâm. Mấy ông "mất nước" lâu lâu xụ mặt, thở ra, nhưng sau đó lại vui vẻ như thường. Ông xã em cũng vậỵ Nhưng theo yêu cầu của chị, để em hỏi ông xã em, xem anh ta có chuyện gì ấp ủ trong lòng mà không nói ra. Chị có biết gì về cô vợ trước của ảnh không? Theo ảnh kể thì cô ta đối xử rất tệ bạc với ảnh khi ảnh đi tù về. Có thật vậy không? Chuyện nầy thì chắc chắn, vì ông xã em ra tù cùng một ngày, cùng đến nhà vợ anh ta, ông xã em thấy tận mắt chị ta đuổi ảnh, không cho vô nhà. Dù sao em cũng sẽ hỏi lại thằng con ảnh xem nội vụ ra sao rồi sẽ báo với chị sau" "Em thương ảnh thì em cũng chấp nhận hoàn cảnh, tâm sự của ảnh. Em chỉ muốn biết để an ủi ảnh, làm cho ảnh vuị Chị biết không, khi có em bên cạnh, ảnh rất vui, thương em và chiều chuộng em nhiều lắm. Vậy thì được rồi. Biết ảnh thương yêu chị là đủ rồi.  Người đàn ông nào cũng vậy, mình hết lòng, hết dạ với họ thì dù có tâm sự, chuyện riêng tư họ cũng bỏ hết mà về với mình, chỉ biết một mình mình thôị Chị yên tâm mà vui với ảnh. Cứ thắc mắc, lo lắng hoài chi cho mệt trí. Ðời người có bao lâu đâu. Vui lên đi chị ơi!.      
Cô bạn nhắc đến chuyện tư lự của anh Thi, chúng tôi mới nhớ lại, khi đến nhà chúng tôi ăn cơm, nhiều lúc, đang chuyện trò, anh ta bỗng nhiên ngưng nói, trông như người mất hồn. Ăn xong, anh ta mang lon bia ra sau nhà, đứng một mình cả giờ đồng hồ.

Tuy nói thế nhưng vợ tôi cũng gọi thằng con anh Thi đến để hỏi về mẹ nó ở Việt Nam hiện nay ra sao, có thường liên lạc với ba nó không? Thằng nhỏ kể "Mấy lần mẹ con bên Việt Nam gọi điện thoại cho con, nhờ con thưa với ba con, xin ba con tha thứ và bảo lãnh cho mẹ con qua đây để săn sóc cho ba con. Mẹ con nói hiện nay ở Việt Nam, mẹ con không có khó khăn gì về đời sống, chỉ sợ ba con đã lớn tuổi, khi đau ốm không ai săn sóc, lo cơm nước. Mẹ con có dặn là đừng gởi tiền về, mẹ con không nhận đâụ Mẹ con cứ nhắc con thưa với ba con nhiều lần mà con không dám. Một lần con chỉ thưa với ba con là mẹ con có gọi điện thoại hỏi thăm. Chỉ mới chừng đó thôi mà ba con nổi nóng, ba con la "Nói bà ấy đừng gọi điện thoại qua đây nữa".  Một buổi tối, mẹ con gọi điện thoại nhằm lúc ba con ở nhà, ba con bắt máỵ Không biết mẹ con nói gì mà ba con la hét vào máy như người nổi cơn điên "Xin xỏ gì? Lỗi phải gì? Bát nước đổ xuống đất rồi, có hốt lại được không? Bà đừng hòng năn nỉ, khóc lóc vô ích. Bà thử xét lại lương tâm bà đi. Từ nay tôi cấm bà không được gọi điện thoại cho thằng con tôi, không được gọi điện thoại về nhà nầỵ Bà nhớ chưả Tôi cấm bà. Tôi cấm bà!..." Ba con đập cái điện thoại bể tan rồi ngồi ôm đầu, gục xuống. Con sợ quá, vào phòng đóng cửa lạị Từ đó, thỉnh thoảng mẹ con chỉ gọi điện thoại cho con hỏi thăm chuyện ăn uống, sức khỏe ba con ra sao, nhưng dặn đừng nói lại với ba con, sợ ba con giận" "Con có nói với mẹ con về chuyện ba con có bạn gái chưả" "Hôm trước con có kể là ba con vừa quen được một bà, hai người thường đưa nhau đi ăn tiệm. Mẹ con hỏi tính tình người đàn bà đó ra saỏ Công việc làm ăn của bà ta thế nào. Có để ý săn sóc cho ba con không hay chỉ đưa nhau đi ăn rồi ai về nhà nấỷ. Mẹ con hỏi nhiều lắm, sau đó mẹ con nói cũng mừng cho ba con, mong cho hai người sống chung để ba con có người săn sóc, lo lắng miếng ăn giấc ngủ. Ba con đi tù về, tuổi cũng lớn rồi, sức khỏe suy yếu, cần có người đàn bà bên cạnh. Mẹ con vừa nói vừa khóc. Không hiểu sao con cũng khóc theo. Con rất nhớ mẹ con nhưng ba con cấm con về Việt Nam thăm mẹ con. Ba con giận mẹ con nhiều lắm" "Con có biết gì về người chồng sau nầy của mẹ con không?" "Lúc con ở chung với mẹ con, ổng chẳng tử tế gì với con. Bị bỏ đói và bị bợp tai, đá đít hoài, nhưng con biết thân phận, im lặng chịu đựng. Lần trước, mẹ con gọi điện thoại kể với con rằng hai người đã chia tay, ông ta đi đâu mất, không hề gặp lại.  Con chỉ nghe vậy thôi chứ không hỏi thêm".

Vợ tôi gọi đến cô bạn kể rằng, Anh Thi coi bộ thù chứ không chỉ giận cô vợ ở Việt Nam và đề nghị hai người nên về sống với nhau.  Cứ đi ăn tiệm rồi ai về nhà nấy mãi sao.  Cô bạn nói "Có mấy lần ảnh mời em về nhà, nhưng em cũng chỉ đến thăm một lát rồi về. Em có bàn với ảnh, nếu muốn sống chung thì nên cưới hỏi đàng hoàng. Em không muốn bị dị nghị nầy nọ. Ảnh nói cũng được, nhưng còn ngại, nếu cưới hỏi, làm hôn thú thì ảnh không muốn rắc rối chuyện của cải, tài sản của em. Ảnh sợ mang tiếng mà các con em cũng không bằng lòng" "Nếu vậy thì làm một buổi tiệc nho nhỏ ở nhà hàng, mời bà con, bạn bè đến dự, coi như ra mắt đểâ hợp thức hóa  chuyện hai người sống chung nhau" 

Tiệc cưới hôm đó có khoảng năm mươi người tham dự, gồm bạn bè và cả con cái của hai người. Thế là cô ta dọn về ở với anh Thi. Những ngày đầu, hai người có vẻ hạnh phúc lắm. Cô ta thường gọi điện thoại kể chuyện sinh hoạt trong gia đình, việc  nấu nướng, săn sóc, chiều chuộng nhaụ Hai người còn đưa nhau đi du lịch bên Châu Âu nữạ Thấy họ vui vẻ, thân ái, quấn quít nhau như vợ chồng trẻ, chúng tôi cũng mừng. 

Nhưng rồi, khoảng một năm sau, cô ta gọi điện thoại tâm sự với vợ tôi "Lối rày hình như ảnh trở lại vẻ suy tư, lơ đãng. Em nói chuyện với ảnh cả buổi, ảnh ậm ừ mà chẳng biết em nói gì? Buổi tối, ăn cơm xong, ảnh đem bia ra sau nhà, ngồi uống một mình, đến khuya mới vô. Em chẳng hiểu ra sao cả!?" Vợ tôi tưởng chuyện chẳng có gì quan trọng nên an ủi "Ông xã em cũng thường uống rượu một mình. Ðàn ông đôi khi thích suy nghĩ những chuyện trên trời dưới đất. Em cũng thường để cho ổng những phút riêng tư, coi như tôn trọng họ vậy thôi chứ không sao đâụ Chị đừng để ý đến!"

Không ngờ, một buổi chiều, đi làm về, tôi thấy cô vợ của anh Thi ngồi tỉ tê, mếu máo với vợ tôị Hỏi ra mới biết là vì anh chồng uống rượu mà cô ta giận, xách va li về nhà mình. Khi đi ngang nhà tôi, cô ta ghé vào tâm sự. "Vợ chồng, tuy chưa sống với nhau đủ để có cái nghĩa thì cũng có cái tình. Em thương ảnh, ảnh biết nên cũng tỏ vẻ chiều chuộng, săn sóc, lo lắng cho em, nhưng em linh cảm như ảnh làm bổn phận. Em thấy như xa cách, như không thật tình. Em với ảnh đâu còn trẻ dại, sống với nhau là để sau nầy nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong lúc tuổi già, ốm đau, bịnh hoạn, vui buồn có nhau thì những gì riêng tư thầm kín cũng nên cho nhau biết để an ủi, chia sớt nhau mới nhẹ lòng. Vậy mà em hỏị Sao ảnh buồn? Ảnh lắc đầụ Em giận quá mới nói "Em về nhà, cho anh được yên tĩnh mà suy tư". Vậy là em xách va li về đâỵ Có lẽ hồn vía ảnh bị cô, bà nào bắt mất rồi chị ơi!".  Vợ tôi vọt miệng "Dám ảnh bị hồn ma bóng quế nào ám rồị Phải mời thầy đến cúng, cho bùa trừ mẳ" Tôi la vợ tôi "Em hay tin nhảm nhí!" Rồi tôi trấn an cô vợ bạn "Vợ chồng trẻ nhìn tương lai toàn màu hồng, thấy cuộc sống dễ dàng quá, nhưng đến tuổi gần về chiều thì mất tự tin, bị ám ảnh bởi tuổi già với những bất trắc, bịnh hoạn, tử biệt sanh ly nên thường lo sợ, buồn phiền vu vơ. Tôi với ông xã chị bị tù cả chục năm, tâm trí không còn bình thường nữa, khi về với xã hội vẫn còn vụng về trong cư xử. Hơn nữa ảnh đã trải qua quá nhiều đau khổ vì chuyện gia đình, nay có chị bên cạnh là một an ủi lớn cho ảnh. Chị yên tâm. Ngoài chị ra, ảnh không thương yêu ai đâụ Nên trở về mà lo cơm nước, kẻo ảnh bị đói tội nghiệp". Cô có vẻ xiêu lòng nhưng vẫn lắc đầu. Tôi bảo "Hay là chị cứ ngồi đâỵ Tôi đến kêu ảnh qua rước chị".

Tôi ra xe, vợ tôi chạy theo, thì thầm "Tối nào cũng say mềm rồi lăn ra ngủ! Hỏi ảnh có phải vì chuyện đó thì tìm cho ảnh ít thuốc" Tôi phì cười "Cũng có thể. Ðể anh xem".

Tôi lái xe qua, đẩy cửa bước vàọ Anh Thi đang ngồi uống bia, nhìn cái TV., chỉ  chiếu hình chứ không có tiếng nói. Cũng không chắc anh ta nhìn cái màn hình hay nhìn vách tường sau TV. Tôi ngồi xuống bên cạnh. Anh ta mở cho tôi một lon bia. Tôi yên lặng cầm lon bi. Một lát, tôi nói "Bà xã anh qua nhà tôị..". Anh ta vẫn nhìn cái TV. "Tôi biết. Trước sau gì bả cũng bỏ tôi. Tôi muốn xin lỗi bả từ lâu" "Tôi thấy hai người đâu có gì trở ngạị.." Anh ta lắc đầu như muốn xua đuổi một ý nghĩ, muốn ngăn mình đừng nói ra một điều gì. Tôi nói "Qua nhà tôi đón bả về", rồi yên lặng chờ đợi.

Anh Thi cầm lon bia lên nhưng lại để xuống, bàn tay rung lên nhè nhẹ. Rồi bỗng anh ta ôm mặt, cúi xuống. 
Một lúc thật lâu, anh ta thở ra, giọng lạc hẳn "Tôi thương nhớ vợ tôi. Tôi không thể nào nguôi thương nhớ vợ tôi". 

Phạm Thành Châu