SpaceX, công ty hỏa tiễn của tỷ phú công nghệ Elon Musk, đang nỗ lực để thực hiện một cuộc cách mạng trong internet.
Ảnh minh họa hệ thống các vệ tinh Starlink bao phủ Trái Đất (Ảnh: Mark Handley/University College London)
Trong khoảng 1 tuần nữa, SpaceX dự tính
phóng một tên lửa Falcon 9 từ Florida, mang theo 60 vệ tinh nhỏ gọn để
thử nghiệm mạng lưới internet mới có tên Starlink. Kế hoạch phóng này đã
bị trì hoãn 2 lần vì lý do thời tiết.
Một khi hoàn thành, Starlink sẽ bao gồm khoảng 12.000 vệ tinh, gấp 6 lần số vệ tinh đang hoạt động hiện nay trên quỹ đạo.
Mục tiêu là hoàn thành dự án năm 2027, bao phủ Trái Đất bằng một mạng
lưới internet tốc độ cao, ít chập chờn và giá cả phải chăng.
Ngay
cả khi chỉ triển khai được một phần, Starlink cũng sẽ giúp ích rất
nhiều cho ngành tài chính và mang internet băng thông rộng tới các vùng
xa xôi và nông thôn.
Chi phí cho dự án
này có thể lên tới 10 tỷ USD hoặc hơn, theo tính toán của chủ tịch và
COO SpaceX, Gwynne Shotwell. Nhưng ông Musk nói rằng dự án này có thể
mang lại lợi nhuận 30-50 tỷ USD hằng năm.
Nhà sáng lập SpaceX – Elon Musk (Ảnh: SpaceNews)
Tuy nhiên, chính ông Musk cũng khẳng định các khó khăn là rất lớn.
“Có rất nhiều công nghệ mới cần triển khai. Nên có khả năng một vài vệ tinh sẽ không hoạt động.” Thực ra, ông Musk bổ sung rằng “khả năng nhỏ là tất cả vệ tinh sẽ không hoạt động.”
Chi tiết về dự án Starlink
Dự án Starlink sẽ giải quyết 2 vấn đề lớn của internet hiện đại: thiếu độ bao phủ cùng chi phí phải chăng, ngoài ra khu vực càng xa xôi thì độ chập chờn càng cao. SpaceX có thể kiếm được hàng tỷ đô la nếu giải quyết được vấn đề này.
Hãng dự tính sẽ
phóng 60 vệ tinh một lần trên tên lửa Falcon 9. Mỗi vệ tinh nặng khoảng
227kg và to tương đương một chiếc bàn làm việc văn phòng. Họ sẽ mang
chúng lên quỹ đạo khoảng 440km.
60 vệ tinh Starlink xếp gọn khít vào khoang của tên lửa Falcon 9 (Ảnh: Elon Musk/Twitter)
Theo ông Musk, cần khoảng 400 vệ tinh để
tạo độ phủ internet “cỡ nhỏ” và 800 vệ tinh để có độ phủ “trung bình” và
“đáng kể”. Mục tiêu lớn tiếp theo là đạt được gần 1600 vệ tinh ở tầm
thấp (440km), sau đó nữa là 2800 vệ tinh ở tầm cao hơn (1100-1325 km).
Tiếp theo là 7500 vệ tinh ở tầm cực thấp (338km).
Hệ
thống internet không gian này sẽ giải quyết được vấn đề lớn trong cấu
trúc internet hiện tại chúng ta đang dùng trên mặt đất – qua các cáp
quang vốn khá đắt tiền và khó triển khai nhất là ở những nơi xa xôi. Cáp
quang cũng có giới hạn vận tốc: ánh sáng di chuyển trong không khí
nhanh hơn 47% so với trong sợi cáp quang đặc.
Nhất
là ở những khoảng cách xa nhau, khả năng chập chờn (lag) là rất cao,
dẫn tới thời gian chờ lâu trong các cuộc gọi video hoặc gọi đàm thoại
trên mạng.
Các vệ tinh địa tĩnh cũng có thể truyền
tải thông tin nhưng độ lag rất cao, vì chúng treo ở khoảng cách rất xa,
hơn 35 nghìn km trên Trái Đất, gây ra thời gian chờ tối thiểu là 1/2
giây. Các vệ tinh của Starlink ở gần Trái Đất hơn vài chục lần so với
các vệ tinh địa tĩnh.
Các tổ chức tài
chính bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi độ trễ của mạng internet. Các thị
trường có thể dao động giá trị hàng tỷ đô la trong một phần nhỏ giây, do
đó bất cứ sự chậm trễ nào cũng có thể gây ra thua lỗ khổng lồ so với
đối thủ có mạng internet tốt hơn.
Mỗi
vệ tinh Starlink sẽ liên kết với 4 vệ tinh xung quanh bằng laser. Đây là
điểm đặc biệt của chúng: có thể đưa dữ liệu đi trên bề mặt Trái Đất ở
gần vận tốc ánh sáng, vượt qua tốc độ của cáp quang. Tuy nhiên, các đợt
vệ tinh đầu tiên sẽ không dùng laser, mà được kết nối qua các ăng-ten
trên mặt đất.
Cách mỗi vệ tinh sẽ liên kết laser với 4 vệ tinh xung quanh (Ảnh: Mark Handley/University College London)
Trong tương lai, người dùng có thể kết
nối với Starlink qua một ăng-ten có giá khoảng 200 đô la và to bằng
chiếc bánh pizza cỡ nhỏ. Nó rất nhỏ gọn và có thể gắn lên mái nhà, nóc
xe hơi, tàu thủy…
Lợi thế của Starlink là kết nối dữ liệu ở khoảng cách xa. Đối với các khoảng cách ngắn, cáp quang vẫn có ưu thế hơn.
Mỗi
vệ tinh có thể đáp ứng cho 1100 người dùng xem video 4K cùng lúc. Nhưng
cũng như mọi nhà cung ứng internet khác, nếu số người sử dụng cùng lúc
quá cao, hệ thống Starlink sẽ không đáp ứng được.
Với
quá nhiều vệ tinh bao quanh Trái Đất, các chuyên gia cũng lo ngại về
khả năng tạo ra rác vũ trụ gây thiệt hại cho các vệ tinh khác. Các mẩu
rác này có thể di chuyển nhanh hơn đạn bắn nhiều lần và chỉ một mẩu nhỏ
cũng có thể làm nổ tung một vệ tinh, gây ra thêm nhiều mảnh vụn nữa.
Để
xử lý, SpaceX dự tính mỗi vệ tinh sẽ sử dụng động cơ đẩy ion để rơi
khỏi quỹ đạo, đi vào bầu khí quyển và tự hủy. Các vệ tinh Starlink đầu
tiên cũng ở gần mặt đất, do đó không khí có thể từ từ làm chúng chậm lại
và rơi xuống trong 1-5 năm.
Động cơ ion (Hall) được dùng trong các vệ tinh Starlink (Ảnh: NASA)
Trong tương lai, SpaceX dự tính phóng 60
vệ tinh Starlink một lần trên tên lửa Falcon 9, vốn có thể dùng lại và
đã phóng thành công gần 60 nhiệm vụ không gian.
Nhưng
để đạt được con số 12.000 vệ tinh vào cuối năm 2027, số lượng Falcon 9
của SpaceX là không đủ. Chắc chắn sẽ cần tới các tên lửa to hơn, ví dụ
như Starship, mà Elon Musk từng giới thiệu cho các nhiệm vụ du hành tới
sao Hỏa. Hiện SpaceX đang phát triển loại tên lửa Starship này, ông Musk
có thể sẽ tiết lộ thêm các thông tin mới vào tháng 6.
Theo Business Insider,
Phong Trần tổng hợp
Phong Trần tổng hợp
trithucvn.net
No comments:
Post a Comment