Trong thời gian một vài năm qua, những diễn biến về tình hình kinh tế,
chính trị và xã hội của Việt Nam đã được hệ thống truyền thông độc lập,
chủ yếu là mạng xã hội facebook thông tin kịp thời và đầy đủ tới người
dân. Nổi bật trong dòng chảy thời sự là tình hình kinh tế, và công cuộc
chống tham nhũng mà đảng cộng sản phát động và thực thi. Để đi vào tìm
hiểu bức tranh toàn cảnh của chế độ, có thể lấy các thông tin điển hình
về từng lĩnh vực để phân tích và nhận định.
Về lĩnh vực kinh tế, trong cả hai năm 2017, 2018 đều có thông tin về
việc nhà nước vay tiền để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc. Năm
2017, chính phủ đã vay 342.060 tỷ đồng (tương đương hơn 15 tỷ đô la),
trả nợ khoảng 6,4 tỷ đô la. Năm 2018, số tiền phê duyệt vay là 384.000
tỷ đồng (tương đương 17 tỷ đô la), trả nợ gốc là 6,5 tỷ đô la.
Về chính trị, việc chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt,
một loạt các quan chức bị bắt và truy tố, đặc biệt có một ủy viên bộ
chính trị, và một số tướng lĩnh ngành công an. Hiện tại, vẫn còn nhiều
điểm nóng liên quan tới các quan chức cao cấp của chế độ như vụ AVG, vụ
Đà Nẵng, vụ Sài Gòn…
Đối với lĩnh vực xã hội, chúng ta chọn sự kiện xã Đồng Tâm huyện Mỹ
Đức sau một năm mừng chiến thắng tạm thời trong việc giữ đất. Ngoài ra,
hình ảnh cán bộ, công nhân viên báo Công an Nhân dân căng biểu ngữ công
khai đòi nhà chung cư khi đã đóng góp đầy đủ mà 8 năm qua vẫn chưa được
nhận nhà, trong khi kế hoạch dự kiến chỉ là 2 năm.
Vấn đề đối ngoại, không còn sự kiện nào lớn và quan trọng bằng vụ
nước Đức đang xét xử nghi can Nguyễn Hải Long, tham gia vào đường dây
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về, phục vụ cho việc chống tham nhũng.
Chỉ cần lướt qua những sự kiện tiêu biểu cho từng lĩnh vực, cùng với
hiểu biết về nguyên nhân các sự kiện, chúng ta đã thấy hiện lên bức
tranh toàn cảnh của chế độ. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bức tranh
hoàng hôn của chế độ. Nguyên nhân sâu xa là sự cạn kiệt nguồn lực, cùng
với sự phá sản của mô hình độc tài toàn trị mà đảng cộng sản đã áp đặt
lên đất nước hơn 70 năm qua. Chúng ta đi vào phân tích từng lĩnh vực để
nhận thức rõ hơn về xu thế sụp đổ không thể cưỡng lại được của chế độ.
1/ Về Kinh tế
Nhìn vào thông tin vay nợ của chính phủ trong hai năm qua, có thể
thấy hai điều. Thứ nhất, bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc. Điều
này chứng tỏ việc thu không đủ bù chi, nền kinh tế mà nhà nước quản lý
làm ra giá trị không đủ cho chí phí duy trì hệ thống. Thứ hai, tiền vay
và trả nợ năm sau cao hơn năm trước.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, với một nền kinh
tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế
giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao
hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện
nay Việt Nam đã thu thuế lên đến 32% GDP, tức là cao hơn nhiều so với
khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Số liệu thống kê của Công ty Cổ phần
Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ đóng thuế
phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm là 21%, cao hơn Thái Lan
là 16%, Philippines là 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%.
Tổng hợp những thông tin nêu trên, chúng ta có nhận xét, mặc dù đã
tận thu đối với các khoản thuế phí, mức thu của nền kinh tế cũng không
đủ chi trả cho toàn hệ thống, và vẫn phải đi vay nợ. Hiện trạng của nền
kinh tế là vay để trả nợ trong khi giá trị làm ra không đủ chi trả.
Nguyên nhân của tình trạng này và xu thế của nền kinh tế có thể do những
nguyên nhân sau đây chi phối.
– Động lực của nền kinh tế không còn. Động lực của các doanh nghiệp,
của các hoạt động kinh tế chính là lợi nhuận. Vì một loạt những bất cập
của nền kinh tế chưa phải thị trường, cộng với sự can thiệp của nhà nước
mà việc một doanh nghiệp tạo ra được lợi nhuận quá khó khăn. Một doanh
nghiệp muốn có lợi nhuận trong môi trường hiện nay ở Việt Nam, cần tạo
ra được một sản phẩm, và bán sản phẩm đó với giá gấp 4, gấp 5 lần giá
thành. Đây là điều hiếm có doanh nghiệp nào làm nổi. Động lực không còn
thì các hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế chỉ còn là sự cầm
chừng, cố gắng để duy trì sự tồn tại.
– Công cuộc chống tham nhũng quyết liệt vừa qua có thể tạo ra được
hiệu ứng nào đó về mặt xã hội, nhưng đối với sự vận hành của nền kinh tế
lại rất tai hại. Lý do là, các quan chức khiếp sợ, không dám và giảm
bớt nhận hối lộ. Nhưng do sự vận hành trước đó của nền kinh tế, những
khoản hối lộ là sự bôi trơn của guồng máy kinh tế. Nay khoản bôi trơn
dừng lại, hoặc giảm bớt thì sự vận hành vì vậy cũng ngưng trệ theo. Các
doanh nghiệp khi chưa đưa được các khoản hối lộ (như trước đây) cũng
không dám triển khai, hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình.
Nói như vậy không phải phê phán việc chống tham nhũng, mà vấn đề là
chống tham nhũng phải đúng cách, phải triệt tiêu cơ chế đẻ ra tham nhũng
thì nền kinh tế mới hoạt động bình thường được.
– Xu hướng của nền kinh tế hoàn toàn không sáng sủa khi các hiệp định
thương mại đã thay đổi nội dung hoặc dừng lại. Về bản chất, các hiệp
định thương mại là sự ưu ái lẫn nhau giữa các quốc gia ký kết về vấn đề
thương mại và giao thương kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam trong
tình trạng nước đang phát triển thường được ưu đãi hơn, thậm chí có các
khoản viện trợ kèm theo. Nhưng hai hiệp định thương mại quan trọng nhất,
đó là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị thay đổi nội
dung do Mỹ không tham gia nên không còn nhiều ý nghĩa. Hiệp định Thương
mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang bị đình trệ do nhà cầm quyền đàn áp
giới bất đồng chính kiến và sai lầm trong đối ngoại. Như vậy, xu hướng
tiếp tục ảm đạm của nền kinh tế là một sự hiện hữu.
2/ Về Chính trị
Chính trị có hai vấn đề quan trọng, nhưng cả hai đều không có giải pháp để giải quyết triệt để và rốt ráo.
– Sự bế tắc về đường lối. Đến thời điểm này, khi mà
các công cuộc đổi mới, các đợt cải cách nửa vời đã hết đà, hết tác dụng
thì yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nền kinh tế, cho toàn xã hội là một
cuộc cải cách triệt để, thật sự. Nhưng đảng cộng sản vẫn khăng khăng bám
giữ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bám giữ nền kinh tế thị trường
định hướng XHCN bất chấp thực tế tan hoang của nền kinh tế, bất chấp số
nợ gấp 3 lần GDP không cách gì trả nổi. Khi mà toàn xã hội, từ người lao
động, các doanh nghiệp, nhà quản lý đều nhận thức được việc vận hành
nền kinh tế theo phương thức cũ là đưa tới thảm họa, sụp đổ nhưng đảng
cộng sản và nhà cầm quyền vẫn không có ý định gì để thay đổi trạng thái
dẫn tới việc toàn xã hội bế tắc, ngưng trệ. Sự ngưng trệ và bế tắc đang
được dồn nén và đến một lúc nào đó sẽ nổ tung.
– Công cuộc chống tham nhũng với cách làm như hiện
nay dẫn tới sự hoang mang và hỗn loạn. Công cuộc chống tham nhũng do
đảng cộng sản phát động và thực hiện đến nay đã khẳng định được đó là
việc làm nghiêm túc thật sự với nhiều quan chức cấp cao bị truy tố. Tuy
nhiên, việc chống tham nhũng không đề cập và không đi cùng với việc giải
quyết cơ chế tạo ra tham nhũng nên tất yếu dẫn tới hai hệ lụy sau…
+ Không tiêu diệt cơ chế đẻ ra tham nhũng thì tham nhũng vẫn tiếp tục
hoành hành. Nó chỉ tạm lắng khi cao trào đấu tranh chống tham nhũng
đang lên cao, và hiện tượng hối lộ, tham nhũng nhỏ vẫn tràn lan không
bao giờ hết.
+ Vì cơ chế chung đẻ ra tham nhũng, nên tất cả đều tham nhũng. Nay có
một bộ phận có quyền lực hơn, tấn công một bộ phận khác nhân danh chống
tham nhũng thì trong nôi bộ, hệ thống không phục. Những người bị tấn
công sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn, phản kháng và chống đối. Việc chống đối
có thể có nhiều cách khác nhau và chưa ai biết nội tình sẽ ra sao và đi
tới đâu?
Cơ chế tạo ra tham nhũng như thế nào? Có hai vấn đề quan trọng. Vì
duy trì chế độ độc tài toàn trị mà nhà nước đã phải sử dụng một hệ thống
nhân lực khổng lồ, số liệu chính thức là 11 triệu người ăn lương. Nhưng
số liệu không chính thức, cộng với số người trong doanh nghiệp nhà
nước, người về hưu (mà nhà nước bảo hộ và có thể luân chuyển nguồn lực),
số người hưởng phụ cấp… thì tổng số khoảng từ 25-35 triệu người. Với
một lực lượng lớn như vậy (với dân số tương đương, các nước chỉ có 2-3
triệu người) thì mức lương của cán bộ, công nhân viên chức không đủ
sống. Mức lương không đủ sống nhưng lại là những người trong hệ thống
quyền lực và quản lý thì tất yếu sẽ dẫn tới tham nhũng. Vấn đề thứ hai,
có một tổ chức, đó là đảng cộng sản, đứng ngoài và đứng trên chi phối ba
hệ thống quyền lực thông thường của nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư
pháp). Tổ chức này lại không chịu bất kỳ một sự đối trọng quyền lực,
bất kỳ một sự kiểm soát nào. Kết hợp hai vấn đề lại thì việc hình thành
quốc nạn tham nhũng là điều hết sức bình thường.
3/ Về Xã hội
Những bất công và dồn nén của các giai tầng trong xã hội hiện nay đã
được đề cập nhiều. Nhưng trong một vài năm trở lại đây đã có hai hiện
tượng đáng chú ý, góp phần làm cho sự dồn nén ngày càng cùng cực hơn.
– Bất công đã tìm đến những người trong hệ thống, tức là những cán bộ
công nhân viên chức, tầng lớp trung lưu của chế độ. Vào ngày 05/4 và
18/4 vừa qua, những người mua chung cư mà chủ đầu tư là báo Công an Nhân
dân tại vành đai 3 (Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, xã Thanh Liệt, huyện
Thanh Trì, Hà Nội) đã căng băng rôn, biểu ngữ đòi nhà ngay tại công
trình xây dựng. Họ là những cán bộ công nhân viên báo Công an Nhân dân,
hoặc người thân, họ hàng đã đặt mua chung cư từ năm 2010, đã thanh toán
hết số tiền mua nhà. Nhưng sau 8 năm (dự kiến kế hoạch 2 năm nhận nhà),
họ vẫn chưa nhận được nhà, và chưa biết khi nào mới nhận được.
Ngoài ra, ngày 20/4 vừa qua, một đoàn cựu chiến binh tỉnh Lào Cai
cũng căng băng rôn, khẩu hiệu ở trụ sở tiếp dân của tỉnh, rồi tuần hành
tới Ủy ban Nhân dân tỉnh đòi quyền lợi, đòi nhà cầm quyền thực hiện đúng
chế độ, chính sách.
Những vụ việc này phản ánh một điều, bất công không buông tha bất cứ
ai. Nhưng lần này, đối tượng lại chính là những người trong hàng ngũ,
trong hệ thống của nhà cầm quyền, những người đang ngày đem bảo vệ chế
độ. Cách nay hơn nửa tháng, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc
bộ tài chính đề xuất đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng, ô tô
trên 1,5 tỷ đồng thì không chỉ những người dân, những người phản biện
xã hội lên tiếng mà chính báo chí chính thống cũng vào cuộc phản đối
quyết liệt. Từ trước tới nay, bất công thường xảy đến với phần lớn người
dân thường, nay chế độ cạn kiệt nguồn lực, đã tính đến việc tận thu đối
với cả những người thuộc hệ thống của mình. Chính điều này đã hứa hẹn
những sự phản kháng ngay trong nội bộ, và ngày càng khốc liệt.
– Sự kiện xã Đồng Tâm, Mỹ Đức là một sự kiện đặc biệt. Sự kiện này
nằm trong số hàng trăm, hàng ngàn sự phản kháng của người dân ở tất cả
các ngành nghề, lĩnh vực trên toàn quốc. Điều đặc biệt là người dân Đồng
Tâm đã làm được một việc “động trời” (bắt giam 38 người gồm cán bộ,
cảnh sát cơ động trong gần một tuần) với quyết tâm giữ bằng được đất đai
của địa phương. Gần đây, đơn vị quân đội đã làm hàng rào bao quanh phần
đất quốc phòng của họ, chứng tỏ phần đất còn lại không thuộc đất quốc
phòng mà là của người dân Đồng Tâm. Có thể nói, người dân Đồng Tâm đã có
chiến thắng tạm thời trước sự bạo ngược của nhà cầm quyền.
Không chỉ có những người dân giữ đất phản kháng lại nhà cầm quyền đạt
ít nhiều kết quả. Công nhân một số công ty, nhà máy đình công cũng đã
đạt được những thành công bước đầu. Một làn sóng phản kháng khắp nơi để
bảo vệ các quyền lợi chính đáng đã và đang động viên, thức tỉnh người
dân để trước hết đòi hỏi quyền lợi cụ thể, sau đó là đòi hỏi quyền làm
người đầy đủ nhất.
4/ Về Đối ngoại
Có thể nói, chưa có bao giờ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế lại xuống thấp như giai đoạn hiện nay. Sự tụt dốc uy tín của Việt Nam là do những nguyên nhân sau.
– Chiến dịch đàn áp khốc liệt giới đấu tranh, bất đồng chính kiến
trong hơn một năm qua. Có thể nói, việc đàn áp tàn bạo mà nhà cầm quyền
nhắm vào giới đấu tranh trong hơn một năm qua là chưa từng có trong lịch
sử. Điều này làm sững sờ các quốc gia dân chủ, vốn ưu ái và hi vọng
Việt Nam đi theo trào lưu, xu thế chung của nhân loại. Việc bắt giam và
kết án nặng nề những người đấu tranh cũng được giới quan sát quốc tế coi
như một sự tráo trở, thất tín vì những lời hứa Việt Nam đưa ra khi
thương thảo các hiệp định thương mại. Vấn đề đàn áp người bất đồng chính
kiến giai đoạn vừa qua đã dẫn tới việc quốc tế nhìn nhận lại về các mối
quan hệ với Việt Nam.
– Sự cố ngoại giao nghiêm trọng trên đất nước Cộng Hòa Liên Bang Đức,
vụ việc an ninh Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã tạo ra vụ
khủng hoảng ngoại giao và ảnh hưởng trực tiếp tới việc phê chuẩn Hiệp
định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Trong thời điểm hiện tại,
việc xử án nghi can Nguyễn Hải Long đang diễn ra càng phơi bày việc làm
ngang ngược của nhà cầm quyền, cũng như sự dối trá, trơ trẽn khi thông
tin Trịnh Xuân Thanh về đầu thú ở Việt Nam. Các nước trong EU và trên
thế giới cũng định hình lại quan hệ với Việt Nam sau sự kiện này.
– Một vấn đề quan trọng nữa, vừa mới xảy ra. Khi nhà cầm quyền Syria
(được Nga hậu thuẫn) sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân Syria
trong cuộc chiến, vi phạm công ước quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học, đã
bị Mỹ và các nước đồng minh lên án và tấn công các cơ sở sản xuất vũ
khí hóa học. Việt Nam đã cho dàn đồng ca báo chí quốc doanh lên án Mỹ và
đồng minh, ủng hộ Syria và Nga. Đây là một sự ngu xuẩn trong đối ngoại
mà nhà cầm quyền tạo ra nhằm cô lập chính mình.
Những diễn biến tiếp theo trên chính trường Việt Nam thật đáng mong
chờ. Mặc dù bức tranh vô cùng tăm tối của chế độ như vậy, nhưng vẫn có
thể đảo chiều bất cứ lúc nào để bừng sáng lên cho tương lai dân tộc, đất
nước. Đồng thời, các quan chức, lãnh đạo cũng sẽ không quá đau đầu về
tương lai hậu cộng sản của mình nếu họ biết thức tỉnh kịp thời./.
Hà Nội, ngày 28/4/2018
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn: chantroimoimedia.com
No comments:
Post a Comment