Sunday, May 3, 2020

Hành Trình Trên Chiếc Tàu HQ-502 - Đỗ Hữu Phương



Năm 1975, tôi là một công chức đang làm việc cho Chính Phủ Việt Nam Cộng  Hòa. Vào những ngày cuối tháng Tư năm đó, Việt Cộng đã chiếm hầu hết các Tỉnh Miền Đông và sắp tiến vào thành phố Sài Gòn. Tiếng súng và đại pháo nổ khắp nơi, người người lo sợ Sài Gòn sẽ mất trong nay mai nên người dân tìm cách rời khỏi nước. Trong khi đó những ngày chờ đợi để được cơ quan di tản nhân viên rời khỏi Nước đã tuyệt vọng. Hùng và tôi nhất định tìm đường ra đi.

-           28 tháng 4, 1975. Hùng và tôi, hai đứa rủ nhau lặn lội đi tìm những người bạn thân, quen để rủ nhau kiếm đường di tản, nhưng tất cả đều đã ra đi từ mấy ngày trước rồi. Trưa hôm đó, chúng tôi ghé ăn bữa cơm cuối cùng tại nhà hàng Rex, vừa ăn, vừa bồi hồi nhìn thành phố Sài Gòn lần chót, tôi cố ghi lại trong tim những hình ảnh thân thương của Hòn Ngọc Viễn Đông trước khi rời xa vĩnh viễn. 

-           Chiều 28/4, vào khoảng 5 giờ 30, tôi đưa Hùng vào Sở. Vừa đến nơi thì thấy Tâm chuẩn bị rời khỏi. Tâm ngừng lại nói với chúng tôi:   
- Tụi mày vào trễ quá, hồi nảy tụi nó tụ tập đông đảo, lấy tiền trong quỹ ra chia cho anh em, mọi người ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Riêng tao không có lấy đồng nào. Súng, đạn thì có quá nhiều, đứa nào muốn lấy thêm để phòng thân trong giờ phút cuối cùng thì lấy.
-         Tôi nói đùa với Tâm: Mày còn nhớ cây súng AK47, chiến lợi phẩm của tụi mình đem về từ Đà Nẵng đâu rồi?
-           Tâm nói: Cây súng còn trên văn phòng đó.
- Hùng hỏi Tâm: Mầy có nghe lệnh gì về chuyện mình ra đi không?
- Tâm: Tao nghe nói là Cấp trên không liên lạc được với tòa Đại Sứ Mỹ, các Ông lớn đã ra đi rồi và coi như bọn mình đă bị bỏ rơi. 
-   Tôi nói : Đúng rồi, chắc chắn là bọn mình đă bị bỏ rơi, kỳ này sẽ chết cả đám hết!
- Tôi hỏi Tâm: Như vậy bây giờ mầy tính sao Tâm?
- Tâm nói: Tao cũng không biết tính sao. Nhưng nghe có người nói, ngày mai mọi người tụ tập tại số 2 đường Nguyễn Hậu, nửa khuya Trực thăng sẽ đến đón, tao cũng không biết rõ lắm. 
- Tôi quay lại nói với Hùng: Xưa nay mình chưa bao giờ vào trong chi nhánh của Cơ quan đường Nguyễn Hậu để làm gì, vả lại chỉ là lời đồn chứ giờ này còn ai đâu nữa mà ra lệnh?
Sau vài giây im lặng, trong lòng đau sót, và với gương mặt buồn, ba đứa chúng tôi nhìn nhau, xem như thay cho lời từ biệt. Tâm đi trước. Tôi và Hùng rời khỏi sở ngay sau đó.

- 29 tháng 4, 1975, hai đứa lái xe Honda chạy ra xa lộ, đến bến tàu thì bến cảng quạnh hiu, không một bóng người và cũng không còn một chiếc tàu nào cả. Chúng tôi cùng nhau trở lại Sài Gòn, chạy dọc theo bờ sông rồi thẳng đến Nhà Bè, vẫn không tìm được phương tiện ra đi. Chúng tôi quay về bến Bạch Đằng vừa đúng 6:00 giờ chiều. Chúng tôi ngẩn ngơ đứng ngay dưới chân bức tượng Đức Thánh Trần, trong lòng đang cầu nguyện Đấng Linh Thiêng, mắt nhìn khắp nơi cũng không thấy có tàu đón người ra khơi. Chúng tôi thất vọng vô cùng, lòng thì bồn chồn, lo cho số phận của mình không biết rồi đây sẽ ra sao?

Chẳng lẽ cứ phó mặc cho giòng đời đưa đẩy hay cứ ở lại để cùng nổi trôi theo vận nước điêu linh, chịu cực khổ dưới ách cai trị độc tài, của Đảng và nhà nước Cộng Sản hay sao? Trong lúc khốn cùng, buồn bã lẫn thất vọng chẳng biết nói gì hơn, hai đứa chúng tôi chỉ biết nắm tay nhau tự hứa là sẽ cùng sát cánh, sống chết bên nhau.

Chạy xe vòng quanh một lúc, tôi thấy cổng vào khu vực Hải Quân đã bị rào lại, chỉ chừa một lối vừa đủ cho một chiếc xe chạy qua, có hai người lính hải quân ôm súng trên tay, canh gác rất nghiêm ngặt, họ đang trong tư thế sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai muốn xông vào khu vực Hải Quân này. Lúc đó, phía ngoài hàng rào thì đồng bào đứng cũng khá đông, khoảng hơn trăm người. Họ nhốn nháo, xôn xao mong được vào trong nhưng lại sợ mũi súng của hai anh lính đang lăm le sẵn sàng nảy cò.

Tôi có ý muốn vào bên trong, mà cũng không biết vào đó để làm gì, mặc dù Hùng và tôi đã vào trong sở chiều hôm qua. Hình như trong giây phút tuyệt vọng nầy, tôi chỉ làm theo bản năng thúc đẩy của sự trốn chạy bằng mọi giá… Sóng lòng tôi như một giòng nước lũ, cứ cuồn cuộn trào dâng, hối thúc tôi phải tìm đường mà đi. Lòng tôi nóng như lửa, hồi hộp, dồn dập. Bằng mọi giá tôi nhất định phải thoát.

Trong thời gian 5 năm làm việc cho đến ngày nay, tôi thường hay ra, vô cổng này, vì tôi có thẻ được quyền lưu thông trong khu vực Hải Quân. Nhưng lần này thì quả là khó khăn cho tôi, hai anh lính có quyền ngăn cản và sẽ nổ súng nếu tôi không tuân lệnh. Tôi quay lại nói với Hùng:
-  Ê Hùng, Tao muốn chạy vào trong xem sao, một tay tao cầm thẻ, một tay tao lái xe, khi chạy qua chỗ lính gác, tao sẽ trình thẻ, nói là đi công tác, rồi tay kia tao sang ga chạy thẳng tới. Mày nhớ nằm sát xuống, ráng coi chừng, nếu tụi nó bắn thì mầy sẽ bị trúng đạn trước đó. Nói vừa xong thì may mắn thay tôi chạy thẳng vào được bên trong.

Trước cổng số 3 bến Bạch Đằng, tôi thấy có ba chiếc tàu đang cặp bến, cạnh bờ sông. Ba chiếc tàu không lớn lắm, đều giống nhau, tôi không nhìn thấy tên của tàu. Mừng quá, tôi chạy nhanh lên tàu, không một bóng người. Tôi gọi to:
- Có ai trên tàu không? Có ai trên tàu không? Không nghe tiếng trả lời, tôi sợ quá bỏ đi.

Tôi đi vào bên trong khu vực số 3 để tìm một người bạn. Tôi biết bạn bè của tôi không còn ai bên trong sở này cả, nhưng đây là lý do để tôi có thì giờ suy nghĩ xem tôi sẽ làm gì sau những giây phút ngắn điên cuồng nầy. Trên đường, tôi thấy hàng chục cây súng lớn nhỏ, đạn vứt bừa bãi khắp nơi. Chúng tôi cố gắng leo lên tầng lầu hai hy vọng tìm được người bạn cũ. Phòng vắng tanh, nhưng hình như có ai vừa đốt giấy tờ gì đó ngay sàn lầu, lửa còn đang cháy, như vậy là đã có người vừa rời khỏi nơi đây không lâu. Trở ra, chúng tôi chạy đến cổng Hải Quân Công Xưởng thì thấy có rất đông đồng bào đứng trước cổng mà cổng vẫn khoá. Khi tôi đến gần thì nhận ra ngay người đứng sau cùng là Giáo Sư dạy Pháp Văn tại đại học Văn Khoa, đó là Thầy Lê Trung Nhiên. Tôi hỏi:
- Thưa Thầy, Thầy và bà con đang chờ để đi đâu vậy?
Thầy Nhiên nói:
- Mình cứ chờ, người ta đi đâu thì mình đi đó.
Thế là tôi quyết định đi theo đoàn người này. Để lại chiếc xe Honda bên lề đường, và tôi cũng không quên bỏ lại chìa khóa trên xe để cho ai đó nếu cần thì có sẵn chìa khoá mà chạy.

Chờ khoảng vài phút thì cổng mở, tôi theo đoàn người vào bên trong. Lần đầu tôi được vào khu vực nầy. Khu nầy rất rộng, đi hơn cả cây số mới tới cầu tàu. Mừng cho chúng tôi đã may mắn đến đúng lúc. Một chiếc tàu thật to đang cập sát bờ, lúc đó vào khoảng 10:00 giờ tối.
Phía truớc tôi có khoảng hai trăm người cũng đang đứng sắp hàng chờ để lên tàu.
Nghe nói, phải chờ tàu sửa xong khoảng nửa giờ thì mọi người mới được lên tàu.
Ôi sung sưóng quá! Thế là tôi đã thoát rồi, không còn lo sợ phải sống với Cộng Sản nữa.

Lúc này tôi mới cảm thấy đói bụng và… đói thật nhiều. Thấy người đàn ông đứng bên cạnh tôi đang ăn bánh mì. Tôi hỏi anh mua ở đâu, anh ta chỉ ra phía sau. Tôi đến đấy thì thấy một anh lính trong bộ quân phục Hải Quân đang bán bánh mì. Tôi mua hai ổ bánh mì thịt lớn và hai chai nước ngọt cho tôi và Hùng. Khi trả tiền, tôi thấy trong túi mình còn nguyên số tiền lương vừa lãnh mấy ngày trước, tôi tự nghĩ--“Mình sắp sửa rời khỏi Việt Nam thì đem tiền Việt theo để làm gì?” Tôi bèn đưa hết cho anh lính Hải Quân. Nhưng anh từ chối, chỉ nhận đủ số tiền bánh mì mà thôi. Tôi cố giải thích với anh là tôi sắp ra đi nên dù có đem theo tiền Việt Nam thì cũng không xài được, mong anh lấy dùm cho. Anh ta vẫn nhất định từ chối, cuối cùng tôi phải năn nỉ xin để lại trên bàn và nhờ anh ta, hễ thấy ai cần thì anh trao tiền cho họ làm phước. Cám ơn anh xong, tôi quay trở lại sắp hàng.

Vào hàng chẳng bao lâu thì mọi người được phép lên tàu. Bỗng có tiếng khóc, la cuả một người đàn bà:
- Làm ơn cứu con tôi, làm ơn cứu con tôi
Mọi người xôn xao không biết chuyện gì? Một lúc sau mới biết là: “có một em bé khoảng 5, 6 tuổi vừa bị rớt xuống sông”. Thế là việc xuống tàu lại bị đình trệ để một số nhân viên trên tàu xuống sông tìm kiếm em bé đó, nhưng vô vọng. Bà Mẹ đau thương, gào khóc nhìn xuống dòng nước chảy xiết đã cuốn theo thân xác vô tội của đứa trẻ thơ… Ôi! Còn xót xa nào bằng niềm đau ngút ngàn của một người Mẹ mất con…

Loa phóng thanh trên tàu ra lịnh: Đàn ông thì ở trên boong tàu, đàn bà và trẻ em xuống từng dưới. Tôi tìm được một chỗ ở giữa tàu nằm tạm nghỉ. Máy tàu vẫn chưa nổ, tàu chưa thể khởi hành. Tôi nói vói Hùng:
- Tao có mua hai ổ bánh mì thịt cho hai đứa mình.
Hùng nói:
- Tao đã tìm được bà Cụ cùng gia đình chị tao trên tàu nên tao đã có thức ăn rồi, mày để dành ăn đi.
Hùng thật may mắn, nó gặp được gia đình cùng đi chung, riêng tôi, chỉ có một mình… “cô đơn vẫn hoàn cô đơn”. Đang cơn đói nên tôi nhai ngấu nghiến, ổ bánh mì hết thật mau. Còn lại một ổ, tôi bèn tặng cho chú em ngồi bên cạnh.

- 1:00 giờ sáng rồi mà chiếc tàu vẫn chưa ra khơi, nhưng tôi vững tin rằng sớm muộn gì thì tàu cũng sẽ chuyển bến. Tôi an tâm ngả lưng nằm nghỉ. Lúc này, nằm một mình trên chiếc tàu cùng với mấy ngàn người chờ đợi tàu nhổ neo. Giữa trời nước mênh mông tôi mới thấy buồn. Tôi sắp rời xa quê hương, xa mảnh đất thân yêu nơi tôi sinh ra, xa Cha Mẹ, anh, em, thân bằng quyến thuộc cùng người thương yêu bé nhỏ không một lời từ giã, và giờ này không biết gia đình tôi ra sao khi không thấy tôi về? Nghĩ ngợi mông lung, lòng buồn khôn tả và rồi tôi thiếp đi, ngủ quên lúc nào không hay...

Bỗng nhiên, bên tai tôi vang động những tiếng đạn đại pháo nổ vang trời làm tôi giựt mình thức giấc. Lúc ấy là 4:30 sáng, tôi nhận ra được chiếc tàu đang chạy ngang Nhà Bè, nghe nói tiếng súng đại bác là do Việt Cộng bắn vào kho đạn hay kho xăng Nhà Bè, và tôi cũng được biết là tàu đã rời bến vào lúc 2:30 sáng ngày 30 tháng 4.

Chiếc tàu chạy rất chậm, vì chỉ còn có một máy nên nó ỳ ạch mãi đến mờ sáng mới ra đến biển. Có một toán Người Nhái rất đông, được biết vào khoảng 60 người đang đi trên chiếc tàu nhỏ, xin được cặp sát để chuyển lên tàu. Chiếc tàu trực chỉ chạy thẳng ra khơi. Vào khoảng 8:00 giờ sáng, có một chiếc trực thăng bay vòng quanh tàu, xin được đáp xuống. Các anh lính Hải quân yêu cầu đồng bào dành một khoảng trống trên boong tàu để chiếc trực thăng đáp xuống. Từ trong trực thăng bước ra là một người phụ nữ cùng ba em bé, anh Pilot tươi cười cúi chào và cám ơn tất cả đồng bào. Sau đó các anh lính cùng nhau đẩy chiếc máy bay cho rơi xuống biển.

Tôi được biết đứa bé trai 10 tuổi, mặc chiếc quần đùi, chỉ là đứa bé hàng xóm phụ giúp đem đồ lên chiếc trực thăng cho gia đình anh Pilot, em chưa kịp bước xuống thì máy bay vụt cất cánh. Thế là em được di tản ngoài ý muốn. Nửa giờ sau lại có thêm một chiếc trực thăng khác xin đáp xuống, lần nầy chỉ có một viên phi công và anh cũng được đón nhận. Hạm Trưởng cùng thủy thủ đoàn thật tốt: Cứu đuợc khá nhiều người.

Đến 10:24 giờ sáng 30-4-1975, khi tàu HQ-502 vừa đến hải phận quốc tế, thì đài phát thanh của tàu phát lên lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Tất cả đồng bào trên tàu đều thở dài, buồn bã, một vài người không cầm được nước mắt cúi đầu rơi lệ. Thương khóc cho quê hương mình đang rơi vào vòng tay Cộng Sản. Mọi người ngồi im lặng như dành những giây phút đau lòng cho quê nhà thống khổ ...Trong thâm tâm mọi người không khỏi ngậm ngùi chua xót: “Thôi thế là mình đã thua và mất tất cả rồi!” Không ai thốt được lời nào, không gian im lìm như bao trùm một niềm đau thương, tiếc nuối, con tàu một máy cứ vô tình nhẹ nhàng từ từ chạy, mang theo những con tim tan nát của những “kẻ tha hương”.
Kể từ giờ phút đó, tôi là một người vô gia đình, vô gia cư, vô Tổ Quốc, còn tương lai? Tôi cũng không biết Quốc Tịch của chính tôi sẽ là gì nữa. Buồn sao là buồn!

Trưa hôm đó, tôi may mắn gặp lại một người bạn cùng học trường Luật Sài Gòn năm xưa. Thật bất ngờ khiến tôi rất vui. Đây là người bạn duy nhất mà tôi gặp lại trên chiếc tàu HQ-502—Yến--cô cũng rất mừng khi gặp lại tôi sau vài năm mất liên lạc. Đứng trên thành tàu, nhìn ra biển, chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, chuyện dành ghế, giữ chỗ cho nhau tại các giảng đường trong những năm học thứ nhất 1967, và thứ hai trường Luật. Yến ra đi cùng với Mẹ, anh chị, và người em trai. Anh của Yến là Trung Tá Hải Quân làm tại bộ Tư Lệnh. Em của Yến là Trung Úy Hải Quân. Gia đình của Yến đã chuẩn bị từ hai tuần trước. Sau hơn một giờ chuyện trò, Yến trở lại hầm tàu cùng với gia đình. Tôi được biết những vị chỉ huy của chiếc tàu và những sĩ quan cao cấp đều có phòng riêng ở từng dưới.

Đã hơn 2:00 chiều, trời bắt đầu nắng gắt, chiếc tàu vẫn ỳ ạch từ từ tiến ra khơi. Tôi thấy đói bụng. Tôi ao ước, nếu dòng đời cứ bình thản, vận nước không lao chao, tôi không phải lìa xa gia đình để lênh đênh không biết đi về đâu? Thì chắc giờ này tôi cũng đang ngồi tại cái quán ăn trên đường Nguyễn Du, nơi mà hằng ngày tôi đến đây ăn cơm trong suốt 5 năm qua. Tôi nhớ đến cô bé bưng cơm cho tôi, từ lúc cô chừng 15 tuổi. Cô bé vui tính, dễ thương. Cô quý mến và xem tôi như anh Hai của cô vậy. Cô biết cả ý tôi thích ăn những món gì, khi tôi ngồi vào bàn, cô tự đem thức ăn ra cho tôi, cô thường nói,
- Hôm nay có món nầy ngon lắm, em biết anh Hai thích nên em mang thật nhiều cho anh.
Đó là những buổi cơm chiều thật vui vẻ, thật hạnh phúc cho một chàng trai trẻ sống xa gia đình như tôi. Tôi đang nhớ đến cô, nhớ đến nụ cười dễ thương, vui vẻ rất vô tư của cô bé. Tôi cầu mong cho gia đình cô sẽ gặp được nhiều may mắn trong giai đoạn khó khăn nầy.

Hùng giờ này chắc đang vui vẻ với gia đình nên tôi không thấy nó đâu cả. Càng nghĩ, tôi càng xót xa cho thân phận hẩm hiu của mình: “Đời mình cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn”. Bất chợt có một bàn tay ai chạm nhẹ lên vai, tôi quay lại thì ra là Yến. Trên tay cô cầm một tô cơm, Yến mời:
- Anh ăn cơm đi
Phản xạ tự nhiên tôi chợt nói,
- Anh không đói đâu, cám ơn Yến
Yến tiếp,
- Anh cố ăn một chút cho vững bụng, nếu không sẽ đói lắm đấy.
Nhìn tô cơm có canh, có cá, hấp dẫn quá, tôi phát thèm, nhưng cũng vì hai chữ "ta đây" to lớn xấu xa kia nên tôi cứ nhùng nhằng “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, miệng thì cứ từ chối lia lịa,
- Anh không đói đâu.
Mãi đến khi Yến hơi giận nói tiếp,
- Má bảo đem cơm đến cho anh ăn, em mà đem tô cơm nầy xuống Má la đó.
Thế là tôi nhận lấy tô cơm, hôm nay tôi có được một bữa ăn thật ngon. Và cứ thế, tôi sống lênh đênh trên chiếc tàu này cũng khá vui, bên tôi có Yến chuyện trò, còn có cơm nóng để ăn. Khi no bụng và được nhàn rỗi, tôi thảnh thơi nên ngân nga ca
bài con cá cho vui:
“Đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng gặp hên”.

-         6:00 giờ chiều thì trời bắt đầu tối. Bất ngờ trên không có một chiếc máy bay L-19 lượn bốn, năm vòng chung quanh tàu. Người phi công của L-19 xin cứu giúp. Hạm Trưởng đồng ý và chuẩn bị phao cùng các anh người nhái sẵn sàng cứu vớt. Có hai người trên chiếc phi cơ nhưng lại chỉ có một chiếc phao và chiếc phao ấy được giao cho anh ngồi bên cạnh anh pilot. Chiếc L-19 bay sát xuống gần chiếc tàu, chúng tôi thấy người đeo phao nhảy xuống. Nhờ có đeo phao nên khi nhảy xuống thì cả người anh được nổi lên, anh cố sức bơi đến tàu, nhưng vì khoảng cách quá xa nên anh có vẻ khó khăn lắm. Thấy anh thấm mệt, một anh người nhái đeo chiếc phao trong người, nhảy xuống vớt anh lên tàu bình yên. Trời bắt đầu mờ tối, anh phi công bay sát xuống, nhưng vì sợ chiếc máy bay có thể đụng tàu nên anh phải bay hơi cao và cách chiếc tàu khá xa. Mọi người hồi hộp nhìn anh nhảy xuống, vì khoảng cách quá cao lại không có phao nên cả người anh lao thẳng xuống biển và rồi chìm sâu vào lòng đại dương. Anh phi công đã vĩnh viễn ra đi vào một ngày tháng Tư năm đó.
Người đàn ông nhảy xuống trước vì quá mệt nên đã ngủ vùi phía sau boong tàu.

Đến 2:00 giờ sáng thì anh thức dậy, anh hỏi người nằm kế bên về anh phi công hiện đang ở đâu? Khi nghe người ấy trả lời là anh phi công không lên được tàu và đã bị chìm sâu xuống lòng biển rồi. Anh ta thét lên:
- Trời ơi, thế là anh tôi đã chết!
Thì ra họ chính là hai anh em ruột. Từ đó người em cứ lặng lẽ âm thầm, không trò chuyện với ai, hình như chỉ nghe anh khóc. Nửa giờ sau, khi một số người đang đứng trên boong tàu thì chợt thấy có bóng một vật gì vừa rơi xuống biển và người bạn nằm bên cạnh người em chạy đi tìm thì không thấy anh ta đâu nữa. Hóa ra, người em sau khi biết tin anh mình đã chết thì anh ta cũng nhảy xuống biển chết theo. Như vậy là cả hai anh em đã yên nghỉ giấc nghìn thu dưới lòng biển sâu, vô cùng thương tâm!

Trung Tá Hạm Trưởng Nguyễn Văn Tánh vừa thông báo cho mọi người biết là:
Mặc dù tàu chỉ có một máy thôi, nhưng vẫn còn có thể chạy được và sẽ cặp bến cảng Subic Bay của Phi Luật Tân. Sau hai ngày vượt sóng thì tàu đến hải phận của Phi Luật Tân.

Trước khi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Phi, Hạm Trưởng ra lịnh cho mọi người tháo gỡ tất cả súng đạn trên tàu, kể cả vũ khí cá nhân mà những người lính còn đang giữ phải quăng hết xuống biển. Nếu ai còn cất giữ bất kỳ vũ khí nào, kể cả dao găm thì khi vào đến lãnh thổ của Phi Luật Tân sẽ phạm vào tội hình sự. Mọi người đều răm rắp tuân hành theo lịnh của Hạm Trưởng.

Theo luật Quốc Tế thì giờ phút này cờ VNCH không còn tư cách pháp lý đại diện cho một Quốc Gia để đuợc phép chạy vào vùng biển của bất kỳ Nước nào. Mười lăm phút sau, Hạm Trưởng yêu cầu tất cả đồng bào họp lại trên boong tàu để cùng làm lễ chào Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà lần cuối cùng. Mọi người cùng nhau tụ tập đông đảo. Một số các Sĩ Quan Quân Lực VNCH cùng thủy thủ đoàn với binh phục chỉnh tề đều nghiêm chỉnh đứng chờ làm Lễ Chào Cờ.

Chủ Tọa buổi lễ là Trung Tá Hạm Trưởng Nguyễn Văn Tánh, và Thiếu Tá kiêm nhà văn Phan Lạc Tiếp, - người sát cánh cùng Hạm Trưởng lèo lái con thuyền đến nơi an toàn. Bài Quốc Ca vang rền, Quốc Kỳ VNCH bay phất phới trên nền trời cao từ từ đuợc kéo xuống.  Khi bài Quốc Ca vừa chấm dứt, khi lá Quốc Kỳ được kéo xuống tận cùng, mọi người đều bật tiếng khóc òa, nhiều người đàn bà cúi đầu, tay chùi nước mắt, chạy xuống hầm tàu. Riêng tôi, quá ngậm ngùi, nước mắt tôi tuôn rơi, những giọt lệ đau thương tự trong đáy lòng tôi cứ trào ra mãi. Tôi khóc vì ai? Tôi khóc cho thân phận tha phương của những người xa quê hương như tôi, khóc cho những người còn kẹt lại, trong đó có gia đình cha, mẹ, anh chị em, họ hàng, và thân bằng quyến thuộc của tôi. Tôi hy vọng là những người bạn làm việc chung với tôi cũng may mắn rời khỏi nước từ mấy ngày trước rồi, nếu không sẽ gặp nhiều nguy hiểm cho bản thân.

Sáng sớm hôm sau thì tàu cập bến Subic Bay ở Phi Luật Tân. Đồng bào được chuyển sang tàu lớn của Mỹ. Năm ngày sau, 9 tháng 5, 1975 họ đưa chúng tôi đến đảo Guam, vùng đất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thấm thoát mà đã 45 năm trôi qua, 45 năm lưu lạc xứ người. Hôm nay ngồi ghi lại hình ảnh cuộc di tản của chúng tôi trên con tàu HQ-502 lòng tôi không khỏi bồi hồi, xao xuyến, khi nghĩ lại những hình ảnh và diễn biến của những ngày buồn đau thương ấy, tôi tưởng như một giấc mơ chỉ mới xẩy ra ngày hôm qua … Biết bao nhiêu kỷ niệm đau buồn khó quên …

Nhân đây, tôi xin gửi lời chân thành, kính cám ơn đến hai Cụ Nguyễn Văn Tánh, Cụ Phan Lạc Tiếp cùng tất cả Thủy Thủ đoàn của HQ-502 đã đưa hơn năm ngàn người Việt chúng tôi rời khỏi nước an toàn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong đó có cá nhân tôi.  Và tôi cũng không quên, xin gửi lời cảm ơn đến Yến, người bạn thân thương đã giúp đỡ tôi từ tinh thần đến “ấm bụng” trong những ngày mà cuộc đời tôi đi vào đoạn đường tăm tối nhất. Nguyễn Văn Hùng và Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4. Và giờ đây, chúng tôi là người cao tuổi, đang vui hưởng cảnh thanh nhàn và hạnh phúc của cuối đời một người. Chúng tôi không còn là hai thằng độc thân chạy lang thang, mà giờ này số người trong gia đình gia tăng, mỗi gia đình có thể thành lập một đội bóng đá để đấu với nhau....
Cầu xin ơn Trên ban sức khỏe tốt đến cho tất cả chúng ta.
(Houston ngày 30 tháng 4 năm 2020)

Đỗ Hữu Phương

11 comments:

  1. Thank you chị Phương Nam. Xin gửi lời chúc chị và gia đình sức khoẻ tốt, sống bình an và Hạnh Phúc
    ĐHP

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ không có chi. Chuyến đi của anh thật suông sẻ dễ dàng, thật là may mắn.
      Chúc anh chị bình an, vui khỏe trong tuổi xế chiều.
      NPN

      Delete
  2. Cámơn chị NPNchuyển, cám ơn tác giả Đỗ Hữu Phương chia sẻ cuôc hành trình đầy kỷ niệm.
    Kính chúc quý anh , chị nhiều an bình sức khỏe ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
  3. Xin cam on mot bai viet rat de doc, nhe nhang ma goi nho nhieu ky niem. Gia roi ma tranh chap trong loi van tieng noi nhieu qua thi chi them buon va ban tam. Kinh chuc tac gia nhung ngay thang an-toan va nhieu suc khoe!

    ReplyDelete
  4. Bất ngờ và xúc động khi đoc đến đoạn anh kể lại những chi tiết liên quan đến 2 người lính Không Quân trên chiếc L19. Trí nhớ của anh rất tốt, tuy nhiên có vài chi tiết trong bài không được chính xác. Nếu muốn rõ sự thực về người lính KQ được người Nhái vớt, mời anh vào link dưới đây xem thêm:

    http://nhayduwdc.org/nn/ls/2017/ndwdc_nn_ls_2017_chuyenbaydinhmenhquanhHQ502_2017MAR22.htm

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoan hô, Hoan Hô. Chúc mừng, chúc mừng. Anh không quân phụ trên chiếc L-19 nhảy xuống tàu HQ 502 năm xưa vẫn còn sống. Chúc mừng anh Nhiễm Nguyễn. Anh không chết đâu anh!Tôi đọc hết bài phỏng vấn của nhà văn Điệp Mỹ Linh. Như vậy thì trí nhớ của tôi hay còn tốt. Bằng chứng là trên tàu khi ấy chị Điệp Mỹ Linh và nhiều người cũng nghe là anh Không Quân phụ đã từ từ. Khi ấy chỉ có những người đọc thân là ở trên boong tàu, còn tất cả đàn bà và trẻ em phải xuống dưới hầm. Trời thì tối đen, thỉnh thoảng tôi nói chuyện với anh em trên boong tàu nhưng tôi không quen biết ai cả. Tin tức loan truyền qua lại, chắc chắn là chưa kiểm chứng. Sau này, trong những năm 80-90 tôi thường đến thăm viếng Hải quân Trung Tá Hồ Quang Minh, tức phu quân của nhà văn Điệp Mỹ Linh, chị My Linh vẫn nhắc đến câu chuyện anh em Phi Công L-19 đã chết khi ấy.
      Như vậy thì bây giờ anh thiếu tôi một cái gì đó, vì mỗi lần 30/4 về, mỗi lần nhắc đến chiếc tàu HQ 502 năm xưa thì tôi nhớ đến anh, xót thương đến người ra đi. Và một câu hỏi thoáng qua là không biết sao anh quyết định tự tử?. Dầu bất cứ chuyện gì, bất cứ vì lý do gì, tự tử tức là mất thêm một người. Tôi mừng là anh còn sống và đang hưởng tuổi về hưu như tôi. Nếu có dịp, anh đi Houston, liên lạc với tôi để chúng mình tay bắt mặt mừng mà ngày xưa trên chuyến tàu HQ 502 mình chưa có dịp. Chắc anh thiếu tôi điều này. Anh xin địa chỉ email của tôi qua chị NPN. Xin chân thành cảm ơn chị NPN cùng tất cả quí anh chị đã đọc bài viết của tôi.
      Đỗ Hữu Phuơng

      Delete
  5. Chào chị! Tôi bỏ cái link dưới đây để bổ túc cho bài của anh Đỗ Hữu Phương, nhưng tôi bấm vào link không thấy tác động gì cả. Không hiểu tại sao?

    http://nhayduwdc.org/nn/ls/2017/ndwdc_nn_ls_2017_chuyenbaydinhmenhquanhHQ502_2017MAR22.htm

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thưa anh Nhiễm,
      Tôi thử copy cái link trên rồi paste lại trong inbox thì mở được. Tôi có báo cho anh Đỗ Hữu Phương về comment trên của anh.
      Cám ơn anh Nhiễm.
      NPN

      Delete
    2. Đời có những điều kỳ diệu thất bất ngờ.
      Tưởng rằng người chết nhưng không chết và giờ đây sau 45 năm bất ngờ tìm lại được nhau trên trang mạng.
      Rất vui khi thấy Blog NPN là một nhịp cầu kết nối để hai người năm cũ giờ đây bỗng được trùng phùng. Hai anh nhất định phải gập mặt bắt tay nhau chụp hình và gửi cho tôi nha.
      Thân mến.
      NPN
      Đây là địa chỉ của anh Đỗ Hữu Phương
      Phuong Huu Do (phuonghuudo@gmail.com)

      Delete
  6. Cám ơn chị! Chúc chị luôn vui tươi, mạnh nhỏe và lôi cuốn được thật nhiều độc giả.

    ReplyDelete
  7. Hello,...I am Hugh Doyle. As a young U. S. Navy Lieutenant I was the Chief Engineer in USS KIRK (DE-1087), the flagship of the six American ships that escorted HQ-502 and 31 other ex-RVN ships from Con Son Island to Subic Bay in the Philippines. I do not speak Vietnamese, but my computer "translated" your very informative memoir. The translation was very poor, but I was able to understand most of what you wrote. You have my respect and admiration. It was my honor, and the honor of all my USN shipmates, to be a small part of your voyage to freedom 45 years ago! Very Respectfully, Hugh Doyle, Commander, U. S. Navy (Retired).

    ReplyDelete