Monday, November 7, 2022

Người Chài Lưới (Hai Cua) - Trần Văn Khang


Truyện ngắn dưới đây có nhiều chi tiết giả tưởng.  Tên gọi của một số địa danh cũng được thay đổi.  Nếu danh tánh và hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện có sự trùng hợp ngoài đời thì chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.

*****

Tả ngạn sông Ngang Dừa là một xã ấp lớn, rất trù phú.  Lại có cả một khu chợ, đông người mua bán từ sáng sớm cho tới quá trưa.  Thêm hai tiệm cà-phê hủ tiếu và vài tiệm tạp hóa của người Hoa, càng làm cho khu chợ đông người lui tới.

Hữu ngạn có nhiều đồng ruộng, thôn xóm thưa và rải rác.  Xa hơn chút nữa, độ ba bốn cây số đường thủy, gần bên Sông Lớn, là một khu làng của những người đánh cá, dân ở đây gọi là Xóm Chài.  Nói là xóm, nhưng chính ra phải gọi là làng mới đúng. Dân số của Xóm Chài chừng trên một ngàn năm trăm người, với khoảng trên ba trăm gia đình.  Nhiều nhà sàn, dựng ven bờ sông nước.  Vài ngôi nhà gạch, lợp ngói đỏ.  Những gia đình chài lưới, hàng ngày đem cá tôm đánh được sang bán bên khu chợ Ngang Dừa.  Khi được mùa lưới, dân chài bán thủy sản không hết, họ đem phơi khô.  Những tàu đò đem tôm khô, cá khô lên tỉnh bán.  Trên đường về, họ lại chở những nhu yếu phẩm như đường, sữa hộp, dầu hôi, săng nhớt để chạy máy tàu, máy xay lúa...về cho các tiệm buôn trong vùng.

Nhưng câu chuyện không phải là nói về địa dư và sinh hoạt của cư dân tại một vùng nhỏ thuộc đồng bằng Hậu Giang.  Câu chuyện kể sau đây là sự tương quan rất ngẫu nhiên giữa một y-sĩ mới ra trường, còn phong cách thư sinh, và một người dân chài, chuyên đi câu cua.  Mọi người trong vùng vẫn quen gọi anh ta là Hai Cua.

Vào thời gian ấy, giữa thập niên sáu mươi, An theo đơn vị đến đóng quân tại Ngang Dừa được chừng vài tháng.  Nếu không đi hành quân, thì công việc của An rất nhẹ nhàng.  Mỗi sáng anh đến trạm y tế, sát bên bờ sông, khám bệnh cho thuốc những quân nhân trong đơn vị.  Thỉnh thoảng săn sóc giúp cho những nhân viên hành chánh bên quận.  Gần như ngày nào cũng có một số cư dân trong vùng đi ghe thuyền, đem thân nhân đến xin khám bệnh, chữa thuốc.  Chương trình dân sự vụ, cốt tranh thủ lòng dân và cũng thêm cơ hội lấy tin tức tình báo của bên kia, cho phép An làm công tác y tế miễn phí cho dân chúng trong vùng.  An đã hai lần đi dân sự vụ tại Xóm Chài.  Cùng đi với anh, mỗi lần đều có toán y tá quân y, Trung Úy Hậu ban tình báo cùng một số nhân viên, và một toán nghĩa quân bên quận.  Mỗi khi thi hành công tác y tế như vậy, An cũng như nhiều đồng đội khác, hay mặc đồ bà ba vải sẫm mầu cho hòa mình với dân chúng.

Nhiều buổi trưa, An nằm nghỉ trên võng, trong lều vải dựng ở ven sông.  Anh thường thấy Hai Cua, ngồi trên chiếc ghe nhỏ đơn độc, kiên nhẫn thả những bẫy cua dọc theo giòng sông.  Sông ở đây, gần biển, nửa năm nước mặn, và cua cá rất nhiều. Những cái bẫy cua hình dáng như những chiếc vó nhỏ, bên dưới có mảnh lưới thưa và một cục đá to bằng nắm tay.  Người chài cột mồi bằng cá ươn hay một con nhái nhỏ vào bẫy.  Cua có nhiều càng, bò vào lưới kiếm ăn.  Một vài càng vướng mắc vào mạng lưới, cua không thoát đi đâu được.  Thế là một lát sau, Hai Cua chèo ghe lại, dùng một cán cây dài có móc, kéo bẫy lên, ngon lành bắt một hoặc hai con cua mắc lưới. An quan sát, thấy việc chài lưới này cũng nhẹ nhàng.  Nhưng An phục tài Hai Cua ở chỗ anh ta có cả mấy chục cái lưới, không phao đánh dấu, thế mà lại nhớ từng “tọa độ”, từng địa điểm của mỗi chỗ đặt bẫy.  Anh ta dùng móc, kéo bẫy lên, lần nào cũng trúng.

Hai Cua khoảng hai mươi lăm tuổi, dáng dấp mạnh khỏe, nước da nâu sậm vì nắng miền tây và vì nghề chài lưới trên sông nước.  Vài lần An ra bờ sông, vẫy Hai Cua vào bến để mua hàng.  An chưa thấy cua ở đâu to, ngon, chắc thịt như ở đây.  Kể cả cua biển An được ăn khi còn nhỏ ở Hải Phòng, vùng cảng miền Bắc, hay cua ở Vũng Tàu, hoặc cua tại nhà hàng Diamond Chợ Lớn An hay dùng cùng bạn bè cũng không ngon bằng.  Có khi An mua cả hai chục con cua, rồi thưởng thức những món cua hấp, cua xào me cùng với toán y tá của anh.

Một buổi sáng, An đang làm việc tại trạm y tế thì Hai Cua cùng người em gái độ mười lăm tuổi, đem bà mẹ lại nhờ chữa bệnh.  Bà mẹ khoảng gần sáu mươi, nằm yếu mệt trên chiếc cáng.  Bà còn tỉnh nhưng có vẻ đau nặng, bịnh đã ba ngày, ói mửa, nóng sốt và than đau nơi bụng.  An chẩn bệnh.  Lưỡi bệnh nhân đóng trắng và khô.  Mạch nhanh, tim phổi bình thường. Bụng mềm, nhưng đau đều khi ấn chẩn.  Một vài nốt lốm đốm đỏ trên da ngực và da bụng.  Vì ở xa các trung tâm y tế, An không có phương tiện thử nghiệm để định bệnh qua huyết thanh.  Anh tạm đoán là bệnh nhân bị thương hàn.  “Trung-sĩ y tá trưởng” của An đồng ý ngay, mẹ một người bán cua bị bệnh "ban cua" chắc là phải ... đúng!  Người bệnh có vẻ bị thiếu nước vì nóng và ói, không ăn uống đã hai ngày.  An cho y tá chuyền hai chai nước biển, có pha thuốc, qua tĩnh mạch, cho bệnh nhân.  Sau đó cho thêm một loại thuốc trụ sinh và thuốc trị nóng để uống trong một tuần.  Hai Cua chăm chú nghe lời dặn dò, cám ơn An rồi dùng ghe đem mẹ về nhà.

Hơn một tuần sau, An thấy Hai Cua đi chài lại.  Anh ta đến tìm An ở trạm cứu thương, biếu An một buồng chuối cau và cả chục con cua lớn.  Anh ta nói bà mẹ đã thuyên giảm nhiều, đang hồi phục.  An vui vẻ nhận quà và cũng cảm thấy vui.

******

       Trong số những sĩ quan tại Trung đoàn, An quen nhiều với Trung úy Hậu.  An hay chơi Domino hoặc cờ tướng với người sĩ quan trẻ này.  Trung úy Hậu trước kia là sinh viên luật khoa năm thứ hai ở Sài Gòn.  Hậu không may mắn, thi rớt và bị gọi nhập ngũ Thủ Ðức khoảng mấy năm trứớc.  Có sẵn quá khứ học Luật, anh được cho đi học khóa tình báo, rồi về làm Ban Hai của Trung Ðoàn bộ binh tác chiến mà An đang phục vụ.  Cùng một cỡ tuổi, lại cùng có quá khứ sống đời sinh viên Sài Gòn, An và Hậu dễ thông cảm nên chuyện trò rất hợp.

Vào một xế trưa, Trung úy Hậu và vài nhân viên đem anh chàng Hai Cua vào lều thẩm vấn của đơn vị.  An tình cờ cũng có mặt.  An được biết một nhân viên quân báo thấy Hai Cua vừa đi chài, vừa ghi chép và vẽ những gì trên một mảnh giấy, nên tạm giữ anh ta và đem trình Trung úy Hậu.  Khai thác sơ khởi cho biết Hai Cua ở Xóm Chài với mẹ và một đứa em.  Anh ta có giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh.  Ai cũng biết rõ là ở miền quê, nếu biết lo lót, nhiều người có giấy này!  An được xem tờ giấy “tang vật” mà Hai Cua đã vẽ.  An thấy hình vẽ sơ sài con sông, dãy nhà bên phía bờ bên kia, địa điểm trạm cứu thương, và một hàng những chấm chấm nhỏ trên giòng nước.  Không thấy vẽ doanh trại bộ chỉ huy, không ghi vị trí hai khẩu đại bác.  Bị thẩm vấn, Hai Cua nói là vẽ những chấm trên sông để nhớ mhững địa điểm hay đặt bẫy cua.

Trung úy Hậu hỏi An:

-  Bác sĩ nghĩ sao?

An không muốn lãnh trách nhiệm về việc tha hay bắt giữ anh câu cua này.  An cũng chẳng có kinh nghiệm gì về khai thác các nghi can hay về tình báo.  Việc bắt giữ, khai thác những người phía bên kia cũng không phải là nhiệm vụ của An An.  Anh đáp lời:

- Trung úy cứ tính sao cho đúng.  Riêng tôi thấy chưa có gì để xác thực tội trạng anh này.  Nhưng nếu Trung úy nghi ngờ thì kế tiếp mình sẽ làm gì?

Trung úy Hậu hơi ngần ngừ:

- Nếu nghi ngờ hay có nhiều bằng chứng, mình cho giải về Sư đoàn, để khai thác thêm.  Khai thác không có gì thì lại thả ra, thường là vài tháng.  Bắt đi khai thác thì cũng tội cho người ta, chỉ vì mảnh giấy sơ sài này.  Hay là thôi, mình thả tên này.

An cũng nghĩ thêm về người mẹ và người em của Hai Cua.  Người đàn bà miền quê mộc mạc, đứng tuổi, đơn chiếc, mới lành bệnh.  Nếu anh chàng này bị bắt mang đi, hai người thân của anh ta chắc sẽ không có ai giúp đỡ.  Vì thế An cũng nói theo người Trung úy phòng nhì:

-  Tôi cũng nghĩ vậy, thôi cho người ta về.

Hai Cua được cho đi, nhìn An, không nói, nhưng có vẻ như ngầm cảm ơn.

*********

Tin điện báo từ Vị Thanh, bằng siêu tần số, cho biết cha của An trở bệnh nặng, nằm bệnh viện Ðồn Ðất Sài Gòn, chắc khó qua khỏi, cả nhà cần An về gấp.  An được vị chỉ huy cấp giấy cho phép về ngay, nhưng anh chờ trực thăng hai ngày rồi, không có.  Chiều hôm trước, có một chuyến trực thăng, nhưng điểm về lại là Cà Mau, còn xa Sài Gòn hơn.  Không có đường bộ cho xe chạy, vì cả một vùng xung quanh nơi đồn trú toàn là xã ấp, đồng ruộng và kinh rạch.  Nếu không dùng trực thăng, chỉ còn đường thủy.  An chưa bao giờ dám đi ghe tàu từ đây về Cần Thơ vì vài sĩ quan và binh sĩ gấp đi về nghỉ phép bằng tàu đò đã bị du kích bắt giữ đem đi mật khu, mất tích.  Nhưng An không thể chờ lâu hơn được.  Những tháng trước, An đã biết về bệnh nặng của cha anh, chắc cha An khó qua khỏi lần trở bệnh này.  An đành liều, tính toán rời Ngang Dừa về Cần Thơ bằng đường thủy.  An có quen thân ông Phó hành chánh Hưng, bên quận.  Ông ta làm gấp ngay cho An một căn cước dân sự, một giấy chứng nhận là giáo viên trường tiểu học Ngang Dừa, và một sự vụ lệnh nói An về họp với Khu học chánh tỉnh Phong Dinh.  An nhờ cô giáo Hương cho mượn chiếc cặp da của Cô và vài cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học.  An mặc đồ dân sự, như một thày giáo làng và ngay buổi sáng sớm, đáp tàu đò để đi Cần Thơ.  Anh dự tính sẽ kịp chuyến chót của xe đò Ðức Hiệp từ Cần Thơ về Sài Gòn cùng ngày.

Chiếc tàu đò rời bến từ khu chợ Ngang Dừa.  Khói của động cơ dầu cặn bay tỏa mùi hắc.  An muốn kín đáo nên ngồi trong khoang tàu.  Nhưng hơi khói làm ngột ngạt, anh phải ra phía đầu tàu, hứng gió mát và tìm không khí trong lành.  Hành khách trên tàu chỉ có sáu người đàn bà, buôn bán, nói chuyện ồn ào, tuổi của họ khoảng chừng từ hai mươi đến bốn mươi.  Có hai người trông khá đẹp, trẻ trung, nước da mặn mà.  An thầm nghĩ, một cách thơ thẩn và khôi hài, như muốn quên đi nỗi lo âu trong lòng cho một chuyến đi có thể coi là nguy hiểm cho anh: không ngờ tại Bến Ngang Dừa mình lại có dịp đi chung thuyền với các thương nữ như chàng Tư Mã Áo Xanh ngày xưa ở Bến Tầm Dương.  Khác biệt rất xa là An vô danh tiểu tốt về thơ văn, mà người xưa thì thi tài lừng lẫy một thời.  Thi sĩ họ Bạch tới bến vào lúc canh khuya.  An rời bến vào buổi sớm mai.  Tư Mã Áo Xanh đất Giang Châu ngày trước gặp có một thương nữ đàn hát tài hoa. An gặp tới sáu bà buôn bán ồn ào.  Cô nào, bà nấy cũng lo chuyện làm ăn, chẳng ai đàn hay, hát ngọt!

Ông chủ tàu, cũng là tài công, độ ngoài năm mươi, còn tráng kiện.  Ðã có người gửi gấm An cho ông nên ông tiếp An rất thân tình, cởi mở.   An thấy mấy hành khách trên tàu, quen thuộc kêu ông ta là Chú Tư.  Phụ với ông là đứa con trai, độ mười bốn, mười lăm tuổi.  Cậu giúp cha bằng cách dùng sào chống đỡ hai bên lúc tàu rời bến.  Khi tàu di chuyển, An thấy cậu bé thỉnh thoảng lấy bình nước, tưới nước nơi động cơ, có lẽ để làm cho máy bớt nóng.  Như vậy, kể cả An, trên tàu chỉ có ba người là đàn ông, còn sáu hành khách kia là phụ nữ.  An nghĩ thầm là tàu có chín người, con số này hên.

Chiếc tàu đò qua Cồn Dừa, rồi qua Xóm Chài, sắp sửa vào Sông Lớn.  Tên gọi là Sông Lớn, nhưng đây cũng chỉ là một nhánh của giòng Hậu Giang. Lần đầu tiên, An rời xa vị trí của đơn vị bằng đường sông nước.

Mấy người hành khách phụ nữ bắt đầu nói chuyện lời lỗ, buôn bán. Các “thương nữ” này lo việc hàng họ, không để ý gì tới An.  Có lẽ họ cũng quen vơí cảnh có người quá giang kiểu này.  Chú Tư chủ tàu mời An một ly trà nóng.  Có gió mát, hơi lạnh trên sông vào buổi sáng, được ly trà ấm, An thấy dễ chịu.  An hỏi chuyện vài câu với chú Tư và cậu bé, nhưng anh hạn chế đối thoại, sợ nói nhiều lộ tung tích của mình.  Có lẽ trên chiếc tàu đò nhỏ này, chỉ mình Chú Tư biết An là ai.  Nhưng chú cũng gọi lại An là chú, có nghĩa là chú em.  An thầm cám ơn vì Chú Tư đã muốn giữ kín tông tích cho mình.

Tàu ra tới sông lớn, tăng thêm tốc độ, gió như mát hơn.  Hai bên bờ là những lùm cây xanh tươi, phần nhiều là cây cần đước và dừa nước.  Lâu lâu, tàu lại qua những xóm làng nho nhỏ, xanh những bóng dừa.  Nhiều hàng dừa, quả trái chĩu chịt dưới những tàu lá xanh phía gần ngọn cây.  Cảnh trí sông nước miền Hậu Giang thật là đẹp, và có dáng an bình quá.  Lác đác vài ghe tàu suôi ngược trên giòng sông.  An mở chiếc cạc-táp Cô Hương cho mượn, lấy mấy cuốn sách giáo khoa tiểu học ra coi cho qua thời giờ.  Những sách tập đọc, sách dạy làm toán sơ đẳng cộng trừ nhân chia, vài trang lại có những dòng chữ viết tay ghi chú của Hương.  Nét chữ đẹp và mềm mại, hiền như người con gái chủ nhân những dòng chữ.  An cũng mới quen Cô Giáo Hương được một hai tháng nay.

Tàu đã chạy được độ trên hai mươi cây số đường sông, chợt có ba tiếng kẻng từ ven bờ vọng ra.  Một bà hành khách nói:

-  Lại “mấy ổng” đòi kiểm soát, thu thuế rồi!

An nhìn ra phía trước.  Bờ phía bên phải có một chiếc cờ xanh đỏ, cột vào một cây sào dài, đang đưa qua đưa lại bên sông.  Cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam !  An biết ngay là tàu của anh bị phía bên kia chặn lại.  An thực sự lo sợ, phen này bị bắt ra bưng thì hết hy vọng gặp lại Cha đang đau nặng.  Có khi vĩnh viễn xa mẹ và các người thân.  Sẽ gian khổ và nhục nhằn.  An nghĩ thầm nếu bị cầm tù trong một chế độ không có tự do cho ngay cả những người chưa bị bắt giữ, quả sẽ là một tai họa nặng nề cho anh, có khi còn mất mạng.  Tim An đập mạnh, nhưng ngoài mặt anh cố giữ bình tĩnh.  Chú Tư chủ tàu và mấy bà buôn bán thì rất thản nhiên.  Họ đã quá quen với cảnh “kiểm soát” này.

Tàu cặp vào bến, sát bên một chiếc cầu nhỏ đưa ra mặt sông.  Cầu làm bằng thân hai cây dừa, không có tay vịn.  Bốn năm người du kích đứng ở trên bờ, chờ đợi, mặt mày họ cũng như thường, không có gì là dữ dằn như An thầm nghĩ từ trước.  Có người mới độ mười sáu, mười bảy tuổi, có người trạc gần ba mươi.  Trong đám chỉ có hai người võ trang bằng súng carbine, những người khác mang lựu đạn nội hóa, và tất cả đều mặc đồ bà ba.  An đoán là xung quanh đây, phải có những toán yểm trợ của họ, đang nằm trong những lùm cây đây đó, với súng đạn đã lên nòng, sẵn sàng hành động ứng phó với mọi biến cố.

Hai người du kích lên tàu kiểm soát, một người hỏi chủ tàu:

-  Có gì lạ không Chú Tư?

-  Cũng thường thôi.  Tàu chở mấy bà con đem hàng lên Cần Thơ.

-  Chú và bà con có gì yểm trợ Mặt Trận không?

Ðây là một cách đòi nộp thuế.  Một bà nói:

-  Tôi đem tôm khô đi bán trên tỉnh.  Ðể tôi tặng mấy chú ít kí.

Bà này lấy một bịch lớn tôm khô, bọc kỹ càng trong bịch giấy dầu, đưa cho người du kích trẻ.  Anh ta nói ngắn: “Cám ơn cô bác”.

Chưa ai để ý gì đến An và anh đang tạm mừng thầm.

Một bà khác tặng cá khô.  Một bà cho một thùng giấy đựng đầy rau cải ... Những người du kích nhận hết, không từ chối một món gì.  Việc “thu thuế” có lẽ là công tác chính, kiểm soát chỉ là việc phụ.  Thấy “thuế” nộp đã đầy đủ, họ không hỏi gì thêm mấy người kia.  Một người du kích bây giờ mới quay lại nhìn An:

-  Chú Tư, còn anh này là ai dzậy?

Chú Tư thản nhiên đáp lại:

- “Ông thầy giáo" quá giang đi Cần Thơ, lo việc trường học cho mấy trẻ.

Người du kích nhìn An, quan sát, giọng nghiêm nghị:

-  Anh cho coi giấy tờ, chứng minh thư.

Bao nhiêu giấy tờ quan hệ, căn cước quân đội, An đã dấu kỹ giữa hai lớp da của chiếc cạc-táp, dán keo kỹ chỗ cất dấu.  An đưa tấm căn cước mà ông Phó quận Hưng mới làm dùm, và tờ sự vụ lệnh về họp với Ty Học Chánh Phong Dinh.

Người du kích coi giấy tờ, rồi nói nhỏ gì với người kia, An không rõ. Rồi anh ta nói:

-  Trường hợp này phải hỏi Anh Hai.

Họ giữ tàu lại, ra lệnh cho An lên bờ, đứng bên một gốc dừa.  Một người lục những túi áo và chiếc bóp của An.  Một người khác nắn người anh xem có mang võ khí gì không.  Không có gì để họ nghi ngờ, một du kích nói với người khác:

-  Mậy vô trỏng, mời anh Hai.

An hồi hộp thêm, nhưng ráng làm vẻ bình tĩnh.  Chỉ ba phút, nhưng An thấy rất lâu, “Anh Hai” từ mấy lùm cây phía xa bước tới.  An bàng hoàng cả người vì nhận ra Anh Hai chỉ huy toán du kích là Hai Cua.  An đã có dịp chữa bệnh cho mẹ anh ta và đã nhiều lần mua cua của anh.   Hai Cua chỉ hơi sững người vài giây, nhưng rồi anh ta làm như không có chuyện gì quan trọng, như chẳng hề quen biết gì với An.  Anh ta nói với mấy đàn em:

-  Có chuyện gì dzậy, tụi bây?

Một người du kích nói:

-  Anh Hai, anh này khai là thày giáo.  Tụi em thấy anh ta còn trẻ, tóc lại cắt ngắn, dám là sĩ quan Ngụy lắm.  Mà thầy giáo thì cũng là công chức Ngụy rồi, tụi em phải hỏi anh tính sao.

An lo lắng nhưng cố giữ bình tĩnh.  Anh không thể ngờ rằng cả vận mạng và tương lai của anh bây giờ lại éo le nằm trong tay người chài lưới Hai Cua này.

Hai Cua quay sang An:

-  Anh đưa lại giấy tờ coi.

An hồi hộp nhìn Hai Cua, đang coi chứng minh thư “thày giáo giả” của mình.  Tuy mặt Hai Cua lúc này lạnh lùng, An phải tinh ý lắm mới thấy một khóe cười rất là thầm kín trên miệng hắn.

Cùng lúc, mấy người phụ nữ buôn bán chờ lâu trên tàu, coi bộ nóng ruột.  Bà đã “yểm trợ Mặt Trận” bọc tôm khô lúc nãy, đứng ở mũi tàu nói vọng lên:

-  Chú Hai mạnh giỏi, hôm nào có cua lớn, dành bán cho tôi vài con nghe.

Hai Cua quay lại:

-  Dì Năm.  Tui hồi này mắc bận ở đây, ít đi lưới lắm.  Nhưng nếu có cua ngon, tui cho con Lài đem sang dì.

Một người phụ nữ trẻ trên tàu nói với lên phía bờ:

-  Thôi cho đi đi Chú.  Lỡ phiên chợ chiều của tụi tui mất.  Ông nầy là Thày giáo.  Ðể cho người ta đi.  Không có ổng, con em tụi tui lấy ai dạy học.

Hai Cua xem qua giấy tờ của An, thoáng một chút suy nghĩ, trao trả lại cho An, rồi nói với đàn em:

-  Thày Giáo, chỉ biết dạy học, để cho đi.

Hai Cua nhìn An, không chào từ giã, không nói gì thêm.  Dù đã quen trước, chắn chắn là An không tính chuyện bắt tay cám ơn, hay chào từ biệt, hoặc hẹn “tái ngộ”. Không hợp lúc, và An cũng chẳng bao giờ muốn phải tái ngộ với anh chàng du kích Hai Cua này nữa, nguy hiểm quá.

Ðược tự do, An trở xuống tàu, khẽ thở ra nhẹ nhõm. Khi nhìn lên, An thấy Hai Cua thong thả đi vào phía sâu trong bờ, rồi bóng dáng khuất sau những lùm cây xanh.  Con tàu nhỏ rời bến, một người du kích nói với xuống:

-  Chú Tư ơi, bận về nhớ nói bà con đem đường và sữa hộp cho anh em.

Một anh du kích khác nói thêm:

-  Có la-de Con Cọp nữa càng tốt.

An nghĩ thầm: Hóa ra tất cả họ đã biết nhau, và tâm lý chung, dù ờ bên chiến tuyến nào, con người bình thường có lẽ ai cũng mong bình an, có nhu cầu vật chất, những ham muốn thông thường như nhau.


Trên đường sông về Cần Thơ, An thầm cầu nguyện.  Cầu cho cha anh có một phép lạ nào để sống thêm.  Nhưng sự cầu nguyện khẩn thiết nhất mà An mong được ban cho lúc này là không gặp thêm toán du kích nào chặn đường nữa.

An an toàn tới Cần Thơ bằng đường sông và kịp về Sàigòn cùng ngày bằng chuyến xe đò chót.  Cha An còn nhận được anh, nhưng bệnh đã tới giai đoạn cuối.  Hai ngày sau, cha An qua đời.

 

*******

         Cùng gia đình lo xong tang lễ của cha, An ở lại Sài Gòn ít ngày với mẹ và anh em.  Hai tuần sau, anh trở lại Ngang Dừa, tiếp tục nhiệm vụ của người y sĩ trong quân ngũ.  An tự hứa là sẽ không bao giờ dùng đường thủy để từ đơn vị đi Cần Thơ hay để trở về đơn vị nữa.

Trong ba ngày đầu, sau khi về lại nhiệm sở, An suy tư thật nhiều.  Thấy An ít nói, không linh hoạt như trước kia, mọi người trong đơn vị tỏ ra thông cảm, như hiểu cho sự mất mát lớn lao trong đời anh.   Thực ra, An suy tư nhiều vì nhớ tiếc cha cũng có, nhưng chuyện làm An bận tâm chính là người chài lưới Hai Cua.

Hai Cua biết rõ An là Trung Úy quân đội quốc gia.  Trong ngày An bị chặn giữ bên sông, nếu Hai Cua bắt anh đem ra bưng biền, không biết số phận An bây giờ ra sao.  Giờ đây, rất rõ ràng là An và Hai Cua, mỗi người ở mỗi bên chiến tuyến.  Hai Cua lại hiểu rõ địa hình, vị trí đơn vị của An. Anh ta có thể chỉ điểm hoặc phụ giúp các lực lượng bên kia pháo kích chính xác hay tấn công doanh trại của An khi có dịp thuận lợi.  An và bao nhiêu đồng ngũ có thể tử thương, đơn vị An sẽ tổn thất nặng nề.   Còn nếu An tố cáo Hai Cua với ban tình báo, họ sẽ sang Xóm Chài tìm cách bắt anh ta.  Sẽ khai thác, sẽ tra tấn để tìm thêm những đường dây “phiến Cộng” trong vùng.  Làm vậy chắc là sẽ đưa Hai Cua đến chỗ cùng khổ, luôn cả mẹ và người em của anh ta sẽ không có ai săn sóc, trợ giúp, che trở.  An có nỡ hại một người đã có hành động tốt với anh không.

Trong đời An, anh đã nhiều lần phải cân nhắc, chọn lựa, nhưng chưa bao giờ mất công tính toán, suy nghĩ nhiều như lần này.  Khi còn nhỏ dại, An thường phải chọn một trong hai món đồ chơi cha mẹ đồng ý mua cho, như lựa khẩu súng giả hay chiếc xe chạy bằng giây thiều.  Khi lên trung học, anh phải suy nghĩ mất vài ngày để chọn học ban văn chương hay ban toán…  Xong trung học, anh lại phải chọn học trường kỹ sư Phú Thọ hay trường Y khoa đường Trần Quý Cáp.  Ðậu xong Nội trú tại Sàigòn, anh phải chọn ngành nội thương hay là giải phẫu.  Bây giờ An cần quyết định tố cáo hành tung của Hai Cua hay là dấu nhẹm mọi chuyện, coi như không có gì xẩy ra.

Sau cùng, An có một lựa chọn.  Anh nói cho Trung úy Hậu ban tình báo biết là chuyến về Cần Thơ của anh mấy tuần trước, anh đã bị du kích chặn xét và trưởng nhóm du kích chính là Hai Cua.  Hắn biết An làTrung úy y-sĩ nhưng không bắt giữ.  Trung úy Hậu quyết định rất nhanh chóng:

-  Tôi sẽ không nói chuyện này cho ai, sợ họ lại thẩm vấn bác-sĩ, có khi phải lên trình diện phòng nhì Sư Ðoàn, rất phiền phức lôi thôi.  Nhưng bác-sĩ đã cho tin tức tình báo chính xác, bổn phận tôi phải bắt hắn.  Tôi xin phép Chỉ Huy Trưởng, ngày mai xin thanh sát tuần phòng Xóm Chài, có bác-sĩ đi khám bệnh dân sự vụ cùng với chúng tôi.  Mình phải tìm bắt Hai Cua để khai thác.  Cả một mạng lươí do thám của tụi nó quanh đây!

An đã có những giao hảo khá thân với Trung úy Hậu, anh nói:

-  Vì an ninh chung cho cả đơn vị, tôi nghĩ trung úy làm vậy là đúng.  Nhưng tôi sẽ cho ông sĩ quan trợ y và toán y tá của tôi đi lo dân sự vụ và phát thuốc cho dân lần này.  Toán thám báo và Trung úy sẽ lo việc kia.  Tôi muốn tránh, vì trong lòng thấy không thoải mái nếu tôi hiện diện và chính thức tham dự việc dẫn giải Hai Cua.

Trung úy Hậu đồng ý.

Sáng hôm sau, cả một lực lượng đến Xóm Chài.  Vừa công tác dân vận, vừa truy lùng người du kích cộng sản Hai Cua.   Nhưng không tìm ra hắn, nghe nói Hai Cua đã cùng mẹ và em dọn nhà đến một thôn ấp, một làng xóm nào xa xăm, không ai rõ.  Hay là có rõ, họ cũng không dám nói.  Hắn đã rời Xóm Chài hơn hai tuần trước, chỉ ít ngày sau khi hắn cùng với toán du kích gặp An lần chót bên ven bờ Sông Lớn.

********

Trong một dịp hàn huyên với bạn bè tại Sàigòn, An đem chuyện Hai Cua kể cho các bạn nghe.  Một anh bạn đặt câu hỏi:

-  Hai Cua không bắt giữ bạn, mặc dù biết rõ bạn là sĩ quan bên mình.  Bạn lại tố cáo, để lùng bắt hắn.  Có lúc nào bạn nghĩ là mình hành xử thiếu nhân hậu, kém tình nghĩa, chưa bằng một người du kích Cộng sản không?

An đã có sẵn câu trả lời:

-  Không!  bạn ơi.  Việc liên hệ, mua bán, trị bệnh lúc đầu giữa tôi và Hai Cua là theo tình cảm riêng, giao thiệp hàng ngày rất thông thường, rất tự nhiên của con người.  Chuyện sau này phải báo cáo Hai Cua là du kích bên đối phương khi đã biết chắc chắn tông tích của hắn, chỉ là bổn phận của tôi vơí đơn vị, là việc phải làm của một quân nhân cho sự an toàn của đồng ngũ và của chính mình nữa.  Mặc dù khi làm ơn, trả nghĩa ta không nên kể, cũng chẳng nên tính sổ, chẳng nên "cộng trừ".  Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, lại càng dễ để tôi quyết định.  Tôi lo chữa trị, cưú chữa Mẹ của Hai Cua một lần.  Góp phần thả hắn khi còn nghi ngờ một lần.   Hắn cho lại tôi một buồng chuối cau cùng một chục cua.  Rồi “tha tào” tôi một lần.  Nếu "kết toán" ân nghĩa, "sổ sách" coi như quân bình rồi.  Việc thông báo về tông tích Hai Cua là chuyện tôi phải làm.  Quyết định lùng bắt Hai Cua là trách nhiệm của ông Trung Úy an ninh và của vị chỉ huy.  Hơn nữa Hai Cua có để tôi đi, cũng chẳng hại gì đến cái tổ du kích của hắn.  Trái lại, nếu không báo cáo hành tung của hắn, tôi thấy có lỗi với Trung Ðoàn tôi đang phục vụ và tôi không thể nào ... ngủ yên được.

Tại đơn vị, cũng như với bạn bè, sau này không ai nhắc tới chuyện Hai Cua nữa.  Nhưng An lại gặp một trở ngại nhỏ.  Cho đến bây giờ, mỗi khi dùng món cua, cua hấp, cua xào me, cua rang muối, cua gừng hành, cua farci ..., dù đặc sắc đến đâu, An không bao giờ thưởng thức món hải sản ngon miệng này một cách hồn nhiên, "tận tình" như ngày trước nữa.  Mỗi khi dùng cua, anh luôn luôn nhớ tới người du kích cộng sản, nhiều lần gặp gỡ, khi buồn khi vui, một thời đã xa ...

 

(Trích tập Hai Bên Chiến Tuyến)

 TRẦN VĂN KHANG

 

Thân hữu nào  có nhiều kỷ niệm và yêu mến Miền Tây nam phần, xin mời thưởng thức hay nghe/xem lại ca khúc Miền Hậu Giang.  Nhạc và lời Khanh Phương, Nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm, Ca sĩ Thùy Dương trình bày, music Video do Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu thực hiện: 

https://www.youtube.com/watch?v=tkbNyhyq5u8&list=PLXRqSoCAhHBtiSvxhGzRSOkJeYbRr0uDn&index=14 

 

Kính mến, 

Trần Văn Khang

No comments:

Post a Comment