Với hai bàn thắng trên sân khách và một bàn trên sân nhà, các cầu thủ
trẻ Việt Nam đã lần thứ hai vô địch giải đấu bóng đá của các nước ASEAN.
Khu vực này là vùng trũng của bóng đá châu Á khi chưa từng có đội tuyển
quốc gia nào lọt vào World Cup. Mà tại vùng trũng ấy Việt Nam cũng phải
mất 22 năm mới vô địch được hai lần, lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm.
Trong khoảng thời gian đó người Thái chạm cúp năm lần, Singapore bốn
lần và Malaysia một lần, bằng với Việt Nam cho tới hôm 15/12 vừa qua.
Ấy vậy mà người dân ăn mừng cứ như Việt Nam vừa thắng World Cup. Ăn mừng tới mức một thanh niên Sài Gòn ngã ra đường bị xe bồn cán chết. Ăn mừng tới mức hai người khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu chết khi “bàn nhậu nát bét dưới gầm xe khách”. Ăn mừng tới mức ở Lâm Đồng “nam thanh niên bị đâm chết khi xuống đường mừng chiến thắng”. Nhưng nếu người ta sẵn sàng chết trong ngày đại thắng thì tôi tuổi gì mà bàn.
Tôi cũng không có ý nói không nên ăn mừng. Cảm xúc ta thế nào cứ thể
hiện như thế thôi. Miễn là thể hiện xong nên gói rác mang về nhà mà vứt
chứ đừng để lại sân bóng hay dưới lòng đường. Thể hiện nhưng chịu khó
đội cái nồi cơm điện để bảo vệ não. Thể hiện nhưng đừng chập mạch tới
mức để mất mạng hay làm người khác mất mạng.
Tôi không xem được hiệp một trong trận Việt Nam – Malaysia ở Mỹ Đình
nhưng xem hết hiệp hai qua Facebook Live của một kênh Malaysia. Quả thực
các cầu thủ Việt Nam ở cả hàng công và hàng thủ đều chơi chắc chắn, xem
đỡ thót tim hơn nhiều so với trước đây. Có bạn dè bỉu nói Việt Nam ăn
may vì Anh Đức ghi bàn trong tình huống việt vị. Nhưng một số bạn am
hiểu bóng đá nói nếu Anh Đức không ghi bàn trước thì Việt Nam đã không
đá thiên về phòng ngự trong phần còn lại của trận đấu và tỷ số có khi
còn cao hơn. Thực tế là các cầu thủ Việt Nam đã ghi được hai bàn trên
sân khách trong khi Malaysia không ghi được bàn nào ở Mỹ Đình. Dù có hoà
0-0 hay 1-1 thì Việt Nam vẫn thắng.
Trở lại với chuyện người Việt chỉ được phép xuống đường khi vui, còn khi sầu xin cứ ở nhà, tôi xin được giải thích rõ thêm. Tôi có đọc ở đâu đó người ta xử lý hàng chục trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ra đường đi bão đêm 15/12, nhưng tôi tin hôm đó số người không đội mũ có lẽ lên tới hàng ngàn hay hàng vạn. Có những clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát thậm chí còn đập tay ăn mừng với cả những người đi xe máy không mang mũ bảo hiểm. Vui là chính mà. Chấp gì.
Thế nhưng mai bạn buồn cứ thử xuống đường mà xem. Nếu bạn bị tư bản truyền thống hay tư bản đỏ bóc lột mà lại trả lương thấp bạn thử xuống đường kêu xem thế nào. Nếu bạn muốn bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, bạn thử tụ tập lấy 20 bạn và diễu phố xem công an sẽ đập tay với bạn hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nếu bạn có người thân bị đánh cho tới mức phải nhận tội và bị kết án từ tù nhiều năm tới tử hình, bạn thử xuống đường kêu oan xem sao.
Tôi từng có dịp nói chuyện với cây viết Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và thương bạn vô cùng khi thấy bạn bị trục xuất sang Hoa Kỳ sau vài năm ở tù. Cũng chỉ vì bạn hay xuống đường vì những người thấp cổ bé họng, vì những hàng cây, những con sóng biển không biết nói. Mà xuống đường là việc làm được Hiến Pháp khuyến khích các bạn nhé. Chỉ có điều chính quyền sợ các bạn quá nên không dám viết luật hướng dẫn các bạn làm theo đúng hiến pháp thôi.
Cũng chẳng phải vô cớ mà họ sợ đâu. Vừa rồi cháy lò mới ra một đống mặt chuột đấy. Từ uỷ viên Bộ Chính trị tới bộ trưởng, thứ trưởng, tới tướng, tới tá. Thuế bạn đi làm mửa mật mới có mà đóng nhưng chúng đốt hàng tỷ, chục tỷ, ngàn tỷ. Nhưng bạn đừng mơ xuống đường phản đối. Từ nhà tù lớn bạn sẽ vào ngay các nhà tù nhỏ với những cai ngục sẵn sàng chửi mắng và tát vào mặt bạn như Mẹ Nấm đã kể. Hay nếu họ không đánh thì sẽ sai “đại bàng” tẩn bạn. Cho chừa cái thói đủ thông minh để dùng quyền hiến định.
Cách hành xử thô bạo của những người chưa quên “bạo lực cách mạng” làm nhiều người nhụt chí. Nhưng xưa họ chẳng sợ như bạn đâu, họ liều lắm vì họ bảo “đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Mà bạn có làm gì đâu? Bạn xuống đường đi dạo thôi mà. Dạo bộ vì người nghèo, dạo bộ vì môi trường, dạo bộ vì chó mèo. Giống như hàng vạn người dạo bộ vì quyền của người đồng tính hay hàng triệu người vỡ oà với niềm vui vô địch bóng đá trên mọi nẻo đường.
Bóng đá Việt Nam cứ 10 năm mới vô địch một lần trong 22 năm qua. Ở khoảng giữa có lẽ bạn cứ thoải mái ca “đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào”. Trong khoảng thời gian chờ được xuống đường mà không bị đánh đập đó, bạn ra đường có nguy cơ bị cảnh sát đòi tiền, bị tai nạn giao thông. Tới chỗ làm có thể bị bắt nạt, bị trả lương thấp một cách bất công mà chẳng có công đoàn nào giúp bạn. Nếu không may bạn có mảnh đất lọt vào mắt quan chức như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, Văn Giang hay nhiều nơi khác, bạn sẽ chẳng cãi lại được miệng nhà quan đâu. Còn các quan làm đường theo kiểu vừa làm đã có ổ voi, quy hoạch thành phố cứ mưa là ngập, bệnh viện cứ đến là quá tải. Con bạn đến mẫu giáo không ăn có thể bị ăn tát. Còn đến lớp lớn hơn thì có khi ăn cả trăm cái tát nếu lỡ miệng văng tục. Rừng người ta đã và đang đốn khiến lũ lụt ngày một trầm trọng. Biển ô nhiễm khiến có lúc người ta không còn dám ăn hải sản.
Đấy chỉ là danh sách những thứ ai cũng thấy sờ sờ trước mắt. Còn dưới
tấm thảm xã hội chủ nghĩa còn vô số thứ khác mà ông đốt lò đang đổ mồ
hôi hột để xử lý. Nhưng tấm thảm đó xét về mặt đẻ ra những thứ vô văn
hoá và đồi bại thì phải nói nó đúng là thảm thần. Nên ông đốt lò một
mình chống lại mafia có lẽ chẳng được lâu đâu. Còn bạn nếu chỉ khi nào
vui mới xuống đường thì những ngày còn lại cứ thoải mái ca “đời là vạn
ngày sầu” đi nhé.
Nguyễn Hùng – VOA
No comments:
Post a Comment