Sáng nào, nếu trời
không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành
lên đầu, xách giỏ trầu đi ra phía vàm rạch trèo lên mô đất cao, ngồi chồm hổm
vừa nhai trầu vừa nhìn qua bên kia sông, nhìn miết.
Mô đất nầy, cách đây
hơn ba mươi năm - hồi thời kháng chiến chống Tây - chính tay bà và đồng bào
trong xóm đã đắp lên làm ụ súng cho du kích bắn tàu Tây chạy ngoài sông Cái.
Hồi đó, mô đất cao lắm. Bây giờ nó đã mòn lần nhưng vẫn còn đủ cao để bà Hai,
dầu ở vị trí ngồi, vẫn nhìn thấu tuốt qua bên kia sông. Bên kia sông là quận Gò
Keo, ở đó có sở cao su của Năm Lượm, em út của bà. Bà còn nhớ rõ như in:
“Hồi nẳm, thằng Lượm
làm cặp-rằng trong sở cao su của thằng Tây Mi-Sên. Kế đến Tây rút đi – đâu hồi một ngàn chín trăm năm mấy gì đó – thằng Mi-Sên kêu bán rẻ lại cho thằng Lượm. Thằng hên! Nó bán
đi phần ruộng ông già để lại cho nó rồi chạy thêm mớ nợ, mua trọn gói sở cao
su! Vậy rồi nó giàu ngang, mới tức cười!” Thường thì kể đến đây bà Hai hay
ngừng lại để xỉa cục thuốc qua lại mấy lần rồi mới nói tiếp:
“Bây coi! Hồi thời ông
gì đó, chỉ có Út Lượm là sắm được chiếc ca-nô tổ chảng, chạy lên chạy xuống
tỉnh hà rầm. Lâu lâu còn cho mấy ông lớn mượn đi bắn le le nữa! Hồi ông nhà tao
còn sống, nó hay lái ca-nô qua đây nhậu với ổng. Mẹ! Mỗi lần ca-nô nó vô tới
đầu vàm rạch là nó hú còi nghe điếc con ráy, còn làm nổi sóng cho nước phóng
lên bờ, bà con trong xóm ai cũng hay là có ông Út qua!” Bà thường ngừng ở đây
để cười khịt khịt mà nghe sung sướng ở trong lòng, bởi vì trong ba thằng em
trai, bà Hai thương thằng em út nầy nhứt. Bà hay nói:
“Thằng Lượm tuy ít học
hơn hai anh của nó nhưng bụng dạ nó tốt lắm. Ăn ở có nhơn nên dân thợ trong sở
cao su ai cũng thương. Hồi giàu lên rồi, nó cũng không quên ai hết. Như anh Ba
của nó đi tập kết đâu tuốt ngoài bắc viết thơ về gởi gắm hết người nầy tới
người kia cho nó, vậy mà nó cũng lén nuôi đàng hoàng. Còn thằng anh Tư của nó
theo bên vợ làm thầy giáo ở Cần Thơ muốn mở trường tư thục gì gì đó, nó cũng
mang tiền xuống giúp. Thằng tốt!”
Trong làng Bình Quới
nầy ai cũng biết vụ bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất nhìn miết qua bên kia
sông. Chuyện xảy ra sau ‘giải phóng’, từ ngày người con trai út của bà, tên
Trực, ở Sài Gòn về thăm bà và để cho hay là vợ con của Trực đã theo tàu hải
quân di tản rồi, còn Trực thì phải lo khai báo với chánh quyền mới để có giấy
tờ hợp lệ bởi vì Trực là sĩ quan của chế đõ cũ. Trực nói:
“Chừng có giấy tờ, con
về đây ở với má. Chắc chừng vài ba bữa nửa tháng, hà!”
Nghe vậy, bà Hai rất
vui, têm trầu ăn liền liền! Bà nói:
“Tao chỉ có hai thằng
con, mà Trời thương, thằng nào cũng được hết. Thằng Cang – thằng lớn – đi lính quốc gia. Nghe nói nó đánh giặc gan
lỳ. Vậy mà không bao giờ nó nói động tới thằng cậu Ba nó ở ngoài kia. Còn thằng
Trực – thằng út – thì thông minh học
giỏi, vậy mà sau khi anh hai nó chết trận ở Công-tum Công-tiết gì đó, nó đang
học đại học cũng bỏ học đi lính nói để trả thù cho thằng anh!”
Bà hay ngừng một chút
rồi mới nói tiếp, như để kết một câu chuyện:
“Bây giờ thì hết giặc
rồi. Vài bữa thằng Trực về đây, tao sẽ chỉ nó lo chăm sóc cây trái vườn tược
thế cho con Tư để con nhỏ còn đi lấy chồng chớ!”
Nói như vậy bởi vì mấy
năm gần đây, từ ngày ông Hai nằm xuống, bà Hai hay ngã bịnh bất thường nên
người em bà con ở bên quận gởi đứa con gái là cô Tư – ba mươi tuổi, chưa chồng
– qua ở với bà để lo cơm nước vườn tược v v… Cô Tư kêu bà bằng Dì.
Sau khi Trực trở về
Sài Gòn, một hôm, đò ngang từ bên quận Gò Keo qua làng Bình Quới ngừng lại
trước nhà bà Hai thả xuống một ông già lưng mang ba-lô, ốm nhom đen thui đầu
bạc trắng. Người lái đò chỉ tay nói lớn:
“Ông đi thẳng vô
trong, cái nhà gạch nền đúc đó, đó!”
Nghe lao xao, cô Tư
nói:
“Dì Hai! Dì Hai! Có ai
kìa!”
Bà Hai nheo mắt nhìn:
má bên trái của ông già có một nút ruồi với một sợi râu lăng quăng. Bà rớt nước
mắt: “Mầy còn sống hả Ba?”
Vậy là hai chị em gặp
lại nhau, vẫn nhìn ra được nhau sau hơn hai mươi năm xa cách! Út Lượm hay tin
cũng xách ca-nô chạy qua thăm anh Ba, tủi tủi mừng mừng. Cô Tư dầu chưa biết
‘Cậu Ba’ là ai nhưng trước cảnh gặp nhau đó, cô cũng nghe xúc động nước mắt
chảy quanh…. Sau đó, để hàn huyên cho đã, nên ông Ba dự trù ở lại chơi thêm năm
bảy hôm.
Bữa nọ lối mười giờ
sáng, có tiếng ca-nô chạy xộc vô rạch. Thằng Kiên, con Út Lượm, u vào nhà, vừa
thở vừa nói:
“Con qua rước bác Ba
về can thiệp gấp vụ nầy: họ đang kiểm kê để tịch thâu sở cao
su ở bển đó!”
Ông Ba cười:
“Bây làm gì như Mỹ bỏ
bom vậy?”
Rồi quay qua bà Hai:
“Chị để em qua bển một
chút. Em nói mấy tiếng rồi về, hà! Biểu con Tư nó nấu cho em miếng cháo gà ăn
chơi!” Rồi ông xuống ca-nô qua quận. Bà Hai ở nhà đợi em. Càng lúc càng trưa,
rồi đứng bóng, rồi xế bóng. Chừng đó mới thấy một chiếc xuồng nhỏ, với tiếng
dầm khua nước lách chách, đâm đầu vào chân cầu thủy tạ trước nhà, ông Ba lò dò
bước lên. Bà Hai và cô Tư chạy ra bươn bả:
“Ủa! Sao vậy cậu Ba?
Còn ca-nô đâu?”
Ông Ba lắc đầu:
“Tụi nó kiểm kê luôn
rồi!”
Bà Hai thở hắt ra:
“Còn thằng Út!”
Ông Ba cười như mếu:
“Nhờ nó có công nuôi
cách mạng nên mấy đồng chí đó giữ nó lại làm trong tổ kế hoạch, làm tổ viên
thôi nhưng cũng có lương.”
Bà Hai phun cốt trầu
nghe cái phẹt: “Hứ! Đồng chí với đồng rận! Lương với lậu!”
Bà ngừng ở đó, nhai
miếng trầu trong miệng như nhai cái tức ở trong lòng. Một lúc, bà mới nói:
“Tao tưởng mầy đi theo
tụi nó mấy chục năm để làm được cái giống gì, té ra mầy cũng trớt quơ cũng bạch
tuộc như mấy thằng cô hồn trôi sông lạc chợ chớ có hơn gì đâu? Hỏi chớ mầy đi
theo tụi nó chi lâu vậy?”
Ông Ba đốt điếu thuốc
rồi ngồi bập liên miên, làm như khói thuốc có thể che cho ông đỡ ê mặt! Bà Hai
xỉa cục thuốc qua lại, ấn mạnh vô răng như muốn kỳ cọ cho cái ‘lớp tức’ nó bong
ra! Một lúc sau, bà nói với cô Tư, giọng thật trầm tĩnh:
“Tư! Mầy đẩy xuồng
trong xẽo ra đưa cậu Ba qua sông, đi!”
Cô Tư nhìn bà, ngạc
nhiên. Nhưng người ngạc nhiên nhứt là ông Ba. Ông nuốt nước miếng rồi mới nói
được:
“Bộ chị đuổi em hả chị
Hai?”
Bà Hai tằng hắng:
“Tôi đâu có đuổi! Ai
mà dám đuổi cách mạng! Tôi… mời cậu ra khỏi nhà, chớ ở lại đây, thiên hạ cười
tôi thúi mặt sao cậu?”
Ngần ngừ một chút như
định nói gì, nhưng rồi ông Ba lẳng lặng xách ba-lô cuối đầu đi thẳng ra bờ
rạch, bước xuống xuồng mà nghe như trời đất ngã nghiêng chao đảo….
Thằng em đi rồi, bà
Hai như người mất hồn. Tối ngày làm thinh, ngồi bó gối trên bộ ván nhỏ kê ngoài
hàng hiên, vừa ăn trầu liên miên vừa nhìn đăm đăm ra phía rạch như đợi như chờ
cái gì. Thấy kỳ, cô Tư hỏi:
“Bộ đợi ai sao dì
Hai?”
Một lúc, bà mới trả
lời:
“Tao đợi thằng Trực!
Nó nói nó đi năm ba bữa gì đó là về. Vậy mà đã hơn con trăng rồi sao hổng thấy
bóng dáng gì hết!”
Rồi bà lầm bầm:
“Thằng! Đi mất biệt!”
Cô Tư nói:
“Con nghe nói…”
Rồi ngừng ngang. Cô
định nói là cô có nghe nói sĩ quan chế độ cũ đều bị đi cải tạo, chắc giống như
đi ở tù… nhưng cô sợ dì Hai hết hồn nên cô bỏ lửng câu nói. Trong nhà, ngoài cô
Tư ra, ông Út Lượm – lúc nầy lâu lâu chèo xuồng qua thăm chị Hai – cũng biết vụ
‘cải tạo’ nhưng ông không dám nói cho bà chị biết. Vì vậy, bà Hai cứ ngày ngày
ngồi đợi thằng con. Và trách: “Thằng đi mất biệt!”
Mới đầu, bà còn ngồi
chờ trên bộ ván hàng hiên. Thời gian sau, khi trời nắng ráo, bà hay đi tuốt ra
ngoài vàm rạch lên ngồi trên mô đất để có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như
vậy, ‘khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám
đông mình cũng nhìn ra được nó liền hà!’
Vậy rồi ngày ngày bà
ra ngồi trên mô đất, như một pho tượng. Thiên hạ trong làng đi ghe đi xuồng
ngang qua, có hỏi thì bà trả lời, lúc nào cũng chỉ có một câu:
“Ợ… Tao đợi thằng đi
mất biệt!” Không ai ngừng lại để hỏi tiếp coi ‘Thằng đi mất biệt’ là ai? Riết
rồi thành quen nên lâu lâu nghe có người chèo ngang qua hỏi cho lấy có:
“Đợi thằng đi mất biệt
hả bà Hai?”
Rồi đi tuốt…. Cái mô
đất bà ngồi, bây giờ láng cón. Cỏ dại chỉ mọc cao ở dưới chân, bao quanh giống
như một hàng rào. Người mẹ đợi con đó ngã bịnh rồi chết, hai năm sau. Bà nhắm
mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai
còn ráng thều thào:
“Bây chôn tao ở đầu vàm cho tao thấy thằng Trực trở về….”
* * *
‘Thằng đi mất biệt’
được thả về sáu năm sau, nhờ học tập tốt. Đi đón Trực ở bến xe đò quận Gò Keo
là ông Ba và ông Út. Ông Út, vì rầu sự nghiệp nên già khú, vẫn là công nhân nhà
máy cao su. Ông Ba về thọ tang bà Hai rồi ở lại luôn Bình Quới để giữ ‘đất đai
ông bà’ kẻo ‘mấy thằng ác ôn nó quen thói côn đồ đớp hết của người ta’, ổng nói
như vậy! Bây giờ, ông Ba hay cười gằn, cầm cây rựa quơ quơ:
“Tụi nó có muốn vô nhà
nầy phải bước qua xác của tao, nè!”
Hai ông đưa Trực ra
đầu vàm thăm mả bà Hai nằm cách mô đất không xa. Sau khi thắp nhang vái lạy,
ông Ba kể cho Trực nghe chuyện bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất để trông
‘thằng đi mất biệt’. Trực ngồi thụp xuống, úp mặt vào hai tay khóc ngất. Ông Ba
chấp tay nói như nói trước mặt người chị:
“Chị Hai ơi! Thằng đi
mất biệt của chị, nó về rồi nè!”
Bỗng, mặt ông nhăn
nhúm lại, giọng ông cao lên:
“Mà… thằng Trực đâu
phải là thằng đi mất biệt đâu, chị Hai!”
Rồi ông nấc lên, vừa đấm vào ngực vừa la lớn:
“Em mới là thằng đi
mất biệt đây, chị Hai à!”
Ông quì xuống ôm lấy
mộ bia, gục đầu lên đó, nức nở. Cái đầu tóc trắng lắc qua lắc lại, nói lên tâm
tư của một người không tìm ra đáp số cho bài toán khó.
Ông Út khom xuống, đặt
tay lên vai anh bóp nhẹ:
“Anh Ba à! Anh nói
được như vậy là anh đã thấy con đường về rồi đó, anh Ba!”
1/2008
Tiểu Tử
Cám ơn chị NPN chuyển, truyện nào của tác giả Tiểu Tử cũng gây xúc động người đoc.Truyện này là một.
ReplyDeleteKính sức khỏe chị ạ.
Hồng Thúy
Tôi đã được đọc một số truyện của tác giả Tiểu Tử. Rất thích lối viết “Nam Bộ” của tác giả. Truyện nào cũng làm cho người đọc một xúc động nhẹ nhàng, nhưng rất thâm thuý … nói lên những đau khổ, buồn phiền của cuộc sống sau 30/4/1975. Cám ơn chị Tố Kim NPN đã đăng bài này.
ReplyDelete