Chương 13
Trở về với cảnh cũ, với
những sinh hoạt hằng ngày, Như Kim nghe chán chường vô kể. Phải mất mấy ngày cô
mới bớt ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Biết vậy cô
thà đừng đi thăm chàng còn hơn, thấy nhau chi vài hôm để rồi về thêm thương
thương nhớ nhớ.
Mỗi sáng lại cùng Mai
đến trường, cũng những con đường cũ đi qua bằng những bước chân ơ thờ và tâm tư bay bổng. Vào lớp lại gặp những khuôn mặt không cảm
tình, những đứa bạn không thân, những ông thầy không mến rồi đến những môn học
không hứng thú, những bài toán thật nhức đầu.
Chàng bảo cô rán học thì cô đang cố gắng đây, lấy việc học làm niềm vui
như trong một bức thơ nào chàng đã dặn bảo, vì thật ra không học thì cô cũng chẳng
biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng, nhưng với tình trạng này, tâm trí cứ để tận
đâu đâu mãi thì liệu cô sẽ cố gắng được đến đâu, sẽ gặt hái được gì. Kỳ thi lục cá nguyệt vừa qua, cô chỉ được kết
quả trung bình, kỳ thi tới này chẳng biết sẽ ra sao. Nhưng dù ra sao thì cô cũng phải cố gắng vì sự
học dù không giúp ích cho cô ở phương diện này thì cũng phương diện khác, hay
nói một cách không văn vẻ mấy là không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc bởi vì
sách đã có câu “Học vấn là chìa khóa của mọi kho tàng”.
Nhưng theo quan niệm
của ba má thì con gái không cần chi học cao học nhiều, có học cho lắm thì cuối
cùng rồi cũng chỉ quanh quẩn với bếp núc chồng con. Ba má cô không hề nghĩ đến chuyện sẽ gởi cô
lên thành để vào đại học nên cô cũng chẳng hề có mộng cao, chẳng hề tính chuyện
học để mai sau góp mặt với đời, làm rạng danh phận quần thoa yếm vận. Quan niệm ấy nói ra trong thế kỷ hai mươi này
quả là lỗi thời lạc hậu, không còn thích hợp chút nào. Nhưng thiên chức của người đàn bà từ xưa đến
nay không ai chối cãi được vẫn là trong phạm vi gia đình. Nếu muốn dấn thân tung hoành ngoài xã hội thì
e rằng hạnh phúc gia đình sẽ không được bảo tồn như ý. Vì thói thường hễ được cái này thì mất cái
kia, phải chăng đó là luật bù trừ chung cho tất cả mọi người để chứng tỏ sự
công bằng của Thương Đế, hiếm thấy ai đươc thỏa mãn cùng lúc đủ cả mọi điều.
Giờ đây thì thơ chàng
không đến thường xuyên như trước nữa mà có khi đến hai ba tuần hoặc cả tháng
dài đăng đẳng. Tình ý tuy vẫn thắm thiết
nồng nàn nhưng chỉ còn gói ghém vỏn vẹn trong một trang giấy ít oi vì bài vở
chàng càng lúc càng lu bù bận rộn. Cô
càng thêm buồn, buồn không phải vì vắng thơ hay vì trang thơ ngắn mà vì phải
kéo dài thêm những giờ phút ngóng trông, buồn vì mình không thể nào vui được,
không làm sao biến hóa tâm hồn mình thành loài bướm vô tư tung tăng bay lượn,
có thể vui với bất cứ cuộc vui nào để thoát khỏi cái thế giới vỏ ốc thu hẹp chỉ
biết xoay tròn bên chàng và vì vắng chàng mà nỗi buồn thành lê thê vô tận.
********************
Sinh trưởng trong một
gia đình nghèo, thân phụ cô lúc thiếu thời cuộc sống rất vất vả khó khăn. Ngoài giờ học, ông còn phải đi làm tạp nhạp để
kiếm tiền phụ giúp mẹ cha đắp đổi qua ngày.
Người xưa có câu “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”. Tuy học hành chẳng được đến nơi đến chốn
nhưng ba cô đã học được chữ “cần”, cần cù siêng năng và cần kiệm không tiêu xài
hoang phí. Với đức tính ấy, lớn lên khi
lập gia đình, ba cô đã nuôi sống gia đình một cách thoải mái và sung túc. Ngoài công việc quản lý một nhà máy xây lúa
cho một người chủ có quá nhiều dịch vụ làm ăn, ba cô còn đầu tư lúa gạo, có cổ
phần trong một lò gạch, làm chủ nợ lai rai và giờ đây còn xúc tiến việc làm chủ
một trạm xăng dầu hùn hạp với một người bạn quen biết lâu năm. Ba cũng đem chuyên làm ăn nói lại với gia
đình và cho biết rằng khi kế hoạch thành hình, trạm xăng trong tương lai của ba
sẽ cần có một người thân tin cậy được để giao cho nhiệm vụ thâu ngân hoặc trông
coi sổ sách. Ba nói nếu cô thích học nữa thì cứ tiếp tục học, bằng không thì ở
nhà phụ giúp ba coi sóc việc làm ăn để ba khỏi mượn người ngoài. Phải chăng đây là một cơ may, một lối thoát vẹn
toàn cho cô sau một năm học đã tận sức chuyên cần mà kết quả không được như ý,
vẫn thi hỏng rơi đài, vỡ mộng làm cô tú.
Dù cô chưa có ý định
bỏ trường, dù cô còn muốn học lại chờ kỳ thi năm sau nhưng mục đích của mọi sự
học phần lớn phải chăng đều là để tìm việc làm mưu sinh. Vậy thì giờ đây việc
làm đã đến với cô đúng lúc như một dịp may hiếm có. Cờ đã tới tay mà không phất thì thật là thất
sách, dịp may không đến hai lần, cô không chụp lấy thì còn đợi đến lúc
nào. Sau này cho dù cô đỗ đạt đi nữa thì
chưa chắc gì cô có thể tìm được một công việc tốt như công việc hiện thời ba đã
cho cô, nghiểm nhiên mà thành một cô chủ ngồi không biên chép thâu tiền, thật dễ
dàng như lật trở bàn tay, như lấy đồ trong túi.
Thế nên suy đi nghĩ lại, cô quyết định thôi học đi làm như hôm xưa chàng
đã quyết định sẽ bỏ nhà dòng về với cô vậy.
Sau khi cân nhắc thiệt hơn đâu đó, cô viết thơ báo với chàng sự việc. Chàng hồi âm rằng học hành cũng có số, cô đi
làm vừa giúp được ba, vừa tránh được sự nãn chí ngã lòng thì cũng nên, chàng
cũng rất đồng ý với cô sự lựa chọn này.
Một năm qua dù không
được chính thức đi học, chàng cũng đã đỗ xong chứng chỉ dự bị và dự định trong
niên khóa tới sẽ học hai chứng chỉ cùng lúc để rút ngắn thời gian. Còn cô có lẽ vô duyên với đèn sách nên thi cử
lận đận, giờ thì đành buông trôi để tập tễnh vào đời. Giờ đây thì chữ trả cho thầy, trả lại trường
xưa tuổi học trò vô tư hoa mộng, trả lại bạn bè những tháng ngày thân ái cũ bên
nhau. Giờ đây không học thì hành, cô sẽ
thực hành, sẽ làm việc, làm một con người có trách nhiệm với đầu óc biết tính toán, con mắt
biết dự liệu nhìn xa và ý chí biết đối phó đương đầu. Và cô cũng sẽ bắt chước ba tâm niệm một chữ
“cần”, dùng nó làm phương châm hằng ngày trong việc tạo dựng làm nên. Tiền lương hằng tháng cô sẽ dành dụm làm vốn
liếng cho chàng ngày trở về để chàng khỏi lo lắng trong những bước đầu bỡ ngỡ
trắng tay, để chàng có vững một niềm tin khi đối diện với cuộc đời, để đôi quả
tim vàng rồi đây sẽ có một mái nhà vững chắc chớ không phải là một túp lều lý
tưởng mong manh, sẽ có những bữa ăn no đủ hằng ngày chớ không phải chỉ uống nước lã cầm hơi mà sống. Đồng tiền dù không mang
lại hạnh phúc nhưng nếu không tiền thì hạnh phúc chỉ là hư ảo, như sương như
khói chóng tiêu tan.
Trước khi bắt tay vào
việc, cô lại đi thêm một chuyến Sàigòn để thăm chàng thêm lần nữa. Lần này chàng đã đưa cô đi Long Thành, nơi có
con suối xinh như mộng nằm khuất sau một vườn sầu riêng nhỏ ít người biết đến.
Cảnh trí nơi đây thật
nên thơ gợi tình. Dòng suối như một giải
bạc trải dài uốn khúc lững lờ trôi trôi, nước trong veo thấy tận đáy những viên
đá cuội trắng phau nõn nà. Hai bên bờ,
hoa rừng cỏ dại đủ màu chen chúc, lau sậy um tùm phất phơ những ngọn hoa trăng
trắng linh động. Một cây đại thụ buông
thòng những dây mơ rễ má trông như một bức mành thiên nhiên che nắng mát rượi cả
một góc rừng. Cô tha thướt trong chiếc
áo dài hồng thêu hoa trắng, đứng bên bờ suối xỏa tóc mơ màng để chàng ghi vào
máy ảnh.
Chụp xong pose hình,
chàng chật lưỡi xuýt xoa bảo:
- Chà, tấm hình này chắc đẹp lắm, chẳng
những đẹp người, đẹp cảnh mà còn đẹp cả ý nữa.
Thật đúng là “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối” như trong bản nhạc “Trăng mờ bên suối” phải
không em?
Cô mĩm cười gật đầu rồi
chỉ tay xuống suối nói:
- Em thích những viên đá cuội dưới đó
quá anh. Em phải nhặt một ít đem về làm
kỷ niệm mới được.
Cô dợm bước xuống,
chàng vội khoác tay ngăn:
- Em cứ đứng
đó đi, đừng xuống ướt áo hết bây giờ, để anh lấy cho.
- Không
sao đâu, nước không sâu lắm, em muốn xuống để tự mình chọn những viên nào thật
đẹp mới lấy thôi.
Nói xong cô cởi giày,
cột chéo hai tà áo vào nhau, săn quần lên đến nửa đầu gối rồi thò chân xuống nước
đi ra giữa dòng. Vừa cắm cúi chọn lựa,
cô vừa nói:
- Em sẽ mang những viên đá sỏi này về
cất trong một cái lọ thủy tinh để mỗi ngày ngắm nghía nhớ bữa du ngoạn hôm nay
của chúng mình. Lần này có lẽ là lần sau
cuối đi chơi với anh vì từ nay em bận đi làm không còn rảnh rang để đi thăm anh
nữa. Đi học thì còn có lễ này lễ nọ nghỉ
ngơi, chớ còn đi làm và nhứt là cái nghề mua bán thì thật là vô phương. Chắc mình đành phải chịu xa nhau cho đến ngày
anh đỗ đạt trở về. Mà không gặp nhau,
thăm nhau được, anh có quên em không hở anh?
Cô nghiêng đầu nũng nịu
hỏi. Chàng cười âu yếm đáp:
- Càng thêm nhớ chớ quên sao được mà
quên em. Tuy xa cách ở hai phương trời
nhưng chúng mình cùng chung một mục đích.
Em đi làm, anh đi học, cũng vì tương lai cho nhau thì tình yêu càng sâu
đậm, thương nhớ càng nhiều, em nghĩ có phải không?
Cô gật gù hả dạ nhưng
lại dọ dẫm hỏi tiếp:
- Anh nói nghe phải lắm, em cũng mong
là được như vậy. Anh biết không, lúc ba
má ngỏ ý hỏi em muốn đi làm không, em cũng đắn đo lắm. Em sợ nghỉ học sớm rồi sau này sẽ bị anh
chê. Tuy nói chán học nhưng nếu cố gắng
thì cũng được chớ không hẳn là không. Một
năm không xong thì hai năm hoặc ba năm, cứ làm một con mọt sách lì lợm thì thế
nào chữ nghĩa cũng nhập tâm làu làu.
Nhưng em chọn đi làm là vì nghĩ đến chuyện giúp anh, nghĩ đến tương lai
của chúng mình. Anh, anh nghĩ sao về sự
học dang dở của em?
Chàng lắc đầu bảo:
- Anh không nghĩ sao hết. Theo anh
thì giá trị con người không hẳn chỉ đo lường ở trình độ học vấn mà còn tùy thuộc
ở tư cách và căn bản đạo đức của mỗi người.
Những chứng chỉ hay văn bằng ở trường học chỉ có giá trị thực tế đối với
quần chúng xã hội chớ không quan trọng ảnh hưởng gì cho tình yêu đôi lứa hay hạnh
phúc gia đình. Hơn nữa, bể học mênh
mông, điều mình biết chỉ là một giọt nước, biết đâu là tận cùng, biết đâu là
dang dở, có ai dám tự hào mình là thần thông bác học, mình biết một thì người
ta biết mười, mình giỏi thì có người giỏi hơn.
Anh yêu em, điều anh cần ở em là tình yêu của em cũng như sự thủy chung
son sắt chớ không phải là những mảnh bằng hay một trình độ học thức cao. Và điều anh hằng ước ao là mai sau em sẽ là một
người vợ hiền cho anh những chuỗi ngày ấm êm hạnh phúc là anh đã thỏa mãn mừng
vui lắm rồi.
Và chàng nhìn cô cười
trêu nói tiếp:
-Anh hùng còn không ngại xuất xứ. Em chỉ có làm nội tướng vợ hiền thôi mà lo gì
không đủ trình độ. Thật ra, anh nghĩ con
người ở đời không ai tài giỏi hơn ai, hơn kém nhau chẳng qua ở số mệnh, ở chỗ
may mắn, tốt số hay được thời hơn mà thôi. Người ta nói “Hay không bằng hên”
mà. Thử cho một anh phu xe sinh ra đời dưới một vì sao thiên tử xem anh ta có nối
ngôi trời hay không cho biết và ngược lại một ông tiến sĩ hay thạc sĩ nào đó nếu
lỡ vận thất thời thì tài năng cũng đành chôn vùi mai một, không làm sao thi thố
phát triển được với đời. Nhưng giỏi hay
dở, được thời hay không, ai rồi cũng chết, mà chết rồi thì ai cũng như ai, cũng
trắng tay cũng thành cát bụi cũng vào hư vô.
Một ý nghĩ trêu ghẹo
chàng chợt lóe lên trong trí. Cô bật cười
nói :
- Nói tới phần số, em vừa chợt nghĩ,
số anh nếu không đi tu từ nhỏ thì bây giờ không biết anh sẽ là gì đây nữa? Để em nghĩ coi, chắc anh cũng đi lính, cũng
ngang dọc bốn phương, vẫy vùng tám hướng như ai và cho tới bây giờ thì chắc
cũng thành một quan lớn, sơ sơ cũng ba mai vàng lấp lánh trên vai áo và một đám
đệ tử trung thành dưới tay. Hoặc biết
đâu còn hơn thế nữa, không chừng dám là người hùng của dân tộc tiếng tăm lừng lẫy
nên có cả lô con gái vây quanh nhưng chắc chắn là không có em trong đó đâu nhé
vì em rất biết thân, em không mong và cũng không ham gì được người hùng chiếu cố. Em chỉ mong có một người chồng biết thương em
chân thật dù người ấy chỉ là một kẻ tầm thường, tốt nhứt là tầm thường để không
có ai chen vào giành giựt để em được sống một đời yên vui. Nhưng anh đừng nghe nói làm người hùng mà
ham, theo kinh nghiệm sách vở em đọc thì anh hùng nào rồi cũng sẽ tới hồi mạt vận. Ai cũng chỉ có một thời, có lên thì phải có xuống,
mà lên cao chừng nào thì té nặng chừng nấy, và khi té xuống rồi thì đừng hòng
có “em” nào chịu ở bên cạnh, nói cho mà
biết. Họa may chỉ còn có bà vợ già chịu
nghĩ tình xưa ở lại làm bậu bạn mà thôi.
Rốt cuộc chỉ là người hùng cô đơn, thê thảm lắm đó anh biết không?
Chàng nhăn nhó cười
khổ:
- Thì anh đâu có ham, thật sự anh chỉ
là một người tầm thường, là người chồng tầm thường trong mộng của em đó
mà. Tự dưng em đạo diễn anh thế này anh
thế nọ, từ lính quèn lên tới quan ba quan tư, rồi từ một người hùng oanh oanh
liệt liệt xuống dốc thành một ông già tội nghiệp hết thời, đưa anh lên núi cao
rồi đẩy anh xuống thung lũng, vợ hiền gì mà “ác ôn côn đồ” quá vậy.
Rãy rãy cho ráo nước
những viên sỏi vừa chọn được bỏ vào túi chàng, cô vừa cười hăng hắc đáp:
- Em đâu có nói em là vợ hiền. “Vợ hiền” đúng nghĩa không phải chỉ là nhu mì
hiền thục mà còn phải đảm đang giỏi giắn, giúp ích được cho chồng. Em không biết tiêu chuẩn “vợ hiền” của anh là
thế nào. Em sợ anh sẽ thất vọng vì em chẳng
có gì hay ho tài giỏi, lắm khi còn rất khó chịu nữa là khác. “Nắng không ưa,
mưa hỏng chịu, kỵ gió ghét mùa sương” là em đó.
Và thấy em hiền vậy chớ không ngoan đâu.
Với em chuyện gì cũng phải công bằng, hợp lý hợp lẽ thì em mới phục. Anh nhắm có chịu được em không, nếu không thì
lo sang số de đi là vừa.
- Được chớ sao lại không em? Làm gì mà áp đảo tinh thần anh em quá vậy. Anh đâu khó khăn đòi hỏi vợ anh phải thế này
thế nọ. Mình không là vĩ nhân cho đời ca
tụng, cũng không thể là thánh để người noi theo thì ít ra cũng phải là một người
chồng gương mẫu, một người chồng tuyệt vời cho gia đình được hạnh phúc. Dù em thế nào đi nữa, anh nghĩ rằng anh cũng
có thể chìu em được, bộ em không biết là anh cưng em lắm sao mà còn dọ dẫm hăm
he dữ vậy?
- Biết chớ nhưng em chỉ sợ anh chỉ
nghĩ tốt nghĩ đẹp về em thôi rồi sau này anh sẽ thất vọng nặng nề.
- Không đâu em, con người ai lại
không có những thói hư tật xấu. Anh cũng
có nhiều khuyết điểm lắm đó. Nhưng một
khi đã tình nguyện sống chung với nhau thì phải bất chấp cái hư cái dở của người
mình yêu. Đã yêu nhau thì lo gì không
chìu nhau hoặc sửa đổi cho nhau được hở em.
- Nói thì hay thì dễ nhưng lý thuyết
thường không đi đôi với thực hành. Khi
vào cuộc, va chạm với thực tế rồi mới bật ngửa, mới thấy là không dễ dàng như
mình đã nói. Nếu ai cũng yêu cũng chìu
được cái xấu của người mình yêu khi đã thành vợ thành chồng thì chắc đã không
có cái câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” đâu anh à.
Cô liếc nhìn chàng
mĩm cười rồi nói tiếp:
- Nhưng em hy vọng trường hợp mình là
ngoại lệ nên rồi đây đời sẽ càng vui chớ không phải “đời mất vui khi đã vẹn câu
thề” phải không anh?
Chàng ngừng tay nhặt
sỏi, đứng thẳng người lên vặn vẹo cho dãn lưng vừa trả lời:
- Vậy chớ sao em. Theo anh, cái câu “tình chỉ đẹp khi còn dang
dở” đó có vẻ là để an ủi những cuộc tình bất hạnh không thành hoặc chỉ thích hợp
cho những tâm hồn lãng mạn không thực tế, yêu mà không muốn gánh lấy trách nhiệm
hậu quả, hoặc chỉ yêu nhau qua đường mua vui chớ không thực tình nghĩ đến chuyện
hôn nhân xây dựng. Nếu đã biết “Hôn nhân
là mồ chôn ái tình” thì mình phải làm sao để tình yêu đừng bị hủy hoại chôn vùi
vì những bổn phận nhọc nhằn trong đời sống hôn nhân, hay vì những thói hư tật xấu
phơi bày sau khi đã cùng người mình yêu chung sống. Mình vẫn có thể là người tình muôn thuở của
nhau dù khi đã đóng vai trò người chồng người vợ trong gia đình để tình yêu trường
tồn bất diệt, đẹp mãi như buổi ban đầu.
Hạnh phúc là do ở mình, mình phải biết tạo ra nó, nắm lấy nó, gìn giữ nó
chớ nó đâu tự động tìm đến với mình phải không em?
- Em cũng nghĩ vậy nhưng anh còn thêm
một vai trò nữa, vai trò làm thầy em, anh quên rồi sao? Chà, tội nghiệp anh của em quá, mới tính sơ
sơ mà coi bộ muốn “bứt gân” rồi.
Cả hai nhìn nhau cười
ha hả làm giựt mình ngơ ngẩn cỏ cây.
Chàng nắm tay cô chạy bay lên bờ, gieo mình xuống tấm vải nhựa đã trải sẵn
lúc vừa mới tới. Trời xanh biêng biếc lảng
đảng những cụm mây trắng bềnh bồng trôi phiêu bạt. Một cơn gió lướt qua lay cành cây xào xạc buông
rơi những chiếc lá chết bình yên trên thảm cỏ với giấc ngủ muôn đời. Tiếng chim lao xao trên cành, tiếng gió vi vu
reo hòa với tiếng suối róc rách chảy cho đôi
nhân tình có cái cảm tưởng thoát tục, quên đi bao nhiêu phiền nhiễu đa
đoan của cuộc đời.
Ước chi đời không bị vật
chất buộc ràng, không có cuộc sống phải vật lộn đua chen, không có xã hội phải
hội nhập hòa mình để hai người được ngồi đây với nhau mãi mãi để nghe suối reo
chim hót, nghe rừng nhã nhạc thiên thu, nghe tình yêu bất tận trong lòng như thủy
tổ loài người thuở sơ khai trong vườn địa đàng đã một thời được hồng ân tận hưởng. Nhưng con người một khi còn phải ăn phải uống
để sinh tồn và còn cần những nhu cầu vật chất khác để thích nghi ứng phó với cuộc
đời thì không thể nào chỉ sống với thiên nhiên, tách rời xã hội, quên đi thực tại
của mình. Cô phải nghĩ đến việc đi làm
và chàng thì phải học cho xong cái mảnh bằng cử nhân để mai đây có thể đứng vững
với đời và không bị xã hội ruồng rẫy chê bai.
Chàng trút hết những
viên sỏi trong túi áo ra và bỏ vào cái bao nylon mà cô vừa lôi ra hai khúc bánh
mì chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Đặt vào
tay cô, chàng nói :
- Đây cưng, những viên sỏi tình của
cưng đây, vừa lòng chưa? Em định giữ
chúng cho đến bao giờ? Đến ngày anh về
như tóc em đã để chờ anh vậy à?
Cô gật đầu, kéo mái
tóc đã dài nửa lưng qua một bên về phía trước, mân mê từng lọn trong tay cười e
ấp. Chàng nhoài người tới đặt vào nắm tóc trong tay cô một nụ hôn nồng nàn, thì
thầm bảo:
- Rồi anh sẽ về cho tóc thôi buồn,
cho đá thôi đau, cho em thôi khóc, cho chúng mình bên nhau.
Lời tình tự ấy chẳng
khác nào một lời ước hẹn đá vàng sắt son cho cô, kẻ đợi chờ nhưng sao cô vẫn cảm
thấy một nỗi bất an nào đó hình như cứ lảng vảng đè nặng trong tim. Lời má khuyên bảo cô chẳng hề quên. Ngày về của chàng còn xa lơ xa lắc, có ai dám
chắc rằng thời gian sẽ mãi mãi đậu lại trên môi. Lưỡi vốn không xương, uốn xuôi lật ngược dễ
dàng nên mấy ai dám bảo đảm rằng những lời thệ hải minh sơn kia sẽ như biển cả
núi cao bất di bất dịch tồn tại đến muôn đời.
Biết đâu một ngày buồn nào đó, cô chẳng nhận được một lá thơ ngắn ngủi
đoạn tình của người cô yêu cô đợi. Trên
đời chuyện gì cũng có thể xảy ra và xảy ra một cách không ngờ. Như chàng, một tu sĩ với gần hai mươi năm khắc
khổ tu trì đã bất ngờ đến với cô, yêu cô thắm thiết thì cũng có thể bất ngờ ra
đi quên cô hững hờ. Chừng đó chắc cô chỉ
biết khóc và lại đem định mệnh ra mà oán trách đổ lỗi. Viễn tượng ấy bi đát ấy bất chợt hiện ra
trong đầu óc cô khiến cô không ngăn được tiếng thở dài. Chàng nhìn cô ngạc nhiên gạn hỏi :
- Có chuyện gì mà đang vui với anh bỗng
nhiên em lại thở dài thườn thượt như vậy?
Cô lắc đầu nói trớ đi
:
- Không gì đâu anh, em nghĩ tới vài
hôm nữa phải về, em lại xa anh nên cảm thấy buồn vậy thôi.
Chàng chắt lưỡi rầy
rà:
- Em sao, hay lo xa quá. Hôm nay vui được thì cứ vui, buồn hờ làm gì
những chuyện ngày mai chưa tới. Em buồn
rồi có khỏi xa anh hay không? Đời còn
nhiều khổ đau và thử thách, em cứ bi quan yếu đuối như thế thì làm sao có thể
chống chỏi đương đầu. Em phải tập vui vẻ
lên, hãy “quẳng gánh lo đi và vui sống” để anh được vui lây, để anh được yên
lòng. Đừng chán nản u sầu trước cảnh tàn
rụi của mùa đông giá rét mà hãy tưởng tượng đến lúc xuân về, cây khô lại đâm chồi
nẩy lộc, oanh yến lại họp đàn ríu rít hoan ca.
Và thay vì cứ buồn rầu nghĩ đến
chuyện chia ly xa cách, sao em không thử vẽ vời phác họa lên một tổ ấm tương
lai của chúng mình, một mái nhà xinh, một mảnh vườn muôn sắc mà rồi đây nơi đó
đi về chúng mình sẽ mãi mãi có nhau.
Nghe chàng nói, cô gượng
cười gật đầu đáp:
- Em sẽ rán nghe lời anh. Mai mốt đi làm, thay đổi hoàn cảnh chắc em sẽ
bớt bi quan. Suốt niên học vừa qua, em
thật khổ sở vô cùng, cảnh cũ tình xưa, vào trường em chỉ tổ nhớ anh thêm, lời
thầy như mây bay gió thoảng, bao nhiêu cố gắng cũng chỉ thành công dã tràng.
Chàng bỗng buột miệng
bông đùa :
- Chà em ra đời sớm, mai mốt chắc
khôn hơn anh, kinh nghiệm nhiều hơn anh, chắc em làm “thầy đời” anh quá.
Cô phì cười lắc đầu bảo
:
- Thôi không được đâu. Người ta hay ghét, hay chưởi những kẻ ham làm
tài khôn, làm thầy đời lắm. Em mà làm thầy
đời anh, anh ghét em sao. Điều em mong mỏi
là sau này anh đừng độc quyền độc đoán, anh chịu nghe em là được rồi. Em công bằng lắm, không có ăn hiếp anh như mấy
ông bề trên “khẩu Phật tâm xà” đó đâu.
- Em chơi khôn à. Bắt anh phải nghe em tức là em độc tài rồi chớ
gì nữa. Mà thôi cũng được. Ai biểu anh thương em làm chi. “Một câu nhịn, chín câu lành”, miễn là đừng
ai nói anh sợ vợ thôi, anh sẽ nghe em hết mình cho yên nhà yên cửa, cho cơm
lành canh ngọt, em vừa ý chưa?
Cô nhướng mắt hỏi vặn
:
- Thật không đó? Anh nói thì phải nhớ đó nghe.
Chàng đưa ngón tay trỏ
ra móc vào ngón tay cô vừa nói vừa cười :
- Nè, ngoéo tay đi cho em tin.
Cả hai ngoéo tay nhau
thật chặt và cười lên khanh khách. Cô cơ
hồ quên mất đi cơn buồn chợt đến lúc nãy.
Cuộc du ngoạn lại được tiếp tục trong sự vui vẻ lúc đầu. Hai đứa ăn trưa, đùa giỡn và thong dong ngắm
trời ngắm đất, không còn nhớ gì đến thế giới ồn ào bận rộn ngoài kia.
Buổi chiều trên đường
về, chàng và cô ghé qua nhà thờ Bình Triệu vào viếng Đức Mẹ Fatima. Đền thờ không nhằm ngày lễ nên vắng khách
thưa người, chỉ thấy rải rác ở vài băng ghế một vài tín đồ ngaon đạo với tràng hạt trong
tay đang lâm râm cầu nguyện. Vì thói
quen, vì sùng bái hay vì khổ đau cần tìm ủi an xoa dịu. “Năm xưa trên cây sồi,
làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúc Trời, hiện ra uy linh sáng chói…” Ngày nay hình ảnh Mẹ vẫn linh động uy nghi
qua tượng tạc và còn sáng chói vang vọng mãi trong tâm tưởng, trong đức tin của
con người vì Mẹ là Mẹ hằng cứu giúp, Mẹ muôn đời nhân ái hiển linh.
Rời thánh đường, hai
người đi lần ra bờ sông dạo mát. Gió chiều
nhè nhẹ hiu hiu cho giòng sông yên bình
xuôi chảy, cho lòng người lắng xuống những mệt mỏi rã rời sau một ngày
miệt mài quần quật mưu sinh. Vài đôi
nhân tình đã có mặt nơi đây, trong bóng tà dương lảng đảng, tay choàng vai nhau
ấu yếm, tình tự thì thầm. Mặt trời đang
chầm chậm xuống thấp, từ vàng chuyển sang đỏ rực rồi tím thẫm cho những tia nắng
cuối cùng biến thành muôn hồng nghìn tia làm lộng lẫy cả một góc trời. Giây phút huy hoàng của một ngày là đây, rực
rỡ để rồi tàn tạ, bừng lên để rồi lịm tắt như thời cực thịnh vàng son của các đế
quốc xa xưa trước giờ tàn vong sụp đổ.
Nắng tắt! Ngày tàn cho đôi lòng ngậm ngùi bao nuối tiếc,
nuối tiếc những ngọt ngào yêu đương gắn bó của một ngày hạnh phúc êm đềm bên
nhau. Ngày nào cũng mặt trời mọc rồi mặt
trời lặn, cũng sáng cũng chiều nhưng chẳng phải chiều nào cô với chàng cũng được
có nhau. Chiều nay vai kề vai bên nhau
sánh bước, bên bờ sông cùng ngắm bóng chiều. Những chiều sau tiếp thì còn đâu nữa,
cô với chàng thẫn thờ chiếc bóng, kẻ giang đầu người giang vĩ, nhìn chiều xuống
mà thương nhớ bâng khuâng, mơ vạn chiều nắng rụng thôi xa chung đời.
Làm sao xem được chương 14. Đã đọc được truyện này nhiều năm trước, may mắn giờ tìm lại và đọc lại vẫn hay. Nhớ nhiều về phương trời cũ này nhiều lắm. Nhớ và biết các Frere trong truyện vì đã ở nội trú năm 1966 1969truoc khi chuyển về Taberd Saigon. Thắm thoát đã hơn 55 năm rồi.
ReplyDelete