Ngày
mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng
cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè,
tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới. Bây giờ suýt
soát tuổi 80, sắp lên chức “cố,” cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên
xe “phó hội” ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng,
cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều.
Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ
ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống,
walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có
khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!
Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng
hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi
quán!
Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau
vừa nghe tin đột quỵ. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi
trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước
mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.
Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn
biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng
nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa. Rồi có người
mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền
thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái
chết dù muốn chết.
Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần “tai
biến.” Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không
rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh,
tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà
vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức
tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai?
Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được
giải thoát.
Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!
Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở
bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại
nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng
một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù
đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!
Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng “xin lỗi” là xong!
Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm
trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: “Thế nào tháng sau,
họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!” Lời hứa vui vẻ ấy
không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi “họp khóa” năm ba
thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn
với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.
Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em,
nhắc lại như một lời chia buồn. Lần “điểm danh” này, vắng mặt quá nhiều
anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do – Miễn tố!
Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!
Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ
cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh
em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ
người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong
trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.
Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người
thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân
trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn
xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau
mà nước mắt lưng tròng. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần,
mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.
Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối
cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ.
Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số
người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã
bỏ chúng ta ra đi biền biệt.
Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: “Old soldiers never
die; they just fade away” (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt
dần đi).
Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích
những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự
khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một
người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.
Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!
Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!
Huy Phương
No comments:
Post a Comment