Đến cuối tháng 4 này, là 90 ngày kể từ ngày anh từ giả cõi trần 29
tháng 01 năm 2020. Em không ngăn được xúc động mỗi ngày thắp nhang trước
di ảnh của anh.
Cali đang vào tháng 4/2020, em nhớ lại kỷ niệm vào tháng 3 năm
1975, em và con gái đầu lòng Ngọc Anh sanh ở Pleiku, được anh đưa 2 mẹ
con vào tạm trú trong phi trường. Được mấy ngày thì Phi Đoàn 229 Lạc
Long nhận lệnh đưa vợ con di tản khỏi Pleiku vì tình hình tại đây bất
an. Mẹ con em được về Saigon bình an.
Tình hình mỗi ngày càng xấu, mang lo âu cho mọi người. Anh và em đã
bàn bạc sẽ mua vé máy bay dân sự cho mẹ con em ra Phú Quốc vì ở đó có
người quen tạo điều kiện cho mẹ con đi trước, còn anh ở lại tiếp tục làm
việc trong Phi Đoàn 229. Nếu giờ phút cuối gặp bất trắc, anh sẽ rãnh
tay để xoay sở.
Anh ơi, cứ như giấc mơ, mình ước hẹn sẽ tìm đến nhau dù trôi giạt bất cứ đâu sau này nghe anh!
…
Để em kể Đỉnh nghe, cuộc hành trình của em quá bất ngờ. Máy bay đáp
Phú Quốc lúc 3 giờ chiều ngày 24 tháng 4 năm 1975 thì buổi tối đó có
lệnh giới nghiêm. Lúc này em mới nghĩ sao mình dại thế. Do hoang mang,
lo sợ, nói đi là đi, một thân một mình, trong khi tay thì bế con, bụng
thì đang mang bầu 4 tháng. Ước gì được gặp anh tại đây, ngay lúc này!.
Em nhìn lên trời mong thấy được trực thăng bay qua để xin quá giang về
Saigon.
Từ phi trường Phú Quốc muốn về An Thới phải dùng ghe. Em đang ôm
con đứng khóc ngoài bến thì thấy một xe đò chở một quan tài một người
lính tử trận phủ cờ Việt Nam Cộng Hòa và mẹ già đi nhận xác con chuyển
xuống đò về mai tang ở Thới. Em xin quá giang ghe như là người thân và
qua sự linh thiêng của người lính vắn số, em được nhận lời.
Ngồi dựa vào quan tài trên chiếc ghe nhỏ chồng chềnh, rồi cũng cập bến an toàn.
- Xin lạy ba lạy cám ơn hương linh người lính chết trận và bà Mẹ Việt Nam đã giúp mẹ con em!
Khi tìm được điểm hẹn của người quen như dự trù thì họ đã đi… xa
rồi! Đỉnh biết không, em thật sự lo sợ vì bơ vơ lạc lỏng. Đồng bào di
tản đông đúc trên đường, người nói hướng này người nói hướng kia sẽ có
tàu Mỹ đến đón.
Khổ thay, vì còn lệnh giới nghiêm nên quân đội đến bắt giải tán. Em
được một gia đình hảo tâm cho mượn cái đi-văng kê ngoài cửa để trú qua
đêm vì thấy cảnh con dại và đang mang thai. Nhưng làm sao ngủ được anh,
cứ thấy dân đi ngoài đường là em thấp thỏm, bèn liều tháp tùng đoàn
người.
Ơn trên dẫn đường, một tàu Mỹ tư nhân ra điểm hẹn tại đảo Phú Quốc
đón những nhân viên làm sở Mỹ, vì lòng nhân đạo, họ ghé đón một số người
ưu tiên cho phụ nữ và trẻ con lúc 10 giờ tối ngày 30 tháng 4 năm 1975!
Sau 7 ngày, tàu đến đảo Guam. Mấy ngày sau, mẹ con em được đi
chuyến bay đầu tiên sang trại tị nạn Fort Chaffee ở bang Arkansas. Anh
à, con gái Ngọc Anh bị sưng phổi, vừa nhập trại làm thủ thủ tục giấy tờ,
em ôm con lang thang tìm chưa ra địa điểm trạm xá thì con đã chết trên
tay em! Còn nổi đau nào hơn nỗi đau Mẹ mất con trong trại tị nạn không
Đỉnh ơi?
Hội Hồng Thập Tự của trại đã giúp tìm kiếm anh ở các trại nhưng
không thấy tin tức gì. Hai ngày sau, Linh Mục Phan Công Nghị (hiện đang ở
Los Angeles) đến an ủi em, báo tin Hội cho biết một ai đó kể, một trực
thăng rớt ngoài khơi, phi công lại trùng tên với anh. Em nghe tan nát
lòng, không còn hy vọng gặp anh nữa.
Ngày mai, ngày 15 tháng 5, Hội Hồng Thập Tự và linh mục Phan Công
Nghị và em được giấy phép của trại để chon cất con gái tại nghĩa trang ở
ngoài thành phố Arkansas. Con được thông báo là đứa bé tị nạn đầu tiên
chết trên nước Mỹ vào thời gian đó.
Về đến trại, Cha cùng đồng hương dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho anh
và con. Đặc biệt, trên bàn thờ để một tấm bản nhỏ, “Xin cầu nguyện cho
Linh Hồn Đôminicô và Anna vừa qua đời”.
Một ngày sau, em trở thành góa phụ lãng trí, lang lang, vô hồn, chỉ
biết khóc. Hội Hồng Thập Tự cho em biết, có một gia đình ở Mỹ đang tìm
một em bé để bảo trợ. Lúc đó trong trại không có em bé nào nhưng có một
bà bầu vừa mất một con gái vừa là góa phụ, rất cần giúp đở. Bà Margie
Pinckark liền nhận bảo trợ cho em.
Nhờ ơn Trên, em gặp lại anh chị Huỳnh Công Đáng (bạn cùng Phi Đoàn
229 Lạc Long Pleiku của anh) vừa nhập trại. Anh Đáng cho biết, anh nghe
trên tần số, máy bay của Đỉnh bay về hướng đảo Wake. Và anh Đáng như là
một thông dịch viên, hướng dẫn em liên lạc Hội Hồng Thập Tự, và cuối
cùng Hội đã tìm được anh cũng như tìm cách đưa em vào nhà thương chữa
bịnh mất trí và khám thai cho em.
Sự mầu nhiệm của Thiên Chúa đã ban cho em được trở lại bình thường,
được sống bên anh, đợi chờ ngày chào đời của đứa con thứ hai, bây giờ
là Don Ngoc Nguyen, Trưởng Nam của mình.
Chúng mình may mắn được Ông Bà Gerald and Margie Pincard bảo trợ về
định cư tại thành phố Shreveport, Louisina vào ngày đầu tháng 6 năm
1975. Chúng mình sống chung với ông bà một năm. Ông bà đưa chúng mình
vào hãng Western Electric để làm việc. Bà Margie Pinckark dạy em học Anh
văn. Anh đã hướng dẫn em học hỏi để hội nhập với cuộc sống mới. Đứa con
gái mình đặt tên Margie Nguyễn như là để bày tỏ lòng biết ơn bà Margie
Pincard. Con gái thứ hai là Nancy Nguyễn và hiện chúng mình có 5 cháu
nội ngoại là Remy, Ava Rose, Riley, Isabella và Jaxon.
Đến năm 1982, gia đình mình dọn về California lập nghiệp.
Vào ngày 31 tháng 5 năm 2012, anh bắt đầu lâm bệnh, nhưng anh vẫn quây quần vui sống hạnh phúc bên em và các con các cháu.
Ngày 29 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày mùng 5 Tết Canh Tý, vào lúc 4
giờ chiều, anh nắm tay em và từng đứa con, nhìn thật trìu mến như đang
nói lời vĩnh biệt.
Và anh đã an lành ra đi, vĩnh biệt trần gian lúc 6:58 chiều hôm đó.
Tiễn anh ngày mồng 8 tháng 02/2020 là một ngày thật đẹp trời, nằng
thì hồng, bầu trời màu xanh điểm vài tảng mây trắng. Tại nhà thờ Đức Mẹ
La Vang, có đến 5 linh mục cử hành Thánh Lễ cho anh. Sau đó, linh cửu
của anh được đưa đến nghĩa trang Westminster Memorial Park, nơi an nghỉ
cuối cùng.
Ngoài gia đình mình, anh em con cháu và bà bảo trợ Margie Pincard
còn có đồng đội bạn bè thân hữu của anh cùng đồng ca bài Không Quân Hành
Khúc thật hùng hồn để tiển biệt anh về nơi Vĩnh Hằng.
Thôi, Anh hãy ngủ yên trong giấc ngủ ngàn thu nhé!
Nhớ Anh, Giang Triệu Thanh,
Tháng 4/2020
canhthep.blogspot.com
No comments:
Post a Comment