Ba mươi ba năm ở
Mỹ, đây là lần đầu tiên chị Phượng về Việt Nam. Chị lấy chồng Mỹ sau cuộc vượt
biển 1982. John là người đàn ông tốt. Họ có hai đứa con đã lớn, có công việc ổn
định. Hai vợ chồng chị vừa nghỉ hưu, nên quyết định về Việt Nam xem như đi du lịch
một chuyến.
Hồi ở Việt Nam, chị có anh bạn, cả hai nhà nghèo, nghèo lắm, nghèo rớt mồng tơi. Chị không nhớ nguyên do nào, chị có cái đồng hồ hiệu Citizen nhưng nó cứ hư hoài, vì là đồ dỏm, đeo cho có, chứ gặp ai hỏi giờ, chị thường vờ đi như không nghe, bởi đồng hồ đâu có chạy. Anh bạn không hề biết điều này.
Anh trước 1975 học Nông Lâm Súc, ra trường làm ở Ty Nông Nghiệp , nhưng khi Miền Nam mất thì anh cũng mất việc.
Anh ta còn có mẹ
già và đứa em trai ở căn nhà cũ trong hẽm nhỏ ở Sài Gòn. Sau vài năm bôn ba, nghèo
vẫn hòan nghèo, anh trở về với bà mẹ và đứa em trai. Nhà anh ở xóm trong, nhà
chị ở xóm ngoài. Chị Phượng có người anh họ con của cô ruột, lại chơi thân với
anh nầy, nên hai nhà qua lại rất thân tình, ngoài tình lối xóm cha mẹ biết
nhau, lại như có chút tình trai gái.
Ngày xưa mỗi lần nghĩ hè, anh từ Bảo Lộc về Sài Gòn, đến chờ chị ở cổng trường, rồi rủ nhau ra phố, hai người thường đi bên nhau, rồi vào quán kem trò chuyện bâng quơ. Anh ta không làm gì sàm sở, rồi 75, rồi mỗi người mỗi ngã…
Khoảng năm 80, Sài Gòn te tua, Sài Gòn ăn độn, anh trở về tìm chị. Gia đình chị quá nghèo, gia đình anh cũng vậy, duy chị còn giữ được cái đồng hồ, chỉ vì nó là đồng hồ dỏm, có bán cũng chẳng ai mua, thôi thì đeo trên tay để như là con gái có chút gì… loè thiên hạ.
Bữa đó hai nguời hẹn gặp nhau đi chơi, anh hỏi mấy giờ rồi, chị trả lời, “Nó ngủm rồi, nó hay ngủm lắm!” Anh nói, “Đưa anh đem sửa, rồi cho anh đeo luôn được không? Anh cần nó hơn em.”
Nghe thế, chị
nghĩ: Mình quen nhau từ bé, lớn lên, bây giờ chỉ chờ anh ngỏ lời lấy em là em
chịu liền. Mà chờ mãi anh chẳng ngỏ lời. Bây giờ có cái đồng hồ dỏm, làm của
“giựt le” mà anh lại muốn “chiếm đoạt,” thì bấy lâu nay em lầm anh nhiều quá.
Hơn nữa em không muốn anh biết đây là “cái đồng hồ Hồng Kông nhưng bên hông Chợ
Lớn”. Em nghèo chẳng có gì đeo, chỉ có cái đồ dỏm nầy, đưa anh thì còn gì cho
em nữa chứ.
Nghĩ thế, chị Phượng
trả lời, “Em biết chỗ sửa, để em đi sửa.”
Từ lúc ấy trở đi,
buổi đi chơi nhạt nhẽo, chán phèo. Chị và anh ta chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Chị
cố tình tránh mặt.
33 năm sau, chị về
nước với chồng.
Sau khi ổn định
chỗ nghỉ, chị tìm lại gia đình anh, gặp người em trai của anh vẫn còn ở xóm cũ,
còn anh đã theo mẹ về Cần Thơ
Chị kể cho chồng
nghe câu chuyện về cái đồng hồ dỏm. Chồng chị bảo “sao không tặng anh cái đồng
hồ thiệt đi, quen nhau từ bé mà.”
Từ Sài Gòn, chị
và chồng cùng đứa em trai anh về Cần Thơ. Trên đường, nghe em trai anh kể, “Anh
của em số khổ, lúc đó mà lấy chị chắc chị cũng khổ theo. Sau khi em lập gia
đình ảnh nhường em ở căn nhà nầy, còn ảnh dắt má em về quê. Má em được bà con
chia cho mấy sào ruộng, làm không đủ ăn, ảnh phải ra chợ chạy xe đạp ôm . Vài
năm nay em cho ảnh tiền mua chiếc xe gắn máy cũ, hiện giờ ảnh chạy xe ôm ở bến
xe Cần Thơ.”
Chị nghe kể lòng bồi hồi thương cảm. Cùng một kiếp người, sinh cùng thời, có học hành đến nơi đến chốn, sao anh lại khổ thế này.
Xe đến bến, người
em kêu chị chờ ở quán nước để chú ấy đi tìm anh.
Khoảng 15 phút
sau, một xe gắn máy đỗ xịt tới, người em trai đi cùng một người đàn ông vào
quán. Chị phải kêu trời trong bụng. Trước mặt chị là một ông già tóc bạc, đen
thùi lùi, nếu đi ngoài đường có gặp nhau chị cũng không nhìn ra đó là anh bạn
trai năm xưa của chị.
Anh đưa vợ chồng
chị về thăm căn nhà xiêu vẹo của anh, và người mẹ đã 90, không còn nhận ra chị.
Trước khi giã từ, chị nói với anh với một giọng ngậm ngùi: “Không biết anh còn nhớ không, lần cuối mình gặp nhau, anh hỏi tôi đem đi sửa cái đồng hồ và anh muốn mượn đeo, chắc anh không ngờ đó là đồng hồ dỏm. Một phần tôi không muốn anh biết tôi đeo đồ dỏm, một phần đưa anh thì tôi đâu còn gì để đeo. Phần thì anh chưa hề nói yêu tôi và muốn xây dựng gia đình với tôi, thì làm sao tôi hy sinh món đồ duy nhất tôi có để nhường cho anh được. Hôm nay nhân về quê thăm anh và gia đình, vợ chồng tôi có món quà mọn nầy tặng anh. Anh hãy chờ vợ chồng tôi đi rồi hãy mở ra nhé!”
Món quà chị cho
anh là chiếc đồng hồ Citizen mới toanh, cùng với một phong bì.
Kim Phan
Cùng một kiếp người nhưng mỗi người một số. Biết nói sao! Thương cho dân mình nghèo khổ thiếu thốn triền miên!
ReplyDeleteNPN
Cám ơn chi NPN, KP viết bài nầy để nhớ lại một thời đói khổ. Chúc chị vui tuoi và mạnh khoẻ.
ReplyDeleteKP