Viết cho tháng Tư đen. Một câu chuyện có thật đã xảy ra trong quãng đời đau khổ xưa của tác
giả!
Mimosa Phương Vinh
Hồn
tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt
chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh
phu tử sĩ mấy người
Nào ai
mạc mặt nào ai gọi hồn.
Chinh Phụ Ngâm
Chinh Phụ Ngâm
Câu chuyện xảy ra rất nhiều năm trước khi tôi còn là một người đàn
bà trẻ. Sau khi Miền Nam mất vào tay cộng sản chồng tôi bị bắt đi học tập cải tạo
(đó là những danh từ mỹ miều mà họ đặt ra để đánh lừa mọi người chứ thật ra phải
gọi là đi tù mới đúng). Chồng đi tù, tôi về nương náu nhà cha mẹ với đứa con
gái chưa đầy hai tuổi và chẳng biết làm gì để sống.Tôi thử nạp đơn xin làm lại ở
một ngân hàng thì bị từ chối. Gia đình tôi thật bi đát.
Cha bị học tập cải tạo tại chỗ. Nhà có bốn người con trai thì đi tù hết ba người chỉ còn thằng em út mười hai tuổi và năm con gái chưa đứa nào có chồng trừ tôi có chồng đi tù. Chúng tôi sống nhờ sự lanh lẹ của mẹ dù trước kia cha là công chức mẹ chỉ làm việc nội trợ. Sau bảy lăm cả nhà thất nghiệp mẹ bắt buộc phải ra chợ, bắt đầu là bán đồ đạt trong nhà sau đó những người hàng xóm gởi đồ đạt nhờ bán giùm dần dần mẹ trở thành một người buôn bán chợ trời bất đắc dĩ.
Mẹ
tôi cũng chẳng được tự do để hành nghề, bởi mấy bà tổ trưởng, tổ phó trong xóm
gặp mẹ cứ nói xa nói gần những lời sặc mùi xã hội chủ nghĩa đại khái như bà
chưa chấp hành tốt đường lối của nhà nước ta nên còn mua bán linh tinh. Bà
không biết hưởng quyền lợi chính trị của nhân dân mà nhà nước đã ban nghĩa là
không chịu đi họp tổ dân phố mỗi đêm. Bà chưa biết giáo dục con cái tốt theo đường
lối của nhà nước vì con cái không đứa nào có việc làm.
Mỗi lần nghe bọn họ chiếu cố đến gia đình mình quá mẹ chỉ cười trừ rồi nói giả lả cho qua chuyện:
-
Tụi nhỏ cũng đang kiếm việc làm ngặt nổi lý lịch gia đình tôi không được trong
sạch nên cũng có đôi chút khó khăn.
- Bà không quán triệt đường lối của nhà nước,
nhà nước ta bao giờ cũng khoan hồng cả ai làm tội người ấy chịu. Các con
trai bà có tội với nhân dân thì phải đi
học tập cải tạo, càng học nhiều càng tốt chứ có sao đâu. Còn các con gái bà thì
không bị ảnh hưởng gì, mà nói bà đừng buồn chứ các cô ấy còn bị ảnh hưởng đời sống
phồn hoa giả tạo của Mỹ Ngụy nhiều quá cần phải được giáo dục.
Mẹ
tôi hỏi:
-
Bà nói vậy nghĩa là sao, các con gái tôi xấu xa thế nào mà cần giáo dục thêm và
ảnh hưởng đời sống phồn hoa giả tạo của Mỹ ngụy là gì?
-
Chẳng qua là lối ăn mặc của các cô ấy không phù hợp với thời buổi kinh tế mới
này.
Mẹ
tôi cười khẩy:
-
Bà muốn nói tới mấy cái quần tây tụi nó hay mặc đó hả. Thời buổi này vải vóc
khan hiếm không có việc làm lấy tiền đâu mà mua vải đen. Còn người Liên Xô, họ
cũng là nước xã hội chủ nghĩa mà đàn bà họ cũng mặc quần tây đó thì có sao đâu?
-
Họ khác mình khác.
-
Chẳng có gì khác cả cũng anh em với nhau thôi!
Mẹ tôi về nhà hay kể chuyện cãi lý với mấy trong hội phụ nữ cho chúng tôi nghe thì cha thường la rầy:
-
Mẹ con tụi bây nhiều chuyện quá. Còn bà coi chừng có ngày cũng vô nhà đá mà nằm
thôi trong gia đình này đi tù chừng đó chưa đủ hay sao? Ăn thua làm chi với bọn
trở cờ, gió chiều nào chúng theo chiều đó.
Cha nói đến ngôi nhà đá cổ của người Pháp xây từ lâu lắm rồi, sau năm bảy lăm chính quyền cách mạng trưng dụng để làm nơi thẩm tra và giam cầm những thành phần phản động trong phường ấp. Ai nghe đến ngôi nhà đá cũng rùng mình kinh sợ.
-
Ở ngoài này có hơn gì trong nhà đá. Bữa hôm đi thăm nuôi nghe nói
mấy đứa con phải làm trâu bò kéo cày lòng tôi đau đớn quá ông ơi. Tôi
đâu có muốn sống ngặt nỗi còn mấy đứa con gái, tôi chết thì tụi nó ra sao đây.
Thêm mấy đứa cháu nữa, khổ quá trời ơi là trời!
Rồi
mẹ khóc òa lên làm bọn tôi cũng khóc theo, cha chặc lưỡi:
-
Bởi vậy tôi mới khuyên bà là phải nhường nhịn chúng nó, sông có khúc người có
lúc bà ạ. Vận nước tang thương ai ai cũng khổ chứ có riêng mình đâu!
Tôi nhớ có lần theo mẹ ra chợ trời bán mấy cái áo dài, áo đầm không còn dịp để mặc nữa. Mẹ căn dặn tôi phải trông cho kỹ không thôi bọn gian sẽ đánh cắp và khi bán phải biết nói thách để họ mặc cả, tôi cứ nói giá mình muốn bán nên không ai thèm mua. Tôi đi theo mẹ được vài ngày thì bà kết luận:
-
Con thật thà quá không buôn bán được đâu!
Tôi
lại mắc cở cứ dấu mặt dưới nón lá nên mẹ khuyên:
- Không có gì phải xấu hổ, mình không đi ăn cắp
thì tại sao phải mắc cở.
Tôi
vâng dạ nhưng thấy làm sao ấy, mình đang lê la ở cầu thang chợ nơi mà ngày xưa
mình hay qua lại dạo chơi.
Tôi
ra chợ trời được vài lần rồi thôi vì mẹ nói tôi không có duyên bán hàng. Mẹ nói
cũng không đúng lắm vì sau này khi chồng đi tù về sinh có thêm một đứa con nữa,
tôi cũng phải lăn xả vào đời để nuôi hai con. Chuyện vợ người tù cải tạo của
riêng tôi còn cái đoạn hậu tràn đầy nước mắt ít ai bì kịp.
Khi chồng đi tù hơn một năm thì có lệnh của phường đưa xuống tất cả phụ nữ có chồng đang học tập cải tạo trong thành phố Đalat được làm đơn bảo lãnh chồng về, thật ra đây cũng là một trò trấn an và lừa đảo của bọn họ thôi mà sau này tôi mới hiểu bởi vì tám năm sau chồng tôi vẫn chưa về.
Chị em mừng rỡ rủ nhau qua phường làm đơn. Khai lý lịch cũng chẳng có chi là khó nhưng đến tiết mục so sánh đời sống của gia đình hiện nay với đời sống trước năm bảy lăm thì tôi bí. Tôi bèn hỏi ý kiến ông tổ trưởng viết làm sao cho chồng mau được về. Ông tổ trưởng nói:
-
Chẳng có gì là khó đâu cô cứ nói sự thật thôi!
-
Sự thật như thế nào hả chú?
-
Sự thật là như thế này gia đình tôi trước khi giải phóng rất khó khăn về kinh tế
từ sau giải phóng nhờ ơn đảng và nhà nước đời sống có phần dễ chịu, no ấm hơn
nhiều!
À ra vậy mà tôi ngu quá không hiểu. Trong buổi làm đơn bảo lãnh tôi quen chị Mai Linh cũng có chồng đi tù. Chị ăn nói có vẻ nhỏ nhẹ dễ thương, chị khuyên tôi nên vào tổ hợp thêu mà làm vì trong các tổ hợp họ không chú ý đến lý lịch, lương tiền không bao nhiêu nhưng tránh được những đôi mắt cú vọ của mấy bà phụ nữ trong xóm.
Trước năm bảy lăm tôi hầu như không biết ai nhiều vì nhà tôi ở trên một con đồi nhỏ khá xa với làng xóm bên dưới. Sau này khi vào tổ dân phố thì gia đình tôi phải sinh hoạt với mọi người trong xóm và trong những buổi sinh hoạt đó là những dịp tốt cho họ dòm ngó, phê bình. Có nhiều lần họ còn đề nghị cho gia đình tôi đi vùng kinh tế mới dù cha mẹ tôi có nhà cửa đàng hoàng và đã trú ngụ gần bốn mươi năm ở Đalat. Lần đó cha tôi phản ứng mạnh, ông nói thà chết chứ không bỏ cơ ngơi mà ông đã gầy dựng bao nhiêu năm cho người khác hưởng. Thấy cha cương quyết quá họ đành chịu thua.
Chị Mai Linh nói đúng, vào tổ hợp thêu rồi thì sáng sớm tôi đi tối mịt mới về nên không bị chú ý nhiều nữa. Tôi lại lấy cớ hàng ngày có hưởng quyền lợi chính trị trên tổ hợp rồi (họp hành!) nên thỉnh thoảng có thể từ chối quyền lợi ở địa phương.
Mỗi buổi sáng dậy sớm đón xe lam ra phố, chỉ cái việc dành một chỗ trên xe lam cũng quá khó khăn vì chẳng còn ai biết lịch sự hay lễ độ nữa. Mạnh ai nấy dành, mạnh ai nấy chen lấn nếu người nào lịch sự thì chỉ có nước đứng ở bến xe cả ngày.
Nhìn
xung quanh mọi ngườì đều không che dấu được sự nghèo đói, bần hàn. Từng khuôn mặt
biểu lộ niềm lo âu, khắc khoải trong khi đó chiếc loa phóng thanh gắn trên mấy
cái cột đèn cứ ra rả nói về thắng lợi của vụ mùa đông xuân, vụ hè thu. Giọng những
xướng ngôn viên gằn gằn từng câu ca ngợi xã hội chủ nghĩa, ca ngợi bác và đảng.
Lâu lâu tin tức ngừng lại nhường cho những
giọng ca với âm điệu the thé chói tai
trong mấy bài hát đượm mùi tử khí. Tôi còn nhớ bài Cô Gái Vót Chông với câu
“còn giặc Mỹ cọp beo có còn giặc Mỹ cọp beo” nghe mà phát khiếp. Họ có biết đâu
dân miền Nam đã chán họ đến đầu đến cổ, ngươì dân tìm an ủi hạnh phúc khi lén
nghe đài ngoại quốc và kể chuyện vượt biên.
Đi làm mỗi tháng được chưa đến 50 đồng mà tiền
xe lam đã gần 80 đồng rồi, nếu làm đủ sản phẩm thì được 12 ký gạo mua theo giá nhà nước. Tôi cố gắng làm
đủ chỉ tiêu để lãnh gạo phụ với mẹ tôi nuôi con, nuôi cháu vì anh em tôi đi tù
chị dâu cũng dẫn mấy đứa cháu nội về ở chung trong nhà. Mẹ tôi thỉnh thoảng còn
phải đi thăm tù nữa thật là đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Thành
phố Đalat là một thành phố du lịch nổi tiếng đẹp và thơ mộng bỗng trở nên héo hắt
với những dãy phố đóng cửa im lìm. Nhiều hôm đang đi giữa phố lòng tôi bỗng quặn
đau thương nhớ những ngày vui xưa. Còn đâu khu Hòa Bình với những chàng sinh
viên trường Võ Bị Quốc Gia hay Chiến Tranh Chính Trị trong y phục mùa đông màu
rêu đậm khi loài hoa quỳ bắt đầu thắp vàng trên những ngọn đồi trong thành phố.
Hàng cây anh đào ven hồ Xuân Hương trổ hoa hồng thắm và phiên chợ mùa đông dập
dìu tài tử giai nhân trên Domaine de Marie.
Phố
xá vui tươi nhộn nhịp với muôn ngàn màu sắc. Nữ sinh trường Bùi Thị Xuân hai má
ửng hồng trong màu áo len xanh dịu dàng. Nữ sinh trường Việt Anh với màu tím
hoa cà e ấp. Những thiếu nữ Lycée Yersin
với những bộ cánh Tây Phương sang trọng hợp thời. Học sinh nội trú Couvent des
oiseaux, Franciscan, Nazareth, Lasan D’ Adran, sinh viên trường Chính Trị Kinh
Doanh. Mọi người đổ xô ra khu phố Hòa Bình, Café Tùng, Mékong, nhà Thủy Tạ, đồi
Cù trong những ngày cuối tuần tạo cho Đalat một sắc thái đặc biệt Tây Phương mà
không một thành phố nào ở Việt Nam có được.
Bây
giờ không còn gì nữa cả. Một số người may mắn đi nước ngoài, một số nằm trong
nhà tù. Đalat trở nên đói nghèo, khốn cùng. Cầu thang chợ lầu trở thành tụ điểm
của dân chợ trời, mọi người rủ nhau ra đó để mua bán kiếm ăn qua ngày. Công an
xua đuổi nơi này họ chạy đi nơi khác, họ trở nên lam lũ, tội nghiệp không sao tả
được. Tôi đi qua phố Đalat nghèo nàn, héo hắt đó mỗi ngày và nhiều lần tôi phải
cúi đầu để dấu giọt nước mắt xót xa thương cho thành phố quê hương, thương cho
thân phận bất hạnh của mình.
Tôi
nhớ thành phố xưa
Đôi ta qua nhiều lần
Nắng vàng trong phố ấm
Ôi thương thuở đời xanh.
Trong
tổ hợp đa số chị em có chồng đi tù cải tạo hoặc những học sinh, sinh viên học
hành dang dở hoặc có lý lịch xấu nên không tìm được việc làm tốt. Trong đó cũng
có thành phần theo cách mạng lập trường vững vàng, trung thành với đảng, nhà nước
tuy nhiên đa số có chút chữ nghĩa nên dù sao cũng khá hơn thành phần tạp nham ở
phường ấp.
Sau này nghĩ lại thờì kỳ đi thêu tôi mới thấy rằng không xã hội nào bóc lột sức lao động bằng xã hội chủ nghĩa. Làm việc một tuần sáu ngày, tiền lương một tháng không đủ để uống hai ly sữa đậu nành mỗi ngày. Tôi không hiểu sao mình có thể sống sót được trong cái môi trường eo hẹp, thiếu thốn đó cho đến được ngày thoát ra được. Phải công nhận quả thật con người có một sức chịu đựng vô cùng phi thường.
Một
ngày kia phòng công thương nghiệp đưa chỉ thị xuống cho các tổ hợp phải thi đua
công tác lao động xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi góp tiền mua dây khoai lang, đọt
mì để đi khai đất trồng trọt (đúng là nghèo mà gặp cái eo). Vùng trồng trọt hoa
màu khá xa ở khu rừng dưới thác Prenn. Nơi đó có những cánh đồng tranh hoang
vu, đất khô như đá đang chờ những cánh tay yếu ớt của chúng tôi biến thành vùng
hoa màu tươi tốt! Khoai sắn đó sẽ là của tất cả chúng tôi, ăn không hết thì đem
bán hay đổi thực phẩm khác và những đợt thi đua lao động đó sẽ biến chúng tôi
thành những con ngươì tốt đẹp của xã hội mới vân vân và vân vân.
Bao
nhiêu là danh từ hoa mỹ, bao nhiêu ý kiến rồi tập hợp đọc diễn văn, giăng biểu
ngữ, rồi hoan hô vang dậy trời đất. Nhất trí. Nhất trí. Cuối cùng kéo nhau đi
vào trong chân núi trồng khoai sắn cho
lũ heo rừng phá vì trồng trọt mà không có ai trông nom thì làm sao thu hoạch được.Tuy
nhiên điều đó chẳng nên bận tâm, miễn có bằng cớ báo lên cấp trên là được, rồi
cấp trên sẽ báo cho cấp trên nữa. Kết luận hợp tác xã, tổ hợp ngoài việc thi
đua làm hàng xuất khẩu còn tranh thủ trồng hoa màu để cải tổ đời sống thêm no ấm.
Một đám đàn bà, con gái nói cười inh ỏi trang
bị nón lá, giày bata quần vải ú đen, cuốc thuổng và gô đựng cơm trưa đi qua phố
Hòa Bình làm cho mọi người đứng lại ngơ ngác nhìn. Trông chẳng giống ai. Vài ba
câu chửi bới vu vơ, vài ba lời mỉa mai trò hề của bọn muốn lập công nên vẽ chuyện
hành người. Nếu dùng hai tiếng lao động thì ngồi trước khung thêu cũng là lao động
rồi đâu cần phải vác cày, vác cuốc đi vào rừng mới là lao động thật sự. Ở đời
người làm việc nọ, kẻ làm việc kia chứ. Tuy nhiên nếu có ai đưa ra ý kiến thì sẽ
bị kết tội phản động, đi ngược lại chính sách của đảng đề ra. Cho nên mọi người
chỉ còn cách là im lặng cho đời sống dễ dàng hơn.
Khi xuống hết dốc Prenn rẽ
vào con đường đất đỏ dẫn vô rừng thì đám đông thưa dần vì kẻ trước, người sau
không còn hàng ngũ nữa. Tôi và Hương, người bạn gái nhỏ hơn tôi đi hơi chậm nên
khi vào sâu trong rừng thì ngó trước, nhìn sau chỉ còn hai chị em vừa đi vừa trò
chuyện.
Buổi sáng trong rừng thật tuyệt vời. Không
khí trong lành, mát dịu thoảng thoảng mùi thơm lá thông và những loài hoa dại
không tên, gió thổi nhè nhẹ trên ngọn cây, lá cỏ và nắng buổi sáng óng ả chan
hòa trên vạn vật. Ai đã từng ở Đalat, đã từng đi dạo trong những buổi sáng nắng
ấm, từng đắm mình trong cái không gian vàng óng như tơ, không khí mát lạnh hiền
hòa của vùng cao nguyên trong khi bên tai là tiếng rì rào bất tận của ngàn
thông trong mới cảm nhận được cái đẹp tuyệt hảo nơi thành phố du lịch này. Tôi
và Hương trong giây phút như tạm quên đi nổi đày đọa của đời sống hiện tại.
Rừng thông bao la tắm mình trong nắng lụa, tôi ngửa mặt thở thật sâu không khí
trong lành rừng núi và hạnh phúc bất chợt đến trong phút giây không hẹn:
- Buổi sáng đẹp quá chị nhỉ?
- Thật là tuyệt vời. Hai đứa mình cứ tà tà
rồi đến đâu hay đó hơi sức nào mà vội vàng, dễ gì hưởng được một buổi sáng đẹp
như hôm nay.
Hương gật đầu tán thành:
- Ðường nào cũng đến La Mã.
- Ðường nào cũng đến lao động là vinh
quang chứ!
Chúng tôi cười phá lên thật thoải mái vì
xung quanh chẳng có ai cả. Chúng tôi oang oang chuyện trên trời dưới đất cho
đến một khúc quanh con đường bỗng mở rộng ra và bên ven đường ngỗn ngang những
thân cây to nằm la liệt vì người ta hạ cây mà chưa kịp chuyên chở đi.
Ðang
vui câu chuyện chợt nghe tiếng nói cười nói ồn ào của một đám đông nào sau
lưng. Có người đồng hành trên quãng đường vắng này cũng hay tuy nhiên không ai
bảo ai chúng tôi đều hạ giọng thấp xuống, đám đông càng lúc càng đến gần hơn, họ
trò chuyện ầm ĩ và toàn đàn ông vì tôi không nghe giọng nữ. Chắc một tổ hợp tác nào cũng đi lao động, tôi và
Hương cố gắng đi nhanh hơn, khi đến gần chúng tôi vài người trong số họ buông lời
trêu ghẹo bâng quơ:
-
Đi đâu mà vội mà vàng …
Tôi
không dám quay lại vì dù đã có chồng, có con nhưng cũng không tránh khỏi sự ngượng
ngùng với những người khác phái nhất là họ rất đông. Họ không ngớt bàn cãi những
vấn đề nào đó, lúc cười đùa vang trời, lúc giận dữ la lối om sòm. Tôi nghĩ rằng
họ rất trẻ.
Khi
đám đông phía sau đến rất gần chúng tôi, gần đến độ tôi có cảm tưởng rằng chân
họ sắp dẫm vào gót chân mình thì không hẹn trước tôi và Hương cùng dừng lại và
đứng qua một bên để nhường lối cho họ. Tôi cũng tò mò muốn biết họ thuộc tổ hợp
nào, già trẻ lớn bé như thế nào mà ồn ào dữ vậy.
Nhưng
thật là bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi và Hương, phía sau chúng tôi chẳng
có ai cả, chỉ là con đường đỏ quạch trống vắng giữa khu rừng xạc xào tiếng gió.
Chúng tôi thảng thốt nhìn nhau, khuôn mặt Hương trở nên trắng bệch, hai con mắt
thất thần hoảng hốt, đôi môi giật giật một cách kỳ lạ. Còn tôi nổi gai ốc khắp
người và cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dài xuống xương sống. Chúng tôi nắm
chặt tay nhau, một sự im lặng đột ngột bao trùm xung quanh hai đứa. Tiếng trò
chuyện nãy giờ vẫn theo gót chúng tôi đã im bặt.
Giọng
Hương run run:
-
Họ đông lắm mà, họ đâu cả rồi!
Tôi
ú ớ:
-
Không biết nữa, chị nghe họ gần sát chân mình nên tránh ra cho họ vượt lên.
-
Em cũng vậy, họ còn chọc ghẹo tụi mình nữa chị có nghe không?
Tiếng
tôi như tắt nghẹn:
- Dĩ nhiên cũng nghe như Hương vậy, có một người
nói giọng Huế.
- Em nghe giọng Bắc nữa, có tiếng những người
Nam càu nhàu điều gì đó.
Tôi
nói tiếp:
- Họ theo sau lưng tụi mình rất lâu nên chị
không nghĩ rằng mình giàu tưởng tượng đâu!
- Tưởng tượng sao được, chuyện rành rành đâu
phải chỉ một người hai chúng ta đều nghe mà!
Ðột
nhiên hai đứa cùng thốt lên:
-
Họ là ma chứ gì nữa!
-
Ma sao lại hiện ra ban ngày nhỉ!
Hai
chúng tôi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng và thỉnh thoảng nhìn lại phía sau xem có ai
đuổi theo không. Chẳng còn ai nữa cho đến khi tôi và Hương đến tụ điểm, chúng tôi
vừa thở không ra hơi vừa kể cho mọi người nghe câu chuyện ở khúc quanh đường rừng.
Mọi người chăm chú nghe và góp ý:
- Hay gió đưa đến tiếng nói của một nhóm người
nào đang ở đâu đó trong rừng thông.
- Cũng có lý nhưng tại sao tất cả lại ngừng bặt
khi chúng tôi khám phá không có ai ở đằng sau cả. Họ còn trêu chọc chúng tôi
mà!
Một
ngươì hỏi:
-
Hai bạn có nghe tiếng chân nện trên đất không vì chỉ người đi mới có âm thanh.
Tôi và Hương nghệt mặt ra vì
có ai để ý đến những điều vớ vẩn như thế bao giờ.
Một lát sau chị chủ nhiệm gọi
chúng tôi nói:
- Chuyện xảy ra không biết thực hư thế nào tuy
nhiên chúng ta không nên để câu chuyện này lan xa vì nếu nó đến tai các anh chị
trên phòng công thương nghiệp thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến công tác trồng hoa
màu của chúng ta. Họ sẽ nghĩ mình muốn phá hoại việc trồng màu của phòng đề ra.
Các chị em khác sẽ hoang mang khi phải đi qua quãng đường rừng đó.
Chúng
tôi ấm ức, lủi thủi nhập vào đám đông để làm việc nhưng đầu óc tôi vẫn bị ám ảnh
vì sự việc đã xảy ra ban sáng. Hương cũng đượm vẽ suy tư, trầm lặng. Nắng càng
lên cao trời trở nên nóng nực, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, tôi cảm thấy quá
mệt mỏi nhưng vẫn cúi đầu làm việc. Tôi biết chắc rằng mình là một kẻ lao động
tồi nhất ở đây nhưng không có sự lựa chọn nào khác hơn là im lặng vung hạ cán
cuốc lên xuống mặc cho thời gian trôi đi trong vùng núi non hoang vu này.
Ðến
trưa mọi người được nghỉ ngơi để ăn uống, tôi và Hương đến một chỗ vắng mở gô
cơm mang theo vừa ăn vừa bàn tiếp câu chuyện ban sáng. Chị chủ nhiệm ngồi đằng
xa thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai đứa.Tôi rủ Hương:
-
Chị em mình xuống dưới đồi chơi, chị thấy có mấy cái chòi kìa.
Hương
tán thành ngay:
-
Phải đó em cũng thấy khát nước nhiều tụi mình đi xin nước uống đi.
Chúng
tôi xuống con dốc ngắn với đám cỏ tranh mọc thật dầy, một con suối hẹp chắn
ngang và bên kia là căn chòi bé xíu. Một người đàn ông bước ra hỏi:
- Các cô cần gì?
Tôi
nói:
- Chúng tôi đi xin nước uống.
Người
đàn ông đến gần nhìn tôi dò xét rồi nói to:
-A, cô Phương phải không?
Tôi
đang ngạc nhiên thì bỗng nhận ra đó là anh Tiến, anh của Kim Chi một người bạn
gái đã có thời gian làm việc với tôi.
Tôi
mừng rỡ:
-
Anh Tiến sao lại ở đây? Còn chị đâu?
-
Cô ta ở nhà còn tôi làm rẫy nơi đây, mời cô vào nhà nói chuyện.
Tôi
theo anh Tiến vào nhà, nói là nhà chứ thật ra chỉ là một mái lá đơn sơ với cái
sạp để trong góc, cái bếp đối diện với vài ba cái ấm nồi đen thui vì khói bếp.
Anh Tiến đem mấy cái ghế đóng bằng gỗ thông thấp lè tè ra mời chúng tôi ngồi,
anh nhìn tôi chăm chú rồi nói:
- Cô đi đâu mà lạc lõng chốn khỉ ho cò gáy
này.
-
Ði lao động xã hội chủ nghĩa với tổ hợp.
Anh
Tiến gật gù:
-
À ra vậy, thỉnh thoảng tôi có gặp mấy người đi lao động như cô, họ trồng trọt
quanh đây nhưng không bao giờ thấy họ thu hoạch hoa màu cả.
-
Sao vậy?
-
Vì trồng rồi bỏ thí đó cho lũ thú rừng phá thì lấy đâu mà thu hoạch. Tôi ở đây
canh chừng luôn mà còn không trị nổi mấy con heo rừng huống chi các cô.
-
Họ bắt đi thì mình phải đi thôi chứ làm sao mà cãi được.
-
Thì đúng là vậy đó! Thời buổi khó khăn biết nói sao!
Tôi
hỏi anh Tiến:
-
Còn anh sao không phụ chị mà vô đây chi cho khổ?
Có
lần tôi đến nhà Kim Chi chơi thấy anh Tiến phụ vợ làm bánh kẹo bỏ mối cho mấy cửa
hàng ở Đalat. Anh Tiến là Trung Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đóng ở Qui Nhơn,
anh từng bị bắt làm tù binh và được thả trong một cuộc trao đổi giữa hai bên,
anh vẫn còn bị ám ảnh nặng nề bởi những năm tháng trong nhà tù cộng sản.
Anh
Tiến nhún vai:
-
Ở đây dĩ nhiên là buồn nhưng ít thấy mặt mấy ông bà cán bộ cán cuốc trong xóm,
thấy họ hoài chẳng thích thú gì.
-
Còn chị vẫn làm bánh kẹo chứ?
-
Chứ không lấy gì mà sống, lâu lâu biếu xén cho họ một chút để yên thân mà nuôi
lũ nhỏ. Còn chồng cô ra sao?
- Đang ở Suối Máu Biên Hòa, em đi thăm được một
lần cách đây hai tháng cũng chẳng biết chừng nào họ thả. Năm ngoái họ cho qua
phường làm đơn bảo lãnh cho chồng, em cũng làm rồi nhưng ngày về không biết được.
Anh
Tiến thở dài:
-
Cũng phải ráng mà sống, cả miền Nam chứ đâu phải riêng mình.
Tôi
nhìn ra vuông sân chan hòa ánh nắng trước mặt và nương rẫy của anh Tiến, cảnh
trí trông vắng vẻ buồn thiu.
-
Anh ngủ lại đây à?
-
Thỉnh thoảng thôi, thường thì về đến nhà cũng tám chín giờ tối rồi hàng xóm chẳng
ai thấy mặt. Sáng tờ mờ tôi đã ra đi, vậy mà tâm hồn mình lại bình an. Ở chốn
núi rừng này cũng có cái hạnh phúc của nó chẳng ai dòm ngó. Cả ngày không có ai
nói chuyện nên đôi khi tôi nói một mình, lâu ngày thành thói quen tôi cứ lẩm bẩm
khi về nhà làm bà xã và các em sợ tôi bị khùng.
Rồi
anh Tiến cười khằn khặc:
-
Mà nói cho cùng sống với quân này riết rồi ai cũng khùng cả.
Tôi
nhìn quanh hỏi nhỏ:
-
Ở một mình chốn đèo heo hút gió này anh không sợ sao?
-
Sợ gì?
-
Thì sợ đủ thứ như ăn cướp, như ma chẳng hạn.
Anh
Tiến lại cười ngặt nghẽo:
-
Tôi có cái gì mà sợ bị ăn cướp, tôi không ăn cướp của người ta thì thôi chứ. Cộng
sản đáng sợ hơn ma quỷ.
Tôi
nhăn mặt:
- Em kể anh nghe chuyện này, em và Hương vừa gặp
ma.
- Vậy sao?
Anh
Tiến cười cười có lẽ anh ta tưởng tôi nói đùa.
Rồi
tôi kể chuyện đã xảy ra với chúng tôi sáng nay, nghe xong anh hỏi lại:
-Chỗ khúc quanh có nhiều cây bị đốn nằm la liệt
phải không?
-
Đúng vậy!
Anh
Tiến nói:
- Những người làm rẫy ở đây đều biết nơi ấy có
rất nhiều chuyện lạ. Buổi chạng vạng người ta hay gặp nhiều bóng người lãng
vãng.
-
Ai lãng vãng? Họ là ai vậy?
-Tôi nghe kể lại vào khoảng năm 67, 68 có một
số sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia và lính đi kích nơi đó đã đụng độ với Việt Cộng,
trận chiến làm chết rất nhiều người của cả hai bên. Từ đó mấy ổng hay hiện ra
nơi khúc quanh lắm, tôi đoán rằng mấy ông lính đó rất trẻ, đa số chưa vợ con
nên thấy mấy cô đàn bà con gái bèn ra trêu chọc vậy mà.
Chúng
tôi hét lên:
-
Anh nói ghê quá! Người chết rồi mà còn chọc gái à?
-
Chứ sao, họ chết khi còn quá trẻ với những ước mơ khao khát chưa thực hiện được
nên họ còn lang thang, lẩn quẩn ở đó. Tội nghiệp, có khi họ chưa biết mình đã
chết nữa cũng không chừng.
-
Nhưng tại sao họ lại xuất hiện ban ngày, đâu phải là thời gian của họ?
-
Ngày đêm gì, thấy người đẹp mấy ổng quên cả luật lệ cõi âm nên chạy ra chọc ghẹo.
Đàn ông con trai mà!
Tôi
kiếu từ anh Tiến để trở lên đồi, anh đưa chúng tôi qua con suối rồi nhìn tôi ái
ngại:
-
Thôi hai cô lên làm việc đi kẻo họ tưởng mình trốn. Mà Phương này, cô cũng chẳng
nên làm cho quá sức vì không có thu hoạch đâu. Thật ra cũng chẳng có ai chờ sự
thu hoạch chỉ làm cho có chuyện. Chán lắm, dù sao cô cũng ráng chịu đựng cho
qua cơn khổ này!
Anh
Tiến đoán đúng. Sau lần đó, chúng tôi còn đi thêm nhiều lần nữa rồi thôi. Trên
phòng cũng không ai nhắc đến ngày thu hoạch hoa màu, dù hình ảnh của phong trào
đi lao động xã hội chủ nghĩa vẫn treo trong cơ quan, trong hợp tác xã. Ðúng là
đầu voi đuôi chuột. Những lần đi sau tôi và Hương đều cố gắng theo kịp đám đông
khi rẽ vào khúc quanh có những thân cây nằm ngổn ngang kia! Tôi rất sợ nếu phải
gặp họ thêm một lần nữa, dù thật ra họ chẳng làm hại gì tôi ngoài những câu trêu
chọc bình thường của đàn ông, con trai khi gặp người khác phái. Tuy nhiên sự
khác biệt của hai thế giới đã làm cho tôi kinh hãi.
Kỷ niệm về những ngày lao
động ở đèo Prenn thường mang đến cho tâm hồn vốn đa cảm của tôi nhiều xúc động.
Một người phụ nữ còn trẻ xa chồng, cô đơn và lạc lõng giữa một xã hội giả dối
tráo trở, sự lo âu luôn đè nặng trên hai vai, con người sống thiếu thốn từ tinh
thần đến vật chất. Những buổi chiều mệt lã trở về sau một ngày đày đọa thân
xác, đi qua những đồi thông vàng óng ánh nắng hoàng hôn bỗng dưng vang vọng đâu
đó giọng ca của Tôn Thất Niệm trong bản Chiều Vàng của Nguyễn văn Khánh.
“Trên đồi thông chiều đã
xuống rồi, mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng. Riêng mình ta ngồi ngắm quanh
trời ngậm ngùi nghe tiếng chim chiều gọi đàn, buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ
đến người chiều vẫn trên đồi cùng ta …Ta nén đau thương gắng bước hoài, chiều
chiều nhớ ai khôn lòng nguôi.”
Ai đã từng ở Đalat chắc
không thể nào quên giọng ca Tôn Thất Niệm, một giọng ca trầm ấm, truyền cảm khó
có ca sĩ nào bì kịp dù ông là một ca sĩ tài tử của đài phát thanh Đalat. Khi đã
nghe ông hát bài Chiều Vàng rồi thì khó có thể nào quên được. Tiếng hát Tôn
Thất Niệm hòa quyện, lãng đãng với tiếng gió vi vu qua đồi thông, với sương mù
là đà những sáng mai lạnh cóng hay những đêm co ro trong chiếc áo Manteau trên
khu phố Hòa Bình. Tiếng hát tuyệt vời đó đã ra đi không bao giờ trở lại sau
cuộc đổi đời của miền Nam và của thành phố mù sương. Cái đời sống với đầy bất
trắc trước mắt hằng đêm xô đẩy tôi vào những cơn mộng dữ, tôi đã phải sống
trong từng ngày tháng tuyệt vọng, mõi mòn.
Những
năm tháng dài u uẩn đó rồi cũng ra đi như giòng sông nặng nề chảy cuốn theo rác
rưới nhọc nhằn. Bây giờ thì tôi đã quá xa Đalat. Xa những chiều vàng trên đồi
rong chơi hay là những chiều rã rời, thất thểu về nhà. Người tù cải tạo năm nào,
người đã trao tặng cho tôi những ngày tháng cô đơn tuyệt vọng trong chờ đợi mỏi
mòn rồi cũng như một loài chim trời cất cánh bay đi tìm một vùng trời nào đó.
Tôi như kẻ bị đánh cắp môt thời tuổi trẻ mình và khó bắt đầu lại trong những
tan hoang đổ vỡ của đời sống. Dù rằng tôi đã ra đi, đã chối bỏ cái nơi chốn mà
đáng ra mình phải yêu thương và bám víu cho đến hơi thở sau cùng đó là quê
hương.
Khi tôi viết những giòng chữ này, tháng tư
sắp trở về với mọi người trên trái đất này. Tháng tư oan khiên, tàn khốc sắp
trở về với dân tộc Việt Nam. Tháng tư tang thương đã xô đẩy con người vào hỏa
ngục trần gian trong đó có tôi, người đàn bà vô danh tiểu tốt trong hàng triệu
người dân miền Nam Việt Nam. Tôi, một trong những người bất hạnh chịu nhiều hệ
lụy trong cuộc dâu bể tang thương của đất nước, tôi đã sống một thời gian rất
dài hình như không có nụ cười thật sự nếu cười không có nghĩa là một động tác
phô bày hàm răng. Những buổi sáng mở mắt ra đã thấy buồn co thắt con tim và
những ngày dài thấp thỏm lo sợ triền miên.
Cái quá khứ đau khổ ấy vẫn ám ảnh tôi một cách dai dẳng, sâu đậm và tôi vẫn tự nhủ rằng hãy quên đi để hưởng lấy những hạnh phúc mình đang có mà nhiều người hằng ao ước. Tôi đang được sống trên nước Mỹ. Mình đang hạnh phúc nhưng có thể nào mình sẽ chôn vùi tất cả vào nấm mộ không tên rồi mặc cho thời gian mang tất cả vào hư vô quên lãng. Rồi cũng xong một kiếp người.
Nấm
mộ không tên đã cố vùi lấp mấy chục năm nhưng khi đến tháng Tư lòng tôi bỗng bồi
hồi như đang sống lại với cảm giác khổ sở, đơn độc ngày xưa. Tôi đang đi trong
phố xưa Đalat, thành phố im lìm câm nín và những con người qua lại với khuôn
tràn đầy phiền muộn và đói khổ. Giọng hát nào the thé cất lên làm không gian tê
tái nhuốm thêm màu sắc thê lương, chán chường. Con đường đi sâu vào khu rừng
trong những ngày lao động xã hội chủ nghĩa, những buổi trở về mệt mõi, rã rời,
những buổi họp dân phố ban đêm với từng khuôn mặt hằn nét thù hận, giọng điệu
chì chiết đanh thép. Họ đã tuyên truyền những gì tôi không còn nhớ hay chẳng cần
phải nhớ.
Còn
những linh hồn tử sĩ trên khúc quanh của khu rừng thông ngày đó. Họ đã chết rất
trẻ khi những ước mơ, khao khát riêng tư chưa trọn vẹn. Có những người chưa biết
đến vòng tay hay nụ hôn của một người tình. Có thể rằng họ chưa biết rằng mình
đã chết như ngày nào anh Tiến nói. Họ không bao giờ già đi còn tôi người đàn bà
trẻ thơ mà có lần họ buông lời trêu ghẹo nay tóc đã pha sương.
Ðứa
con trai mà tôi sanh sau ngày chồng đi tù về nay đã xấp xỉ tuổi họ. Ðứa con
trai tôi may mắn hơn họ vì đã lớn lên trên một đất nước Mỹ giàu mạnh chưa biết
mùi vị của chiến tranh nhưng con trai tôi hoàn toàn giống họ với những mơ ước của
tuổi trẻ và nhất là lòng ưu ái, thích thú khi gặp người khác phái. Nhìn con,
tôi càng cảm thương hơn những người lính trẻ miền Nam đã hy sinh, đã đổ máu cho
nền tự do của quê hương. Linh hồn họ hình như còn vất vưởng đâu đó và những
hoài vọng của họ cũng chẳng ai cần biết đến.
Bao
nhiêu năm tháng trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Người mẹ với cánh tay
bao dung che chắn đời tôi trong những ngày khốn khổ giờ đã nằm yên nghỉ trên ngọn
đồi tĩnh lặng trong thành phố quê hương, bên cạnh cha người đàn ông đã chia sẻ
với mẹ gần sáu mươi năm trên con đường trần gian với vạn nỗi trầm luân này. Anh
em chúng tôi mỗi người mỗi ngã trong những xứ sở xa lạ nào chưa một lần đoàn tụ
dưới mái nhà xưa. Mái nhà có giàn hoa tím trước cổng và cây hoa ngọc lan hương
thơm ngan ngát, mái nhà tôi vào ra suốt thời tuổi nhỏ và là nơi tôi về nương
náu quãng đời giông tố trong trái tim yêu thương của mẹ hiền.
Tôi
chưa trở về Ðalat lần nào để thăm viếng. Nhiều người nói Ðalat bây giờ thay đổi
nhiều và đẹp lắm nhưng cũng có nhiều người nói những lời hoàn toàn ngược lại
bây giờ Đalat nhà cửa xây cất vô trật tự, thiếu thẫm mỹ và không còn vẻ đẹp
thiên nhiên ngày xưa nữa. Tôi chỉ nhớ ngày tôi ra đi Ðalat vô cùng nghèo nàn,
héo hắt như con đường Phan Ðình Phùng sình lầy nước đọng sau những cơn mưa.
Dù sao tôi cũng muốn về Đalat một lần,
đi trên đồi thông để hồn chìm lắng trong giọng ca dĩ vãng. Ði qua vùng bờ hồ để
nhớ những ngày giông bão, đọa đầy cũ. Tôi ước mong sẽ có một lần trở lại khu rừng
nơi có những oan hồn tử sĩ lẩn quẩn để thắp lên nén hương hoài niệm, tạ ơn những
anh hùng vô danh đã hy sinh cho nền tự do của miền Nam. Trong đó có những oan hồn,
yểu tử phía bên kia thì cũng cầu xin cho họ sớm siêu thoát vì dù sao họ cũng chỉ
là nạn nhân của một chủ nghĩa đầy tham vọng không tưởng mà thôi. Trong thế giới
người chết chắc chẳng còn thù hận nữa.
Họ đã chết thế là xong, chỉ trách cho những
người còn sống đã từng thấy, đã từng đi qua con đường thê lương, đoạn trường của
một dân tộc mà vẫn mang tâm trạng mù lòa. Họ làm như đã quên đi tất cả hay tệ hại
hơn còn muốn sơn phết tân trang lại những thối rữa của quá khứ mà đã có một thời
họ đâm đầu chạy trốn.
Có
những kỷ niệm quá đau thương, quá tàn nhẫn biết phải chôn lấp chúng nơi đâu
trong ký ức. Xin một lần ngậm ngùi đọc lên một đoạn thơ trong Chinh Phụ Ngâm
Khúc của bà Đoàn thị Điểm và xin trang trọng gởi một chút tâm sự mộc mạc đến những
ai vẫn còn mang trong tâm hồn vết hằn đau thuở nọ để gọi là chút duyên tri kỷ của
những người đồng điệu/.
*
Chinh Phụ Ngâm Khúc do bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm từ nguyên tác của Tiên Sinh Đặng
Trần Côn.
Mimosa Phương Vinh
Nhìn lại ngày này năm xưa vẫn còn thấy hãi hùng. Khổ nhứt là thân phận người đàn bà đã gánh chịu biết bao cơ cực đọa đày nuôi con nheo nhóc nuôi chồng khổ sai!
ReplyDeleteCám ơn chị Phương Vinh. Cầu chúc chị thân an tâm lạc tuổi chiều.
NPN