Tuesday, September 4, 2018

Luận Về Anh Hùng - Tạp Ghi Huy Phương


“Anh hùng trong chiến tranh không thể nào là người bị địch bắt và bị cầm tù!”
Nói như vậy thì chúng ta đã chẳng có câu “anh hùng sa cơ!” Vấn đề là thái độ của người bị bắt, vì không phải ai cũng khẳng khái, anh hùng như Trần Bình Trọng “ta thà làm quỷ nước Nam” hay như Nguyễn Biểu ung dung nhận bữa tiệc đầu người!

Ai xứng danh anh hùng hơn là Câu Tiễn, Vua nước Việt thua trận Cối Kê, bị Vua Ngô giam trong ngục đá, hằng ngày cùng với vợ và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm… Suốt ba năm, vẫn bền chí đợi thời. Sau đó, nhân lúc vua Ngô đau, Câu Tiễn chịu nhục nếm phân của vua Ngô để được vua Ngô tin dùng tha cho về xứ, để về sau cương quyết tạo thời cơ đánh bại nhà Ngô, lấy lại giang sơn!
Khái niệm về “anh hùng” khác nhau tùy thuộc vào văn hóa của mỗi dân tộc.

Người Mỹ lấy sự phi thường và kỳ công để đánh giá anh hùng. Một ngôi sao thể thao xuất sắc, dưới mắt người hâm mộ đã là một anh hùng. Những nhân vật tưởng tượng “cứu nhận, độ thế” trong văn hóa Mỹ như Batman, Superman, Spiderman, Ironman… không những được gọi là “anh hùng” không thôi, mà còn được tôn vinh là gọi là “siêu anh hùng” (superhero).

Trong đời thường, một người lính cứu hoả dũng cảm để cứu người, một người lính tử trận vì đất nước được vinh danh là một anh hùng.
Nhưng khác lạ, ở Mỹ danh xưng “anh hùng” cũng có thể là những nhân vật có tinh thần và nỗ lực cải thiện cuộc sống của những người xung quanh như chương trình “CNN Heroes” vẫn tổ chức hàng năm.

Những người hùng được CNN tuyên dương bao gồm các nhân vật có những hành động cao quý, giúp đỡ cộng đồng, ví dụ trong danh sách 2017 như Stan Hays, người đứng đầu tổ chức “Operation BBQ Relief,” cung cấp các bữa ăn miễn phí cho người dân Mỹ trong các cơn bão ở Texas và Florida; cảnh sát Jennifer Maddox cung cấp chương trình học miễn phí cho hơn 100 trẻ em độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5, hay cả với một sinh viên thiện nguyện làm việc ở ngoại quốc như Samir Lakhani, người thành lập bốn trung tâm tái chế xà phòng ở Cambodia, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và giúp người dân có thói quen dùng xà phòng.

Nếu nhắm các tiêu chuẩn này của chương trình “Hero” của CNN thì tôi nghĩ cố Trung Tá Nguyễn Hạnh Nhơn với công sức gầy dựng Hội H.O, Cứu Trợ để cứu giúp cho hàng trăm nghìn thương binh VNCH ở Việt Nam có cơ hội được CNN tuyên dương như một “anh hùng.”

Chương trình CNN của Hoa Kỳ thực tế hơn, anh hùng không phải chỉ để nhận một bảng tuyên dương, ghi công bằng tờ giấy lộn, mà mỗi người hùng sẽ nhận được một giải thưởng tiền mặt trị giá $10.000, sau đó người được bình chọn là “CNN Hero of the Year” sẽ nhận thêm tiền thưởng là $100,000.

Trên đời có những người anh hùng tiết nghĩa, họ lấy tiết nghĩa làm mục tiêu, giàu sang không thay lòng, lâm nguy không nhụt chí, dù thất bại vẫn giữ lòng tiết nghĩa trung cang. Phải chăng những danh tướng trăm trận trăm thắng, huy chương đầy ngực mới được xem là những anh hùng, còn những người bại trận thì không? Người xưa có câu “không đem thắng bại mà luận anh hùng.” Những tướng lãnh của miền Nam sau trận chiến cuối cùng năm 1975 đã chọn cái chết để đền ơn tổ quốc, phải được cả thế giới nghiêng mình cảm phục, xem họ là những anh hùng. Trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, mấy ai có được một quyết định gan dạ như vậy!

Quan Vân Trường thời Tam quốc không phải là tướng giỏi trận, trăm trận đều thắng. được ca tụng là người anh hùng tiết nghĩa. Nói về khỏe, không hơn Lữ Bố; nói về trí, sao bằng Khổng Minh. Quan Vân Trường lúc ở với Lưu Bị cũng như khi về với Tào Tháo, lòng vẫn không đổi thay. Dừng đao, không giết kẻ sa cơ khi đánh với Huỳnh Trung trăm hiệp, khi ngựa sẩy chân ném Huỳnh Trung xuống đất. Cam chịu tội để tha chết Tào Tháo là kẻ thù nguy hiểm, lúc kẻ thù thất thế, cùng đường.

Quan Vân Trường là bậc “quân tử hành đại lộ,” đến đi đường cái, về đường cái, giữ điều “quân tử” và “trung nghĩa,” thà chết chớ không khiếp nhược! Nước Trung Hoa quan niệm về anh hùng, không lấy con người làm trung tâm, mà coi trọng cái “anh hùng tính,” cái “khí phách” của con người: “Trung nghĩa tham thiên địa. Anh hùng quán cổ kim!”

Nhật Bản thì lấy tinh thần Võ Sĩ Đạo (Samura) làm chuẩn mực cho anh hùng. Người lính từ thời võ sĩ đạo đến thời phát xít Thiên Hòang thì đều sẵn sàng mổ bụng (hara-kiri,) hay nhờ người khác chặt đầu, nếu phải lâm cảnh nhục nhã như thua trận hay phải chịu đầu hàng. Theo quan niệm truyền thống của nước Nhật, mỗi chiến binh anh hùng là một người biết “chết vinh hơn sống nhục.” Nên trong thời Đệ II Thế Chiến, hay trong trận chiến Okinawa, nhiều tướng lãnh và sĩ quan Nhật đã tự sát vì cho rằng mình đã không làm tròn nhiệm vụ của Tổ Quốc và Thiên Hoàng đã giao phó.

Việt Nam ngày nay, nhất là từ khi có đảng Cộng Sản và nước VNDCCH ra đời, hai chữ “anh hùng” bị lạm dụng, được dùng như một thứ bánh vẽ để lợi dụng, thôi thúc toàn dân chết cho đảng. Một anh chăn lợn, nuôi bò, nuôi trâu như Hồ Giáo được Bắc Việt phong “anh hùng lao động” hai lần, được bầu vào đại biểu Quốc Hội ba khoá, được ba cuốn phim làm nên để ca tụng. Một bà già chèo đò ở Quảng Bình thời xâm lược miền Nam, lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ là Nguyễn Thị Suốt (Mẹ Suốt) được phong là một nữ anh hùng lao động và được Tố Hữu làm thơ ca tụng hết lời. Anh Nguyễn Văn Chồn, có nhiệm vụ sản xuất mìn bẫy, lựu đạn… là anh hùng lao động.

Bắc Việt sản xuất hàng nghìn anh hùng nhiều như thời binh sản xuất “tiến sĩ,” đến nỗi “ra ngõ gặp anh hùng,” những thứ anh hùng chỉ có trong trí hoang tưởng của cơ quan tuyên huấn. Thời chống Pháp trẻ con thì có Kim Đồng tẩm xăng vào mình đốt cháy kho đạn, người lớn có Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, thời chống Mỹ, thì có Bùi Minh Kiểm tay không níu càng trực thăng…

Những “Bà Mẹ Anh Hùng” của nước Việt tai ương là những người mẹ đã đưa vào lò lửa chiến tranh cho tham vọng của Bắc Việt, gồm chồng, cả đàn con cùng dâu, rể, như Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chín con, một rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ; Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận có tám con là liệt sĩ, bản thân bà cũng được xếp hạng anh hùng; Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chín con là liệt sĩ; Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, có tám con là liệt sĩ…

Bắc Việt có những “siêu anh hùng” như phi công Anh Hùng võ trang Nguyễn Văn Bảy, chỉ mới xong lớp Ba, được chọn đi học lái máy bay chiến đấu, trường đòi hỏi học viên phải có trình độ lớp 10, thế là chỉ cần 7 ngày ông anh hùng này đã xong 7 lớp. Trong một trận chiến trên không với máy bay Mỹ, Nguyễn Văn Bảy phát hiện kính buồng lái bị một vết thủng lớn, khoảng trên 30 cm, và ngay vị trí kính trước mặt của ông, có một lổ thủng bằng cái ly uống trà và toàn thân máy bay bị dính tới 82 mảnh đạn pháo. Trong lúc này máy bay đang ở tốc độ 700km/giờ, ông vẫn bình tĩnh dùng tay bịt vào lỗ thủng (!) – không nghe nói lỗ nào – còn tay kia ông điều khiển máy bay hạ cánh an toàn.

Một con trâu cũng được phong anh hùng chống Mỹ, khi một trực thăng chưa kịp đáp đã bị con trâu nhào đến, nhảy lên bám vào, làm máy bay chúi xuống và nổ tan tành! (đồng bào đã xây mộ bia và phong cho chú Trâu là liệt sỹ chống Mỹ). Những chuyện anh hùng kiểu này quả làm cho chúng ta phát mệt!

Có điều, tự cổ chí kim, không ai vỗ ngực dám tự nhận mình là anh hùng, trừ phi những thằng khùng thằng điên, kiểu ngạo mạn, xấc láo: “Bác tôi, tôi Bác cũng anh hùng!” 

Huy Phương

No comments:

Post a Comment