Làng Đông Ngân nằm bên bờ sông Hồng là môt
ngôi làng cổ kính. Vài trăm năm trước khi mới được thành lập, làng đã có dáng vẻ
trầm mặc, không giống những ngôi làng sầm uất, huyên náo, chỉ cách đó vài cánh đồng
rộng.
Vài chục năm sau làng đã có nề nếp, tôn ti trật
tự. Người lớn, trẻ con, đàn ông, phụ nữ, ông già bà cả đều có những phường, hội
sinh hoạt rất quy củ. Tiên chỉ, lý trưởng và các đầu mục chuyên chăm việc làng,
không hề có chuyện tư túi nên được dân làng quý mến. Sau này người Việt ta có
bài ca dao:
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ Trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Chẳng biết người làm ra bài ca dao ấy có ý tả
cảnh làng nào, nhưng một số người cứ đoan quyết rằng bài ca dao ấy kể lại chuyện
xưa, nói về làng Đông Ngân.
Một ngày nọ có chàng trai lạ thả chiếc thuyền
con, cập bến làng Đông Ngân. Buộc thuyền xong, chàng khoan thai bước lên bờ, trực
chỉ hướng đình làng, rảo bước, hình như muốn tìm ai đó. Rất may, hôm ấy các cụ trong
làng có phiên họp ngoài đình, các cụ tiên chỉ, thứ chỉ, lý trưởng, phó lý và
các trưởng thôn đều có mặt. Chàng trai xăm xăm bước vào trong đình. Anh mõ định
cản lại nhưng thấy chàng có dáng vẻ ung dung, đĩnh đạc nên hơi ngần ngừ. Nhân
thế chàng trai bước thẳng vào được bên trong.
Các cụ đang họp, thấy có người lạ lừng lững
bước vào, đều ngẩng lên nhìn. Cụ lý trưởng ra oai, hắng giọng một cái rồi cất
tiếng hỏi: “Anh kia, muốn gì? Các cụ đang họp việc làng mà… mà…”
Chàng trai vội đáp lời: “Bẩm các cụ, vãn sinh
đến đây đường đột, thật là có lỗi. Xin các cụ lấy lượng cả mà tha thứ cho kẻ hậu
sinh. Chả là…”
Cụ tiên chỉ vốn đức độ, có tính thương người.
Cụ nhìn anh con trai, thấy áo mặc đã cũ nhưng phẳng phiu sạch sẽ, mà dáng người
thanh nhã, lời ăn tiếng nói lễ phép, khiêm cung thì có lòng thương. Cụ ra lệnh:
“Anh không phải e dè. Các cụ đây đều là những bậc cao niên, hiểu việc đời, rõ lòng
người. Anh muốn gì, cứ nói.”
Được lời như cởi tấm lòng, chàng trai thưa:
“Trình các cụ thương. Vãn sinh phận côi cút, song thân sớm quy tiên. Vãn sinh một
thân một mình, huynh đệ không có một ai; bằng hữu thì hiếm hoi, cảnh nhà sa sút
đến cùng cực. Làng quê đất đai cằn cỗi, cỏ mọc còn khó huống chi là lúa. Nay vãn
sinh phải tha phương cầu thực. Nghe tiếng làng ta đã lâu: ruộng vườn, đất cát
phong nhiêu, dân tình thuần hậu, các cụ chăm dân như chăm con, thương dân như
cha mẹ thương con đỏ… Thế nên hôm nay vãn sinh dám liều lĩnh đến đây, xin các cụ
rộng lòng, ban cho một mảnh đất ven sông làm nơi trú ngụ. Việc sinh sống, vãn
sinh tự liệu lấy, không dám làm phiền đến bất cứ một ai. Vài điều bộc bạch, xin
các cụ lấy lòng thương mà lượng xét. Vãn sinh xin cung kính nghe lởi định liệu.”
Giọng chàng thanh nhã, nói năng điềm đạm; xin
mà không khúm núm, cũng không ra vẻ mè nheo khiến các cụ ai cũng đem lòng quý mến.
Lẽ thường, làng không chấp nhận cho kẻ lạ đến ngụ cư, sợ kẻ ấy làm xáo trộn nề
nếp vốn có của dân làng. Tuy nhiên trường hợp chàng trai này không ai nỡ lên tiếng
từ chối. Cụ tiên chỉ nhìn cụ lý trưởng, hỏi: “Ý cụ lý ra sao?” Rồi như sợ cụ lý
nghiêm khắc, cụ tiên chỉ nói thêm: “Người ta gặp cảnh hoạn nạn, không may, mình
cũng nên thương…”
Cụ lý được cụ tiên chỉ hỏi ý, cảm thấy hãnh
diện vì mình là một nhân vật quan trọng. Cụ đưa mắt nhìn tất cả mọi người. Khi
không thấy bất cứ ai có ý kiến gì khác, cụ mới hắng giọng (cụ này có tính khi
nói một điều gì có vẻ quan trọng đều hắng giọng một cái rồi mới nói.) Cụ nói:
“Anh kia, lạy tạ cụ tiên chỉ đi. Cụ có lòng nhân từ, chấp nhận lời cầu xin của
anh đó.” Chàng trai cúi đầu lạy tạ, không phải chỉ riêng cụ tiên chỉ, mà lạy tạ
tất cả các cụ khiến cụ nào cũng mát ruột.
Rồi quay sang ông trưởng thôn Đông, cụ lý trưởng
ra lệnh: “Ông đưa anh này về thôn, dẫn ra bãi sông, chỗ đất mới bồi ấy, rào cho
anh ấy một khoảnh đất. Nếu anh ấy định lợp cái nhà thì cho tráng đinh đến giúp
một hai công.” Trưởng thôn Đông vâng dạ. Chàng trai lạy tạ các cụ một lần nữa rồi
theo ông trưởng thôn Đông đi nhận đất.
Việc chàng trai được nhận vào làng chỉ đơn giản
như thế nhưng sự có mặt của chàng trong làng không đơn giản chút nào. Nó làm
cho cái làng vốn êm ả trở nên xáo trộn. Mà anh ta đâu có làm gì khiến cho làng
xáo trộn. Xáo trộn chỉ vì chàng đẹp trai quá, cử chỉ phong nhã quá, nói năng duyên
dáng quá. Ngần ấy thứ khiến các cô thôn nữ làm xáo trộn cả cái làng vốn thâm
nghiêm, nề nếp.
Chàng họ Mai, tên thì không ai biết. Chàng có
chút ăn học nên mọi người gọi chàng là Mai sinh. Không biết Mai sinh có phải là
hậu duệ của Mai An Tiêm, ông tổ nghề trồng dưa hấu không, mà chàng ung dung tự
tại lắm và làm việc rất cần mẫn.
Sáng sớm tinh mơ, khi những vì sao chưa tắt
và nhiều hôm vầng trăng bạc còn lơ lửng trên bầu trời, Mai sinh đã thức giấc.
Chàng thả con thuyền trên dòng sông mặt nước còn phẳng lặng. Rồi chỉ với chiếc
cần câu mảnh mai, không chài không lưới, chàng đã câu được hai, ba tá cá, cả lớn
lẫn nhỏ. Chàng cất tiếng hát trong trẻo và quyến rũ như tiếng hát của Trương
Chi, nhẹ đưa thuyền vào bờ. Vài tiếng sau, Mai sinh áo quần tươm tất, xách giỏ
cá ra chợ. Chàng đổi cá lấy gạo lấy rau, có khi đổi con cá to lấy cút rượu tăm.
Việc đổi chác chóng vánh, Mai sinh xách cái giỏ không, tay kia cầm bó rau, nậm
rượu, vai vác túi gạo, lững thững về nhà. Các cô thôn nữ bán hàng trong chợ,
nhìn Mai sinh rồi xuýt xoa với nhau: “Người đâu có người! Đẹp cứ như một cây ngọc!”
Chính những cô này lúc nãy đã tranh nhau đổi rau, đổi gạo, đổi rượu lấy cá của
Mai sinh, cô nào cững trao cho Mai sinh rất hậu hĩnh những món hàng mà các cô
đem ra chợ bán.
Chỉ vì Mai sinh mà trong vòng các cô thôn nữ
có lườm có nguýt, có hờn có giận. Thế là cái làng đang êm ả bỗng nhiên xáo trộn.
Có điều từ ngày Mai sinh đến làng, các cô bỗng đẹp hơn lên. Đi chợ mà các cô diện
như đi hội. Nào là yếm đào yếm thắm. Rồi cô nào môi cũng hồng, má cũng đỏ hây
hây. Ngoài cái việc ăn trầu cho môi đỏ, các cô còn làm những gì để có má hồng
da trắng thì ai mà biết được. Rồi thì miếng trầu ngon trong túi, bùa yêu thơm
huyền hoặc giấu sau dải yếm các cô. Các cô khiến cả làng đẹp hẳn lên như hoa nở
khắp nơi, như hương bay khắp lối.
Cụ tiên chỉ nhà khá giả. Trước cụ làm quan
văn bát phẩm, sau hưu trí về quê hưởng thú yên hà. Dân làng kính trọng, mời cụ
làm tiên chỉ. Cụ cười dễ dãi nhận lời. Trước sân nhà, cụ trồng hoa cúc, ra vẻ
như các bậc trí sĩ ở ẩn không ưng tiếp khách. Mà nhà cụ cũng ít khách thật, chẳng
phải vì họ tôn trọng cái ý tạ khách của cụ, mà vì gặp cụ họ chẳng biết nói chuyện
gì, còn những câu cụ nói ra toàn có ý tứ văn chương không mấy ai hiểu. Đã bảo cụ
vốn là quan văn bát phẩm. Ấy vậy mà ai cũng kính yêu cụ.
Cụ tiên chỉ họ Bạch. Cụ có hai cô con gái sắc
nước hương trời. Người ta không biết tên hai cô hay biết mà vì tôn trọng nên
không gọi hai cô bằng tên thì không rõ, chỉ thấy họ gọi cô chị là Bạch tỉ, cô
em là Bạch muội.
Khó có thể quyết được rằng Bạch tỉ hay Bạch
muội ai đẹp hơn ai. Bạch tỉ dung nhan như tiên chốn Dao Trì. Bạch Muội như nữ
thần non Quần Ngọc. Hai nàng đi đến đâu, mọi người chỉ dám liếc nhìn chứ không
dám nhìn một cách thô lậu. Đương nhiên hai chị em họ Bạch không phải ra chợ
buôn rau buôn gạo. Hai nàng chỉ hằng ngày mặc đẹp, tha thướt ra vào, thỉnh thoảng
ra ngoài vườn dạo gót ngắm hoa. Rất ít khi hai nàng ra khỏi ngõ.
Một ngày kia Mai sinh câu được con cá to.
Nghĩ đến ơn cụ tiên chỉ, chàng viết bức thư, đưa cho một đứa bé mấy xu, nhờ nó
đem đến nhà cụ, mời cụ ghé tệ xá xơi món gỏi cá chàng đích thân chế biến. Cụ
tiên chỉ được thư thì nghĩ nhà cửa Mai sinh ọp ẹp quá, chi bằng mời chàng ta đến
nhà mình, hai người đánh chén ngoài vườn đầy hoa thơm gió mát, chẳng là sảng
khoái lắm ru. Thế là cụ viết lá thư đáp trả, mời Mai sinh đem cá đến nhà mình,
làm gỏi tại chỗ rồi cùng nhau đánh chén ngoài vườn. Cụ lại dặn trong thư là Mai
sinh chỉ cần đem cá và các thứ rau thôi, rượu thì cụ đã có sẵn hảo tửu trong
nhà. Đứa bé sung sướng quá vì được nhận tiền công đưa thư tới hai lần.
Nhận thư của cụ tiên chỉ, Mai sinh vội đem cá
và các thứ rau sang nhà cụ. Lần đầu tiên hai chị em Bạch tỉ, Bạch muội nhìn thấy
Mai sinh, trái tim cả hai nàng đập lỗi nhịp. Sao mà có anh con trai đẹp người đến
như thế này. Đẹp làm điên đảo lòng người. Đẹp khiến người ta chết điếng.
Khi Mai sinh làm gỏi cá, hai nàng lấy cớ muốn
học cách làm món ăn ngon, xin bố cho đứng bên cạnh Mai sinh quan sát. Đôi tay
ngọc của Mai sinh thoăn thoắt. Nhanh đấy nhưng mỗi cử chỉ đều rất chuẩn xác. Những
miếng cá khô khắn lấm tấm thính, đựng trong cái đĩa sứ to , đẹp mắt quá chừng.
Rồi biết bao nhiêu là thứ rau, từ lộc vừng, đinh lăng, mơ tam thể, tía tô, húng
quế, húng láng, kinh giới, chanh non, ổi non, sung non, đến vài quả sung xanh bổ
ra làm sáu, mấy miếng khế thái mỏng nguyên hình ngôi sao vàng ươm, rồi riềng
non, gừng non thái chỉ mịn như tơ… Bát ngát là rau! Trông thật là thích mắt. Đến
lúc Mai sinh chế món chẻo để chấm gỏi mới tinh tế làm sao. Biết bao nhiêu là thứ
mới hợp thành một bát chẻo thơm lừng. Hai chị em cứ mong Mai sinh làm hoài mà
chưa xong món gỏi cá để được ở bên cạnh chàng càng lâu càng tốt.
Ngày xuân trời đất đẹp như mơ. Chiếu rượu được
dọn ngoài vườn bên luống cúc vàng ươm, dưới những cành hoa mơ hoa mận trắng
tinh, mùi thơm thoang thoảng. Rượu ngon, nhắm tốt. Cụ tiên chỉ và Mai sinh mềm
môi uống mãi. Hứng chí, cả hai đọc thơ, bình văn cho nhau nghe, cùng cười vang sảng
khoái. Đến lúc cả hai cùng say thì được chị em Bạch tỉ Bạch muội dìu vào nhà, vực
lên giường nằm nghỉ, mỗi người được đắp một cái chăn mỏng thơm và mịn.
Hai chị em đứng ngắm Mai sinh ngủ mà ngẩn ngơ
cả người. Con trai gì mà đẹp thế. Thức thì tươi tắn duyên dáng mà ngủ thì mộng
mị quyến rũ. Vì bố cũng say rượu nên hai cô tha hồ đứng ngắm Mai sinh mà không
e thẹn, cũng không sợ bị mắng.
Sau hôm ấy hai chị em dò ý nhau xem người kia
có mê mệt Mai sinh không, lòng những mong chỉ có mình là mê mệt còn người kia
thì sau lúc hiếu kỳ, lòng thấy dửng dưng. Chị hỏi em: “Này! Em yêu dấu ơi, em
yêu chàng Mai rồi, phải không?” Hỏi thế, Bạch tỉ chỉ mong em chối phứt thì Mai
sinh sẽ thuộc về mình. Thế nhưng khi nghe chị hỏi, Bạch muội đỏ ửng mặt rồi e
thẹn gật đầu. Đến lần Bạch muội, nàng cũng dò ý chị nên hỏi: “Này! Chị yêu dấu
ơi, chị cũng yêu chàng Mai rồi, phải không?” Nghe em hỏi như thế, cả đầu óc lẫn
trái tim Bạch tỉ đều làm việc. Trí óc nàng bảo nàng cứ nhận là mình yêu Mai
sinh lắm. Bạch muội là phận em, phải nhường Mai sinh cho mình thôi. Tuy nhiên
trái tim Bạch tỉ là trái tim của người chị thương em. Trái tim ấy khuyên nàng
nên hy sinh cho em được hạnh phúc. Cuối cùng trái tim đã thắng đầu óc. Nàng trả
lời em: “Không đâu, em yêu dấu của chị. Anh chàng ấy chỉ gợi cho chị chút hiếu
kỳ thôi chứ không làm cho chị yêu được. Em không biết đấy thôi, chị kén chồng lắm,
chỉ mong lấy hoàng tử thôi!”
Bạch muội nghe chị trả lời như thế thì vui mừng.
Thế nhưng trái tim của Bạch muội là trái tim biết nghi ngờ. Trái tim ấy nó khôn
lắm, nó bảo nàng: “Chị Bạch tỉ nói thế thôi, chứ nhìn mắt chị, ta thấy chị yêu
Mai sinh chết mê chết mệt!”
Một hôm Bạch muội cầm lòng không được mới nói
với chị rằng: “Em đoan chắc rằng nếu chị và Mai sinh có dịp gần gũi nhau nhiều
hơn thì thế nào cũng một là chị yêu Mai sinh, hai là Mai sinh yêu chị. Mà dễ chừng
cả hai người yêu nhau cũng nên.”
Bạch tỉ nghe thế thì buồn nhưng không giận em
vì đó là sự thật. Thế nhưng nếu như thế thì Bạch muội đau khổ lắm. Bạch tỉ đã
nhiều đêm khóc thầm, rồi nàng quyết định.
Một hôm hai chị em ra vườn chơi. Đi dạo chán,
hai chị em ngồi bên gốc cây mơ nghỉ mệt. Gió thổi hiu hiu khiến Bạch muội buồn
ngủ. Nàng dựa đầu vào vai chị mà ngủ. Thấy em ngủ say, Bạch tỉ nhẹ nhàng rút
trong tay áo rộng ra một lưỡi dao mỏng và rất sắc. Nàng quyết định rồi. Chỉ khi
nào nàng không còn trên cõi đời này nữa thì Bạch muội mới yên tâm là không có
ai tranh giành Mai sinh với mình. Nàng hy sinh, hy sinh cả mạng sống vì thương
em.
Áp lưỡi dao lên cổ tay, Bạch tỉ rùng mình vì
khí lạnh. Nàng định thần, nhắm mắt, cứa lưỡi dao vào cổ tay tròn trĩnh trắng ngần.
Dòng máu tươi và ấm tuôn ra, nhuộm đỏ tấm áo trắng của nàng; nhuộm đỏ cả làn da
trắng như bông bưởi của nàng. Bạch tỉ gục xuống, hơi thở yếu dần. Mắt nàng nhìn
không rõ nữa. Mơ màng, nàng nhìn thấy hình bóng Mai sinh lờ mờ như ẩn như hiện.
Nàng cất giọng gọi Mai sinh nhưng không thành tiếng. Linh hồn Bạch tỉ bay lên,
là đà chỗ chị em ngồi.
Bạch muội thức giấc vì đầu mất chỗ dựa. Mở mắt,
nàng nhìn thấy chị đã chết. Máu nhuộm đỏ áo, đỏ tấm thân chị. Qua vài phút sửng
sốt, Bạch muội hiểu được nguyên do Bạch tỉ tự kết liễu đời mình. Thương chị
quá, trái tim nàng như thắt lại. Rồi trong cơn xúc động trào dâng, nàng gục chết
trên xác chị. Hai chị em, một đỏ, một trắng ôm lấy nhau. Hai tấm linh hồn ra khỏi
xác, quấn quýt bên nhau.
Hôm ấy song thân đi vắng cả. Khi về, cụ tiên
chỉ và hiền nội thấy cửa nhà yên ắng không một tiếng động. Vào nhà, không thấy
hai con đâu, cụ tiên chỉ chạy vội ra vườn thì thấy dưới gốc mơ có hai cây đào mới
mọc lên bên xác hai con đã ôm nhau mà chết. Cụ khóc hết nước mắt.
Nghe tin, Mai sinh vội đến nhà cụ tiên chỉ.
Chàng ra vườn, ôm lấy xác hai nàng mà than vãn. Sau đám tang của hai nàng, Mai
sinh xin cụ tiên chỉ cho bứng lấy hai cây đào nhỏ. Cụ tiên chỉ chiều lòng.
Trong cơn đau khổ cùng cực, cụ vẫn nhân từ.
Mai sinh trồng hai cây đào trong vườn sau nhà
mình. Chỉ một năm thôi, hai cây lớn nhanh như thổi. Lạ lùng là tuy hai gốc đào
trồng khá xa nhau nhưng cành lá của hai cây cứ vươn dài ra để chạm được nhau.
Mùa xuân năm ấy, cả hai cây đào đều nở hoa. Một
cây nở hoa màu đỏ thắm. Một cây nở hoa màu trắng tinh. Mai sinh gọi cây đào ra
hoa đỏ là Cô Hồng, cây ra hoa trắng là Cô Bạch. Thỉnh thoảng có người đi ngang
qua nhà Mai sinh, thấy chàng đi lại trong vườn, nói cười lảm nhảm một mình. Người
ta tưởng chàng bị điên. Thật ra chàng đang chuyện trò với Cô Hồng, Cô Bạch.
Quyên Di
No comments:
Post a Comment