Tuesday, January 2, 2024

Là… Tôi Đó Sao ? - Ngân Bình


Bạn bè đặt biệt danh cho tôi là “độc cô bại bại” – chứ không phải độc cô cầu bại. Có nghĩa là trong gia đình của bạn bè tôi, vợ là số một. Mỗi khi vợ chồng giận nhau, anh chồng luôn phải xuống nước xin lỗi dù có lỗi hay không. Còn tôi, chuyện đó… còn khuya!. Cứ mỗi lần khẩu chiến với chồng xong, bụng bảo dạ “phải để anh ta làm hòa trước”, thế mà… cuối cùng, tôi cũng là người mở miệng đầu tiên. Lạ hén. Chắc tại ông trời cho tôi cái tính mau quên, nên nhiều khi đùng đùng giận chồng, tôi nói thầm: “Đi đến tối luôn. Không nấu nướng gì hết, bỏ đói một bữa cho biết thân”. Nhưng vừa đề máy xe xong thì lại tự hỏi: “Ủa! đi đâu bây giờ, rồi.. lỡ anh đói bụng thì sao?”. Thế là nỗi giận hờn như tan biến đâu mất và tôi lại quày quả trở vào nhà.

Mẹ cưng tôi nên rất tức giận khi thấy con gái bị chồng ăn hiếp, nhưng ba lại phán đoán công minh hơn: “Con gái của bà có chồng rồi mà vẫn còn lanh chanh, lốc chốc. Thằng Vinh chững chạc đàng hoàng, nên phải để cho chồng nó dạy dỗ”. Dì Chín thì nói, tại cái mạng của chồng lớn hơn nên mới cầm quyền được tôi, chứ “con nhỏ này đâu có vừa gì”. Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng như thế.

Nhớ trước ngày đám cưới, dì Chín và chị Mây đã dạy cho tôi những cái “mánh” để “nắm cổ chồng”. Tôi nhớ lời nên khi đàng trai sang rước dâu, đi bên cạnh Vinh tôi cứ nhắm cái bóng của anh mà đạp lên đầu. Vinh níu tay kéo tôi đi chậm lại, nói nhỏ:
– Đừng đạp lên đầu anh, mai mốt anh bị bệnh nhức đầu tội nghiệp anh.

Chưa hết, khi nhập phòng, theo đúng kế hoạch, tôi chạy đến bên giường, gi vờ sắp xếp mềm gối lại cho thẳng thóm, chờ khi Vinh quay đi, tôi kéo chiếc gối của anh, mới vừa định đặt “bàn tọa” lên ngồi thì Vinh quay lại cười hóm hỉnh:

– Đứng lên, để anh trải áo của anh cho em ngồi lên luôn. Bảo đảm, sau này anh sẽ sợ em một phép.

Thì ra, những cái mánh này Vinh đã biết hết. Bị bắt tại trận, tôi “quê độ” đành phải cười ruồi.  “Ngay bước đầu đã bị đối phương lật tẩy nên thua dài dài là phải”, chị Mây nhăn mặt chì chiết. Chuyện gì xảy ra, tôi cũng giận dữ, la lối để làm theo ý mình. Vinh không nói gì chỉ nhìn tôi tủm tỉm cười... rồi im lặng hai ba ngày không thèm nói một tiếng. Bầu không khí vắng lặng, rợn người ấy tôi không sao chịu nổi, bèn quay sang gọi điện thoại cho bạn bè trút bầu tâm sự. Nhưng đâu ai rảnh rỗi mà nghe tôi nói suốt ngày, nên tôi đành phải xuống nước làm hòa để có người nói chuyện hay đúng hơn là có người nghe tôi nói.

Khi mới cưới nhau khoảng 2 tháng, tôi nghe lời nhỏ bạn – được tôi phong làm “quân sư” –  ngỏ ý muốn đi thẩm mỹ viện để làm 2 cái lúm đồng tiền cho thêm duyên. Vinh trợn mắt:
– Em đừng nhiều chuyện, có sao cứ để y như vậy cho anh.

Không đợi tôi phân trần, Vinh đi một mạch vào phòng, đóng cửa lại. Tôi ngồi trơ ra đó với nỗi bực tức mà không làm gì được ngoài việc gọi cho “quân sư” để bị đinh tai, nhức óc khi phải nghe giọng the thé trong điện thoại:
– Trời đất! sao bà khờ thế. Cứ lẳng lặng đi làm, đến lúc ổng nhìn thấy thì “ván đã đóng thuyền” khỏi ý kiến, ý ruồi gì cả.

Tôi ngớ ra:
– Ùm… ù… m…
– Ùm… ùm cái gì. Phải hiên ngang đứng thẳng, ưỡn ngực mà nói cho chồng biết rằng, anh đã xâm phạm quyền tự do cá nhân của tôi. Đây là xứ tự do, nhân quyền phải được tôn trọng một cách tuyệt đối. Nói thiệt nha, bà dại quá, cứ để cho hắn ăn hiếp. Được đằng chân lân đằng đầu, rồi sẽ có ngày bà không ngóc đầu lên nổi.

Nghe xong, tôi nổi máu anh hùng, xồng xộc vào phòng, lặp lại nguyên văn lời nói của “quân sư”. Không thiếu một câu. Không thừa một chữ:
– Anh đã xâm phạm quyền tự do cá nhân của tôi. Đây là xứ tự do, nhân quyền phải được tôn trọng một cách tuyệt đối… cho anh biết, bây giờ tôi muốn làm gì thì làm, anh không có quyền ngăn cản!

Đóng ầm cửa lại tôi đi ra ngoài và quyết định ngủ trên “sofa”. Tôi đắc ý với những gì mình đã làm. Ừ! ít ra cũng phải có thái độ để cho chồng biết là mình đang giận chứ. Tưởng Vinh sẽ năn nỉ để tôi được dịp làm mưa làm gió, ai ngờ chờ hoài chẳng thấy tăm hơi. Tôi rón rén vào phòng thì nghe tiếng ngáy khò khò. Nhìn tới, ngó lui, vừa đặt mình xuống giường thì Vinh tỉnh giấc. Nhìn sang tôi, anh hỏi giọng tỉnh queo:
– “Sofa” không êm hả em?

Tôi giận cành hông, nhưng không lẽ nửa khuya lại kéo nhau ra gây gổ nên đành im lặng nhịn thua.

 

*****

Vừa bước vào nhà đã nghe tiếng khóc hù hụ của mẹ. Tôi tuột nhanh đôi giày cao gót, hớt hải chạy vào:
– Chuyện gì đó mẹ?

Chị Mây khoát tay, ra dấu im lặng rồi nhỏ nhẹ nói:
– Mẹ à! bác Tri là bác Tri, còn mẹ là mẹ. Với lại... con của mẹ đâu giống con bác Tri mà mẹ lo.

Mẹ không khóc nữa nhưng vẫn còn tiếng thút thít. Tôi ghé vào tai chị Mây thì thầm hỏi:
– Đã xảy ra chuyện gì?

Chị Mây trả lời khe khẽ:
– Bác Tri đang ở trong nhà dưỡng lão, bác gọi điện thoại cho mẹ khóc lóc, kể lể mấy ngày nay. Bây giờ lại nghe tin trên TV, một nhân viên của “Nursing home” ngắt véo, bạc đãi một người già nên mẹ bị khủng hoảng tinh thần. Mẹ sợ sau này bọn mình sẽ đưa mẹ vào đó…

Tôi bật cười:
– Mẹ ơi! ở đất Mỹ này đâu phải như ở Việt Nam. Đến tuổi già, không tự chăm sóc mình được nữa thì phải chấp nhận vào viện dưỡng lão thôi. Nhập gia tùy….
– Tâm… mày có điên không?

Tôi còn ớ ra vì tiếng la “thống thiết” của chị Mây thì mẹ đã òa lên vật vã:
– Đó! nghe chưa, ngay con Tâm cũng nói vậy. Trời ơi là trời! sao mà khổ cái thân già…

Chị Mây đứng thẳng người, giơ tay phải lên, nói thật nghiêm trang:
– Con xin thề, con sẽ chăm sóc mẹ chu đáo cho đến ngày mẹ về với Chúa.

Trước khi đưa mẹ vào phòng, chị Mây quay lại, quắc mắt nhìn tôi. Tôi hơi chột dạ “hình như mình… sai sai”. Khoảng 10 phút sau chị Mây trở ra, xồng xộc bước đến đấm vào vai tôi:
– Con khỉ, mày có đầu óc không? có biết là mẹ đang hãi hùng, khiếp vía về việc đó không… mày muốn giết mẹ à?
– Em nghĩ…

Chị Mây gạt ngang:
– Nghĩ cái gì, những ý nghĩ khác người của mày chẳng hay ho gì đâu.Toàn là chuyện quái chiêu.
– Ơ! thực tế là thế mà!
– Nhưng thực tế không đúng chỗ là giết người biết không? Làm ơn nghe lời tôi, ráng giữ mồm giữ miệng. Nói với mẹ mình thì không sao nhưng nói với mẹ chồng như thế thì có ngày ăn đòn đó em!
– Ơ!…

Thật nhanh tôi liên tưởng đến chuyện vừa xảy ra. Chợt có tiếng chuông nhạc reo lanh lảnh, tôi với lấy chiếc xách tay và không giấu được vẻ lúng túng khi nhìn vào điện thoại. Liếc mắt nhanh về phía chị Mây, tôi tắt máy. Chị nhìn tôi ngờ vực:
– Ai gọi thế?
– Ơ… bạn. Thôi em về, mai em đến thăm mẹ.

Chị Mây nhìn thẳng vào mắt tôi, nghiêm khắc dặn dò:
– Có nói chuyện với mẹ thì phải cẩn thận nghe chưa.  Em đâu còn nhỏ nhít gì mà sao nói năng lung tung, không nhìn trước, ngó sau gì cả.

Tôi dạ liền miệng rồi lẹ làng rút lui. Ra đến xe, ngẫm nghĩ một lúc tôi chợt thấy lo lắng nên lấy điện thoại, bấm máy nghe tin nhắn. Giọng Vinh có vẻ gắt gỏng: “Em gọi cho anh, có chuyện quan trọng. Nếu gọi anh không được thì chiều qua nhà má… mình gặp nhau ở đó”.  Vinh gọi tôi trong giờ làm việc chắc chắn là có chuyện bất thường. Và chuyện bất thường ấy có thể là…

Nhớ đến mẹ và những lời của chị Mây tôi thấy hoảng. Chắc chắn một trăm phần trăm là tôi đã gây họa. Chết rồi, phải làm sao đây? Tôi bứt tóc, bứt tai khi nhớ lại lời chị Mây: “ráng giữ mồm giữ miệng, nói với mẹ mình thì không sao nhưng nói với mẹ chồng như thế thì có ngày ăn đòn!”. Không xong rồi, tôi hý hoáy bấm số gọi “quân sư” để cầu cứu:
– Hello! tôi gặp nạn rồi bà phải giúp tôi mới được!

“Quân sư” gằn giọng:
– Chuyện gì?
– Hồi sáng, tôi đến thăm má chồng. Thấy bà đang ăn bánh mì và hai lát xúc xích tổ bố, miệng mồm dính mỡ láng bóng. Tuần trước, bác sĩ dặn bà phải kiêng ăn vì bà bị bệnh tim mà “cholesterol” cao quá rất nguy hiểm, nên tôi nhắc nhở “Đây là món có hại cho sức khỏe, má ăn kiểu này coi chừng bị bệnh”. Má chồng tôi hứ hé: “Ối già rồi, bất quá thì chết chứ cữ kiêng chi cho mệt”. Tôi thật thà: “Lỡ má không chết mà nằm một chỗ thì ai lo cho má, vì tụi con đứa nào cũng đi làm. Lúc đó, chỉ có nước đưa má vô viện dưỡng lão. Ở trong đó mà má không biết tiếng Mỹ thì thê thảm lắm…

“Quân sư” kêu lên, giọng thảng thốt:
– Trời! bà còn ác hơn quân khủng bố, nỡ lòng nào dọa dẫm má chồng bằng câu nói trắng trợn, phũ phàng như vậy? Bây giờ, chắc là câu nói đó bay tới tai ông Vinh rồi phải không? Chỉ có ổng mới làm bà sợ quắn đít như thế? Người ta nói, nồi nào úp vung đó nhưng vợ chồng bà nồi vung gì trật lất hết trơn…

Không để cho “quân sư” có cơ hội xài xể thêm, tôi hối hả:
– Tôi biết rồi… bây giờ bà giúp ý kiến dùm… tôi phải làm sao cho bà già bớt giận. Nói thiệt, hồi nãy cũng vì cái chuyện viện dưỡng lão mà mẹ tôi vật vã khóc lóc thấy ớn.

Im lặng một hồi “quân sư” thở hắt ra, giọng pha chút chán chường:

– Được rồi, bà chạy qua nhà tôi lấy CD cổ nhạc về tặng cho má chồng. Tôi mới vừa lùng được hôm chúa nhật. Bảo đảm, toàn là những giọng ca thần tượng của bà già. Của hiếm, quý lắm đó nghe. Hy vọng nó sẽ cứu bà khỏi tội “tứ mã phanh thây”. Tôi chán bà quá nhưng cũng phải ráng giúp bà để tích đức mai sau, hầu về già không gặp con dâu vừa đong, vừa ác như bà.

Tôi hí hửng:
– He! he! Tôi chưa thấy ai tốt hơn bà.

Theo đúng kế hoạch của “quân sư” tôi đến nhà má chồng sớm hơn Vinh với 2 túi thức ăn, toàn những món khoái khẩu của bà và món quà đúng sở thích. Bước vào nhà, tôi lăng xăng mở máy nhạc. Trước khi nhạc trổi lên tôi đánh đòn tâm lý:
– Má biết không, con tìm biết bao lâu mới được cái CD này, toàn là những giọng ca trứ danh. Con nói với bà chủ, đây là những nghệ sĩ má tôi thích nhất. Bà ấy nói, má cô đúng là người điệu nghệ. Nghe cổ nhạc phải nghe cỡ Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Phượng Liên… chứ cái đám trẻ bây giờ, nó hát vọng cổ cái gì mà uốn éo, lên đồi xuống dốc nghe không vô. Bả còn đòi xin số điện thoại của má để kể chuyện cải lương thời xa xưa.

Tôi liếc qua, thấy khuôn mặt nặng chịch của má chồng khi nãy bỗng nhẹ nhàng, tươi tắn ra. Tiếng hát thần tượng vừa cất lên, bà tựa đầu vào “sofa”, đôi mắt mơ màng như đang bước vào vùng kỷ niệm êm đềm của những ngày xa xưa. Tôi thở hắt ra như trút được gánh nặng. Chưa bao giờ tôi dốc lòng cầu xin cho má chồng quên hết những gì tôi nói sáng nay để tôi được yên thân, không thôi… tối nay, ngày mai, ngày mốt, chồng tôi lại trở thành “người câm bất đắc dĩ”.

Có tiếng mở cửa, tôi chưa kịp đứng lên Vinh đã bước vào, nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng:
– Hồi sáng, em nói gì…

Nghe tiếng Vinh, má chồng ngồi bật dậy, vui vẻ khoe:
– Vợ con mua cho má cái CD này hay quá. Má thích lắm. Con nhớ “in” ra thêm một bản nữa, để lỡ cái này hư thì còn cái khác. Con Tâm tốn công lắm mới tìm được mấy cái CD này đó!

Vinh tròn mắt nhìn má chồng, nói vừa đủ cho tôi nghe:
– Em hay thiệt. Mới hồi nãy má khóc la như trời sập, nói anh phải về ngay tức khắc để “xử tội” em. Thế mà bây giờ… giống như không có chuyện gì.

Tôi lẹ làng dọn thức ăn lên bàn. Bữa ăn thịnh soạn với những món ăn ngon làm má chồng và chồng tôi vui ra mặt, nhưng người vui nhất là tôi. Tạ Ơn Trên đã cho má chồng tôi “mất trí nhớ” kịp thời, chứ không thì giờ này chắc tôi đang sửa soạn bước lên pháp trường. Tôi vào phòng gọi điện thoại cho “quân sư”:
– Kế hoạch thành công mỹ mãn. Cám ơn bà đã cứu tôi.
– Khỏi cám ơn. Có rảnh thì đi ra chợ mua cái gương to tướng về treo đầu giường, rồi mỗi lần muốn nói gì thì làm ơn đứng trước gương mà uốn lưỡi. Người ta chỉ cần uốn lưỡi 7 lần nhưng bà thì phải tới 70 lần.

Tôi giả nai:
– Ủa! tôi đâu có định làm MC mà phải tập uốn dẻo cái lưỡi.
– Làm thế để bớt phát ngôn bừa bãi, bớt tào lao thiên địa, bớt làm phiền người khác… và tôi cũng bớt rùng mình, nổi da gà mỗi khi nghe bà gọi điện thoại.

Tôi ngẩn người khi nghe những điều mà “quân sư” đang tả về tôi và tự hỏi là… tôi đó sao?

 

Ngân Bình 

1 comment: