Ngôi nhà của Tổng Thống George Washington ở Mount Vernon
Nhà ở của Washington trên đỉnh đồi
Sau khi thăm thú và chiêm ngưỡng
những tượng đài kỷ niệm trong
quần thể kiến trúc lịch sử, những bảo
tàng viện, những vườn cây (Botanic
garden) và chim muông ở trung tâm Thủ đô, chúng
tôi lên xe tiến thẳng về Mount Vernon,
trang trại của Tổng thống George Washington, nơi ông đã sống ở đây trong lúc sinh thời.
Trang trại được toạ lạc trên một ngọn đồi thơ mộng bên dòng sông Potomac.
Căn nhà chính được xây gần như ngay trên đỉnh đồi, khá khang
trang và rộng lớn. Nhà có kiến trúc cổ, hai tầng, có nhiều phòng ngủ cho gia
chủ và phòng ngủ dành cho khách,
rồi nào
phòng tiếp khách, phòng đọc sách, bếp, phòng tắm ... Mọi phòng đều được
tân trang đẹp đẽ, tuy nhiên chúng vẫn giữ được những nét cổ kính nguyên thủy
lúc ban đầu. Hàng hiên phía sau nhà nhìn thẳng xuống dòng sông Potomac chảy phía
dưới chân đồi.
Từ hàng hiên này, ta có thể nhận ra, hẳn là cảnh trí phải đẹp lắm khi ngắm nhìn
dòng dông Potomac chảy lững lờ phía dưới vào những buổi chiều tà, hay khi ngồi nhìn mặt trời lặn, hay
những đêm trăng sáng.
Phía sân sau là một dẫy nhà bên hông, gồm
những gian
nhà dành cho gia nhân, nhà chứa cỗ xe ngựa kéo Washington thường dùng khi đi
xa, rồi nhà ướp thịt cho mùa đông...
Mộ cũ và mới của Washington
Thật ra, cái thích thú khi đến thăm trang
trại Mount Vernon chính là được xem những hình ảnh, những đoạn phim (movies,
video clips) trưng bày rải rác trong ngôi nhà, mô tả những sự kiện liên quan tới
cuộc đời chiến binh và sự nghiệp của Washington. Ta có thể coi đây
như là một “bảo tàng viện” thu nhỏ ghi lại một số lớn những biến cố thăng
trầm quan trọng trong thời kỳ người dân thuộc địa chiến đấu chống lại sự cai
trị của người Anh để dành độc lập và để xây dựng nên một quốc gia tự chủ, mà vị
tướng Tổng tư lệnh chỉ
huy “Quân đội Giải phóng” lúc đó không ai khác hơn là tướng Washington
tài ba. Tài liệu lịch sử của thời lập quốc tại đây thì nhiều lắm. Nhưng có một
đoạn phim làm tôi xúc động nhất, đó là đoạn phim diễn tả lại trận đánh ở thành
phố Trenton, bên bờ sông Delaware
River thuộc phía New Jersey. Đây là trận đánh phản công vùng lên từ tình thế
tuyệt vọng của Washington xẩy ra vào mùa đông cuối năm 1776, với một lực lượng dưới
ba nghìn (3.000) người đói rét, ô hợp phải chiến đấu với ba mươi lăm nghìn (35.000)
quân đánh thuê tinh nhuệ người Đức do nước Anh thuê mướn. Sự chiến thắng của
trận đánh này có thể được coi là một trong những trận đánh quan trọng và quyết
định trong công cuộc đưa cuộc chiến đấu “Giải Phóng” của Hoa Kỳ đến thành công.
Bức danh họa trận
chiến Trenton
Nghĩa Trang Quốc Gia và
ngôi nhà tướng Robert E. Lee
Chúng tôi có dịp
đi thăm nghĩa trang Arlington
National Cemetery (Nghĩa Trang Quốc Gia) vào một
ngày nắng đẹp. Nghĩa trang Arlington nguyên thủy là trang trại của tướng Robert
E. Lee, rộng 2,5 km2,
bị chính quyền thời đó tịch thu làm “Nghĩa Trang Quốc Gia” vì tướng Lee được coi
là ngưới có tội với đất nước và là kẻ phản bội trong hàng ngũ quân đội vì
lý do tướng Lee đã từng phục vụ cùng họ trong nhiều năm trước đó, sau lại bỏ hàng
ngũ để trở thành Tổng tư lệnh quân đội “miền Nam” (Confederate) trong chiến
tranh Nội Chiến (1861-1864). Nghĩa Trang Quốc Gia này dành cho tất cả những người
có công với tổ quốc Hoa Kỳ, kể từ tổng thống, tướng lãnh tới binh sĩ vô danh trong
các cuộc chiến liên quan tới Hoa Kỳ như cuộc chiến tranh Thế Giới Lần Thứ Hai, chiến
tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam ... và những nhân vật nổi tiếng khác trong
nhiều lãnh vực.
Mục đích ban đầu của chúng tôi tới đây là tìm ngôi
mộ của kiến trúc sư Pierre Charles L’Enfant, một nhân vật như đã
nói ở trên. Thật vất vả mới tìm được nó vì ngôi mộ nằm riêng rẽ một mình trên đỉnh đồi
cao nhất tại trung tâm nghĩa trang. Ngôi mộ trông rất đơn giản, nhưng ở vị trí trang
trọng nhất, từ đấy ta có thể nhìn thấy tổng quát toàn thể Thủ đô Washington phía
xa xa. Đặc biệt nữa là ngôi mộ nằm ngay trước cửa của một ngôi nhà lớn, đó là nơi
sinh sống của gia đình tướng Robert E. Lee trước khi cuộc Nội Chiến xảy ra. Chúng
tôi được thêm cơ hội vào thăm ngôi nhà của một nhân vật nổi danh trong lịch sử Hoa
Kỳ đã từng sinh sống ở đây.
Ngôi nhà ở của gia đình tướng Lee khá lớn, hai tầng, gồm nhiều phòng ốc sang trọng, xinh xắn và cũng là nơi tiếp khách thượng lưu, danh tiếng thời bấy giờ. Tướng Lee thuộc một gia đình quý tộc ở Virginia, có liên hệ thân cận với Tổng thống Washington, và tướng Lee là “chắt” rể (?) (theo sơ đồ gia phả tướng Lee) của Tổng thống George Washington được trưng trong ngôi nhà. Qua việc thăm ngôi nhà này, tôi biết được một chi tiết nhỏ khá lý thú mà tôi chưa được biết trước đó. Sau cuộc đầu hàng của “Miền Nam” (Confederate) trước sức mạnh của “Miền Bắc” (Union), tướng Lee bị tước quyền “công dân Hoa Kỳ” và mãi cho tới năm 1975, Tổng thống Gerald Ford mới ký quyết định trả lại quyền công dân lại cho ông ngay tại trên bàn giấy trong phòng làm việc của tướng Lee xưa kia. Nói chung, những di tích còn lại trong ngôi nhà này có rất ít dấu vết lịch sử mà chủ yếu là sinh hoạt gia đình. Khác với ngôi nhà của Tổng thống George Washington ở Mount Vernon, tuy cũng là nơi sinh hoạt gia đình của tướng Wshington nhưng ở đó chủ yếu ghi lại những hình ảnh cuộc chiến đấu oai hùng trong những trận chiến lừng danh của thời kỳ “Chiến Tranh Giải Phóng” vào thời kỳ đầu lập quốc mà ông từng là Tổng tư lệnh quân đội “Giải Phóng Quân”.
Đài tưởng niệm Ngũ Giác
Đài
Những sự kiện lịch sử Hoa Kỳ xẩy ra tại Thủ đô Washington quả thật không ít, phải nói là nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ xin được nhắc thêm đến tên một nhân vật có liên quan đến bài Quốc ca Hoa Kỳ, đó là con đường mang tên Francis Scott Key, gần Ngũ Giác Đài, để vinh danh người đã làm bài thơ bất hủ, được viết lên trong sự kiện lịch sử khi xẩy ra trận chiến quân Anh tiến đánh Washington D.C đã được kể ở trên. Và sau này bài thơ ấy đã trở thành lời ca của bài Quốc ca Hoa Kỳ. (Xin đọc bài “Baltimore với hải cảng Inner Harbor” của cùng người viết).
Sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam
Hoạt
động kinh
tế và thương mại.
Những sinh hoạt kinh tế, thương mại đa dạng của cộng đồng người Việt Nam tại
Washington nói riêng và trên toàn thể nước Mỹ nói chung đã đóng góp, tuy còn
khiêm tốn
nhưng tích cực cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Một số
sinh hoạt thương mại chính ở đây tập trung vào khu thương mại Eden Center. Nơi đây
có nhiều văn phòng dịch vụ, cửa hàng ăn uống lẫn siêu thị. Có lẽ vì ảnh hưởng của
dịch cúm Covid-19 nên một số bàn ăn được bày ra ngoài trời. Nói chung không khí
sinh hoạt ở khu này rất sinh động. Phần lớn những người đến đây vẫn mang khẩu trang
(mask).
Sinh hoạt văn hóa.
Chúng tôi cũng đã có cơ hội
gặp hai chị Lê Thị Ý và chị Lê Thị Nhị, cả hai đều là nhà thơ và nhà
văn, cùng
là hiền muội của nhà thơ nổi tiếng Vương Đức Lệ (tên thật là Lê Đức Vượng – người được giải thưởng hạng nhất
toàn quốc về
thơ thời Đệ Nhất Cộng Hòa).
Nhà thơ Lê Thị Ý nổi tiếng vì thơ chị hay, đặc biệt được nhiều người yêu thích
qua những bài
thơ của chị được phổ nhạc, trong đó có bài “Ngày
mai đi nhận xác chồng” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chị tặng tôi vài tập thơ
đã được in như “Quê hương và người tình”,
“Vùng trời yêu dấu” và tuyển tập thơ văn
“Quê hương và kỷ niệm” chị viết chung
với các nhà văn và nhà thơ khác như Phượng Kiều, Vương Đức Lệ và Lê Thị Nhị.
Nhà văn kiêm nhà thơ Lê Thị Nhị chắc không
xa lạ với cộng đồng người Việt ở Washington D.C bởi những hoạt động đóng
góp văn hóa của chị ở vùng này từ nhiều năm qua. Người chị nhỏ nhắn nhưng những hoạt động của chị thì
không nhỏ chút nào,
một người
làm việc xông xáo, nhiệt tình và không biết mệt mỏi. Chị đã và đang cố gắng giữ gìn, phát triển ngôi nhà “Nhà Việt Nam” do chị sáng lập. Nơi đây nhiều sinh hoạt văn hóa cộng
đồng được diễn ra cũng từ
nhiều năm nay, đặc biệt cho giới trẻ. Tôi đã được chị tặng cho vài tác phẩm của chị đã
được in như “Đôi mắt hoàng hôn”, “Sóng thời gian”. Và chị cũng không quên tặng
tôi ba cuốn thơ của nhà thơ Vương Đức Lệ dù tôi đã có ba cuốn thơ ấy trong tủ
sách do chính anh
Vượng gửi tặng gồm “Thơ tình Vương Đức Lệ”, “Thơ giữa đời thường”,
“Thơ Vương Đức Lệ” và cộng thêm tập thơ “Thơ Mai Trung Tĩnh” của nhà
thơ Mai Trung Tĩnh.
Chúng tôi có cơ hội được đến thăm viếng và đốt nén nhang trên mộ anh Vượng ở một nghĩa
trang tại Washington.
Chị Nhị nay vẫn còn tiếp tục là chủ nhiệm của
tờ nguyệt san Thế Kỷ Mới kế thừa
từ anh Lê Đức Vượng trong nhiều năm nay,
chị Hồng Thủy là chủ bút cùng với ban biên tập hùng hậu gồm những cây
viết nổi tiếng ở vùng Washington nói riêng và hải ngoại nói chung. Tờ nguyệt san
Thế Kỷ Mới bị tạm đình bản trong hai năm qua do dịch Covid-19, nay mới tục bản trở
lại được vài ba số. Nhắc đến chị
Hồng Thủy tôi không thể quên được buổi ra mắt tác phẩm “Những cánh hoa dại mầu vàng” của chị ở Whashington
D.C cách đây hơn mười năm (2010) mà tôi đã có cơ hội tham dự.
Hoạt động xã hội, hoạt động chính trị của cộng đồng Việt Nam ở nơi đây cũng rất khởi sắc. Một đài phát thanh và truyền hình của cộng đồng dành cho vùng Thủ đô Washington. Tôi có dịp được vào thăm buổi phát hình tin tức bằng tiếng Việt của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), tiếng nói chính thức của quốc gia Hoa Kỳ.
Thế mới biết sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ta ở Washington D.C thật nhộn nhịp và đủ mầu sắc.
Tình nghĩa
Chúng tôi đến Washington D.C, không phải chỉ để được
hưởng những cảnh đẹp, những di tích lịch sử, món ăn Việt Nam ngon miệng ..., mà còn có nhiều điều
mà chúng tôi sẽ luôn lưu lại trong lòng và nhớ mãi không quên, ấy là tình cảm nồng
ấm mà chúng tôi đã nhận được từ sự tiếp đón
ân cần của
những người bạn thân quen đã lâu năm nay mới gặp
lại như một số
các bạn đồng khóa, đồng môn hay một số các bạn đồng nghiệp cùng làm
việc tại Việt Nam ngày xửa ngày xưa, và từ những người chúng tôi vừa được quen biết lần đầu đang
sinh sống ở đây.
Đặc
biệt trong chuyến đi chơi kỳ này, một cơ duyên hy hữu, tôi đã được gặp nhà văn Nguyễn
Văn Tới, người đã đoạt giải thưởng hạng nhất viết về đề tài “Người Việt tại
Mỹ” do tờ báo Việt Báo (Nam California-Orange County) đề xướng hàng năm, và nhà
thơ Nợ Ơn Lê Quang Tư.
Chúng tôi trở về San Jose, mang theo trong lòng biết bao nhiêu cảnh đẹp, biết bao nhiêu hiểu biết, biết bao nhiêu tình nghĩa, và biết bao nhiêu ân tình.
Xin cám ơn tất cả mọi người.
Thương nhớ Hoa Thịnh Đốn.
(4/2022)
Ghi chú:
Tài liệu lịch sử được sưu tầm và gạn lọc từ những sử liệu Hoa Kỳ.
Nhà văn Nguyễn Văn Tới (trái) và NG Hùng (phải)
tại Washington D.C (4/2022)
Mời đọc Phần I
(Đã đăng trên trang nhà Người Phương Nam)
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/04/tham-thu-o-hoa-thinh-on-washington-dc.html
Thật là thú vị khi được theo chân tác giả viếng thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn để ngắm những cảnh đẹp, những di tích lịch sử nổi tiếng, nhứt là được biết sinh hoat xã hội, kinh tế và chính trị của cộng đồng người Việt tại đây.
ReplyDeleteCám ơn anh Nguyễn Giụ Hùng.
NPN
Cám ơn chị Tố Kim đã quan tâm tới bài viết của tôi. NGH
ReplyDelete