Trong một bài văn gửi đăng trên trang này, tôi đã kể về 6 chị em chúng tôi đón đêm Noel cuối cùng trên quê hương tại Rạch Giá ra sao. Không ngờ hơn một tháng sau, chúng tôi vẫn còn mắc kẹt tại đó, vì bọn công an cứ hứa lần hứa lửa: “Tàu sắp được đi rồi” nên chẳng ai dám bỏ về Sài Gòn. Vậy mà lạ lắm, không ai buồn rầu, nhớ nhung những ngày sắp Tết. Có lẽ do tinh thần rất phấn chấn vì sắp được thoát khỏi Việt Nam rồi!? Một Việt Nam sau 3 năm thống nhất: lam lũ, nghèo đói tràn lan khắp nơi bất kể nông thôn hay thành phố; hầu như gia đình nào cũng có cha, anh, chú, bác đang bị trù dập, tẩy não trong những trại cải tạo nơi rừng thiêng nước độc; biên giới Việt Trung căng thẳng và nhà nước lại rục rịch bắt thanh niên thiếu nữ đi nghĩa vụ quân sự cho chiến trường Campuchia … Thử hỏi trong bối cảnh đó, ai đã có được một chân trên tàu vượt biển bán chính thức, lại còn õng ẹo, bày đặt nhớ nhà, nhớ Sài Gòn làm chi!?
Chị em chúng tôi cũng vậy, ngày ngày lo
ăn ngủ để lấy sức cho chuyến hải hành sắp tới đầy sóng gió. Sáng sáng, sau khi
cuốn mùng và chăn chiếu vào một góc nhà để căn phòng 11 cô thiếu nữ chia với
nhau được thoáng mát sạch sẽ, chúng tôi học ôn tiếng Anh với nhau. Không có
sách nên chị lớn của tôi nhớ đến đâu thì dạy cho mấy em nhỏ như tôi đến đó. Đến
trưa, thời gian đầu lúc còn tạm đủ tiền, cả bọn đi bộ đến quán cơm người ta nhận
nấu cơm tháng cho. Về sau, khi không còn dư dả, chị tôi liều lĩnh dẫn cả bọn đi
ăn tại quán cơm quốc doanh xéo nhà lồng chợ Rạch Giá. Thực đơn quanh đi quẩn lại
chỉ có thịt kho lõng bõng nước, nhiều hột vịt hơn thịt heo; tô canh cải bẹ xanh
lơ thơ vài cọng cải, tép khô thì … tuy … chết rồi, nhưng không nổi lên, lại lặn
tuốt luốt đâu mất tiêu?! Nhưng như đã nói, chị em chúng tôi vẫn cứ vô tư lự, lại
còn không biết sợ, không giữ ý, giữ kẽ. Lúc đầu còn kín tiếng, không dám cho
người ta biết mình là người Việt, đi bằng giấy tờ giả làm người Hoa, nhưng chỉ
được vài tuần, bọn tôi “m‘ en fout” hết, dần hồi nói cười tỉnh queo. Chúng tôi
đi ăn ở tiệm cơm quốc doanh nhiều tới nỗi quen cả một chị tiếp viên ở tuốt miền
Bắc đưa vào đây. Chị nghe ra giọng Bắc của chị em chúng tôi nên lân la trò chuyện,
chắc chị cũng nhớ nhà, nhớ quê và cảm thấy gần gũi với các cô em nói được giọng
dễ nghe cho chị chăng? Quen khá thân tới nỗi đến đầu tháng Tư, khi chúng tôi được
đi, bọn tôi tiếc của, đã gửi lại chị chỗ nồi niêu chén diã còn rất tốt đã mua ở
chợ Rạch Giá để sau đó Mẹ chúng tôi ghé qua lấy. (Sau đó, Mẹ tôi có ghé qua chị
thật, nhưng Mẹ gởi tặng lại chị hết) Nghĩ lại, thấy bọn tôi đúng là “điếc không
sợ súng!” Cũng may, chắc chị ta chỉ là cán bộ quèn, hoặc tâm hồn cũng còn chất
phác nên không tố giác chúng tôi hay làm tiền trực tiếp. (Nếu chị có đọc được
những dòng này, xin ghi nhận lời-cảm-ơn chân thành của chúng em nhé!)
Cơm nước xong, chúng tôi về lại nhà trọ
đánh giấc nghỉ trưa. Thị xã Rạch Giá thời đó đúng là “nửa chợ nửa quê”, ít xe cộ
ồn ào nên không khí khá trong lành, hơn hẳn Sài Gòn. Vì ở gần biển nên không
nóng nực lắm, lúc nào cũng có ngọn gió hiu hiu. Nhưng trưa nắng gắt, ai cũng trốn
trong nhà, đó đây, thỉnh thoảng có chú gà trống giựt mình gáy bậy, liền có vài
tiếng chó sủa vu vơ đáp trả. Tuyệt nhiên không nghe tiếng xe máy, không có tiếng
Radio, vì những hàng này dù có, người ta cũng không dám xài một cách phô trương
nữa. Những công việc nhà như gánh nước, giặt giũ, phơi phóng, chợ búa, quét dọn,
… người ta đã làm vào buổi sáng hết rồi. Còn những nông dân, chài lưới hay công
nhân họ sinh sống ra sao, tôi không được biết, vì bọn tôi chỉ dám quanh quẩn ở
nhà trọ mà thôi.
Có lẽ Rạch Giá là xứ trù phú, tự cung cấp
thực phẩm cho chính mình được, nên cuộc sống người dân nơi đó không vất vả lắm
như ở Sài Gòn. Độ 3-4 giờ chiều trở đi, thị xã mới lao xao thức giấc. Đó đây
nghe tiếng nước máy, tắm rửa, nồi niêu lách cách, chắc người ta chuẩn bị bữa
cơm chiều. Tôi nhớ hoài trong nhà trọ hai tầng lầu, phòng bên kia có một gia
đình người Tiều khá đông đúc, có đủ “tồ-hia”, “chế” và cháu chắt, của mấy gia
đình cùng nhau đi vượt biển,… có một chị tên Đ, siêng đi tắm sớm (để khỏi dành
nhà tắm với nhiều người lúc chiều?), lúc nào tắm xong, chị cũng đứng trước cái
gương nhỏ treo ở cửa sổ để uốn tóc bằng những cuốn tóc bằng ny-lon, màu xanh, đỏ.
Chị vừa ngắm nghía mình vừa ca nho nhỏ: “Chỉ còn gần em một giây phút thôi! Một
giây nữa thôi là xa nhau rồi … Biển xanh vẫn xanh người đi sao đành? …” Lúc đó
tôi còn nhỏ, đâu có biết bài hát đó của ai viết, nhưng tôi thấy tự dưng lòng
mình xao xuyến kỳ lạ, mặc dù chẳng có ai để “một giây nữa thôi là xa nhau rồi”,
chỉ mơ hồ thấy như một cái gì đó rất quan trọng sắp xảy ra!
Chiều chiều, chị em chúng tôi lại thả bộ
đến quán cơm tháng bình dân. Phải công nhận là bọn chúng tôi lúc đó sống thiệt
vô tư, hết sức “tiểu tư sản”, bởi vậy bà chủ nhà trọ ghét chúng tôi ra mặt.
(Thưa dì Năm, những gì con sắp viết ra đều là sự thật, nếu Dì đọc được những
dòng này, xin niệm tình tha thứ!) Chắc trong mắt bà, bọn tôi là một lũ con gái
làm biếng, lại không biết điều, chẳng biết xun xoe lấy lòng “dì Năm” gì hết.
Quý vị phải hiểu là người chị lớn nhất trong đám chị em chỉ mới 20 tuổi, tính
tình quá hiền hậu, không biết “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, chẳng biết
giả lả biếu xén dì Năm gì sất mà dì lại là người rất thực tế; “Dạ thưa dì Năm”
chay tịnh như thế không đủ cho dì hài lòng. Bà Năm “chiếu tướng” chúng tôi
không rời mắt! Suốt ngày bà ngồi trên bộ ngựa hay đong đưa trên võng ngay chỗ cầu
thang dẫn lên lầu. Tại nơi chiến lược đó, bà có thể quan sát nhất cử nhất động
của mọi người ở trọ: ai khiêng mấy thùng nước, đầy hay vơi, hứng từ vòi nước
ngoài hàng ba nhà bà để vô tắm; ai ngồi quá lâu trong nhà xí và xối bao nhiêu
lon nước, v.v.. Tôi không nói ngoa đâu! Ai cũng ngán bà Năm, riêng với chúng
tôi bà là “hung thần” một thời!
Chúng tôi ngồi nhà ăn như thế, núi Hy Mã
Lạp Sơn cũng lở nữa là tiền Mẹ chắt chiu gởi cho! Thế là gần Tết, Mẹ tôi cử người
chị lớn nhất trong nhà xuống Rạch Giá tiếp tế cho lũ em. Chị hai khéo léo “Dạ
má con gởi dì Năm 2 cục xà bông Camay xài thử”, dì Năm vui vẻ liền. Thời đó, mặt
hàng ấy bắt đầu hiếm hoi, là xa xí phẩm, chỉ còn mua được ở chợ trời. Được thế,
chị hai tôi ỏn ẻn xin dì Năm “cho mấy em con kê 2 ông Táo trên sân thượng của
dì để tự nấu ăn”. Từ đó, tụi tôi sống dễ thở hơn, không còn hồi hộp khi đi
ngang chỗ dì Năm ngồi nữa. Từ đó, chị thứ 5 lo phần cơm nước. Cũng “may”, nhờ 3
năm sau ngày thống nhất, chị tôi bất đắc dĩ được huấn luyện biết nấu cơm bằng bếp
dầu hôi, rồi đến bếp than và cả bếp củi, nên chị không bỡ ngỡ, lo được cho đàn
em ngày 2 bữa cơm tươm tất, nóng sốt. Tội nghiệp chị, nấu cơm chiều còn đỡ vì nắng
đã khuất sau bức tường cao, nhưng cho bữa trưa chị phải giang nắng chang chang,
lần nào chị cũng mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại … Giờ nhớ lại, thấy
thương chị ghê!
Chúng tôi mau chóng chia công việc cho
nhau: người lo giặt quần áo, kẻ đi chợ, đứa nhỏ như tôi được giao nhiệm vụ rửa
chén bát. Sáu chị em chỉ có độ 15mét vuông để “sống”, có nghĩa là sáng sáng xếp
dọn mùng mền chiếu gối vô góc phòng, tối tối lôi ra, nằm xếp lớp cạnh nhau, đầu
quay vô tường, chân duỗi ra giữa phòng, bên phía kia là 5 cô gái Hoa kiều đi
bán chính thức cùng trong tàu. Từ khi bà Năm bớt hầm hầm với tụi tôi, “hàng
xóm” đang ở trọ phòng kế bên mới dám lân la qua chơi, trò chuyện với “6 cô tiểu
thơ” - tên họ tặng cho tụi tôi mà sau này tụi tôi mới biết. Đêm về, bà Năm chỉ
cho thắp một ngọn đèn tối mù mù nên tụi tôi không học hành chi, không có Tivi,
ti-viếc, cũng không biết mùi Ciné ra sao, quý vị biết chúng tôi giết thì giờ ra
sao không? Dĩ nhiên là ca hát, đụng đâu nhớ đó thì bắt giọng. Ca hát riết cũng
mệt và hết bài, may mà có một cậu hàng xóm mặt mũi rất thư sinh, hoá ra là một Fan
lớn của Kim Dung! Cậu ta lại có một trí nhớ đáng khâm phục, chịu khó ngồi kể lại
cho tụi tôi nghe Lục Mạch Thần Kiếm là bộ các chị tôi chưa được đọc. Nhớ hồi
trước 75, Sài Gòn lên cơn sốt vì truyện chưởng, mấy chị lớn trút hết tiền bỏ
heo ống ra để đi mướn các bộ kiếm hiệp kỳ tình đó về đọc. Vì nhỏ nhất nhà, đọc
chậm, nên tôi chỉ được lướt qua vài trang là bị lấy lại vì đã hết thời hạn mướn,
các chị mau mau trả lại nhà sách để “thỉnh” cuốn kế tiếp! Tuy không được “luyện
chưởng chính tông” nhưng tôi cũng biết hết Hoàng Dung, Quách Tĩnh là ai? Vô Kỵ,
Triệu Minh là thường, tôi còn biết cả Chu Chỉ Nhược, Kim Hoa Bà Bà nữa là. Cũng
nhờ công các chị lớn say sưa bàn luận với nhau những đoạn lâm ly, hấp dẫn nên
tôi cũng biết kha khá. Những đêm nằm bẹp tại Rạch Giá đợi công an cho đi, trở
nên bớt tẻ nhạt nhờ “cậu hàng xóm” phòng bên kia chịu khó ngồi kể lại tình sử
Đoàn Dự vs Vương Ngọc Yến. Tôi nhớ lúc đó tôi không thích nhân vật Đoàn Dự lắm
vì thấy sao hắn ta có vẻ say mê “thần tiên nương tử” quá độ, nhưng người kể chuyện
không chịu nhận yêu cầu khác của thính giả nên tụi tôi đành chăm chú ngồi nghe,
thỉnh thoảng cười rộ vì những chi tiết ngôn tình!
Lụi hụi rồi năm hết, Tết đến. Tụi tôi
cũng không suy tư, nhớ nhung gì nhiều. Tình hình chiến sự Campuchia ngày càng
lao xao nên dân tình có lẽ cũng e dè, thắt hầu bao. Tôi không còn nhớ Rạch Giá
có chợ hoa, chợ Tết như Sài Gòn không? Mãi đến khi còn độ một tuần trước Tết,
cô con gái lớn của bà Năm quậy bột đổ bánh kẹp thơm lừng khắp nhà, tôi mới ý thức
được Tết sắp đến rồi. Còn nhớ, tôi lăng xăng bên chị xin phụ và bây giờ thì má
chĩ tức bà Năm không còn dữ dằn với chúng tôi nữa nên chị ấy cũng cho tôi tập đổ
thử. Phải đổ trong một cái khuôn bằng sắt, kẹp chặt lại, nướng trên bếp than
nên phải lật lẹ tay để không bị cháy khét. Khi bánh vừa chín, ụp ra là phải
nhanh tay cuộn bánh lại bằng một khúc gỗ tròn. Bánh được cuộn lại như cái
xì-gà, rồi xếp nhẹ nhàng, lớp lang vô hộp thiếc. Được cho phụ cuộn bánh, tôi
vui lắm và trong lòng có chút hy vọng lát hồi chị sẽ cho tôi vài cái bánh ăn. Rốt
cuộc tôi chỉ được hưởng vài cái bánh cuộn không khéo, bị bể hay bị cháy sém.
Buồn năm phút!
Chiều 30 Tết tôi mới biết buồn thật sự;
Không gói bánh chưng, không cúng Giao Thừa, không dọn nhà dọn cửa, chà sân trước
cho sạch sẽ và được để sẵn cái áo đầm hồng ba tôi mua cho từ Hồng Kông để mặc
vào sáng Mùng Một. Sáu chị em buồn bã đi ngủ sớm, cả thị xã cũng im ắng vì
không được đốt pháo.
Sáng Mùng Một tại nhà trọ cũng như mọi ngày trước, không đứa nào nhìn đứa nào, cũng không dám nhắc lại “Hồi đó … “. Nhắc làm chi nữa khi không có bao lì xì đỏ tươi; không có “Bầu Cua Cá Cọp” cho bọn con nít và “Tam Cúc“ cho người lớn; không có lén Mẹ bóc bánh chưng ra đem chiên - một điều Mẹ tôi la hoài vì theo ý bà, bánh chưng mới nấu còn dẻo, thơm lừng, ăn như thế mới ngon. Chính thức thì sau ba ngày Tết bà mới cho phép chúng tôi đem bánh chưng ra chiên, một món khoái khẩu cho bọn trẻ. Nhưng năm nào cũng vậy, thấy mẹ dắt xe đạp đi đến nhà bà con, họ hàng chúc Tết là tụi tôi lôi bánh ra chiên ngay!
Chị thứ 5 lo phần nấu nướng cho cả bọn uể oải không thiết đụng nồi, đụng niêu. À quên, theo tập tục, 3 ngày Tết ta không nên nấu nướng nhiều vì Ông Bà Táo còn đang bận dâng Sớ Táo Quân, thực chất là “mách lẻo” với Ngọc Hoàng Thượng Đế về gia cảnh chủ nhà cơ mà?! (Nói đùa chút chơi!) Chắc vì vậy nên chị tôi quyết định dẫn lũ em ra nhà lồng chợ Rạch Giá tìm món ăn. Lạ quá! Nhà lồng chợ khá đông đúc. Ngày xưa, buôn gánh bán bưng có cực khổ mấy cũng không bao giờ làm lụng vào 3 ngày tết. Thế mà hôm nay có nhiều hàng quán mở đón thực khách. Nhìn kỹ thì thấy thực khách đa số là người trong tàu và của 2 tàu khác cũng đang chờ được cho đi bán chính thức. Cảm ơn những người dân chợ Rạch Giá, không có quý vị, chúng tôi không biết ăn uống làm sao vào ngày Mùng Một Tết.
Chúng tôi sà vào sạp bánh cuốn, húp lấy
húp để nước mắm pha ngòn ngọt và lần này chị tôi hào sảng cho mỗi đứa thử món
bánh cống có con tôm đỏ au với vị bánh bùi bùi vì có đậu xanh - một đặc sản của
miền Tây mà gia đình gốc Bắc như chúng tôi ở Sài Gòn chưa được nếm thử. Bỗng thấy
đời đẹp trở lại!
Xế trưa hôm đó, cô con gái út của bà Năm lấy hết can đảm ghé qua, nhờ chị tôi dạy hát bài “One Day When We Were Young” của Richard Tauber đã được Phạm Duy phổ lời Việt. Lắc léo một chút là cô ấy muốn học bằng tiếng Anh cơ! Chị tôi cũng tận tâm dạy từng câu, tập phát âm từng chữ cho đúng. Phải mất gần ba tiếng cô con gái bà Năm mới hát được sao cho người ta nghe ra được lời! Cũng tội, nơi đây nước phèn lờ lợ hay sao nên lưỡi chị ta hơi cứng, nhất là chữ “e-rờ” thật đúng là thử thách lớn cho trò lẫn thầy. Nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ, sung sướng của chị ta, chúng tôi cũng vui lây!
Mùng Một của cái Tết cuối cùng trên quê
hương chúng tôi như vậy đó. Không mai vàng, không bánh chưng xanh, không bao lì
xì đỏ, nhưng chúng tôi cũng có những giây phút vui cười nên lòng thấy phơi phới.
Nhất là viễn ảnh “sắp được đi” khiến chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ Ba
Mẹ, Thầy Cô và bạn bè sắp bỏ lại hết sau lưng.
Chùa Lá, 12/01/2024, Nttk cám ơn Rạch Giá
đã cho chúng tôi những ngày ấm áp cuối cùng trên quê hương.
Hình
lượm trên mạng, xin miễn bản quyền.
No comments:
Post a Comment