Bắc thang lên hỏi tận trời,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe thấy nói Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi gốc cây.
(Ca dao)
Vậy
nói dối là gì?
Nói dối là nói sai hay nói ngược lại với
sự thật nhằm đạt mục đích như để lừa, để bịp, để che dấu, để chối, để cãi, để
vờ vịt, để chạy tội ... và để vừa lòng
nhau nữa tùy theo đối tượng và hoàn cảnh. Người ta nói dối vì yêu nhau, người
ta cũng nói dối vì thù ghét nhau hay chỉ là câu chuyện "làm quà".
Nhân vật nói dối có thể là một người, ấy là tự
dối mình hay dối lòng, có thể là hai người, là một nhóm hay là cả một
"tập đoàn". Tương tự, đối tượng của nói dối cũng có thể là một người,
hai người, một nhóm người hay có khi cả nước, cả loài người.
Nói dối xẩy ra bất cứ ở đâu và bất cứ
lúc nào. Ai cũng biết nói dối cả. Và có người thích nói dối, đến nỗi nói dối cả
những điều không cần phải nói dối. Nói dối đã trở thành cái "tật",
không nói dối thì cái mồm trở nên lúng túng ngọng nghịu mỗi khi cần phải nói
thật. Cái tật này nguy hiểm ngang với cái tật ăn cắp vặt, ăn cắp cả những cái
không cần ăn cắp, khi không ăn cắp thì cái tay trở nên ngứa ngáy vụng về. "Dối"
thường đi với "gian" để trở thành "gian dối" hay "Ăn
gian nói dối" là thế, cũng như ăn tục thì phải đi với nói phét (nói
xạo) để thành "ăn tục nói phét"
vậy. Chính vì thế nói dối đã là một trong những giới luật cấm của mọi tôn giáo.
Nói
dối có nhiều trình độ và thứ bậc khác nhau. Nói dối là cả một nghệ thuật tinh
vi, thuộc về một thứ nghệ thuật cao cấp vì nó phải hội đủ nhiều yếu tố phức tạp
và bén nhậy cả về tâm lý lẫn hiểu biết để nói dối sao cho người ta tin. Người
nói dối phải vận dụng trí thông minh, óc sáng tạo để sự nói dối trở nên có
logic, có tính thuyết phục và nhất là sự nói dối ấy không thể bị
"lòi" như "nói dối thò đuôi"
vậy. Nói dối còn đòi hỏi "khổ công", nghĩa là, để được thành danh như
Cuội, người nói dối, ngoài cái thiên phú của mình, phải có nhiều công phu luyện
tập sao cho da mặt trở nên dầy, dầy
ngang với những chính trị gia tầm cỡ và phải luyện tập thân thể để chịu đựng được những cú đòn thù cỡ võ sĩ hạng
nặng, vì đôi khi nói dối bị tổ trác có thể bị đánh đến phù mỏ hay guốc cao gót
bổ lủng đầu. Trong trường hợp đó chỉ còn biết “ôm đầu máu” mà chạy. Ngoài ra
còn phải có trí nhớ tốt để nhớ rằng
mình đã nói dối với ai, trong trường hợp nào và nói gì, ra sao.
Nhìn chung thì:
Nói dối có những cái đáng ghét như trong những câu tục ngữ, ca dao:
Dối trên lừa dưới.
Anh này có tính gian tà,
Đi ra dối bạn về nhà dối con.
Đi nói dối cha về nhà nói dối chú.
Manh tâm nói dối cãi cối đổ thừa.
(hay cãi cối cãi chầy)
Và
cũng có những cái nói dối thật đáng yêu
và vui vui như:
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Nhà em công việc bời bời,
Dối thầy dối mẹ sang chơi với chàng.
Dù ai bảo đợi bảo chờ,
Thì em nói dối: Con thơ phải về.
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi gánh nước tắm con cho mình.
Em nói dối anh em chửa có chồng
Con ai em bế em bồng trên tay?
Anh có vợ rồi anh nói dối rằng không,
Có nên chăng để thiếp còn đi lấy
chồng.
Nói
dối, đứng về cái nhìn thiền quán của nhà Phật. Có vị Thiền sư ghi lời Phật dạy,
đại ý: Vạn pháp (mọi vật, mọi sự việc ...) do nhân duyên
tạo thành. Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này vắng mặt vì cái kia vắng
mặt, cái này ẩn diệt vì cái kia ẩn diệt. Vạn vật hay mọi sự việc xảy ra trên
đời như một mạng lưới nhân duyên chằng chịt. Vì nương vào nhau nên mọi vật mới
có thể có mặt và trong cái một có cái tất
cả và trong cái tất cả không thể
không có mặt của cái một.
Tôi nói vòng vo
theo vị Thiền sư như thế để muốn chứng minh cho các anh thấy "nói dối"
cũng nằm trong cái định luật nhân duyên, nghĩa là "nói dối" được phát
sinh bởi sự tập hợp của những cái "không nói dối". Chẳng hạn như khi
tôi đi chơi với cô hàng xóm bị vợ bắt gặp, "nói dối" được phát sinh. Sự
“nói dối” này phát sinh bởi các nguyên tố "không nói dối" đó là vợ
tôi với cô hàng xóm. Và cái “duyên khởi” để tạo thành “nói dối” nơi tôi là do họ
lại gập phải nhau trong tình huống ấy.
Nói
dối quá đà thành chối, thành thề. Tôi sẽ thề với vợ như anh sẩm thề:
Thề rằng sẩm chẳng thấy gì,
Sẩm mà nói dối sẩm thì cũng đui. (sẩm là thầy bói mù)
(Ca dao).
Sau khi tôi chối
tôi thề, vợ tin, "nói dối" bị huỷ diệt.
Cứ theo thuyết nhà Phật như thế và nếu
các anh chấp nhận "nói dối" không
có tự tánh vì không thể tự có và tự đứng một mình được thì chắc chắn các
anh không còn trách tôi tại sao hay nói dối các anh. Không có các anh thì đã
không có "nói dối" nơi tôi. Cười. Và có khi các anh lại tự trách mình
là đằng khác, và cũng có khi các anh thấy tôi nói dối các anh lại là một điều
cần thiết và đáng yêu nữa, đáng yêu như Cuội và chị Hằng trên cung trăng vậy.
Các
anh cười với tôi khi tôi nói dối là các anh đang thực tập thiền quán về sự hiểu biết và tinh thương hỉ xả. Lúc nào các anh cũng tỉnh thức để cười như thế thì con đường đi tới Niết Bàn không còn
xa nữa. Các anh phải cám ơn tôi. Các anh đừng vội cho tôi là ngụy biện để chạy
tội vì hay nói dối các anh đấy nhé. Đấy là chuyện "nói dối " liên
quan đến tài danh của Cuội.
Bây giờ ta trở lại thế giới của Cuội
nhé.
Thế giới của Cuội là thế giới nào? Và
Cuội là ai?
Cứ theo truyền thuyết được kể lại, Cuội
là một anh nông dân trẻ tuổi, khoẻ mạnh, đẹp trai, con nhà nghèo, nghèo đến nỗi
không nuôi nổi vợ đẹp. Một hôm Cuội ngồi bên bờ rừng than thở về số kiếp
"nghèo mà ham" của mình. Bụt hiện ra, thương tình cho Cuội một cây đa
đem về trồng, cứ lấy lá đa làm thuốc trị bá bệnh cho thiên hạ để kiếm tiền. Cây
đa lớn như thổi theo ngày tháng và cũng chẳng mấy chốc Cuội trở nên giàu có.
Cây đa này rất kỵ nước tiểu đàn bà và Cuội dặn vơ như thế. Rồi cũng một hôm,
người vợ trẻ và xinh đẹp của Cuội tò mò vén váy làm thử những điều Cuội cấm.
Vừa xong, trời đất rung chuyển, cây đa bật rễ bay lên. Cuội tiếc quá chạy tới
ôm gốc đa giữ lại, không ngờ Cuội bị nhấc bổng bay thẳng lên cung trăng cùng
với cây đa. Gặp Cuội, chị Hằng có bạn vui sướng quá nên không cho Cuội về. Việc
trở về trần gian với cô vợ trẻ chỉ còn là giấc mơ của Cuội.
Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to,
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ.
(bài hát)
Trong
truyền thuyết vừa kể, tôi chẳng thấy Cuội nói dối chỗ nào, có chăng là Cuội chỉ
nói dối chị Hằng. Nói dối chuyện gì thì chỉ có hai người ấy biết. Hai người làm
chuyện gì trên đó thì chỉ có Trời biết. Thiên hạ đồn rằng Cuội hay nói dối, ấy
cũng chẳng qua là chuyện "nghe qua nói lại" như chuyện thị phi,
một thứ thị phi giống như tôi chịu hàm oan về sự việc tôi bị kết tội là hay nói
dối các anh vậy. Này nhé, các anh hãy nghe sự thật về Cuội:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngưa. đi mời quan viên
Ông thời cầm bút cầm nghiên
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.
(Ca dao)
(Tôi
chăng biết cái lá đa nó quý cái gì mà các quan viên phải vác tiền đi chuộc mang
về)
Các anh có thấy Cuội hiền không, chỉ lỡ
để trâu ăn lúa mà đã gọi cha ời ời rồi. Cuội có dối và có chối chi ai. Cuội chỉ
hiền lành ngồi dưới gốc cây đa ăn cơm với cá mà thôi.
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Ăn cơm với cá, ăn cà với dưa.
(Ca dao)
Trong khi đó, với "cái văn chương hạ
giới” (theo cụ Tản Đà là loại văn chương bán rẻ như bèo) cũng thường nhắc tới
chị Hằng và Cuội theo cái thị phi loài người như đã nói ở trên, với bà Hồ Xuân
Hương thì:
Một trái trăng thu chín mõm mòm
Này vầng quế đỏ đỏ lòm lom.
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hỡi người bẻ quế, rằng ai đó,
Có chị Hằng Nga ghé mắt dòm.
(Hồ Xuân Hương – Trăng Thu)
Hay với cụ Trần Tế Xương:
Ta thấy người ta vẫn nói rằng,
Nói rằng thằng Cuội ở trong trăng.
Chứa ai chẳng chứa, chứa thằng Cuội,
Tôi gớm gan cho ả chị Hằng.
(Trần Tế Xương – Chị Hằng)
Và để
rồi câu chuyện chị Hằng có con với Cuội đã trở thành nghi vấn, đàm tiếu:
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn.
Hỏi thăm chú Cuội đà bao tuổi,(1)
Chớ chị Hằng Nga được mấy con?
Đêm thẳm cớ chi soi gác tía?
Ngày xanh còn cứ thẹn vầng son.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình chi với nước non.
(Nguyễn
Văn Siêu – Vấn Nguyệt)
Hay với ca dao:
Tưởng rằng trăng chẳng nguyệt hoa
Sao trăng chứa Cuội trong nhà hở
trăng.
Ấy đấy, cái miệng thế gian nói về Cuội
như thế chưa hết, lại cũng qua ca dao Cuội còn bị đem ra để người đời:
- Than thở khi xa
nhau:
Ai
làm cho bến xa thuyền,
Cho trăng xa Cuội, bạn hiền xa nhau.
Cha mẹ sao chẳng nghĩ sâu,
Để thương để nhớ để sầu cho ta.
-
Trách móc nhau:
Một
trăng có mấy Cuội ngồi,
Một thuyền chở được mấy người tình
chung.
- Tán tỉnh nhau:
Vợ
chồng chung gối chung chăn,
Thằng Cuội làm bạn với trăng đêm ngày.
- Và để chanh chua:
Em là
con gái nhà giầu,
Mẹ cha thách cưới ra màu sính cao.
Cưới em trăm tấm gấm đào,
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông
sao trên trời.
. . .
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên
lôi.
Để chấm dứt lá thư này tôi xin rỉ tai các anh rằng trên đất nước ta có
một đám Cuội sinh đẻ ở làng Ngang:
Đầu
làng Ngang có một chỗ lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi.
Đàn bà đến đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười:
"Cái gì trăng trắng như con cúi?"
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
"Con trót hớ hênh, ông xá
tội"
-"Thôi thôi con có tội chi mà,
Lại đây ông cho giống thằng
Cuội"
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.
(Nguyễn Khuyến - Chỗ lội làng Ngang)
Và tôi cũng nghe nói "thâm
cung" đẹp đẽ của chi Hằng đã bị khám phá khi có đoàn thám hiểm của loài
người lên thăm chị. Họ chê Trăng chỉ có non mà không có nước nên họ lục tục kéo
về mà không buồn quay trở lại. Cuội không kịp theo về nên những đêm trăng sáng,
ta vẫn thấy Cuội ngồi buồn bên gốc cây đa mơ về cô vợ trẻ.
Ánh
trăng trắng ngà,
Có cây đa to, có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ.
Kết luận:
Nếu tôi trở thành Cuội như các anh nói
thì tôi sẽ có thể nói dối với tất cả mọi người, chứ tôi đây, nhất định không
bao giờ nói dối vợ. Tôi xin dơ tay trái mà thề như thế. Tôi không nói dối nhưng tôi sẽ chối.
Nghe thế, cô hàng xóm nhà tôi đứng nhìn
tôi bịt miệng cười rồi ve vẩy bỏ đi. Như chợt nhớ lại điều gì, cô xoa bụng quay
đầu nói với lại, tiếng nhẹ và sắc, rít qua kẽ răng chỉ đủ để tôi nghe: “Anh không là Cuội thì anh cũng là nói láo, ba xạo, xạo ke, xạo chuá, dóc tổ ... anh đía quá mà”(2)
Tôi nhìn cô mỉm cười và liên tưởng ngay
tới những cơn mưa đầu mùa ở miền Nam, mưa chợt đổ xuống rất to nhưng lại tạnh
rất mau. Kệ.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Ghi chú:
(1) Có bản là: Hỏi
con thỏ ngọc đà bao tuổi?
(2) Những tiếng
miền Nam chỉ về nói dối.
Mời nghe
THẰNG CUỘI - KYO YORK
No comments:
Post a Comment