Thằng cháu tôi đi bộ
đội 4 năm 7 tháng, lù lù dẫn xác về. Chưa kịp nhập hộ khẩu, đã sinh cờ bạc, số
đề, rượu chè, rồi thất tình, đau khổ…
Một buổi trưa nó nốc
rượu say mèm và gục mặt chết ở vũng nước tiểu của mình.
Gom góp họ hàng được
gần 300 ngàn, tôi tức tốc đạp xe lên cửa hàng huyện, nơi chuyên bán áo quan, xô
màn:
– Chị… chị làm ơn…
Chị bán hàng mặt lạnh
như tiền:
– Hết rồi bác ạ!
– Kìa thấy…
Tôi lặng người, rón
rén chỉ vào đống áo quan trước mặt.
Chị ta bảo:
– Của quý 4 đấy, bác
ạ, quý 3 bán hết từ 3 hôm nay rồi. Tuần sau bác lại.
Tôi kêu lên:
– Trời ơi… có mà đau
đẻ chờ sáng giăng…
Thông cảm với bộ dạng
nhớn nhác, chán chường của tôi, chị bán hàng nói với giọng thông cảm:
– Thôi, thế này vậy,
bác chịu khó đạp xe lên huyện xin chữ ký chứng thực, đề nghị linh động giải
quyết, rồi về đây cháu bán cho…
Nhưng rồi thấy tôi cứ
đứng lặng, tưởng như đang phải nói chuyện với thây ma, chị bán hàng gắt:
– Kìa, đi đi chứ bác.
Quãng chục cây số nữa thôi… Nhưng bác nhớ phải quay về xã viết đơn và xin dấu
má thật đầy đủ đấy.
Gần 60 tuổi đầu, bao
lần đối mặt với cái chết, chưa bao giờ tôi trải qua tâm trạng bực bội và căng
thẳng đến mức này…
Xếp cả chồng tiền gần
3 trăm ngàn, tháo luôn cả chiếc đồng hồ Citizen màu vàng chanh đặt lên quầy,
tôi bảo:
– Đây, để làm tin, đề
nghị chị linh động giải quyết, chứ sức vóc tôi không đạp nổi 3 chục cây số nữa đâu.
– Ấy chết, không được.
Chị ta nguây nguẩy:
– Có chỉ thị của trên
rồi... Quý 3 này chúng cháu chỉ được phép bán 2000 cái, mà đã vượt mức trên 2
chục cái rồi… Khổ! Sao bác không chịu khó đến từ tuần trước? Sang quý tư cháu
hụt chỉ tiêu trên giao thì khốn.
– Thế…
Tôi ngơ ngác:
– … Chị nói…. nói thế… có nghĩa là… cháu tôi
chết ngoài “kế hoạch?”
– Vâng, có thế cháu
mới yêu cầu bác phải có chứng thực của địa phương và giấy xác nhận của huyện
chứ!
Lại còn thế nữa... Như
cái xác không hồn, tôi lừ đừ dắt xe ra, đầu nhức buốt.
Tôi quay điện thoại:
– A lô…
– Gì đấy?
Đầu dây bên kia có
tiếng đáp khẽ kèm theo một tiếng gắt…
– Thủ trưởng đi họp rồi.
– Đề nghị…
Tôi lớn tiếng.
Mặc thái độ nôn nóng
của tôi, người bên kia, giọng còn trẻ lắm, lên giọng:
– Đại sự quốc gia bố
già ơi! Tuần sau bố quay lại nhá!
– Trời ơi…!
Tôi rên lên, tưởng đất
dưới chân sụp lở hàng mảng.
– Khổ lắm... đã bảo
đại sự quốc gia mà lị.
Giọng anh ta càng lúc
càng thêm chớt nhả:
– Bố không chờ được
đâu. Mà chờ cũng chẳng để làm gì. Thủ trưởng không giải quyết đâu. Trừ có cái
chết.
– Dạ…
Tôi đổi sợ thành mừng,
líu lưỡi:
– Chết ạ?… Vâng, thế thì trường hợp này của tôi
đúng là chết, chết thật đấy ạ… Cháu tôi…
– Mẹ bố khỉ!
Hắn cười khành khạch:
– Cháu bố thì liên
quan gì đến đây?
– Nhưng…
Tôi chưng hửng.
– Định hối lộ hả?..
Bắt cóc thủ trưởng về tận quê ăn cỗ cơ đấy... Dịp khác nhé.
Hắn tuyên bố.
Tôi đột ngột nổi cơn
lôi đình:
– Không còn dịp nào
hết!
– Bố cưới hay thằng
cháu bố chẳng hạn?
Nghe tiếng máy xập,
tôi thất vọng đạp xe ra về, cảm giác rõ hai đầu gối củ lạc sắp long ra đến nơi.
*****
Đúng giờ ngọ hôm sau
mọi ước muốn của tôi rồi cũng được thực hiện (cũng may, cuộc họp chỉ kéo dài...
có một ngày).. Nhờ sự “ngoài kế hoạch” của thằng cháu, tôi được dịp tham quan 1
lô phòng ban và nhận diện không biết bao nhiêu “ngài đáng kính”. Hóa ra từ cái váy quan liêu đẻ ra lắm ban bệ, chức tước thật.
Chả trách thằng cháu tôi chưa kịp nhập hộ tịch đã nóng lòng chui đầu ra khỏi
váy để rồi rơi tọt xuống đất đen theo kiểu “ngoài kế hoạch” thế này.
Hộc tốc đưa giấy về
nhà tôi mới ngã ngửa... Dưới hàng loạt chữ ký và con dấu đo đỏ ở phía dưới là
dòng chữ “Đề nghị xem xét lại”. Hoặc “Chờ xác minh”... Thì ra vì cuống, vì cái
bệnh quên không đeo kính, vì cái đầu u mê, nên khi ở trụ sở công an xã bước ra
tôi đã không chịu xem lại, xem thật kỹ cho chắc ăn. Tưởng đơn thuần là giấy
chứng thực báo tử, ai ngờ họ còn ghi thêm mấy dòng nghi vấn:
“Chết không rõ lý
do... Công an địa phương đang tiến hành điều tra”...
Tôi vò đầu, bứt tai,
muốn dựng xác cháu lên mà đánh cho hả giận. Cái ngữ nó sống báo hại bố mẹ, chết
báo hại chú... 2 ngày trời đạp xe giữa trời nắng chang chang như đổ lửa với 6
bận đi về hơn trăm cây số có ít đâu… Trời ơi! Trời có mắt không hả trời? Hay
trời cũng mắc bệnh quan liêu nốt?
Nhìn nét mặt chưng
hửng của tôi, thằng cả kịp hiểu ra tất cả, nó dúi tút thuốc lá và cả bọc chè
vài cân vào tay tôi, rồi giục:
– Bố chịu khó quay lại
chỗ công an xã, nói khó với các anh ấy, nhờ các anh ấy chứng thực cho. Bảo họ
ghi thật rõ vào. “Đã chết hẳn vì lý do thất tình do uống rượu”…
Chưa đủ, nó còn dặn
thêm:
– Dù hoàn cảnh thế nào
bố cũng phải giữ bộ mặt cho thật tươi tỉnh cho con nhờ... Chứ như người sắp đưa
ma thế kia, bố ai dám nhận chè thuốc của bố?
Lại một ngày đạp xe,
chầu chực, rút kinh nghiệm, lần này tôi thủ sẵn một bao thuốc trong túi và nụ
cười thường trực... trên khoé miệng. Đến phòng ban nào cần chứng thực đóng dấu,
tôi lập tức bấm bật lửa tanh tách và… vén môi cười xoè... Cuối cùng 1 dòng chữ
loằng ngoằng nửa giun, nửa dế kiểu... bổ túc văn hóa lớp 3 của ông chủ tịch huyện cũng phải bò ra:
“Chết ngoài kế hoạch.
Linh động giải quyết.”
Cô bán hàng hôm trước
đã nghỉ.Thay cho cô là một thị trẻ hơn, cong cớn khi nhận xấp giấy từ tay tôi:
– Dấu má gì mà mờ thế
này?
– Thì dấu của huyện mà
chị!
– Huyện nào. Cháu bảo
cái dấu ở giấy báo tử kia.
– Ô hay, cháu tôi chết
thật mà chị.
– Biết thật hay giả??…
Lần sau bác lưu ý rút kinh nghiệm nhé! Dấu mờ thế này mà còn cầm lên đây là
cháu bắt về xã xác minh lại đấy.
– Ô…
Vẫn biết tất cả sự lo
lắng quan tâm cho sự ra đi của người đã chết chỉ có tác dụng an ủi với người
sống, còn “cát bụi lại trở về với cát bụi”, song “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tôi
cố gắng chọn lấy một cái áo quan đèm đẹp, không nứt, không vênh, không hụt quá
hoặc to quá. Khổ một nỗi đống gỗ hòm này quá dở. Không chứng nọ cũng tật kia.
Chị bán hàng thấy tôi
có vẻ phân vân, phát bực:
– Thôi, bác ôm nhanh
hộ cháu 1 cái đi. Còn nhiều thủ tục phải giải quyết lắm đấy!
– Vâng.
Tôi vội vàng cầu cứu:
– Chị duyệt cho tôi ít
xô màn tiêu chuẩn.
– Bác ra đầu phố mà
mua. Hay chửa, đã “chết ngoài kế hoạch” còn đòi duyệt xô màn trong tiêu chuẩn.
Há miệng mắc quai, tôi
đành chữa thẹn:
– Thôi được, chị cho
tôi nộp tiền thuê xe.
– Chỉ xe tang thôi đấy
bác nhớ. Công tác phục vụ tang lễ đã hoàn thành kế hoạch quý 3 rồi, tất cả xe
khách bây giờ được trên huy động vào đám cưới để làm kế hoạch 3 hết. Mùa này là
mùa cưới mà.
Run run cầm tấm hóa đơn thuê xe trên tay, tôi khật khưỡng đạp về nhà. Thằng cả
bàn:
– Bố cứ ra công ty xe
khách mà thuê. Những 5, 6 trăm người cơ mà. Phần lý do thuê bố cứ ghi đại là
“đám cưới”.
– Đồ…
Tôi trợn mắt, chưa kịp
quát nó đã cười ngoác miệng chữa thẹn:
– Thì đang mùa cưới mà
bố. Lên tận đấy mà nói lý do: thuê xe tang cho đám ma. Bố ai người ta dám…
*****
Nhìn dòng chữ nguệch
ngoạc “10 giờ sáng 25/8” trên hợp đồng, tôi giật thót mình:
– Ấy chết, bác linh
động cho. Gia đình tôi nhỡ đã 3, 4 hôm nay rồi, nóng nực thế này….
– Thì “ngoài kế hoạch”
mà bác! Hợp đồng chúng em kín cả rồi, nể bác lắm đấy, nhưng mà chịu thôi… Thôi
chịu khó chờ mấy hôm vậy, bác ạ. Có tốn kém thêm một chút, nhưng vui vẻ. Cả đời
mới có một lần ấy mà. Nóng nực sợ thiu bác cứ quăng hết vào tủ lạnh là khỏi lo.
Có ế ẩm nữa, bác cứ quay lại đây, anh em cánh xế chúng em xài giúp... Nhồi vào
“tủ nóng” còn tốt hơn tủ lạnh đấy bác ạ.
Dở cười dở mếu tôi
quay trở lại nhà.
Công việc liệm thi hài
bắt đầu. Thay vì những tiếng thút thít, nỉ non, ai oán và lén giơ tay áo lên
quệt nước mắt, người ta lẩm bẩm chửi lũ ruồi nhặng chết tiệt và lén giơ tay...
bịt mũi, xua ruồi. Chiếc quan tài đèm đẹp tôi đã mất công chọn cả buổi sáng hóa ra quá chật so với thi thể người quá cố. Một phần vì thi
hài “nóng nở ra”, phần khác vì sản phẩm của công ty là “ngoài kế hoạch”, nên
những người gia công đóng hòm đã cố gắng tận dụng cả chiều rộng lẫn chiều dài
tấm ván. May mà đặt được cháu nằm nghiêng.
Chết đâu phải đã hết.
10 giờ sáng, quang cảnh nhà anh chị tôi hệt như một đám “hát bội”. Nửa bưng mặt
khóc, nửa bưng miệng cười. 2 chàng tài xế văng tục chửi um. Thực hiện đúng hợp
đồng, chàng Công ty xe khách vòng vo tìm nhà. Quay ra quay vào mấy lần thấy vẫn
đúng số nhà ghi trên hợp đồng, nhưng không phải đám cưới mà là đám tang. Biết
bị “ăn quả lừa” chàng ta làm toáng lên, một hai đòi hủy hợp đồng. Chàng xe
tang (dù đã được lót tay trước bao thuốc, chai rượu), nhân cơ hội cũng khăng
khăng đòi hủy hợp đồng luôn vì đã quá quy định những... 4 ngày. Chỉ khổ
cho anh chị tôi, khóc con 5, 6 ngày đã cạn kiệt cả nước mắt rồi, trước tình
cảnh “không khóc không xong với chúng nó” này, đành phải chạy ra nỉ non, khóc
lóc, hứa hẹn “bồi thường đâu ra đó”, nghe chừng tang thương hơn cả lúc khóc
con.
2 xe bon bon trên
đường tới khu vực cổng nghĩa trang, cả mấy trăm con người đã quên dần “cõi
thế”, hướng cả vào cõi âm, trạm dừng cuối cùng của mọi số kiếp sang hèn, đói
khổ. Bỗng có tiếng quát giật giọng:
– Dừng lại!… dừng lại!
Anh lái xe khách khựng
người trên vô lăng, cặp mắt đảo tứ phía, miệng lẩm bẩm:
– Lại chuyện gì nữa
thế này?
Tôi giật mình, trước
khi nhảy xuống phòng bảo vệ nghĩa trang còn kịp dõi đôi mắt về phía trước, nơi
chiếc xe tang đã mất hút trong lòng nghĩa trang…
Trên xe đám đông hốt
hoảng, nhốn nháo. Sẵn kinh nghiệm trong một tuần phục dịch, tôi... vén môi nở
nụ cười thường trực và đánh bật lửa tanh tác... Hóa ra trăm sự tại
cái chữ.. hỉ này. Thật khỉ gió cái nhà anh tài. Xe đưa tang mà dám dán kín cả
các hình thù nhảy nhót điên loạn lại còn trương cả cái chữ hỉ to bằng... mả bố
thằng ăn mày ngay đầu xe nữa. Có chết cha con người ta không!
Tài hùng biện, bao
thuốc loại sang và chiếc bật lửa “bỏ quên” đã phát huy tác dụng. Chiếc thanh
chắn từ từ được nâng lên, anh tài tăng hết ga đâm đánh xầm vào đít xe tang
trước mặt.
Tôi cúi đầu, theo mọi
người chui ra khỏi xe, cố nén một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bỗng từ đâu anh tôi
chạy lại, như hiện về từ thế giới bên kia. Mặt xanh mét, líu cả lưỡi, anh nói:
– Khổ thân tôi không,
cháu nó chưa có hộ khẩu, người ta bảo không được phép chôn ở đây.
Sau lưng tôi đám đông
biến thành cuộc biểu tình, cãi cọ, giằng co, la ó. Mấy bà cô hờ:
– Ôi cháu ơi.. biết
chết khổ, chết nhục thế này thì tội gì cháu chết cháu ơi!
Chàng lái xe tang tức
khí mở toang cửa, đuổi hết mọi người xuống, rú ga, lùi sát đít xe đựng áo quan
vào tận cửa văn phòng, rồi nhảy xuống, văng tục:
– Mẹ chúng mày. Không
để yên cho ông đi, ông khênh quan tài vào giữa văn phòng cho mà ngửi. Lúc nào
ngán thì tự chôn. Xem chúng mày có dám ăn thịt nó không?
Nhìn theo dáng điệu tự
tin của thằng cả nhà tôi đi vào phía trong, tôi thở ra một hơi nhẹ nhàng.
Đúng nửa tiếng sau, nó
quay ra bấm tôi:
– Xong rồi... Bố tưởng nhập khẩu cho người chết
dễ hơn người sống chắc?
Nó dúi vào tận mặt tôi
tấm thẻ mộ: Lô 38, khu II, số mộ 1078... Rồi lên giọng giảng giải:
– Bố ơi, đồng tiền đi trước bao giờ cũng khôn,
bố ạ. Tháng trước con đưa ông bạn con ra đây, gia đình lóng ngóng không biết
đường lo lót chu đáo, cho nên phải vào nằm trong khu nghĩa trang làm phúc. Ở
đấy toàn tứ cố vô thân, chết đường, chết chợ cả thôi bố ạ. Người ta lại vừa bốc
mộ xong, nước ngập trắng xóa, dép nhựa, giẻ rách, mảnh áo quan không tan
rữa được nổi lềnh bềnh kín mặt hố.. Thật đúng là thế giới của người chết nghèo…
Vừa nãy con phải nhờ “Bác” 3 lần đưa đường chỉ lối (!) chúng nó mới chịu cho
anh ấy được ra ở lô II này đấy, ngay gần khu các vị lãnh đạo.
Hóa ra, trong thế giới vĩnh hằng của người đã chết đẳng cấp
vẫn còn phân biệt, quy luật giá trị vẫn còn tác oai tác quái.
... Đúng nghi lễ của
người Việt Nam, chiều hôm ấy anh chị tôi làm cơm cúng 3 ngày, mời bạn bè, họ
hàng và người đưa tiễn ở lại thắp nén nhang để cùng tưởng nhớ tới người đã
khuất. Trong vòng khói nhang nghi ngút, tôi rợn người khi nghe thấy tiếng khóc
thút thít của cháu.
– Làm sao?
Tôi thì thầm hỏi cháu
tôi:
– Cháu làm sao?
– Cháu khổ quá chú ơi!
– Biết rồi! Khổ, chết
ngoài kế hoạch thì sướng làm sao được!
– Biết thế này thà
cháu sống mang tiếng là thằng ăn tàn, phá hoại cho xong.
– Thôi, dẫu sao mọi
việc cũng qua rồi. Cháu bây giờ yên ấm dưới suối vàng.
– Chưa qua đâu chú
ơi... Hu.. hu.. hu, cháu không nằm ngửa được... hòm chật quá! Mà sao khi đắp mộ
cháu, chú không “chi đẹp” cho mấy thằng phu mộ để chúng nó trừng phạt cháu, đắp
điếm qua loa, ẩu không chịu được, để đến nỗi bây giờ suốt dọc sống lưng và phía
dưới chân cháu đất sụt từng mảng, hở toác hoác. Gió nghĩa trang lồng lộng, lạnh
buốt sống lưng, chú ơi… hu… hu…
Tôi đâm bổ đến chỗ
thằng cả đang ngồi “chén chú chén anh”, lôi xềnh xệch nó đi trước con mắt ngơ
ngác của cả nhà:
– Đi! Ra ngay nghĩa
trang với tao. Chỉ có mày đi tao mới yên tâm. Sau này bố có làm sao, nhớ là bố
chỉ trông cậy vào một mình mày thôi đấy, con ạ…. Trời ơi! Chết mà còn khốn nạn
khốn khổ thế này sao?!!
Sấp ngửa chạy ra chỗ
dựng chiếc xe đạp cà tàng, thằng cả bảo:
– Bố ơi, đến lượt bố,
bố nhớ phải chết trong kế hoạch đấy nhé, cho chúng con nhờ, chứ ngoài kế hoạch
thế này, khổ lắm…
Hà Nội cuối 1986
Trần Khải Thanh Thủy
cười ra nước mắt ! đúng với tinh thần ưu điểm của nước ta
ReplyDelete
ReplyDeleteTrong lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng thử hỏi xã hội ta có bao giờ ưu việt được như thế này ?