Monday, April 29, 2019

Thăng Trầm Của Notre Dame - "Trái Tim Paris"

Nơi đây từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp.


Ảnh Jeremy Lempin/EPA

Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những di tích lâu đời và mang tính biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đồng thời nằm trong số các nhà thờ nổi tiếng nhất châu Âu. Đối với người dân Paris, công trình 856 tuổi này là trái tim của thành phố họ đang sống. Chiều tối 15/4 (giờ địa phương), trận hỏa hoạn lớn khiến tháp chuông nhà thờ đổ sập, gây rúng động thế giới. Tổng thống Pháp gọi đây là "thảm kịch kinh hoàng".

Notre Dame là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris, được xây dựng dưới thời vua Louis VII, người muốn biến nó thành một biểu tượng của quyền lực chính trị, kinh tế, trí tuệ lẫn văn hóa trong và ngoài nước. Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt vào móng tòa nhà có chiều dài 130 m và chiều rộng 48 m, trước sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III. Nó được xây trên nền nhà thờ cũ Saint Etienne thuộc đảo Ile de la Cite (nằm giữa dòng sông Seine). Quá trình xây dựng dựa trên kiến trúc Gothic kéo dài hàng thế kỷ, trải qua nhiều thay đổi thì hơn 200 năm sau công trình mới hoàn thành và đi vào hoạt động cho đến nay. 





Hai tòa tháp bằng đá cao 69m được xây dựng vào đầu thế kỷ 13. Du khách phải leo 387 bậc thang mới đến đỉnh tháp phía Bắc, ngắm toàn cảnh thành phố. Còn tháp phía Nam là nơi đặt 10 chiếc chuông nhà thờ. Trong đó nổi tiếng nhất là chuông chủ mang tên Emmanuel đã vang lên trong hầu hết các sự kiện lịch sử nước Pháp, bao gồm lễ đăng quang của các vị vua, các chuyến thăm của Giáo hoàng và đánh dấu sự kết thúc của hai cuộc chiến tranh thế giới. Nó cũng rung lên sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (Mỹ) bị đánh bom vào ngày 11/9/2011. Năm 2013, khi Nhà thờ Đức Bà Paris kỷ niệm 850 năm tuổi, họ đã đúc những quả chuông khác nhỏ hơn, đặt ở tòa tháp phía Bắc. Mỗi quả chuông đều mang tên của một vị thánh.

Trong đó, kiến trúc đặc biệt nhất phải kể đến của nhà thờ là 3 bộ ô kính hoa hồng nhiều màu. Ô cửa đầu tiên, cũng là nhỏ nhất nằm ở bề mặt phía Tây được hoàn thành vào khoảng năm 1225. Ô cửa phía Nam có đường kính gần 13m, ghép từ 84 ô nhỏ. Tuy nhiên chúng không còn làm bằng loại kính nguyên bản nữa vì từng bị phá hỏng trong các lần tổn thất trước.

Ảnh Patrick Kovarik/AFP

Không chỉ mang các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà Notre Dame còn là "chứng nhân" nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước này. Nó thường được chọn là nơi tổ chức đám cưới hoàng gia, làm lễ tuyên dương... Năm 1431, vua Henry VI nước Anh đã lên ngôi tại đây. Lễ cưới của vua Scotland James V cùng công chúa Pháp Madeleine cũng được tổ chức ở nhà thờ Đức Bà vào năm 1537.

Một trong những cột mốc đáng nhớ là ngày 2/12/1804, tại sảnh chính nhà thờ, Napoleon Bonaparte đã tự đội đế miện với hiệu Hoàng đế Napoleon I, sau đó ông trao vương miện Hoàng hậu cho Josephin dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Piô VII. Cảnh tượng được họa sĩ Jacques Louis David phác họa lại vào năm 1807 qua bức tranh tên Lễ đăng quang của Napoleon.


Bức tranh Lễ đăng quang của Napoleon dài gần 10m, cao hơn 6m, hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Louvre ở Paris - Ảnh Wikipedia.

Hồi thế kỷ 16, nó trải qua một trận nổi loạn cướp phá, rồi bị đốt phá trong Cách mạng Pháp vào năm 1789 và bị bỏ mặc trong tình trạng n như quên lãng. Ngọn tháp ban đầu được xây dựng cùng thời với các tòa tháp cũng đã bị dỡ bỏ vào thế kỷ 18. Cho đến khi cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời vào năm 1831, Notre Dame trở nên nổi tiếng toàn thế giới và được xem là "bất tử" trong văn hóa đại chúng. Nhờ đó mà một đợt trùng tu với số vốn lớn bắt đầu từ năm 1844. 

Thế nhưng năm 2019, "số phận" của nhà thờ này lại trải qua thêm một "nốt trầm" lần nữa, khi trận hỏa hoạn tồi tệ vừa xảy ra ngay trong tuần thánh, thời điểm các tín hữu Ki tô giáo chuẩn bị mừng đại lễ Phục sinh vào ngày 21/4. Khung gỗ, mái vòm bị cháy hoàn toàn. Khoảnh khắc tháp nhọn sụp đổ, người dân Paris và du khách sửng sốt, một số người bật khóc, cầu nguyện khi đứng trước cảnh tượng đau lòng. 

Đây là một tổn thất quá lớn đối với người Pháp lẫn những người yêu mến Notre Dame de Paris trên thế giới. Nhà thờ Đức Bà rồi sẽ hồi sinh, nhưng phần đã mất đi ngày hôm nay, khó có thể lấy lại được.

Vi Yến
ngoisao.net

No comments:

Post a Comment