Chị Nhàn thành khẩn chụm đầu ba
cây nhang vô ngọn đèn dầu đương ngùn ngụt tỏa khói đen. Nhang bắt lửa bùng lên
thành ngọn, chị chậm rãi khum bàn tay kia làm quạt nhè nhẹ
dập tắt ngọn lửa. Hai bàn tay xòe ra kẹp nhang chị đứng trước bàn thờ xá xá rồi
cắm vô cái ly đựng cát làm lư hương tạm. Bàn thờ dọn xong xả từ lâu. Bốn chén
chè đậu trắng, chén mẻ sứt mà chè thì chỉ nằm chông chênh qua khỏi mức nửa
chén, cố ý để thật xa nhau cho có phong cách bữa giỗ. Hai dĩa thịt gà xé phai
từ nửa con gà mua chịu từ người bạn hàng quen thuộc mấy chục năm nay. Chị đã cố
tình trộn với thiệt nhiều bắp cải, thêm nửa cái bắp chuối hột mới bẻ ngoài sau
nhà, dĩa gỏi gà coi cũng bắt mắt, tươm tất và khêu gợi nhờ sự hòa hợp nhuần
nhuyễn của nhiều màu sắc.
Cúng, ừ thì cúng, nhưng vẻ
nghèo nàn của vật thực trong việc cúng kiến so với bao lần trước đã đoạt mất ở
chị cái tâm trạng sung sướng nhè nhẹ của người thực hiện một việc thiêng liêng
của phút tương giao với người khuất mặt. Khói nhang tỏa trong không gian hẹp
của căn nhà, bay mùi thơm thơm khiến nao nao nhớ đến những lần Tết nào đó đã
bay hút tuyệt cùng trong thời gian tươi đẹp của quá khứ, những cái Tết háo hức
bồn chồn khoe áo mới, được phép làm mọi chuyện ngày thường bị cấm đoán, những
ngày chị – lúc đó là đứa trẻ – thấy mình quan trọng hơn, được mọi người quan
tâm hơn và không một mảy may trách nhiệm. Bây giờ cũng cái thời gian đó, Tết,
biết bao là trách nhiệm và không còn một ai quan tâm tới mình. Đứa con gái hủ
hỉ bao lâu nay năm rồi đã chết tức tửi vì phong đòn gánh khi lượm sắt vụn cho
kế hoạch nhỏ bị sắt gạch đứt tay, mẹ nó vì nghèo khó bỏ qua luôn sau khi đắp sơ
sài cho con bằng mấy cọng thuốc rê với hi vọng rằng cũng không đến nỗi nào. Một
mình còn lại thui thủi sớm bửng ra đi, tối mịt mới về ngả lưng thở dốc. Suốt
ngày cơm đường nước chợ, ngon dở tùy theo bán buôn thành công thất bại, nắng
mưa cực nhọc không biết mở miệng tâm sự cùng ai.
Chị lấy tay mặt đè đè lên bên
tay trái ngực. Không đụng được chỗ thịt mềm mềm ngày xưa từng làm hướng cho bao
cặp mắt khát khao, giờ chỉ nghe nhói nhói đau lăn tăn phía bên dưới trái tim,
tình trạng như muốn nói có triệu chứng trục trặc chi chi đó nhưng chưa bộc lộ
rõ ràng. Chị nín thở chờ cơn đau đi qua. Quái, lần nầy hơi dài hơn những lần
trước. Một sự thông báo có mặt không được người nhận vui lòng chào đón. Chị
chắp tay trước ngực trước ‘lư hương’, vái ông bà và vong hồn cha về dương thế
thăm con cháu luôn tiện hưởng bữa cúng đơn sơ, đạm bạc. Chị hơi khựng lại một
giây. Ông bà thì không cần hài tên đã đành, cha mẹ nhớ tên nhưng lại quên lửng
tên ông già chồng. Chị vừa vái van vừa suy nghĩ mông lung, nghe nói người nào
chết lâu quá rồi thì được đi đầu thai, hồn không thể về dương thế hưởng của
cúng nữa. Mà phải như vậy mới được, nếu không đi đầu thai thì làm sao con cháu
nhớ hết tên ông bà mà giỗ chạp quải đơm. Mẹ mình chắc cũng không còn dưới đó,
bà chết khi mới sanh mình ra, giờ đã hơn ba chục năm rồi. Tuy nghĩ vậy chị Nhàn
vẫn đọc tên mẹ, rồi vái tên cha sau. Nhớ tới người cha chồng chị muốn vái luôn
nhưng hơi bối rối. Ông già ảnh chết chưa đầy năm chắc là về được. Mà kẹt quá
trí nhớ hồi nầy lú lẫn tên ổng cũng không nhớ ra. Chị vừa nhắm mắt lại vừa trợn
trừng mắt dưới mi, tập trung trí não lục lại tất cả chỗ ngõ ngách của trí nhớ
cái tên ông già ít nhất có một vài lần chị thấy.
Thôi chịu, chị lấy ba cây nhang
khác, bật hột quẹt đốt. Hột quẹt cây quá cụt mà thuốc hơi mềm, chị chụm ba, bốn
cây làm một quẹt thiệt mạnh, nghe một tiếng cháy xè rồi tắt ngún. Chị liệng mấy
cây diêm mắc dịch đó xuống đất, bốc mấy diêm khác... Ngọn lửa liếm nhang lần
này thiệt mau. Chị chấp nhang giữa hai tay vái ‘hương hồn cha chồng tôi sống
khôn thác thiêng về dương thế trong bữa cúng rước ông bà Tết năm nay.’
Cắm nhang vô ly cát lần nữa,
chị mỉm cười. Vái đỡ vậy thôi, làm sao hơn được nữa, không biết vong hồn ổng về
được không. Lẫn lộn quá rồi. Chị khum mình xá xá. Nghe đau nhức khó chịu chỗ
xương sống ngang hông. Chỗ nầy thì nhức hoài mấy năm nay. Chứng nầy hành hạ mấy
người đàn bà đẻ nhiều mà! Mình đẻ có ba đứa, đâu nhiều nhỏi gì, chắc là mấy năm
gần đây lao tâm lao lực quá độ thêm vụ ăn uống thiếu thốn, cố cho đầy bao tử,
bất kể thức ăn thật sự tốt hay không cho sức khỏe nên mình mẩy báo động lên
tiếng đòi bồi dưỡng.
Chị vừa như mỉm cười với ý
nghĩa mình mới đặt ra vừa nắm nắm tay vòng qua sau lưng đấm đấm chỗ đau. Cái
đau bên ngoài lâu nay khiến tạm quên cái đau bên trong vẫn âm ỉ hiện diện. Khổ
quá, cái mòi rệu rạo như răng bà già thấy được bất cứ trên vị trí nào của thân
thể. Gì mà không còn chỗ nào nguyên lành coi cho được, cho vui đời nghèo. Bộ
phận nào không có chuyện này cũng có chuyện kia, không đau hông thì đau xương
sống, không đau chỗ tim phổi thì đau chỗ thận, bàng quang. Như chĩnh mắm
nêm là đây. Ông bà mình ngày xưa nói lẩm rẩm không căn cứ trên khoa học khoa
hiếc gì hết vậy mà trúng quá xá. Thân thể không còn là niềm hãnh diện của mình
nữa mà đã thành một tội vạ, một gánh nặng phiền toái, ưu tư. Chị ngó lên bàn
thờ, nãy giờ mà tàn nhang không rớt xuống, cong cong gần tròn một vòng nhưng
than của cọng vẫn được lớp tro nhang bao bọc như khi chưa được đốt. Lớp cát
trong ly vẫn còn mới tinh chưa bị phủ mặt như những lần cúng kiến trước đây.
Người ta nói đó là điềm báo ông bà về. Chị thốt nhiên đưa tay kéo áo kéo quần
cho thẳng thớm chỉnh tề. Ông bà khuất mắt mày nhưng đã hiện diện trong nhà này,
đang hưởng vật thực cúng kiến của mình, không thể xốc xếch được. Chị lật đật
đi mở tủ kiếm mấy cái ly nhỏ rót nước lạnh để lên trên bàn. ‘Xin ông bà cha mẹ
tha lỗi cho, đáng lẽ phải có chút rượu làm lễ nhưng lúc này khó kiếm lại mắc
quá.’ Chị đứng thẳng trước bàn thờ kiểu như một người hầu hạ ông bà đương
dùng tiệc. Bỗng nhiên chị thấy mình xẻn lẻn ngang, ai đời van vái xin lỗi ông
bà mà nói chuyện mắc quá không mua nổi. Làm như mua chút rượu cúng ông bà là
một gánh nặng không bằng. Cái khó nó bó cái khôn là vậy. Đời mạt pháp, thiên hạ
sống trong túng cùng. Ước gì ảnh về được thăm mình. Ước gì giấy tờ của ảnh làm
mau hơn để mình được bay ra khỏi chỗ này sớm. Nếu sớm hơn mấy năm trước thì con
nhỏ đâu tới nỗi bỏ thây trong trạm y tế phường tức tưởi như vậy. Ước gì mình
trúng số độc đắc được một lần, lúc nầy ngày nào cũng xổ, cũng có người trúng,
mình nhịn ăn mua bao nhiêu lần, mỗi lần cả chục tấm, cũng đều như không, trật
lất trật lơ, tới hai con chót an ủi cũng không bao giờ thấy.
Như là có bóng người, hai người
chứ không phải một, từ chỗ bàn thờ thoáng mau lại cửa rồi trở vô. Chị định thần
nhìn kỹ nhưng không thấy gì. Có lẹt đẹt vài tiếng pháo nổ xa xa, tiếng nổ cũng
không lớn như ngày xưa, như là không đủ thuốc hay họ quấn giấy không được chặt.
Ngoài đường nắng đã lên, tiếng người nói hòa với tiếng dép kéo lê trên mặt
đường. Một cảm giác mâu thuẫn hiện lên trong lòng chị, vừa muốn ông bà về chứng
kiến cảnh nghèo nàn của mình để thỏa mãn sự vái van nhưng lại vừa sợ ma. Có thể
hai cái bóng vừa thấy là có thiệt chớ không phải hoa mắt nhìn lầm.
Chợt chị rùng mình, như có một
bàn tay lạnh buốt rờ lên đầu chị, chị hắt hơi. Cảm rồi, chị nói thầm, ngày Tết
gió độc hơn ngày thường. Tết là ngày giao thoa của hai năm mới-cũ, Tết cũng là
giai đoạn liên hợp của âm-dương nên trong gió có phảng phất hơi âm, ai yếu bóng
vía thường bị cảm lạnh, có khi bị liệt giường luôn. Chị đi vô buồng trong lấy
thêm cái áo mặc tròng lên, nói lầm thầm trong trí, ma quở kiểu nầy chắc hết Tết
nhứt gì quá!
Ngó chỗ tay áo bị rách sờn mà
lòng chị quặn xuống, chị ngó quanh quất trong nhà để ước lượng những gì hơi
đáng tiền mà mình có rồi ngó lên mấy cây nhang trong cái lư hương, một lần nữa
chị lại ước ao ông bà phù hộ cho mình trúng số để thoát ra khỏi cảnh bần hàn
đeo đẳng cả chục năm nay...
‘Anh chờ tôi với, mình đi có
bạn chung cho vui.’
‘Sao anh coi bộ gấp vậy, mà tới
bây giờ mới ra?’
‘Tôi có biết gì đâu, tưởng cũng
giấy tờ như mọi khi nên chần chờ, té ra ngày tư ngày Tết trên kia, ở đây mình
được tự do đi lại. Khổ quá, không ai nói gì với mình nên cứ lẩn quẩn trong đó,
tới chừng thấy tư bề lưa thưa còn có mấy mống mới sực biết, bỏ ra, thời may gặp
được anh đây.’
‘Ở chỗ nầy cái tình còn ít hơn
trên kia nữa vì ai cũng biết rằng là chỗ tạm trú để chờ lịnh đi lên đó – dưới
hình dạng nầy hay hình dạng kia. Lo lắng, thắc mắc cho tương lai mình nên không
ai buồn ngó ngàng gì tới ai khác.’
‘Dửng dưng với vấn đề của kẻ
khác là yếu tính của con người dầu nó ở đâu và dưới hình thái nào.’
‘Không có cái lo nào hơn hơn
cái lo liên quan tới mình.’
‘Tôi có lộc ăn rồi anh biết
không, nghe mùi hương thì biết có người mời nhưng cần phải nghe họ vái tên mình
mình mới biết phải về nhà của ai, chỗ nào. Con gái tôi đó. Ừ mà con dâu anh chớ
ai.’
‘Tôi cũng đã có nghe mùi hương
mời nhưng vẫn thắc mắc vì không thấy nhắc tới tên mình.’
‘Chắc nó quên tên ông già chồng
nó rồi. Trên đó chuyện quên tên người khuất mặt khuất mày chúng ta là thường.
Anh đi với tôi cho có bạn nhe. Ba ngày này âm dương giao hòa, mình đi không cần
giấy phép đi đường, miễn là tới chập tối phải về có mặt là được. Họ sợ ban
tối mình lang thang trên đó làm hại người dương.’
‘Phải, biết bao nhiêu anh chị
lợi dụng khí âm của mình làm chuyện phá làng phá xóm rồi. Ngày thường mặc dầu
nhận được nhang mời, có tên kêu vẫn đi không được à?’
‘Ngày thường phải cần giấy
phép, nếu con cháu không hài tên mình ra thì càng khó nữa. Rằm tháng Bảy cũng là
ngày Tự Do. Nói chung ở đây cái nạn thư lại bàn giấy không khác gì với trên kia
là bao.’
‘Tôi không biết khi họ hỏi căn
cước tôi phải làm sao. Hỏi căn cước một con ma, xin lỗi anh, là bắt con ma đó
phải è ạch mang tấm mộ bia nặng dàn trời tới đưa ra trình.’
‘Chế độ thư lại bàn giấy làm
khổ dân ấy mong nó qua cho rồi. Mình đi thăm con Nhàn nghe.’
‘Ừ rồi mình chịu khó một chút
thăm thằng quỷ đó với tụi nhỏ. Tội nghiệp quá. Đáng lẽ bỏ lúng tụi nó ra sao
thì ra. ‘Quên hết’ như bài học họ giảng cho mình hằng tháng mà sao tôi cứ xót
xa trong lòng. Hồi trước khổ sở với tụi nó biết bao nhiêu bây giờ cắt bỏ tình
cảm cái cụp chuyện đâu có dễ như họ nói. Biết tụi nó bị chuyện nầy chuyện kia,
tôi vẫn thấy đoạn trường như thường’
‘Mà cũng có tụi quên phăng mới
hay! Tụi nó phơi phới, ngay cả bà con cật ruột trên kia bây giờ xuống đây họ
cũng không thèm nhìn, không thèm dĩ tới.’
‘Số nầy ít thôi. Ảnh hưởng của
môi trường sống một thời khoảng lâu dài – cái quá khứ nặng nề – đâu phải vì mấy
cái bài giảng đó mà gạt bỏ tất cả ngay.’
‘Phải có một thứ thuốc bạch-hóa
để quên tình cảm còn xót lại với người bên kia, cũng như thuốc lú cho mấy con
ma, tôi cũng vậy nữa – xin lỗi, trước khi cho đi đầu thai.’
‘Chắc họ có nhưng không cần đem
ra xài lúc nầy. Ai nhiều tình cảm thiệt thòi ráng chịu. Khổ sở sanh ra từ trong
lòng, ai còn mềm lòng lúc nầy chỉ khổ thân thêm mà thôi. Ngăn chận cái khổ của
mình là chuyện mình phải tự lo, họ đâu cần lo. Thuốc lú cho việc đầu thai thì
họ cố gắng cung cấp đầy đủ, nếu không quên thì con người sẽ đi tìm nhau, sẽ
dính dây chùm dây mơ rễ má với nhau, lộn tùng phèo hết, sanh con rồi mới sanh
cha, sanh cháu giữ nhà rồi mới sanh ông...’
‘Ơ... mà thuốc lú cũng đâu phải
hoàn toàn hiệu nghiệm. Vài trường hợp người uống rồi, kết quả trơ trất. Lên lại
họ đâu cần học. Mấy người mà ông Lão tử đó nói ‘Sanh nhi tri’ đó, họ đã học ở
các kiếp trước rồi.’
‘Ừ hé. Hồi đó ở xã Linh Xuân
Thôn huyện Thủ Đức của tôi có thằng nhỏ bốn tuổi, chưa từng thấy nhà máy xay
lúa, nó lại ở xa nhà máy, ngộ một điều là máy móc trục trặc gì chủ nói với nó
nó có thể chỉ chỗ nào phải sửa và cắt nghĩa rành rọt tại sao lại trục trặc.’
‘Mấy người thần đồng cũng vậy
thôi. Lên mà không bị lú thì học một biết mười. Cũng như học ôn, hay dò bài lại
thôi. Dễ!’
‘Ờ! Mà gần tới chỗ giao điểm
hai vùng rồi đó. Nếu cần anh nắm tay tôi. Ở đây cả chục năm, mỗi năm đi qua đây
hai, ba lần tôi biết chỗ nầy nó dài tới cả chục phút lận, mở mắt ra không thấy
gì hết. Một vùng đen tuyệt đối, dài thăm thẳm, vô cùng. Ai có giấy phép thì
nghe theo tiếng gió mà đi, khi hết nghe tiếng gió, mở mắt ra thấy cảnh quen
thuộc ngày xưa là tới. Ai không có giấy phép thì trời khiến họ cứ xà quần, thơ
thẩn trong chỗ tối đen đó vài ngày họ tới dẫn về họ phạt. Nhốt hầm tối. Cái tối
ở trong vùng âm!’
‘Lạ há. Hai miền cách nhau bằng
chỗ tối bưng há. Kêu là chốn u minh là đúng quá rồi. Để cho ở trên kia không đi
lạc xuống đây. Tay anh đâu?’
‘Đây! Vậy mà ‘thiên hạ’ đi lạc
hoài. Có người mới tới chỗ tối nầy thôi rồi dương khí mạnh kéo họ về. Người ta
kêu là chết giấc, chết giả. Có biết, có thấy gì đâu. Tỉnh dậy cũng như thường,
không biết gì chuyện đã xảy ra. Vùng nầy tối om mà.’
‘Tôi muốn nói là có người đi
qua luôn chỗ tối nầy kìa, vô chỗ của mình đương ở đó. Mà trở về được há.’
‘Có hoài, đời xưa ở bên Tàu có
ông Lâm Tự Kỳ, lạc xuống, họ cho về nên viết cuối Hồi Dương Nhơn Quả kể lại
chuyện xử phạt dưới nầy. Tiếc là hồi đó tôi đọc mà không tin.’
‘Ở bên mình có ông Thủ Huờn,
ông ta nguyên làm chức Thủ Bạ đời Minh Mạng được người quen ở dưới nầy dẫn
xuống, ông ta thấy mọi chuyện, sợ ớn xương sống nên về làm phước cất một cái
nhà trên bè ở ngã ba sông để cho những người lỡ con nước có chỗ nghỉ tạm lại
trên sông và có thức ăn đỡ lòng. Ông ta bố thí hết gia tài của mình ở chỗ Nhà
Bè đó.’
‘Lạ há, đã phân chia vùng rồi,
lại còn có chỗ tối làm trái độn nữa mà vẫn còn có người đi lạc ha.’
‘Ừ! Chuyện trời đất đâu phải
luôn luôn phải xảy ra như vậy đâu. Lâu lâu cũng có cái trật chìa. Có chuyện
người đẻ 100 trứng, cá thia thia sống ở bẹ dừa hay trên ngọn cây, chuyện mưa cá
mưa tôm thì chuyện lạc vùng đâu phải không thể không có. Mấy cái chuyện lạc
Thiên Thai, Từ Thức gặp tiên nữ là chuyện lạc lên vùng trên. Vùng trên còn lạc
lên được thì vùng dưới lẽ nào lại không?’
‘Anh muốn nói mấy cái truyện
chép lại trong Liêu Trai Chí Dị chứ gì?’
‘À, tôi nghĩ cái ông họ Bồ thấy
được chuyện bí mật của trời đất, ông ghi chuyện mấy con ma nữ đi lạc lên đời,
thỉnh thoảng cũng ghi lại chuyện người đi lạc xuống đây. Hay là được dẫn xuống
đây cũng vậy mà thôi.’
‘Tới nơi rồi, anh thấy mùi tanh
tanh như máu trong gió không. Đó là mùi ích kỷ của lòng người đó. Trong mùi
tanh tanh anh nghe thấy mùi thui thúi, đó là mùi tự cao tự đại của họ... Mở mắt
ra đi.’
‘Kỳ thật. Hồi cha sanh mẹ đẻ
tới năm ngoái nghĩa là cũng 60 năm ở trên đời, tôi đâu nghe cái mùi đó. Bây giờ
mới đi có trót năm về lại nghe mùi nầy.’
‘Ở trong đó thét rồi quen đi.
Cũng như người ngồi trong cầu tiêu dơ ban đầu còn nghe mùi, ngồi một lúc thì
nghe bình thường. Người ở vùng chợ Gò Vấp không nghe mùi hôi thúi nhưng ai đi
xe lửa khi xe tới gần đều nghe cái mùi thum thủm nầy. Cũng vậy, con nít nhỏ xổ
lòng mẹ khóc hoài không nín vì ban đầu nó không chịu được cái mùi tanh tanh
thúi thúi của đời.’
‘Ừ! Sao có mùi thơm dìu dịu mà
nghe từng cơn từng cơn ở đây vậy.’
‘Đó là mùi uất hận của người
ngây thơ vô tội bị đè nén oan ức, mùi của sự chịu đựng những bất công, nghịch
thiên nghịch địa.’
‘Vậy thì quen nghe mùi mình sẽ
biết ngay chuyện gì đã xảy ra chung quanh phải không anh?’
‘Ừ! Vậy mới là ma, biết vanh
vách như ma xó, thiên hạ nói hoài. Chỉ cần nhướng mắt lên là anh có thể thấy
vàng thiên hạ chôn giấu ở đâu, tấm giấy số nào trúng độc đắc, ai sẽ đắc cử Tổng
Thống ở nước nào đó. Thôi! Vô nhà con mình. Anh thấy mấy cây nhang trên lư
hương cúng tàn mà không rụng không. Giấy phép đi đường của mình đó.’
Ông già Nghĩa vuốt đầu chị Nhàn.
Chị tới ngồi trên cái ghế cây đóng bằng mấy miếng ván tạp, mắt buồn thiệt buồn
ngó ra cửa sổ. Chị rùng mình, đứng lên tới bàn thờ đưa tay sửa lại đám chưn
nhang vì vài cái tàn rớt xuống chén chè kế bên. Tay chị vô tình đưa xuyên qua
bụng ông già mình. Ông già Nghĩa ngó bạn cười. Ông già Nhân kéo bạn đứng tránh
ra một bên. ‘Không nên!’
Ông già Nhân ngó con rồi ngó
bạn. ‘Riết rồi quen đi, đâu cần tránh né gì cho mệt. Ban đầu còn để ý thét rồi
kệ, thiên hạ càn lướt trên đầu cổ mình cũng không nhằm nhò gì, mình cũng đi qua
tường qua vách cho mau. Ở đâu quen đó.’
Chị Nhàn vẫn đứng trước bàn thờ
nhưng nhìn về phía cái bàn có để tấm hình của chồng, người chồng hiền lành mỉm
cười. Ông già Nhân đang đứng ngắm nghía hình con mình, chị Nhàn đi xuyên qua
mình ông. Chị cảm thấy một luồng lạnh chạy dọc theo chiều đứng của thân thể.
Chị rùng mình lần nữa. Chị cầm tấm hình lên, đưa gần mặt mình, như là hôn, rồi
để xuống.
Hai giọt nước mắt chị trào ra,
lăn gần tới sống mũi, chị đưa tay quẹt. Ông già Nghĩa nắm tay con như muốn dẫn
đi ra cửa để chỉ chỏ gì đó nhưng khi tay ông nắm tới tay con thì lại bóp vào
khoảng không. Ông thấy con mình ngó về phía bàn thờ thì chạy về đó đứng
xuyên qua phía bên nầy bàn chấm tay vô ly nước trước mặt viết mấy chữ. Chị Nhàn
vẫn không thấy gì. Nghe tiếng pháo nổ, chị ngó ra ngoài, ông già Nghĩa
bước tới kê miệng vào tai chị nói gì như dặn dò nhưng chị vẫn như không cần chú
ý, bước ra phía trước cửa ngó mông ra đường. Một lần nữa ông nắm tay con và kêu
bạn mình cùng nắm để dẫn chị ra khỏi nhà thì chị hắt hơi một cái rồi quày quả
trở vô. Ông già Nhân lật đật móc ra một tấm giấy và một cây viết đưa cho già
Nghĩa. Ông nầy viết vội vàng mấy chữ, đưa tới trước mặt con. Chị Nhàn không ngó
mà cúi xuống sửa sửa lại nếp áo, nếp quần mình.
Ông già Nghĩa nhìn con thất
vọng, quay lại thì không thấy bạn mình đâu nữa. Chừng một phút sau già Nhân mới
hiện lên. ‘Tôi đi qua tới bển thấy thằng chó đó đương ăn uống bĩ bàng với một
con khác, giận quá gõ đầu nó mấy cái,’ ông thì thầm. ‘Tôi cũng có đưa tay vô
quậy quậy trong hai ly rượu tụi nó... Làm thì làm vậy cho đỡ tức mình chứ mình
là khoảng không mà, có làm được quái gì ai.’
Hai bóng ma buồn bã ngó chung
quanh một lần cuối rồi nắm tay nhau lặn xuống đất.
Trên bàn thờ tàn nhang bây giờ
đồng loạt rớt xuống lã tã phủ đầy mặt cát trong ‘ly hương’, lấm tấm điểm mấy
chén chè cùng hai dĩa thịt gà xé phai cạnh đó.
Buông một tiếng thở dài, chị
Nhàn cầm lên từng chén chè đưa ra ngoài thổi thổi nói nho nhỏ. ‘Cúng thì cúng,
vái thì vái chứ làm sao ông bà có thể giúp mình trúng số được. Âm dương cách
trở làm sao tương thông. Giáng phước giáng họa cho nhau chỉ có mình và người
đời chung quanh mình mà thôi, không ai vô đó được. Thôi mai không ăn Tết nữa,
lăn thân ra ngoài chạy mánh kiếm được đồng nào hay đồng nấy, vậy mà chắc.
Bên ngoài chiều đã xuống, tiếng
pháo nổ càng lúc càng nhiều hơn, nhưng vẫn là những tiếng lẹt đẹt, xì hơi, buồn
chán, không xua đuổi được nỗi niềm u đạm của người nghe...
(Houston, Texas, 3-1990)
Nguyễn Văn Sâm
No comments:
Post a Comment