Monday, May 7, 2018

Từ Tình Mẹ Đến Trách Nhiệm Của Phụ Nữ - Phương Tôn


Vào năm 2006 tại St. Omer, Pháp quốc, một thành phố nhỏ hiền hòa với chừng 15 000 dân, Marion H. bà mẹ trẻ 26 tuổi đã dùng tay không bóp cổ giết chết con chó Berger mang bệnh dại khi nó đang hung dữ cắn giết hai đứa con nhỏ hai tuổi và bốn tuổi của bà.

David Gianelli, một nhân viên cứu hỏa kinh nghiệm tại thành phố New York rung động thốt lên "Tim tôi thiếu điều ngừng đập" khi kể lại cùng báo chí câu chuyện bà mẹ Scarlet bất kể khói lửa, bất kể vết thương đang cháy bỏng trên thân thể chạy vào chạy ra năm lần liên tiếp trong căn nhà ngập tràn khói lửa để cứu năm đứa con 2 tuần tuổi của bà.

Những mẫu chuyện can đảm, tình yêu tuyệt đối của các bà mẹ dành cho con cái như trên đã xảy ra vượt qua mọi khái niệm về không gian lẫn thời gian. Với tình yêu này các bà mẹ có thể vượt qua mọi trở ngại để làm được những chuyện mà không một người bình thường nào có thể làm được. Tình yêu này còn được gọi là "Tình Mẹ", cái Tình đã tạo nên muôn ngàn cảm hứng cho những áng văn thơ tuyệt tác trên thế giới từ xưa đến nay.

Không có "Tình Mẹ" thì không thể nào có được một Betty Mahmoody, một phụ nữ người Mỹ quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, bất kể nguy hiểm đến tính mạng để cứu đứa con gái ra khỏi Iran sau khi bé bị chính cha ruột bắt cóc từ Mỹ đem về. Cuốn hồi ký được chuyển thành phim "Không có tất cả nếu không có con gái của tôi" của Betty Mahmoody đã trở nên một trong những cuốn sách được bán chạy hàng đầu trên thế giới. Động lực nào để kéo người mẹ mỗi đêm ba lần ra khỏi giường để thay tả cho em bé, ngồi suốt đêm bên cạnh khi bé bị bệnh trong khi người cha vẫn ngũ vùi nếu không phải đó là "Tình mẹ"? Đây chính là cái quý giá nhất trong cuộc đời mà chúng ta có được như Peter Rosegger, nhà văn người Áo vào thế kỷ 18 đã từng nói: "Mẹ tôi không có gì khác hơn ngoài Tình yêu, cái tốt nhất tôi có trong người, tôi có được từ Mẹ."
Vậy thì cái gì đã tạo nên "Tình mẹ", cái tình mà hầu hết mọi người đều công nhận là loại Tình không điều kiện, không tính toán, không đòi hỏi bù trả ơn nghĩa? Nhưng một khi "Tình mẹ" cao cả thiêng liêng như vậy thì tại sao vẫn có những bà mẹ bỏ rơi, xua đuổi, đày ải và ngay cả giết chết con cái của họ?

Shari Thurer, nữ tâm lý gia người Mỹ đã từng tuyên bố: "Trong thế giới lạnh lẽo và khắc nghiệt này mối liên hệ giữa Mẹ và Con có lẽ là tình yêu chân thật nhất, tự nhiên nhất, tự phát và cũng quý giá nhất…". Các nhà nghiên cứu về thần kinh học, tâm lý học, xã hội học trên thế giới đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian để tìm hiểu về mối liên hệ Mẫu Tử này, một mối liên hệ xem chừng rất đơn giản nhưng cũng cực kỳ khó hiểu đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Ít nhất cho đến nay các nhà nghiên cứu sinh thần kinh và hành vi học đã có thể cùng thống nhất đưa ra kết luận, Hormon Oxytocin và Vasopressin là hai trong những chất hiệu quả nhất lèo lái sự Chăm sóc, Lo lắng của các bà mẹ. Cũng nhờ chúng mới có mối liên hệ mẹ con khắng khít. Các hormon của vùng hypothalamus trong não bộ sản xuất ra "chất tình mẹ" rồi đưa vào máu qua các tuyến não khi cần thiết và cũng là động cơ chính giúp cho tử cung trở nên trơn láng, giảm bớt đau đớn khi sinh nở và cũng tạo ra dòng sữa khi bà mẹ cho con bú. Đây cũng là lý do để giải thích sự khác biệt giữa tình cha và tình mẹ. Dù người cha có tốt thế nào đi chăng nữa cũng không thể có được một tình mẹ vì não bộ của họ không biết đến những dấu ấn thần kinh nội tiết qua sinh nở và khi cho con bú. Nếu thiếu Hormon Oxytocin, các phụ nữ sẽ không có tình mẹ, họ sẽ dễ dàng bỏ rơi, đánh đập, hành hạ con cái.

Lập luận này càng có cơ sở khi thông qua kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trên diện rộng. Khi được hỏi „người nào bạn cảm thấy có mối liên hệ mạnh và gần gũi nhất?“ 41% các bà mẹ trả lời: Con của tôi. Trong khi chỉ có 13% các ông cha cho rằng con cái là mối liên hệ thân thiết nhất.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình yêu giữa mẹ và con hiện hữu trước tình yêu đôi lứa. Trong động vật cũng không khác hơn, những hành động dịu dàng giữa những con vật và con cái chỉ xảy ra ở những loài thú mà cha mẹ biết chăm sóc con cái.

Người mẹ là người ban sự sống, mang lại cảm giác hiệp nhất, đó là một kinh nghiệm vô cùng quan trọng đối với trẻ em. Đây là hang động an toàn, ấm cúng khi trẻ gặp điều sợ hãi hay buồn bã. Mối liên hệ mẹ con là những gì không thể thay thế được ngay cả những người dù có thiện chí thế nào đi chăng nữa. Một số bằng chứng cho thấy những đứa bé mất mẹ sớm về sau khi trưởng thành thường gặp trục trặc trong đời sống lứa đôi. Trong một quãng thời gian dài thiếu mẹ, họ không học được việc tỏ bày tình yêu, không quen cũng như không biết đến sự dịu dàng nâng niu của người khác dành cho mình.


Không một ai còn nghi ngờ gì nữa về tầm quan trọng của người mẹ một biểu trưng cho phụ nữ trong gia đình và xã hội nhưng về mặt khoa học và nhất là trong tôn giáo, giá trị của phụ nữ lại gặp nhiều chướng ngại hơn. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử người ta dễ nhận ra phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn thực hiện trách nhiệm trong các lĩnh vực chuyên biệt của họ. Tuy nhiên cách đây hơn 2000 ngàn năm Đức Phật đã nhìn ra vai trò của phụ nữ. Đức Phật bác bỏ hệ thống đẳng cấp và sự áp bức của phụ nữ, không những không thù địch hoặc hạ thấp phẩm giá phụ nữ, Ngài còn làm một cuộc "cách mạng" chấp nhận bình đẳng với nữ giới. Ngài thâu nhận 23 phụ nữ cùng với 54 đàn ông vào hàng đệ tử thân tín hàng đầu và cũng là những vị về sau được chứng Niết Bàn. Đây là một tư tưởng và hành động quan trọng "vượt thời gian", "vượt mọi thời đại" vì mãi cho đến ngày nay dù trong hàng chính phủ hoặc hàng ngũ lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia vẫn không có một "tỷ lệ phụ nữ" cao như vậy. Đáng tiếc, về sau khi đạo Phật du nhập vào những nước khác do ý thức văn hóa tập quán "trọng nam khinh nữ" tại các nước Á châu, hàng Ni Phật vẫn bị phân biệt như ngoài thế gian. 

Tuy nhiên ngày nay tại các nước Tây phương, những nơi phụ nữ được đề cao thì việc phân biệt Ni Sư, thí dụ như chỉ xem trọng Tăng, đã thực sự biến mất hẵn. Dù có sự phân biệt Ni Sư trong hàng giáo phẩm nhưng nói chung Phật giáo luôn luôn tôn quý phụ nữ. Phật giáo Đại Thừa nhận ra tất cả chúng sinh là Mẹ của mình, xem người Mẹ là tiêu biểu cho sự phát triển của tình yêu và lòng từ bi, là một hình thức đặc biệt mãnh liệt của tình cảm. Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm trong đạo Phật là một thí dụ khác. Không ai khẳng định Ngài là nam hay nữ nhưng tượng tạc Ngài vẫn là Nữ vì chúng sanh xem Ngài là một bà Mẹ, bà Mẹ của chúng sanh. Bồ-tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi. Hạnh đại từ bi của Ngài là an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại an vui, cứu vớt cho tất cả chúng sanh. Mà Hạnh từ bi thì có khác gì với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng Ngài là nữ để biểu trưng cho Mẹ, biểu trưng cho hạnh từ bi.

Phật giáo ngày nay vẫn đề cao giá trị của phụ nữ, chứng thực qua phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi nói về vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và trong đời sống gia đình nhân buổi lễ khai mạc “Hội nghị quốc tế đầu tiên của Ni Phật” vào năm 1987 tại Bodhgaya thuộc Ấn Độ: "Sự phát triển về thể xác và trí năng của một đứa trẻ lệ thuộc vào tình yêu và sự chú ý săn sóc của người mẹ. Nếu người mẹ có một nền giáo dục tốt và qua đó họ chú ý săn sóc trẻ nhiều hơn, họ sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ và cho toàn xã hội. Vì trách nhiệm này của phụ nữ cho xã hội và cho nền hòa bình thế giới nói chung thì thật là đúng khi họ đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho mình. Nhưng quý vị không nên thực hiện điều này với niềm tự hào hay ganh tị, nhưng với động lực muốn tự nhận trách nhiệm để đóng góp vào việc phát triển xã hội. Điều này có giá trị cho toàn thể phụ nữ, có hay không có niềm tin tôn giáo."

Ngày 13.07.2013 vừa qua, một năm sau từ ngày cô bé Malala Yousafzai 16 tuổi người Pakistan bị quân khủng bố Taliban bắn trọng thương vì lên tiếng đòi hỏi quyền được đi học cho nữ sinh, đã đứng trước hội đồng Liên Hiệp Quốc đòi hỏi quyền cho người phụ nữ được sống trong hòa bình, quyền được đối xử một cách tôn trọng, quyền được hưởng những cơ hội bình đẳng và đặc biệt là quyền cho trẻ em, cho phụ nữ được đi học. Cô bé nhấn mạnh về tầm quan trọng của sách vở và bút viết khi trước họng súng “Ngòi viết mạnh hơn lưỡi gươm”. Cô tự đặt câu hỏi là những kẻ cực đoan sợ gì khi họ bắn giết các nữ giáo viên? Câu trả lời là chẳng qua họ sợ sách và bút. Sức mạnh của giáo dục làm cho họ sợ. Họ sợ hãi phụ nữ. Sức mạnh trong tiếng nói của phụ nữ làm cho họ sợ. Và cuối cùng Malala Yousafzai khẳng định cùng thế giới, sẽ tập trung tranh đấu cho quyền phụ nữ và quyền được đi học của các em bé gái vì họ là những người phải chịu khổ nhiều nhất, sẽ tập trung kêu gọi phụ nữ hãy đứng độc lập và tự đấu tranh cho chính mình. 

Malala Yousafzai kêu gọi những nhà lãnh đạo thế giới rằng tất cả những thỏa hiệp phải bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Thỏa hiệp nào đi ngược lại quyền lợi của phụ nữ là không thể chấp nhận được.

Sự mất cân bằng đáng kể của lực lượng nam và nữ là một đặc trưng của thế giới ngày nay. Sự mất cân bằng, sự thiếu hụt lực lượng nữ chịu trách nhiệm cho một chuỗi dài các lạm dụng và tàn bạo. Dưới áp lực của sự bất công, ngày càng nhiều phụ nữ trên thế giới đứng lên bày tỏ khả năng của họ và vận động đòi hỏi nữ quyền. Họ đứng lên cho các giá trị con người trong một thế giới của con người. Có người đặt vấn đề, liệu phụ nữ có thể mang lại lợi ích gì cho thế giới này? Có chăng thì đại đa số phụ nữ cũng chỉ thành công trên diện quốc gia hay diện nhỏ khu vực sống mà thôi. Thực sự phụ nữ trên thế giới đạt thành công hơn nhiều so với những vấn đề được đặt ra. Phụ nữ, các bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp thế hệ tiếp theo, ở nhà, ở trường mẫu giáo ở trường học và ngay cả trường đời. Thực tế là bao quanh trẻ em từ bé đến tuổi dậy thì gần như là độc quyền của phụ nữ và đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất để kết tụ nhân cách con người về sau này. Thành công hay thất bại, là một phần thưởng hay lại là một gánh nặng cho xã hội chính là do trong giai đoạn phát triển này. Đây chính là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với xã hội của các bà mẹ mà ít người nhận ra. Một nền hòa bình thế giới thực sự đến từ đâu? Phải chăng đến từ tình yêu, nhân cách của những con người mà những con người đó lại được các bà mẹ ôm ấp giáo huấn từ bé? Thật đúng như Eibl-Eibesfeldt nhà nghiên cứu xã hội học tại Đức đã từng cho rằng: “Tình yêu của Mẹ là mối liên hệ xã hội khắng khít nhất. Với tình mẹ mới nảy sinh ra tình yêu trên thế giới". Vậy thì không phải là lộng ngôn khi ta kết luận rằng, nền chính trị thế giới nằm trong vòng tay các bà mẹ.

Xã hội ngày nay chỉ nhìn thấy những thành quả trước mắt mà không chịu tìm hiểu đâu là Nhân để sinh ra những Quả ngọt (hay đắng) như vậy. Đóng vai trò tối quan trọng trong gia đình, giữ một nhiệm vụ thầm kín cho xã hội, người phụ nữ, điển hình là các bà mẹ đã hoàn thành vai trò tối ưu của mình. Nhiệm vụ còn lại là của xã hội và cộng đồng, phải nhìn thấy để trân trọng những đóng góp và nhất là phải trả lại công bằng, bảo vệ và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người phụ nữ.

Phương Tôn

No comments:

Post a Comment