Tuesday, May 6, 2014

Hiện tượng Vô Ý Thức Của Người Việt Hải Ngoại Vì Định Kiến Và Mù Quáng


HIỆN TƯỢNG SUY ĐỒI 
TRONG VĂN HÓA VIỆT TẠI HẢI NGOẠI.

Từ ngày xa quê, người Việt Hải Ngoại, nói chung, đều nhận thức được bên cạnh nhu cầu Bảo Vệ Văn Hóa Việt tại hải ngoại, còn một nhu cầu rất quan trọng trong đời sống tinh thần: Nhu cầu Gặp Gỡ, Kết Giao, nhằm chia vui xẻ buồn với nhau cho cuộc sống đỡ buồn tẻ, khô khan, hoặc để thực hiện một chương trình nào đó, hoặc để yểm trợ những người Dân Oan đang bị đàn áp tàn khốc tại Việt Nam.

 Một số người thích làm chính trị, lại thực hiện những tổ chức có tính cách chiến đấu chống Cộng Sản, đòi Tự Do, Dân Chủ tại quê nhà. Ngoài các tổ chức Ái Hữu trên, có những tổ chức thuần chính trị muốn phục hồi chế độ cũ, hoặc muốn quang phục quê hương.

Từ nhu cầu đó mà các hội đoàn ái hữu ra đời: ái hữu đồng môn, ái hữu ngành nghề, ái hữu lớp (khóa) học, ái hữu đơn vị phục vụ, và ái hữu đồng hương, người cùng tỉnh trước 1975. Các tổ chức Xã Hội Dân Sự này được hình thành tại tất cả các tỉnh có nhiều người Viêt Nam.

Trên nước Mỹ, các tổ chức này được tìm thấy tại California (581,946), Texas (210,913), Washington (66,575), Florida (58,470), Virginia (53,529), Georgia (45,263), Massachusetts (42,915), Pennsylvania (39,008),  New York (28,764), và Louisiana (28,350). Trong tất cả các nơi trên, California đông hơn cả, có lẽ vì khí hậu ở đây không nóng quá hay lạnh quá như các tiểu bang miền Bắc hay cực Nam. Và cũng vì nơi đây đông người Việt nhất, nên những vấn đề phức tạp cũng xẩy ra nhiều nhất.

Điển hình là đa số các hội ái hữu đã chia hai hoặc ba, tuy cùng lý tưởng, cùng nguồn Mẹ, cùng mục tiêu nhưng những tranh chấp, tranh cãi hầu như không bao giờ ngừng nghỉ. Lợi dụng sự Tự Do của xứ sở tại, các phe cùng xuất xứ đó tấn công nhau dữ dội nhiều khi còn dữ dội hơn là chống Cộng Sản, những kẻ đã làm cho họ phải lưu vong, bỏ mồ mả cha ông, gia đình, vợ con mà trốn đi. Các bên đối phương dùng mọi phương pháp, tiện nghi như báo chí, radio, truyền hình, và khoảng thập niên nay, dùng Internet để lăng nhục đối thủ, hoặc chụp mũ đối thủ bằng đủ loại mũ. Mũ “Thân Cộng, Tay sai Cộng Sản”, “Việt Gian”, "Hòa giải cuội", “Việt Cộng nằm vùng” được sử dụng nhiều nhất. Người ta có thể bịa ra nhiều chuyện động trời, đặt chuyện nói xấu cả người phối ngẫu của đối thủ, nhằm “giết chết” đối phương mà không cảm thấy xấu hổ với lương tâm.

Tất cả có hành dộng như bài văn lớp ba tiểu học ngày xưa, bài học mô tả "Người cỡi ngựa muốn giết con chó,  hắn hô to "Chó dại! Chó dại!" để người ta xúm vào dập chết con chó vô tội"

Nếu bình tĩnh nhìn vào các cuộc đấu tranh giữa các  hội Ái Hữu đó, người Việt tị nạn sẽ thấy ngay một nguyên nhân lớn nhất gây ra chia rẽ: “Chức Vụ Chủ Tịch”. Điều hay xẩy ra thường nhất, là sau khi hết thời hạn làm Chủ Tịch, người Chủ Tịch đương nhiệm muốn được lưu nhiệm, sẽ tìm một lý do nào đó, để tách ra, lập một Hội Ái Hữu khác. Tùy theo sự vận động ngầm, tùy theo lý do thành lập Hội mới, mà số thành viên của Hội mới đó, nhiều hay ít, đôi khi chỉ có lèo tèo vài người, nhưng cũng có trường hợp số người trong Hội thứ hai này lên đến cả trăm. Còn lại những trường hợp tách đôi, tách ba chỉ vì một vài quan niệm cá nhân khác biệt.

Sự việc “Ái Hữu Mà Không Thương Nhau” này diễn ra trong hầu hết mọi nơi, mọi tôn chỉ. Không chỉ các tổ chức lớn như Hội Cộng Đồng, có nhiều quyền lợi về danh tiếng cũng như về tài chánh, các hội ái hữu cựu quân nhân, ái hữu các binh chủng, và ái hữu cựu học sinh, sinh viên, hay các cộng đoàn tôn giáo cũng bể ra làm hai, hoặc ba mảnh. Thời gian sau này, với sự phát triển của Email, lại có sự chia rẽ của những “Group”, diễn đàn “ảo” cùng tên gọi mà đối địch với nhau. 

Cho đến hôm nay, năm 2014, tức là 39 năm sau ngày Saigon đổi tên, vẫn còn những sự chia rẽ dữ dội như thế. Trong một số cuộc bầu cử chọn Chủ Tịch, đôi khi xẩy ra những tranh cãi lớn tiếng, xô đẩy, giữa những người được gọi là “trí thức”, hay “sĩ quan cao cấp”. Một vài cuộc bầu cử lại có sự tham dự của các nhóm khác làm áp lực như trong cuộc bầu cử Chủ Tịch của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh trường A, lại có những hội viên của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh trường B đến la lối, chiếm “micro” để phản đối hay ủng hộ một ứng viên. Điều đáng ngạc nhiên là những người “quan trọng hóa vai trò Chủ Tịch” đó lại là những người có học thức và chức vụ cao, như Giáo Sư, Bác Sĩ, Cử Nhân, Tiến Sĩ, cựu Đại Tá, Trung Tá, Phó Tỉnh, Phó Quận, Tổng Giám Đốc, Giám Đốc…Trong các cuộc cãi lộn nhảm nhí dành chức Chủ Tịch đó, những nhân vật trong cuộc cãi lộn đã cư xử không khác gì những đứa trẻ thiếu ý thức, đã gọi đối phương là “Thằng, Con” như “thằng Dược Sĩ này, Con mụ Bác Sĩ kia, thằng Đại Tá, thằng chó chết Giáo sư cái con khỉ mốc..”

Thật đau lòng cho Văn Hóa và Lịch Sử Việt Nam hơn 4,000 năm Văn Hiến. Giả dụ như mà Tổ Tiên nước Văn Lang thức dậy, nhất định sẽ rơi lệ, khóc cho tình trạng suy đồi của Văn Hóa và truyền thống Tôn Sư, Trọng Đạo đã có từ ngàn năm nay. Một số người Việt đã mất đi ý thức “Tự Trọng” trong khi lại say mê quyền lực “ảo” là các chức chưởng trong các hội Ái Hữu. Nhiều người lẫn lộn giữa “quyền lực thực” và “hư danh”, giữa sự “Thay Mặt, Đại Diện” cho một nhóm người và “Chủ Nhân của quyền lực”. Thực tế, các chức vụ như “Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch, Kiếm Soát Viên, Hội Đồng Quản Trị” chỉ là những danh xưng được đặt ra cho một nhu cầu Gặp Gỡ và Trao Đổi giữa những người cùng quan điểm với nhau để dễ làm việc. Nhưng trong đại đa số các trường hợp tranh dành chức Chủ Tịch, người ta thường nhắm đến một mục tiêu là “quyền lực” và “danh vọng”. Họ cứ ngỡ rằng, với danh xưng Chủ Tịch, thì có quyền sinh sát, tuyển người này, đuổi người kia, quyền cầm micro trên sân khấu trong các buổi họp mặt, quyền được giới thiệu “Ông, Bà Chủ Tịch” lên phát biểu đầu tiên để nhận những tràng vỗ tay tán thưởng ầm ĩ. Những người “Bé Cái Lầm” này cứ nghĩ rằng mình là “Chủ” (Big Boss), mà không nghĩ rằng mình chỉ là một đại diện (Representative) mà thôi. Vỉ chẳng có thực quyền, nên trong thời hạn giữ chức chưởng đó, các thành viên có quyền “khai trừ” ông, bà Chủ Tịch tại bất cứ thời điểm nào. Với các thành viên trong tổ chức, cũng không có lực nào buộc họ phải tham gia cho đến hết đời cả. Thích thì đến, không thích thì rời xa. Họ cũng “Bé Cái Lầm” về bản Nội Quy, coi như đó là một bản Hiến Pháp của một nước. Nhiều vị cứ vin vào những điều mà chính họ đã thảo ra trong Nội Quy để bảo vệ chức vụ của mình. “Chỉ có tôi là Công Lý, Chính Đáng, Chính Danh, còn tất cả những người khác đều là những kẻ vô lại”, đó là câu thường thấy ở cửa miệng của cả hai đối thủ. Họ còn thiếu kiến thức khi không nhận thấy rằng tất cả các Hội Ái Hữu đó đều là “hội Cờ Tàn”, nghĩa là giống như một ván cờ, mà các quân Xe, Pháo, Mã đã chêt cả, chỉ còn vài con Tốt và Con Tướng! Một khi quân cờ đã chết, thì chẳng có gì thay thế. Các hội này sẽ từ từ tàn đi, khi danh sách hội viên đã chuyển sang báo chí thành danh sách Phân Ưu hay Cáo Phó. Hiện nay, những người trẻ nhất trong các hội đó cũng phải trên dưới 60, trung bình là 70, cao hơn nữa là 75, 80. Thế thì trong vòng 10 năm nữa, có bao nhiêu người chống gậy đi họp? Những tiếng nói, dù là qua “micro” sẽ phều phào, mất chữ. Những cánh tay giơ lên bỏ phiếu sẽ như là tay Robot, từ từ nhích lên, nhích lên…

Điều muốn nói trong bài này là kết quả trông thấy của những vụ việc tranh giành đó:

Sự xáo trộn cộng đồng, sự mất tin tưởng vào các tổ chức, vào Người Việt trên xứ người, và mất đi những cơ hội để chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ trong nước. Đau lòng hơn nữa, là Cộng Sản Việt Nam đã lợi dụng các cuộc tranh cãi này để tiếp tục đàn áp Dân Việt, công khai Bán Nước cho Tầu Khựa mà không ngại rằng các cộng đồng di tản có thể làm được điều gì để chống đối lại. Các vụ cưỡng chế đất đai, đuổi dân ra đường làm ăn mày vẫn đều đặn diễn ra, các vụ bắt bớ, quy chụp để nhốt người vẫn không ngừng tiếp diễn trên quê hương đang tan nát.

Thôi, biết nói sao nữa khi lòng người đã như vậy. Chỉ còn ngửa cổ nhìn trời mà hát bài Đêm Nguyện Cầu của Lê Minh Bằng: “Thượng Đế hỡi, có thấu cho Việt Nam này…” Cầu mong cho các ông, bà Chủ Tịch biết dừng chân, suy nghĩ lại và bắt tay đối phương, để tạo nên một cộng đồng vững mạnh, chỉ có một mục tiêu duy nhất Bảo Vệ Quê hương khỏi bàn tay sắt máu, bạo tàn của chế độ Cộng Sản.

Chu Tất Tiến, Tháng Tư Đen 2014.

No comments:

Post a Comment