Tuesday, November 3, 2015

Nỉa thay vì Dao - Forks Over Knives Nguyễn Thị Cỏ May


Trong mấy ngày qua, trên mạng có phổ biến một phim tài liệu thực tế và hữu ích nói về mối liên quan giữa bịnh tật và chế độ ăn uống hằng ngày dưới nhan đề dễ khêu gợi sự tò mò ở người đọc " Nỉa thay vì Dao " (Forks over Knives) . Cũng trong cuối tuần vừa qua, 23/24 octobre 2015, đài TV Pháp có chiếu một phóng sự rất chi tiết về ngành kỹ nghệ thực phẩm của Pháp cho thấy dân chúng tiêu thụ hoàn toàn bị lệ thuộc thị trường thực phẩm kỹ nghệ từ thức uống đến thức ăn mà không biết hoặc biết mà không thể thoát khỏi .        
Mấy ngàn năm trước, Đông phương đã áp dụng chế độ ăn uống để phòng bịnh và phối hợp với y dược để chữa bịnh . Đông y rất quan tâm đến phòng bịnh qua tập quán ăn uống và nếp sinh hoạt hằng ngày .      
Ở Tây phương, cách nay hơn 2000 năm, người xưa cũng nói "Hãy để cho ăn uống trở thành thuốc chữa bịnh ".   Giờ đây, lời dạy về sức khỏe này mới được y giới quan tâm .   

Thầy thuốc bảo có nhìều bịnh tật nếu biết cách ăn uống cho đúng sẽ giúp tự trị bịnh cho mình . Nhưng phần lớn thức ăn và uống ngày nay trong tầm tay dân chúng có phù hợp cho sức khỏe của họ hay không ? Có đúng " Ăn uống để tránh vào nhà thương - Forks over knives " hay không ? 

Người ta thật sự bắt đầu sợ. 
Ở các nước phát triển như  Âu châu và Hoa Kỳ, người ta bắt đầu lo sợ nhiều bịnh tật nguy hiểm đến tánh mạng đều có nguồn gốc từ chế độ ăn uống hằng ngày . Bịnh béo phì, tiểu đường, mỡ trong máu, máu cao, tim mạch, hàng năm làm tốn kém cho nước Hoa Kỳ 120 tỷ mỹ kim .    

Có 40% dân Hoa Kỳ bị bịnh béo phì . Số người dư thừa 10, 5kg sức nặng rất đông . Trẻ con từ 4 tuổi cứ 1 đứa trên 5 bắt đầu béo phì rồi. Bịnh tật trong dân chúng đã làm tốn kém cho ngân sách hết 2, 2 tỷ mỹ kim/năm.       

Người ta nhận xét thấy trẻ con của lớp di dân như Mễ nay đã bắt đầu lên cân . Ở Hawaï, con em lớp di dân tới đảo trước đây cũng đã bắt đầu mang những chứng bịnh như dân Mỹ trắng trong lúc đó ông bà chúng nó ngày nay còn những người đã ngoải 80/90 tuổi vẫn mạnh khỏe, làm việc được, thân hình cân đối, rắn chắc.  Lớp trẻ ở Mỹ ngày nay do bịnh tật nên tuổi thọ kém hơn phụ huynh rất nhiều. 

Về chứng bịnh tiểu đường hiểm ác, người ta nghĩ đó là chứng bịnh của người lớn tuổi do cơ thể suy yếu nhưng ngày nay, ở Mỹ có 1/3 trẻ con bị bịnh tiểu đường .

Những bịnh tật này, nghe qua, rất quen thuộc nhưng đừng quên ở xứ Mỹ, cứ mỗi phút, bịnh tim mạch cướp đi một mạng sống và mỗi ngày, có 1500 người chết vì chứng ung thư.. Chỉ riêng hai bịnh tim mạch và ung thư hằng năm làm cho nước Mỹ giàu mạnh mất đi 1 triệu người .      

Trước hiểm họa chết người hằng triệu mỗi năm, giới chức y tế bắt đầu quan tâm xem xét . Họ lên tiếng báo động tình trạng nguy ngập về bịnh tật và họ cũng kịp nhận ra mối nguy . Đáp án tìm được . Nhưng ai có thẩm quyền lên tiếng ngăn chận mầm bịnh tật . Không phải đưa ra loại thuốc mới, hay hơn, hay thêm liều lượng cho tăng hiệu nghiệm chửa trị . Mà kêu gọi mọi người hãy thay đổi tập quán sanh hoạt đã có từ bao nhiêu năm nay . Thay đổi chế độ ăn uống . Tránh ăn uống các loại thực phẩm chế biến sẵn, trở về ăn các thứ rau quả nguyên gốc . Rau, trái bày bán trong chợ. Không thiếu.



Giới chức dinh dưỡng nhắc lại một trường hợp cụ thể . Na-uy (xứ Norvège ở Bắc  Âu) . Năm 1940, trong Thế chiến II, bị Đức quốc xã tịch thâu tất cả súc vật, cả bơ, sữa, phó-mác, … chở đi cung cấp cho quân đội . Người dân không còn gì để ăn nên phải ăn rau quả thay thế thịt, trứng, bơ, sữa, …Từ năm 1941, người dân Na-uy bắt đầu thấy bỗng tự nhiên giảm những bịnh tật quen thuộc như máu cao, dư mở trong máu, tim mạch, … Tình trạng sức khỏe lành mạnh này kéo dài cho tới sau năm 1945 khi chiến tranh chấm dứt và từ đó, những bịnh cũ bắt đầu xuất hiện trở lại.

Ai cũng nói thịt, bơ sữa, …là nguồn cung cấp chủ yếu chất đạm cần thiết cho sự dinh dưởng . Đúng . Nhưng ngày nay, người ta cũng khám phá ra thịt đỏ, bơ sữa, …vừa là nguồn dinh dưỡng quan trọng mà đồng thời cũng là mầm tác hại không nhỏ tới sức khỏe con người khi tiêu thụ hơn mức nhu cầu và nhứt là những thứ này trở thành thức ăn, thức uống qua chế biến .

Ở Pháp, trước đây hơn mươi năm, dân chúng lớn tuổi của vùng Picardie, bị bịnh sưng ruột già và ung thư ruột già rất đông hơn những nơi khác đã làm cho Quĩ Bảo hiểm sức khỏe ngạc nhiên . Họ nhờ làm một cuộc điều tra . Kết quả cho biết dân chúng chăn nuôi nhỏ và tự tiêu thụ nên việc ăn uống sản phẩm nông gia của mình hạn chế đi mua ở chợ . Nhưng sau đó, các cơ sở kỹ nghệ nông phẩm ồ ạt mở ra những đợt quảng cáo  sữa, bơ, phó-mác, …là những thứ bổ dưởng cần thiết cho cơ thể con người . Đó là thực tế không tranh cãi !


Ăn « Thông minh »
Ăn có đủ chất dinh dưởng nhưng phải lành mạnh cần thiết cho sự sống, không sanh bịnh hoạn, được báo chí pháp trong gần đây gọi chung là « Ăn Thông minh » .

« Ăn Thông minh » là tựa của chủ đề của tuần báo Le Point phát hành ở Paris hôm 15/7/2015 . Dưới tít chánh còn thêm « Những sự thật và những lừa gạt về sức khỏe » .   

Cuối tháng 9/2015, tuần báo Marianne tiếp theo cùng chủ đề, với cái tít làm cho người đọc liên tưởng tới một thứ lời hịch hay của một bản tuyên ngôn « Mời Công dân ăn » . Mà thật, tiếp theo là « Bản Tuyên ngôn của chúng ta chống lại cái ăn nguy hại».

Trước đó, Tuần báo Le Nouvel Observateur, số phát hành đầu tháng 6/2015, chạy tít khá thật thà «  Và chúng ta đừng ăn thứ gì nữa ? » . Với hình chiếc Hamburger khổng lồ còn kèm theo « Điều tra  về Junk Food ». Phải nói chưa bao giờ dư luận Pháp tỏ ra quan tâm đặc biệt đền sức khỏe và thức ăn  như vậy.        

Một thứ « ghiền » .     
Các cuộc điều tra về mầm móng bịnh tật đều đi đến kết luận đơn giản « Chúng ta ăn quá nhiều !  Chúng ta ăn không thông minh!» .       
Tại sao chúng ta có nhiều người thông minh mà lại ăn « không thông minh » ? Theo Bác sĩ  Laurent Chevallier, chuyên về dinh dưởng của Bịnh viện Montpellier, bởi vì chúng ta dễ dàng để bị những khẩu hiệu quảng cáo những sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm thuyết phục, hấp dẫn mất mà không biết . Suốt hơn mười lăm năm qua lắng nghe lời khai của bịnh nhơn, ông hiểu rõ những chứng bịnh do thói quen ăn uống gây ra . Nhưng những nạn nhơn này không còn biết phản ứng hợp lý vì họ đã bị lâm vào một tình trạng như bất lực trước những đợt quảng cáo ồ ạt đánh lạc hướng sự cần thiết phải ăn những thứ gì . 

Nhu cầu ăn uống của chúng ta mang đầy mâu thuẩn . Kỹ nghệ thực phẩm cung cấp cho chúng ta những thứ ngày càng mặn hơn, ngọt hơn, béo hơn và thiếu tự nhiên hơn . Nên nhớ hiện nay, có tới 320 thứ phụ gia cho phép đưa vào thực phẩm . Cũng trong lúc đó, giới hữu trách lưu ý chúng ta hãy cẩn thận tránh ăn uống có nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo nhưng lại không báo động chúng ta sự dư thừa hóa chất trong các món ăn của chúng ta .       

Chánh phủ kêu gọi dân chúng như một chiến dịch hãy ăn mỗi ngày 5 thứ hoa quả ! Nhưng quên nói rõ 5 thứ đó là những thứ nào ? Bởi vì trồng tỉa ngày nay ngày càng dùng nhiều hóa chất trừ sâu rầy và phân bón hóa học . Rau quả được trồng không có 2 thứ hóa chất này thì giá mắc quá nên không phải ai cũng mua được . 

Chỉ nói về đường nhơn tạo aspartame, một nghiên cứu báo cáo «  không tốt cho sức khỏe » thì qua hôm sau, có liền một nghiên cứu khác công bố « vô hại cho sức khỏe » . Đâu là sự thật của sự thật ?  

Oméga 3 vốn là vũ khí bảo vệ con người chống lại bịnh tim mạch . Nhưng lại báo động hảy coi chừng cá bị ô nhiểm thủy ngân và kim loại nặng . Cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.   



Từ bốn mươi năm nay, các xí nghiệp thực phẩm khổng lồ đưa ra những thông tin khoa học nhằm làm mất phương hướng hiểu biết của chúng ta chủ yếu làm phai nhạt những mầm móng nguy hại sức khỏe của chúng ta do thức ăn thiếu phẩm chất gây ra .  Thực tế này đã làm phát sanh trên qui mô lớn bịnh tim mạch, béo phì do đường, và cả một số bịnh ung thư từ các  kết quả « nghiên cứu » công bố.

Theo Bác sĩ Laurent Chevallier, nhờ sự quan sát hoạt động của não bộ, người ta phát hiện tại sao chúng ta không thể bỏ qua quyết định phải chọn mua thứ này, thứ kia vì hình ảnh những thứ hàng này đã chi phối sự phán xét của chúng ta . Nó là một thứ ghiền !

Chánh quyền thúc đẩy giới y khoa ngành dinh dưỡng hãy mở những chương trình giáo dục quần chúng về sự chọn lựa thức ăn bổ dưỡng, không có hại cho sức khỏe, trong lúc đó lại để cho những kỷ nghệ thực phẩm tự do hoạt động hoàn toàn trái ngược lại.  Không riêng gì Pháp mà cả  Âu Châu đều rất ít quan tâm thật sự bảo vệ sức khỏe của dân chúng chỉ vì «  quyền lợi kinh tế » trên quyền lợi sức khỏe của dân chúng.  Kinh tế làm cho dân chúng của xứ tự do dân chủ vẫn phải trả cái giá khá đắt cho chính mạng sống của mình.     

Chúng ta chỉ còn lại một thứ bất tư nghì cho sức khỏe là mỗi ngày uống không quá 2 ly rượu chát đỏ (Vin Rouge) . Chẳng những tốt cho sức khỏe mà còn kéo dài … dài, thật dài …tuổi thọ của chúng ta!   Lời vàng ngọc này do Giáo sư Didier Raoult, Khoa trưởng Khoa Dịch tễ học ( Epidémiologie) của Bịnh viện Marseille, người nổi tiếng thế giới Y học,  phát biểu !     

Nguyễn Thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment