Sunday, April 26, 2015

H.O. Ông Là Ai? - Huy Phương & Võ Hương An

Cây bút của Ông Robert L. Funseth, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, thương thuyết gia của chính phủ Hoa kỳ đã ký các văn bản với chính phủ Cộng Sản Việt Nam, giúp hàng nghìn cựu tù nhân chính trị được đến định cư tại Hoa Kỳ. (Tài liệu của Bà Khúc Minh Thơ)

Vào thập niên 90, trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, người ta quen thuộc rất nhiều với danh từ H.O. Đây là một đợt di dân vĩ đại, dành cho quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tập trung của Cộng Sản sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 được đến định cư tại Mỹ, qua sự thương thảo giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và chính phủ Cộng Sản Việt Nam.

Chúng ta không có con số chính thức, nhưng theo tài liệu của Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, có khoảng 350,000 người đến Mỹ theo các danh sách H.O.

Tuy phía Mỹ đã ấn định tiêu chuẩn của cựu tù nhân “cải tạo” được ra đi phải chịu cảnh tù đày tối thiểu là ba năm, nhưng về sau mua một cái giấy chứng nhận thời gian ở tù chỉ tốn vài ba chỉ vàng, nên cũng có những “H.O. non” và “H.O. quốc doanh” lọt vào. Nước Mỹ tuy vậy, không đủ khả năng gạn lọc hay truy tìm cho ra lẽ, bằng chứng là có những cựu tù nhân chính trị “hợp tác với địch đánh chết bạn tù” vẫn lên máy bay vào Mỹ ung dung. Người Mỹ cũng rộng lượng, người ta kể chuyện một “con lai giả” hay “lai Tây” cũng lọt sổ, vì viên chức phỏng vấn người Mỹ đã hóm hỉnh rằng,“Ồ! Chúng ta là người Mỹ cả mà.” Bỏ chế độ Cộng Sản ra đi được người nào hay người đó.

Đi vào văn chương thì đã có “Ông H.O.” của Hà Thúc Sinh nói về sinh hoạt của người tù chính trị trên đất Mỹ, “Hành trình của Một H.O.”của Đặng Trần Huân kể lại “đoạn đường chiến binh” qua các “bãi mìn và dưới hỏa lực” của các loại giấy tờ, tổ chức dịch vụ của nhà nước Cộng Sản. Vậy “ông H.O” là ai?” Phải chăng là cái ông áo quần tàng tàng, mặt mũi hom hem, buồn bã, thân thể gầy yếu, đi thì lúc nào mặt cũng cúi gầm xuống, hay đứng đợi chuyến xe bus trên tuyến đường Bolsa hay lượm báo Việt trong các khu chợ Việt Nam và những năm 90.

Ngày nay cái hình ảnh H.O. đó đã tan biến, hòa hợp vào trong nhịp sống thường ngày của cộng đồng Việt Nam, có còn chăng là năm ba ông H.O. nay đã đến giai đoạn dưỡng già, ngồi uống cà phê nói chuyện chiến tranh thế giới, chuyện Việt Nam hôm nay, hay nhẩn nha đứng mua cái vé loto luôn luôn với dòng chữ “cash value” vì chuyến tàu sắp đến ga, làm gì để có thời giờ chia món tiền trúng này ra trong một đoạn đường dài 28 năm.

Nhưng với những năm đầu của thập niên 90, H.O. là một phong trào, một hiện tượng, một biến cố, một đợt sóng lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Trước đây là chuyện di tản vào Tháng Tư, 1975, và sau đó là chương trình ODP, những làn sóng người Việt ngày đó dễ hòa tan nhanh chóng trong số đông, nhưng H.O. là một đợt di dân vĩ đại. Phố xá, chợ búa đông đúc hẳn lên, xe bus nhiều người đi hơn, các cơ sở xã hội làm việc không hết, phòng mạch bác sĩ, nha sĩ có hàng loạt người khách ngồi chờ, kinh tế Bolsa có chiều hướng đi lên thấy rõ.

Nhiều người sốt ruột vì lâu nay đi làm ăn vất vả, bỗng dưng có một số đợt người đến gặp lúc xã hội Mỹ dang tay rộng mở, giúp đỡ tới một năm trời trợ cấp, nhất là trợ cấp y tế, điều mà nhiều người đi làm khác cũng đang gặp khó khăn. Không phải ai cũng có liên hệ với chính quyền hay quân đội cũ và có người trong gia đình đã bị tù đày nên không khỏi có cái nhìn thiếu thiện cảm, thiếu rộng lượng với lớp người chưa du nhập vào đời sống Mỹ kịp thời. Trong khi nhiều nhà báo nhắc tới và ca tụng H.O. là những người chịu thiệt thòi đáng được cộng đồng tri ân, thì nhiều người lại cho rằng, “H.O. là gì? Chạy không kịp mới trở thành H.O.” Một bạn H.O. than với tôi, “Mình tàng tàng thì người ta nói “đúng là H.O.” Mình mặc được cái áo đắt tiền, đi cái xe đẹp một tí, thì người ta mỉa mai: “H.O. mà cũng sang nhỉ!”

Gia đình nào có thân nhân bảo lãnh thì đỡ hơn, số còn lại do các nhà thờ hay các hội đoàn bảo trợ, lãnh giúp tiền trợ cấp nhưng chỉ thuê giúp một cái apartment rẻ tiền, cho một bộ nệm cũ hay bộ bàn ghế chợ trời.
“Ơn ai một chút chẳng quên,” mình qua đây như vậy là tốt phước rồi. Chúng ta đã được nghe bao nhiêu chuyện than phiền về cách phục vụ thiếu thiện chí hay bắt bẻ, “ma cũ bắt nạt ma mới” của các cán sự xã hội mà gia đình H.O. nào cũng đã phải nhiều lần bước đến bàn giấy của họ. Các ông bà này bắt bẻ tận cùng, còn khó hơn cả cán sự xã hội Mỹ hay Mễ.

Tiện đây, cũng phải nhắc đến thiện chí của nhiều chủ nhân, nhiều khi muốn giúp đỡ đồng hương bằng cách bắt đầu thuê một số anh em H.O. làm việc trong các nhà hàng, cắt cỏ hoặc xây dựng nhà cửa, nhưng dần dà phải bỏ cuộc vì số anh em mới sang, sức lực đã bao năm hao mòn trong các nhà tù Cộng Sản, không năng động và dễ bảo như nhân công người Mễ, lại tính người Việt hay để ý đến công việc và thu nhập của nhà chủ nên dần dần bị đào thải. Nhiều ông chủ than phiền, “Anh em mình thích nghỉ trưa, hút thuốc nhẩn nha cả tiếng đồng hồ, lại hay thắc mắc về thu nhập của chủ, đem so bì với số lương của mình.” Bây giờ qua một thời gian gạn lọc, chỉ có một số anh em còn lại, chịu khó đứng làm việc trong chợ, giúp việc nhà hàng ăn, hay làm việc trong ngành xây cất, đã có đời sống ổn định.

Khoảng thời gian 1990-1998 là lúc các gia đình H.O. đến định cư ở Mỹ nhiều nhất, cung cấp nhân lực cho các dịch vụ chăm sóc người già, nuôi người bệnh, giữ trẻ tại các tư gia. Các gia đình H.O. hiện nay đã ổn định khi con cái của họ đã lớn khôn, cho ta thấy hiện nay kiếm người phụ việc nhà như ngày trước rất khó khăn. Một vấn đề xã hội khác, là vào những năm trước 1990, số thanh niên vượt biên nhiều hơn phái nữ, nên có tình trạng trai thừa gái thiếu trong cộng đồng Việt Nam. Những đợt gia đình H.O. đến Mỹ đã tạo được những cuộc hôn nhân tốt đẹp và điều hòa được vấn đề khó nghĩ này của xã hội di dân. Tục ngữ Việt Nam có câu, “Trời sinh voi, sinh cỏ,” nên trong giai đoạn anh em H.O. mới định cư tại Mỹ, nghề “nails” bắt đầu phát triển và thịnh hành đã đưa đến công ăn việc làm không ít cho nhiều gia đình di dân mới mẻ này, và với các đức tính “chịu khó, khéo tay, cần cù,” nhiều người đã có một đời sống khá sung túc.

Các gia đình H.O. đã cung cấp nhân công cho các shop may, người trẻ thì chạy máy, người già thì cắt chỉ, nhặm lẹ thì xếp hàng, đóng gói, mà cho đến giờ này vẫn còn đứng vững với thời gian. Đúng là “Trời sinh voi, sinh cỏ,” “ở xứ Mỹ này có nghèo chứ không có đói.” Các gia đình có chồng, cha đi “cải tạo,” đã biết cái khổ của bữa rau, bữa cháo, nên sang đây, phần lớn các gia đình này đều “chịu thương, chịu khó,” chẳng mấy chốc mà đã có một cuộc sống ổn định.

Tính từ người cựu tù nhân chính trị bước chân đến Mỹ vào năm 1990, đến nay đã được 25 năm. Hai mươi lăm năm, là thời gian dư để cho một em bé sinh ra trên đất Mỹ tốt nghiệp đại học. Riêng thành phần cựu tù nhân chính trị sang đây, mặc dù tuổi đã cao, tinh thần đã mệt mỏi, vẫn có người tốt nghiệp đại học với các học vị như Ph.D, Master, Bác Sĩ, Nha Sĩ... như một nha sĩ đã hãnh diện quảng cáo cho phòng mạch của mình là “Nha Sĩ H.O. 11” (đúng ra là H.11). Còn về sự thành đạt của con các “Ông H.O.” thì chúng ta phải có một cuốn sách mười nghìn trang loại “Vẻ Vang Dân Tộc” mới ghi hết. Có những gia đình H.O. ra đi chậm, mãi đến những năm 1994-95 mới đặt chân tới Mỹ, vậy mà có đến ba bốn người con đều đã tốt nghiệp nha sĩ, y sĩ hay dược sĩ, tiến sĩ. Lẽ cố nhiên, khoa bảng chưa đủ để nói tới điều gì ích quốc, lợi dân, nhưng ít ra những gia đình này cũng theo kịp những người đi trước để khỏi mang mặc cảm thua thiệt.

Mong rằng các em đã là những người thân có cha, anh là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, là những người đã có thời gian sống dưới chế độ này, đã biết nỗi khổ đau riêng của dân tộc mình, và chung của con người, sẽ có một lối sống và suy nghĩ cho xứng đáng với những sự hy sinh của cha anh và nỗi nhọc nhằn của cả dân tộc.


Huy Phương & Võ Hương An

No comments:

Post a Comment